THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 193.09 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích193.09 Kb.
#28696
1   2   3   4

Đài BBC đêm 1/7 dẫn ý kiến của kinh tế gia Phạm Chi Lan, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 1/7 cho rằng việc tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng có thể mang lại cho Việt Nam cả cơ hội lẫn rủi ro.


Trước đó, Việt Nam đã ký vào điều lệ hoạt động của AIIB tại buổi lễ tổ chức ở Bắc Kinh ngày 29/6, với sự có mặt của đại diện đến từ 57 quốc gia.

Bảy quốc gia là Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Nam Phi và Thái Lan, đã từ chối ký với lý do chưa được ủng hộ ở trong nước. Các nước này nói có khả năng sẽ ký vào cuối năm nay.



- Trước hết, bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi và rủi ro mà Việt Nam có thể gặp khi tham gia AIIB?

+ Tham gia AIIB có thể giúp Việt Nam vay vốn để đáp ứng những nhu cầu về hạ tầng. Việt Nam có nhu cầu rất lớn về hạ tầng để kết nối với các nền kinh tế trong ASEAN. ASEAN cũng có nhu cầu kết nối với các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng là khi vay thì điều kiện sẽ là như thế nào và ai sẽ khống chế việc cho vay, cũng như nhà thầu.

Lâu nay, các dự án sử dụng vốn vay từ Trung Quốc của Việt Nam đã buộc Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của Trung Quốc, vừa kéo dài thời gian, chất lượng kém, tăng thêm vốn so với dự toán, làm thua thiệt nhiều mặt. Một ví dụ điển hình là dự án đường sắt trên cao của Hà Nội.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng nói rằng không thay nhà thầu được dù họ làm rất dở, vi phạm nhiều quy tắc về an toàn lao động, gây ra nhiều rủi ro cho người đi đường, làm người dân mất niềm tin về dự án.

Nguyên nhân là vì vay vốn của Trung Quốc nên buộc phải sử dụng nhà thầu của họ, dù nhà thầu không có kinh nghiệm, không có chất lượng, cũng không có trách nhiệm. Bao nhiêu rủi ro đó Việt Nam phải gánh chịu hết.

Khi vay vốn từ AIIB, hy vọng rằng đó là ngân hàng quốc tế, có nhiều nước tham gia, sẽ giúp giám sát các dự án dùng vốn cho vay tốt hơn, không như các dự song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc.



- Các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi cho vay hoặc ra tay cứu trợ các nền kinh tế khác thì luôn kèm theo các điều kiện cải cách sâu rộng. Trung Quốc thì lại luôn nhấn mạnh họ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên nhận vốn hỗ trợ. Bà có nghĩ đây là cách mà Trung Quốc muốn giảm tầm ảnh hưởng của các định chế tài chính khác hay không?

+ Đúng, Trung Quốc cũng muốn tăng tầm ảnh hưởng theo cách đó. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, khi vay mà kèm theo cải cách thì cũng là đúng đắn. Việt Nam rất cần học bài học từ Hy Lạp để thấy cải cách là rất cần thiết cho bản thân mình chứ không phải cho chủ nợ.

Tại Việt Nam, lâu nay cũng dấy lên mối lo về nợ công. Chính nhà nước cũng nói cải cách đầu tư công là cải cách cần thiết nhất, nhưng chưa làm được.

Những lần hội nhập như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới đây, Việt Nam đều đứng trước sức ép cải cách, nhưng sức ép đó là cần thiết để nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế và những chuẩn mực quốc tế như tính minh bạch, trách nhiệm giải trình các dự án đầu tư công với xã hội.

Không nên coi sức ép từ các tổ chức cho vay là điều xấu. Nếu bản thân có nhu cầu cải cách thực sự thì điều đó sẽ thúc đẩy động lực cải cách ở trong nước.

Việt Nam cần học bài học từ Hy Lạp để biết rằng không phải khi nào những khoản vay dễ dãi, không kèm theo các điều kiện cải cách, cũng là tốt. Những khoản vay đó sau này lại trở thành gánh nặng nợ mà người dân, đất nước phải trả.



- Nếu không kèm theo các điều kiện cải cách thì ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng rõ ràng sẽ đứng trước nhiều rủi ro khi cho vay. Theo bà, họ dựa vào những cơ sở nào để chấp nhận rủi ro này?

+ Trung Quốc có nguồn lực rất lớn về tài chính để có thể cho vay. Họ cũng dư thừa lực lượng xây dựng, sản xuất cũng như vật tư và muốn kiếm chỗ để đầu tư.

Ngay cả khi có rủi ro cho họ thì cũng có thể bù đắp lại bằng lãi mà các công ty Trung Quốc kiếm được khi tham gia các dự án.

Một số nhà tài trợ song phương cũng thường tính theo cách đó, muốn cho nước khác vay để có tiền tiêu thụ hàng hóa của họ và có việc làm cho công ty của họ.



- Theo bà, liệu việc gia nhập AIIB có khiến Việt Nam xa dần ra khỏi các hoạt động hợp tác với IMF hay WB không?

+ Tôi tin là Việt Nam vẫn tiếp tục gắn bó với IMF, WB hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vì đây là những tổ chức đã giúp Việt Nam về nhiều mặt từ lâu nay, thông qua vốn vay ODA hay các chương trình cải cách theo hướng thị trường.

Việt Nam vẫn chưa cải cách được theo đúng mong muốn của mình và chính Việt Nam ý thức được điều đó, chứ không phải do sức ép từ WB hay IMF. Nhiều khi ở trong nước, chúng tôi vẫn cho là tiếng nói của các tổ chức này vẫn chưa đủ mạnh để Việt Nam phải cải cách.

Tôi cũng không cho rằng việc tham gia AIIB sẽ làm giảm nhẹ ý muốn cải cách tại Việt Nam, vì yêu cầu cải cách cũng như định hướng cải cách tại Việt Nam đã quá rõ rồi. Không một lãnh đạo nào tại Việt Nam dám khước từ nhu cầu cải cách của Việt Nam. Tất cả các lãnh đạo của Đảng, Quốc hội hay chính phủ đều nói đến cải cách và chính nghị quyết của Đảng Cộng sản cũng thừa nhận Việt Nam phải tiến hành cải cách.

Chiến lược 10 năm từ 2011-2020 bao gồm 3 cải cách chiến lược, trong đó đứng hàng đầu là cải cách thể chế. Tái cơ cấu kinh tế cũng đòi hỏi cải cách đầu tư công, cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng. Đây là các cải cách mà chính quyền đã đề ra và đang dẫn dắt. Tôi không nghĩ việc tham gia ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng sẽ làm giảm nhẹ nhu cầu cải cách tại Việt Nam.
III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
Sắp điều trần kín vụ Philippines kiện Trung Quốc

Đài BBC đêm 1/7 cho biết, Tòa án Trọng tài thường trực của Liên hợp quốc (PCA) tại Hague, Hà Lan, sắp có phiên điều trần kín để lắng nghe Philippines trình bày quan điểm của mình trong vụ nước này kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền thông qua “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.


Mới đây, đại diện của PCA cho BBC biết phiên xử sẽ không mở ra cho công chúng và báo giới, tuy nhiên, sẽ có các thông báo về kết quả phiên điều trần sau khi phiên xử lần này kết thúc, dự kiến vào trung tuần tháng 7/2015.

Cuối tháng 6/2015, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines, Charles Jose, cho hay Philippines sẽ phát biểu vào tháng 7 trước Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Hague về vụ kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, ngày 7/7 tòa án sẽ nghe biện luận của Philippines và phiên xử lần này sẽ kéo dài khoảng một tuần, từ ngày 7-13/7.

Năm 2013, Manila đã gửi hồ sơ cho tòa trong khi Trung Quốc từ chối công nhận vụ kiện. Bộ Ngoại giao Philippines cũng nói họ đã chuẩn bị hồ sơ biện luận cho phiên điều trần sắp tới. Tháng trước, ông Charles Jose, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói với các phóng viên rằng“Chúng tôi đang chuẩn bị cho việc tranh tụng tại Hague. Các quan chức và nhà ngoại giao của Philippines, với sự hỗ trợ của các luật sư Mỹ, sẽ tham gia tiến trình vụ kiện”.

Philippines nói phiên điều trần tháng 7/2015 đóng vai trò quan trọng để tòa quyết định liệu đơn kiện của Manila có cơ sở hay không.

Hồi tháng 1/2013, Manila yêu cầu tòa án tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là mở rộng quá mức và bất hợp pháp.

“Đường 9 đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường chữ U”, dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo bản đồ này, chủ quyền của Trung Quốc chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.



Trung Quốc phản ứng

Tháng 12/2014, Trung Quốc nói vụ kiện mà Philippines khởi xướng lên PCA và ‘được Việt Nam ủng hộ’ là ‘không có tính pháp lý’.

Ngày 11/12/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói với các nhà báo ở Hà Nội rằng“Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện (Philippines kiện Trung Quốc), Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách ‘các quyền lịch sử’ của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong ‘đường 9 đoạn’ do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.

Mặc dù phải hứng chịu các phản ứng dữ dội của Philippines và nhiều quốc gia trong khu vực cũng như quốc tế, ngày 16/6, Trung Quốc tuyên bố nước này ‘sắp hoàn tất dự án cải tạo đảo’ ở Biển Đông.

Theo một Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dự án này sẽ sớm được ‘hoàn tất theo kế hoạch’. Ông này cũng nói, tiếp sau đó, Trung Quốc sẽ tiến hành xây dựng các cơ cở hạ tầng trên những hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông.

Mới đây, Trung Quốc cũng lên tiếng ‘bày tỏ’ quan ngại khi Philippines cùng Nhật Bản tổ chức ‘tập trận song phương’ trên vùng biển này.


IV. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾ
XUNG QUANH THỎA THUẬN TPP
Mỹ Latinh cần thận trọng với TPP

TTXVN (Havana 1/7) - Bài viết tiêu điểm tháng của nhóm biên tập cổng thông tin Kinh tế châu Mỹ (America economia), một trong những website kinh tế có lượng độc giả lớn nhất Mỹ Latinh:

Trong vài tuần qua, một trong những thông tin gây chú ý nhất trên thế giới là Hạ viện Mỹ đã thông qua và Tổng thống ký ban hành đạo luật về đàm phán nhanh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà trước đó đã được Thương viện thông qua hồi tháng 5.

Có thể coi TPP là kế hoạch hội nhập kinh tế do Mỹ thúc đẩy và bao gồm 12 quốc gia trong vùng lòng chảo Thái Bình Dương- trong đó có 3 nước Mỹ Latinh- và các nước này chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Dự án này cũng gạt bỏ Trung Quốc và được hiểu như một nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì sự thống trị của mình trong khu vực kinh tế quan trọng nhất thế kỷ XXI.

Tất nhiên, đây cũng là một sáng kiến tạo thuận lợi cho thương mại và tích hợp các nền kinh tế của tất cả các nước thành viên. TPP sẽ xóa bỏ thuế quan, cắt giảm trợ giá, thống nhất một số quy định, tiêu chuẩn thương mại và kinh tế giữa Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Brunei, New Zealand và Australia. Nghiên cứu khoa học được cho là nghiêm túc nhất cho tới nay về hiệp định này do Trung tâm Đông-Tây Hawaii tiến hành dự báo rằng TPP sẽ làm tăng 285 tỷ USD- hay 1% GDP – của 12 nước đang tham gia đàm phán vào năm 2025.

Cùng với dự án này, Mỹ đang thương lượng với châu Âu một thỏa thuận tương tự: Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Một khi được thông qua và bắt đầu hiệu lực, hai hiệp định xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có thể là nguồn gốc cho việc thiết lập các quy định cấp toàn cầu về thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ toàn cầu cho giai đoạn từ 50 tới 100 năm. Quyết định của chính quyền Obama đẩy nhanh cả hai thỏa thuận cùng một lúc cho thấy tầm quan trọng về dài hạn của việc kết hợp hai hiệp định này cũng như mong muốn của vị nguyên thủ da màu đầu tiên của Mỹ muốn lưu lại hai hiệp định đã được thông qua trong di sản chính trị của mình.

Thậm chí trong trường hợp chỉ TPP được ký kết, nó cũng đặt ra nền móng cho một trật tự thương mại quốc tế mới với các hàng rào bị gỡ bỏ, các khoản trợ giá bị hạn chế và các quy định được thống nhất, điều mà Tổ chức Thương mại thế giới và các thể chế tiền thân của nó đã không làm nổi trong 50 năm. Dự định đa phương mới nhất trong việc giảm thiểu các hàng rào thuế quan là Vòng đàm phán Doha, bị trật bánh từ năm 2005, và từ đó, người ta theo đuổi các thỏa thuận song phương, với tầm vóc hạn chế và khó tích hợp thêm thành viên mới. Đơn cử cho tới nay, Mexico và Chile đã ký kết tới hơn 20 Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) mỗi nước.

TPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại và hội nhập kinh tế đa phương tại Lòng chảo Thái Bình Dương dưới sự lãnh đạo của Mỹ, với tầm vóc và chiều sâu chỉ có tại EU. Và những người soạn thảo nó cũng không che giấu tham vọng toàn cầu của mình: một trong nnững mục tiêu công khai của TPP là kết nạp thành viên mới vào sáng kiến này.

Một trong số các ứng cử viên là Colombia, nước không tham gia nhóm đàm phán chính thức đầu tiên từ năm 2006, nhưng kể từ đó đã tỏ rõ quyết tâm gia nhập hiệp định thương mại này. Panama và một số quốc gia Trung Mỹ và Đông Á khác cũng muốn gia nhập TPP.

Nhưng với quá nhiều quy định và chi tiết trong thỏa thuận khung, cũng như việc Mỹ muốn áp đặt tiêu chuẩn của mình lên các đối tác, dường như TPP đang muốn loại bỏ chứ không phải là kết nạp thêm thành viên.

Đầu tiên, đó là việc thỏa thuận khung được chính phủ Mỹ xếp loại bí mật, và với động thái đó, họ không chỉ cấm các cơ quan chính thức công khai nội dung thỏa thuận, mà còn cấm cả những ai đã từng đọc văn bản được cung cấp thông tin, ý kiến hay diễn giải cụ thể. Chính quyền của Tổng thống Obama cho lập luận rằng công bố một văn bản khung vẫn đang được thương thảo là không thích hợp, và rằng điều tương tự cũng diễn ra với các thỏa thuận khác và phiên bản cuối cùng của TPP sẽ được công bố. Nhưng đàm phán trong bí mật một văn bản có nội dung cũng bí mật chắc chắn khó khơi dậy sự ủng hộ của mọi người, tại Mỹ cũng như tại các nơi khác trên thế giới. Phải cảm ơn Wikileaks và Julian Assenge vì đã tiết lộ một vài chương của TPP: phần lớn những gì công chúng được biết cho tới nay về thỏa thuận tầm cỡ này là nhờ vào họ.

Điều mà chúng ta biết về nội dung của TPP, nói theo cách nhẹ nhất, cũng mang khá nhiều mâu thuẫn. Có lẽ không ai phản đối việc giảm đồng thời các hàng rào thuế quan và trợ giá, nhưng TPP cũng đồng thời đóng vai trò điều tiết đầu tư qua lại, một chương trình chung về tiêu chuẩn lao động và quy định môi trường và một dự án hợp nhất các quy định luật pháp về bản quyền, sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế và thương hiệu. Và mới đây, văn bản này vẫn còn bao gồm cả tiêu chuẩn về chính sách tiền tệ: một điều khoản cấm các nước thành viên được điều chỉnh trị giá tương đối đồng tiền của mình nhằm khuyến khích xuất khẩu.

Trong nội bộ nước Mỹ, nhiều tổ chức phi chính phủ liên quan tới luật lao động và bảo vệ môi trường đã lên tiếng chống lại TPP và yêu cầu một thỏa thuận tự do thương mại phải yêu cầu tất cả các nước ký kết áp dụng tiêu chuẩn khắt khe về lao động và môi trường đang có hiệu lực tại Mỹ. Họ cho rằng nếu các nước khác có thể gây ô nhiễm và trả lương cho người lao động thấp hơn, thì sản phẩm mà họ làm ra chính là cạnh tranh phá giá đối với những sản phẩm tương tự được sản xuất tại Mỹ.

Thế nhưng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền tác giả, thương hiệu và bằng sáng chế, TPP rõ ràng gây tổn hại cho các đối tác của Mỹ.

Dự thảo thỏa thuận đề xuất việc áp dụng phổ thông các tiêu chuẩn của Mỹ. Ví dụ, trong lĩnh vực bản quyền và tác quyền, người ta muốn thiết lập một hạn định thanh toán bắt buộc lên tới 70 năm sau khi tác giả qua đời. Thời hạn hiệu lực và trả tiền sử dụng bằng sáng chế tại tất cả các nước còn lại sẽ phải tăng lên một khi gia nhập TPP.

Trên nguyên tắc, bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn sẽ khuyến khích sáng tạo và Mỹ chính là hình mẫu: đây là nước bảo vệ các nhà sáng chế tốt nhất và cũng là nước có nhiều phát kiến cách mạng nhất trong thế kỷ qua. Từ điện thoại, dây chuyền sản xuất hàng loạt, cho tới máy tính cá nhân, công nghệ gen, Google và Facebook.

Nhưng đó là lý thuyết. Trong thực hành, kéo dài thời hạn hiệu lực của các bằng sáng chế sẽ gây hại gần như ngay lập tức cho các ngành công nghiệp dược phẩm nội địa tại mỗi nước. Trước hết, các xí nghiệp dược tại nhiều nước sẽ không được sản xuất thuốc gốc (thuốc gốc - generic drug- là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ) như họ đang làm, vì các quyền sở hữu công nghiệp thuốc từng hết hạn giờ lại có hiệu lực trở lại, và đa số các nhà thuốc này phải chờ thêm nhiều thời gian cho tới khi quyền sở hữu trên hết hạn lần nữa. Nhiều loại thuốc gốc đã được sử dụng tại các nước tham gia ký kết TPP sẽ bị rút khỏi thị trường và thay thế bằng sản phẩm của các công ty dược có quyền sở hữu gốc với giá thành cao hơn nhiều.

Nhưng không chỉ có thế. Dự thảo khung còn bao gồm điều khoản cho phép các công ty yêu cầu các nước không tuân thủ các tiêu chuẩn về bản quyền và sở hữu trí tuệ bồi thường số tiền bản quyền mà họ đáng được hưởng. Như vậy, TPP đưa vào thực hành pháp lý việc một công ty đa quốc gia có thể đưa một quốc gia có chủ quyền ra tòa.

Điều áp đặt này là không thể chấp nhận được. Thật không thích hợp khi trao cho một công ty hay một nhà đầu tư thân phận pháp lý của một quốc gia để yêu cầu việc tuân thủ một hiệp định giữa các quốc gia có chủ quyền. Một khi được đưa vào áp dụng, điều khoản này trên thực tế sẽ cho phép các công ty Mỹ khởi kiện chính phủ của các nước có chủ quyền tại tòa án của chính họ do việc không tuân thủ các luật pháp của Mỹ.

Chấp nhận các tiêu chuẩn Mỹ về bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng sẽ tác động tới việc xuất bản nhiều nội dung trên Internet không với mục đích thương mại. Ví dụ, luật pháp Mỹ coi việc đăng tải không xin phép các tài liệu hoặc hình ảnh có đăng ký bản quyền trên Internet là một tội, cho dù hành động đó không mang mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, việc sử dụng phi thương mại các tài liệu và hình ảnh có đăng ký bản quyền tại các nước đàm phán TPP khác không hề bị phạt và khó tưởng tượng được tất cả các nước này lại thay đổi luật của mình.

Cho tới nay, chính phủ Mexico, Peru và Chile đã công bố những chỉnh sửa của mình đối với một số điều khoản của TPP trong các vòng thương lượng, nhưng họ cần mạnh mẽ hơn và hành động đúng đắn vì họ có thế mạnh đàm phán: Mỹ cần các quốc gia này để TPP có tầm vóc toàn cầu như dự định. Thiếu Mỹ Latinh, TPP chỉ là một thỏa thuận của Mỹ và một phần châu Á.

Riêng về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế, các nước Mỹ Latinh không nên ký chừng nào các điều khoản liên quan vẫn chưa được chỉnh sửa phù hợp. Mexico, Peru và Chile cũng cần yêu cầu việc Colombia tham gia thỏa thuận sớm nhất có thể. Colombia là thành viên chính thức còn lại trong Liên minh Thái Bình Dương và từ năm 2012, FTA giữa quốc gia Nam Mỹ này và Mỹ đã có hiệu lực.

Việc buộc Mỹ phải thay đổi văn bản dự thảo TPP để đổi lại chữ ký của các nước trong khu vực không phải là điều không thể. Các nước châu Á đã đạt được việc đưa khỏi hiệp định khung điều khoản cấm việc điều chỉnh giá trị đồng nội tệ để khuyến khích xuất khẩu, trong khi Nhật Bản cũng đã giành được ngoại lệ cho phép họ vẫn tiếp tục trợ giá ngành nông nghiệp.

Sau khi Tổng thống Mỹ đã có trong tay quyền đàm phán nhanh TPP, các cuộc thương lượng chắc hẳn sẽ lại bắt đầu trong nay mai, nhất là tới đây rất có thể Quốc hội Mexico, Peru và Chile, cũng như các nước đang đàm phán còn lại có thể cũng có bước đi tương tự để nới quyền cho ngạch hành pháp. Tới thời điểm đó, sẽ là hợp lý hơn nếu một văn bản chính thức về TPP được công bố để công chúng được minh bạch.
TRUNG QUỐC
Trung Quốc thông báo nội bộ 10 tội danh của Quách Bá Hùng

TTXVN (Hong Kong 2/7) - Thông tin mới nhất được truyền thông Hong Kong đăng tải cho thấy nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng đã bị Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương và Ban Kiểm tra Kỉ luật Quân ủy Trung ương điều tra. Những tội danh của Quách Bá Hùng cũng đã được thông báo trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tạp chí Tranh minh số tháng 7/2015 cho biết vào ngày 13/6/2015, Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương và Ban Kiểm tra Kỉ luật Quân ủy Trung ương đã phát đi 3 thông báo nội bộ, nói rằng việc lập án điều tra ông Quách Bá Hùng đang được tiến hành, tình hình vụ án phức tạp. Thông báo cho biết thêm vụ án Quách Bá Hùng sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp, khẳng định Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ban Kiểm tra Kỉ luật Quân ủy Trung ương không thay đổi lập trường, nguyên tắc đối với vấn đề chống tham nhũng. Trước đó, vào ngày 11/5/2015, Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương và Ban Kiểm tra Kỉ luật Quân ủy Trung ương đã thông báo tình hình điều tra vụ án Quách Bá Hùng cho Bộ Chính trị, Chính phủ, Đảng ủy Thường vụ Nhân đại Toàn quốc (Đảng ủy Thường vụ Quốc hội), Đảng ủy Chính hiệp Toàn quốc (Đảng ủy MTTQTW), Quân ủy Trung ương và 4 cơ quan cấp Tổng cục trong quân đội, gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị. Ngày 25/5, tình hình vụ án Quách Bá Hùng được thông báo tới Đảng ủy các Khu Quân sự tỉnh.

Thông báo truyền đạt nội dung trên 10 phương diện liên quan tới các tội danh của Quách Bá Hùng. Một là Quách Bá Hùng bị lập án điều tra, vấn đề “vi phạm kỉ luật, vi phạm pháp luật và phạm tội” của Quách Bá Hùng rất nghiêm trọng. Hai là trong thời gian bị điều tra, Quách Bá Hùng giở nhiều thủ đoạn, “thiết lập liên minh công-thủ, hủy giấy tờ và chứng cứ phạm tội”. Ba là tìm cách tự sát để chống lại việc điều tra. Bốn là điều tra sơ bộ cho thấy Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cùng thời với Quách Bá Hùng, sau khi bị chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp để xử lý, đã chết vì ung thư bàng quang) liên quan tới biệc mua bán quan tước. Năm là khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai từ quân sự sang dân sự, từng nhận hối lộ lớn hơn 30 lần. Sáu là chỉ thị cho lãnh đạo ngành liên quan sửa đổi thành tích huấn luyện, diễn tập quân sự. Bảy là lợi dụng chức quyền, giúp người thân, thuộc hạ cũ chiếm đoạt lợi ích “phi pháp” trong các dự án xây dựng công trình ở địa phương. Tám là sau khi về hưu vào tháng 3/2013, Quách Bá Hùng đã đi khắp nơi móc nối thăm dò tình hình liên quan ở Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương và Ban Kiểm tra Kỉ luật Quân ủy Trung ương, có hoạt động móc nối với các thuộc hạ bị điều tra, tiến hành di chuyển tài sản bất hợp pháp. Chín là trong thời gian Từ Tài Hậu bị điều tra, Quách Bá Hùng từng 7 lần tới nơi ở của Từ Tài Hậu để báo tin, yêu cầu Từ Tài Hậu kiên định (không nhận tội), còn mình sẽ vận động trong nội bộ, nhằm đảm bảo Từ Tài Hậu không bị truy cứu trách nhiệm. Mười là trong thời gian làm Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quân ủy Trung ương đã 3 lần tằng tịu ngoài hôn nhân bị tố cáo và Quách Bá Hùng đã hai lần bị kiểm tra vấn đề này.

Theo tạp chí trên, Quách Bá Hùng là tâm phúc trong quân đội do ông Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo tối cao Trung Quốc) đề bạt, từ năm 2002 đến tháng 3/2013 làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cùng với một tâm phúc khác của ông Giang Trạch Dân là Từ Tài Hậu thay mặt “Tập đoàn Giang Trạch Dân” kiểm soát quân đội, “bắt cóc” quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào (cựu lãnh đạo tối cao Trung Quốc, kế nhiệm ông Giang Trạch Dân và là tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình). Trong thời gian bị khởi tố, Từ Tài Hậu đã mất vì ung thư bàng quang vào ngày 15/3/2015. Sau đó, có thông tin nói rằng vợ chồng Quách Bá Hùng đã bị bắt vào ngày 10/4/2015, khoảng 2 tháng sau khi con trai Quách Chính Cương và con dâu bị bắt. Ngoài ra, con gái và các thư ký của Quách Bá Hùng cũng đều bị điều tra.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 193.09 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương