THƯỢng đẾ, thiên nhiêN, ngưỜI, TÔI & ta


III - LUẬT TRONG KI-TÔ GIÁO



tải về 0.64 Mb.
trang4/12
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.64 Mb.
#21017
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

III - LUẬT TRONG KI-TÔ GIÁO


Ki-tô giáo vừa mượn truyền thống Do Thái vừa mượn truyền thống Hy Lạp. 

Truyền thống Do Thái: cái gì cũng do Thượng Ðế mà ra, bởi vì Thượng Ðế là đấng sáng tạo ra trời đất3. Mặt khác, Ki-tô giáo nói: "vương quốc của ta không phải là nơi trần thế này". Lại nói: phải phân biệt "cái gì của César và cái gì của Thượng Ðế". Nghĩa là thừa nhận có một lĩnh vực trong đó luật đến từ thần linh và một lĩnh vực trong đó luật đến từ người. 

Làm sao dung hòa hai chủ trương đối nghịch nhau như vậy? Một đằng, cái gì cũng do Chúa; một đằng lại phân biệt hai lĩnh vực. Tất nhiên, thần học có nhiệm vụ giải bài toán này. Tôi sẽ dành hai điểm nói về luật trong Ki-tô giáo: điểm một là bài toán vừa nói; điểm hai là sự khai sinh của luật Giáo hội.

1- Nguồn gốc luật.

Có một lĩnh vực luật của người. Nhưng biên giới không phân biệt rõ ràng trắng đen vì sự lẫn lộn nhập nhằng giữa bốn hiện tượng: luật, tôn giáo, luân lý và luật tự nhiên. 



a - Trước hết là sự lẫn lộn giữa luật, tôn giáo và luân lý: Torah mà Ki-tô giáo lấy lại làm Cựu Ước là luật hay luân lý? Ðối với các luật gia, đó là một tổng chương những huấn thị luân lý, một bộ luật luân lý, một hệ thống những quy tắc về cách cư xử. Tôi trích: "Do Thái, hãy nghe những luật và những lời dạy này, hãy học cho thuộc, hãy thực hành: hãy yêu Thượng Ðế của ngươi với tất cả tấm lòng - không được tạc hình tượng - hãy kính trọng cha mẹ - không được trộm cắp - không được ngoại tình - không được ăn thịt chảy máu - hãy dẫn đường cho người mù - hãy để cho người nghèo mót lúa trong cánh đồng của ngươi..."

Những luật luân lý đó có kèm theo những đe dọa chế tài, phần nhiều không rõ ràng ("hãy kính trọng cha mẹ để được sống lâu hơn"), hoặc những trừng phạt, những phúc lành, những hứa hẹn cứu rỗi, đày đọa. Ðôi khi sự chế tài rõ rệt hơn: "Hãy ném đá cho chết người đàn bà ngoại tình". Nếu xem Torah tương tự như luật thì đó là luật hình - nhưng là một thứ luật hình rất khác với luật hình hiện tại. Bởi vì những vi phạm trước hết là những tội lỗi (péchés) xúc phạm Thượng Ðế, phá hủy liên minh với Thượng Ðế. Ngay cả giết người hoặc làm thiệt hại kẻ khác cũng vậy, bởi vì xúc phạm kẻ khác là xúc phạm một đứa con của Thượng Ðế. Cách trừng phạt cũng vậy: là hối hận, là dày vò sau khi phạm lỗi để chuộc tội.

Tân Ước tóm tắt Cựu Ước bằng hai luật mà thật ra chỉ là một: "Hãy yêu Thượng Ðế với tất cả tấm lòng và tâm hồn"; "hãy yêu đồng loại như yêu chính mình". Ðây là luật luân lý có tính cách phổ quát, giống như luật áp dụng cho khắp dân Do Thái dù là ở đâu.  Cựu Ước cũng như Tân Ước đều có nói đến công bằng (justice), nhưng công bằng ở đây không có nghĩa của Aristote, mà có nghĩa thương xót, bác ái .

Tóm lại, luật và luân lý lẫn lộn với nhau, ngay cả trên khái niệm. Dù có phân chia luật của César và luật của Thượng Ðế đi nữa, đứng về mặt luân lý, có một luân lý Ki-tô bao trùm tất cả. Bởi vì luân lý bắt nguồn không những từ những nguyên tắc do Thượng Ðế ban cho Moïse, mà còn từ một điều luật mà Thượng Ðế đã in sâu trong tim mọi người. Saint Paul nói như vậy. Nghĩa là luân lý bắt nguồn từ Thượng Ðế. Và bởi vì luân lý được biểu hiện dưới hình thức luật, hình thức nguyên tắc, hình thức cấm kỵ, luật luân lý lẫn lộn với luật.



b - Câu nói của Saint Paul còn có một ý nghĩa sâu hơn. Chịu ảnh hưởng của truyền thống Hy Lạp, Saint Paul đã du nhập khái niệm luật tự nhiên. Sau Saint Paul, Saint Augustin, rồi qua thời Phục Hưng cho đến thế kỷ 16, cả một truyền thống thần học rao giảng rằng luật của người là luật của Thượng Ðế được thích ứng và áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, và, hơn nữa, ngay cả luật tự nhiên cũng có nguồn gốc từ Thượng Ðế. Vittoria, de Soto, Suarez, Lassius, Bellarmin và cả trường phái Tây Ban Nha lừng danh chủ trương như vậy.

Tóm lại, luật tôn giáo (nghĩa là Thượng Ðế), luân lý và luật tự nhiên lẫn lộn rối ren. Dù có phân biệt giữa Thượng Ðế và người, sự lẫn lộn đó có hậu quả là cái gì cũng do từ Thượng Ðế mà ra.

Bây giờ bước từ lĩnh vực học thuyết qua lĩnh vực áp dụng, tôi sẽ nói về điểm 2: luật Giáo hội.

2 - Luật của Giáo hội.

Ki-tô giáo phát sinh từ cộng đồng Do Thái sống trên mảnh đất Cận Ðông đã chịu ảnh hưởng văn minh Hy Lạp. Lúc đầu, như ta đã thấy, luật không phải là quan tâm chính. Nhưng rất nhanh, cộng đồng tôn giáo đó thấy rõ nhu cầu. Thế là bắt đầu tạo ra luật và luật đó phát triển rất nhanh. Ðến thế kỷ thứ 4, luật của Nhà thờ bắt đầu cạnh tranh với luật của Nhà nước trên nhiều địa hạt. Song song với sự bành trướng của tôn giáo mới, dựa trên sự bành trướng của đế chế La Mã, luật của Nhà thờ phát triển rộng ra khắp nơi từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10, từ sa mạc Arabie đến Irlande, từ Tây Ban Nha đến các nước slaves. Tôi nói sơ lược về hai điểm khai sinh và phát triển đó

a - Khai sinh: Những văn bản trong Tân Ước không có tính cách luật. Kể gì? Cuộc đời của Giê-su, lời dạy của Giê-su. Không có "làm luật" giống như ở Sinai. Thật ra, không hẳn là chối bỏ việc làm luật, mà là sửa đổi. "ta không đến để hủy bỏ luật, mà để làm tròn luật". Sự đối chọi giữa Cựu Ước và Tân Ước chỉ bắt đầu với lý thuyết gia Tertullien (khoảng 155-222) trong bối cảnh tách biệt giữa dân Do Thái và dân Ki-tô.

Không phải những người Ki-tô đầu tiên không biết luật đâu. Làm gì có một cộng đồng muốn trật tự và kết hợp chặt chẽ mà bỏ qua luật! Chỉ vì những người Ki-tô đầu tiên là dân Do Thái, trước hết là Do Thái, trung thành với luật Do Thái. Vấn đề gì mà luật Do Thái không nói đến thì tín đồ Ki-tô tuân theo luật của Nhà nước. Dần dần họ mạnh lên, những điểm bất đồng trở nên càng ngày càng nhiều và càng quan trọng giữa luật Do Thái và luật Nhà nước. Rồi dần dần sự sùng bái Ki-tô nảy nở, dân Ki-tô Do Thái từ bỏ những luật lệ, lễ nghi của Do Thái. Dân Ki-tô và dân Do Thái tách nhau ra từ đấy. Ðến năm 49, dân "ngoại đạo" được nhận vào cộng đồng Ki-tô.

Từ Cận Ðông, tôn giáo mới đó lan ra khắp nơi. Trước hết là La Mã, rồi Ý, rồi nhiều thành phố khác ở Cận Ðông và Âu châu. Ra khỏi khung cảnh Do Thái, với số "ngoại đạo" càng ngày càng đông, những cộng đồng Ki-tô cần phải được tổ chức. Họ lấy mẫu mực chính trị của các thành phố: chính quyền, hội đồng nhân dân. Do đó, được thành lập ra một giám mục đoàn, những chức sắc, một hội đồng tín đồ (tiếng Hy Lạp là Ecclesia, tức là Eglise theo tiếng Pháp).

Ði xa hơn nữa, những cộng đồng đó cần tổ chức lễ nghi tế tự, hướng dẫn tín đồ trong đời sống hằng ngày, ấn định quy chế Nhà thờ, gây kinh tài, giải quyết các tranh tụng. Lề lối bắt đầu thành hình. Luật phát sinh.

Tài liệu luật đầu tiên là một thư của Giáo Hoàng Clément gởi cho Nhà thờ Corinthe để hòa giải tranh chấp nội bộ giữa Nhà thờ đó, dường như xảy ra vào năm 96. Thế là Giáo hội Ki-tô xác định vị thế trung tâm. Giáo Hoàng làm trọng tài phán xử và như thế Giáo Hoàng cũng làm luật. Giáo Hoàng chứng tỏ "uy quyền". Luật phát ra từ quyền lực.

b - Phát triển. Có hai nhà làm luật trong giáo hội Ki-tô: Giáo Hoàng và những đại hội đồng giám mục (conciles). Ngoài ra, các giám mục, trong địa phận của mình, cũng có quyền làm luật. Mỗi dòng cũng có quyền làm ra những luật riêng biệt cho dòng mình.

- Giáo Hoàng làm luật: Ðây là luật được làm ra nhân những vấn đề khó khăn mà các giám mục yêu cầu giải quyết. Giảm mục hỏi. Giáo Hoàng trả lời. Câu hỏi có tính cách hạn chế, câu trả lời có tính cách hạn chế, phạm vi hạn chế. Nhưng vị thế đặc biệt của Giáo Hoàng khiến những câu trả lời như vậy, rất nhanh, vươn đến phạm vi tổng quát. Trả lời của Giáo Hoàng được tôn trọng hơn tất cả những nguyên tắc luật nào khác, tất nhiên trừ luật của Thượng Ðế.

Vai trò của Giáo Hoàng tương tự như vai trò của hoàng đế trong đế chế La Mã từ hồi đầu thế kỷ thứ 2: hoàng đế vừa là nhà làm luật vừa là quan tòa tối cao, xét xử ở cấp cuối cùng. Trong cả hai trường hợp, một "quyền lập pháp" được phát sinh và nằm trong tay người nắm uy quyền cao nhất. Hoàng đế thì có uy quyền trên các vua chúa phong kiến (imperium). Giáo Hoàng thì có uy quyền trên các Giám mục (primauté).

Về hình thức, Giáo Hoàng thường dùng "thư" (tiếng Pháp: "lettre") để trả lời một câu hỏi đặt ra. Ví dụ: thư để trả lời một vấn đề liên quan đến kỷ luật áp dụng đối với các giáo phẩm.

Với Giáo Hoàng Innocent I (401-407), một hình thức mới được khai trương: ban hành những chỉ thị ấn định những quy luật có tính cách tổng quát trong nhiều địa hạt khác nhau. Ðây quả là những "luật" thực sự. Nhiều chỉ thị như vậy được ban hành suốt thế kỷ thứ 5. Quyền làm luật của Giáo Hoàng được xác nhận minh thị.

- Ðại hội đồng giám mục cũng làm luật. Quy chế này cũng rất xưa, có từ thế kỷ thứ nhất. Ðại hội đồng can thiệp vào những vấn đề nghi lễ tế tự, về việc lấy giáo điều để kết án những trào lưu "tà thuyết", đôi khi về kỷ luật. Rất quan trọng trong việc làm luật, những công trình này được sưu tập bắt đầu từ thế kỷ thứ 6. Vai trò của các đại hội đồng càng quan trọng trong những lúc giao thông khó khăn, thiếu quan hệ với La Mã hoặc những lúc Giáo Hoàng lu mờ, yếu ớt.

- Tôi chấm dứt với một luật lệ đặc biệt, gọi là "Nghi thức giải tội" (Penitentiels) có từ hồi Trung cổ. Giữa thế kỷ thứ 6 và 12, những sổ tội lỗi được lập ra, kèm theo "giá cả" giải tội phải trả cho mỗi tội. Các quyền giải tội căn cứ vào những tài liệu in sẵn, có khi vài trang, có khi dày như sách giáo khoa. Sách được soạn sẵn cho những vị mà "trình độ học thức, tôn giáo và đạo đức rất là khiêm tốn"4.

Tội được giải, như thế là những lỗi tôn giáo, những tội lỗi tôn giáo (péchés). Sự trừng phạt có tính cách tôn giáo: cầu nguyện, nhịn đói, hành hương... Tòa án là lương tâm. Nhưng trong thời đầu tiên của Trung cổ, vì sự liên hệ chặt chẽ giữa Nhà thờ và xã hội công dân, nhiều vi phạm cũng bị xem như là tội lỗi tôn giáo (péchés). Do đó, những trừng phạt tôn giáo, do "Nghi thức giải tội" quy định, liên quan rộng lớn đến xã hội công dân.

"Nghi thức giải tội", như vậy, là thuộc lĩnh vực luật. Một số giải tội chẳng biết do ai làm ra, luật gia hay là luân lý gia chẳng biết gì về luật. Nhiều sách "giáo khoa" và cách giải tội được soạn ra trong khoảng thế kỷ 12-13, đáp ứng nhu cầu kỷ luật. Nhiều tác giả là những vị giảng dạy trong các học viện.

Bây giờ tôi nói về Phật giáo.

Trong Phật giáo, ngoài chữ "luật" trong giới luật ra, còn có một chữ nữa gợi lên ý niệm luật: chữ "Pháp". Chữ Hán, "Pháp" là luật. Tây phương dịch chữ Dharma ("Pháp") là Loi. Pháp luân: la roue de la Loi (tiếng Anh: Dharma Ring).

Ý niệm "luật" ở đây xa với ý niệm luật thông thường quá, tôi không dám bàn ở đây. Chỉ xin gợi lên một ý niệm "luật" khác mà ta thường gặp trong ngôn ngữ Phật giáo: tôi muốn nói đến "luật nhân quả".

Trong Phật giáo, ngoài chữ "luật" trong giới luật ra, ta thường hay gặp một chữ "luật" khi ta nói về nhân quả. Ta thường hay nói: luật nhân quả. Ít nghe nói: luật luân hồi, luật nghiệp báo, luật nhân duyên. Ta nói: "Tứ thánh đế", chứ không nói "luật Tứ đế". Ta nói: "bốn chân lý" chứ không nói bốn luật. Nhưng nhân quả thì thường hay đi kèm với chữ luật.

Nếu đem so sánh chữ " luật" ở đây với khái niệm luật tôi vừa nói ở trên, sự khác biệt sẽ một trời một vực. Luật nhân quả không đến từ Thượng đế, không đến từ thần linh, cũng không phải do một người làm luật nào đó ban ra : luật đó đến từ kinh nghiệm. Phật giáo là kinh nghiệm. Kinh nghiệm của toàn thể nhân loại, hoặc kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Nhưng chân lý đến từ kinh nghiệm. Ngay cả đức Phật cũng giác ngộ bằng kinh nghiệm. Kinh nghiệm trường kỳ, gian khổ.

Khác biệt một trời một vực, vì một bên luật là mệnh lệnh, một bên luật là kinh nghiệm - nghĩa là khoa học. Lúc nhỏ, tôi học Quốc văn giáo khoa thư, ê a: "Giọt nước mềm, tảng đá cứng, thế mà nước chảy mãi đá cũng mòn ; con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ". Thế là kinh nghiệm. Cứ nhìn thì thấy. Trái lại, "Ngươi phải ăn bánh mì của ngươi với giọt mồ hôi trên trán ngươi" là mệnh lệnh.

Mệnh lệnh đến từ bên ngoài của con người, từ bên trên. Kinh nghiệm đến từ bên trong. Luật kinh nghiệm là luật do con người tự chứng, tự thấy, chẳng do ai làm ra cả. Luật mệnh lệnh là do một sức mạnh bên ngoài làm ra. Chính sức mạnh tác giả đó sẽ trừng trị nếu vi phạm.

Bởi vậy, trong các tôn giáo nhất thần (monothéisme), Thượng đế vừa là Thượng đế - tác giả (sáng tạo) vừa là Thượng đế - quan tòa (phán xét, xét xử). Chính Thượng đế là ông quan tòa trong phán xét cuối cùng. Ông phán: những kẻ ở bên tay mặt của ta, các ngươi đi lên thiên đường, vĩnh viễn; những kẻ ở bên tay trái của ta, các ngươi đi xuống địa ngục, vĩnh viễn.

Một ông quan tòa như vậy thật là trái hẳn với hình ảnh của đức Phật mà tôi có trong đầu. Ðức Phật của tôi đương nhiên là có làm trọng tài với nhiều vụ việc cãi lộn giữa các Tỷ kheo. Và Ngài đã chế giới nhân những trường hợp đó. Nhưng hình ảnh một trọng tài khác hẳn hình ảnh một ông quan tòa. Tôi nghĩ, đức Phật chưa bao giờ là một ông quan tòa. Ðức Phật nhiều khi... tội nghiệp lắm. Ai không tin thì cứ đọc trang 68 trong quyển Cương yếu giới luật của H.T. Thiện Siêu, kể chuyện cãi cọ xảy ra ở Kosambi. Tôi xin đọc nguyên văn: "Phật từ nơi xa về thấy chuyện xảy ra, liền hỏi nguyên do. Hai bên cứ bảo thủ, Phật dạy không nghe. Họ thưa với Ngài, xin Thế Tôn, Ngài biết việc của Ngài, chúng con biết việc của chúng con. Can ngăn mãi không được, nên Phật đành ôm bình bát vào núi ở ẩn để an tĩnh. Trong khi đó có một con voi già, nó cũng bị mấy con voi trẻ quậy phá, ở không yên nên đi tìm chỗ núp. Ði vào đó gặp Phật. Hai bên gặp nhau, thấy bên nào cũng có hoàn cảnh y như nhau, nên cùng ở chung một chỗ. Cũng tại đó, có một con khỉ già bị bọn khỉ trẻ ruồng bỏ, nên cũng đi tìm chỗ ẩn thân, đến đó gặp Phật. Như vậy, ở với Phật có con voi già và khỉ già cùng hầu Phật. Mỗi sáng voi đi lấy nước về dâng Phật, khỉ đi lấy trái cây, mật ong về cúng Phật. Cho nên, hiện nay trong tranh truyện Phật giáo có hình ảnh voi và khỉ dâng đồ cúng Phật là để ghi lại chuyện đó". 

Kết cục là thế nào? Kết cục, các thầy bị cư sĩ "tẩy chay và cấm vận lương thực". Các thầy hối hận quá, cùng nhau đi thỉnh Phật về.

Phật không phải là quan tòa! Phật là trọng tài! Phật không ban mệnh lệnh!

Trong các câu chuyện thiền, có nhiều chuyện liên can đến cãi cọ vui lắm. Tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ thôi, liên quan đến một vụ xử án, hay nói đúng hơn, liên can đến ông quan tòa.

Một người du lịch từ rất xa về, mang về theo một vật quý, hiếm chưa hề biết: một tấm gương. Nhìn vào gương, anh tưởng như thấy cha mình. Thương cha quá, anh trân trọng cất gương vào một hòm quý, để trên lầu kín. Thỉnh thoảng anh lên lầu, mở hòm ra, thăm cha. Thăm xong thì nhớ, mặt buồn rười rượi. Bà vợ lấy làm lạ, quái, sao chồng mình cứ mỗi lần lên lầu, đi xuống là mặt mày ủ dột như vậy. Bèn rình xem. Thấy chồng mở hòm, cúi mặt xuống nhìn lâu. Bà vợ chờ khi chồng đi vắng, lên lầu, mở hòm, cúi mặt nhìn xuống và nổi tam bành lục tặc. Một người đàn bà. À ra thế! Ði xa, mang về một người đàn bà! Rồi tương tư, rồi buồn rười rượi! Tất nhiên là vợ chồng cãi lộn nhau, gây gỗ nhau. Vợ thì ghen, chồng thì không hiểu tại sao vợ ghen, đó là cha mình, làm sao vợ ghen được!

Gây gổ nhau như vậy, thì may quá, bỗng có một sư cô tình cờ ghé qua nhà chơi. Sư cô bảo: Thôi được, thôi được, để tôi phân xử. Sư cô bèn lên lầu, hồi lâu, rồi sư cô xuống lầu, mặt mày nghiêm nghị, phán xử: "Trong hòm không có một người đàn ông nào, cũng chẳng có một người đàn bà nào, chỉ có một sư cô thôi!".

Thật sự, Phật chẳng bao giờ xử, theo cái nghĩa xử của một phiên tòa, với ông quan tòa. Trong giới luật, có cử tội, có xét tội, có xả tội. Nhưng đó không phải là hình ảnh của một phán quyết, một mệnh lệnh. Và trong giới luật, sám hối mang một ý nghĩa vô cùng cao quý, bởi vì vô cùng giải thoát. Xét đến tận cùng, chính ta làm tội cho ta, chính ta giải thoát cho ta. Luật trong Phật giáo là giới và giới là sự tương quan giữa ta với ta, là thân của ta, miệng của ta, ý của ta, không có ai khác bên ngoài của ta, bên trên của ta.

Tôi muốn nhấn mạnh trên bản chất của hai hình ảnh luật khác nhau: luật phát xuất từ mệnh lệnh (luật - mệnh lệnh) và luật phát xuất từ kinh nghiệm; luật đến từ bên ngoài, luật đến từ bên trong. Tôi cũng đưa ra hai hình ảnh của tranh tụng: ông quan tòa và người trọng tài. Luật - mệnh lệnh đi đôi với hình ảnh ông quan tòa. Luật - kinh nghiệm đi đôi với hình ảnh trọng tài. Quan niệm luật của Tây phương hiện nay, trừ lĩnh vực hình luật, có khuynh hướng làm nhẹ bớt tính cách mệnh lệnh và đặt nặng hơn trên sự đồng thuận của ý muốn đôi bên trong một tranh chấp. Bởi vậy, càng ngày người ta càng thấy sự cần thiết của việc du nhập những hình thức mới để giải quyết tranh chấp, chưa cần phải đi đến một vụ kiện thực sự: đó là những hình thức hòa giải, trung gian, trọng tài. "Soft-justice" ở Mỹ. "Ordre négocié" ở Pháp. Phương thức trọng tài càng ngày càng mở mang, trong luật quốc nội cũng như luật quốc tế. Hệ thống tư pháp của Nhà nước chấp nhận sự mở mang của hệ thống tư pháp tư nhân (justice privée). 

Tôi không đặt vấn đề khen chê hay dở ở đây. Chỉ muốn nói rằng đức Phật không bao giờ ban mệnh lệnh. Giới luật của Ngài không phải là mệnh lệnh. Phật cũng không bắt buộc khi sám hối thì phải trả tiền.
---o0o---

BÀI 3 - LUẬT ĐẾN TỪ TỰ NHIÊN

Ðây là một vấn đề rất phức tạp, có một lịch sử rất dài. Trả lời câu hỏi: luật đến từ đâu? triết học cổ Hy Lạp đã tìm thấy câu trả lời: nơi khái niệm "luật tự nhiên". Có một luật tự nhiên tự nó hiện hữu, tự nó có sẵn ở đấy. Chắc chắn câu trả lời này hợp với lý tưởng của con người, cho nên nó tồn tại cho đến ngày nay. Thế nhưng, luật tự nhiên là gì? nội dung của nó thế nào? Bao nhiêu tranh luận đã diễn ra, liên miên không dứt cho đến ngày nay.

Tôi không có tham vọng đề cập tất cả vấn đề liên quan đến luật tự nhiên, chỉ nhấn mạnh một điều thôi: quá trình diễn tiến của tư tưởng này. Trên quá trình đó, tôi lại cũng chỉ có thể triển khai một điểm thôi: sự đối chọi giữa Lòng tin và Lý trí và sự thắng thế dần dần của lý trí trong tư tưởng về luật tự nhiên.

Lòng tin và lý trí: Ðộng đến vấn đề này có khác gì động đến cả lịch sử tư tưởng và văn minh Tây phương! Luật tự nhiên, do đó cũng chỉ là một ví dụ. Bởi vậy, tôi xin nói vài lời về sự đối chọi này trước khi đi vào đề tài luật tự nhiên.

Từ đâu mà ta có tri thức? Từ đâu mà ta nghĩ rằng ta biết? 

Biết, đến từ hai nguồn gốc. Một là tin. Tin người khác nói; tin nơi sự hiểu biết của người khác. Ði học, tin ở thầy. Ðọc sách, tin ở tác giả. Tin, lắm khi không cần kiểm chứng. Chỉ tin. Nguồn gốc thứ hai là lý trí. Lý trí thì chỉ tin ở nó. Cái gì mà nó thấy hợp lý, hợp với kiểm chứng thì nó mới tin. Thường thường thì người ta dễ tin hơn là lý luận. Tin thì không cần trình độ lắm. Lý luận thì cần.

Trong lịch sử tư tưởng Tây phương, văn minh cổ Hy Lạp, từ thế kỷ thứ VI, thứ VII trước Tây lịch, đã đặt nặng trên lý trí để mở mang hiểu biết. Lý trí được vận dụng, kích thích để soi ánh sáng vào mọi ngành, mọi lĩnh vực: trên nền tảng của lý trí, khoa học dần dần mở mang cho đến ngày nay. Lý trí được vận dụng như vậy vào hai ngành rất được chuộng ở thời ấy: siêu hình học và đạo đức học. Trong khi đi tìm nền tảng cho sự phân biệt, đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là sự công bằng, đâu là bất công, đâu là thẳng, đâu là cong, triết học Hy Lạp nắm bắt được một tiêu chuẩn có vẻ khách quan, có tính giải thích rốt ráo: thiên nhiên. Luật tự nhiên nảy nở từ đây. Tiêu chuẩn thiên nhiên cho phép triết học Hy Lạp đánh giá lại những nguyên tắc đã được chấp nhận, để củng cố hoặc bác bỏ. Ví dụ: chế độ nô lệ được xem như là tự nhiên, nhưng chính Aristote là một trong những người đầu tiên xét lại chế độ đó, cho rằng vài hình thức của chế độ nô lệ có tính bất công vì trái với thiên nhiên.

Ki tô giáo ra đời làm đảo lộn cách nhìn. Hai văn minh gặp nhau trên đất La Mã: văn minh Do Thái dựa trên lòng tin; văn minh Hy Lạp dựa trên lý trí. Dân Do Thái theo đạo mới chỉ là một số nhỏ thôi, vậy mà kẻ thắng là kẻ nhỏ, kẻ thắng là lòng tin. Tất nhiên, những triết gia Ki Tô đầu tiên cũng vận dụng rất nhiều lý lẽ, nhưng đó là những lý lẽ để biện minh cho lòng tin, cho sự vâng lời Thượng đế, cho sự tuân phục mệnh lệnh của Thượng đế. Sau đó, họ lại vận dụng rất nhiều lý lẽ để chống lại những quan điểm nội bộ bị kết án là trái với chính thống, là tà thuyết. Từ đó, văn minh Ki tô giáo toàn thắng ở Âu châu.

Nhưng lý trí thức dậy. Trung cổ chợt khám phá ra lại Aristote bị lãng quên. Triết gia và thần học gia Ki tô giáo bắt đầu xét lại những giáo điều thần thánh. Khi đó một thiên tài xuất hiện: Saint Thomas. Xuất hiện để dung hòa lòng tin và lý trí, lòng tin đã ngự trị và lý trí đang khiêu chiến, với mục đích bảo vệ, củng cố gia tài, biện minh cho sự thần khải. Saint Thomas nói: Tất cả những gì mà lý trí con người khám phá được chỉ là chứng minh những lời dạy của Thượng đế, bởi vì lý trí của con người là ánh lửa của trí tuệ của Thượng đế. Lòng tin và lý trí không chống nhau; ngược lại, lòng tin giúp lý trí hiểu rõ hơn. Vì vậy đừng sợ mở mang lý trí. hãy để lý trí đi đến tận cùng con đường của sự hiểu biết, đến lúc nào nó không đi được nữa thì nó gặp lòng tin. Ðặc biệt là trong lĩnh vực đạo đức, cứ để cho lý trí sục sạo tìm kiếm nền tảng của cái tốt, của cái xấu. Chủ trương như vậy nên Saint Thomas gặp lại tư tưởng cổ Hy Lạp, gặp lại Aristote, gặp lại khái niệm thiên nhiên. Bây giờ, khi Tây phương nói quan niệm "cổ điển" về luật tự nhiên, thì đó chính là quan niệm của Aristote được Saint Thomas phục hồi. 

Có lý trước thời đại, Saint Thomas bị Nhà thờ kết án là tà thuyết (1277), sau đó mới được phục quyền và phong Thánh (1323).

Ðến thế kỷ XVI, XVII, tư tưởng về luật tự nhiên chứng kiến một lần nữa sự nổi dậy của lý trí. Và lần này thì lý trí thắng. Trên con đường lịch sử dài dằng dặc đó, trên quá trình giằng co dai dẳng giữa lý trí và lòng tin, tôi chỉ đưa ra ở đây ba tên tuổi tiêu biểu: Aristote, Saint Thomas và Grotius. Luật tự nhiên bắt đầu được hiểu như là bản tính tự nhiên của sự vật dần dần biến chất với sự khẳng định về vị thế của con người để rẽ qua một ngã khác và được hiểu như là bắt nguồn từ bản tính tự nhiên của con người. Một bên đặt nặng thiên nhiên. Một bên đặt nặng con người. Ðó là hai phần mà tôi sẽ trình bày.
---o0o---



tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương