TÁC ĐỘng của khu vực mậu dịch tự do asean trung quốC”



tải về 4.81 Mb.
trang27/79
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích4.81 Mb.
#2039
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   ...   79

3. Dịch vụ bảo hiểm:

3.1. Một số nét về ngành bảo hiểm Việt Nam và Trung Quốc

Thị trường bảo hiểm Việt Nam có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Hiện có 24 doanh nghiệp bảo hiểm gốc, trong đó có 1 công ty hoạt động trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, 4 công ty bảo hiểm nhân thọ, 5 công ty môi giới bảo hiểm và 1 công ty hoạt động tái bảo hiểm. Trong số đó, 4 công ty của Nhà nước ( trong đó lớn nhất phải kể đến Tổng Công ty Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam), 4 công ty cổ phần, 7 công ty liên doanh và 5 công ty 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của 30 văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm và 3 văn phòng của các công ty môi giới bảo hiểm nước ngoài. Các sản phẩm bảo hiểm cũng ngày một đa dạng. Năm 1993, thị trường bảo hiểm chỉ bao gồm 22 loại sản phẩm bảo hiểm chủ yếu tập trung vào các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ truyền thống. Nay đã có gần 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ thuộc cả 3 lĩnh vực bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm, được cung cấp trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phong phú, đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Hạn chế căn bản của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam là năng lực kinh doanh hạn chế, vốn kinh doanh của toàn ngành bảo hiểm. Số vốn thực có toàn thị trường hiện nay là 1.515 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) chỉ tương đương với một doanh nghiệp bảo hiểm cỡ trung bình trên thế giới, không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực nhận bảo hiểm phù hợp với mức độ phát triển trung bình của thế giới. Trình độ, năng lực chuyên môn của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chưa cao nên nhiều loại bảo hiểm không được khai thác hoặc tỷ lệ tái bảo hiểm ra nước ngoài còn rất lớn.


Thị trường bảo hiểm của Trung Quốc cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Công ty bảo hiểm nhân dân Trung Quốc (PICC) trước đây là doanh nghiệp du nhất hoạt động trong lĩnh vực này. Đến nay, ngoài nhiều công ty bảo hiểm trong nước, Trung Quốc đã cho phép 22 công ty bảo hiểm nước ngoài đến từ 11 nước, trong đó có 15 công ty bảo hiểm nhân thọ và 7 công ty bảo hiểm tài sản27. Mặc dầu vậy, PICC vẫn nắm giữ khoảng 53% thị phần bảo hiểm Trung Quốc nhưng thị phần này đang giảm đi do sự vươn lên của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước khác.Với tốc độ tăng trưởng và mở cửa lớn, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tài sản; thị trường bảo hiểm Trung Quốc trở thành một thị trường đầy hứa hẹn đối với các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm các nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn thị trường đạt 10-15%, trong đó tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm tài sản và bảo hiểm nhân thọ đạt cao; từ năm 1997, bảo hiểm nhân thọ đã vượt bảo hiểm tài sản. Theo thống kê chính thức của Ủy ban quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC), tổng phí bảo hiểm năm 2003 đạt khoảng 47 tỉ USD, trong đó tổng phí bảo hiểm tài sản là 10,5 tỷ USD còn bảo hiểm nhân thọ đạt 36,5 tỷ USD. Tổng số tiền bảo hiểm chi trả trong năm 2003 là 10,7 tỷ USD trong đó bảo hiểm tài sản đã chi khoảng 5,8 tỷ USD và bảo hiểm nhân thọ chi 4,9 tỷ USD28. Vấn đề lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là thách thức cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm từ các công ty nước ngoài sau khi Trung Quốc thực hiện các cam kết gia nhập WTO vào năm 2001. Năm 2005, nhiều rào cản về tiếp cận thị trường của Trung Quốc như hạn chế về địa lý, vốn và quan trọng nhất là các loại dịch vụ bảo hiểm bắt buộc sẽ được loại trừ là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tự do thâm nhập thị trường to lớn này. Luật Bảo hiểm sửa đổi cho phép các nhà bảo hiểm tài sản tham gia bảo hiểm y tế ngắn hạn và bảo hiểm tai nạn cá nhân bắt đầu từ 1/1/2003. Riêng trong năm 2003, tổng phí bảo hiểm thu từ hai loại hình bảo hiểm trên đạt 285 triệu USD, bằng 6,94% tổng phí bảo hiểm thu từ các doanh nghiệp. Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng nhanh, chiếm 77,59% tổng phí bảo hiểm toàn ngành, tăng 3,07% so với năm 2002. Cải cách trong lĩnh vực quản lý tài sản bảo hiểm cũng đạt bước tiến quan trọng khi PICC và China Life được phép thành lập các chi nhánh quản lý tài sản bảo hiểm riêng biệt. Phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang được mở rộng. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã được phép đầu tư lên tới 20% tài sản vào trái phiếu công ty, tăng 10% so với trước đây.

3.2. Tiềm năng hợp tác phát triển dịch vụ bảo hiểm của Việt Nam và Trung Quốc

3.2.1. Nhu cầu thị trường bảo hiểm


Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay có tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình 29%/ năm trong 10 năm 1992-2002 ) và được coi là thị trường đầu tư đầy tiềm năng đối với các nhà bảo hiểm nước ngoài. Theo thống kê, doanh thu phí bảo hiểm năm 2003 chỉ chiếm 1,8% tổng GDP của Việt Nam và dự kiến năm 2005 sẽ đạt khoảng 2,5% và 4,2% trong năm 2010. Tuy vậy, tỷ trọng này còn rất thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, doanh thu phí bảo hiểm đã đạt tới 5-6% tổng GDP của các quốc gia này. Bình quân trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 5-6% GDP, ở các nước phát triển, tỷ lệ này có thể lên tới 8% GDP; trong khi đó ở Trung Quốc, tỷ lệ phí bảo hiểm trên GDP mới đạt khoảng 3,33% GDP (2003). Mặc dù tiềm năng về thị trường của hai bên là rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khó có cơ hội cạnh tranh trực tiếp trên thị trường Trung Quốc, đặc biệt là trước các doanh nghiệp lớn từ bên ngoài và bản thân hệ thống bảo hộ của thị trường bảo hiểm Trung Quốc. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đã có kinh nghiệm tập trung sức mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như về tài sản, trình độ quản lý, chiến lược và kinh nghiệm kinh doanh. Các doanh nghiệp của Trung Quốc có thể tìm kiếm thị trường bên ngoài ngay cả khi đang dồn sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Cho đến nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc đã có sức cạnh tranh quốc tế.
3.2.2. Tiềm năng về bảo hiểm liên quan đến các hoạt động kinh tế biên mậu
Việc Việt Nam và Trung Quốc có chung 1000 km đường biên giới trên đất liền đã tạo điều kiện để hai nước phát triển mạnh thương mại vùng biên. Trên nguyên tắc, nhu cầu bảo hiểm hàng hóa tỷ lệ thuận với tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch thương mại, do đó các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có thể tận dụng ưu thế về các hoạt động biên mậu đang rất sôi động ở biên giới Việt Trung để cùng hợp tác và cùng cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Theo thống kê chính thức của hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2004, tổng kim ngạch mậu dịch Việt Nam-Trung Quốc đạt 6,33 tỷ USD; trong đó, Trung Quốc xuất khẩu 3,867 tỷ USD; Việt Nam xuất khẩu 2,463 tỷ USD29. Trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của của hai nước có nhiều mặt hàng có rủi ro cao trong quá trình vận chuyển như xăng dầu và các chế phẩm từ xăng dầu, rau xanh, hàng dệt và chế phẩm, gỗ, phục trang và phụ liệu v.v. dẫn đến nhu cầu lớn của các doanh nghiệp mua bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm cháy nổ.
Lợi thế về vị trí địa lý của hai nước láng giềng càng phát huy tác dụng khi ACFTA hình thành. Từ năm 1995 đến nay, mặc dù chưa có FTA nhưng kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Trung Quốc đã tăng trung bình 15%/năm, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trong 11 năm liên tục (hiện nay sau Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản, EU). Ông Pengiran Mashor Ahmad, Phó Tổng Thư ký ASEAN cho rằng, việc thành lập Khu vực mậu dịch ASEAN-Trung Quốc sẽ tạo ra một tương lai sáng lạn cho quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên của ASEAN và có thể hỗ trợ việc tăng kim ngạch của ASEAN vào Trung Quốc lên 48% và ngược lại cũng có thể giúp Trung Quốc tăng mức xuất khẩu vào ASEAN lên 55%. Cũng theo tính toán của Ban Thư ký ASEAN, 7 tháng đầu năm 2004, kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2003, trong đó xuất khẩu của ASEAN vào Trung Quốc tăng tới 49,8%30. Bằng việc tổ chức Hội chợ thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACEXPO) tháng 11/2004 tại Nam Ninh, Trung Quốc đã đưa ra thông điệp về mong muốn tận dụng các thỏa thuận giảm thuế trong ACFTA để thực hiện chính sách đại khai phát miền Tây Nam, từng bước xóa bỏ chênh lệch trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng miền trên đất nước rộng lớn thứ 4 thế giới này.
Cùng với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan về hàng hóa trong ACFTA, Việt Nam, có thể trở thành cửa ngõ trung chuyển một khối lượng hàng hóa lớn từ các tỉnh miền Nam Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á khác và ngược lại. Ngoài ra, sau khi các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Trung Quốc được thực hiện, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tính tới việc chuyển hướng làm ăn sang các nước ASEAN và tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường Mỹ, EU nơi hàng hóa Trung Quốc đang vấp phải làn sóng chống bán phá giá. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ coi Việt Nam là cửa ngõ hàng đầu để phát triển kinh tế đối ngoại của mình. Đây có thể coi là cơ hội tiềm năng cho các nhà bảo hiểm hai nước khai thác và bán bảo hiểm hàng hóa.

3.2.3. Hoạt động bao thầu công trình xây dựng và du lịch phát triển nhanh chóng giữa hai nước

Bao thầu công trình là một thế mạnh của Trung Quốc. Các nhà xây dựng Trung Quốc đã hiện diện ở các công trình trên khắp Châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, cuối năm 2003, các công ty Trung Quốc đã hoàn thành bao thầu công trình tại Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 820 triệu USD; ký hợp đồng mới trị giá 1,41 tỷ USD. Nếu có đủ khả năng cung cấp sản phẩm bảo hiểm xây dựng với chất lượng tốt, đảm bảo uy tín; các công ty bảo hiểm Việt Nam và và Trung Quốc có thể thu hút một số lượng lớn các khách hàng là các nhà thầu xây dựng Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam.


Về du lịch, từ trước đến nay, thị trường khách du lịch Trung Quốc luôn giành được sự quan tâm của các nhà bảo hiểm Việt Nam. Ông John Koldowski, giám đốc Hiệp hội du lịch-lữ hành châu Á-Thái Bình Dương từng nhận định “Thị trường du lịch Trung Quốc đang viết lại sách quy luật du lịch thế giới”. Sau hơn hai thập niên đổi mới và phát triển, nền kinh tế Trung Quốc đã phát sinh ra một tầng lớp trung lưu sành điệu tiêu dùng và du lịch hơn 150 triệu người31. Rất nhiều người trong số họ chọn Việt Nam như một điểm đến an toàn và chi phí phù hợp với thu nhập của nhiều người. Trong 6 tháng đầu năm 2004, Việt Nam đón hơn 1,3 triệu du khách, trong đó khách Trung Quốc là đông nhất so với các nước khác, với xấp xỉ 320.000 người32.
Trung Quốc-đất nước có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới cũng là một điểm đến quen thuộc của khách du lịch Việt Nam. Chính sách duy trì một đồng CNY yếu để tăng xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc khiến chi phí các tour du lịch sang Trung Quốc có giá rẻ, đời sống của người dân Việt Nam được cải thiện là nguyên nhân chính làm lượng khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Dự kiến, lượng khách du lịch hai nước sẽ tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các doanh nghiệp bảo hiểm hai nước cung cấp các bảo hiểm tạm thời, ngắn hạn cho khách du lịch trong các tour du lịch trọn gói.

3.2.4. Tiềm năng về đầu tư trực tiếp


Có thể thấy rằng, với năng lực cạnh tranh khiêm tốn, tiềm năng đầu tư trực tiếp của các nhà bảo hiểm Việt Nam tại Trung Quốc rất nhỏ bé, nhưng vẫn có thể có. Trong dài hạn, các nhà bảo hiểm Việt Nam có thể đầu tư vào một số “thị trường ngách” còn bỏ ngỏ ở các địa phương có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam và nằm ở biên giới Việt Trung như Quảng Tây, Vân Nam. Mặc dù các cam kết quốc tế của chính quyền trung ương Trung Quốc về điều kiện cấp phép cho các doanh nghiệp bảo hiểm là rất cao (phải có tổng tài sản hơn 5 tỷ USD và 30 năm hoạt động), nhưng thông qua cơ chế song phương hoặc khu vực, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có thể được cấp giấy phép để thâm nhập thị trường còn bỏ ngỏ này.
Đối với các nhà bảo hiểm Trung Quốc, họ lại có nhiều cơ hội thành công khi đầu tư trực tiếp sang thị trường Việt Nam do hai yếu tố thuận lợi, đó là (i) năng lực cạnh tranh của họ đã được tăng cường và (ii) hành lang pháp lý thông thoáng để phát triển ngành bảo hiểm ở Việt Nam. Hiện nay, 90% số tập đoàn lớn nhất toàn cầu đã có mặt tại thị trường Trung Quốc. Để có thể đối đầu với áp lực cạnh tranh từ những tập đoàn này, chính phủ Trung Quốc đã có tiến hành nhiều cải cách để tăng năng lực cạnh tranh của các nhà bảo hiểm trong nước, dần giảm thế độc quyền của các công ty bảo hiểm nhà nước. Các chính sách cải cách này bước đầu đã có tác động đến cơ cấu thị trường bảo hiểm Trung Quốc. Năm 2003, các công ty bảo hiểm cổ phần Trung Quốc tiếp tục tăng thị phần trong khi các công ty bảo hiểm nhà nước tiếp tục bị giảm thị phần bất chấp sự tăng trưởng kinh tế. Thị phần của PICC đối với bảo hiểm tài sản và China Life với bảo hiểm nhân thọ giảm lần lượt là 2,9% và 2,3% xuống còn 67,5% và 54,3%. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm Trung Quốc được cải thiện đáng kể (năm 2004, sức cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc được xếp hạng 12 trên thế giới) và họ có đủ khả năng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho khách hàng Việt nam để hưởng lợi từ những cam kết của Việt Nam về dịch vụ bảo hiểm trong ACFTA.
Năng lực cạnh tranh cộng với những cải cách vượt bậc về hành lang pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các nhà bảo hiểm Trung Quốc có thêm những cơ hội hơn khi tiếp cận thị trường Việt Nam và cung cấp dịch vụ.
Tổng kết tiềm năng hợp tác và phát triển của hai nước trong lĩnh vực bảo hiểm


Mục

Việt Nam

Trung Quốc

Nhu cầu thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm






Tiềm năng về bảo hiểm liên quan đến các hoạt động kinh tế biên mậu





Hoạt động bao thầu công trình và du lịch





Tiềm năng đầu tư trực tiếp










tải về 4.81 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   ...   79




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương