SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang54/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   50   51   52   53   54   55   56   57   ...   68

2502 1156-1162

Nghệ thuật thánh sẽ chân thật và đẹp đẽ, khi hình dạng thích ứng với chủ đích : đó là nhắc nhở chúng ta dùng đức tin và tâm tình thờ phượng để tôn vinh Thiên Chúa siêu việt, Đấng Tuyệt Mỹ vô hình vì là chân lý và tình yêu, đã xuất hiện trong Đức Ki-tô, "Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa" (Dt 1,3), "Nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2, 9). Vẻ đẹp thần linh đã được phản chiếu nơi Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, nơi các thiên thần và các thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến tâm tình thờ phượng, cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, Đấng Thánh Thiện và Thánh Hóa con người.
2503

Vì thế, chính các giám mục, hoặc qua các đại diện, phải lưu tâm cổ võ nghệ thuật thánh, dưới mọi dạng thức cổ truyền cũng như hiện đại, thận trọng, loại trừ khỏi phụng vụ và những nơi thờ phượng những gì không thích hợp với chân lý đức tin và cái đẹp đích thực của nghệ thuật thánh (x.SC 122-127 ).



TÓM LƯỢC
2504

"Ngươi không được làm chứng gian hại người" (Xh 20,16). Các môn đệ của Đức Ki-tô phải "mặc lấy con người mới là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện" (Ep 4,24)
2505

Chân lý hoặc chân thật là nhân đức giúp con người thành thật trong hành vi và lời nói, không gian dối, giả vờ và đạo đức giả.
2506

Người Ki-tô hữu đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa (2Tm 1,8) bằng lời nói cũng như việc làm. Tử đạo là lời chứng cao quý nhất về chân lý đức tin.
2507

Vì phải tôn trọng thanh danh và danh dự của người khác, chúng ta không được nói xấu hay vu khống ai bằng thái độ hay bằng lời nói.
2508

Nói dối là nói sai sự thật với ý định đánh lừa .
2509

Ai lỗi phạm đến chân lý thì buộc phải đền bù.
2510

"Khuôn vàng thước ngọc" giúp chúng ta nhận định trong những trường hợp cụ thể xem có nên hay không nên tiết lộ sự thật cho người muốn biết.


2511

"Bí mật tòa giải tội là bất khả vi phạm" ( x. CIC, can. 983, 1 ). Các bí mật nghề nghiệp phải được giữ kín. Không được tiết lộ những chuyện tâm sự có thể gây hại cho người khác.
2512

Xã hội có quyền được biết những tin tức phổ biến dựa trên chân lý, tự do và công bằng. Khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, những người tiếp nhận phải biết giữ điều độ và kỷ luật.
2513

"Mỹ thuật và nhất là nghệ thuật thánh, tự bản tính, nhằm diễn tả một cách nào đó, vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự tích cực góp phần hướng tâm trí con người sốt sắng về cùng Chúa" (x .SC 122 ).
Mục 9
ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN
"Ngươi không được ham muốn nhà người ta. Ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi nam tớ nữ, con bò, con lừa hay bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17)
"Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5,28).
2514 377,400

Thánh Gio-an phân biệt ba loại thèm muốn hoặc dục vọng : thèm muốn của xác thịt, thèm muốn của con mắt, và lối sống kiêu kỳ ( x. 1 Ga 2,16 ). Theo truyền thống huấn giáo công giáo, điều răn thứ chín cấm chiều theo các dục vọng của xác thịt, điều răn thứ mười cấm thèm muốn của cải kẻ khác.


2515 405

Theo nguyên ngữ, "dục vọng" có thể chỉ mọi hình thức thèm muốn mãnh liệt của con người. Thần học Ki-tô giáo dùng từ này với ý nghĩa đặc biệt là cơn ham muốn của giác quan đi ngược với lý trí. Thánh tông đồ Phao-lô đồng hóa nó với sự nổi loạn của "xác thịt" chống lại "tinh thần" ( x. Gl 5,16; 17,24; Ep 2,3 ). Dục vọng là hậu quả của tội đầu tiên, khi con người không vâng phục Thiên Chúa. Dục vọng làm hỗn loạn các năng lực luân lý con người. Dục vọng tự nó không phải là một tội, nhưng nó hướng con người đến chỗ phạm tội ( x.Công đồng Tren-tô: DS 1515 ).


2516 362 407

Con người là một tổng hợp gồm tinh thần và thể xác, nên trong con người đã sẵn có một sự căng thẳng nào đó, một cuộc chiến đấu giữa các khuynh hướng của "tinh thần" và của "xác thịt". Nhưng thật ra, cuộc chiến đó là di sản của tội lỗi, vừa là hậu quả vừa là một bằng chứng của tội. Đây là kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta về cuộc chiến thiêng liêng :


"Đối với thánh Tông Đồ, vấn đề không phải là khinh thường hay kết án thân xác, vì cùng với linh hồn thiêng liêng, thân xác tạo nên bản tính của con người và nhân cách của mỗi người. Trái lại thánh Tông Đồ nói đến những công việc, hay nói đúng hơn, về những khuynh hướng ổn định tốt hoặc xấu về mặt luân lý là nhân đức hay thói xấu - đây là kết quả của sự tùng phục (trong trường hợp thứ nhất) hoặc trái lại của sự chống đối (trong trường hợp thứ hai) tác động cứu độ của Chúa Thánh Thần. Vì thế, ngài viết : "Nếu chúng ta sống nhờ Chúa Thánh Thần thì hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn đời ta" (Gl 5,25) (FGio-an Phao-lô II, DeV 55 ).
I. THANH LUYỆN TÂM HỒN
2517 368 1809

Tâm hồn là trung tâm của nhân cách luân lý : "Từ trong lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình và tà dâm" (Mt 15,19). Muốn chiến đấu chống lại nhục dục chúng ta phải thanh luyện tâm hồn và sống tiết độ :


“Hãy sống đơn sơ, trong trắng bạn sẽ nên như trẻ thơ không biết đến điều ác đang hủy hoại cuộc sống con người” (Hermas, mand.2,1).
2518 94

Trong mối phúc thứ sáu, Đức Giê-su dạy : "Phúc thay ai có lòng trong sạch ngay thẳng vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa" (Mt 5,8). Những người có "lòng trong sạch ngay thẳng là những người biết dùng trí khôn và ý chí để sống thánh thiện như Thiên Chúa đòi hỏi, đặc biệt trong ba lãnh vực : sống bác ái ( x. 1 Tm.4,3 - 9; 2 Tm 2,22 ), sống khiết tịnh nghĩa là sử dụng tính dục cách ngay chính ( x. 1 Th 4,7; Cl 3,5; Ep 4,19 ), yêu mến chân lý và giữ đức tin chính truyền ( x. Tt 1,15; 1Tm 1,3-4 ; 2Tm 2,23-26 ). Sự tinh tuyền trong tâm hồn, trong thân xác, và trong đức tin gắn liền với nhau.



158

"Người tín hữu phải tin các điều trong kinh Tin Kính; để nhờ tin, họ vâng phục Thiên Chúa; nhờ vâng phục, họ sống tốt lành; nhờ sống tốt lành, họ thanh luyện tâm hồn và nhờ thanh luyện tâm hồn họ hiểu điều mình tin" (T. Âu-tinh ,fid et symb. 10,25).


2519 2548 2819 2501

Thiên Chúa cho những người có "lòng trong sạch ngay thẳng" được ngắm nhìn Thiên Chúa tận mắt và trở nên giống Người ( x. 1Cr 13,12; 1Ga 3,2 ). Sự trong sạch của tâm lòng là điều kiện tiên quyết để được ) thấy Thiên Chúa. Ngay từ bây giờ, người có lòng trong sạch biết nhìn mọi sự )theo cái nhìn của Thiên Chúa, biết đón nhận tha nhân như người "thân cận", biết nhận ra thân xác của mình cũng như của người khác, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là phản ánh của Thiên Chúa tuyệt mỹ.


II. CHIẾN ĐẤU ĐỂ SỐNG TRONG SẠCH
2520 1264

Bí tích Thánh Tẩy thanh luyện chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Nhưng người tín hữu còn phải tiếp tục chiến đấu chống lại nhục dục và những thèm muốn bất chính. Với ân sủng của Chúa, họ sẽ chiến thắng :


2337

- Nhờ nhân đức và ơn khiết tịnh, vì đức khiết tịnh giúp họ biết yêu thương với tấm lòng ngay thẳng và không san sẻ.



1752 - Nhờ ý hướng trong sạch luôn nhắm đến cứu cánh đích thực của con người : nghĩa là, với cái nhìn đơn sơ, họ lo tìm kiếm
1762

- Nhờ cái nhìn trong sáng, bên ngoài và trong lòng, nhờ kiểm soát được tình cảm và trí tưởng tượng, nhờ khước từ mọi vui thú trong những tư tưởng dâm ô lôi kéo ta lìa xa các giới răn của Chúa : "Thấy điều xấu, kẻ ngu si động lòng ham muốn"(Kn 15,5):


2846

- Nhờ kinh nguyện :


"Con cứ tưởng: tự sức mình có thể sống tiết dục được (...) nhưng thực ra con đâu có sức. Con khờ dại nên không biết rằng nếu Chúa không ban ơn, không sống tiết dục được. Con chắc chắn Chúa sẽ ban, nếu con tha thiết kêu cầu và vững tin phó thác nơi Chúa (T. Âu-tinh. tự thuật 6,11,20 )".
2521

Người có tâm hồn trong sạch biết giữ )nết na. Đây là một thành phần của đức tiết độ. Người nết na biết giữ gìn những gì thầm kín của con người, không phơi bày những gì phải giữ kín. Nết na hướng về đức khiết tịnh và diễn tả nét tinh tế của khiết tịnh. Người nết na biết giữ cái nhìn và cử chỉ hợp với phẩm giá của con người và của những tương giao giữa con người với nhau.


2522 2492

Sống nết na, chúng ta bảo vệ được điều huyền nhiệm về con người và tình yêu. Người nết na biết nhẫn nại và điều độ trong quan hệ yêu đương, lo thực hiện đầy đủ các điều kiện của sự dâng hiến và dấn thân vĩnh viễn giữa người nam và người nữ. Nết na chính là đoan trang. Người nết na cẩn thận trong cách ăn mặc, biết im lặng hay dè dặt tránh những tò mò thiếu lành mạnh. Người nết na cũng là người kín đáo.


2523 2354

Chúng ta phải giữ nết na trong tình cảm cũng như thể xác. Chẳng hạn người nết na chống lại việc phơi bày thân xác con người để thỏa mãn thị dục trong quảng cáo, hoặc chống lại việc khai thác bí mật đời tư trên phương tiện truyền thông. Người nết na không chạy theo những quyến rũ của thời trang và các trào lưu tư tưởng thời thượng.


2524

Cách thức giữ nết na thay đổi theo từng nền văn hóa. Tuy nhiên bất cứ ở đâu, nết na vẫn là một linh cảm về phẩm giá thiêng liêng đặc thù của con người. Nết na phát sinh từ ý thức của con người về phẩm giá của mình. Dạy cho trẻ em và thiếu niên nam nữ biết giữ nết na là khơi dậy ý thức tôn trọng nhân phẩm.


2525 2344

Đức thanh sạch ki-tô giáo đòi chúng ta góp phần thanh luyện bầu khí xã hội, phải tôn trọng con người và thận trọng khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Người có tâm hồn trong sạch được giải thoát khỏi tệ nạn dâm ô đang lan tràn và tránh xa những màn trình diễn nhằm thỏa mãn thị dục và trí tưởng tượng không lành mạnh.


2526 1740

Chủ trương sống phóng túng phát xuất từ quan niệm sai lạc về tự do. Muốn có tự do đích thực, điều tiên quyết là con người phải được giáo dục; phải dạy cho người trẻ biết tôn trọng sự thật, các đức tính, phẩm giá luân lý và thiêng liêng của con người.


2527 1204

"Tin Mừng của Đức Ki-tô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống lại và khử trừ những sai lầm và tai họa do sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn luôn đe dọa. Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Những đức tính của mọi thời như được Tin Mừng làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Đức Ki-tô nhờ những ân huệ bởi Trời" (GS 58,4).


TÓM LƯỢC
2528

"Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi"(Mt 5,28).
2529

Điều răn thứ chín dạy chúng ta đừng chiều theo những ham muốn xác thịt hay nhục dục.
2530

Muốn chiến đấu chống lại nhục dục, chúng ta phải thanh luyện tâm hồn và sống tiết độ.
2531

Người có "lòng trong sạch ngay thẳng" sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa, ngay từ bây giờ, họ biết nhìn mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa.
2532

Để thanh luyện tâm hồn, chúng ta phải cầu nguyện, sống khiết tịnh, có ý hướng và cái nhìn trong sáng.
2533

Người có tâm hồn trong sạch, biết giữ nết na, nghĩa là nhẫn nại, đoan trang và kín đáo. Người nết na biết giữ kín những điều thầm kín của mình và của người khác.
Mục 10
ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI
"Ngươi không được ham muốn ... bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17). "Ngươi không được ước ao nhà cửa, đồng ruộng tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta" (Đnl 5,21).
"Của cải anh ở đâu thì lòng anh ở đó" (Mt 6,21).
2534 242 2069

Điều răn thứ mười được tách ra và bổ túc điều răn thứ chín về lòng ham muốn nhục dục, điều răn thứ mười cấm tham của người. Lòng tham là nguồn gốc của trộm cắp, cướp đoạt và gian lận mà điều răn thứ bảy đã cấm. "thèm muốn của con mắt" (1Ga 2,16) đưa đến bạo lực và bất công mà điều răn thứ năm đã cấm ( x. Mk 2,2 ). Tham lam cũng như tà dâm bắt nguồn từ việc sùng bái ngẫu tượng mà ba điều răn đầu đã cấm ( x. Kn 14,12 ). Điều răn thứ mười nhắm vào ý hướng trong lòng, và cùng với điều răn thứ chín, tóm kết tất cả các giới răn trong luật Cựu Ước.


I. CÁC HAM MUỐN BẤT CHÍNH
2535 1767

Khi đói chúng ta thèm ăn, khi lạnh chúng ta mong được sưởi ấm, những ham muốn giác quan này thúc đẩy chúng ta tìm thỏa mãn. Những ham muốn này tự chúng là tốt, nhưng chúng ta thường không giữ mức độ hợp lý nên tham của người.


2536 2445

Điều răn thứ mười cấm ham muốn và ước ao chiếm hữu thái quá của cải thế trần, cấm tham lam vì ham mê của cải và thế lực do của cải đem lại, điều răn này còn cấm ước muốn làm điều bất công hại đến tài sản người khác.


"Khi lề luật dạy : "Chớ tham của người", có nghĩa là đừng ham muốn những gì không thuộc về mình. Vì lòng tham của người không đáy, như sách giảng viên nói : "Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ" (Gv 5,9) ( x. Giáo lý Rô-ma.R.3,37 ).
2537

Điều răn này không cấm chúng ta ước ao có được những gì của người khác, bằng những phương thế chính đáng. Huấn giáo cổ truyền cho thấy, trong thực tế, "những người phải chiến đấu nhiều nhất để chống lại những ham muốn tội lỗi này" và cần được "nhắc nhở phải giữ điều răn này nhất":


"Đó là...những nhà buôn bán mong hàng hóa khan hiếm và đắt đỏ, buồn phiền vì không được độc quyền để mặc sức mua rẻ bán đắt; những kẻ muốn người khác gặp hoạn nạn để thừa cơ thu lợi.... Những thầy thuốc mong cho người ta bệnh tật, những luật gia mong cho có nhiều vụ kiện cáo quan trọng... ( x. Giáo lý Rô-ma 3,37 )
2538 2317 391

Điều răn thứ mười dạy chúng ta không được ganh tị. Khi muốn khuyến giục vua Đa-vít hối lỗi, ngôn sứ Na-than đã thuật chuyện một người nghèo chỉ có một con chiên và thương yêu nó như con mình, và một người giàu tuy có vô số chiên cừu, nhưng tham lam và bắt con chiên của người nghèo ( x. 2 Sm 12,1-4 ). Tham lam và ganh tị có thể đưa tới những việc làm tệ hại nhất ( x. St 4,3-7, 1 V 21,1-29 ) "chính vì quỉ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian (Kn 2,24) :


"Chúng ta đấm đá nhau, chỉ vì ganh tị ... nếu mọi người đều xâu xé nhau như vậy thì thân thể của Đức Ki-tô sẽ ra sao ? Chúng ta đang làm tan nát thân thể của Đức Ki-tô ... chúng ta đang tự xưng là những chi thể của cùng một thân thể, vậy mà chúng ta lại cấu xé nhau như thú rừng ( T. Gio-an Kim Khẩu hom. in 2 Cr 28, 3-4 )".
2539 1866

Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Người ganh tị buồn phiền khi thấy kẻ khác có của cải và ước ao chiếm đoạt. Nếu ai, vì ganh tị, muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, thì mắc tội trọng:


“Thánh Âu-Tinh coi ganh tị là "tội quỷ quái nhất" (x. Giáo lý Công Giáo Rô-ma 4,8 ). "Ganh tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lành"( T.Ghê-gô-ri-ô Cả, 31,45 ).
2540 1829

Kẻ ganh tị thường hay buồn bực nên thiếu đức bác ái, người tín hữu phải nhân hậu thay vì ganh tị. Ganh tị thường do kiêu ngạo, nên người tín hữu phải tập sống khiêm nhường:


"Anh em không muốn Thiên Chúa được tôn vinh nơi anh em sao ? Vậy, hãy vui mừng khi người khác thành công, lúc đó Thiên Chúa sẽ được tôn vinh nơi anh em. Mọi người sẽ nói rằng Thiên Chúa được ca ngợi vì tôi tớ của Người đã thắng được tính ganh tị khi biết vui mừng thấy người khác thành công ( T. Gio-an Kim khẩu 7,3 )".
II. ƯỚC MUỐN NHỮNG ĐIỀU HỢP Ý CHÚA THÁNH THẦN
2541 1718 2764

Thiên Chúa ban lề luật và ân sủng để giúp con người thoát khỏi tính tham lam và ganh tị, khi dạy con người ước ao sự toàn thiện, biết ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần, Đấng làm no thỏa lòng người.


397

Thiên Chúa luôn nhắc nhở con người đề phòng sự quyến rũ của những thứ "ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quí vì làm cho mình được tinh khôn"( St 3,6)


2542 1992

Luật Cựu Ước không đủ sức công chính hóa những người tuân giữ, mà còn đã trở thành công cụ cho "dục vọng" ( x. Rm 7,7 ). Thực tế, "lực bất tòng tâm"(Rm 7,10) cho ta thấy xung đột giữa một bên là luật của Thiên Chúa, "luật của lý trí", một bên là một lề luật khác "giam hãm tôi trong Luật của tội là luật vẫn có trong các chi thể tôi" (Rm 7, 23).


2543 1992

"Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các Ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng) tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế" ( Rm 3,21-22). Từ đó, những tín hữu của Đức Ki-tô "đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá, cùng với các dục vọng và đam mê" (Gl 5,24). Họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn ( Rm 8,14) và ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần (Rm 8,27).


2443-2449

III TINH THẦN NGHÈO KHÓ
2544 544

Đức Giê-su dạy các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi người, đồng thời mời gọi họ từ bỏ mọi sự (Lc 14,33) vì Người và vì Tin Mừng (Mc 8,35). Ít ngày trước khi chịu tử nạn, Người đã đề cao gương bà góa nghèo ở Giê-ru-sa-lem ; trong hoàn cảnh nghèo túng, bà đã cho tất cả những gì để nuôi sống mình (Lc 21,4). Muốn vào Nước Trời không được ham mê của cải.


2545 2013

Mọi tín hữu của Đức Ki-tô "phải lưu ý điều khiển tâm tình mình cho đúng đắn, để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo"( LG 42).


2546 1716

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó"( Mt 5,3). Các mối phúc cho chúng ta biết phải sống thế nào để được hạnh phúc, ân sủng, tốt đẹp và bình an. Đức Giê-su tán dương niềm vui của người nghèo vì Nước Trời đã thuộc về họ ( Lc 6,20) :


“Ngôi Lời gọi "tinh thần nghèo khó" là tinh thần của người tự nguyện sống khiêm nhường và từ bỏ. Thánh tông đồ Phao-lô trình bày gương khó nghèo của Thiên Chúa khi nói : "Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em" ( 2 Cr 8,9) ( T. Ghê-gô-ri-ô thành Nít-sê 1 ).
2547 305

Chúa khóc thương những người giàu có vì họ tìm an ủi ( Lc 6,24) nhờ của cải dư dật; "kẻ kiêu căng tìm quyền lực thế trần, còn người có tinh thần nghèo khó, tìm kiếm Nước Trời" ( T. Âu - Tinh 1,1.3). Ai phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời, được giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai ( Mt 6,25-34 ). Ai tín thác vào Chúa sẽ được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban cho người nghèo : Họ sẽ được thấy hạnh phúc.


IV. TÔI MUỐN THẤY THIÊN CHÚA
2548 2519

Khi ao ước hạnh phúc đích thực, con người được giải thoát khỏi mọi ràng buộc bất chính với của cải trần thế, để cuối cùng được chiêm ngắm nhan thánh Chúa và hưởng hạnh phúc bên Người. "Chúng ta được Thiên Chúa hứa cho chiêm ngắm tôn nhan, đó là hạnh phúc lớn lao nhất. Theo Thánh kinh, thấy cũng đồng nghĩa với được...Ai thấy Thiên Chúa cũng được mọi điều phúc lộc mà người ta có thể nghĩ tưởng ra được ( T.Ghê-gô-ri-ô thành Ni-sê, beat 6 )".


2549 2015

Với ơn Chúa trợ giúp, Dân Thánh còn phải chiến đấu để đạt tới những điều phúc lộc Chúa hứa ban. Để được thấy và ở với Thiên Chúa, Ki-tô hữu phải chế ngự dục vọng, và nhờ ơn Chúa, chiến thắng các quyến rũ của lạc thú và quyền lực.


2550

Trên đường hoàn thiện, Thần Khí và Tân Nương kêu gọi những ai biết lắng nghe ( x. Kh 22,17 ), hãy hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa :



314

"Nơi đó mới có vinh quang đích thực. Nơi đó không ai được khen ngợi vì lầm lẫn hay nịnh bợ, vinh dự đích thực sẽ không trao lầm cho người bất xứng mà bỏ qua kẻ đáng công. Không kẻ bất xứng nào có thể bước vào nơi dành cho người xứng đáng. Nơi đây bình an đích thực sẽ ngự trị, vì không ai cảm thấy bất an với chính mình hay với người khác. Chính Thiên Chúa là phần thưởng cho người đức hạnh, Người là Đấng đã ban nhân đức và hứa ban chính mình làm phần thưởng lớn nhất và cao cả nhất ..."Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân riêng của Ta" (Lv 26,12)...Đây cũng là ý nghĩa của lời thánh Phao-lô : "để Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1Cr 15,28). Chúng ta chiêm ngắm Người vĩnh viễn, yêu mến vô tận, ca tụng khôn nguôi vì Người thỏa mãn mọi khát vọng của chúng ta. Hồng ân này, tình mến này, công việc này, cũng như chính đời sống vĩnh cửu được dành cho mọi người" (FT.Âu-tinh, thành đô thiên quốc ).




TÓM LƯỢC
2551

"Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó" (Mt 6, 21).
2552

Điều răn thứ mười cấm tham lam do ham mê của cải và thế lực đồng tiền.
2553

Ganh tị là buồn phiền vì thấy kẻ khác giàu hơn mình và muốn chiếm đoạt. Ganh tị là một mối tội đầu.
2554

Muốn thắng được tính ganh tị, người tín hữu phải sống nhân hậu, khiêm nhường và phó thác vào Chúa quan phòng.
2555

Người Ki-tô hữu "đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê" (Gl 5, 24). Họ được Thánh Thần hướng dẫn và tuân theo ý muốn của Người.
2556

Để được vào Nước Trời, con người phải dứt bỏ lòng quyến luyến của cải. "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó"(Mt 5, 3).
2557

Khát vọng đích thực của con người : "Tôi muốn thấy Thiên Chúa". Chỉ có "mạch nước mang lại sự sống đời đời" mới thỏa mãn được khát vọng này (Ga 4,14).
Phần Thứ Bốn
VIỆC CẦU NGUYỆN

KITÔ GIÁO

ĐOẠN THỨ NHẤT
KINH NGUYỆN

TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU
2558

Mầu nhiệm đức tin thật là cao cả. Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm đức tin trong kinh Tin Kính (Phần I) và cử hành trong phụng vụ bí tích (Phần II) để đời sống người Ki-tô hữu nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong Chúa Thánh Thần nhằm tôn vinh Thiên Chúa Cha (Phần III). Người tín hữu phải tin, cử hành và sống mầu nhiệm đức tin trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Cầu nguyện giúp người tín hữu sống tương quan này.


CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?
“Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan. (T. Tê-rê-xa Hài đồng, tự truyện)
Cầu nguyện như hồng ân của Thiên Chúa
2559 2613 2736

“Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết (T. Gio-an Đamat, đức tin chính thống ) . Khi cầu nguyện, chúng ta bắt đầu với tâm tình nào ? Với lòng kiêu hãnh và ý riêng ta, hay với tâm tình khiêm nhường và thống hối "thẳm sâu" (Tv130,14)? "Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (x. Lc 18, 14 ) . Khiêm nhường là tâm tình căn bản của cầu nguyện, "vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Rm 8,26). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận được ơn cầu nguyện : trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là kẻ van xin (x. T. Âu-tinh bài giảng 56,6,9. ) .


2560

"Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban !" (Ga 4,10). Bên bờ giếng, nơi chúng ta đến tìm nước, Đức Ki-tô đến gặp từng người và cho thấy điều kỳ diệu của cầu nguyện. Đức Ki-tô tìm chúng ta, trước khi chúng ta tìm Người; và Người xin : "cho tôi chút nước uống". Đức Giê-su khát; lời Người xin phát xuất từ nỗi khát khao sâu thẳm Thiên Chúa dành cho chúng ta. Dù ta biết hay không, kinh nguyện vẫn là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cả hai cùng đang khát. Thiên Chúa khát mong chúng ta khao khát Người (T.Âu-tinh 64, 4).


2561

"... Hẳn chị đã xin và Người đã ban cho chị nước trường sinh" (Ga 4,10). Hóa ra, lời khẩn cầu của chúng ta lại chính là câu trả lời : đáp lại tiếng than trách của Thiên Chúa hằng sống "chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn" (Gr 2,13), tin tưởng đáp lại lời Thiên Chúa tự ý hứa ban ơn cứu độ, yêu mến đáp lại lòng khao khát của Con Một Thiên Chúa.




tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   50   51   52   53   54   55   56   57   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương