THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 183.23 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích183.23 Kb.
#29353
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 205/ TKNB-QT-TN Thứ Ba, ngày 28/10/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Dư luận về chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Đài RFI (đêm 27/10) - Ngày 27/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến công du Ấn Độ trong vòng hai ngày. Tháp tùng lãnh đạo Việt Nam có khoảng 50 doanh nhân. Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nội dung chính trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam là thúc đẩy, đa dạng hóa hợp tác kinh tế, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được thúc đẩy mạnh trong thời gian qua. Trong tháng 8, Ngoại trưởng Ấn Độ tới Việt Nam. Sang tháng 9, Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007. Theo Reuters, trao đổi thương mại song phương đạt mức 8 tỷ USD và đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam là 1 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến nông phẩm, công nghệ tin học, dầu khí, khai thác quặng mỏ. Nhân chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ, New Delhi đã cấp cho Hà Nội 100 triệu USD tín dụng để mua các thiết bị quân sự của Ấn Độ. Việt Nam đang phát triển lực lượng tàu ngầm và hy vọng đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực huấn luyện, công nghệ chế tạo hỏa tiễn.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sanjay Bhattacharya, ưu tiên hàng đầu của chuyến thăm lần này của Thủ tướng Việt Nam là kinh tế và hai bên muốn phát triển hợp tác kinh tế thành trụ cột chính trong quan hệ đối tác chiến lược song phương. Việt Nam đang muốn đa dạng hóa quan hệ kinh tế và chuyến viếng thăm tạo cơ hội cho hai nước đa dạng hóa hợp tác. Giáo sư Sujit Dutta, chuyên gia về Trung Quốc thuộc đại học Jamia Millia, Ấn Độ, nhận định rằng Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ kinh tế chặt chẽ, nhưng cả hai bên không tin tưởng lẫn nhau. Giáo sư Sujit Dutta nói: “Việt Nam và nhiều nước trong khu vực tìm kiếm các cách để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và an ninh”.

Đài RFA (đêm 27/10) - Nói về những trông đợi từ trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giáo sư Baladas Ghoshal, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu biển Ấn Độ Dương, nguyên Giáo sư về Đông Nam Á tại đại học Jawaharlal Nehru, ở New Delhi cho biết:

Đây là một sự phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước. Có ý kiến ở New Delhi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sẽ dẫn đến thúc đẩy hơn nữa quan hệ chiến lược, kinh tế và chính trị giữa hai nước, đồng thời sẽ có một số các thỏa thuận về kinh tế được ký kết vì tháp tùng Thủ tướng là một đoàn khoảng 50 doanh nhân.

Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 27/10 cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tiếp theo là việc ký kết một loạt thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận kết nghĩa giữa hai Thành phố Hồ Chí Minh và Mumbai, và thỏa thuận cho phép Ngân hàng Ấn Độ được mở chi nhánh đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Có nhiều yếu tố để lãnh đạo hai nước tin vào những tiềm năng về phát triển hợp tác kinh tế song phương trong những năm gần đây. Theo Giáo sư Ghoshal, một trong những yếu tố đầu tiên phải nói đến chính là mối quan hệ thân thiện giữa Ấn Độ và Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Ấn Độ là nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam từ năm 1972, khi Việt Nam còn bị cô lập bởi các nước ASEAN do cuộc chiến Việt Nam. 10 năm sau đó, hai nước đã đạt được bước tiến quan trọng khi thiết lập Ủy ban hợp tác chung về Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ Ấn Độ - Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược dựa trên 5 cột trụ chính bao gồm hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác khoa học và công nghệ, văn hóa, và hợp tác tại các diễn đàn đa phương và khu vực.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ vào cuối năm 2013, hai nước cũng ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tuyên bố viết ‘các lãnh đạo nhất trí việc cải thiện hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế là một trong những nhân tố chính của mối quan hệ đối tác chiến lược’.

Theo giáo sư Ghoshal, Việt Nam là một trong những nước quan trọng tại châu Á trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Mặt khác, sự lớn mạnh và các hành động đòi chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng đất và biển với các nước láng giềng những năm gần đây đã khiến Ấn Độ và Việt Nam càng cảm thấy nhu cầu phải xích lại gần nhau hơn nữa về mặt kinh tế.

Ngoài ra, theo giáo sư Ghoshal còn có vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc vừa kiên quyết lại vừa căng thẳng trong quan hệ với Ấn Độ. Tôi tin điều này cũng tương tự với Việt Nam. Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam trong những năm gần đây ở mức độ lớn cũng bị ảnh hưởng do quan hệ với Trung Quốc. Cả hai nước đều quan ngại Trung Quốc. Nhân tố về thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc và vấn đề biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa hai nước gần nhau lại.

Báo chí Ấn Độ cho rằng Việt Nam đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Ấn Độ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực về dệt may, hóa chất nông nghiệp, máy móc, dầy giép, tài chính và công nghệ thông tin. Hiện Trung Quốc là nước cung cấp phần lớn các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam. Dệt may là một trong những ngày xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với trị giá xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2013.



Trung Quốc vẫn là trở ngại lớn

Là đối tác chiến lược từ năm 2007, Ấn Độ và Việt Nam đã có nhiều hợp tác quan trọng trong quốc phòng và an ninh. Ấn Độ cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, đào tạo sĩ quan cho Việt Nam. Hai nước cũng đã có những đối thoại chiến lược hàng năm ở cấp Thứ trưởng.

Tuy nhiên, nếu so với hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế giữa hai nước được đánh giá là vẫn còn thấp hơn so với tiềm năng của hai nước. Giáo sư Ghoshal cho biết:

Kinh tế là một trong các mối quan hệ yếu nhất hiện tại giữa hai nước vì quan hệ chính trị và chiến lược đã phát triển khá tốt nhưng quan hệ kinh tế thì chưa tốt lắm, nhất là nếu so sánh với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ dù đã tăng mạnh so với 10 năm về trước, nhưng kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt khoảng 100 triệu USD, hiện nay đã lên được 8 tỷ USD. Nhưng nếu so với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ thậm chí chưa bằng 1/10.

Ấn Độ và Việt Nam dự định sẽ đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên nếu so với Trung Quốc, con số này còn rất khiêm tốn, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt hơn 41 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm cho các mặt hàng nông sản vốn là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực thương mại, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam cũng còn rất khiêm tốn, tính đến tháng 6/2013, Ấn Độ đầu tư khoảng 74 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là khoảng 252 triệu USD. Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Trung Quốc là nước đứng 9 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có 1.029 dự án của Trung Quốc tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng gần 8 tỷ USD.

Nếu chỉ nhìn vào những con số, người ta có thể thấy rất khó để cho Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trong vị trí là nước đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, trong khi Trung Quốc có vị trí địa lý gần Việt Nam hơn rất nhiều so với Ấn Độ. Đó là chưa kể những yếu tố chính trị tương đồng giữa hai Đảng Cộng sản cầm quyền tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia về Đông Nam Á của Ấn Độ hy vọng rằng chính sách hướng Đông của Ấn Độ và căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam gia tăng hợp tác kinh tế với Ấn Độ.

TTXVN (Hong Kong 28/10) - Báo mạng wantchinatimes của Đài Loan dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu – một ấn bản của Nhân Dân Nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), cho biết Việt Nam và Ấn Độ đang thiết lập sự hợp tác để thăm dò dầu mỏ ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mặc dù một số mỏ dầu ở vùng biển này cũng thuộc diện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Dẫn tin tức từ truyền thông Ấn Độ, Thời báo Hoàn Cầu nói rằng nhiều khả năng là Ấn Độ có thể chấp nhận lời mời của Việt Nam về việc cùng nhau khai thác dầu mỏ ở Biển Đông trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 27/10. Theo báo này, người ta cũng tin rằng trong chuyến thăm này hai bên sẽ hướng mục đích tới việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế cũng như là quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Báo này cũng nhấn mạnh rằng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã có kế hoạch thăm Việt Nam trong hai ngày 27 - 28/10.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin hôm 24/10 nói rằng Việt Nam đã cung cấp cho phía Ấn Độ một số mỏ dầu ở Biển Đông để nước này khai thác và Ấn Độ sẽ xem xét việc chấp nhận đề nghị này nếu như nhận thấy sự hiệu quả về mặt lợi ích thương mại. Trong phát biểu có vẻ như là một thông điệp gửi cho phía Trung Quốc, người phát ngôn Syed Akbaruddin cũng nói thêm rằng các mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam không phụ thuộc vào các quốc gia khác.

Ấn Độ đã và đang khai thác các mỏ dầu ở Biển Đông kể từ năm 1988. Vào năm 2006, nước này đã nhận được các quyền thăm dò đối với hai mỏ dầu nữa ở bên trong các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mặc dù họ mới chỉ tiến hành thăm dò ở một trong hai mỏ dầu này. Tháng 11/2013, có tin nói rằng Việt Nam đã đề nghị cho Ấn Độ lựa chọn 5 mỏ dầu.

Việt Nam cũng được cho là đang tạo những điều kiện tốt hơn cho các công ty dầu mỏ và khí đốt của Ấn Độ ở Biển Đông, trong đó có việc bảo đảm cho sự an toàn và an ninh của toàn bộ các công nhân Ấn Độ.

Ông Hứa Lập Bình, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 26/10 rằng những tin tức nói trên không gây ngạc nhiên vì Ấn Độ và Việt Nam đã và đang thúc đẩy một bước đột phá trong các mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, theo chuyên gia Hứa Lập Bình, việc thăm dò dầu mỏ là một hoạt động đầu tư nguy cơ cao, và không có sự đảm bảo rằng dầu mỏ được tìm thấy trong các mỏ dầu do phía Việt Nam đề nghị. Chuyên gia Hứa Lập Bình nói thêm rằng trong bất kỳ trường hợp nào thì Việt Nam cũng đều không có quyền đưa ra những đề nghị chào hàng các mỏ dầu ở những nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Theo chuyên gia Hứa Lập Bình, Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng coi trọng mối quan hệ song phương vì hai nước có kim ngạch thương mại hơn 50 tỷ USD mỗi năm. Chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng Bắc Kinh đã luôn ủng hộ ý tưởng cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên để khai thác dầu mỏ ở Biển Đông với Việt Nam, quốc gia cần chứng tỏ sự chân thành hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Dương Khiết Trì

Đài VOA (đêm 27/10) - Ngày 27/10, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội và đã được tiếp đón nồng hậu hơn so với hồi tháng 6/2014, khi lực lượng của hai quốc gia đối đầu trên Biển Đông quanh giàn khoan dầu gây tranh cãi. Lần này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã mỉm cười khi bắt tay quan chức Trung Quốc, khác hẳn so với vẻ mặt đầy căng thẳng khi tiếp đón ông Dương 4 tháng trước.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng dẫn lời ông Dương nói với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam rằng hai bên đã “khắc phục được những khó khăn gặp phải trong thời gian vừa qua”. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc được trích lời nói tiếp: “Hiện quan hệ song phương đang từng bước khôi phục, hai bên cần nắm chắc phương hướng phát triển quan hệ hai nước, xử lý thoả đáng và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác song phương”.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng ông Dương tới Việt Nam để giúp hàn gắn quan hệ Việt - Trung mà bà cho là đã “rơi vào tình thế khó khăn tạm thời vì các vấn đề lãnh hải”. Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết rằng phía Trung Quốc muốn làm việc với Việt Nam để “tiếp tục cải thiện quan hệ song phương”.

Đài RFI (đêm 27/10) - Nhật báo Hoa Kỳ Wall Street Journal nhận định, sau cuộc họp này, Việt Nam đã “đồng ý khôi phục quan hệ song phương và quản lý tốt hơn các căng thẳng ở Biển Đông”. Theo thông báo chính thức của chính phủ Việt Nam, trong cuộc họp này, lãnh đạo ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh đến lập trường của Việt Nam “ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg qua điện thoại, Alexander Vuving - nhà phân tích làm việc tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Center of Security Studies) ở Hawaii cho biết: Sau cuộc khủng hoảng giàn khoan, “hình ảnh của Trung Quốc tại Việt Nam đã bị xói mòn”. Chiến lược hiện nay của Việt Nam là tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba để đối trọng với Trung Quốc.

Quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã cải thiện đáng kể trong thời gian này, đặc biệt với việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam mới đây. Vẫn theo nhà nghiên cứu Alexander Vuving, chuyến đi của lãnh đạo Ngoại giao Trung Quốc lần này là để thuyết phục Việt Nam không ngả về phía Mỹ. Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc khó mang lại tin tưởng, vì Bắc Kinh đã nhiều lần cự tuyệt đối thoại để giải quyết bất đồng và Trung Quốc có ít lý do để thỏa hiệp với Việt Nam, bởi “ưu thế về kinh tế và quân sự” với quốc gia láng giềng phía Nam. Chuyên gia đại học Hawaii cảnh báo: nếu tình hình thuận lợi, Trung Quốc sẽ lại tiếp tục có những động thái gây hấn mới ở Biển Đông.

Đài RFA (đêm 27/10) - Chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì được gọi là nhằm hàn gắn quan hệ song phương sau thời gian khó khăn vì chuyện giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho hay Trung Quốc và Việt Nam đồng ý sẽ sử dụng một cách thích hợp cơ chế thảo luận hiện có về vấn đề biên giới để tìm một giải pháp căn bản, lâu dài cho cuộc tranh chấp trên Biển Đông, mà cả hai bên có thể chấp nhận. Hai bên cũng nói không muốn vấn đề này gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.

Tin tức cũng cho hay hai nhà lãnh đạo ngoại giao Việt-Trung đã đồng thuận sẽ cùng xử lý và điều khiển cuộc tranh chấp về vùng biển một cách thích hợp, không có hành vi nào gây phức tạp hay mở rộng tranh chấp.

Thông cáo của Trung Quốc dẫn lời Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố hiện nay mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang ở giai đoạn cốt yếu để tăng tiến và phát triển. Giới thạo tin quốc tế lưu ý rằng thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nhắc gì việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi lãnh hải tranh chấp vào hôm 15/7.



Hình ảnh trái ngược

Trước báo chí, hai nhà lãnh đạo ngoại giao đã tươi cười nồng nhiệt bắt tay nhau, trái ngược hẳn với chuyến thăm Hà Nội của ông Dương hồi tháng 6. Trong chuyến thăm đó, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cực lực đã lên án Việt Nam chỉ thổi phồng cuộc tranh chấp, trong lúc tàu lớn của Trung Quốc liên tục đâm húc tàu Việt Nam cố tiến vào quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động. Báo Global Times của Trung Quốc sau đó giáng cho Việt Nam những lời đắng cay gấp bội, nói rằng họ Dương đi Việt Nam để "gọi đứa con hoang đàng về nhà". Giới quan sát quốc tế gọi đây là lần đổ vỡ tệ hại nhất trong mối quan hệ song phương kể từ trận chiến biên giới Việt-Trung 1979.

Lần này, giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng sự tiếp cận ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam đã khởi đầu từ hạ tuần tháng 8, sau khi Việt Nam bắt đầu tỏ giọng ngọt ngào với các quốc gia liên quan đến những tranh chấp về hải phận với Trung Quốc, gồm cả Philippines lẫn Nhật Bản. Và Nhật đã hứa sẽ trang bị cho Việt Nam 6 hộ tống hạm và các dàn radar.

Kéo lại vì Mỹ?

Tuy nhiên trong thời gian đó, điều có ý nghĩa hơn hết đối với Việt Nam, vẫn theo giới phân tích quốc tế, là xứ này đã tăng tiến quan hệ quốc phòng với cựu thù Hoa Kỳ. Đầu tháng 10, Hoa Kỳ đã khởi sự nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí từng bị áp đặt từ 30 năm nay. Việc này giúp củng cố lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, trong tương lai dẫn đến việc bán vũ khí, tàu bè và các hệ thống hoạt động trên không.

Tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh ASEM ngày 16-17/10, hai nhà lãnh đạo Việt Trung đã hội họp và đồng ý cùng xử trí và điểu kiểm cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Chỉ là lời hoa mỹ

Giới phân tích tin rằng vẫn có những cuộc bàn cãi sôi nổi trong nội bộ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, là nơi người ta cho rằng những đảng viên cốt cán không thể nhất trí về lập trường quan điểm trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc và với các nước khác.

Ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc sang Việt Nam rõ ràng để làm dịu cuộc tranh chấp, nhưng không có gì bảo đảm Bắc Kinh sẽ nhượng bộ hay lùi một bước nào trong những hành động củng cố vùng đảo lấn chiếm ở Trường Sa, hay những hành động ngang nhiên tấn công tàu cá Việt Nam.

Ngày 26/10 mới đây, tàu cá BĐ 95393-TS bị ‘tàu lạ’ đâm chìm tại tọa độ 17 độ vĩ Bắc, 108,40 độ kinh Đông. Trước đó một tháng, ngày 27/9 tàu QNg96017-TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh ngụ tại xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn bị tàu số hiệu 46106 đến tấn công. Chủ tàu kể lại là tàu 46106 thả ca nô và 6 người xuống truy đuổi, rồi nhày sang tàu Việt Nam dùng hung khí uy hiếp, phá dụng cụ hành nghề và đổ toàn bộ rau chân vịt khai thác được xuống biển.

Vì lý do trong mối bang giao Việt - Trung, Việt Nam tin rằng chỉ đạt được những lời hứa suông hoa mỹ mà Việt Nam có thể lường trước, nên Thủ tướng Việt Nam vẫn ung dung đi cầu viện ở Hội nghị Thượng đỉnh ASEM và nay ông đến Ấn Độ cũng cùng mục đích mong được giúp sức giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc

TTXVN (Hong Kong 28/10) - Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh, nhà ngoại giao cấp cao này của Bắc Kinh đã trở lại Việt Nam lần thứ hai chỉ trong vòng 4 tháng qua trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang tìm cách điều chỉnh lại các mối quan hệ sau vụ tranh cãi xung quanh giàn khoan Hải Dương-981.

Chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì được coi là một động thái chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh vào tuần tới, sự kiện mà Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang dự kiến sẽ tham dự”.

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì cũng có vẻ là một phần trong những động thái tích cực của Bắc Kinh trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh: “Chuyến thăm này có nghĩa là họ sẽ điều chỉnh lại các mối quan hệ. Thay vì làm gia tăng những tranh chấp ở Biển Đông, cả hai nước sẽ gia tăng hợp tác và thương mại”.

Trong khi đó, ông Trương Minh Lượng, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Ký Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc), nói rằng chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì có thể mở đường cho một cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC.

Chuyên gia Trương Minh Lượng nhấn mạnh: “Do sự thiếu tin tưởng và những tranh chấp trên biển, quan hệ hai nước luôn không thể gần gũi như là họ đã tuyên bố. Tuy nhiên, có khả năng là chúng ta có thể quay trở lại mức độ trước vụ việc giàn khoan Hải Dương-981, khi các cuộc trao đổi cấp cao được tiến hành thường xuyên”.
Về bài viết trên báo Giáo dục Việt Nam liên quan vấn đề phòng chống tội phạm của Công an Thành phố Hồ Chí Minh

Đài BBC (đêm 27/10) - Ngày 27/10, báo Giáo dục Việt Nam công khai chỉ trích phương pháp phòng chống tội phạm của Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Các sai phạm của cán bộ chiến sỹ ngành công an gần đây không phải là không được phản ánh trên báo chí, nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi toàn ngành công an ở đô thị lớn nhất Việt Nam bị chỉ trích nặng nề như thế này.

Bài viết của tác giả Xuân Dương nói về "sáng kiến" phân phát tờ rơi cảnh báo tội phạm cho khách du lịch nước ngoài của công an thành phố. Bài này đặt câu hỏi: "Công an Tp. Hồ Chí Minh đã 'sáng tạo' ra kiểu bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thanh danh đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước?". Những tờ rơi mà Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 Tp. Hồ Chí Minh phát cho khách du lịch có nội dung khuyến cáo họ tự bảo vệ tài sản cá nhân ở nơi công cộng. Trong đó, có những câu như: "Tội phạm bạo lực rất thường xảy ra ở Tp. Hồ Chí Minh. Hãy giữ túi của quý vị ở gần bên người, đừng mang trang sức quý và đừng phô trương máy ảnh hay điện thoại". "Đừng tin đồng hồ trên xe taxi. Ăn chặn tiền của khách là nghệ thuật của các lái xe không trung thực. Hãy sử dụng các hãng taxi có uy tín như Vinasun và Mai Linh".

Theo tờ Giáo dục Việt Nam, "đọc xong những dòng chữ in trên tờ rơi này, người Việt (và đương nhiên cả người nước ngoài) buộc phải cho rằng Công an Tp. Hồ Chí Minh đã 'sáng tạo' ra phương cách 'tốt nhất' đẻ bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và cũng là bôi nhọ thanh danh của chính đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành Công an cả nước". Bài báo nhận xét việc công an sở tại lưu ý người nước ngoài rằng tại thành phố mình đang quản lý thường có tội phạm hay đồng hồ trên taxi không chính xác "mới thấy lần đầu tại Tp. Hồ Chí Minh và Việt Nam".

"Không chỉ có thế, việc một cơ quan nhà nước khuyến cáo du khách chỉ sử dụng dịch vụ của hai hãng taxi Vinasun và Mai Linh còn là hành động vi phạm luật cạnh tranh trong kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố".



Nhiều lãnh đạo

Báo Giáo dục Việt Nam cũng vạch ra một số bất cập khác trong hoạt động của Công an thành phố. Báo này nói Công an Tp. Hồ Chí Minh có tổng cộng 8 vị lãnh đạo gồm 4 thiếu tướng và 4 đại tá.

"So sánh quân hàm và chức vụ công an với bên quân đội, 4 đại tá tương đương 4 sư đoàn trưởng, 4 thiếu tướng tương đương 4 tư lệnh/chính ủy quân đoàn hoặc tư lệnh/chính ủy binh chủng. Giả thiết một quân đoàn gồm 3 sư đoàn thì cấp bậc của lãnh đạo Công an Tp. Hồ Chí Minh tương đương với cấp chỉ huy 16 sư đoàn chính quy!".

Bài báo đặt câu hỏi: "Với đội ngũ lãnh đạo cao cấp như vậy, bên dưới là một lực lượng hùng hậu gồm công an phường, quận, thành phố, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, các đội săn bắt cướp và còn một trung đoàn cơ động (khoảng 600 chiến sỹ) từ Bộ Công an chi viện, vậy tại sao tình hình vẫn tồi tệ, không được cải thiện?". Hiện Công an Tp. Hồ Chí Minh chưa có phản hồi gì về chỉ trích trực diện này.



Giáo dục Việt Nam là tờ báo của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Tuy nhiên, báo này được biết là có nhiều bài viết về mảng quân sự-quốc phòng.

Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 183.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương