SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang59/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   55   56   57   58   59   60   61   62   ...   68

2740 2604

Nhờ Đức Giê-su cầu nguyện mà lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời. Chẳng những là gương mẫu, Người còn cầu nguyện trong chúng ta và với chúng ta nữa. Chúa Con chỉ tìm kiếm những gì đẹp lòng Chúa Cha, không lẽ chúng ta là nghĩa tử lại bận tâm về các quà tặng hơn cả Đấng ban tặng sao ?


2741 2606 2614

Đức Giê-su cũng đứng vào vị trí của chúng ta và vì lợi ích của chúng ta mà cầu nguyện cho chúng ta. Mọi lời khẩn cầu của chúng ta đều được thâu tóm lại một lần trong tiếng kêu lớn của Người trên Thập Giá, và đã được Chúa Cha nhận lời khi cho Người sống lại; vì thế Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta bên tòa Chúa Cha ( x. Dt 5, 7; 7, 25; 9, 24 ) . Khi cầu nguyện nếu chúng ta kết hiệp với lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong lòng tín thác và dạn dĩ của người con thảo, chúng ta sẽ nhận được mọi điều cầu xin nhân danh Người; hơn thế nữa, chúng ta không những nhận ơn này tới ơn khác mà còn nhận được chính Thánh Thần là nguồn mạch mọi hồng ân.


IV. KIÊN TRÌ TRONG TÌNH YÊU
2742 2089 162

"Hãy cầu nguyện không ngừng" (1Tx 5,17). "Hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha, trong mọi hoàn cảnh và về mọi sự" (Ep 5,20). "Theo ơn Thần khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể Dân Thánh" (Ep 6,18 ). " Chúng ta không được truyền dạy là phải lao động, phải canh thức và giữ chay liên lỉ, nhưng chúng ta có luật là phải cầu nguyện không ngừng"(Evagre, những vấn đề thực tiễn 49) . Nhiệt tình cầu nguyện không ngừng chỉ có thể phát xuất từ tình yêu. Cầu nguyện là cuộc chiến của tình yêu khiêm tốn, tin tưởng và kiên trì, chống lại thân xác nặng nề và ươn lười của chúng ta. Tình Yêu này mở lòng ta đón nhận ba thực tại hiển nhiên của đức tin, rất rõ ràng và sống động .


2743

Lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện : dù đời chúng ta có nhiều bão tố, thời giờ của người tín hữu là thời giờ của Đức Ki-tô Phục Sinh, Đấng "đang ở với chúng ta mỗi ngày"( Mt 28,20). Thời giờ của ta ở trong tay Thiên Chúa :
"Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng khi đang ở ngoài chợ hay đi dạo một mình, khi đang mua bán ở cửa hàng hay đang làm bếp"(T.Gio-an Kim Khẩu, ecl. 2 ) .
2744

Cầu nguyện là một nhu cầu sống còn. Chúng ta có thể thấy ngay bằng chứng ngược lại : nếu không để Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta sẽ lại rơi vào ách nô lệ của tội lỗi ( x. Gl 5, 16-25 ) ; làm sao Thánh Thần có thể trở thành "sự sống" của ta, nếu lòng ta xa Người?
“Không có gì sánh được với cầu nguyện : nhờ cầu nguyện, chúng ta làm những điều tưởng chừng không thể làm nổi, làm dễ dàng những điều tưởng chừng khó khăn. Người cầu nguyện thì không thể phạm tội (T. Gio-an Kim Khẩu, Anna 4,5 ) .
"Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu độ; ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ bị án phạt" (T. An-phong-sô Li-gô-ri ) .
2745 2660

Cầu nguyện và sống đạo là hai việc không thể tách rời. Cả hai cùng xuất phát từ tình yêu và sự quên mình vì yêu; cả hai cùng nhắm đến chỗ hòa hợp với ý định yêu thương của Chúa Cha trong tâm tình mến yêu của người con thảo; cả hai cùng giúp tín hữu hiệp thông với Chúa Thánh Thần để được biến đổi ngày càng nên giống Đức Giê-su Ki-tô; cả hai cùng thể hiện tình yêu thương mọi người, bắt nguồn từ tình yêu Đức Ki-tô đã yêu thương ta. "Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy thì Người sẽ ban cho anh em. Điều Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau" ( Ga 15,16-17).

“Ai cầu nguyện liên lỉ cũng biết kết hiệp kinh nguyện với việc làm và việc làm với kinh nguyện. Chỉ như vậy, chúng ta mới thực hiện được nguyên tắc cầu nguyện liên lỉ” (Ô-ri-gê-nê 12 ) .
KINH NGUYỆN CỦA ĐỨC GIÊSU VÀO GIỜ CỦA NGƯỜI
2746 1085

Khi đến Giờ, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha ( x. Ga 17 ) . Đây là kinh nguyện dài nhất của Người được Tin Mừng ghi lại; Kinh Nguyện này bao hàm toàn thể nhiệm cục Sáng Tạo và Cứu Độ, cả cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Cũng như cuộc vượt qua đã diễn ra một lần dứt khoát, kinh nguyện vào Giờ của Đức Giê-su luôn luôn là của riêng Người, luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh.


2747

Truyền thống Ki-tô giáo gọi kinh nguyện này là "lời nguyện tư tế" của Đức Giê-su. Đây là kinh nguyện của Vị Thượng Tế. Kinh nguyện này gắn liền với Hiến Tế và cuộc Vượt Qua, trong đó Người tự hiến trọn vẹn cho Chúa Cha ( x. Ga 17,11.13.19 ) .


2748 518 820

Với lời cầu nguyện Vượt Qua và Hiến Tế này, tất cả đã được thâu tóm trong Người ( x. Eph 1,10 ) : Thiên Chúa và vũ trụ, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian; tình yêu tự hiến và tội lỗi phản bội tình yêu, các môn đệ đang hiện diện và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ngài, mầu nhiệm tự hạ và vinh quang của Con Thiên Chúa. Đây là Kinh Nguyện Hiệp Nhất.



2749 2616

Đức Giê-su đã hoàn thành công trình của Chúa Cha; cũng như hiến tế, lời nguyện của Người trải rộng đến ngày tận thế. Kinh nguyện vào giờ của Người hoàn tất thời gian cuối cùng và đưa tới ngày viên mãn. Với tư cách là Con Một đã được Chúa Cha ban cho mọi sự. Chúa Giê-su tự hiến trọn vẹn cho Chúa Cha; như thế, Người chứng tỏ mình hoàn toàn tự do ( x. Ga 17,11.13.19.24) nhờ quyền năng Chúa Cha đã ban cho Người trên mọi xác phàm. Chúa Con, Đấng đã tự hạ mang thân phận tôi đòi, chính là Đức Chúa, Chúa Tể muôn loài. Vị Thượng Tế chuyển cầu cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong ta và là Thiên Chúa nhận lời chúng ta cầu xin.


2750 2815

Khi đã thuộc về Đức Giê-su, trong Người chúng ta có thể đón nhận từ bên trong, lời cầu nguyện Người dạy: "Lạy Cha". Lời nguyện tư tế hoàn tất tự bên trong những lời nguyện xin chính của kinh Lạy Cha : nguyện Danh Cha cả sáng ( x. Ga 17,6.11.12.26 ) , Nước Cha trị đến (x.Ga 17, 1.5.10.24.23-26) ý Cha thể hiện, xin cho con người được cứu độ ( x. Ga 17, 2.4.6.9.11. 12. 24) và thoát khỏi sự dữ (Ga 17,15).


2751 240

Cuối cùng, chính trong kinh nguyện này, Đức Giê-su mặc khải và dạy chúng ta : Ai biết Chúa Cha cũng nhận biết Chúa Con; ai nhận biết Chúa Con cũng nhận biết Chúa Cha ( x. Ga 17,3.6-10.25 ) ; nhận biết này chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.



TÓM LƯỢC
2752

Cầu nguyện đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và chiến đấu với bản thân và chống lại các mưu chước của ma quỷ cám dỗ. Cuộc chiến trong cầu nguyện không thể tách rời khỏi cuộc "chiến đấu thiêng liêng" cần thiết để người Ki-tô hữu thường xuyên hành động theo Thánh Thần của Đức Ki-tô: người ta cầu nguyện thế nào thì cũng sống như vậy, vì ta sống như ta cầu nguyện.
2753

Để có thể cầu nguyện, chúng ta phải chiến đấu chống lại những quan niệm sai lầm, với những não trạng lệch lạc, và kinh nghiệm về những lần thất bại. Những cám dỗ này làm chúng ta nghi ngờ về lợi ích cũng như khả năng cầu nguyện; để đối phó, chúng ta cần phải khiêm tốn, phó thác và kiên trì.
2754

Những khó khăn chính khi cầu nguyện là chia trí và khô khan. Để chữa trị, chúng ta cần đến đức tin, hoán cải tâm hồn và tỉnh thức.
2755

Hai cám dỗ thường làm chúng ta bỏ việc cầu nguyện là thiếu lòng tin và nguội lạnh. Nguội lạnh là một hình thức suy nhược xảy ra vì thiếu khổ chế nên chán nản thất vọng.
2756

Lòng tin tưởng phó thác của người Con Thiên Chúa bị thử thách khi chúng ta cảm thấy mình không được Người nhận lời. Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy xét xem lời cầu nguyện của ta có hợp với đòi hỏi của Thánh Thần không.

2757

"Hãy cầu nguyện không ngừng" (1Tx 5,17). Lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện. Cầu nguyện là một nhu cầu sống còn và không thể tách rời việc sống đạo.
2758

Lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong Giờ của Người được gọi là Lời cầu nguyện "tư tế". Kinh nguyện này thâu tóm toàn thể nhiệm cục Sáng Tạo và Cứu Độ và hoàn tất những nguyện xin chính của kinh Lạy Cha .

ĐOẠN HAI
LỜI KINH CHÚA DẠY : KINH LẠY CHA

2759

Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông" ( Lc 11,1 ). Đáp lại, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ và Hội Thánh lời kinh căn bản của Ki-tô giáo. Thánh Lu-ca ghi lại bản kinh Lạy Cha ngắn (có năm lời nguyện xin), còn thánh Mat-thêu ghi lại bản dài hơn (có bảy lời nguyện xin). Truyền thống Phụng Vụ của Hội Thánh sử dụng bản văn Mat-thêu (Mt 6,9-13) :


Lạy Cha chúng con ở trên trời,

chúng con nguyện danh Cha cả sáng,

Nước Cha trị đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con

hôm nay lương thực hàng ngày

và tha nợ chúng con,

như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.



2760 2855 2854

Ngay từ buổi đầu, Phụng Vụ quen kết thúc Lời Kinh Chúa dạy bằng một vinh tụng ca. Theo sách DIDAKHÊ, vinh tụng ca này là : "Vì Cha là Đấng quyền năng, và vinh hiển muôn đời" (x. DI. 8,2 ) . Bản quy chế tông đồ (7, 24-1) thêm vào đầu câu : "Vì Cha là Vua"; đây là công thức chúng ta đang sử dụng theo bản đại kết. Truyền thống Phụng Vụ By-zan-tin thêm "Vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" vào sau chữ "vinh hiển". Sách Lễ Rô-ma khai triển lời xin cuối cùng của kinh Lạy Cha theo viển ảnh của thư Ti-tô (2,13) : "đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng con ngự đến"; tiếp theo là lời cộng đoàn tung hô theo vinh tụng ca của bản Quy Chế Tông Đồ.


Mục 1
"BẢN TÓM LƯỢC TOÀN BỘ TIN MỪMG”
2761

"Lời kinh Chúa dạy thực sự là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng". Sau khi dạy mẫu kinh này, Chúa Giê-su thêm : "Anh em cứ xin thì sẽ được" (Lc 11,9 ). Vậy mỗi người có thể dâng lên Chúa những lời kinh khác nhau tùy nhu cầu, nhưng luôn phải bắt đầu bằng kinh nguyện căn bản là Lời Kinh Chúa dạy".


I. KINH LẠY CHA LÀ TÂM ĐIỂM CỦA THÁNH KINH
2762

Sau khi cho thấy các Thánh Vịnh là chất liệu chính cho kinh nguyện của Ki-tô hữu và tất cả được thâu tóm trong những lời nguyện xin của kinh Lạy Cha, thánh Âu-tinh kết luận :


"Cứ đọc hết các kinh nguyện trong Sách Thánh, chúng ta không thể tìm thấy một điều gì không được thâu tóm trong Lời Kinh Chúa dạy".
2763 102

Toàn bộ Cựu Ước (Lề Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh) đều được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô (Lc 24,44). Đây là "Tin Mừng" được các sách Tin Mừng công bố. Thánh Mat-thêu tóm lược lời loan báo Tin Mừng đầu tiên trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7). Kinh Lạy Cha được thánh Mat-thêu đặt ở tâm điểm của lời loan báo này. Chúng ta phải hiểu các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha trong văn mạch đó:


2541

"Kinh Lạy Cha là kinh tuyệt hảo...với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của ta nữa" (T.Tô-ma Aquinô 2-2,83,9) .



2764 1965, 1969

Với Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su dạy ta sống, với kinh Lạy Cha, Người dạy ta cầu nguyện. Trong cả hai, Thần Khí của Chúa Giê-su đem lại khuôn mẫu mới cho những ước muốn là những tâm tình tác động đến cách sống của ta. Chúa Giê-su dùng lời nói để dạy ta phải sống cuộc đời mới và dùng lời kinh xin Chúa Cha ban ơn giúp ta sống như vậy. Khi cầu nguyện đúng, chúng ta sẽ biết sống trong Chúa.


II. LỜI KINH CHÚA DẠY
2765 2701

Truyền thống Ki-tô giáo gọi kinh Lạy Cha là Lời Kinh Chúa dạy, vì chính Chúa Giê-su đã soạn và truyền lại. Lời kinh nầy độc đáo vì chính là lời kinh "của Chúa". Qua những lời trong kinh này, Con Một Thiên Chúa trao cho chúng ta những Lời Người đã nhận được từ Chúa Cha : Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Mặt khác, vì là Ngôi Lời nhập thể, Người biết rõ những nhu cầu của chúng ta, những anh chị em của Người theo nhân tính, và Người đã nêu cho ta thấy những nhu cầu đó : Người là Mẫu Mực hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.


2766 690

Đức Giê-su không dạy ta một công thức để chúng ta lặp đi lặp lại như cái máy ( x. Mt 6,7; 1 V 18,26-29 ). Cũng như mọi khẩu nguyện khác, Chúa Thánh Thần dùng Lời Chúa để cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Đức Giê-su không những dạy chúng ta lời kinh của người con mà còn ban Thánh Thần để nhờ đó những lời kinh này trở nên "thần khí và sự sống"( Ga 6, 63 ) trong chúng ta. Hơn nữa, "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Áp-ba, Cha ơi"( Gl 4,6 ); điều này chứng tỏ chúng ta có khả năng dâng lên Chúa Cha kinh nguyện của người con. Khi cầu nguyện chúng ta nói lên những ước nguyện của mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng thật ra, Chúa Cha "thấu suốt tâm can", Người "biết Thần khí muốn nói gì", vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" ( Rm 8,27). Dạy cầu nguyện cùng Cha Trên Trời là một phần trong sứ mạng huyền diệu của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.


III. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA HỘI THÁNH
2767

Ngay từ đầu, Lời Kinh Chúa dạy và Thánh Thần, Đấng làm cho lời kinh sống động trong lòng các tín hữu, đã được Hội Thánh lãnh nhận và sống như một hồng ân duy nhất. Những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đọc kinh Lạy Cha "ba lần mỗi ngày", thay vì đọc "mười tám lời chúc tụng" theo thói quen đạo đức Do Thái.


2768

Theo truyền thống các tông đồ, lời kinh Chúa dạy đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ.


"Chúa dạy chúng ta cầu nguyện chung cho mọi anh chị em. Vì Người không nói "Lạy Cha của con, ngự trên trời", nhưng là "Lạy Cha chúng con", để chúng ta một lòng một ý cầu nguyện cho toàn Thân Thể Hội Thánh" (T.Gio-an Kim Khẩu).
Trong mọi truyền thống phụng vụ, kinh Lạy Cha là thành phần tất yếu của các giờ kinh phụng vụ chính. Đặc biệt, trong ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo, kinh Lạy Cha càng nỗi rõ đặc tính là kinh của Hội Thánh :

2769 1243

Trong bí tích Thánh TẩyThêm Sức, nghi thức trao kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc tái sinh vào đời sống thần linh. Trong Ki-tô giáo, cầu nguyện là nói với Thiên Chúa bằng chính Lời Chúa, nên những ai "đã được tái sinh nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống"(1Pr 1,23) sẽ học biết kêu cầu Chúa Cha, bằng chính Lời duy nhất mà Cha luôn đón nhận. Họ có thể kêu cầu như thế, vì Chúa Thánh Thần đã để lại ấn tích, không thể tẩy xóa được, trong lòng họ, trên tai họ, trên môi miệng, trên toàn thân người con cái Thiên Chúa. Vì thế, đa số các bài giải thích kinh Lạy Cha của giáo phụ đều dành riêng cho các dự tòng và tân tòng. Khi đọc kinh Lạy Cha, Hội Thánh luôn luôn đọc với tư cách là dân "được tái sinh", dân cầu nguyện và được Thiên Chúa xót thương (1Pr 2,1-10).


2770 1350

Trong phụng vụ Thánh Thể , chúng ta thấy rõ kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của toàn Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa kinh Tạ Ơn và phần hiệp lễ, kinh Lạy Cha một mặt thâu tóm toàn bộ những lời khẩn nguyện và chuyển cầu đã nêu lên trong phần "xin ban Thánh Thần"; mặt khác, dẫn ta đến Bàn Tiệc Thánh Thể như tiền dự vào Bàn Tiệc Nước Trời.


2771 1403

Trong Thánh Lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung. Kinh Lạy Cha đúng là kinh nguyện của "thời sau hết", thời cứu độ đã bắt đầu với việc Thánh Thần được ban xuống và sẽ kết thúc vào ngày Chúa Quang Lâm. Khác với các kinh nguyện trong Cựu Ước, những lời nguyện xin trong kinh Lạy Cha dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần dứt khoát trong Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu khổ nạn và phục sinh.



2772 1820

Vì tin tưởng vững vàng vào Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại, chúng ta tràn đầy hy vọng khi xướng lên từng điều trong bảy lời nguyện xin của kinh Lạy Cha. Những lời nguyện xin này là tiếng than van của những người đang sống giữa trần thế hôm nay trong nhẫn nại và đợi chờ, vì chúng ta đã là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ (1 Ga 3,2). Thánh Lễ và kinh Lạy Cha đều hướng về ngày Chúa quang lâm "cho tới khi Chúa lại đến" (1Cr 11,26)


TÓM LƯỢC
2773

Đáp lại lời xin của các môn đệ :"Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện"( Lc 11,1), Đức Giê-su đã dạy các ngài lời kinh căn bản của Ki-tô giáo là kinh Lạy Cha.
2774

Lời Kinh Chúa dạy thực là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tuyệt hảo, là tâm điểm của Thánh Kinh.
2775

Kinh Lạy Cha được gọi là "kinh của Chúa" vì do chính Chúa Giê-su dạy. Người là Thầy mẫu mực hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.
2776

Hơn mọi kinh khác, kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của Hội Thánh. Kinh Lạy Cha là thành phần tất yếu của các giờ kinh phụng vụ chính và của các bí tích khai tâm Ki-tô Giáo: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Khi đọc lên trong thánh lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung: cộng đoàn Ki-tô hữu cầu nguyện và chờ đợi" cho tới khi Chúa lại đến"( 1Cr 11,26).
Mục 2
"LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI"
I. " CHÚNG TA DÁM NGUYỆN RẰNG"
2777 270

Trong phụng vụ Rô-ma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự dạn dĩ của người con; phụng vụ Đông Phương cũng sử dụng và khai triển các kiểu nói tương tự: "Chúng ta dám tin tưởng nguyện rằng", "xin Chúa cho chúng con xứng đáng nguyện rằng". Trước Bụi Gai Rực Cháy, có tiếng phán bảo Môi-sê: "Chớ lại gần, cởi dép ra" ( Xh 3,5). Chỉ một mình Đức Giê-su có thể vượt qua ngưỡng cửa thánh thiện để đến gần Thiên Chúa, vì Người là Đấng "đã tẩy trừ tội lỗi"(Dt 1, 3), chính Người dẫn chúng ta đến trước Thánh Nhan Chúa Cha: "Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con" (Dt 2,13).


“Ý thức tình trạng nô lệ của mình lẽ ra chúng ta phải độn thổ, kiếp phàm nhân phải tan thành cát bụi, nếu như uy quyền của chính Cha chúng ta và Thần Khí của Chúa Con không thúc đẩy chúng ta kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Rm 8,15). Có khi nào một phàm nhân yếu hèn lại dám gọi Thiên Chúa là Cha, nếu con người không được Quyền Năng từ trời cao tác động?" (T.Gio-an Phê-rô Rít-sô-lô-gơ, bài giảng 71).

2778 2828

Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đọc kinh Lạy Cha. Phụng vụ Đông và Tây Phương diễn tả điều này bằng từ "Parrhésia", một thuật ngữ đặc biệt Ki-tô giáo muốn diễn tả tâm tình đơn sơ chân thành, lòng tin tưởng của người con, vui mừng an tâm, dạn dĩ nhưng khiêm nhu, xác tín là mình được yêu thương (x Eph 3,12; Dt 3,6;4,16; 10,19; 1Ga 2,28; 3,21; 5,14).


II. "LẠY CHA !"
2779 239

Trước khi bắt đầu nguyện xin, chúng ta phải loại bỏ một số hình ảnh sai lạc của "thế gian này". Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng : "Không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho", nghĩa là "cho những người bé mọn" (Mt 11,25-27). Chúng ta phải thanh luyện tâm hồn, nghĩa là đừng để những hình ảnh của Thiên Chúa như người cha hay người mẹ, theo kinh nghiệm bản thân hay văn hóa, ảnh hưởng đến tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người siêu việt trên mọi phạm trù của thế giới thụ tạo. Khi gán cho Người hay loại bỏ khỏi Người những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, chúng ta có nguy cơ tạo ra những ngẫu tượng để tôn thờ hay đạp đổ. Cầu nguyện cùng Chúa Cha là đón nhận mầu nhiệm của Người, như Người hằng hữu và như Chúa Con đã mặc khải cho chúng ta :


"Cách gọi Thiên Chúa là Cha trước đây chưa hề mạc khải. Khi ông Mô-sê hỏi danh tánh Thiên Chúa, ông đã được nghe một danh xưng khác. Đối với chúng ta, Danh Thiên Chúa đã được mặc khải trong Chúa Con; vì Chúa Giê-su nhận mình là Con nên Thiên Chúa được gọi là Cha" (Tertulano, 3 ) .
2780 240

Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người mặc khải như vậy, và vì Thần Khí của Chúa Con đã làm cho chúng ta nhận biết như vậy. Chúng ta tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và chúng ta "đã được Thiên Chúa sinh ra"( 1Ga 5,1), nên Thần Khí của Chúa Con cho chúng ta tham dự vào tương quan ngã vị giữa Chúa Con và Chúa Cha; đây là điều con người không thể nghĩ ra được và thần thánh trên trời cũng không hiểu được ( 1 Ga 5,1).


2781 2665

Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta được hiệp thông với Người, và với Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô (1 Ga 1,3). Lúc đó, chúng ta mới nhận biết và nhận ra Người, với lòng thán phục không ngơi. Với lời đầu tiên của kinh Lạy Cha, chúng ta chúc tụng thờ lạy Chúa Cha trước khi nguyện xin Người. Thiên Chúa được tôn vinh khi chúng ta nhìn nhận Người là Cha và là Thiên Chúa thực. Chúng ta tạ ơn Người vì đã mặc khải Danh Thánh, đã cho chúng ta tin vào Danh Người và Người hiện diện trong chúng ta.


2782 1267

Chúng ta có thể thờ lạy Chúa Cha vì Người đã tái sinh chúng ta trong sự sống của Người khi nhận chúng ta là nghĩa tử trong Con Một nhờ bí tích Thánh Tẩy. Người tháp nhập chúng ta vào Thân Thể Chúa Ki-tô, và nhờ bí tích Thêm Sức, Người cho chúng ta trở thành những "người được xức dầu" bằng Thánh Thần.


“Thực vậy, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta được làm nghĩa tử, được đồng hình đồng dạng với Thân Thể vinh quang của Đức Ki-tô. Từ nay, anh em được dự phần với Đức Ki-tô, anh em đương nhiên được gọi là những "người được xức dầu" ( T.Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 3,1).
“Con người mới, sau khi được tái sinh và trả về cho Thiên Chúa nhờ ân sủng, trước hết sẽ thưa: "Lạy Cha" vì đã trở nên con Thiên Chúa (T. Xy-ri-an 9).
2783 1701

Như thế với kinh Lạy Cha, chúng ta được mặc khải về Thiên Chúa là Cha, đồng thời được biết thiên chức của mình ( x. GS 22,1 ) :


" Con người ơi, ngươi không dám ngước mặt lên trời, chỉ cúi nhìn xuống đất. Rồi thình lình, ngươi nhận được ân sủng của Đức Ki-tô: mọi tội lỗi ngươi đã được tha. Từ một tên đầy tớ gian ác, ngươi trở thành đứa con ngoan... Hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã chuộc ngươi nhờ Con của Người, và thưa: lạy Cha... Nhưng ngươi đừng đòi hỏi một đặc quyền nào. Người là Cha cách đặc biệt, của riêng Đức Ki-tô, nhưng Người cũng còn là Cha của tất cả chúng ta, vì Người chỉ sinh ra; còn chúng ta là thụ tạo do một mình Đức Ki-tô nhưng Người đã dựng nên chúng ta. Vậy nhờ ân sủng, ngươi cũng hãy thưa: Lạy Cha chúng con, để xứng đáng là con của Người" (T.Am-rô-xi-ô 5,19)
2784 1428

Ơn nghĩa tử đòi chúng ta phải hoán cải không ngừng để sống cuộc đời mới. Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải có hai tâm tình căn bản :


1997

Tâm tình thứ nhất là ước muốn được nên giống Người. Dù được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng phải nhờ ân sủng chúng ta mới được phục hồi nét giống Thiên Chúa hơn, nên chúng ta có bổn phận đáp lại ân sủng này.

“Phải nhớ rằng : khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta có bổn phận sống như con Thiên Chúa” (T. Xy-ri-an 11 ) .
"Anh em không thể gọi Thiên Chúa Chí Nhân là Cha, nếu anh em còn giữ lòng độc ác và bất nhân; vì khi đó, anh em không còn giữ được dấu tích lòng nhân lành của Cha Trên Trời"(T.Gio-an Kim Khẩu ) .
"Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha Trên Trời, để tâm hồn mình thấm nhuần vẻ đẹp đó" (T.Ghê-gô-ri-ô thành Nít ) .
2785 2562

Tâm tình thứ hai là lòng khiêm tốn và tin tưởng nơi Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta "trở nên như trẻ em" ( Mt 18,3); vì Chúa Cha "mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25).


“Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải chiêm ngắm Thiên Chúa, lòng chúng ta bừng cháy lửa yêu mến. Nhờ đó, linh hồn tan biến và hướng tới việc yêu mến Thiên Chúa, thân tình trò chuyện với Thiên Chúa như người Cha ruột, với lòng yêu mến thảo kính đặc biệt (T. Gio-an Cát-xi-ô 9,18).
"Lạy Cha chúng con : danh hiệu này gợi lên trong lòng chúng ta tình yêu và sự tha thiết khi cầu nguyện... đồng thời tin tưởng sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Thiên Chúa từ chối sao được, khi chính Người vừa nhận họ là con?" (T. Âu-tinh 2,4, 16).

tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   55   56   57   58   59   60   61   62   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương