THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)


Lo ngại về Luật “An ninh quốc gia” của Trung Quốc



tải về 193.09 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích193.09 Kb.
#28696
1   2   3   4

Lo ngại về Luật “An ninh quốc gia” của Trung Quốc

Đài RFI đêm 1/7 đưa tin, sau khi công bố Sách Trắng Quốc phòng cho phép gia tăng sức mạnh quân sự bên ngoài phạm vi lãnh thổ vào cuối tháng trước, ngày 1/7, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục ra luật mở rộng phạm vi bảo vệ “an ninh quốc gia” tới nhiều khu vực mới như Bắc Cực, Nam Cực, biển, không gian và kể cả các mạng xã hội. Khái niệm “an ninh quốc gia” hết sức rộng lớn và được định nghĩa mơ hồ trong luật gây nhiều lo ngại.


Theo AFP, luật nói trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc - một cơ quan thường chỉ được coi là nơi thông qua các quyết định của Ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc với đa số tuyệt đối: 154 phiếu thuận, không phiếu chống, và một vắng mặt.

Trong một phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, một quan chức cao cấp của Quốc hội Trung Quốc tuyên bố, tình hình an ninh quốc gia tại Trung Quốc “đang ngày càng nghiêm trọng hơn”. Theo quan chức này, luật mới sẽ bảo đảm không có chỗ cho “các xung đột, xâm hại hay can thiệp từ bên ngoài”.

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, kể từ khi Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) lên nắm quyền vào cuối năm 2012, chính quyền Trung Quốc liên tục tiến hành các trấn áp nhằm vào những người ly khai, bất đồng chính kiến. Phạm vi của luật an ninh mới bao trùm một loạt các lĩnh vực, từ quân sự, kinh tế đến văn hóa, bên cạnh nhiều khu vực địa lý mới.

Cũng theo AFP, nhiều doanh nghiệp nước ngoài và nhà ngoại giao bình luận khái niệm “an ninh quốc gia” trong luật là quá rộng. Tổ chức theo dõi nhân quyền - Human Right Watch (HRW) ngay lập tức lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc ra luật mơ hồ để gia tăng đàn áp. Không phủ nhận là Trung Quốc có quyền ra luật về “an ninh quốc gia”, HRW cho rằng trong văn bản luật mới được thông qua, có nhiều yếu tố rất đáng lo ngại. Theo nữ chuyên gia về Trung Quốc, Vương Tùng Liên (Maya Wang), thuộc HRW, luật mới có thể biến một công dân bình thường thành một mối đe dọa đối với “an ninh quốc gia”.

Một trong các mục tiêu chính của luật này là gia tăng kiểm soát lĩnh vực Internet, ngăn chặn các nội dung chính trị khác với quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyên gia Vương Tùng Liên nhận xét: Luật an ninh mới nằm trong một loạt các luật liên quan đến an ninh quốc gia (gồm một dự luật chống khủng bố, hay luật về chống tà giáo”“các hoạt động mê tín” vừa được thông qua tuần trước) mà chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm “triệt hạ khả năng chỉ trích của xã hội dân sự nhắm vào chính quyền”.

Còn theo một số nghị sĩ dân chủ Hong Kong, mặc dù không được áp dụng trực tiếp tại đặc khu hành chính Hong Kong, nhưng việc Hong Kong và Ma Cao được nhắc đến trong luật này đã “tạo áp lực buộc chính quyền Hong Kong” phải đặt lại vấn đề thông qua luật riêng về an ninh nội địa, bất lợi cho tiến trình dân chủ hóa. Năm 2003, một dự luật như vậy do chính quyền Hong Kong đưa ra đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội, khiến khoảng 500.000 người xuống đường phản đối, buộc chính quyền phải rút lại điều luật dự kiến (điều 23 trong luật cơ bản Hong Kong, bộ luật được coi là Hiến pháp của đặc khu hành chính này).


QUAN HỆ TRUNG – NHẬT
Ba kịch bản dẫn đến chiến tranh Trung-Nhật

TTXVN (Hà Nội 1/7) - Mới đây, mạng tin National Interest đã đăng bài viết của Kyle Mizokami - tác giả của nhiều bài bình luận trên các trang mạng như The Diplomat, "Chính sách đối ngoại" - đề cập đến 3 kịch bản xảy ra chiến tranh Trung-Nhật. Nội dung chính như sau:

Kể từ năm 1894, giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã có 3 lần xảy ra chiến tranh. Vào cuối cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, do nước Nhật bị tàn phá nặng nề và bị quân đồng minh kiểm soát nên khả năng giao tranh tái diễn giữa Nhật Bản và Trung Quốc được dư luận đánh giá là hầu như không thể xảy ra. Đánh giá đó càng được khẳng định và củng cố sau khi Nhật Bản thông qua hiến pháp hòa bình. Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng là một nước nghèo, xã hội nông nghiệp lạc hậu, khả năng phòng thủ yếu kém.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 30 năm qua đã dần dần xóa mờ ý kiến cho rằng hai cường quốc này sẽ không bao giờ giao tranh trở lại. Quân đội Trung Quốc, trong hàng thập kỷ qua luôn tăng ngân sách ở mức hai con số và hiện là đội quân lớn nhất trong khu vực. Hai nước, trong một số vấn đề khu vực, thường đứng ở hai chiến tuyến đối địch nhau. Trung Quốc và Nhật Bản hiện mâu thuẫn gay gắt về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng phản đối việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Triều Tiên và Nga cũng trái ngược hoàn toàn với sự phản đối của Nhật Bản đối với nhiều chính sách của Bình Nhưỡng và Moskva.

Có 3 kịch bản nhiều khả năng sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh Trung-Nhật: một là, hai nước sẽ giao tranh trực tiếp; hai là, Nhật Bản sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến mà trong đó Nhật Bản đóng vai trò là đồng minh của Mỹ; ba là, hai nước sẽ xung đột liên quan đến vấn đề Triều Tiên.



Thứ nhất, giao tranh trực tiếp: Chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra giữa hai nước sau một cuộc khủng hoảng leo thang nghiêm trọng. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều điều tàu của lực lượng Phòng vệ Bờ biển đến khu vực trong và xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là cách mà cả hai bên đều cho là hữu ích để "thể hiện chủ quyền" và để "hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền" mà không cần phải viện đến các lực lượng quân sự.

Tuy nhiên, khả năng leo thang xung đột vẫn hiện hữu. Để thể hiện quyết tâm, có thể một trong hai nước sẽ thay các tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển bằng các tàu quân sự. Một động thái như vậy chắc chắn sẽ bị bên kia trả đũa. Các chuyến bay xâm phạm không phận, các loạt đạn cảnh cáo, hay các động thái biểu dương sức mạnh khác... đều có thể nhanh chóng làm xung đột leo thang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mỗi bên. Việc Trung Quốc triển khai máy bay và tàu hải quân xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể được coi là sự đối đầu nguy hiểm nhất (kể từ khi xảy ra Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba) giữa hai cường quốc hầu như chưa có kinh nghiệm gì về chính sách "bên miệng hố chiến tranh".

Xung đột giữa hai cường quốc này cũng có thể nổ ra bất ngờ do những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ hai nước. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và ở Nhật Bản cũng vậy. Trên thực tế, các nhà hoạt động Trung Quốc năm 2012 đã tiến hành một chuyến "vi hành" chóng vánh đến quần đảo này. Những hành động tương tự như vậy, hay việc tàu cá của một trong hai nước đi vào địa phận của một trong những hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - đều có thể khiến bên kia dùng vũ lực bắt giữ công dân của đối phương, gây ra các hành động đáp trả lẫn nhau về mặt quân sự.

Thứ hai, xung đột Mỹ-Trung: Trong hơn 50 năm qua, Mỹ và Nhật Bản là những đồng minh thân thiết. Hai nước thường xuyên "vai kề vai" trong nhiều vấn đề như Biển Đông hay Triều Tiên. Các vấn đề "điểm nóng" hiện nay ở châu Á có tầm quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với cả Nhật Bản. Mỹ và Nhật Bản đã tạo thành một mặt trận thống nhất ở Biển Đông và Biển Hoa Nam. Sự hợp tác quân sự và chính trị chặt chẽ giữa hai nước đồng nghĩa với việc Tokyo và Washington chắc chắn sẽ sát cánh cùng nhau nếu xảy ra chiến tranh ở châu Á.

Cuối tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố rằng Thỏa thuận An ninh Mỹ-Nhật "vẫn có hiệu lực mạnh mẽ và có trách nhiệm bảo vệ các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư". Như vậy, rõ ràng là bất kỳ hành động hiếu chiến nào của Trung Quốc nhằm tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đều sẽ vấp phải sự phản ứng của các lực lượng Mỹ.

Mỹ và Nhật Bản cũng có thể giao tranh với Triều Tiên. Mặc dù Nhật Bản có thể không trực tiếp can dự vào bất cứ cuộc giao tranh nào, song nước này chắc chắn sẽ tăng cường hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng Mỹ. Một cuộc chiến tranh như vậy nhiều khả năng sẽ lôi kéo cả Trung Quốc can dự.

Thứ ba, một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể lôi kéo cả Trung Quốc và Nhật Bản. Triều Tiên là một nước láng giềng khó đoán định và ngang ngạnh, thường xuyên đưa ra những lời đe dọa mang tính bạo lực nhằm vào Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng sở hữu một đội quân hùng mạnh và nhiều vũ khí hạt nhân. Một cuộc khủng hoảng do Bình Nhưỡng gây ra có thể trở thành chất xúc tác đẩy Trung Quốc và Nhật Bản vào cùng một cuộc khủng hoảng nhưng lại ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Trung Quốc tuy không ủng hộ triều đại họ Kim cầm quyền, nhưng Bắc Kinh cần một Triều Tiên ổn định ở biên giới phía Nam của họ. Trung Quốc sẽ bị ám ảnh bởi việc phải duy trì sự ổn định cho Triều Tiên, trong khi mục tiêu của Nhật Bản sẽ là không để cho Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc muốn quân đội nước ngoài đứng bên ngoài, còn theo Nhật Bản, cách duy nhất để vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là đưa quân vào trong lãnh thổ Triều Tiên.

Các hành động quân sự của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc, đặc biệt là nếu xảy ra khả năng các lực lượng Nhật Bản đồn trú lâu dài ở Triều Tiên. Nếu các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn điều đó thất bại, có thể Trung Quốc sẽ dùng vũ lực quân sự để đánh đuổi binh lính Nhật.

Một khả năng khác là Nhật Bản quyết định tấn công phủ đầu nhằm vào kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong bối cảnh quân đội Triều Tiên đang có phần sa sút, việc chống đỡ những cuộc tấn công như vậy là điều ngày càng khó khăn đối với đất nước này. Trung Quốc, do lo ngại các cuộc tấn công nói trên thành công sẽ lật đổ chính quyền Kim Jong-un, có thể sẽ quyết định tích cực bảo vệ Triều Tiên. Và như vậy, các binh lính Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải chạm trán nhau ở Triều Tiên một cách hoàn toàn bất ngờ.

Vẫn chưa rõ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong tương lai gần có xảy ra chiến tranh hay không. Hiện tại, không bên nào tỏ ý định sẽ can dự vào một cuộc chiến tranh lớn. Tuy nhiên, chiến tranh có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, thường là nằm ngoài dự liệu của các bên.


Phát biểu của ông Abe về "cuộc chiến với Trung Quốc" là có chủ đích?

TTXVN (Hà Nội 1/7) - Mạng tin wantchinatimes ngày 30/6 đã đăng bài viết giải thích lý do tại sao những phát biểu không chính thức được cho là của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về "cuộc chiến với Trung Quốc" lại được tiết lộ công khai. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tại thời điểm nhạy cảm đối với quan hệ Trung-Nhật - năm nay kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, hai nước đang xảy ra tranh cãi liên quan tới những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng ông đã chuẩn bị các kế hoạch để tiến tới chiến tranh với Trung Quốc. Theo trang tin Đa chiều, trang tin tức của người Hoa ở hải ngoại, ông Abe được cho là phát biểu như vậy tại một bữa tiệc thân mật có sự tham dự của nhiều người đứng đầu ngành truyền thông trong nước diễn ra ở một khách sạn hạng sang ở Tokyo, sau khi ông uống khá nhiều rượu vang đỏ.

Trích lại tuần san Shukan Gendai của Nhật Bản, Đa chiều nói rằng ông Abe đã thẳng thắn chỉ trích lãnh đạo phe đối lập Katsuya Okada của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), kịch liệt phê phán vị cựu Phó Thủ tướng này vì thường xuyên phát biểu "những điều vô nghĩa", và nói thêm rằng DJP "đã kết thúc". Nhiều tin tức cũng nói rằng ông Abe đã chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc, và thừa nhận rằng những nỗ lực của ông nhằm xóa bỏ hoàn toàn quy định cấm Nhật Bản thực hiện phòng vệ tập thể được đưa ra sau chiến tranh (quyền được tham gia chiến tranh để hỗ trợ một đồng minh cho dù Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp) là một phần trong chiến lược của Tokyo nhằm đứng về phía Mỹ để đối phó với cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi xảy ra nhiều tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Theo trang mạng Đa chiều, để đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản đưa ra lời giải thích rõ ràng về những phát biểu nói trên được cho là của ông Abe. Trang mạng này cũng cho hay các quan chức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc và các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng họ vẫn chưa đọc được những tin tức này và sẽ đưa ra trả lời theo đúng trình tự.

Nếu những tin tức này là đúng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi những phát biểu này hoàn toàn giống với tính cách của ông Abe, bằng chứng là một loạt động thái quân sự ông đã làm kể từ khi trở lại làm Thủ tướng vào năm 2012 và có chuyến thăm gây tranh cãi hồi tháng 12/2013 tới đền Yasukuni - nơi thờ những người Nhật chết trong chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh loại A. Tuy nhiên, do ông Abe nói ra những điều trên một cách riêng tư kín đáo, vậy tại sao chúng lại được đưa ra công khai? Nếu những phát biểu này do chính quyền của ông Abe cố tình tiết lộ cho giới truyền thông, vậy mục đích của họ là gì?

Một số người cho rằng việc công khai những phát biểu này là một động thái có tính toán của ông Abe, vì sau khi xoa dịu căng thẳng thành công với Trung Quốc và Hàn Quốc và giảm bớt những sức ép chính trị trong nước, ông Abe đang muốn tận dụng cơ hội này để tiến hành sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Theo Đa chiều, những tin tức về phát biểu "chiến tranh với Trung Quốc" của ông Abe nhằm đặt nền móng cho việc sửa đổi Hiến pháp. Ông Abe chắc chắn đang thử nghiệm phản ứng của cả cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước về ý tưởng này. Điều này dường như là một kịch bản rất có khả năng xảy ra bởi vì nếu bữa tiệc tối kia hoàn toàn là riêng tư thì chắc chắn sẽ không có nhiều thông tin như vậy bị tiết lộ. Đa chiều còn nhận định rằng giới truyền thông trong nước chắc chắn sẽ không mạo hiểm bịa đặt ra một câu chuyện như vậy.

Có ba nguyên nhân khiến chính quyền của ông Abe cố ý tiết lộ những thông tin như vậy. Đầu tiên, chính quyền Nhật Bản muốn thể hiện cho Washington thấy rằng Tokyo sẵn sàng trở thành đồng minh chống Trung Quốc của Mỹ nếu như Hiến pháp được sửa đổi. Chính quyền của ông Abe đóng một vai trò quan trọng trong chính sách "chuyển trục" sang châu Á của Mỹ và đã liên tục có động thái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài. Nhật Bản đã quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo này hồi tháng 12/2012. Đa chiều cho rằng đây là cách Nhật Bản thể hiện quyết tâm của nước này nhằm giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.

Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, người từng nắm quyền chưa đầy một năm trong giai đoạn 2009-2010 và sau đó từ chức, đã xây dựng chính sách đối ngoại của Nhật Bản tách biệt khỏi Mỹ và tăng cường quan hệ ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, ông Abe lại đi theo hướng ngược lại, đó là tăng cường quan hệ với Mỹ với hy vọng rằng Washington sẽ hậu thuẫn bước đi của chính quyền ông hướng tới bình thường hóa quân sự. Năm 2014, Mỹ đã ủng hộ việc xóa bỏ lệnh cấm Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể và năm nay, hai nước đã ký bản cập nhật Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật.

Điều này có nghĩa rằng ông Abe đã giành được hậu thuẫn quân sự của Mỹ và đồng thời đã cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc đủ để làm vừa lòng cử tri và các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ rằng liệu ông Abe có thể giành được sự ủng hộ trong nước đối với việc sửa đổi Hiến pháp hay không, trong bối cảnh một số cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra kể từ khi ý tưởng này được đưa ra thảo luận. Mỹ hiện vẫn chưa chấp thuận việc Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp. Những phát biểu riêng tư mới bị tiết lộ gần đây của ông Abe có thể sẽ thúc đẩy Mỹ công khai quan điểm của họ và sẽ thử phản ứng của các nước láng giềng của Nhật Bản.

Một lý do khác đằng sau việc thông tin này bị tiết lộ, đó là để công khai các mục tiêu của Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông. Nếu Mỹ và Nhật giành kiểm soát ở Biển Đông, đây sẽ là một trở ngại đáng kể đối với sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu hai nước không thể kiềm chế Trung Quốc trong khu vực, thì việc làm khuấy động căng thẳng sẽ cho phép cả Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, và từ đó cản trở sáng kiến "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" của Trung Quốc.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 193.09 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương