THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


TRUNG QUỐC Cải cách của Tập Cận Bình nhằm mục đích duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc



tải về 266.13 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích266.13 Kb.
#3696
1   2   3   4

TRUNG QUỐC
Cải cách của Tập Cận Bình nhằm mục đích duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc

TTXVN (Hong Kong 21/9) - Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012 đến nay, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đã tiến hành một loạt cuộc cải cách sâu rộng và cả chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay nhằm vào một loạt quan chức cấp cao đã về hưu và đương chức. Những cải cách của ông Tập Cận Bình đã thu hút đông đảo sự quan tâm theo dõi của giới truyền thông và chuyên gia phân tích quốc tế, bởi các cải cách của ông Tập Cận Bình sẽ tác động mạnh đến cả kinh tế và chính trị của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nhiều ảnh hưởng với nhiều quốc gia trên thế giới. Liên quan các cải cách của ông Tập Cận Bình, báo mạng wantchinatimes của Đài Loan vừa đăng bài bình luận cho rằng những cải cách này chủ yếu là nhằm mục đích duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Wantchinatimes cho biết, Trung Quốc đã không tiếc công sức để thúc đẩy và thực hiện những kế hoạch đã được đề ra theo chính sách "cải cách sâu rộng toàn diện" của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ Hội nghị Toàn thể thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (Hội nghị Trung ương 3) vào tháng 11/2013.

Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI cách đây ba thập kỷ đã mở ra kỷ nguyên của những cuộc cải cách dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping), đặt nền móng cho con đường phát triển mà Bắc Kinh theo đuổi từ đó đến nay. Các cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình được thực hiện trong 4 lĩnh vực - chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa - sau một thập kỷ Trung Quốc phải trải qua những sự hỗn loạn và trì trệ từ những ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Văn hóa trong những năm cuối thời của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong).

Theo Wantchinatimes, những cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã cho thấy trong những giai đoạn bất ổn, các cuộc cải cách chính trị sẽ được phép đi xa đến đâu, và các cuộc cải cách kể từ đó gần như chỉ tập trung hoàn toàn vào nền kinh tế. Sau khi trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã cam kết sẽ thúc đẩy các cuộc cải cách sâu rộng hơn, mặc dù việc này sẽ thay đổi tình hình chính trị đến mức độ như thế nào vẫn là điều cần phải chờ xem.

Kế hoạch cải cách của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tập trung vào "giấc mộng Trung Hoa", cụ thể là "sự tái sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước tiên cần phải đạt được một mục tiêu khác, đó là mục tiêu tự cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong cuộc họp của một ban chỉ đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước, những đề xuất xung quanh các cải cách đối với việc trả lương cho những giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, và việc tuyển dụng nhân sự cho các cơ quan dân sự đã được thảo luận và xem xét lại.

Báo này kết luận: “Các cuộc cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình - và chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra hiện nay của nhà lãnh đạo này - được sử dụng để bảo vệ quyền cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi nước này nổi lên trên vũ đài thế giới với sức mạnh kinh tế lớn, nhưng cũng đang làm gia tăng một loạt vấn đề xã hội mà nhiều người coi là một quả bom hẹn giờ. Sự thay đổi sẽ đến - thật sự là phải đến - nhưng chúng ta không nên hy vọng điều này sẽ đồng nghĩa với việc nới lỏng sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với những ‘đòn bẩy’ của quyền lực”.
Tập Cận Bình chuẩn bị cải tổ nhân sự cấp cao PLA để tăng cường quyền lực

TTXVN (Hong Kong 22/9) - Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 22/9, hai “Thái tử Đảng” chủ chốt trong quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ được thăng chức khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tiến hành cuộc cải tổ nhân sự cấp cao Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm mục tiêu tấn công nạn tham nhũng và biến quân đội lớn nhất thế giới thành một lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Giới chuyên gia cho rằng cuộc cải tổ này sẽ giúp Tập Cận Bình tăng cường quyền lực trong cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc.

Báo này dẫn các nguồn tin cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăng chức cho hai viên Tướng của PLA có quan hệ gần gũi với nhà lãnh đạo này trong một động thái nhằm thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng và đẩy nhanh tốc độ cải cách trong lực lượng chiến đấu lớn nhất trên thế giới.

Những viên tướng này vẫn chưa được công bố tên, nhưng các nguồn tin nói rằng cả Tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan) - Chính ủy Tổng Cục Hậu cần PLA - và Tướng Trương Hựu Hiệp - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Trang bị, đều có một cơ hội tốt. Các nguồn tin khác nhau nói rằng ít nhất một trong hai viên tướng này sẽ được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương - cơ quan chỉ huy và kiểm soát PLA – tại một cuộc họp chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới (Hội nghị Trung ương 4 – PV). Ba nguồn tin nói rằng Tướng Lưu Nguyên có thể được giao nhiệm vụ đứng đầu Ủy ban Kỷ luật của PLA. Cuối cùng, cả hai viên tướng này có thể cùng với Tập Cận Bình, người hiện đang giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tạo nên một ban lãnh đạo hạt nhân của cơ quan chỉ huy quân sự cấp cao nhất.

Quân ủy Trung ương Trung Quốc hiện được dẫn dắt bởi ông Tập Cận Bình và hai vị Phó Chủ tịch – Tướng Phạm Trường Long và Tướng Hứa Kỳ Lượng. Cả hai vị Phó Chủ tịch này đều được bổ nhiệm vào năm 2012. Trong kỷ nguyên của Giang Trạch Dân, Quân ủy Trung ương có 4 quân nhân chuyên nghiệp giữ cương vị Phó Chủ tịch.

Cả Lưu Nguyên và Trương Hựu Hiệp đều là các “Thái tử Đảng” - hậu duệ của các nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là những đồng minh gần gũi của ông Tập Cận Bình. Các nguồn tin nói rằng đề xuất thăng chức cho hai viên tướng này đã được thảo luận vài lần tại Khách sạn Kinh Tây của PLA ở thủ đô Bắc Kinh.

Một quan chức quân đội đã về hưu cho biết: “Lưu Nguyên là một ứng cử viên cấp cao nhất bởi vì ông ấy là trung tâm của chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội. Trương Hựu Hiệp cũng đang trong cuộc đua này bởi vì ông ấy có kinh nghiệm chiến trường”.

Tướng Lưu Nguyên là con trai của cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, người đã bị Mao Trạch Đông thanh trừng. Tướng Lưu Nguyên được cho là người đứng sau vụ sụp đổ của Cốc Tuấn Sơn, vị cựu Trung tướng tham nhũng từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần. Trong khi đó, Trương Hựu Hiệp là con trai của Tướng Trương Tông Tốn, một tư lệnh cấp cao của Hồng Vệ Binh, người đã chiến đấu trong cuộc nội chiến Trung Quốc và chiến tranh Trung - Nhật. Trương Hựu Hiệp hiện nằm trong số một nhóm các tướng lĩnh đang tại ngũ có kinh nghiệm chiến tranh. Ông này đã từng tham gia các cuộc chiến biên giới Trung - Việt với thành tích “xuất sắc” trong những năm 1970 và 1980. Một nguồn tin nhận định: “Đây là thời điểm khi mà Tập Cận Bình cần những người của riêng ông ấy ở trong quân đội”.

Chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập Cận Bình đã lan sang PLA, lực lượng mà uy tín và khả năng chiến đấu đã bị suy giảm mạnh bởi nạn tham nhũng tràn lan. Bắt đầu với việc loại bỏ và cuối cùng là đưa Tướng Cốc Tuấn Sơn ra tòa án quân sự, chiến dịch này đã “lột da đầu hổ lớn” Thượng tướng Từ Tài Hậu - vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã về hưu, quan chức quân đội cấp cao nhất bị điều tra tham nhũng kể từ kỷ nguyên của Đặng Tiểu Bình.

Một phần của cuộc cải tổ lần này cũng là nhằm trẻ hóa và cải cách quân đội lớn nhất thế giới. Mặc dù có sự tăng trưởng ngân sách ở mức hai con số, nhưng các khả năng kỷ luật và chiến đấu của PLA đã bị các chuyên gia quan sát nước ngoài đặt dấu hỏi. PLA đã không tham gia một cuộc chiến tranh nào kể từ cuộc xung đột với Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước, và danh tiếng của lực lượng này đã bị sụt giảm mạnh bởi nạn tham nhũng và tình trạng thiếu sự huấn luyện mạnh mẽ. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, nhà lãnh đạo này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một quân đội sẵn sàng chiến đấu.

Giáo sư Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia về các vấn đề quân sự và ngoại giao ở Thượng Hải nhận định: “Ở bên trong, Tập Cận Bình lên án mạnh mẽ những người đã phản bội chân giá trị của PLA. Họ đã không chiến đấu cho đất nước này và họ chỉ hưởng lợi từ những nỗ lực của các nhà cách mạng. Ở bên ngoài, Tập Cận Bình muốn quân đội đủ khả năng chiến đấu và chiến đấu để giành thắng lợi”.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, kinh nghiệm chiến trường được coi là một tiêu chuẩn quan trọng cho việc thăng chức. Tướng Trương Hựu Hiệp đã nổi danh khi là một Đại Đội trưởng trong cuộc chiến tranh Trung - Việt năm 1979 và đã được thăng chức làm Phó Tư lệnh Tiểu đoàn nhờ sự thể hiện của ông này. Trương Hựu Hiệp cũng tham gia cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam vào năm 1984 và giữ cương vị Tư lệnh Trung đoàn. Thành công của Tướng Trương Hựu Hiệp trong chiến dịch đó đã giúp tăng cường danh tiếng của ông này là một sĩ quan đã được tôi luyện trên chiến trường.

Trương Hựu Hiệp cũng có một mối quan hệ gia đình gần gũi với Tập Cận Bình. Cha của cả hai ông này đều từng là những nhà lãnh đạo trong lực lượng Dã chiến quân số Một (một trong những lực lượng bộ đội chủ lực của PLA trong thời kỳ chiến tranh giải phóng toàn quốc – PV) trong cuộc nội chiến Trung Quốc. Cha của Trương Hựu Hiệp là một Phó Tư lệnh, trong khi ông Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, là một Phó Chính ủy, của lực lượng này.

Bạc Trí Dược, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Trương Hựu Hiệp có nhiều uy tín quân sự, và là một viên tướng “Thái tử Đảng”, đồng thời là một người có kinh nghiệm chiến trường thực sự. Lưu Nguyên không có được lý lịch này, vì thế ông ấy (Trương Hựu Hiệp) không thể bị gạt ra khỏi triển vọng được thăng chức”.

Theo một số nguồn tin, trong đó có các nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao đã về hưu, nhiều tướng lĩnh PLA đã bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Một nguồn tin cho biết: “Tập Cận Bình đang thực hiện những động thái chống lại nhiều gia đình và phe phái giàu quyền lực, vì thế đương nhiên là ông ấy muốn có sự chỉ huy hoàn toàn đối với những khẩu súng khi ông ấy lao đầu vào vùng lãnh thổ chưa được thám hiểm này”.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng cho biết, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ cơ cấu lại và củng cố Quân ủy Trung ương. Các nguồn tin nói với phóng viên của báo này rằng có tới 6 vị trí trong Quân ủy Trung ương có thể được cải tổ; những người được sinh ra trước năm 1950 sẽ bị loại bỏ. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Bạc Trí Dược nhấn mạnh: “Quy mô của cuộc cải tổ càng lớn thì nó sẽ càng dễ dàng hơn.” Ông Tập Cận Bình có thể nói: ‘Nếu như chúng ta chiến đấu trong một cuộc chiến tranh thực sự trong tương lai, chúng ta cần những người trẻ hơn, những người trung thành trung thành với đảng hơn.’ Điều đó dễ hơn là sắp xếp lại vị trí của các cá nhân, điều mang tính cá nhân và gây nhiều tranh cãi hơn”.
Về cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc

TTXVN (Bắc Kinh 19/9) - Theo mạng Nhân dânTin tức Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/9, Phan Dật Dương (Fan Yi Yang), Phó Chủ tịch chính quyền Khu tự trị, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông là ủy viên trung ương dự khuyết thứ 5 của Trung Quốc bị “ngã ngựa” sau Đại hội XVIII.

Trước ông Phan Dật Dương, có 2 ủy viên trung ương là Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jie Min), Lý Đông Sinh (Li Dong Sheng) và 4 ủy viên trung ương dự khuyết gồm: Lý Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân, Vạn Khánh Lương, Trần Xuyên Bình đã “ngã ngựa”, trong đó, Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh, Lý Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân đã bị khai trừ Đảng, Vạn Khánh Lương, Trần Xuyên Bình đã bị cách chức.

Như vậy, trong 2 năm, Ban Chấp hành (BCH) trung ương khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (gồm 205 ủy viên và 171 ủy viên dự khuyết) đã có tới 7 thành viên “ngã ngựa” so với 4 thành viên (Vu Ấu Quân, Khang Nhật Tân, Bạc Hi Lai, Lưu Chí Quân) bị “ngã ngựa” trong vòng 5 năm của BCH Trung ương khóa XVII.

Căn cứ vào “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc”, số ủy viên bị khuyết trong Ban chấp hành Trung ương sẽ được bổ sung bằng ủy viên dự khuyết trong Ban chấp hành Trung ương dựa vào thứ tự số lượng phiếu được bầu. Hiện nay, đứng ở vị trí thứ nhất và thứ hai trong số các ủy viên trung ương dự khuyết khóa XVIII lần lượt là Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Mã Kiến Đường và Cục trưởng Cục vấn đề tôn giáo quốc gia Vương Tác An.



TTXVN (Hong Kong 19/9) - Báo Thái dương của Hong Kong ngày 19/9 cho biết sau Tứ Xuyên, Sơn Tây, quan trường Giang Tô cũng trở thành trung tâm của “cơn bão chống tham nhũng” ở Trung Quốc. Gần đây, người ta thấy các quan chức cấp sở ở tỉnh này liên tục bị bắt hay tự sát. Nhưng cuối cùng, cuộc chiến chống tham nhũng ở Giang Tô nhằm vào “con hổ” (quan chức cấp cao tham nhũng) nào mới là điều khiến dư luận quan tâm chú ý.

Theo báo trên, mới đây, Giang Tô tổ chức một hội nghị về giáo dục. Khi hội nghị chưa kết thúc, người ta thấy có một số thanh niên lạ vào hội trường qua lối cửa sau. Lúc đó, Bí thư Thị ủy Liên Vận, ông Lý Cường (Li Qiang), đang phát biểu trên Đoàn Chủ tịch. Sau hội nghị, Lý Cường bị đưa về văn phòng của mình rồi bị dẫn đi. Lý Cường từng là Chủ tịch quận Bạch Hạ, Bí thư Quận ủy Kiến Nghiệp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Xây dựng Phát triển Khu Tân Thành, Hà Tây, thuộc thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô.

Ngoài Lý Cường, Ủy viên Thường vụ Thị ủy Nam Kinh, Bí thư Quận ủy Kiến Nghiệp Phùng Á Quân cũng bị điều tra. Phùng Á Quân từng đảm nhiệm các chức vụ như Phó Chủ tịch Quận Thê Hà, Chủ tịch Quận Tần Chuẩn. Trước Phùng Á Quân, nguyên Bí thư Quận ủy Lật Thủy, ông Khương Minh, cũng đã bị điều tra vì vi phạm kỉ luật nghiêm trọng, một cụm từ được sử dụng ở Trung Quốc để ám chỉ hành vi tham nhũng. Gần đây nhất, vào hôm 18/9, Bí thư Quận ủy Lục Hợp, ông Lâu Học Toàn, đã thắt cổ tự tử ở nhà riêng. Điều đáng chú ý là Phùng Á Quân, Khương Minh và Lâu Học Toàn đều làm Bí thư Quận ủy ở Nam Kinh sau tháng 6/2011.

Báo trên cho rằng hiện nay, Giang Tô có thể coi là khu vực chống tham nhũng trọng điểm. Từ sau khi nguyên Thị trưởng Nam Kinh Lý Kiến Nghiệp (Li Jian Ye) bị điều tra, chỉ trong vài tháng, chính trường Nam Kinh đã có 3 quan chức từng giữ chức Bí thư Quận ủy bị điều tra và 1 Bí thư Quận ủy tự sát. Tần suất cao và số lượng nhiều như vậy có thể nói thuộc dạng hiếm thấy trong phạm vi cả nước. Hiện nay, trên quan trường Nam Kinh ai cũng lo lắng không biết ngày sau sẽ ra sao.

Nhưng nếu quay ngược thời gian, người ta thấy Nam Kinh lại là “mảnh đất phát đường quan lộ”. Các Bí thư Thị ủy và Thị trưởng Nam Kinh trong hơn 10 năm qua, ai cũng thăng quan tiến chức, bắt đầu từ Lý Nguyên Triều (Li Yuan Zhao - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước đương nhiệm) tới La Chí Quân (Luo Zhi Jun - Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô đương nhiệm), tiếp đó là Tưởng Hoành Khôn (Jiang Heng Kun, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô đương nhiệm), Chu Thiện Lộ (Ủy viên Dự khuyết, Bí thư Đảng ủy Đại học Bắc Kinh đương nhiệm). Hiện nay, trong số các quan chức Nam Kinh bị điều tra, rất nhiều người trưởng thành dưới thời Lý Nguyên Triều, phát tích dưới thời La Chí Quân và được trọng dụng dưới thời Tưởng Hoành Khôn.

Dư luận bên ngoài từng đồn đoán Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô đương nhiệm La Chí Quân tham gia âm mưu chính biến của Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương). Chu Vĩnh Khang từng cam kết sau khi sự việc thành công sẽ bổ nhiệm La Chí Quân làm Bộ trưởng Công an. Xem xét những sự thay đổi trên quan trường Giang Tô hiện nay có thể thấy đồn đoán đó không phải tự nhiên mà có.

Điều đáng chú ý là mới đây, Tưởng Quốc Tinh, “ngôi sao sáng chính trị” được tuyển chọn từ chương trình “đưa cán bộ vùng Tô Nam xuống vùng Tô Bắc do đích thân Lý Nguyên Triều đốc thúc khi còn nắm quyền ở Giang Tô, đã bị tuyên án 12 năm rưỡi tù giam. Tưởng Quốc Tinh từng là Bí thư Thị ủy Cú Dung, tạo ra “hiện tượng Cú Dung” tăng trưởng kinh tế với tốc độ rất cao. Nhờ đó, Tưởng Quốc Tinh đã được Lý Nguyên Triều “chấm” làm Bí thư Huyện ủy Tuy Ninh ở vùng Tô Bắc.

Trong thời gian đảm nhiệm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Lý Nguyên Triều đã trọng dụng một loạt cán bộ Giang Tô, bao gồm Bí thư Thị ủy Thâm Quyến đương nhiệm Vương Vinh (Wang Rong), Phó Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Cừu Hòa… Những nhân vật này từng là “ngôi sao chính trị sáng lóa” một thời, đều nhanh chóng trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, nhưng không ngờ sau Đại hội XVIII, con đường quan lộ rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” và “hào quang tắt dần”.

Tờ Thái dương kết luận cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc dường như đã “nở hoa khắp mọi nơi”. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ sẽ không khó phát hiện cuộc chiến này kỳ thực có trọng điểm. Cho dù là Tứ Xuyên, Sơn Tây hay hiện nay là Giang Tô, cuộc chiến chống tham nhũng đều có đích hướng đến rõ ràng, đối với Chu Vĩnh Khang là “diệt cỏ tận gốc”, đối với phe Thượng Hải là cảnh báo đe dọa và với phái Đoàn Thanh niên là phân hóa, làm tan rã, suy yếu, tiêu diệt triệt để chủ nghĩa phe phái từng hùng bá một phương.

TTXVN (Bắc Kinh 19/9) - Theo tin từ Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc, Tòa án này quyết định ngày 24/9 tới sẽ xét xử công khai vụ án bị cáo Lưu Thiết Nam (Li Tie Nan - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban phát triển cải cách quốc gia Trung Quốc, nhận hối lộ).

Trước đó, theo mạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 23/6, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển cải cách quốc gia Trung Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Lưu Thiết Nam có liên quan đến vụ án phạm tội nhận hối lộ. Còn theo quyết định khởi tố của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Lang Phường, bị cáo Lưu Thiết Nam đã lợi dụng chức Vụ trưởng Vụ Phát triển ngành nghề Ủy ban kế hoạch quốc gia, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ủy ban Phát triển cải cách quốc gia và Phó Chủ nhiệm Ủy ban này, để trục lợi từ người khác, nhận tài sản, vật chất của người khác phi pháp với số lượng và giá trị đặc biệt lớn, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật với tội danh nhận hối lộ.

Ngày 14/5/2013, người phụ trách Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận ông Lưu Thiết Nam do bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng đã bị Trung ương cách chức.
Khả năng bùng nổ "cách mạng sắc màu" ở Hong Kong

TTXVN (Hong Kong 21/9) - Theo tờ Minh báo của Hong Kong, hiện nay, phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" (khu vực được coi là “Phố Wall” của Hong Kong) đang ráo riết chuẩn bị khởi sự hành động. Tuy thời gian khởi sự hành động “Chiếm lĩnh Trung tâm” vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nhiều thành viên cốt cán của phe dân chủ và lãnh đạo phong trào xã hội ở Hong Kong nhận định ngày 1/10 tới sẽ là thời cơ tốt nhất để phát động toàn dân "Chiếm lĩnh Trung tâm". Dự kiến, phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" sẽ tham khảo cách làm của Hiệp hội Sinh viên Hong Kong trong cuộc “Tập dượt Chiếm lĩnh Trung tâm” vào rạng sáng 2/7, nghĩa là sau khi biểu tình sẽ tiến hành chiếm lĩnh đường Chater ở khu trung tâm sẽ thực hiện hoạt động “công dân kháng lệnh”. Mật lệnh liên lạc của những người tham gia "Chiếm lĩnh Trung tâm" là “đi uống nước nhé”.

Báo trên cho biết thêm hiện nay, phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" đã bắt đầu mua vật tư chuẩn bị như lương khô, nhà vệ sinh lưu động, vật phẩm, dụng cụ y tế… để chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Ngoài ra, phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" còn động viên hàng trăm chuyên gia cùng tình nguyện viên để hiệp trợ cho hoạt động "Chiếm lĩnh Trung tâm". Dưới sự chỉ huy của 3 thủ lĩnh phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm", gồm Phó Giáo sư Đại học Hong Kong Đới Diệu Đình, Phó Giáo sư Đại học Trung văn Hong Kong Trần Kiện Dân và Mục sư Chu Diệu Minh, căn cứ vào tính chất công việc, lực lượng hiệp trợ hoạt động "Chiếm lĩnh Trung tâm" được chia thành 6 tổ công tác.

Một là Tổ giám sát, gồm khoảng hơn 100 người, có nhiệm vụ duy trì trật tự hiện trường và giám sát việc chấp pháp của lực lượng cảnh sát. Hai là Tổ chi viện vật tư và hậu cần, gồm vài chục người, có nhiệm vụ chuẩn bị đồ ăn, thức uống, nhà vệ sinh… và cung cấp sự trợ giúp về thông tin. Hiện nay, tổ này đã bắt đầu mua sắm lương khô, nước uống, lều bạt, micro… để những người tham gia "Chiếm lĩnh Trung tâm" sử dụng trong nhiều ngày và cất giữ chúng ở những địa điểm bí mật, sẵn sàng huy động khi cần. Ba là Tổ chỉ huy phân khu, gồm gần 100 người, có nhiệm vụ phụ trách các đoàn thể và chính đảng khác nhau tham gia hoạt động "Chiếm lĩnh Trung tâm". Ngoài ra, căn cứ vào kinh nghiệm đã trải qua từ việc cảnh sát xử lý hoạt động “Tập dượt Chiếm lĩnh Trung tâm” ngày 2/7, Tổ chỉ huy phân khu còn chuẩn bị sẵn một bộ phận chỉ huy dự bị đi lẫn vào trong đoàn người tham gia "Chiếm lĩnh Trung tâm", sẵn sàng tiếp sức. Bốn là Tổ pháp luật, gồm hơn 30 người, có nhiệm vụ trợ giúp pháp luật đối với những người tham gia hoạt động "Chiếm lĩnh Trung tâm" bị bắt. Năm là Tổ y tế, gồm khoảng 130 người, có nhiệm vụ thiết lập từ 4-6 trạm y tế, mỗi trạm từ 6-7 người, gồm cả bác sĩ lẫn y tá. Những người tham gia đã được khuyến cáo phải lưu ý việc đổi ca trực và xin nghỉ phép để tham gia hoạt động "Chiếm lĩnh Trung tâm". Sáu là Tổ công tác xã hội, gồm hơn 160 người, hoạt động 24/24 giờ, chia làm 2 tiểu tổ: Tiểu tổ hỗ trợ hiện trường gồm khoảng 60 người và Tiểu tổ hỗ trợ người bị bắt gồm khoảng 100 người.

Trong một nhận định được đưa ra trên Tuần san châu Á số mới đây, bình luận viên thời sự nổi tiếng Hong Kong, ông Chu Bát Tuấn, cho rằng phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" thực chất là "cách mạng sắc màu" bởi phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" có đầy đủ các đặc trưng của một cuộc "cách mạng sắc màu". Theo Chu Bát Tuấn, động cơ và mục đích của những kẻ lên kế hoạch, tổ chức "Chiếm lĩnh Trung tâm" cùng “ông chủ” đứng đằng sau là muốn thông qua việc phát động phong trào "Chiếm lĩnh Trung tâm" ép buộc chính quyền Trung ương Bắc Kinh phải từ bỏ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển tại Hong Kong. Họ muốn hi sinh sự ổn định phồn vinh lâu dài của Hong Kong để tiến hành thay đổi căn bản, cướp đi quyền điều hành của Trung Quốc đối với Hong Kong, xây dựng chế độ chính trị có lợi cho các quốc gia phương Tây và người đại diện của họ ở Hong Kong. Đây chính là "cách mạng sắc màu" phiên bản Hong Kong và Hong Kong sẽ trở thành căn cứ để các thế lực đối địch bên ngoài tiến hành lật đổ chính quyền Trung Quốc. Cuộc "cách mạng sắc màu" này sẽ đẩy Hong Kong vào vực sâu không đáy.



PHỤ LỤC
Về những tác động từ cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland

TTXVN (London 20/9) - Việc Scotland tiếp tục ở lại Anh sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 18/9 vừa qua đã khôi phục phần nào sự ổn định trong tiến trình phục hồi của nền kinh tế "Xứ sở sương mù". Tuy nhiên, cam kết trao quyền tự chủ hơn nữa cho Scotland mà giới chức Anh đưa ra nhiều khả năng sẽ định hình lại nền kinh tế và tài chính công của nước này trong những năm sắp tới.

Theo tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 20/9, về mặt ngắn hạn, kết quả "Không" trong cuộc trưng cầu ý dân đã giúp duy trì sự nguyên trạng và tránh được kịch bản mà các nhà đầu tư lẫn các nhà kinh tế lo sợ nhất: sự xuống giá của đồng bảng, dòng vốn chảy khỏi Scotland và một thời kỳ bất ổn định sâu sắc có thể làm suy yếu tiến trình phục hồi của Anh.

Trong buổi sáng 19/9, khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố, nhiều nhà kinh tế của Khu Tài chính London đã gửi thư điện tử cho các thân chủ của mình bày tỏ sự tự tin cao hơn vào các dự báo của họ đối với kinh tế Anh trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 3% trong năm nay. Cuộc trưng cầu cũng khiến các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào nhận định của họ rằng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm tới. Trong khi đó, do phần đông cử tri Scotland ủng hộ EU nên việc xứ này vẫn tiếp tục là một phần của Liên hiệp Anh cũng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ Anh rời khỏi EU - trong một cuộc trưng cầu ý dân dự kiến được tổ chức vào năm 2017 nếu đảng Bảo thủ tiếp tục cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2015.

Nhưng như Thủ tướng David Cameron đã nêu rõ trong sáng 19/9, tất cả các chính đảng sẽ phải đi đến nhất trí với một giải pháp hiến pháp vốn có khả năng làm các xứ và khu vực thành công hơn ở nước Anh càng có thêm quyền lợi trong khi buộc những vùng ít thành công hơn đối mặt với hậu quả.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng các kế hoạch trao quyền nhiều hơn vẫn chưa được tranh luận triệt để và thẳng thắn. Samuel Tomb, nhà kinh tế thuộc Capital Economics nói: "Triển vọng ngắn hạn cho nền kinh tế ở cả hai phía biên giới Scotland đã sáng thêm sau quyết định của Scotland tiếp tục là một phần của Anh. Nhưng bất chấp kết quả cuộc trưng cầu, kinh tế Anh sẽ tiếp tục đối mặt với một tương lai chính trị bất ổn trong những năm sắp tới".

Việc trao quyền tăng thuế hơn nữa được đưa vào Đạo luật Scotland 2012, trong đó Scotland sẽ có quyền tự chủ cao hơn về tài chính công bắt đầu từ năm 2016. Theo Đạo luật này, chính quyền Scotland sẽ giành được quyền tăng hoặc giảm mọi hạng thuế thu nhập trong mức dao động tới 10 điểm phần trăm. Một sự thay đổi quan trọng tiềm tàng nữa là trao cho Scotland một phần tiền thưởng trực tiếp trong sự thành công của nền kinh tế xứ này.

Hiện tại, Scotland vẫn được đảm bảo hoàn toàn bởi phần còn lại của nước Anh nếu như doanh thu từ thuế thu nhập của xứ này không theo kịp với mức tăng trưởng của phần còn lại của toàn quốc. Một khi được trao thêm quyền lực mới, Scotland sẽ phải chịu "rủi ro tài khóa", nghĩa là "lời ăn" - nếu doanh thu thuế của Scotland tăng nhanh hơn so với các xứ và khu vực khác của Anh, và "lỗ chịu" - nếu kinh tế Scotland không vận hành tốt như mức bình quân của Anh. Theo Giáo sư David Bell thuộc Đại học Stirling, "rủi ro tài khóa tăng lên là hậu quả không thể tránh khỏi của việc chuyển sang tự chủ hơn về tài khóa".

Cả ba chính đảng lớn tại Anh đã cam kết đẩy nhanh tiến độ trao quyền tự chủ cho Scotland về thuế và chi tiêu. Trong phát biểu sáng 19/9, Thủ tướng David Cameron nói rằng những cam kết đó sẽ được "tôn trọng đầy đủ". Giới phân tích cho rằng tác động của việc trao quyền nhiều hơn về thuế sẽ tăng thêm trách nhiệm cho Scotland phải đảm bảo rằng doanh thu thuế không bị tụt lại sau mức trung bình của Anh. Điều này cũng được áp dụng cho các xứ và khu vực khác, ví dụ như London cũng có thể muốn được trao quyền tương tự.

Ngân sách ban đầu cho Scotland và các xứ khác do Bộ Tài chính Anh quy định và là chủ đề của các cuộc thương lượng trong bối cảnh có những phàn nàn dai dẳng về sự bất công trong việc phân bổ chi tiêu công trên toàn quốc. Rob Wood, một nhà kinh tế thuộc hãng


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 266.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương