THƯỢng đẾ, thiên nhiêN, ngưỜI, TÔI & ta


I - QUAN NIỆM THỨ NHẤT: LUẬT LÀ DO THẦN LINH TRỰC TIẾP LÀM RA



tải về 0.64 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.64 Mb.
#21017
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

I - QUAN NIỆM THỨ NHẤT: LUẬT LÀ DO THẦN LINH TRỰC TIẾP LÀM RA.


Cả Do Thái lẫn Hồi giáo đều cho rằng luật là do Thượng Ðế ban ra. Theo Do Thái, chính Yahvé (tức là Thượng Ðế của Do Thái) phán ra thập điều cho Moïse (Tk 13 tr. TL). Phán ra trên đỉnh Sinai, giữa lửa và khói, giữa tiếng kèn và sấm chớp. Không những phán ra, mà còn viết ra nữa, viết Thập điều trên hai tấm đá. Phía Hồi giáo thì cho rằng thiên thần Gabriel (Jibril) đọc Thánh kinh Coran cho Mahomet theo lệnh của Allah.

Như vậy, về phía Do Thái, luật là do Yahvé ban ra, và luật đó là nền tảng của dân tộc Do Thái, là truyền thống riêng biệt của Do Thái. Luật đó nói gì? Nói rằng Thượng Ðế chỉ có một, Thượng Ðế là vạn năng; dân tộc của Thượng Ðế (nghĩa là Do Thái) có những bổn phận đối với Thượng Ðế. Thêm vào đó, vài điều răn có tính cách gia đình: "phải kính trọng cha mẹ"; "không được ngoại tình"; vài điều răn có tính cách xã hội: cấm giết người, cấm trộm cắp, cấm làm chứng gian dối, cấm tham của người khác. Tóm lại: một bản luật ngắn, luôn luôn bị vi phạm, nhưng có tính cách một lý tưởng, được nhắc nhở từ đó đến nay.

Ngoài Thập điều, còn có một luật khác nữa, cũng do Thượng Ðế ban ra: đó là bộ Luật Liên minh (Code de l'Alliance) bắt đầu như thế này: "Yahvé nói với Moïse". Ðây là một bộ luật gồm nhiều điều luật và phong tục, trong đó có những quy tắc tôn giáo (lễ lược, quy chế tu sĩ, chống lại các thần linh giả), nhưng cũng có những điều liên quan đến các nô lệ, đến luật hình (giết người thì bị tử hình, trừng phạt việc đánh người gây thương tích, trộm cắp, hiếp dâm), đến việc bồi thường thiệt hại v.v... 

Sau đó, giữa thế kỷ thứ 5 (trước Tây lịch, tất nhiên) một bộ Luật về tu sĩ được ban ra, cũng vẫn Thượng Ðế là tác giả. Ðó là Le Lévitique. Vẫn mở đầu như thế: "Yahvé gọi Moïse đến, rồi nói với Moïse". Le Lévitique nói về cách tế và quy chế tu sĩ. Nhưng lẫn lộn trong đó lại có nhiều điều khuyên về bệnh hoạn (phong hủi, phỏng lửa...), những cấm kỵ về bà con lấy nhau. Bây giờ thì người ta biết rằng nhiều điều khoản trong Le Lévitique được làm ra trong những niên kỷ khác nhau, nhiều điều đã có từ thời dân Do Thái hãy còn là du mục. Nghĩa là: có những bằng cớ xác đáng chứng tỏ rằng luật đó được tạo ra dần dần, nhưng người ta vẫn quả quyết theo đức tin rằng chính Thượng Ðế là tác giả đã chính mình phán ra. 

Thập điều, Luật Liên minh và Le Lévitique (và một bộ luật nữa mà tôi không nói đến để khỏi rườm rà: Second livre de la loi) hợp lại thành "luật" Do Thái gọi là Torah. Ðến thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch, một pháp sư (Yehouda Hanassi) tập hợp tất cả những yếu tố luật gồm Torah, những giải thích của học thuyết và án lệ và nhiều mục khác nữa thành một tác phẩm lớn gọi là Michna. Công trình này gợi lên rất nhiều bình phẩm; những bình phẩm này rốt cục lại quan trọng hơn cả Michna, đến nỗi phải tập hợp tất cả thành một bộ bách khoa gọi là Talmud. Hai bản khác nhau được lưu truyền: một từ Jerusalem khoảng 350-400, một từ Babylone khoảng 500: bản này thắng.

Vài chi tiết đơn sơ như vậy cốt để biết Torah là gì, Talmud là gì. Ðiều tôi muốn nói là: trong đạo Do Thái, luật là do Thượng Ðế ban cho. "Ban cho" như vậy có nghĩa rằng Thượng Ðế giữ bản quyền, cấm không được thêm bớt. Thêm bớt, sửa đổi, phải do chính tác giả. Ðối với người, luật đó không sai chậy, bất di bất dịch. Như vậy, có vấn đề đặt ra: làm sao áp dụng một cách hiệu quả, biết cái gì là chính yếu để tôn trọng trong khi xã hội biến đổi, tiến hóa không ngừng? Nghĩa là vấn đề diễn dịch. Ai diễn dịch? Trả lời: các pháp sư và chỉ các pháp sư mà thôi.

Trong Torah cũng như trong Coran, có nhiều điều về luật dân sự và hình sự. Trong cả hai, phụ nữ có một quy chế thấp hơn nam giới. Sự bất bình đẳng giữa hai giới còn được thiêng liêng hóa trong Coran: đàn ông có quyền đối với đàn bà "do sự lựa chọn mà Thượng Ðế đã ban cho họ". Sự bất bình đẳng đó đưa đến hậu quả trong mọi địa hạt của luật: quy chế về con người, hôn nhân, thừa kế, ngay cả trong lĩnh vực tố tụng, chẳng hạn về nhân chứng. Tôn giáo nuốt trọn luật pháp. Theo Tây phương, trong ngôn ngữ Ả Rập, không có cả một từ để diễn tả một trật tự luật pháp tách ra khỏi tôn giáo. Từ "chariya" (con đường, đạo) được xem như diễn tả ý muốn của Thượng Ðế, bao trùm lên tất cả lĩnh vực luật pháp và cung cấp chất sống cho luật pháp.
---o0o---

II - QUAN NIỆM THỨ HAI: LUẬT DO THẦN LINH GỢI HỨNG.


Ðây là quan niệm của cổ Hy Lạp. Hứng thì ai chẳng có. Nhưng nói "hứng", ai cũng liên tưởng trước tiên đến các thi sĩ. Mà quả vậy! Ðặc biệt của cổ Hy Lạp là trao cho các thi hào, các triết gia việc suy nghĩ về luật, về ưu việt của luật trong đời sống xã hội. Ðiểm này khiến cổ Hy Lạp khác với cổ La Mã: trong cổ La Mã, những người đầu tiên suy nghĩ về luật là các luật gia.

Homère là nhà thơ đầu tiên suy nghĩ về trật tự của vũ trụ, về công bằng, về luật. Khi Homère làm thơ như thế, vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Tây lịch, thế giới Hy Lạp đã có ở đằng sau một lịch sử dài. Hai tập thơ nổi tiếng nhất của Homère là Iliade và Odyssée. Trong hai tập thơ, hai tên được nói đến nhiều lần: Thémis và Dikê. Thémis là một nữ thần, con của Trái đất và "Bầu trời đầy sao". Thémis là vợ của Zeus (trong các chư thần Hy Lạp, là vị thần cao nhất, thần của Trời, chúa tể của các thần; biểu hiện của Zeus là sét. La Mã đồng hóa Zeus với Jupiter). Là vợ của Zeus, Thémis nhận được hứng từ đức ông chồng. Nữ thần này bảo vệ cho một trật tự vũ trụ, đem lại kỷ luật, công bằng và hòa bình cho thế giới. Một thi hào khác, Hésiode (sinh khoảng 700 trước TL) cho rằng Thémis có ba con gái: Economia (trật tự), Dikê (luật) và Eiroene (hòa bình).

Như vậy, Dikê là con gái của Thémis. Trong Homère, Dikê gợi ý xét xử. Nghĩa là một quyết định, một phán quyết, một bản án, đồng thời cũng là một hành vi đúng đắn, công bằng. Một bản án "nói ra" và "tạo nên" luật.

Như vậy, quan niệm của Homère về luật rất khác quan niệm của Thánh kinh (Bible) Do Thái. Trong thơ Homère, Zeus "gợi hứng" cho những giải pháp tùy từng trường hợp. Nhưng giải pháp là do người làm ra, để chấm dứt một tranh cãi. Hứng đến từ Zeus nhưng luật thì do người làm ra. Ðó là một luật có tính cách "người", không có tính cách "thần linh". Luật đó không phải được diễn tả dưới dạng những quy tắc có tầm tổng quát, không phải là những quy tắc (norme). Mà là những phán quyết (jugement), với hai nghĩa của từ này là: ý kiến phát biểu và phân tranh được xử.

Tóm lại, người (do Zeus gợi hứng) sáng tạo ra luật. Và sáng tạo ra nhân một vụ kiện, lúc phải nói, phải quyết định, phải phán xét đâu là luật. Do đó, quan niệm của Hy Lạp đặt tất cả tầm quan trọng trên vụ kiện.

Trên kia, tôi vừa nhắc đến Hésiode ở thế kỷ thứ 7 trước TL. Xã hội lúc đó tiến triển hơn. Ý niệm về luật cũng rõ hơn. Trong thơ Hésiode, Thémis vẫn là nữ thần, Dikê cũng là con gái của Zeus và Thémis. Nhưng Hésiode nói đến "nomos" mà tiếng Pháp dịch là "la loi", nghĩa là luật. Tuân theo "nomos" khiến cho người khác con thú, con thú chỉ biết bạo lực.

Sophocle (495-406) nhắc đến từ "nomos" này trong vở kịch Antigone. Ông nhấn mạnh đến những từ "agraphoi nomoi" (luật bất thành văn)  của thần linh mà không ai, không gì làm lay chuyển nổi. Trong vở kịch khác (Oedipe Roi), ông nói đến những "nomos" đó như thế này, tôi dịch đại khái:

"Ngự trị ở trên cõi cao xa, 


Sinh ra từ không trung xanh thẳm, 
Sinh ra từ quốc độ của các thiên thần. 
Quốc độ đó là cha,  
Cha của luật không phải là ai khác".

Tôi vừa dịch tạm một câu thơ. Chữ "quốc độ" là dịch tạm chữ "Olympe", nơi ở của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, hình như luật ở cổ Hy Lạp được làm bằng thơ để dễ nhớ, dễ đọc, thú vị! 

Sau các thi hào là các triết gia. Tôi chỉ nhắc ở đây hai tên lừng lẫy thôi. Một là Platon (khoảng 427-347 trước TL). Trước hết, Platon bút chiến với phái ngụy biện đã để lại ảnh hưởng lớn. Phái này có một cái nhìn bi quan về luật. Họ chủ trương: "chẳng có cái gì là tự nó đúng đắn, công bằng"; "công lý chỉ là quyền lợi của kẻ mạnh"; "người cầm quyền nào cũng làm luật vì lợi ích của họ"; hoặc: "luật là do người yếu và số đông làm ra vì quyền lợi của họ để ngăn kẻ mạnh khỏi thắng".

Chính để chống lại quan niệm bi quan đó mà Platon đã viết La République (Nước Cộng Hòa) và Les Lois (Luật) giữa 366 và 347. Tôi không đi sâu vào chi tiết. Chỉ nói rằng đối với Platon, luật quan trọng lắm. Luật là nền tảng của Nhà nước, nhờ đó mà có trật tự. Không có luật thì Nhà nước tiêu diệt.

Trở về lại với vấn đề nguồn gốc, Platon hỏi: "thần linh hay người là nguồn gốc của luật?" Trả lời: Luật đến từ thần linh, hay ít nhất là đến từ sự thông minh xuất chúng của một Người Làm Luật. Luật của xứ Crète là hoàn hảo bởi vì tác giả là các thần linh. Dân Crète cho rằng luật của họ đến từ Zeus. Dân Sparte (luật cũng rất xuất sắc) cho rằng luật của họ đến từ Apollon. Apollon là thần của Vẻ Ðẹp, của Ánh Sáng, của Nghệ Thuật. Như vậy, Platon cũng chủ trương quan niệm nguồn gốc thần linh của luật như Homère. Tuy nhiên, lại phải nói rõ lần nữa: với Do Thái, luật được Thượng Ðế ban cho, trao cho Moïse; với Homère, luật được thần linh hóa. Platon đề ra một kẻ trung gian trong việc làm luật: giữa Zeus và người có "Người Làm Luật" siêu nhân (Minos, con của Zeus, hoặc Lycurgue). Thần linh gợi hứng, siêu nhân làm luật cho người. Người làm luật có hai nhiệm vụ: dạy cho người hiểu biết hiền triết (sagesse) và tổ chức cách cai trị Nhà nước. Một nhiệm vụ có tính luân lý. Một nhiệm vụ có tính cách chính trị. Hiểu biết được mối tương quan thắm thiết giữa luật - luân lý - chính trị như vậy, duy chỉ có triết gia mà thôi. Do đó, triết gia là người làm luật. Và cũng là người cai trị. Luật như vậy là kết tinh của thông minh và lý trí. Nó phát biểu cái gì tốt đẹp nhất nơi con người.

Sau Platon là Aristote (vào khoảng giữa thế kỷ 4 trước TL). Aristote để lại cho hậu thế một quan niệm về công bằng (Justice) cho đến nay vẫn còn giá trị. Công bằng được quan niệm như một đức tính của luân lý cần thiết của con người, bởi vì tạo điều kiện cho hạnh phúc của con người. Công bằng bảo đảm cho bình đẳng. Nhưng cái công bằng - bình đẳng đó không phải lúc nào cũng ràng buộc luật. Nghĩa là tính hợp pháp không phải lúc nào cũng trùng hợp với tính công bằng. Có nhiều khi luật cần phải không công bằng. Có nhiều khi luật cần phải không bình đẳng. Bởi vì luật còn cần phải duy trì trật tự. Dù sao đi nữa, bởi vì luật do người làm ra, cho nên luật không khỏi khuyết điểm. Do đó, luật cần sửa đổi để hoàn hảo.

Trở về lại với câu hỏi: luật do đâu mà ra? Có một vấn đề quan trọng được nêu lên và bàn cãi trong suốt thời cổ Hy Lạp, nơi mọi tác giả: vấn đề luật không viết (luật bất thành văn) đối chọi với luật viết (luật thành văn). Luật không viết là luật của thiên thần, luật đã có như vậy và sẽ còn có như vậy mãi mãi. Aristote, cũng như Platon, phát triển ý đó, sự phân biệt đó giữa hai thứ luật. Một luật cao hơn, hoặc đến từ thiên thần hoặc đến từ tự nhiên, nằm sẵn trong ý thức của mỗi người, chẳng cần phải viết nơi đâu cả, mà cũng chẳng bao giờ mất. Một thứ luật khác của con người, thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội, thời gian, nơi chốn. Với Aristote, luật của thần được hiểu là luật tự nhiên.
---o0o---



tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương