THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)


II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM



tải về 183.23 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích183.23 Kb.
#29353
1   2   3

II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Bàn về "doanh nghiệp dân tộc"

Đài RFA (đêm 27/10) - Khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến lần đầu tiên hồi cuối năm 2009 trong một báo cáo trước Quốc hội, nhưng dường như khái niệm này mới chỉ dừng lại ở ý tưởng và trên thực tế, để trở thành thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp Việt còn phải vượt qua nhiều chông gai.

Thương hiệu Việt

Ngay từ tên gọi “doanh nghiệp dân tộc” đã gợi đến hình ảnh một thương hiệu mạnh của quốc gia, nhắc đến doanh nghiệp đó là người ta nghĩ ngay đến quốc gia mà nó đại diện. Chẳng hạn, Honda của Nhật Bản, Sam Sung của Hàn Quốc, Coke của Hoa Kỳ… hẳn nhiên, để thế giới công nhận, những tên tuổi đó phải trải qua bao thăng trầm, đánh đổi.

T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý Kinh tế kinh doanh từng có lần khẳng định một nền kinh tế mạnh phải có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn và mạnh, có thương hiệu, sáng tạo, năng động, có năng lực cạnh tranh cao. Thương hiệu mạnh là biểu tượng của đất nước.

Việt Nam cần có các doanh nghiệp dân tộc, cần có các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, cần có những doanh nghiệp của người Việt Nam và có thương hiệu Việt Nam và đại diện cho dân tộc, cho nền kinh tế Việt Nam, đây là điều mà Việt Nam chưa có.

Nhắc đến doanh nghiệp dân tộc là nhắc đến sự tự chủ, tự lực, tự cường của doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp dân tộc đó vẫn phải chứa đựng trong mình cả yếu tố văn hóa và con người Việt Nam. Chia sẻ về định nghĩa doanh nghiệp dân tộc với chúng tôi, giám đốc điều hành của một công ty nằm trong Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam nhấn mạnh:

Nếu nhắc đến khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” thì thật ra điều này đã nhen nhóm từ rất lâu rồi, tuy nhiên, gần đây khái niệm này mới phổ biến rộng rãi, tôi chỉ có thể khái quát hóa theo quan điểm cá nhân, thực sự có 3 ý chính. Thứ nhất, một doanh nghiệp dân tộc phải khẳng định đó là của dân tộc đó, có thể đó là Nga hay Mỹ, ở đây là Việt Nam, nên doanh nghiệp đó phải là của Việt Nam, từ người chủ cho đến mục tiêu, định hướng và nguồn lực của nó. Thứ hai, triết lý doanh nghiệp là phải hướng đến, nhằm phục vụ dân tộc, ở đây nghĩa là tỉ lệ nội địa hóa, thành phần chất xám, trí tuệ của Việt Nam phải có hàm lượng cao. Thứ ba, ở đây nó cũng mang một ý nghĩa rất sâu xa, doanh nghiệp dân tộc là thể hiện tính chất, đặc điểm của con người Việt Nam, đó là sự tự lập, tự cường và cũng có thể nói là bất khuất, kinh doanh thương trường như chiến trường.

Như vậy, 3 yếu tố cơ bản của doanh nghiệp dân tộc được đề cập, đó là doanh nghiệp của Việt Nam, tỉ lệ nội địa hóa cao và bao hàm ý nghĩa phát huy lòng tự hào dân tộc.

Theo vị giám đốc này, để tạo dựng những thương hiệu Việt được thế giới công nhận thì bước đầu, chính những doanh nghiệp đang có lợi thế trong các ngành mũi nhọn nên tập trung và phát huy những mặt hàng chủ lực có sẵn như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo hay các mặt hàng thủy hải sản… Những thế mạnh này sẽ là tiền đề tốt để các doanh nghiệp từ đó tiếp tục xây dựng thương hiệu.



Cạnh tranh quốc tế

Mặc dù thời gian qua, Việt Nam cũng đã xuất hiện một số tên tuổi gây được chú ý trên thương trường trong nước, tuy vậy, theo đánh giá của T.S Lê Đăng Doanh, đường hướng kinh doanh của họ mới chỉ chạy theo những lợi ích trước mắt, ông phân tích:

Những doanh nghiệp dân tộc là những doanh nghiệp dân doanh của chúng ta hiện nay chưa lớn mạnh là bởi vì thể chế hiện nay đang hướng họ tới việc kinh doanh theo những lợi ích ngắn hạn, kinh doanh thông qua các mối quan hệ, kinh doanh chủ yếu là ăn chênh lệch về đất, khai thác tài nguyên, đốn gỗ trong rừng, khai thác khoáng sản và như vậy họ rất chậm trong việc trở thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ thành những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế.

T.S Lê Đăng Doanh cũng nhìn nhận rằng một yếu tố khác là sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế như khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài hay của khối doanh nghiệp Nhà nước được hưởng ưu đãi hơn nhiều so với khối dân doanh, ông tiếp lời:

Các đại gia Việt Nam giàu lên có đến hàng tỉ USD nhưng lại không có năng lực cạnh tranh quốc tế, đấy là những điều rất đáng tiếc, bởi họ bị doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chèn ép và họ cũng bị các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chiếm giữ thị phần và giành các phần rất lớn về tín dụng, tài nguyên cũng như các dự án đầu tư của Nhà nước. Đây là điều rất đáng tiếc! Mặc dù trong nghị quyết của Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định kinh tế tư nhân là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Một trong những lý do mà gần đây khái niệm “doanh nghiệp dân tộc” được giới học giả Việt Nam nhắc đến nhiều là nỗi lo về những chuỗi siêu thị lớn của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiêu diệt hệ thống bán lẻ nội địa, hay sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến người ta nhắc nhiều hơn đến tính tự chủ của nền kinh tế trong nước.

Đã từng có lần GS-TS Nguyễn Mại bàn luận: độc lập tự chủ về chính trị là tiền đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, ngược lại, sự tự chủ về kinh tế cũng là điều kiện để đảm bảo độc lập về chính trị. Ông cho rằng tự chủ về kinh tế quan trọng nhất là về đường lối, chính sách kinh tế được xây dựng thành hệ thống hoàn chỉnh đặt trên căn bản lợi ích dân tộc.

Hẳn nhiên, để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì cơ sở cho sức mạnh đó chính là tinh thần kinh doanh dân tộc được kết nối với nhau, tinh thần dân tộc đó lúc nào cũng ẩn chứa trong mỗi doanh nhân hay trong mỗi doanh nghiệp. Điều quan trọng giờ đây là cách thức mà Chính phủ kết nối và phát huy tinh thần dân tộc để những doanh nghiệp và doanh nhân Việt có thêm sức mạnh cạnh tranh.

Thương trường là chiến trường, dù chiến trường đó là trong nước hay ngoài nước, những chiến sĩ/ doanh nghiệp nội địa cho chúng tôi biết rằng, phía sau họ vẫn là người dân Việt Nam, tinh thần dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng và ủng hộ họ trong những cuộc chiến không cân sức.
III. PHẦN QUỐC TẾ
XUNG QUANH HIỆP ĐỊNH TPP
Xung quanh vòng đàm phán mới về TPP tại Sydney

TTXVN (Sydney 27/10) - Bộ trưởng Thương mại liên bang Australia, Andrew Robb ngày 27/10 cho biết Australia và đại biểu từ 11 quốc gia đã đạt được “bước tiến quan trọng” hướng tới hoàn tất Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau hội nghị kéo dài 3 ngày tại thành phố Sydney vào cuối tuần vừa qua.

Sau nhiều cuộc gặp song phương, các nước tham gia TPP đã cho thấy sẵn sàng nhượng bộ hơn so với thời gian trước đây, dẫn tới tiến triển đáng kể trong đàm phán về khả năng tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Thỏa thuận TPP, với 12 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, khi hoàn tất dự kiến sẽ chiếm 40% lượng thương mại toàn cầu.

Ông Robb cho biết các nước đã tiến gần sát tới mục tiêu hoàn tất đàm phán TPP. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số vấn đề cần thảo luận. Các nước sẽ tiếp tục thảo luận và hội nghị cấp bộ trưởng dự kiến sẽ được tiến hành trong vài tuần tới.



TTXVN (Tokyo 27/10) - Các bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP khẳng định hội nghị kéo dài 3 ngày, kết thúc ngày 27/10 ở Sydney đạt được bước tiến song vẫn còn một số những vấn đề vẫn chưa được giải quyết trước khi tiến tới một thoả thuận.

Các vị bộ trưởng thương mại khẳng định trong tuyên bố chung sau hội nghị đầu tiên kể từ tháng 5/2014 này rằng “đã đạt được bước tiến đáng kể” về vấn đề thuế quan và xác lập các quy định thương mại thống nhất theo sáng kiến TPP.

Tuyên bố cho rằng một thoả thuận TPP “đang hình thành” và các bên sẽ lại nhóm họp trong vài tuần tới. Quốc vụ khanh Nhật Bản Akira Amari cho biết các bộ trưởng hy vọng sẽ tái ngộ ở Bắc Kinh vào tháng 11/2014 bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Trong khi các bộ trưởng nhấn mạnh đến những bước tiến trong đàm phán hiện đã bước sang năm thứ 5 này, Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa đạt được thoả thuận song phương vốn được dư luận chờ đợi và được coi là có vai trò quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán của 12 nước thành viên.

Việc hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP chưa đi đến nhất trí đã phủ bóng đen lên mục tiêu đạt thoả thuận chung vào cuối năm 2014 mà Mỹ đề ra.

Sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman sáng 27/10 bên lề phiên họp toàn thể, Quốc vụ khanh phụ trách TPP Amari cho biết mốc hoàn tất cho đàm phán song phương vẫn chưa rõ ràng. Ông Amari khẳng định vấn đề còn lại vô cùng khó khăn và “không thể giải quyết một cách dễ dàng”, đồng thời khẳng định ông dự kiến sẽ nối lại đàm phàn với ông Froman khi 12 bộ trưởng gặp lại.

Được hỏi rằng liệu hội nghị cấp cao TPP có diễn ra vào tháng 11/2014 ở Bắc Kinh hay không, Quốc vụ khanh Amari cho biết vẫn chưa bàn bạc cụ thể về việc này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng ông muốn tài liệu về sáng kiến thương mại tự do đầy tham vọng này cần đạt được vào đúng thời điểm ông đặt chân đến thủ đô của Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi giữa Nhật Bản và Mỹ về thuế và các vấn đề xe hơi là một trong những điểm khúc mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về TPP, sáng kiến chiếm tới 40% tổng sản lượng toàn cầu.

Hai nước hiện vẫn đang vấp phải trở ngại liên quan đến thuế suất của Nhật Bản đánh vào các mặt hàng nông sản nhạy cảm như gạo, lúa mỳ, thịt bò-lợn, sữa, đường, và các biện pháp bảo hộ mà Tokyo muốn áp dụng đối với thịt bò, thịt lợn một khi lượng nhập khẩu tăng lên do tác dụng của TPP. Nhật Bản cũng muốn đấu tranh để tìm kiếm sự đồng thuận chung về các vấn đề xe hơi với Mỹ.


ĐÔNG NAM Á
Đánh giá nội các của Tổng thống Indonesia Joko Widodo

TTXVN (Jakarta 28/10) - Sáu ngày sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức, ngày 26/10, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã công bố danh sách nội các chính phủ nhiệm kỳ 2014-2019. Xung quanh vấn đề này, dư luận quốc gia “Vạn đảo” đã có những phân tích, đánh giá về quyết định lựa chọn nội các của Jokowi cũng như các thuận lợi, khó khăn của chính phủ trong thời gian tới.

Trong bài xã luận: “Nội các của các nhân tố thay đổi”, báo Bưu điện Jakarta cho rằng việc bổ nhiệm nội các gồm các chuyên gia, các nhà chính trị tạo cơ sở chính trị vững mạnh, cân bằng tốt nhất giữa nhu cầu đảm bảo hiệu quả chính sách tối đa và độ co giãn cần thiết trước thực tế chính trị nhạy cảm và phức tạp. Tổng thống Jokowi và Phó Tổng thống Jusuf Kalla phải vật lộn trong hơn 6 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, phải đương đầu với sự chia rẽ, cạnh tranh, chống lại áp lực mặc cả của các phe phái trong liên minh đảng cầm quyền. Thành phần nội các vừa công bố dù chưa đáp ứng được yêu sách của tất cả các đảng phái khi nhiều nhân vật trong số 34 bộ trưởng khá xa lạ, nhưng có thể đảm bảo rằng các bộ trưởng đã vượt qua vòng kiểm duyệt của Ủy ban chống tham nhũng (KPK). Đây chưa phải là nội các hoàn hảo nhưng quy tụ đội ngũ làm việc tốt nhất để ông Jokowi làm sạch hệ thống tham nhũng trong bộ máy chính phủ. Các Bộ trưởng sẽ đóng vai trò tác nhân thay đổi để giúp tổng thống cân bằng nền tảng đạo đức cao với sự thỏa hiệp theo nhu cầu chính sách thực dụng. Jokowi đã hành động một cách chính xác khi nghiêng về các chuyên gia và không bận tâm với các khuyến nghị từ lãnh đạo các đảng phái, bởi dường như ông nhận ra rằng thành tựu kinh tế sẽ quyết định di sản của mình. Điều mà Tổng thống Jokowi thực sự cần không phải là bản danh sách dài các lời khuyên kinh tế cũng như đội ngũ các cố vấn mà là một trung tâm quản lý chương trình nghị sự hiệu quả, nhanh chóng vượt qua thách thức thông qua sự điều hành ở mức cao nhất. Bộ trưởng kinh tế Sofyan Djalil có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý thị trường vốn, các công ty nhà nước và có phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ; Bộ trưởng Tài chính Bambang Brodjonegoro được đánh giá cao về lĩnh vực đầu tư; Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Rini Soemarno cũng là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm khi từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Thương mại dưới thời bà Megawati Soekarnoputri (2001-2004). Tương tự như vậy, các Bộ trưởng phụ trách các nguồn tài nguyên nông nghiệp, sản xuất, năng lượng và khoáng sản, tài nguyên biển cũng là các chuyên gia lão luyện.

Liên quan đến một số nhân vật trong nội các, phóng viên Yuliasri Perdani và Margareth S. Aritonang đã có một số nhận xét trên tờ Bưu điện Jakarta rằng việc bổ nhiệm các bộ trưởng với hồ sơ nhân quyền có vấn đề hay các chính trị gia vào các vị trí liên quan đến an ninh, quốc phòng, tư pháp đang đặt tiến trình cải tổ pháp luật và an ninh trước những thách thức. Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền (Komnas HAM) cũng như các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Jokowi khi bổ nhiệm Tư lệnh Lục quân, Tướng Ryamizard Ryacudu vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, do ông này liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các hoạt động quân sự tại Aceh, việc bổ nhiệm Ryamizard cho thấy văn hóa không bị trừng phạt trong quân đội, phá vỡ truyền thống lãnh đạo dân sự trong Bộ Quốc phòng. So với Jokowi, cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã làm tốt hơn trong nhiệm kỳ đầu khi bổ nhiệm Juwono Sudarsono, một viện sĩ giàu kiến thức quốc phòng vào chức vụ này. Ngoài ra, ông Jokowi cũng bị chỉ trích về quyết định bổ nhiệm chính trị gia đến từ đảng Dân chủ đấu tranh (PDI-P) Yasonna Laoly vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp và Nhân quyền. Tổ chức theo dõi tham nhũng Indonesia (ICW) cho biết việc bổ nhiệm một chính trị gia vào ghế Bộ trưởng Tư pháp sẽ dễ dẫn tới xung đột lợi ích do nhiều trường hợp tham nhũng liên quan đến các chính đảng.

Liên quan Bộ trưởng Ngoại giao, cũng trên tờ báo này, tác giả Meidyatama Suryodiningrat cho biết Indonesia đã có “Hillary Clinton” cho riêng mình, ít nhất là cùng giới tính. Việc ông Jokowi chọn nhà ngoại giao chuyên nghiệp không bất ngờ, nhưng khi tên Retno LP Marsudi được xướng lên đã gây sự chú ý với công chúng do ngay trước đó một tuần, tên của bà nằm cuối danh sách các ứng viên. Giống như tất cả những người phụ nữ đã lĩnh ấn tiên phong trong "thế giới đàn ông", bà Retno mang gánh nặng của sự kỳ vọng, nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi không chỉ vì vai trò chiến lược của Bộ Ngoại giao, mà còn bởi bà phải vượt qua chiếc bóng quá lớn của những người tiền nhiệm. Dù các công việc trong quá khứ của Retno dường như không phù hợp với tầm nhìn chính sách đối ngoại hàng hải, tập trung lợi ích kinh tế ngay lập tức của Indonesia dưới thời Jokowi nhưng Retno có đủ khả năng trở thành bộ trưởng ngoại giao hiệu quả. Ngay cả bà Hillary Clinton khi mới đảm nhiệm chức vụ thì kinh nghiệm chính sách ngoại giao thậm chí còn ít hơn Retno nhưng đã trở thành bộ trưởng ngoại giao nổi tiếng, góp phần tích cực nâng cao vị thế của Mỹ ở bất cứ nơi nào bà đi qua. Trước mắt, Retno sẽ phải ưu tiên cho công tác ổn định nội bộ, sau đó tiếp cận cộng đồng chính sách đối ngoại, điều rất quan trọng khi sức mạnh và danh tiếng ngoại giao quốc gia “vạn đảo” trong hơn hai thập kỷ qua đã được tăng cường nhờ hoạt động sôi động của xã hội dân sự.


TRUNG QUỐC
Hội nghị Trung ương 4: Giải pháp nhân nhượng về cải cách tư pháp

Đài TNNN (đêm 27/10) - Tại Bắc Kinh, vừa diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII. Lần đầu tiên, chủ đề chính của cuộc thảo luận là câu hỏi về xây dựng "Nhà nước pháp quyền" và "thượng tôn pháp luật". Sự kiện này đã thu hút mối quan tâm to lớn của các phương tiện truyền thông thế giới.

Sau đây là ý kiến của ông Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Moskva (MGU), phân tích về kết quả của diễn đàn Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát đã cho rằng Hội nghị toàn thể sẽ là kiểu phô trương kết quả đỉnh cao của chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình lãnh đạo. Người ta chờ đợi công bố những tư liệu mới hoặc là đánh giá chính thức về vụ việc gây tiếng vang rộng rãi của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Chu Vĩnh Khang. Ông này bị nghi ngờ về lạm dụng chức quyền và tham nhũng qui mô lớn.

Nhưng Hội nghị toàn thể của BCH Trung ương chỉ thông qua một văn kiện duy nhất, đó là nghị quyết mang nội dung “triển khai thúc đẩy sự quản lý toàn diện của Nhà nước tương ứng với quy định pháp luật". Trong nghị quyết nhấn mạnh mọi công tác về hoàn thiện hệ thống pháp luật chỉ có thể được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, và việc phấn đấu tiến tới Nhà nước pháp quyền cần theo mục đích tạo lập "nhà nước XHCN được quản lý trên cơ sở luật pháp”.

Những lời kêu gọi cải cách hệ thống tư pháp, nhằm đảm bảo tính độc lập của việc xét xử ngày càng vang lên rộng rãi và rõ nét hơn, đặc biệt sau vụ án chấn động Trung Quốc năm 2012 xét xử Bạc Hy Lai (Bo Xi Lai), khi nhiều luật sư nổi tiếng của Trung Quốc lưu ý đến thực tế xưng hùng xưng bá lộng hành phi kiểm soát và giữ đặc lợi đặc quyền tưởng chừng vô biên của các nhân vật lãnh đạo đảng tại địa phương. Cuộc tranh luận trong xã hội Trung Quốc khi đó, về nguyên tắc có thể mở ra con đường để hoàn thiện pháp luật và cả toàn bộ hệ thống chính trị theo những nguyên tắc tự do hơn. Như nghị quyết Hội nghị Trung ương thể hiện, Đảng Cộng sản Trung Quốc thời gian ấy đã không đi theo con đường này.

Mặt khác, trong văn kiện mới nhấn mạnh sự cần thiết phải dựa vào pháp luật, loại trừ thực tế công tác Đảng- công tác chính trị vi phạm các thủ tục pháp lý đã quy định, trừ hành động tự ý của cá nhân lãnh đạo và kiểu "công lý qua điện thoại", cũng như áp lực của chính quyền các cấp khác nhau đối với cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật. Ấn định loạt biện pháp để nâng cao tính khách quan và minh bạch khi thông qua quyết định trong lĩnh vực xét xử và thực thi pháp luật, tăng cường trách nhiệm cá nhân đối với những sai sót và lạm quyền. Về cơ bản, những biện pháp này sẽ mang tính kỹ thuật, chẳng hạn như tách các tòa án địa phương ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền sở tại, v.v… Kết luận chung: Tất cả những bước đi theo phương hướng đúng đắn sẽ giúp bảo vệ tốt hơn các quyền của công dân.

Các nhà quan sát chú ý đến chi tiết trong nghị quyết không đề cập vụ việc với Chu Vĩnh Khang, mặc dù trong phần cuối của văn kiện đã nhắc đến mấy cựu quan chức cấp cao mà Hội nghị toàn thể thông qua quyết định xử lý kỷ luật. Xét theo mọi điều như đang thấy, trong vấn đề thể hiện lối tiếp cận thận trọng.

Nhìn chung, qua văn kiện mà Hội nghị toàn thể BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố, cho thấy trong lĩnh vực này chẳng nên chờ đợi đột phá chấn động hay giật gân. Có vẻ là ban lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng hiểu thực trạng thiếu hoàn thiện của hệ thống hiện nay đang chậm bước lùi sau so với nhu cầu phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước Trung Quốc, và chọn giải pháp nhân nhượng là từng bước cải cách hiện đại hóa ngành tư pháp cũng như hệ thống thực thi pháp luật nói chung.


Từ Tài Hậu đặt điều kiện nhận tội?

TTXVN (Hong Kong 28/10) - Cho biết sẽ tự nguyện phối hợp với hành động của tổ chức, khai nhận tội lỗi, nhưng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (Xu Cai Hou) cũng đưa ra điều kiện trao đổi, bao gồm hi vọng con cái gia thuộc không bị kết tội.

Theo tạp chí Tiền tiêu số mới nhất phát hành ở Hong Kong, vào hạ tuần tháng 8/2014, trong khi điều trị bệnh ung thư bàng quang tại Tổng Y viện 301 của quân đội, Từ Tài Hậu đã rơi vào tình trạng hôn mê trong nhiều ngày. Tỉnh lại sau khi được cứu chữa, Từ Tài Hậu bất ngờ yêu cầu gặp lãnh đạo giữ chức từ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương trở lên. Trước mặt một vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương được điều đến, Từ Tài Hậu cho biết mình sẽ tự nguyện phối hợp với hành động của tổ chức, khai nhận tội lỗi, nhưng đưa ra 4 điều kiện trao đổi.



Thứ nhất, Từ Tài Hậu thừa nhận cáo buộc “lợi dụng chức quyền nhận hối lộ để giúp người khác thăng tiến”, tự nguyện nhận tội. Thứ hai, Từ Tài Hậu hi vọng Trung ương có thể đối xử giống nhau với tất cả các quan chức tham nhũng. Thứ ba, để thể hiện thành ý khai nhận tội lỗi, Từ Tài Hậu tự nguyện xem xét từ bỏ việc “lưu lại đường lùi cho bản thân”, tố cáo sự thực phạm tội của các cán bộ cao cấp dính líu tới tham nhũng khác. Thứ tư, đồng thời với việc tự nguyện chấp nhận phán quyết về mặt tư pháp, Từ Tài Hậu hi vọng con cái gia thuộc của mình không bị khép tội. Trước yêu cầu của Từ Tài Hậu, Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương cho biết về cơ bản, họ có thể đồng ý với 3 điều kiện đầu tiên, nhưng điều kiện thứ 4 cần phải xem xét nghiên cứu trước khi quyết định.

Liên quan tới vụ án Từ Tài Hậu, tạp chí Động hướng cho biết thêm vào một ngày cuối tháng 3/2013, khi đang tận hưởng ở một câu lạc bộ tư nhân, Từ Tài Hậu bất ngờ bị ngất và nhanh chóng được đưa vào Tổng Y viện 301 cấp cứu. Qua kiểm tra xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện Từ Tài Hậu bị ung thư bàng quang và đã bước sang giai đoạn 2. Vào ngày 11/2/2014, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế bất ngờ tới Tổng Y viện 301 nói chuyện với Từ Tài Hậu. Họ đưa ra 3 yêu cầu đối với Từ Tài Hậu, gồm: nhớ lại những vấn đề nghiêm trọng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo; không được nói với ai việc Trung ương tới gặp gỡ nói chuyện dù đó là người đang tại chức trong hệ thống đảng, chính quyền và quân đội hay đã về hưu; và cũng không được nói cho người nhà nội dung nói chuyện với Trung ương.

Sau đó, ngày 14/3, một loạt công nhân đã được cử tới để lắp đặt cửa sắt cho buồng bệnh của Từ Tài Hậu. Công việc được thực hiện trước sự chứng khiến của Từ Tài Hậu. Đồng thời, Trung ương cũng điều 50 quân nhân từ lực lượng không quân tới thay thế cho lực lượng cảnh vệ thuộc Quân khu Bắc Kinh làm nhiệm vụ tại đây, tiến hành canh gác Từ Tài Hậu 24/24 giờ. Điều khiến người ta ngạc nhiên là khi đó còn có một số tay súng bắn tỉa cũng được điều động tới bố trí gần Tổng Y viện 301.

Sáng 15/3, Từ Tài Hậu yêu cầu gặp lãnh đạo Trung ương để nói chuyện. Hai giờ chiều cùng ngày, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Quân đội Đỗ Kim Tài và 4 nhân viên quân cảnh mặc thường vụ đã tới Tổng Y viện 301, tuyên bố phê chuẩn của Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương, giao cho Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Quân đội thực hiện “song quy” (biện pháp điều tra đặc thù của ngành kiểm tra kỉ luật Trung Quốc, yêu cầu cá nhân liên quan phải có mặt tại địa điểm quy định theo thời gian quy định nhằm làm rõ vấn đề mà họ dính líu) đối với Từ Tài Hậu. Khi đó, Từ Tài Hậu định gọi điện báo cho vợ, nhưng khi nhấc máy mới biết điện thoại của mình đã bị cắt. Vào ngày 8/5, hai thư ký của Từ Tài Hậu bị cơ quan tư pháp bắt giữ. Hôm sau, vợ và con gái Từ Tài Hậu cũng bị bắt. Theo tiết lộ, khi đó, vợ của Từ Tài Hậu định quay lại giường lấy súng tự sát, nhưng không thành.


Làn sóng biểu tình “Chiếm Trung tâm”: Một tháng rung chuyển cốt lõi Hong Kong

TTXVN (Hong Kong 28/10) - Ngày 28/10, phong trào biểu tình “Chiếm Trung tâm” ở Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã chính thức kéo dài được một tháng. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 27/10, phong trào bất tuân dân sự bùng nổ với yêu cầu về một nền dân chủ thực sự này đã vượt xa ra khỏi những gì được lên kế hoạch ban đầu, và trước mắt chưa nhìn thấy điểm kết thúc.

Đã một tháng kể từ khi phong trào biểu tình “Chiếm Trung tâm” làm rung chuyển Hong Kong. Thành phố này đã thay đổi vĩnh viễn, vào lúc 1h45’ sáng 28/9, người đồng sáng lập phong trào “Chiếm Trung tâm” Phó Giáo sư Đới Diệu Đình tuyên bố bắt đầu chiến dịch bất tuân dân sự đã được chờ đợi từ lâu, đúng thời điểm những đám đông tập trung để ủng hộ các sinh viên bị bắt giữ vào cuối đợt bãi khóa kéo dài một tuần của sinh viên các trường Đại học Hong Kong.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn này đã làm tê liệt nhiều đường phố và làm dấy lên sự say mê mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ về dân chủ. Việc cảnh sát Hong Kong hành động mạnh tay bằng cách sử dụng bột hạt tiêu và bắn 87 hộp hơi cay dường như càng kích động những người biểu tình hơn là giải tán họ. Làm sóng “Chiếm Trung tâm” đã lan rộng vượt ra ngoài khu vực xung quanh các tòa nhà trụ sở những cơ quan chính quyền ở quận Admiralty tới Mongkok rồi Causeway Bay, và một cuộc “Chiếm Trung tâm” nhỏ trong thời gian ngắn ở khu vực Tsim Sha Tsui bên bán đảo Cửu Long.

Làn sóng biểu tình này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo các phương tiện truyền thông nước ngoài. Những cảnh tượng kịch tính về những người biểu tình giương những chiếc ô và tràn ngập nhiều tuyến đường phố cùng với những chiếc ôtô và xe bus đã khiến phong trào dân chủ này của Hong Kong thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của thế giới.

Tuy nhiên, một tháng đã qua, người ta vẫn chưa thấy điểm kết thúc của phong trào biểu tình này. Những căng thẳng giữa chính quyền Hong Kong và những người chỉ trích họ chỉ càng leo thang và đe dọa xé nát cộng đồng dân cư của đặc khu. Các cuộc biểu tình đã phát triển vượt xa ra ngoài phạm vi tưởng tượng của những người đồng sáng lập phong trào “Chiếm Trung tâm”. Phong trào này đã đột ngột thay đổi so với kịch bản và tạo ra một phong trào gần như không có sự lãnh đạo, làm dấy lên những quan ngại rằng tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Kế hoạch ban đầu của Phó Giáo sư Đới Diệu Đình là huy động 10.000 người để phong tỏa các con đường ở trung tâm tài chính của thành phố, nếu như chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương Trung Quốc tạo ra một hệ thống bầu cử Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong năm 2017, không cho phép có một sự lựa chọn các ứng cử viên “thực sự”. Ông Đới Diệu Đình đã cam kết giữ chiến dịch biểu tình này tránh xa các quận dân cư để tránh phá hoại cuộc sống của người dân.

Kế hoạch ban đầu của phong trào “Chiếm Trung tâm” là tập trung biểu tình ở đường Chater thuộc quận Central (Trung tâm) vào hôm 1/10, tức ngày Quốc khánh Trung Quốc, và duy trì cuộc biểu tình ở đó trong khoảng 3 ngày. Phó Giáo sư Đới Diệu Đình đã nói với hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ vào hôm 2/10 rằng những người tổ chức phong trào này sẽ hành động vào một ngày “sẽ gây ra thiệt hại tối thiểu cho nền kinh tế Hong Kong.”

Một nhóm đứng đầu bởi người đồng sáng lập phong trào “Chiếm Trung tâm” là Đức cha Châu Diệu Minh đã đăng ký tiến hành một cuộc tuần hành tại một khu vực trên đường Chater, nơi phong tỏa hoàn toàn giao thông vào các ngày Chủ nhật và những ngày nghỉ lễ hôm 1-2/10. Các nguồn tin đã được thông báo bên trong phong trào “Chiếm Trung tâm” nói rằng những người đồng sáng lập phong trào này đã sớm thông báo cho các quan chức chính quyền về kế hoạch của họ.

Tuy nhiên, các kế hoạch đã “bị ném ra ngoài cửa sổ” vào ngày 26/9, khi các thành viên của Hiệp hội Sinh viên Hong Kong và nhóm biểu tình Scholarism nổi giận do họ bị đuổi khỏi Công viên Tamar để “hậu thuẫn” một cuộc tuần hành ủng hộ Bắc Kinh, đã xâm nhập một khu vực sân trước ở trụ sở chính quyền. Khu vực này được biết đến với tên gọi Quảng trường Công dân, đã trở thành một địa điểm biểu tình nổi tiếng cho đến khi những người biểu tình bị đẩy lui.

Người triệu tập Scholarism Hoàng Chi Phong và một số nhà lãnh đạo Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) đã bị bắt giữ, khiến người dân từ tất cả các tầng lớp xã hội tập trung biểu tình ủng hộ họ, trong đó có Phó Giáo sư Đới Diệu Đình, Đức cha Châu Diệu Minh và một người khác cũng đồng sáng lập phong trào “Chiếm Trung tâm” là Tiến sĩ Trần Kiện Dân.

Sau lần đầu tiên bác bỏ ý tưởng về việc bắt đầu chiến dịch “Chiếm Trung tâm” ngay lập tức, 3 nhà đồng sáng lập phong trào này đã chịu sức ép từ các nhà hoạt động sinh viên và đã nhất trí rằng những gì mà Phó Giáo sư Đới Diệu Đình gọi là “”kỷ nguyên bất tuân dân sự” đã bắt đầu.

Ngay từ khi bắt đầu, phong trào bất tuân dân sự này đã thay đổi hướng so với kịch bản “Chiếm Trung tâm”, bởi xét cho cùng thì khu vực Admiralty đã bị chiếm chứ không phải là khu vực Cantral bị chiếm (hai khu vực này nằm sát cạnh nhau). Sau tuyên bố của ông Đới Diệu Đình, những người tổ chức đã bị bất ngờ khi hầu hết người dân ở 3 khu vực Admiralty, Mongkok và Causeway Bay tham gia cuộc biểu tình ngồi. Tiến sĩ Trần Kiện Dân nói rằng “một số người đã không muốn phong trào bất tuân dân sự này được dẫn dắt bởi phong trào ‘Chiếm Trung tâm’”. Ông Trần Kiện Dân nhấn mạnh rằng 80% số người biểu tình tràn về khu vực Admiralty là những thanh niên, các nhà lãnh đạo phong trào “Chiếm Trung tâm” xác định vị trí của bản thân họ là những người “tạo điều kiện thúc đẩy” và “những thủ lịch phục vụ” của phong trào do sinh viên dẫn đầu này. Theo Tiến sĩ Trần Kiện Dân, “nhận thức được rằng chúng tôi là một phần của phong trào nên đã yêu cầu các tình nguyện viên của phong trào “Chiếm Trung tâm” gỡ bỏ phù hiệu (logo) của chúng tôi ra khỏi đồng phục của họ”.

Tuy nhiên, việc thay đổi sự lãnh đạo từ phong trào “Chiếm Trung tâm” sang các thủ lĩnh sinh viên đã khiến cho các cuộc biểu tình kém tổ chức hơn so với kế hoạch và đồng nghĩa với việc các quyết định đòi hỏi sự thảo luận lâu hơn giữa các đại diện của Hiệp hội Sinh viên Hong Kong, tổ chức Scholarism và phong trào “Chiếm Trung tâm”.

Khi làn sóng biểu tình từ ngày Chủ Nhật lịch sử đó diễn ra liên tục, những người tổ chức “Chiếm Trung tâm” đã ngầm ám chỉ rằng người biểu tình sẽ rút lui trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về sự an toàn của xã hội. Các nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực của xã hội và giới chính trị, trong đó có cựu Cục trưởng Tư pháp Hong Kong Lý Quốc Năng và Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong đầu tiên, ông Đổng Kiến Hoa, đã kêu gọi người biểu tình giải tán để tránh đối đầu. Cảnh sát đã cảnh báo có thể sẽ có hành động “mạnh mẽ và kiên quyết” trong trường hợp xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, HKFS tin rằng việc giải tán biểu tình trước khi chính quyền đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào là điều không thích hợp. Các nhà lãnh đạo phong trào “Chiếm Trung tâm” đã bị thuyết phục bởi lập luận của họ.

Cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong Trương Văn Quang, một người thuộc đảng Dân chủ, nói rằng chính quyền Hong Kong nên rút ra bài học từ các cuộc biểu tình lần này. Ông Trương Văn Quang nhấn mạnh: “Họ nên tham gia vào cuộc đối thoại chân thành với các sinh viên và những lĩnh vực khác trong tương lai để ngăn chặn một sự lặp lại một chiến dịch gân ấn tượng sâu sắc tương tự”. Mặc dù ông Trương Văn Quang ca ngợi phong trào biểu tình là một nguồn cảm hứng, nhưng ông cũng thừa nhận rằng xã hội Hong Kong đã phải trả một cái giá nặng nề vì chiến dịch này, một chiến dịch không thể tránh khỏi việc “xé toạc” cộng đồng địa phương.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 183.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương