THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


Thủ tướng Tony Abbott: Việc Australia siết chặt quan hệ với Nhật Bản không làm thiệt hại đến quan hệ với Trung Quốc



tải về 164.22 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích164.22 Kb.
#28493
1   2   3

Thủ tướng Tony Abbott: Việc Australia siết chặt quan hệ với Nhật Bản không làm thiệt hại đến quan hệ với Trung Quốc.

Đài RFI (đêm 10/7) - Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 10/7 nói rằng việc Australia siết chặt quan hệ với Nhật Bản không làm thiệt hại đến tình hữu nghị với Trung Quốc. Tuyên bố trên được đưa ra sau chuyến thăm thành công và hiệu quả của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Trong chuyến công du hai ngày, ông Abe đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản phát biểu trước Quốc hội Australia về các thỏa thuận chủ yếu tự do thương mại và an ninh đã được ký kết, kể cả việc chia sẻ công nghệ quốc phòng.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đã kiềm chế không phản ứng, cho dù báo chí nhà nước tấn công vào những phát biểu “đáng kinh ngạc” của ông Abbott tại Quốc hội. Trong bài diễn văn, Thủ tướng Australia đã ca ngợi lòng can đảm của các thủy thủ tàu ngầm Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.

Nhiều lần nhắc đến mối quan hệ “đặc biệt” trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản, ông Abbott nói rằng vẫn có thể duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Khi các nhà báo chất vấn liệu có thể làm tổn hại cho quan hệ với Bắc Kinh hay không, ông trả lời: “Chúng tôi muốn có tình bạn tốt hơn với Nhật Bản và nghĩ rằng đã đạt được, nhưng cũng muốn có tình bằng hữu tốt đẹp với Trung Quốc. Chúng tôi đang làm việc về một thỏa thuận tự do thương mại với Bắc Kinh và tôi tương đối lạc quan về khả năng thành công”.

Tuyên bố của Thủ tướng Abbott được đưa ra trong lúc Ngoại trưởng Julie Bishop nói rằng Australia không sợ phải đối phó với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và các quy định pháp luật. Trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald hôm nay, bà nhận định: “Trung Quốc không tôn trọng kẻ yếu. Vì vậy, khi có điều gì làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, chúng ta phải làm cho rõ ràng thế đứng của mình”.

Lập trường cứng rắn này đã được biểu lộ gần đây nhất vào tháng trước, khi Canberra ủng hộ việc Mỹ lên án Trung Quốc về các hành động “gây mất ổn định” khi tranh giành chủ quyền tại Biển Đông. Bản thân bà Bishop tháng 11/2013 cũng đã làm cho Bắc Kinh hết sức giận dữ khi cho triệu mời đại sứ Trung Quốc, do đơn phương quy định vùng nhận dạng phòng không tại Biển Hoa Đông. Bắc Kinh tức tối nói rằng điều này gây nguy hiểm sự tin cậy lẫn nhau giữa đôi bên.

Thủ tướng Abbott cho rằng các phát biểu của Ngoại trưởng Bishop hôm nay chỉ nhằm nhắc nhở mỗi nước có quan điểm của mình. Theo ông, đôi khi các nước có bất đồng với nhau nhưng không ảnh hưởng đến tình hữu nghị.

ĐÔNG Á
Về cuộc chạy đua tàu ngầm ở Đông Á

TTXVN (Singapore 10/7) - Theo nhà nghiên cứu Michael Raska, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (Singapore), một khía cạnh quan trọng của “cuộc chạy đua vũ trang” mang tính khu vực ở Đông Á chính là việc phiên chế dần dần tàu ngầm chạy diesel-điện quy ước thuộc các lớp mới, mà ngày càng trở thành “những nền tảng lựa chọn” trong nhiều sứ mệnh cần phô diễn sức mạnh khác nhau cũng như chống lại những lực lượng vượt trội hơn ở khu vực.

Bất chấp tỉ lệ tăng trưởng kinh tế và hội nhập sâu sắc vào kinh tế thế giới của Đông Á, các thực tế chiến lược tại khu vực đang phản ánh những quỹ đạo trái ngược. Trong khi mở rộng lợi ích quốc gia của mình trong bối cảnh “sứ mệnh lịch sử mới” rộng lớn hơn, Trung Quốc tìm cách giành lại vị thế cường quốc và tái khẳng định vai trò địa chính trị của mình trong khu vực. Với hệ quả là Trung Quốc tăng tốc hiện đại hóa quân sự, các cường quốc khu vực phản ứng bằng cách đưa ra những ưu tiên hiện đại hóa lực lượng của mình, với các liên minh và lựa chọn chiến lược tổng thể.

Bất chấp điểm yếu và hạn chế trong việc phối hợp năng lực, Hải quân PLA (PLAN) của Trung Quốc đang dần chuyển biến thành một lực lượng hải quân tấn công và phòng thủ (biển lam-biển xa) trong khu vực với năng lực chống tiếp cận/chống đổ bộ (A2/AD) mở rộng, năng lực viễn chinh bị giới hạn, và sức mạnh không quân phòng thủ và tấn công tương ứng. Trung Quốc đã gọi chiến lược A2/AD toàn diện của mình là “chống can thiệp”, được diễn dịch là nhằm ngăn chặn Mỹ và đồng minh tự do hành động trong “các vùng biển gần” của Trung Quốc bằng cách ngăn cản họ triển khai tại thực địa (chống tiếp cận) và hoạt động tại đây (chống đổ bộ).

Một khía cạnh quan trọng trong chiến lược đa phương diện của Trung Quốc là dần phiên chế các lớp tàu ngầm mới, cả hạt nhân và quy ước. Trung Quốc hiện phiên chế tối đa 45 tàu ngầm thuộc 6 lớp khác nhau: 2 lớp tàu ngầm diesel nội địa là lớp Song (Type 039) và lớp Yuan (Type 041) và 4 lớp tàu ngầm hạt nhân gồm các tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Shang (Type 093), lớp Jin (Type 094) và tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân (SSN) Type 095 và tàu SSBN lớp Tang (Type 096).

Kể từ năm 2004, Trung Quốc được cho đã sở hữu 12 tàu ngầm quy ước lớp Yuan Type 041, được nâng cấp nhiều với thiết bị định vị tần số cao, hệ hống vũ khí nâng cấp, công nghệ giảm tiếng ồn cũng như hệ thống động lực không dùng không khí (AIP). PLAN có thể có thêm 20 tàu ngầm lớp Yuan dựa trên công nghệ nhập từ tàu Nga. Từ giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã mua tối đa 12 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga và được cho đang đàm phán để mua thêm ít nhất 4 tàu ngầm lớp Amur (Lada) thế hệ thứ tư hoặc có thể là một tàu lớp Kalina thế hệ thứ 5, cả hai đều sử dụng hệ thống AIP hiện đại.

Còn ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ưu tiên mua tàu ngầm thuộc các lớp mới. Tháng 9/2013, Hàn Quốc đã hạ thủy tàu ngầm lớp Son Won-ill (Type 214 của Đức) 1.800 tấn thứ tư. Giờ đây, Hàn Quốc đang phiên chế 13 tàu ngầm: 9 tàu ngầm lớp Chang Bogo Type 209 và 4 tàu lớp Son Won-ill. Trong khi đó, vào tháng 10/2013, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) đã hạ thủy tàu ngầm mới nhất của mình, Kokuryu, tàu thứ 6 trong số 10 tàu lớp Soryu đã được đặt mua vào năm 2009. Với các hệ thống cảm biến, năng lực chở vũ khí, cự li hoạt động và nhiều tính năng khác, như có hệ thống Stirling AIP và mang tên lửa chống hạm Harpoon, tàu lớp Soryu được xem là hiện đại nhất trong hạm đội 16 tàu ngầm quy ước của Nhật Bản.

Tại Đông Nam Á, do chi phí mua tàu ngầm và yêu cầu bảo dưỡng tương đối cao nên số lượng thương vụ thực hiện thường không nhiều. Tuy nhiên, việc đưa vào phiên chế tàu ngầm tuần duyên chạy diesel mạnh mẽ hơn thời gian gần đây đang tạo ra những năng lực chưa từng có. Gần đây nhất, Việt Nam đã tiếp nhận 2 trong số 6 tàu ngầm chạy diesel-điện (Project 636) lớp Kilo từ Nga trong giai đoạn 2013-2014, có thể thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau từ do thám, tuần tra đến chống tàu ngầm và chống hạm.

Indonesia, Malaysia, và Singapore cũng có kế hoạch mở rộng hoặc nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình. Từ năm 2007-2009, Malaysia đã tiếp nhận chính thức 2 tàu lớp Scorpene do Pháp đóng, trang bị tên lửa chống hạm Exocet phóng từ dưới nước. Cả hai tàu này hiện đồn trú ở căn cứ hải quân Koa Kinabalu ở Sabah, Đông Malaysia, cho thấy sứ mệnh hàng đầu của nó là nhằm bảo vệ chủ quyền của Malaysia trên Biển Đông. Trong khi đó, Indonesia có tham vọng mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình lên ít nhất 6 chiếc và lí tưởng là 12 chiếc vào năm 2024, một yếu tố quan trọng trong “Lực lượng cần thiết tối thiểu” (MEF) và mục tiêu phát triển một hải quân “biển lục” (biển gần) như đã tuyên bố. Năm 2012, Hải quân Indonesia (TNI-AL) đã thông báo hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD để mua 3 tàu ngầm chạy diesel-điện Type 209/1400 do Hàn Quốc đóng.

Tháng 11/2013, Singapore thông báo một hợp đồng với hãng đóng tàu ThyssenKrypp (Đức) để mua 2 tàu ngầm Type-218SG hiện đại, bổ sung cho các tàu lớp Archer hiện hành cũng như thay thế các tàu lớp Challenger cũ của Thụy Điển vào năm 2020. Tàu Type-218SG, được thiết kế để hoạt động ở ven biển và vùng biển nông, là mẫu đặt hàng theo yêu cầu sẽ hợp nhất các tính năng của tàu Type 214 và “tàu ngầm ý niệm” Type-216 phù hợp với hệ thống AIP pin nhiên liệu.

Trong thập kỉ qua, sự tiện ích của tàu ngầm ở Đông Á đã được mở rộng: từ chống tàu ngầm đến bảo vệ lực lượng như hộ tống, thu thập tình báo và do thám (ISR), hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ răn đe bổ sung và phòng thủ hỗ trợ bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, việc phiên chế tên lửa hành trình đối đất và đối hạm phóng từ tàu ngầm, các cảm biến và vũ khí chống tàu ngầm, cũng như các hệ thống AIP đang củng cố năng lực tàng hình, thu hẹp vòng quay xác định mục tiêu-nhận dạng-và tấn công, và cuối cùng, cải thiện tính linh hoạt, cơ động, cự li hoạt động và năng lực tấn công.

Với các lực lượng hải quân nhỏ, có xu hướng phòng thủ ở Đông và Đông Nam Á, tàu ngầm có thể củng cố năng lực “chống đổ bộ” nhằm ngăn chặn đối thủ sử dụng biển. Tàu ngầm vì thế sẽ trở thành một khí tài chiến lược ngày càng có giá trị trong khu vực, đặc biệt khi được lắp đặt hệ thống AIP. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng sẽ nằm ở kinh nghiệm, quá trình huấn luyện và kĩ năng của các lực lượng hoạt động.

TRUNG QUỐC

Trung Quốc tiếp tục xử lý mạnh tay các quan chức vi phạm kỷ luật

TTXVN (Bắc Kinh 10/7) - Mạng Nhân dân Trung Quốc ngày 10/7 đưa tin cho biết, Phó Chủ tịch Chính hiệp thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc), Phó Nghị (Fu Yi) hiện đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của tỉnh này tiến hành điều tra do nghi liên quan đến các hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Trong một động thái liên quan, tại Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Thường vụ Chính hiệp tỉnh Sơn Tây khóa XI diễn ra ngày 9/7, đã quyết định bãi miễn chức vụ Phó Chủ tịch Chính hiệp cũng như xóa bỏ tư cách Ủy viên Chính hiệp tỉnh Sơn Tây khóa XI đối với ông Lệnh Chính Sách (Li Zheng Ce) do vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Trước đó ngày 19/6, trên trang web của mình, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây Lệnh Chính Sách đang bị điều tra do liên quan tới các hành vi nêu trên. Như vậy, ông Lệnh Chính Sách là quan chức cấp phó tỉnh thứ hai của tỉnh Sơn Tây bị điều tra kể từ năm 2014 đến nay, sau ông Kim Đạo Minh (Jin Dao Ming) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn Tây./.
NHẬT BẢN
Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh sinh tồn

TTXVN (Tokyo 10/7) - Theo mạng tin Sankei Express ngày 10/7, chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định về “ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng” thay thế cho “ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” hồi tháng 4/2014. Quyết định này của Nội các Nhật Bản đã thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa ngành công nghiệp quốc phòng giàu tiềm năng của Nhật Bản. Chính phủ Mỹ đã thể hiện quan điểm mở rộng cửa chào đón ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản. Điều này còn mở ra triển vọng tiếp tục cụ thể hóa các dự án cùng nghiên cứu phát triển giữa Nhật Bản với các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài.

Tuy nhiên, các tập đoàn quốc phòng của Mỹ cũng sẽ bắt đầu mở rộng kinh doanh ở Nhật Bản. Một cuộc cạnh tranh sinh tồn đang thực sự bắt đầu.



Mỹ mở rộng cửa đón Nhật Bản

“Do nước Mỹ đang cắt giảm chi phí quốc phòng nên các hãng công nghiệp quốc phòng Mỹ đang đẩy mạnh tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài. Mặc dù có nghèo đi đôi chút nhưng Mỹ vẫn là ‘ông chú’ giàu có nhất trong số các nước phương Tây. Nhật Bản là đối tác quan trọng và Mỹ hoan nghênh sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản”. Đó là phát biểu khai mạc của một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tại một Hội nghị phi công khai diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) hồi thượng tuần tháng 5/2014. Hội nghị này thu hút sự tham gia của 25 công ty quốc phòng Nhật Bản.

Hội nghị trên do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), một cơ quan cố vấn có sức ảnh hưởng lớn ở Mỹ, đứng danh nghĩa tổ chức nhưng Chính phủ Nhật Bản và Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản lại là đơn vị đăng cai chính. Các quan chức đến từ Cơ quan triển khai dự án nghiên cứu quốc phòng (DARPA) - chuyên nghiên cứu công nghệ quốc phòng và phát triển thiết bị cho hải lục không quân Mỹ - cũng tham dự hội nghị và giải thích về các thủ tục trong trường hợp các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các dự án phát triển vũ khí chung và sản xuất thiết bị quân sự cho Mỹ.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2014, Hãng kiểm toán của Mỹ Ernst and Young (EY) đã tổ chức hội thảo lần thứ hai tại Tokyo với chủ đề “Cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp quốc phòng Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Mỹ”. Công ty Ernst & Young ShinNihon LLC cho biết “nhiều công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản hồ hởi tham gia hội thảo, dù tổ chức hội thảo tới hai lần nhưng 60 chỗ ngồi giới hạn vẫn chật kín người”.

Theo 3 nguyên tắc mới, Nhật Bản nới lỏng đáng kể hạn chế xuất khẩu vũ khí và công nghệ. Điều này trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc các hãng sản xuất thiết bị quốc phòng của Nhật Bản đổ ra nước ngoài.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào chiến đấu cơ F35

Đối với Mỹ, việc cho phép các công ty quốc phòng Nhật Bản tham gia sẽ giúp giảm bớt chi phí mua sắm thiết bị quốc phòng và Washington tỏ ý sẵn sàng chấp nhận lời chào hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo nguồn tin thân cận, Mỹ mới đây đã ký một biên bản ghi nhớ đưa các doanh nghiệp Nhật Bản ra khỏi đối tượng của Đạo luật Mua của Mỹ vốn ưu tiên mua các sản phẩm sản xuất trong nước nhằm tiến tới tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa công ty Nhật Bản và doanh nghiệp quốc phòng Mỹ.

Giám đốc Bộ phận quốc phòng và vũ trụ thuộc Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi Hisakazu Mizutani cho biết trong số các dự án triển khai với Mỹ, việc giới doanh nghiệp Nhật Bản “cần phải đáp ứng ra sao” là điều hết sức quan trọng. Ông đặc biệt quan tâm tới dự án liên quan đến việc chế tạo máy bay chủ lực thế hệ mới dùng cho Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) F35.

Ngoài việc Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi được cấp phép sản xuất thiết bị cho ASDF tại nhà máy ở Nagoya, công ty còn triển khai hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ nhận ủy thác chế tạo một bộ phận của phần thân máy bay xuất ra nước ngoài.

Công ty công nghiệp chính xác Sumitomo đang sản xuất bộ phận càng chạy trên đường băng đang quan tâm tới phần chân cho F35. Công ty này cho biết: “Cơ hội kinh doanh ở nước ngoài đang gia tăng. Chúng tôi đang chú ý tới xu hướng này”. Công ty điện tử Yokogawa chuyên sản xuất màn hình tinh thể lỏng cũng trở thành đối tượng nằm trong quy chế xuất khẩu thiết bị vũ khí. Công ty cho biết hiện “không có dự án cụ thể nào” nhưng “có khả năng sẽ mở rộng và nghiên cứu thị trường”.

Ở Nhật Bản hiện cũng có cả các hãng sản xuất thiết bị cảm ứng và kính chắn gió dùng cho máy bay. Thông qua dự án F35, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản sẽ cho thế giới thấy thực lực vượt trội về công nghệ chế tạo.

Doanh nghiệp Mỹ theo dõi sát quá trình phát triển của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.

Theo 3 nguyên tắc mới, công ty Nhật Bản sẽ không triển khai liên doanh với các công ty Âu-Mỹ và không mua lại các hãng sản xuất quốc phỏng ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc thành lập công ty liên doanh với hãng sản xuất địa phương để cùng phát triển và xuất khẩu thiết bị quốc phòng lại rất cần thiết.

Theo một quan chức Nhật Bản, Chính phủ từ nay sẽ xem xét quyết định khuôn khổ dỡ bỏ các quy định cấm doanh nghiệp Nhật Bản mua lại công ty nước ngoài.

Một mặt, các công ty Nhật Bản tăng cường hoạt động tiến ra nước ngoài, mặt khác, các công ty ở nước ngoài cũng mở rộng kinh doanh quốc phòng tại Nhật Bản. Hãng Boeing của Mỹ hiện đang tiến hành thẩm tra quá trình hình thành ngành công nghiệp quốc phòng tại Nhật Bản. Tổng Giám đốc Boeing Nhật Bản George Maffeo cho biết: “Ngành công nghiệp của Nhật Bản được đánh giá cao về mặt chất lượng, có tính chuyên môn và năng lực công nghệ cao thuộc vào hàng ưu tú trên thế giới”. Hãng Boeing bày tỏ hy vọng sẽ mở rộng hợp tác một cách nghiêm túc với các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Có nhiều khả năng, Hãng Boeing và Lockheed Martin sẽ mua lại các công ty ở Nhật Bản và bắt đầu hoạt động chế tạo. Boeing là đại gia trong lĩnh vực này. Một khi có công ty Nhật Bản liên doanh với công ty này ở trong nước thì sẽ phát sinh lo ngại là nhiều doanh nghiệp sẽ làm như vậy”.

Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí thực sự đã hợp thức hóa cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản tại thị trường của nhau và liệu Nhật Bản có thắng thế hay không?

Về vấn đề này, ông Iida Yoichi, Giám đốc Bộ phận vũ khí hàng không và công nghiệp vũ trụ thuộc Cục Công nghiệp chế tạo – Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, cho rằng “Công nghiệp quốc phòng Nhật Bản đã được hình thành bên trong khuôn khổ ‘chi phí sản xuất cộng thêm lợi nhuận’. Cho dù công nghệ có tiên tiến đến mấy nhưng nếu sản phẩm không tương xứng với quan niệm thông thường của thế giới là ‘theo đuổi hiệu quả so với chi phí’ thì sản phẩm sẽ khó thâm nhập vào thị trường quốc tế. Với ý nghĩa này, có một thực tế là các thiết bị của Nhật Bản sẽ không thể bán được ngay trên thị trường”.
NGA
Nước Nga và Tổng thống Putin ngày càng bị thế giới ghét bỏ?

Đài RFI (đêm 10/7) - Một công trình nghiên cứu được công bố ở Mỹ ngày 9/7 khẳng định nước Nga và Vladimir Putin ngày càng bị ác cảm, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ do vai trò của Moskva trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hình ảnh của nước Nga đã bị xấu hẳn đi trong vòng một năm, với tỉ lệ trung bình là 43% người chống đối so với 34% dư luận ủng hộ theo nghiên cứu của Pew Research Center sau khi thăm dò 48.643 người sống ở 44 quốc gia, từ ngày 17/3 đến 5/6. Hầu như tất cả đều cho biết ý kiến sau tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/3 về việc sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào Nga. Sự cách biệt đã được mở rộng đáng kể trong một năm qua, đặc biệt trong dư luận Mỹ (thêm 29% ý kiến phê phán) và châu Âu. Tại Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy, tỉ lệ không tán thành tăng lên mức hai con số. Tại Pháp số người phản đối chỉ tăng có 9%, nhưng cái nhìn của người Pháp về nước Nga năm 2013 là tệ hại nhất trong số tất cả các nước châu Âu được thăm dò, từ 64% ác cảm nay tăng lên 73%. Hy Lạp là quốc gia châu Âu duy nhất trong năm 2013 cũng như 2014 nhìn nước Nga với cặp mắt khoan dung hơn, số người phê phán chỉ tăng 2%. Còn dư luận Ukraine đã thay đổi một cách ngoạn mục từ năm 2011, thời điểm của cuộc thăm dò gần nhất. Cứ 10 người Ukraine thì có đến 6 người ghét Nga, so với tỉ lệ cách đây 3 năm là chỉ có 1 người không ưa Moskva. Con số này thay đổi theo từng vùng đất nước. Dư luận ác cảm với Nga nhất là ở miền Tây (83%) so với miền Đông nói tiếng Nga là 45%, còn ở Crimea tỉ lệ này chỉ có 4%.

Hình ảnh của Nga và Putin cũng xuống dốc ở Trung Đông và khu vực Mỹ Latinh với tỉ lệ thấp hơn. Ngược lại, ở châu Phi vẫn còn tương đối trừ Nam Phi tuy tỷ lệ này cũng đang đi xuống.

Tại châu Á, dư luận Trung Quốc tỏ ra thiện cảm hơn với Nga, tăng 16% và ở Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh, đa số mọi người đều có cảm tình với Nga.

Liên quan đến Tổng thống Nga và khả năng đưa ra quyết định đúng đắn về những vấn đề thế giới của Putin, đại đa số những người được hỏi cho biết họ không hề tin tưởng vào ông, trừ người Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Kenya, Tanzania và Ghana. Trong cả nước Ukraine, hầu hết người dân đều ghét Vladimir Putin, trừ Crimea, nơi số người ác cảm chỉ chiếm 5%.
KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Bloomberg: Kiev không nên đặt cược vào sức mạnh trong cuộc chiến giành Donbass

TTXVN (Moskva 10/7) - Tuần báo Bloomberg Businessweek, dẫn đánh giá của các chuyên gia về cuộc chiến giành giật miền Đông Ukraine cho rằng cuộc chiến giành lại thành phố Donetsk hiện do lực lượng ly khai kiểm soát, có thể biến thành bể máu. Tờ báo này cho rằng đây là điều đáng ngạc nhiên, song quân đội Ukraine nắm trong tay cơ hội chiến thắng. Cuối tuần qua, binh sĩ Kiev đã chiếm lại một số thành phố ở tỉnh Donetsk, buộc lực lượng thân Nga phải rút chạy và tìm kiểm những bàn đạp mới, lùi xa về phía Đông. Nay Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko có kế hoạch phong tỏa hoàn toàn hai thành phố lớn khác trong khu vực này là Donetsk và Lugansk.

Theo Bloomberg, nếu so với những gì đã diễn ra trong vài tuần trước thì các sự kiện đã bất ngờ đảo ngược. Trước đó, dường như có cảm giác lực lượng quân sự Ukraine được tổ chức kém và không muốn chiến đấu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chiến thắng quân sự có thể đạt được như mong muốn".

Các thành phố chiếm được từ tay lực lượng ly khai trong vài ngày qua tương đối nhỏ (thành phố đông nhất trong số này, Kramatorsk có 165.000 dân) và không được bảo vệ tốt. Donetsk, thành phố lớn nhất trong khu vực với khoảng 1 triệu dân, vẫn nằm trong tay quân ly khai, vì thế tiến trình loại bỏ họ sẽ kéo dài và trở nên tàn bạo.

Mark Galeotti, Giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học New York bình luận: "Họ (quân đội Ukraine) cần bình định từng góc phố. Tổn thất sẽ là rất lớn".

Yan Bremmer, người đứng đầu Eurasia Group, chuyên nghiên cứu về rủi ro chính trị, cho rằng binh sĩ Ukraine nay được trang bị và huấn luyện tốt hơn trước - phần nào nhờ các khoản viện trợ gần đây của Mỹ, trị giá 23 triệu USD. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể sánh với binh sĩ Nga, sẽ không trao Donetsk cho Ukraine một cách đơn giản. Theo Bremmer, mặc dù dòng viện trợ cho lực lượng ly khai qua biên giới Nga dường như đã chậm lại, song điều này có thể được khôi phục vào bất cứ lúc nào, khiến cho cuộc chiến giành giật thành phố Donetsk có thể biến thành bể máu. Ông nói: "Tôi không thể tưởng tượng được cảnh người Ukraine quyết giữ Donetsk còn người Nga lại khoanh tay đứng nhìn".

Galeotti cho rằng mặc dù Nga khó có khả năng xâm lược Ukraine nhưng nước này có thể tăng cường can dự để làm suy yếu hiệu quả của quân đội Ukraine trong cuộc chiến. Có một khả năng là sẽ thiết lập vùng cấm bay tại Donbass, điều này trước đó đã được đề xuất với Nga.

Edward Walker, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Xôviết và hậu Xôviết tại Đại học Berkeley ở California cho rằng lực lượng Ukraine sử dụng pháo hạng nặng để đánh bật dân quân khỏi một số khu vực, tuy nhiên, chiến thuật này sẽ dẫn đến nhiều thương vong cho dân thường hơn trong các khu vực đông dân ở Donetsk. Theo ông, Kiev sẽ phải đối mặt với quyết định rất khó khăn.

Bloomberg viết rằng thắng lợi trong những ngày qua có thể trao cho Tổng thống Poroshenko cơ hội lớn hơn để tiến hành thành công cuộc đàm phán để giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Con đường này có lẽ vẫn là quyết định tốt nhất cho cả Ukraine và Nga.

Galeotti bình luận: "Mục tiêu của Vladimir Putin là buộc Kiev phải thỏa thuận theo các điều kiện mà Ukraine vẫn sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Cuộc chiến khải huyền lớn ở Donetsk không giúp ích cho điều này". Có thể hiểu nguyên nhân của việc Ukraine thực thi quan điểm quyết liệt hơn với lực lượng ly khai, lực lượng thường xuyên vi phạm lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, nỗ lực chiến thắng bằng sức mạnh quân sự có thể đem lại những hậu quả khủng khiếp.


Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong vấn đề Crimea

TTXVN (Pretoria 11/7) - Theo mạng tin Nhà Ngoại giao ngày 11/7, trong những tuần gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Ukraine đã lên tiếng cam kết sẽ đòi lại Crimea cho Ukraine, bất chấp việc Nga sáp nhập miền đất này hồi đầu năm nay. Sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine mới đây, Thượng tướng Valeriy Heletey đã hứa với Quốc hội Kiev rằng ông sẽ nỗ lực lấy lại Crimea từ tay Nga.

Ông Heletey nói khi đề cập đến thủ đô của Crimea: "Hãy tin tôi, sẽ có một cuộc diễu binh mừng chiến thắng - chắc chắn sẽ có sự kiện như vậy tại Sevastopol của Ukraine". Cũng tại buổi điều trần này, ông Heletey cam kết sẽ làm việc ngày đêm để khôi phục lại khả năng quân sự của lực lượng vũ trang của chúng ta. Những cam kết tương tự cũng đã được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người đã hứa sẽ giám sát "sự hồi sinh của quân đội" cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin, đưa ra .

Khi được hỏi về những phát biểu nói trên ​​tại một cuộc họp báo ngày 10/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trả lời: "Nếu nói đến chuyện xâm lược lãnh thổ Nga, trong đó có Crimea và Sevastopol thì tôi sẽ không khuyên bất cứ ai làm điều đó". Sau đó, ông Lavrov còn nói thêm rằng "Chúng tôi có học thuyết an ninh quốc gia, trong đó quy định rất rõ ràng những hành động sẽ được thực hiện trong trường hợp này".

Đây là một sự đe dọa rất không tinh tế về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm quyết tâm giữ Crimea. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, khả năng quân sự thông thường của Nga đã yếu đi đáng kể. Kết quả là, nước này ngày càng phụ thuộc nhiều vào vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Điều này đã được phản ánh trong các học thuyết quân sự thời Chiến tranh Lạnh của Nga, đặc biệt là những học thuyết được xây dựng sau năm 2000. Những học thuyết quân sự này đã hạ mạnh ngưỡng thủ tục cần phải vượt qua trước khi Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý nhất là các học thuyết quân sự của Nga từ năm 2000 đã giới thiệu các khái niệm làm giảm leo thang như là “một chiến lược coi mối đe dọa của một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế sẽ buộc một đối thủ phải chấp nhận sự quay lại hiện trạng trước đó”. Nói cách khác, các học thuyết quân sự của Nga cho rằng Moskva sẽ sử dụng các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế để đáp trả các cuộc tấn công quân sự thông thường chống lại nước này. Chẳng hạn, học thuyết quân sự mới nhất, được công bố năm 2010, tuyên bố rằng "Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại họ và các đồng minh của họ, và trong cả trường hợp xâm lược chống lại Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường, nếu sự tồn vong của nước này bị đe dọa".

Đó là học thuyết quân sự mà ông Lavrov đã đề cập tới tại buổi họp báo ngày 10/7. Như đã trích dẫn ở trên, ông Lavrov đã mở đầu bằng cách nhấn mạnh rằng Moskva nhìn nhận Crimea như một phần lãnh thổ của Nga. Sau đó, ông tuyên bố rằng Moskva có một học thuyết quân sự "rất rõ ràng", trong đó phác thảo cách mà Moskva sẽ phản ứng với các mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ của mình. Các học thuyết quân sự "rất rõ ràng" đó khẳng định rằng Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tình huống này.

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Nga đem một mối đe dọa hạt nhân ra răn đe các nước láng giềng của họ. Ví dụ, năm 2011, khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và một số quốc gia thuộc Liên Xô và Khối Warszawa trước đây, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga,Tướng Nikolai Makarov, đã cảnh báo cơ quan lập pháp Nga rằng "Khả năng xung đột vũ trang cục bộ trên hầu khắp biên giới của Nga đã tăng lên đáng kể. Tôi không thể loại trừ rằng trong một số trường hợp, các cuộc xung đột vũ trang địa phương và khu vực có thể phát triển thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, thậm chí có thể có sự tham gia của vũ khí hạt nhân".

Để nâng cao trọng lượng của lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, kể từ năm 2000, các lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên, trong đó một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế đã được mô phỏng. Những cuộc tập trận này đã ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong một số trường hợp, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tập dượt các cuộc tấn công hạt nhân.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 164.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương