THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


Về chính sách ngoại giao hải quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương



tải về 266.13 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích266.13 Kb.
#3696
1   2   3   4

Về chính sách ngoại giao hải quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

TTXVN (Singapore 22/9) - Theo nhà nghiên cứu Ristian Atriandi Supriyanto thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), các cuộc tập trận quốc tế gần đây ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy mong muốn ngày càng tăng về chính sách ngoại giao hải quân đa phương của các nước. Tuy nhiên, chính sách này có thể không góp phần tạo ra sự ổn định trong khu vực.

Với sức mạnh kinh tế được củng cố, các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang tiếp tục xây dựng và hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Tăng số lượng tàu chiến và ngân sách cho hải quân đồng nghĩa với cơ hội lớn hơn để can dự vào “chính sách ngoại giao hải quân", tức là sử dụng hải quân để hỗ trợ chính sách đối ngoại. Hoạt động của ngoại giao hải quân có thể đa dạng, từ cập cảng ‘thiện chí’, cứu trợ thiên tai cho đến chống cướp biển và khẳng định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp.

Hoạt động sau cùng có thể được gọi là "ngoại giao pháo hạm", mà chiến lược gia hải quân James Cable đã mô tả là việc "sử dụng mối đe dọa hải quân hữu hạn, thay vì gây chiến". Việc can dự ngoại giao hải quân đa phương vì thế nhìn chung có thể phát đi các thông điệp chính trị hỗn hợp, gồm danh tiếng, tình hữu nghị, và nỗi sợ hãi.

Các lực lượng hải quân tham gia ngoại giao hải quân đa phương, một phần vì muốn thể hiện hoặc chứng minh sức mạnh với đồng nghiệp. Một tàu chiến có thể là biểu tượng quốc gia. Ở thời hiện đại, danh tiếng phần nào có thể giải thích cho tham vọng của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tự đóng tàu sân bay. Tương tự, động lực để Malaysia và Indonesia hiện đại hóa hải quân một phần được thúc đẩy bởi mong muốn trở thành "lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới” với các thương vụ tàu khu trục và tàu ngầm mới. Phô diễn sức mạnh thông qua ngoại giao hải quân đa phương vì thế có thể tạo ra "hiệu ứng trình diễn” khi giúp một nước nhận thức được điểm yếu của mình và/hoặc khả năng vượt trội hải quân nước khác. Điều này có thể dẫn đến việc cải thiện năng lực, thông qua tăng ngân sách hải quân hoặc mua sắm khí tài mới.

Ngoài danh tiếng, can dự ngoại giao hải quân đa phương cũng nhằm mục đích có thêm bạn bè. Ngoại giao hải quân thể hiện tính tích cực trong hợp tác hải quân và loại bỏ việc thiếu lòng tin. Hợp tác hải quân có thể vừa là phương tiện vừa là mục đích tự thân để xây dựng và thể hiện lòng tin giữa các lực lượng hải quân. Tình hữu nghị có thể cùng lúc cải thiện khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng hải quân. Các mối đe dọa xuyên quốc gia như cướp biển, thiên tai đòi hỏi không chỉ là cách tiếp cận với toàn bộ chính phủ. Với việc diễn tập hoặc hợp tác giải quyết các mối đe dọa xuyên quốc gia, hải quân có thể rút kinh nghiệm và đặt kì vọng vào người khác. Khi một tình huống phát sinh, như sóng thần hay tàu chở dầu bị cướp, các lực lượng hải quân biết có thể trông đợi những gì từ nhau để đưa ra một phản ứng tập thể hiệu quả.

Tuy nhiên, bất chấp mục đích hòa bình, việc can dự chính sách ngoại giao hải quân đa phương có thể không đúng với ý định đó. Chẳng hạn, chính sách ngoại giao hải quân "xây dựng liên minh” có thể biểu thị quyết tâm răn đe kẻ thù, thông qua tập trận chung. Trong khi củng cố liên minh hay quan hệ đối tác, các cuộc tập trận hải quân đa phương có thể phát đi tín hiệu sai lạc đến bên thứ ba. Chẳng hạn, do cảm thấy bị kiềm tỏa, Trung Quốc đã phản đối cuộc tập trận Malabar năm 2007 giữa Mỹ, Ấn Độ, Singapore và Australia.

Tương tự, tập trận hải quân cũng là một cách để thu thập thông tin tình báo về đối thủ tiềm tàng. Dù có tham gia RIMPAC 2014, song Trung Quốc vẫn cử một tàu giám sát theo dõi cuộc diễn tập diễn ra gần Hawaii này. Mặt khác, nỗi lo sợ có thể thúc đẩy chính sách ngoại giao hải quân "quản lý khủng hoảng". Những vụ đụng độ hải quân trong tranh chấp lãnh hải đầy rẫy các nguy cơ tính sai và hiểu lầm. Việc quyết đoán phô diễn sức mạnh hải quân để bảo vệ chủ quyền trong vùng biển tranh chấp có thể kéo dài khủng hoảng, nếu đó không phải tình huống vô ý xung đột. Nhận thức nguy cơ này, các thành viên tham gia Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) mới đây đã nhất trí về bộ quy tắc các sự cố vô ý trên biển (CUES).

Đây cũng là động cơ thiết lập "đường dây nóng" hải quân, cho phép các tư lệnh hải quân duy trì liên lạc trực tiếp, an toàn và liên tục với nhau. Ví dụ, Hải quân Việt Nam đã thiết lập nhiều đường dây nóng với hải quân các nước láng giềng để xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn khủng hoảng trong tranh chấp Biển Đông. Bất chấp việc ngày càng nổi bật, vẫn còn đó câu hỏi lớn rằng liệu ngoại giao hải quân đa phương có thực sự góp phần hướng tới ổn định khu vực hay không. Ngoại giao hải quân không chỉ giúp xây dựng lòng tin và tăng cường khả năng phối hợp, nó cũng có thể được dùng để che giấu ý định. Tập trận chung với đồng minh và đối tác có thể bị hiểu lầm rằng một nước là mục tiêu của liên minh và đối tác đó. Bộ quy tắc hải quân, như CUES, cho thấy các nước không chỉ lo ngại xung đột vô ý, mà cũng phát đi tín hiệu về một bầu không khí chính trị bị xói mòn.

Cuối cùng, những nỗ lực xây dựng liên minh hải quân có thể trấn an đồng minh và đối tác, song cũng có thể khiến các nước khác cảm thấy bị biệt lập hơn. Dù vậy, ngoại giao hải quân vẫn có hiệu quả của nó. Ít nhất, các nước can dự ngoại giao hải quân đa phương sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về tư duy và cách hành xử của đối tác (cả đồng minh, bạn bè, hay kẻ thù tiềm năng).
IV. PHẦN QUỐC TẾ
XUNG QUANH HIỆP ĐỊNH TPP
TPP: Các cách tiếp cận cuối cuộc chơi

TTXVN (Washington 21/9) - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington mới đăng bài phân tích của hai tác giả Scott Miller và Islam A.Siddiqui đề cập đến các phương pháp tiếp cận khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bước vào giai đoạn cuối của đàm phán. Nội dung bài viết có điểm chính như sau:

TPP đã đến giai đoạn mà các nội dung khó khăn nhất sẽ phải được thử nghiệm giữa các bên đàm phán để giải quyết cũng như phản ứng của các cử tri trong nước mà các bên đàm phán là người đại diện. Cái gọi là "các bãi đáp" hay các giải pháp thử nghiệm để giải quyết các vấn đề nhạy cảm đã được xác định đang làm cho nhiều nhà bình luận tin rằng các cuộc đàm phán đang gần kết thúc. Những suy đoán về một sự kết thúc đàm phán không còn nghi ngờ gì nữa sẽ tăng lên khi tháng 11 đang đến gần, chủ yếu là do các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và chuyến thăm được kéo dài hơn của Tổng thống Barack Obama tới châu Á, trong đó có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 10-11/11, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) từ ngày 11-12/11 và Hội nghị Thượng đỉnh G-20 từ ngày 15-16/11. Các quan chức Mỹ đang phải đối mặt với hai vấn đề. Một là, làm thế nào để kết thúc hiệp định này theo cách nhất quán với lời hứa về tham vọng tiêu chuẩn cao của hiệp định song vẫn cho phép mỗi nền kinh tế có thể xử lý được các vấn đề nhạy cảm về chính trị. Hai là, làm thế nào để đẩy nhanh sự can dự với Quốc hội Mỹ.



Vấn đề nhạy cảm chính trị cốt lõi: Việc tiếp cận thị trường nông nghiệp

Các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn sau khi Nhật Bản tham gia đàm phán vào đầu năm 2013. Trong tất cả các vấn đề, mức thuế cao đối với 5 nhóm sản phẩm nông nghiệp (gạo, lúa mì và lúa mạch, thịt bò, thịt lợn và sữa) ở Nhật Bản gây khó khăn cho đàm phán. Trong khi, Nhật Bản đã đưa ra đề nghị sẽ giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp này thì Chính phủ Nhật Bản đã thể hiện quan điểm cứng rắn chống lại sự nhượng bộ hơn nữa, với lý do sự phản đối mạnh mẽ từ các lực lượng vận động hành lang về nông nghiệp ở trong nước. Bên cạnh đó, nhiều lực lượng trong lĩnh vực nông nghiệp Mỹ muốn Nhật Bản cam kết loại bỏ hoàn toàn các loại thuế này. Tương tự như vậy, các cuộc đàm phán với Canada đã bị đình trệ do việc áp dụng quản lý nguồn cung trong lĩnh vực sữa và gia cầm. Trong những tuần gần đây, một số lực lượng trong lĩnh vực nông nghiệp và các thành viên của Quốc hội Mỹ thậm chí còn đề nghị tiếp tục các cuộc đàm phán mà không có Nhật Bản và Canada, nếu hai nước này không cam kết loại bỏ dần quy định quản lý nguồn cung cũng như thuế quan về các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm nói trên về mức bằng 0 trong khoảng thời gian nhất định. Việc bỏ hai trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ra khỏi TPP không hợp lý về mặt kinh tế và chiến lược. Nó trái với tham vọng của hiệp định là tạo ra "khu vực tự do thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương".

Do đó, chính quyền Mỹ có hai lựa chọn để giải quyết vấn đề kết thúc đàm phán gây nhiều tranh cãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Một là, Mỹ sẽ yêu cầu các đối tác thương mại khác loại bỏ thuế quan và hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó cho Mỹ khi bản thân cũng phải có cam kết tương tự trong bối cảnh các sản phẩm đường và sữa là tương đối nhạy cảm ở Mỹ. Hai là, Mỹ sẽ công nhận các thực tế chính trị ở Nhật Bản, Canada và Mỹ liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm có tính nhạy cảm bằng cách thay vì kiên quyết tìm cách loại bỏ thuế quan sẽ tiến hành đàm phán giảm dần thuế quan và các biện pháp bảo hộ. Theo quan điểm của chúng tôi, lựa chọn thứ hai xác nhận rằng mỗi đối tác thương mại trong đó có Mỹ, có các lĩnh vực "thiêng liêng" của riêng mình cần bảo vệ. TPP sẽ là một thỏa thuận tốt nếu nó đạt được sự tiếp cận thị trường mới có ý nghĩa cho các nhà xuất khẩu của Mỹ tới các thị trường quan trọng, thậm chí ngay cả khi vẫn còn một số rào cản thương mại.

Đưa thỏa thuận TPP đi qua cửa ải Quốc hội Mỹ

Đã có rất nhiều suy đoán về "các bãi đáp" trong tiếp cận thị trường nông nghiệp cũng như các chương về "quy tắc" như sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, "các bãi đáp" của chính quyền Mỹ sẽ được cân nhắc ra sao với Quốc hội và công chúng Mỹ?

Trong quá khứ, đạo luật cho phép Quyền đàm phán nhanh (TPA) đã được sử dụng như một công cụ để xây dựng liên minh chính trị. Tuy nhiên, chính quyền Obama đã thực hiện một tính toán rất quan trọng hồi đầu năm 2014 trong việc trì hoãn xây dựng các liên minh của 60 thượng nghị sĩ và 218 hạ nghị sỹ, một số lượng cần thiết để thông qua đạo luật nhằm hiện thực hóa TPP. Các đạo luật về TPA đã được giới thiệu ra Hạ viện (mã số: HR3830) và Thượng viện (mã số: S.1900) hồi tháng 1/2014, song không có bất kỳ hành động nào tiếp theo đó ở cả hai Viện này. Các quan chức của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và các cơ quan khác đã rất tích cực tham khảo ý kiến ​​với các thành viên Quốc hội, song nhìn nhận một cách thẳng thắn thì từ tư vấn cho tới có được các cam kết chính trị là một chặng đường dài. Đã thiếu vắng các hoạt động xây dựng sự ủng hộ của công chúng và thúc đẩy tiến độ lập pháp. Khoảng trống chính trị đã được lấp đầy bởi các thành viên không thể hiện lập trường chống hay ủng hộ các đặc điểm của TPP. Mặc dù có sự ủng hộ chung đối với hiệp định này, song tình hình chính trị nội bộ ảnh hưởng đến việc thông qua hiệp định không khá hơn, thậm chí có thể còn tệ hơn một năm về trước.

Kết thúc đàm phán TPP khi không có TPA hay sự ủng hộ chính trị rộng rãi ở Mỹ là một chiến thuật có tính rủi ro cao. Nếu chính quyền ký TPP mà không có một thỏa thuận trước với Quốc hội, các nghị sỹ sẽ nhận không được "món quà" mà họ có thể sử dụng theo hai cách. Một là, họ có thể tuyên bố ủng hộ về mặt lý thuyết, song sẽ tìm ra một số điểm không đồng ý ​​trong văn bản từ đó giữ lại lá phiếu bầu thông qua của họ. Chính quyền Mỹ sau đó sẽ thấy bản thân bị áp lực phải đàm phán lại hiệp định hoặc phải chấp nhận tham gia vào một số sự thao túng phức tạp khác để có được sự ủng hộ đầy đủ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nếu một dự luật về việc thực thi TPP được đưa ra toàn thể Thượng viện mà không có các sự bảo hộ kiểu TPA. Điều này là do các đạo luật về ngân sách là đối tượng của các điều chỉnh không có giới hạn.

Theo quan điểm của chúng tôi, để kết thúc thành công TPP đòi hỏi chính quyền Mỹ cần thể hiện vai trò lãnh đạo quyết đoán trên cả hai mặt trận. Một là, Mỹ phải nhấn mạnh với các đối tác TPP của mình cần đưa ra các văn bản chào mời trên có sở tham vọng đã được tuyên bố về một hiệp định toàn diện tiêu chuẩn cao. Hai là, Chính quyền Mỹ cần phải xây dựng một sự ủng hộ chính trị nội bộ trong việc thông qua hiệp định đầy tham vọng này tại Quốc hội.
CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG
Dư luận về quan hệ Ấn-Trung qua chuyến thăm của Tập Cận Bình

TTXVN (New Delhi 21/9) - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ trong ba ngày (17-19/9). Thủ tướng Modi đã dành cho ông Tập Cận Bình sự đón tiếp trọng thị tại cả bang Gujarat quê hương ông và tại thủ đô New Delhi. Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa ông Modi và ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh truyền thông Ấn Độ liên tiếp đưa tin khoảng 1.000 binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập sâu trong lãnh thổ Ấn Độ tại khu vực Chumar, thuộc cao nguyên Ladakh khoảng 500m. Ông Modi đã không ngần ngại nêu vấn đề ngay trong bữa tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình tại bang Gujarat tối 17/9 và nhắc lại trong cuộc hội đàm tại thủ đô New Delhi trưa 18/9.

Giới phân tích tại Ấn Độ cho rằng hành động trên của binh sĩ Trung Quốc đã “phủ bóng đen” lên cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Vấn đề biên giới tiếp tục là “rào cản” đối với quan hệ song phương, mặc dù ông Tập Cận Bình cam kết sẽ quyết tâm sớm giải quyết vấn đề này. Theo Giáo sư Srikanth Kondapalli, chuyên gia về các vấn đề khu vực tại trường Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, trước mắt sẽ không có giải pháp nhanh chóng nào cho vấn đề biên giới Ấn-Trung. Hai nước đã tiến hành 17 vòng đàm phán về biên giới kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào. Từ khi lên nhậm chức tháng 5/2014 đến nay, Thủ tướng Modi vẫn chưa bổ nhiệm đặc phái viên để tái khởi động tiến trình thương lượng vấn đề biên giới với Trung Quốc.

Trong ngày kết thúc chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Ấn Độ và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung gồm 28 điểm, trong đó đánh giá tích cực sự phát triển của quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây và lưu ý rằng cả hai bên luôn xem xét các mối quan hệ từ một quan điểm chiến lược và tổng thể; khẳng định cam kết tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng trên cơ sở 5 nguyên tắc “cùng chung sống hòa bình”…

Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên báo the Economic Times ngày 20/9, ông Roy Chaudhury cho rằng Tuyên bố chung Ấn-Trung lần này nhạt nhẽo, ít bao hàm hơn các Tuyên bố chung gần đây như của Ấn Độ với Australia hoặc Nhật Bản. Nó giống như một bản tổng hợp các thảo luận và kết quả của một cuộc họp lớn, không xứng tầm với những gì hai bên mong đợi.

Cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Kanwal Sibal cũng nhận định rằng Tuyên bố trên không thực tế khi gạt vấn đề bất đồng biên giới khỏi mối quan hệ toàn diện. Trong khi coi tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Việt Nam như cốt lõi của quan hệ song phương, Trung Quốc lại tìm cách gạt bất đồng biên giới khỏi các khía cạnh khác trong quan hệ với Ấn Độ. Điều đó không thể chấp nhận được.

Hai bên cũng không đạt được tiến bộ nào trong vấn đề thị thực bởi Trung Quốc từ chối chấm dứt cấp visa rời cho công dân Ấn Độ đến từ bang Arunachal Pradesh, nơi mà Bắc Kinh coi là khu vực tranh chấp. Tương tự như vậy, Ấn Độ cũng không chấp nhận ký thỏa thuận tự do hóa cơ chế thị thực nhằm tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn Trung Quốc tới bang Arunachal Pradesh.

Nhưng đáng thất vọng hơn là lĩnh vực kinh tế. Theo thông tin ban đầu (từ Tổng lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Mumbai, ông Liu Youfa), trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh sẽ công bố đầu tư vào Ấn Độ 100 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ tầng. Cuối cùng khoản tiền cam kết chỉ còn 20 tỷ USD. Theo các nguồn tin tại New Delhi, nguyên nhân của sự thiếu hụt lớn này là do hai nước không nhất trí với nhau về một số vấn đề chủ chốt, trong đó có vấn đề thị thực; Ấn Độ cũng không cam kết về chính sách “một Trung Quốc” trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, cũng như trong Tuyên bố chung. Từ năm 2010, không có Tuyên bố chung Trung-Ấn nào đề cập chính sách “một Trung Quốc” nhưng Bắc Kinh vẫn hy vọng Chính phủ mới tại Ấn Độ sẽ có “ngoại lệ”. Có tin nói rằng Bắc Kinh cũng không hài lòng khi Ấn Độ để cho người Tây Tạng biểu tình tại New Delhi trong thời gian diễn ra chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại đây. Giới phân tích: Chuyến thăm Ấn Độ của Tập Cận Bình không đạt được tiến triển về tranh chấp biên giới.

TTXVN (Hong Kong 22/9) - Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 21/9, trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận về một số vấn đề, song Bắc Kinh và New Delhi không đạt được tiến triển về vấn đề biên giới giữa hai nước.

Giới phân tích nhận định rằng, trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước, Bắc Kinh và New Delhi đã không đạt được tiến triển trong việc giải quyết cuộc tranh chấp biên giới tồn tại từ nhiều thập kỷ qua giữa hai nước, mặc dù công chúng ở Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng lớn lao vào một bước đột phá.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 19/9, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều nhấn mạnh cam kết của hai nước trong việc "tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý và hai bên đều có thể chấp nhận được" đối với các tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc mang tính định hướng mà cả hai bên đã nhất trí hồi tháng 4/2005. Tuyên bố chung Ấn Độ - Trung Quốc ngày 19/9 có đoạn: "Trong khi chờ đợi một giải pháp chính thức về vấn đề biên giới, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện những nỗ lực chung để duy trì hòa bình và sự yên tĩnh ở khu vực biên giới". Trong tuyên bố chung, hai nước cũng nói rằng vòng đàm phán đầu tiên về hợp tác hàng hải sẽ được tổ chức trong năm nay.

Nguyên tắc định hướng nói trên đã tái khẳng định những thỏa thuận trước đó giữa Trung Quốc và Ấn Độ về việc cử các đại diện thăm dò một khuôn khổ dàn xếp các vấn đề biên giới trong một "bầu không khí thân thiện, hợp tác và mang tính xây dựng". Tiến sĩ Tôn Sĩ Hải, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, bản tuyên bố trên đã cho thấy rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã không tạo ra được bất kỳ sự tiến triển nào trong vấn đề biên giới Trung - Ấn trong chuyến công du của nhà lãnh đạo này, mặc dù ông và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tôn Sĩ Hải nói rằng tuyên bố này cũng gửi một thông điệp tới thế giới rằng "Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không tiếc công sức để ngăn chặn khả năng lại xảy ra một cuộc xung đột biên giới đẫm máu giữa hai nước như năm 1962”. Cuộc xung đột đó liên quan đến một vùng đất hẻo lánh ở khu vực Himalaya với diện tích gần 90.000 km2. Trung Quốc gọi đó là khu vực tranh chấp phía Nam Tây Tạng trong khi Ấn Độ đề cập đến vùng đất này với tên gọi Arunachal Pradesh. Cả hai bên đều đã phân định biên giới tại đó.

Cuộc xung đột biên giới giữa hai nước bắt nguồn từ tuyên bố ngày 27/4/1914 về Tuyến McMahon của ông Henry McMahon, người khi đó là Ngoại trưởng của Chính phủ Ấn Độ do người Anh điều hành, về việc đánh dấu sự phân chia biên giới giữa hai nước. Tiến sĩ Tôn Sĩ Hải cho rằng rào cản lớn nhất đối với một giải pháp cho cuộc tranh chấp này là quy mô của khu vực đó. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trở ngại chính đối với ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề biên giới là diện tích khu vực tranh chấp quá lớn. Và cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều kiên quyết không chịu nhượng bộ”.

Hai nước láng giềng này cũng tranh chấp biên giới ở khu vực phía Tây dãy Himalaya, nơi các binh sĩ Ấn Độ tuần trước đã đối đầu với các binh sĩ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng mà New Delhi cáo buộc xâm chiếm lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh. Cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp diễn mặc dù ông Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Modi rằng ông đã yêu cầu quân đội Trung Quốc rút lui khỏi khu vực này.

Trong khi đó, ông D.S. Rajan, cựu Giám đốc Trung tâm Chennai về Nghiên cứu Trung Quốc của Ấn Độ, nhận định rằng các cuộc xâm nhập biên giới của Trung Quốc thường trùng hợp với thời điểm diễn ra hoạt động trao đổi cấp cao giữa nước này với Ấn Độ, trong đó có một vụ việc căng thẳng kéo dài tới 3 tuần hồi năm ngoái mà giới chức Ấn Độ nói rằng các binh sĩ Trung Quốc đã dựng những lều bạt ở Ladakh trước thời điểm diễn ra chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Chuyên gia D.S. Rajan nêu rõ: "Các cuộc xâm nhập có thể được dùng để gây sức ép với Ấn Độ trong các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ không đưa ra bất cứ điều gì rõ ràng về vấn đề biên giới trong chuyến thăm Ấn Độ lần này. Nhà lãnh đạo này sẽ thực hiện theo “hai trụ cột” đã được tuyên bố của ngoại giao Trung Quốc – sự quyết đoán và hợp tác hai bên cùng có lợi – phớt lờ những ý kiến ​bên ngoài cho rằng những trụ cột này mâu thuẫn nhau".
ĐÔNG NAM Á
Cuộc trưng cầu dân ý ở Scoland và bài học cho quốc gia “vạn đảo”

TTXVN (Jakarta 22/9) - Cuộc dân cầu dân ý về độc lập của Scotland đã diễn ra ngày 18/9 với kết quả đa số người dân vẫn mong muốn ở lại Vương quốc Anh. Tuy nhiên, đằng sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, tác động đến nhiều khu vực khác trên thế giới, nhất là các quốc gia luôn phải đối phó với các phong trào ly khai. Xung quanh vấn đề này, báo chí Indonesia đã có những phân tích khá thấu đáo, trong bài xã luận số ra ngày 20/9, Tờ Bưu điện Jakarta đã nói rằng dù người Scotland đã nói "không" đối với sự độc lập trong cuộc bỏ phiếu vừa qua nhưng hành động này chắc chắn sẽ nhận được sự nhượng bộ nhiều hơn từ những người lãnh đạo ở Westminster, khiến các khu vực khác thuộc Vương quốc Anh phải ghen tị. Scotland đã đảm bảo lợi ích tối đa khi ở lại Vương quốc Anh trong khi vẫn giữ được quyền hạn và bản sắc văn hóa riêng. Họ cũng đã bảo đảm lợi ích lớn nhất có thể từ số tiền dầu ở Biển Bắc trong một cuộc bỏ phiếu tương tự năm 1970.

Bài học quan trọng nhất từ cuộc trưng cầu dần ý của Scotland đối với thế giới là không quốc gia nào không có vướng mắc ngay cả khi tất cả các khu vực cùng ở lại dưới một mái nhà. Rõ ràng đã một mối hận thù lâu nay khi người Scotland đánh giá lại sự cầm quyền của London sau hơn 3 thế kỷ, đã có sự bất bình nổi lên trước cuộc trưng cầu dân ý. Sự chia tách sẽ là một bi kịch, nhưng nếu Scotland mong muốn thì Westminster và phần còn lại của thế giới sẽ phải tôn trọng nguyện vọng dân chủ của họ. Indonesia, một quốc gia quần đảo đa dạng về văn hóa, không miễn dịch với áp lực tương tự. Nhiều người ngày nay vẫn khăng khăng cho rằng nước Cộng hòa Indonesia đơn nhất là không bàn cãi, nhưng Indonesia cũng giống như Vương quốc Anh, là một quốc gia dân chủ nên có nhiều cách văn minh để đối phó với khát vọng độc lập hơn là hành xử với các dân tộc ly khai như một mối đe dọa an ninh, việc sử dụng quân đội để dập tắt phong trào độc lập chỉ làm phức tạp vấn đề. Đối với chính phủ trung ương, đối thoại vẫn là cách tốt nhất và có lẽ là cách duy nhất để đối phó với khát vọng độc lập.

Tờ Jakarta Globe số ra ngày 19/9, có bài “Trưng cầu dân ý Scotland, những bài học giá trị cho Indonsia” của tác giả Johannes Nugroho cho rằng hàng triệu người Scotland bỏ phiếu để quyết định nên tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh hay tách ra để trở thành một quốc gia độc lập. Dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã thắng lợi đối với những người ủng hộ tình trạng hiện tại nhưng dường như đây là thời kỳ đỉnh cao sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Scotland, tái khẳng định mình sau nhiều thế kỷ bị lu mờ bởi các cấu trúc chính trị, văn hóa Anh. Chủ nghĩa ly khai Scotland đem đến cho Indonesia một vài gợi ý trong việc đối phó với các phong trào ly khai trong nước, đặc biệt là trường hợp Aceh và Papua/Tây Papua.

Để hiểu rõ hơn bài học này cần phải hiểu được lý do đằng sau việc có nhiều người Scotland mong muốn được tách khỏi Anh. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen bao gồm một số nhóm dân tộc có lịch sử và truyền thống độc đáo và riêng biệt: Anh, xứ Wales, Scotland, Ailen và Cornish. Cả Anh và Scotland là hai quốc gia đối địch trước khi xảy ra cái chết của Nữ hoàng Anh Elizabeth, chính trị hai nước vẫn riêng biệt cho đến năm 1707 khi Anh và Scotland sáp nhập thành Vương quốc Anh dưới thời trị vì của triều đại Stuart, Queen Anne. Do tầm vóc và quy mô dân số, Scotland nhanh chóng trở thành đối tác chính trị hàng đầu của nước Anh mới. Bỏ qua vấn đề chính trị Hoàng gia, những lời than phiền của người Scotland ngày hôm nay không phải do sự bất công về kinh tế, cũng không phải thiếu tự chủ. Kể từ khi Quốc hội phân cấp năm 1999, Scotland đã thực sự quản lý công việc nội bộ của riêng mình nhưng đối với nhiều dân tộc Scotland, các chính sách gần đây của Westminster không đáp ứng nguyện vọng của họ, và cảm giác rằng lịch sử và văn hóa Scotland đã bị bỏ rơi vẫn không thể giải tỏa.

Điều thú vị là những gì đã xảy ra với Scotland cũng đã xảy ra tại các tỉnh Indonesia, nơi tâm lý đòi ly khai đang tăng lên. Hành động quân sự trong quá khứ của Jakarta với người dân Aceh và Papua vẫn còn nguyên trong tâm trí, chính sách sai lầm đối với phong trào ly khai nhắc nhở về những tội ác chống lại người Scotland trong trận chiến Culloden thế kỷ XVIII, cuộc chiến khiến hàng nghìn người bị giết hại dã man. Như một phần kết quả hành động sai lầm quá khứ, Jakarta cũng như London đối với Scotland và xứ Wales - đã phải thừa nhận và trao cho Aceh và Papua quyền tự chủ hơn nhằm ngăn chặn các tỉnh này ly khai hoàn toàn. Trong khi Aceh có lẽ là tỉnh tự trị nhất trong nước thì kiểu hành xử của Jakarta với Papua/Tây Papua vẫn còn cứng rắn, khái niệm một Papua độc lập gần như không nằm trong trí tưởng tượng của Jakarta. Cùng độ nhạy cảm trong vấn đề ly khai nhưng thật đáng tiếc Jakarta thiếu sự khôn ngoan khi cho rằng lý do Papua ly khai xuất phát từ vấn đề kinh tế. Các quan chức Indonesia tin rằng khi các tỉnh cực Đông đất nước được phát triển ngang với phần còn lại thì tâm lý mong muốn ly khai sẽ chấm dứt.

Thật không may, giả thuyết này không liên quan tới vấn đề quan trọng của phong trào ly khai là lịch sử và bản sắc dân tộc, văn hóa. Người dân Papua có ít điểm chung với các dân tộc trong nước so với người dân Aceh, vì vậy những nỗ lực của Jakarta nhằm "Indonesia hóa", hay đúng hơn, "Java hóa" hai tỉnh này sẽ chỉ gây thêm rắc rối trong tương lai. Sự nhạy cảm lớn hơn khiến việc Jakarta tìm cách ngăn cản Papua ly khai là không hợp lý, và có lẽ cách tốt nhất để giữ vùng đất này ở lại là phải bảo vệ quyền lợi của người Papua, tính độc đáo về lịch sử, truyền thống riêng của họ, hơn là cố gắng làm cho họ giống như phần còn lại của đất nước.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 266.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương