SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang58/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   54   55   56   57   58   59   60   61   ...   68

2690

Một số tín hữu được Chúa Thánh Thần ban cho những hồng ân đặc biệt : khôn ngoan, đức tin và khả năng nhận định, để phục vụ lợi ích chung bằng việc hướng dẫn người khác sống đời cầu nguyện. Những người được đặc sủng này thực sự phục vụ cho truyền thống cầu nguyện sống động trong Hội Thánh :


“Thánh Gio-an Thánh Giá khuyên : linh hồn nào muốn tiến triển trên đường trọn lành, "phải suy xét kỹ khi chọn vị linh hướng, vì thầy nào trò nấy, cha nào con nấy... Vị hướng dẫn phải là người khôn ngoan thông thái, và giàu kinh nghiệm. Nếu vị linh hướng không có kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng, thì không có khả năng đưa dẫn các linh hồn được Thiên Chúa kêu gọi đến với đời sống cầu nguyện và ngài cũng không hiểu được họ nữa" ( x. Liama, đoạn 3 ) .
Những địa điểm thuận lợi để cầu nguyện
2691 1181,2197 1397

Nhà Thờ là nhà Chúa, nơi dành riêng cho kinh nguyện phụng vụ của cộng đoàn giáo xứ. Nhà Thờ cũng là nơi đặc biệt để tôn thờ Đức Ki-tô đang hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Chọn một nơi thích hợp để cầu nguyện cũng là điều quan trọng :


- Để cầu nguyện riêng, có thể chọn một "chỗ cầu nguyện" trong nhà, có ảnh tượng và Sách Thánh; ở đó chúng ta "đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo" (Mt 6,6). Trong các gia đình Ki-tô hữu, một chỗ cầu nguyện đơn sơ như thế rất thuận lợi cho việc cầu nguyện chung.

- Những cộng đoàn đan sĩ có trách nhiệm tạo thuận lợi cho các tín hữu được tham gia những Giờ Kinh Phụng Vụ và có được sự cô tịch cần thiết để cá nhân cầu nguyện sâu lắng hơn.

- Những cuộc hành hương nhắc nhở chúng ta về thân phận lữ hành nơi trần thế. Theo truyền thống, hành hương là những thời điểm đặc biệt để canh tân kinh nguyện. Đối với những khách hành hương đi tìm nguồn sống, các thánh điện là những địa điểm đặc biệt để họ thực hành những cách thức cầu nguyện "trong Hội Thánh".

TÓM LƯỢC
2692

Trong kinh nguyện, Hội Thánh lữ hành được liên kết với toàn thể các thánh và nhờ các ngài chuyển cầu cho mình.
2693

Các trường phái linh đạo Ki-tô giáo đều góp phần vào truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh, và là những con đường quý giá dẫn đến đời sống thiêng liêng.
2694

Gia đình Ki-tô hữu là nơi đầu tiên giáo dục con người cầu nguyện.
2695

Trong Hội Thánh, các tín hữu tìm được sự giúp đỡ cho việc cầu nguyện nơi các thừa tác viên có chức thánh, đời sống thánh hiến, huấn giáo, các nhóm cầu nguyện việc linh hướng.
2696

Những nơi xứng hợp nhất để cầu nguyện là "chỗ cầu nguyện" cho cá nhân hay gia đình, các đan viện, các địa điểm hành hương, và nhất là nhà thờ, nơi dành riêng cho kinh nguyện phụng vụ của cộng đoàn giáo xứ và nơi đặc biệt để tôn thờ Thánh Thể.

CHƯƠNG BA
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
2697 1099

Cầu nguyện là sống với một tâm hồn đã được Thiên Chúa đổi mới. Cầu nguyện phải làm cho đời sống chúng ta sinh động mọi lúc. Tuy nhiên chúng ta thường quên Đấng là Sự Sống và là Tất Cả đối với chúng ta. Vì thế, tiếp nối truyền thống Đệ Nhị Luật và các ngôn sứ, những bậc thầy linh đạo đều nhấn mạnh : cầu nguyện là "nhớ đến Chúa", là thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa. "Phải nhớ đến Chúa nhiều hơn cả nhịp thở của mình" (T. Ghê-gô-ri-ô thành Nadien, bài giảng thần học1,4 ) . Nhưng chúng ta không thể cầu nguyện "trong mọi lúc", nếu không có những thời điểm chủ ý dành để cầu nguyện : đây là những giờ phút cao điểm của đời sống cầu nguyện, chuyên chú hơn và kéo dài hơn.


2698 1168 1174 2177

Truyền thống của Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là: kinh sáng và kinh tối, trước và sau các bữa ăn, các giờ kinh Phụng Vụ. Hằng tuần, Ki-tô hữu phải thánh hóa ngày Chúa nhật chủ yếu bằng kinh nguyện, mà trọng tâm là Thánh Lễ. Hằng năm, chu kỳ phụng vụ và các đại lễ là những nhịp căn bản cho đời sống cầu nguyện của Ki-tô hữu.


2699 2563

Chúa hoàn toàn tự do hướng dẫn mỗi người một cách. Mỗi tín hữu cũng đáp lại theo quyết tâm và những hình thức cầu nguyện riêng của mình. Tuy nhiên, truyền thống Ki-tô giáo truyền lại ba hình thức cầu nguyện chính : Khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm. Cả ba cùng có một nét căn bản chung : tịnh tâm. Tỉnh thức, để giữ lấy Lời Chúa và để hiện diện trước nhan thánh Người. Để ba hình thức này trở thành những thời điểm đặc biệt trong đời sống cầu nguyện, chúng ta phải tỉnh thức.


Mục 1
NHỮNG CÁCH THỨC CẦU NGUYỆN

I. KHẨU NGUYỆN
2700 1176

Thiên Chúa dùng Ngôi Lời của Người để nói với loài người. Kinh nguyện của chúng ta cũng được hình thành bằng lời : trong lòng trí hay ra ngoài miệng. Điều quan trọng nhất là tâm hồn hướng về Đấng chúng ta thân thưa khi cầu nguyện. "Lời cầu nguyện của ta được Chúa nhậm lời, không tùy thuộc vào việc nói nhiều hay ít, nhưng tùy thuộc vào nhiệt tâm của linh hồn" (T. Gio-an Kim Khẩu,7 ) .


2701 2603 612

Đời sống Ki-tô hữu không thể thiếu khẩu nguyện. Việc Chúa Giê-su thinh lặng cầu nguyện đã thu hút các môn đệ, nhưng Người đã dạy họ một lời khẩu nguyện : Kinh Lạy Cha. Như Tin Mừng cho thấy, Đức Giê-su không chỉ đọc kinh chung theo phụng vụ của hội đường, mà còn lớn tiếng cầu nguyện riêng, từ lời hân hoan chúc tụng Chúa Cha cho đến lời xao xuyến trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 36).



2702 1146

Bản tính con người đòi hỏi kết hợp giác quan với tâm tình khi cầu nguyện. Con người có hồn và xác nên cảm thấy cần bộc lộ những tâm tình ra bên ngoài. Lời cầu nguyện tha thiết nhất là lời khẩn cầu với cả tâm hồn và thể xác.


2703 2097

Nhu cầu này của con người cũng đáp lại đòi hỏi của Thiên Chúa. Thiên Chúa tìm những kẻ thờ phượng Người trong Thần Khí và Sự Thật, nên Người muốn chúng ta dâng lên kinh nguyện sống động tự đáy lòng. Người còn muốn có những hình thức bên ngoài liên kết thân xác với kinh nguyện nội tâm, vì chúng ta có bổn phận dâng lên Người lời ca ngợi hoàn hảo như thế.


2704

Khẩu nguyện là cầu nguyện thành tiếng, cách diễn tả rất phù hợp với con người, nên thích hợp nhất cho đám đông. Ngay cả khi cầu nguyện trong lòng, chúng ta không được xao lãng khẩu nguyện. Kinh nguyện trở thành tâm tình bên trong khi chúng ta ý thức về Đấng "chúng ta đang thưa chuyện" (T. Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su). Lúc đó, khẩu nguyện biến thành hình thức đầu tiên của cầu nguyện chiêm niệm.


II. SUY GẪM
2705 158 127

Suy gẫm trước hết là tìm hiểu. Tâm trí ta tìm hiểu lý do và cách thức sống đời Ki-tô hữu, để đón nhận và đáp lại những gì Chúa đòi hỏi ta. Điều khó trong suy gẫm là phải cầm trí. Thông thường, chúng ta có thể dùng đến sách để được giúp đỡ mà loại sách này không thiếu : các Sách Thánh đặc biệt là Tin Mừng, các ảnh tượng thánh, bản văn phụng vụ theo ngày và theo mùa, tác phẩm của các Linh Phụ, các sách linh đạo, cuốn sách vĩ đại là vạn vật và lịch sử với trang "Ngày Hôm Nay" của Thiên Chúa.


2706

Suy gẫm là đối diện với điều mình đọc và đối chiếu với bản thân. Nhờ đó, cuốn sách cuộc đời được mở ra. Chúng ta chuyển từ những tư tưởng sang thực tại. Tùy theo lòng khiêm tốn và đức tin, chúng ta nhận thức những chuyển động nội tâm nhận định để biết ý Chúa. Điều chính yếu là phải thực thi chân lý để đến cùng Ánh Sáng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?"


2707 2690 2664

Có bao nhiêu bậc thầy linh đạo thì có bấy nhiêu phương pháp suy gẫm. Mỗi Ki-tô hữu phải chọn cho mình một phương pháp thích hợp để suy gẫm đều đặn; nếu không, tâm hồn họ sẽ giống như ba loại đất đầu tiên trong dụ ngôn Người Gieo Giống ( x. Mc 4,4-7) . Nhưng phương pháp chỉ là người hướng dẫn, điều quan trọng là chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà tiến bước, theo Đức Ki-tô trên con đường cầu nguyện.


2708 516-2678

Muốn suy gẫm chúng ta phải vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn, để đào sâu xác tín, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Ki-tô. Nên ưu tiên suy gẫm về "các mầu nhiệm của Đức Ki-tô" như trong sách thiêng liêng hay kinh Mân Côi. Hình thức "miệng đọc lòng suy" này có giá trị rất lớn, nhưng kinh nguyện Ki-tô giáo còn phải vươn xa hơn nữa: vươn tới việc nhận biết tình yêu Chúa Giê-su và kết hiệp với Người.




III. CHIÊM NIỆM
2709 2562- 2564

Chiêm niệm là gì ? Thánh nữ Tê-rê-sa Cả cho biết : "Theo tôi, chiêm niệm chính là một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, thường chỉ là một mình đến với Thiên Chúa mà ta biết là Đấng yêu thương ta" ( x. Vida 8 ) .


Trong chiêm niệm, chúng ta đi tìm "Đấng lòng ta yêu mến"(Dc 1,7) ( x. Dc 3,1-4 ) , nghĩa là chính Đức Giê-su, và trong Người, chúng ta tìm đến Chúa Cha. Chúng ta đi tìm Người, vì ta yêu mến nên khao khát Người. Phải tìm kiếm Người với một đức tin tinh tuyền, đức tin này làm cho ta được sinh ra nhờ Người và được sống trong Người. Trong chiêm niệm, có thể chúng ta vẫn suy gẫm, nhưng tâm trí hướng thẳng về Chúa.
2710 2726

Chiêm niệm lúc nào và bao lâu tùy thuộc vào quyết tâm của ta, quyết tâm này bộc lộ các điều kín nhiệm trong lòng. Không phải khi nào có thời giờ ta mới cầu nguyện, nhưng phải dành thời giờ cho Chúa, với quyết tâm không rút lại thời gian này, dù gặp thử thách và khô khan khi cầu nguyện. Không phải lúc nào cũng có thể suy gẫm, nhưng lúc nào cũng có thể chiêm niệm, bất chấp những tình trạng về sức khỏe, công việc và tâm tình. Nơi mà ta tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa, trong khiêm nhu và tín thác chính là lòng ta.


2711 1348 2100

Tương tự như khi cử hành phụng vụ Thánh Thể, khi chiêm niệm chúng ta phải "cầm trí", hoàn toàn phó thác cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ý thức Chúa ngự trong tâm hồn, giục lòng tin đến trước nhan Chúa Đấng đang đợi chờ ta, phải rũ bỏ mọi thứ giả dối và hướng lòng mình về Chúa, Đấng yêu thương ta, để phó dâng bản thân cho Người như một lễ vật cần Người thanh luyện và biến đổi.


2712 822

Chiêm niệm là kinh nguyện của con cái Thiên Chúa, của tội nhân đã được tha thứ nay sẵn sàng đón nhận tình yêu được ban tặng và mong đáp lại tình yêu đó bằng cách yêu mến nhiều hơn. Người đó cũng biết rằng mình có thể yêu thương, đáp trả được là nhờ Thánh Thần trong tâm hồn, vì tất cả đều là ân sủng Thiên Chúa ban. Chiêm niệm là tâm tình của người nghèo khó và khiêm tốn phó thác cho thánh ý yêu thương của Chúa Cha, trong hiệp nhất ngày càng sâu xa hơn với Con Yêu Dấu của Người.


2713 2259

Như thế, chiêm niệm là hình thức đơn sơ nhất của kinh nguyện. Chiêm niệm là một hồng ân, một món quà Thiên Chúa ban tặng; chúng ta chỉ có thể đón nhận với tâm tình của người khiêm tốn và nghèo khó. Chiêm niệm là một tương quan giao ước Thiên Chúa thiết lập nơi đáy lòng ta (Gr 31, 33). Chiêm niệm là hiệp thông : nhờ đó, Ba Ngôi Chí Thánh làm cho con người "mang hình ảnh Thiên Chúa" trở nên "giống Thiên Chúa".


2714

Chiêm niệm là cao điểm của đời cầu nguyện. Trong chiêm niệm "Chúa Cha ban cho chúng ta được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi chúng ta được vững vàng; cho chúng ta, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; cho chúng ta được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức mến" ( x. Eph 3,16-17 ) .


2715 1380 521

Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su. Người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gio-an Vianê, cha sở của ông, về những lúc cầu nguyện trước Nhà Tạm : "Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi". Muốn chiêm ngắm Chúa phải biết quên đi cái tôi của mình. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn ta; ánh sáng tôn nhan Người soi sáng con mắt linh hồn, dạy cho ta biết nhìn tất cả trong ánh sáng của chân lý và lòng thương xót Người dành cho mọi người. Khi chiêm niệm ta cũng nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô; nhờ đó, ta hiểu biết thâm sâu về Chúa hơn để yêu mến và đi theo Người hơn nữa.


2716 494

Chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, nhưng là thái độ vâng phục của người tin Chúa, sự đón nhận vô điều kiện của người tôi tớ, sự gắn bó yêu thương của người con. Khi đó, cùng với Chúa Con, Đấng đã trở thành người tôi tớ, và với Đức Ma-ri-a, Người Nữ Tì khiêm tốn của Thiên Chúa, chúng ta thưa với Chúa Cha "xin vâng".


2717 533 498

Chiêm niệm là thinh lặng, "biểu tượng của thế giới đang tới", hay của "tình yêu thầm lặng". Trong tâm nguyện lời nói không phải là diễn từ, nhưng chỉ là những cọng rơm giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn cháy sáng. Trong sự thinh lặng này, sự thinh lặng mà "kẻ hướng ngoại" không thể giữ nổi, Chúa Cha sẽ nói với ta Lời của Người : Ngôi Lời đã nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; và Thần Khí nghĩa tử sẽ dạy ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su.


2718

Chiêm niệm cho ta hiệp nhất với Đức Ki-tô trong kinh nguyện theo mức độ cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người. Mầu nhiệm Đức Ki-tô được Hội Thánh cử hành trong bí tích Thánh Thể, và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động trong chiêm niệm, để chúng ta bày tỏ các mầu nhiệm đó qua hành vi đức mến.


2719 165 2730

Chiêm niệm là một hiệp thông tình yêu có sức đem lại sự sống thần linh cho nhiều người, nếu chúng ta chấp nhận bước đi trong đêm tối đức tin. Đức Ki-tô đã trải qua Đêm hấp hối và Đêm âm phủ để bước vào Đêm Phục Sinh. Đây là ba đỉnh cao của Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần chứ không phải "xác thịt yếu đuối" đã giúp Đức Giê-su sống Giờ ấy trong chiêm niệm. Chúng ta phải sẵn lòng thức một giờ với Người.


TÓM LƯỢC
2720

Hội Thánh mời gọi các tín hữu cầu nguyện đều đặn qua các kinh nguyện hằng ngày và các Giờ Kinh Phụng Vụ, qua thánh lễ Chúa nhật và qua các lễ trọng của năm phụng vụ.
2721

Truyền thống Ki-tô giáo có ba hình thức cầu nguyện quan trọng : khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm. Cả ba đòi hỏi ta phải tịnh tâm.
2722

Dựa vào bản tính con người có hồn có xác, khẩu nguyện kết hợp thái độ bên ngoài với tâm tình bên trong theo gương Đức Giê-su, Đấng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha và dạy các môn đệ kinh Lạy Cha.
2723

Suy gẫm là tìm hiểu trong khi cầu nguyện, bằng cách vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Nhờ suy gẫm chúng ta hấp thụ được đề tài trong đức tin và đối chiếu với thực tại cuộc sống.
2724

Chiêm niệm là hình thức đơn sơ của kinh nguyện, là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su, là lắng nghe Lời Chúa, là yêu mến Chúa trong thinh lặng. Chiêm niệm cho ta hợp nhất với Đức Ki-tô trong kinh nguyện của Đức Ki-tô theo mức độ chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người.

Mục 2
CẦU NGUYỆN LÀ MỘT CHIẾN ĐẤU

2725 2612,409 2015

Đối với chúng ta, cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa và là một lời đáp quyết liệt. Cầu nguyện luôn đòi phải nỗ lực. Các thánh nhân trong Cựu Ước, Đức Ma-ri-a, các thánh, và chính Đức Ki-tô đều dạy chúng ta: cầu nguyện là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu chống lại ai? Chiến đấu với bản thân ta và chống lại các mưu chước của ma quỷ cám dỗ, vì chúng làm mọi cách để con người bỏ cầu nguyện, không kết hợp với Thiên Chúa. Người ta cầu nguyện thế nào thì cũng sống như vậy, vì ta sống như ta cầu nguyện. Khi ta không muốn thường xuyên hành động theo Thánh Thần của Đức Ki-tô, thì ta không thể thường xuyên cầu nguyện nhân danh Người. Cuộc "chiến đấu thiêng liêng" để người Ki-tô hữu sống đời sống mới, không thể tách rời khỏi cuộc chiến trong cầu nguyện.


I. NHỮNG TRỞ NGẠI CHO VIỆC CẦU NGUYỆN
2726 2710

Trước hết, để có thể cầu nguyện, chúng ta phải đương đầu với những quan niệm sai lạc của mình cũng như của những người xung quanh. Có người coi cầu nguyện chỉ đơn thuần là một hoạt động tâm lý; có người lại cho là một nỗ lực tập trung tư tưởng để tâm trí được an định. Người khác lại giản lược cầu nguyện vào những thái độ và lời kinh theo nghi thức. Trong thâm tâm, nhiều Ki-tô hữu cho rằng cầu nguyện là mất giờ, không thể dung hợp với những gì họ đang phải làm: họ không có giờ để cầu nguyện. Có những người mong tìm kiếm Thiên Chúa bằng cầu nguyện, nhưng lại sớm nản lòng, vì họ không biết rằng cầu nguyện không phải là việc của riêng họ mà còn do ơn Chúa Thánh Thần.


2727

Kế đến chúng ta phải cảnh giác để khỏi bị lây nhiễm những não trạng của thế gian này, chẳng hạn :



37

- Có người cho rằng chỉ những gì lý trí và khoa học chứng minh được mới là chân lý, trong khi cầu nguyện là một mầu nhiệm vượt quá ý thức và vô thức của con người.

- Có người đánh giá mọi sự theo sản phẩm và thành quả nên cho việc cầu nguyện là vô ích vì phi sản xuất.

2500

- Có người lấy khoái lạc và tiện nghi làm thước đo chân thiện mỹ; thực ra cầu nguyện chính là yêu mến chân thiện mỹ đích thực, là say mê Vinh Quang của Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

- Có người coi cầu nguyện là một cách trốn đời, tránh cuộc sống hiếu động; thật ra cầu nguyện không phải là trốn khỏi dòng đời, cắt đứt với cuộc sống.
2728

Cuối cùng, chúng ta cần phải đương đầu với những gì chúng ta cảm nhận được như những thất bại trong việc cầu nguyện : chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải) , thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa... Những điều này luôn luôn dẫn đến cùng một kết luận : cầu nguyện để làm gì? Muốn thắng được những trở ngại này, chúng ta phải chiến đấu để biết khiêm nhường, tín thác và kiên trì.


II. TÂM HỒN KHIÊM TỐN VÀ TỈNH THỨC
Đương đầu với những khó khăn khi cầu nguyện
2729 2711

Khó khăn thường gặp trong việc cầu nguyện là "chia trí". Chúng ta không tập trung vào lời đọc và ý nghĩa của lời kinh trong khẩu nguyện; sâu xa hơn, vào chính Đấng mà ta đang gặp gỡ trong khẩu nguyện (phụng vụ hay cá nhân), suy gẫm và chiêm niệm. Nguyên việc xua đuổi sự chia trí này là đã mắc bẫy. Lúc đó chúng ta chỉ cần trở về với chính lòng mình : chia trí cho thấy điều lòng ta đang bận tâm; ý thức được điều đó, chúng ta sẽ khiêm tốn hơn trước mặt Chúa; lòng khiêm tốn này sẽ nhắc nhở chúng ta phải yêu mến Người trên hết mọi sự và dâng tâm hồn ta để xin Người thanh tẩy. Như thế, đây là lúc phải chiến đấu : chọn lựa phục vụ ông chủ nào (Mt 6, 21-24).



2730 2659

Về mặt tích cực, cuộc chiến đấu chống lại cái tôi thích chiếm hữu và thống trị đòi hỏi phải tỉnh thức và tiết độ. Khi kêu gọi các môn đệ "tỉnh thức", Đức Giê-su luôn đặt điều này trong mối quan hệ với Người, và với việc Người đến vào ngày sau hết cũng như mỗi ngày : vì ngày nào cũng là "Ngày Hôm Nay" của Thiên Chúa. Chàng Rể đến vào nửa đêm, nên ta không được để cho ánh sáng đức tin tàn lụi : "Nghĩ về Ngài lòng con tự nhủ : hãy tìm kiếm Thánh Nhan" (Tv 27,8).


2731 1426

Những người thành tâm muốn cầu nguyện thường gặp khó khăn là sự khô khan. Tình trạng khô khan thường xảy đến trong chiêm niệm; khi ta cảm thấy xa cách Chúa, không còn hứng thú với những ý nghĩ hoài niệm và tâm tình thiêng liêng. Đây là lúc chúng ta chỉ còn lấy đức tin mà gắn bó với Đức Ki-tô trong cơn hấp hối và trong mồ tối. "Hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác" ( Ga 12, 24). Nếu tình trạng khô khan xảy ra vì đức tin của ta thiếu nền tảng vững chắc, vì Lời Chúa đã rơi xuống đá sỏi, chúng ta cần chiến đấu để hoán cải nội tâm.


Đương đầu với những cám dỗ khi cầu nguyện
2732 2609-2089 2092 2074

Cơn cám dỗ thường gặp nhất, được che đậy khéo léo nhất, là thiếu lòng tin. Đây chưa phải là thái độ dứt khoát không tin Chúa, nhưng trong thực tế nghiêng chiều về một cái gì khác. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, chúng ta thấy có trăm ngàn công việc và lo toan, có lẽ cần phải làm ngay, cần phải ưu tiên hơn : một lần nữa, chúng ta thấy rõ lòng mình và sự chọn lựa ưu tiên của mình. Có khi ta chạy đến Thiên Chúa như hy vọng cuối cùng, nhưng liệu ta có thực lòng tin Người không. Có khi chúng ta kêu xin Chúa cứu giúp, nhưng lòng vẫn đầy tự cao. Trong mọi trường hợp, thái độ thiếu lòng tin chứng tỏ chúng ta chưa thực sự khiêm tốn : "Không có Thầy, anh em không làm gì được" (Ga 15,5).


2733 2094, 2559

Tính tự cao còn dẫn đến một cám dỗ khác là sự "nguội lạnh". Các bậc thầy linh đạo coi đây là một hình thức suy nhược do thiếu khổ chế, chểnh mảng canh thức, lơ là đời sống nội tâm. "Tinh thần hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn" (Mt 26, 41). Trèo cao té nặng. Thất vọng, đau khổ là mặt trái của lòng tự cao. Ngược lại, người khiêm tốn không lạ gì về sự khốn cùng của mình, nhờ vậy họ càng thêm lòng trông cậy và kiên trì trong cầu nguyện.


III. LÒNG TIN TƯỞNG CỦA NGƯỜI CON
2734 2629

Lòng tin tưởng của con cái Thiên Chúa sẽ bị thử thách và được chứng thực "khi gặp gian truân" (Rm 5,3-5). Khó khăn lớn nhất xảy ra khi ta khẩn cầu cho chính mình hay chuyển cầu cho người khác. Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin. Ở đây, có hai vấn nạn : Tại sao chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời? Làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được "linh nghiệm", được Thiên Chúa nhận lời ?


Tại sao phàn nàn Chúa không nhận lời?
2735 2779

Nghĩ cũng lạ! Khi ngợi khen hay tạ ơn Thiên Chúa vì các ơn lành Người ban, ta không hề để ý xem những lời đó có đẹp lòng Người hay không; trái lại khi xin gì chúng ta đòi phải được ngay. Vậy chúng ta nghĩ Thiên Chúa là ai khi cầu nguyện : Người là phương tiện để ta sử dụng hay Người là Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta?


2736 2559 1730

Chúng ta có xác tín rằng : "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải"(Rm 8,26). Những điều chúng ta cầu xin Thiên Chúa có đúng là "những ơn lành cần thiết" không ? Cha trên trời biết rõ điều chúng ta cần, trước khi chúng ta xin Người (Mt 6, 8); nhưng Người chờ chúng ta kêu xin Người, vì phẩm giá của con cái Thiên Chúa đòi chúng ta phải có tự do. Vậy chúng ta phải cầu nguyện với Thần khí Tự Do của Người, để có thể thực sự nhận biết ước muốn của Người (Rm 8, 27).


2737

"Anh em không có là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc" (Gc 4, 2-3). Nếu chúng ta cầu xin với một tấm lòng chia năm xẻ bảy như hạng "bất trung" (Gc 4,4), Thiên Chúa không thể nhận lời, vì Người muốn điều tốt lành cho ta, muốn ta được sống. "Hay anh em nghĩ là Lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa : Thần khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta ước muốn đến phát ghen lên ?" (Gc 4,5). Thiên Chúa "phát ghen" vì chúng ta, đó là dấu cho thấy Người thật lòng yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy ước muốn theo Chúa Thánh Thần và chúng ta sẽ được nhậm lời :


"Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin; vì Người muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn nữa, nhờ bạn kiên trì kết hiệp với Người trong cầu nguyện ( x. Evagre, or 34 ) . Người muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Người sẵn lòng ban ". (T. Âu-tinh, ep 130, 8,17 ) .

Làm thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận?
2738 2568 307

Mặc khải về cầu nguyện trong nhiệm cục cứu độ cho biết chúng ta có thể tin vì dựa vào hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Hành động tuyệt vời của Người, cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô đã khơi lên trong chúng ta lòng tin tưởng phó thác của người con thảo. Đối với người Ki-tô hữu, cầu nguyện là cộng tác với Chúa Quan Phòng, với ý định yêu thương Người dành cho nhân loại.


2739 2778

Theo thánh Phao-lô, chúng ta dám tin tưởng như thế ( x. Rm 10,12-13 ) , vì Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng chúng ta và vì Chúa Cha, Đấng đã ban Con Một của Người cho chúng ta ( x. Rm 8, 26-39 ) , hằng trung tín yêu thương ta. Ơn đầu tiên Chúa ban cho người cầu nguyện là tâm hồn họ được biến đổi.



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   54   55   56   57   58   59   60   61   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương