THƯỢng đẾ, thiên nhiêN, ngưỜI, TÔI & ta


II. QUAN NIỆM CẬN ÐẠI: BẢN TÍNH CON NGƯỜI



tải về 0.64 Mb.
trang6/12
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.64 Mb.
#21017
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

II. QUAN NIỆM CẬN ÐẠI: BẢN TÍNH CON NGƯỜI


Từ bỏ "bản tính sự vật", tư tưởng về luật tự nhiên từ thế kỷ 17 đi vào "bản tính con người". Ðể hiểu bước đi này, cần phải nói vài lời về quá trình lịch sử từ thời Trung cổ đến thời cận đại.

Giữa Trung cổ với Cận đại, có một thời kỳ chuyển tiếp quan trọng gọi là Phục Hưng. Phục Hưng là một cách mạng kinh tế, tôn giáo và tư tưởng. Cách mạng kinh tế: những khám phá lớn về hàng hải, những bước đầu của chinh phục thuộc địa, sự cất cánh của chủ nghĩa tư bản tạo ra những quan hệ xã hội mới, đặt nên những vấn đề chính trị mới. Một giai cấp mới xuất hiện: giai cấp tư sản. Trong những thành phố lớn, tư sản thương mại thành hình, độc lập, lớn mạnh, chống đối, tham vọng, giới này bắt đầu đòi hỏi, yêu sách, rồi dần dà củng cố thành một thế lực chính trị. Hiện tượng này lan tràn khắp tất cả Âu châu. Vào khoảng 1540, kỷ thuật máy in tân tiến với lối sắp chữ kim loại làm biến đổi điều kiện trao đổi tư tưởng, những tranh luận về quyền của mỗi giai cấp, về tự do của con người được phổ biến rộng rãi trong xã hội.

Cách mạng tôn giáo: Tân giáo (Tin Lành) chủ trương nguyên tắc tự do của nhà thờ đối với Nhà nước, cung cấp cơ sở lý thuyết cho phong trào nổi loạn của các ông vua Tin Lành. Như ai cũng biết, cách mạng tân giáo này do Martin Luther (1483-1546) khởi lên. Martin Luther là tu sĩ Ðức đứng lên chống lại quan điểm lý trí mà phái kinh viện (scolastique) quan niệm như là phương tiện để hiểu Thượng đế, đề nghị thay thế uy quyền của truyền thống và của học thuyết nhà thờ bằng tự do của mỗi tín đồ đối diện trực tiếp với Thượng đế. 

Tất cả những sự kiện đó đưa đến một quan niệm mới về con người: Phục Hưng mở ra một cách mạng tư tưởng. Trong thần học của thời Trung cổ, Thượng đế và Thiên đường là mối quan tâm đặc biệt của con người; với thời Phục Hưng, trái lại, con người, và bản tính của con người, được vinh danh. Con người tuyên bố: cái gì hiện hữu bây giờ là chính, không phải cái gì nơi cõi trường cữu. Luồng gió triết lý mới đó được thâu tóm vào một chữ mà thế kỷ 19 sẽ đề cao như một vị thần: nhân bản chủ nghĩa. Với nhân bản chủ nghĩa, siêu hình học của thời Trung cổ thối lui, tính người thay thế cho tính thiêng liêng làm nguyên tắc chỉ đạo cho những khám phá khoa học và cho việc tổ chức xã hội, chính trị. Phục Hưng, chính yếu là cách mạng tư tưởng. Ý chí, tự do, lý trí:  ba đề tài nở rộ trong triết học, mở đường cho sự xuất hiện của ba ngôi sao sáng chói trong thời cận đại: Descartes, Spinoza, Leibniz.

Trong lĩnh vực triết lý luật, và đặc biệt trong triết lý luật tự nhiên, sự thay đổi thấy rõ trên nhiều điểm.

Truớc hết, luật tự nhiên được thế tục hóa: luật tách biệt ra khỏi thần học Thiên chúa giáo (catholique). Luật là do lý trí con người tạo ra, là sản phẩm của tự do và ý chí con người.

Khái niệm "bản chất của sự vật" cũng thay đổi, bởi vì con người làm biến đổi "thiên nhiên". Ðứng trước thiên nhiên, con người, bây giờ được thúc đẩy bởi lý trí và ý chí tự do, tạo dựng lại thiên nhiên, biến thiên nhiên thành của cải của mình. Từ thiên nhiên do Thượng đế ban cho, người ta bước qua thiên nhiên bị chế ngự; từ thiên nhiên thực sự qua thiên nhiên mong muốn. Từ đó phát sinh ra quan niệm cá nhân chủ nghĩa về luật. Cá nhân bây giờ trở thành cứu cánh; bây giờ ý muốn cá nhân trở thành yếu tố căn bản của luật, không có ai ngoài cá nhân tìm thấy đâu là "công bằng, đúng đắn", bỡi vì chỉ có cá nhân là muốn và biết cái gì phù hợp với lợi ích của mình. Sự độc lập của ý chí cá nhân là linh hồn của cả hệ thống pháp lý. Công cụ chính, công cụ lý tưởng để thực hiện luật là hợp đồng, "cái gì là hợp đồng thì cái ấy nói lên công bằng, đúng đắn" (qui est contractuel, dit juste).

Trong triết lý luật, xuất hiện "trường phái thiên nhiên và luật quốc tế", một bước ngoặt của tư tưởng về luật tự nhiên. Tôi chỉ nói ở đây lý thuyết gia được xem như sáng lập trường phái này: Grotius.

Grotius định nghĩa luật như là khả năng có hoặc khả năng làm một việc gì phát xuất từ quyền mà ta có trên ta (ngày nay ta nói giản dị hơn: từ tự do), từ quyền mà ta có trên người khác, hoặc từ quyền mà ta có trên sự vật. Thế là cả một cách mạng tư tưởng về luật, vì luật được quan niệm như là một phương tiện của người - người có lý trí - để tổ chức xã hội và để chế ngự thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ mình. Do ở ý chí tự do của người mà ra, luật đặt căn bản trên nguyên tắc "pacta sunt servanda" (tôn trọng lời cam kết), từ đây trở thành nguyên tắc của sinh hoạt pháp lý, xã hội, quốc gia và quốc tế.

Grotius là người Hà Lan, theo Tân giáo (Tin Lành). Âu châu thời đó vẫn theo Ki-tô giáo, nhưng chiến tranh xâu xé giữa Ki Tô và Tin Lành khiến một luật quốc tế càng trở nên cần thiết ngoài nhu cầu giải quyết những tranh chấp thương mại. Năm 1604, nhân tranh chấp, đụng độ giữa Hà Lan và Bồ Ðào Nha trong việc giao thương bằng đường biển với Ấn Ðộ - Bồ Ðào Nha muốn giữ độc quyền giao thương bằng hàng hải - Grotius viết tác phẩm đầu tiên của ông trong đó có một chương nói về tự do hàng hải. Quyền giao thương bằng đường biển, theo ông, là một quyền thiên nhiên và quyền thiên nhiên là mẹ của tất cả mọi quyền khác. Quyền đó có, dù cho Thượng đế không có, hay dù cho Thượng đế chẳng quan tâm gì đến việc của trần thế.

Như vậy là Grotius thế tục hóa khái niệm quyền thiên nhiên, và thiên nhiên ở đây là bản tính của con người. Bản tính đó là gì? Grotius trả lời: là bản năng sống thành xã hội, là sống theo bản năng đó, trong một xã hội hòa bình, có tổ chức. Sau đó, cái gì giúp con người hoàn thiện bản tính của mình và hoàn thiện xã hội? Grotius trả lời: đó là lý trí. Bởi vậy, cái gì trái với lý trí là trái với luật tự nhiên. Grotius nói rõ: lý trí nói ở đây là lý trí của con người, và chỉ của con người mà thôi. Trong một đoạn văn nổi tiếng của tác phẩm nổi tiếng "Luật chiến tranh và hòa bình" ông viết: Dù có Thượng đế hay không có Thượng đế, dù Thượng đế có để ý đến con người hay không, luật tự nhiên cũng được xây căn bản trên lý trí của con người và lý trí của con người mà thôi. Chẳng thấy bóng dáng gì nữa của lý trí Thượng đế; chẳng thấy đâu nữa quả quyết của St. Thomas theo đó luật tự nhiên góp phần vào luật vĩnh cữu. Lý trí của con người trở thành nguồn gốc tận cùng của luật tự nhiên. Còn cái giáo lý cho rằng những nguyên tắc của luật tự nhiên được Thượng đế ghi vào lý trí của con người, thì tùy bạn muốn tin thì tin, bạn không muốn tin cũng chẳng có gì quan trọng nữa hết. Với Grotius, chủ nghĩa duy lý tuyệt đối được tạo dựng. Như một lát dao, Grotius chặt đứt sợi dây nối kết luật với thần học Ki Tô (catholique), luật với triết lý đạo đức của thần học đó. Lập tức, tất cả tín đồ theo Tân giáo, tất cả những ai chống lại quan niệm phong kiến về luật, quốc nội cũng như quốc tế, đều tán thành ông. Luật tự nhiên bắt nguồn từ lý trí con người như vậy, ông viết, là bất biến, bất biến đến nỗi Thượng đế cũng chẳng thay đổi được.

Nhìn vào bản tính của con người bằng lý trí như vậy, Grotius rút ra được những nguyên tắc gì của luật - quốc tế và quốc nội? Ba nguyên tắc: Không được lấy tài sản của người khác; giữ lời cam kết, bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác vì lỗi của mình. Tức là: quyền tư hữu, sự tôn trọng hợp đồng, trách nhiệm vì lỗi.


Kết luận gì về luật tự nhiên? 

1. Ở thế kỷ 13, St. Thomas dùng thiên tài của ông để chứng minh rằng triết học có trước văn minh Thiên chúa - triết học của cổ Hy Lạp, triết học dựa trên lý trí - là phù hợp rất nhiều với luật của Thượng đế. Bắt đầu từ thời Phục Hưng, tư tưởng về luật đi theo đà hấp dẫn của lý trí, bỏ lại đằng sau lý thuyết Thượng đế gốc nguồn mà mười mấy thế kỷ đã in sâu vào đầu óc. Grotius, rồi sau ông, Hobbes, Locke, Rousseau, các lý thuyết gia của lý thuyết hợp đồng xã hội đó, chuẩn bị công việc triệt tiêu Thượng đế trước khi các triết gia khác, gần ta hơn, tuyên bố Thượng đế đã viên tịch.

"Thượng đế chết", con người lên ngôi. Ðó là đề tài của buổi nói chuyện ngày mai.

2. Tôi rất tiếc không có thì giờ để nói về sự phát triển của luật tự nhiên kể từ đầu thế kỷ 20, và nhất là từ sau thế chiến thứ 2. Các luật gia Ðức, hổ thẹn vì đã áp dụng luật của Hitler, trăn trở hoài với mặc cảm tội lỗi, quay đầu trở lại với luật tự nhiên để trấn an tư tưởng. Từ đó, luật tự nhiên lại được đào bới, khai thác triệt để để tìm những nội dung thích hợp với thời đại mới: nào là quyền của con người, nào là tự do chủ nghĩa mà nước Mỹ thắng trận là tiêu biểu. Cũng như hồi thế kỷ 17, 18, luật tự nhiên tiếp tục quyến rũ, nhưng lại thiếu căn bản khoa học, bởi vì ai muốn gán cho nó nội dung gì cũng được: thiên nhiên đâu có miệng mà cãi. Cho nên, bao nhiêu lý thuyết đã được đưa ra, bao nhiêu ý nghĩa gán cho nó, nhiều khi trái ngược nhau. Có điều lạ là luật tự nhiên bao nhiêu lần tưởng đã chìm rồi lại nổi, tưởng đã chết rồi lại sống, ám ảnh, quấy rối hoài trong tư tưởng con người phương Tây.

3. Luật tự nhiên cũng có mặt trong văn hóa Á đông. Mà có lẽ có nhiều. Tôi trích Hồ Thích. Theo Hồ Thích, tư tưởng về luật tự nhiên (hoặc là luật cao hơn - higher law) tại Trung Hoa mang 5 hình thức khác nhau:

- Uy thế của các vị vua thời tiền sử: Nghiêu, Thuấn, Vũ... 

- Ý trời trong Mặc Tử.

- Ðạo trời trong Lão Tử.

- Ngũ kinh theo các Nho gia thời Hán.

- Lý lẽ của vũ trụ hoặc luật tự nhiên theo Nho gia thời Tống và Minh.

Có tác giả trích thêm Mạnh Tử: "Tận kỳ tâm, tri kỳ tính, tắc tri thiên" (Tìm tận tới đáy lòng mình thì biết được Tính. Biết được tính mình thì biết được tính Trời).

Ðạo của Trời và đạo của người đầy dẫy trong sách Trung Dung. Ðạo trời và đạo người hợp nhất trong chữ "Thành". (Thành thật là đạo trời. Làm cho thực hiện là đạo của người).

Quả là trong Khổng Tử, có một đạo cao hơn là đạo của trời, nghĩa là luật của trời. Các Nho gia thời Hán đi xa hơn nữa, đi xa đến quá khích, xem bất cứ lời nói nào của Khổng Tử cũng là "luật tự nhiên" (luật cao hơn), kể cả những câu nói thông thường.

Nếu muốn trích thêm Lão Tử và Trang Tử thì cũng không khó khăn gì, bởi vì Trang Tử mở ra một hệ thống tư tưởng thiên về thiên nhiên. Chỉ có điều muốn nói là: khái niệm về "trời", về "đạo" trong văn hóa Á Ðông chẳng có dính dấp gì với khái niệm "Thượng đế" của Tây phương. Trời không đè nặng trên con người, do đó, con người chẳng cần phải giết trời. 

Bây giờ nói đến Phật giáo. Khổng, Mạnh, Lão Trang gì cũng đều có nói: "bản tính". Ta cũng nói "Phật tính". Vậy, ta có khái niệm luật tự nhiên không? Tôi nghĩ là tôi sẽ trả lời như thế này: nói có cũng được, nói không cũng được. Không, tại vì luật tự nhiên được quan niệm để đối kháng với luật nhà nước (positive law), mà Phật giáo thì chẳng muốn xen vào quyền hành thế tục, không có truyền thống xen vào quyền hành thế tục. Nhưng tất nhiên là nếu có một luật nào đó, ví dụ bắt buộc con cái phải gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão, thì chắc chắn ta phải nói rằng luật đó trái với tinh thần Vu Lan. Nghĩa là có. Cũng vậy, ta có thể phê bình một luật nào đó là trái với tinh thần từ bi. Có điều là thế này: ta không cần mượn đến một ý niệm siêu hình là ý niệm thiên nhiên. Ý niệm đó có liên quan đến một cái gì cao quý trong con người, nhưng ý niệm đó không chính xác. Mà Phật giáo thì chính xác.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng trong Phật giáo có một luật, tạm gọi là luật "thiên nhiên" đi, nhưng là một thứ luật tự nhiên có kiểm chứng, rất chính xác. Ðó là quyền được hưởng hạnh phúc của mọi người. Tại sao? Bởi vì ai cũng khổ cho nên ai cũng muốn thoát ra khổ, ai cũng muốn được sung sướng. Ai cũng muốn thoát ra khổ, cho nên ai cũng có quyền thoát khổ, và quyền đó giống nhau nơi mọi người. Ai cũng muốn sung sướng, cho nên ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc và quyền đó giống nhau nơi mọi người, bất cứ ở đâu, bất cứ ở thời đại nào.

Tất nhiên quyền nào cũng đi đôi với trách nhiệm: chính vì tôi biết tôi khổ và tôi muốn thoát ra khổ, cho nên tôi hiểu được nỗi khổ nơi người khác và hiểu được người khác muốn thoát ra khỏi khổ như thế nào. Hiểu như vậy, cho nên tôi không gây khổ cho người khác. Hiểu như vậy, quyền được hưởng hạnh phúc có cơ sở thực tế, có đạo đức hướng dẫn, chứ không phải là lý thuyết viễn vông, từ đâu trên trời, hoặc từ đâu trong thiên nhiên phát ra, ban xuống.
---o0o---
BÀI 4 – NGUỒN GỐC CỦA LUẬT - LUẬT ĐẾN TỪ CON NGƯỜI, TỪ CÁ NHÂN

Thượng đế bị uy hiếp, lý trí (raison) tấn công vào thành trì của mặc khải (révélation). Chủ nghĩa duy lý (rationalisme) manh nha từ thế kỷ 16, lớn mạnh giữa thế kỷ 17, đến thế kỷ 18 thành thế kỷ của Ánh Sáng, đưa thế kỷ 19 vào niềm tin tưởng mãnh liệt ở Tiến Bộ (Progrès) và ở khoa học. "Không có cái gì hiện hữu mà không có lý do hiện hữu của nó, cho nên không có cái gì hiện hữu mà lý trí con người không thể cắt nghĩa được": đó là chủ nghĩa duy lý. Lý trí cắt nghĩa được tất cả, cho nên lòng tin hết đất sống; lòng tin bốc hơi, thì Thượng đế cạn khô. Cùng với triết lý nói chung, tư tưởng về luật rời chốn cao xanh thăm thẳm trên kia, bay xuống hạ giới, tìm quê quán nguồn gốc của mình nơi chính con người.

Nhưng con người là gì? Nó sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng phải triết thuyết nào cũng thấy nó như nhau. Con người, ông là ai? Tây phương có một câu trả lời đặc biệt Tây phương; câu trả lời đó un đúc thành chủ thuyết gọi là cá nhân chủ nghĩa. Ta hãy nói cá nhân chủ nghĩa trước, rồi mới hiểu được tư tưởng về luật ở giai đoạn này sau.
---o0o---



tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương