SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang53/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   49   50   51   52   53   54   55   56   ...   68

2447 1460 1038 1969.

Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần ( x. Is 58,6-7; Dt 13,3 ). Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ, cũng như tha thứ, nhẫn nhục, chịu đựng là những hành vi bác ái về mặt tinh thần. Công việc từ thiện về mặt vật chất phải kể : cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết ( x. Mt 25, 31-46 ). Trong các hành vi đó, bố thí ( x. Tb 4,5-11; Kn 17,22 ) là một trong những chứng cứ chính yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là hành động đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 6,2-4) :
1004

"Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3,11). "Tốt hơn, hãy bố thí những gì các ngươi có, rồi thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi" (Lc 11,41). "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?" (Gcb 2,15-16; 1 Ga 3,17).


2448 886 1586.

Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức : thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng này là dấu chỉ cho thấy con người sau nguyên tội yếu đuối từ bẩm sinh và cần đến ơn cứu độ. Vì thế, Đức Ki-tô đã chạnh lòng thương xót và mang lấy thân phận khốn cùng của con người và tự đồng hóa với "người bé nhỏ trong các anh em". Ngay từ đầu, Hội Thánh )ưu ái đặc biệt những người cùng khổ để nâng đỡ, bảo vệ và giải phóng họ, mặc dù vẫn có nhiều phần tử đã không làm như vậy. Hội Thánh đã thực hiện điều này qua vô số công cuộc từ thiện mà thời nào và ở đâu cũng không thể thiếu" (x "Libertatis Conscientia" 68 ).
2449 1397

Sách Đệ Nhị Luật khuyến cáo: "Người nghèo không bao giờ vắng bóng trên đất nước. Vì thế, ta truyền cho ngươi: phải mở rộng bàn tay cho người anh em nghèo đói, cùng khổ đang sống trên đất nước của ngươi" (Đnl 15,11). Đáp lại lời khuyến cáo này Cựu Ước đã có những luật như : năm toàn xá, cấm lấy lãi và xiết nợ, nộp thuế thập phân, trả lương công nhật, quyền được mót ở ruộng lúa và vườn nho. Đức Giê-su cũng tuyên bố : "Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có luôn mãi đâu" (Ga 12,8). Và như vậy, Đức Giê-su không giảm nhẹ lời các ngôn sứ xưa kia : "Chúng dùng tiền để mua người cô thân, mua kẻ nghèo bằng giá một đôi dép" (Am 8,6), nhưng mời gọi chúng ta nhận ra Người trong những kẻ nghèo đói là anh em của Người (Mt 25,40).


786

Khi thánh Rô-sa thành Li-ma bị mẹ trách vì đã đem những kẻ nghèo, những bệnh nhân vào nhà, thánh nữ trả lời : "Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh là chúng ta phục vụ chính Đức Giê-su. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giê-su trong anh em" (Vita).


TÓM LƯỢC
2450

"Ngươi chớ trộm cắp" (Đnl 5,19). "Những kẻ trộm cắp, tham lam... cướp bóc sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp" (1 Cr 6,10).
2451

Điều răn thứ bảy truyền phải thực thi công bằng và bác ái khi quản lý của cải trần thế và thành quả lao động.
2452

Thiên Chúa sáng tạo vạn vật cho toàn thể nhân loại. Quyền tư hữu không hủy bỏ quyền chung hưởng những của cải này.
2453

Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp. Trộm cắp là chiếm đoạt tài sản của kẻ khác nghịch lại ý muốn chính đáng của sở hữu chủ.
2454

Mọi hình thức chiếm đoạt hay sử dụng tài sản của kẻ khác cách bất công, đều vi phạm điều răn thứ bảy. Bất công đòi buộc phải đền bù. Công bằng giao hoán buộc phải hoàn trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt.
2455

Luật luân lý nghiêm cấm mọi hành vi nô lệ hóa con người vì lợi nhuận hay độc tài, hoặc mua bán, trao đổi họ như hàng hóa.
2456

Đấng Sáng Tạo đã ban cho con người quyền sử dụng tài nguyên khoáng sản, thực vật và động vật trên thế giới. Nhưng họ phải tôn trọng những trách nhiệm luân lý, đối với cả những thế hệ tương lai.
2457

Thiên Chúa trao cho con người quyền trên các thú vật. Con người phải chăm sóc chúng. Và được sử dụng để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con người.
2458

Trong lãnh vực kinh tế và xã hội, Hội Thánh có quyền lên tiếng khi những quyền căn bản của con người hay ơn cứu độ đòi buộc. Hội Thánh quan tâm đến công ích thuộc lãnh vực trần thế của loài người, bao lâu công ích này qui hướng vào sự thiện hảo tối cao là cùng đích của chúng ta.
2459

Con người là tác giả, trung tâm và cứu cánh của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội. Mấu chốt của vấn đề xã hội là làm thế nào để của cải Thiên Chúa sáng tạo cho mọi người hưởng dùng, được đến tận tay mọi người theo lẽ công bằng và tương trợ bác ái.
2460

Vì con người vừa là tác giả, vừa là mục tiêu của lao động, nên con người là yếu tố quyết định cho giá trị chính yếu của lao động. Qua lao động, con người tham gia vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Lao động có thể có giá trị cứu độ, nếu con người biết kết hợp với Đức Ki-tô.
2461

Phát triển đích thực là phát triển con người toàn vẹn, giúp họ thêm khả năng đáp lại ơn gọi làm người, nghĩa là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
2462

Bố thí là bằng chứng của bác ái huynh đệ và là hành vi công bằng đẹp lòng Thiên Chúa.
2463

Chẳng lẽ chúng ta không nhận ra La-da-rô, người hành khất đói khổ trong dụ ngôn của Đức Giê-su, giữa bao người không cơm áo, không nhà cửa? Chẳng lẽ chúng ta không nghe được tiếng của Đức Giê-su : "Các ngươi đã không làm cho chính Ta?" (Mt 25, 45).
Mục 8
ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
“Ngươi không được làm chứng gian hại người (Xh 20, 16). Các ngươi còn nghe luật dạy người xưa rằng : "Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề đối với Chúa" (Mt 5,33)
2464

Điều răn thứ tám cấm xuyên tạc chân lý trong khi giao tiếp với tha nhân. Qui định luân lý này bắt nguồn từ ơn gọi của Dân Thánh làm chứng nhân cho Thiên Chúa của mình, Đấng là chân lý và muốn có chân lý.

Khi nói hoặc làm điều gì xâm phạm đến chân lý, con người từ chối sống ngay thẳng về luân lý. Làm như vậy là bất trung nặng nề với Thiên Chúa và do đó phá hủy nền tảng của Giao Ước.
I. SỐNG TRONG CHÂN LÝ
2465 215

Cựu Ước chứng nhận : Thiên Chúa là nguồn mạch chân lý. Lời Người là chân lý (x. Cn 8,7; 2 Sm 7,28 ). Luật Người là chân lý (x. Tv 119, 142). "Lòng tín trung Người tồn tại đến muôn đời" (x. Tv 119, 90; Lc 1, 50). Bởi vì Thiên Chúa là "Đấng Chân Thật" (Rm 3,4), nên mọi thành phần Dân Người được mời gọi sống trong chân lý (x. Lc 1,50).


2466 2153

Nơi Đức Giê-su Ki-tô, chân lý của Thiên Chúa được bày tỏ toàn vẹn. Đức Giê-su tràn đầy ân sủng và chân lý (Ga 1,14), là " ánh sáng thế gian"( Ga 8,12), là "sự thật"( x. Tv 119,30). "Ai tin vào Người thì không còn ở trong bóng tối" (Ga 12, 46). Môn đệ của Đức Giê-su"ở trong lời Người", nhờ đó nhận biết "chân lý giải thoát" (Ga 8, 32) và thánh hóa (x. Ga 14,6 ). Bước theo Đức Giê-su là sống nhờ "Thánh Thần chân lý" (Ga 14,17) mà Cha gởi đến nhân danh Người (x. Ga 17,17 ) và Thánh Thần sẽ dẫn đưa đến "chân lý toàn vẹn" (Ga 16,13). Đức Giê-su dạy các môn đệ phải yêu mến chân lý vô điều kiện : Trong lời ăn tiếng nói của anh em, "hễ có thì phải nói có", "không thì phải nói không" (Mt 5, 37).


2467 2104

Tự nhiên, con người hướng đến chân lý. Con người biết mình phải tôn trọng và làm chứng cho sự thật : "Vì có phẩm giá, mọi người được thôi thúc và có bổn phận tìm kiếm chân lý, trước tiên là chân lý về tôn giáo. Họ thấy mình phải tha thiết với sự thật ngay khi nhận biết sự thật và điều chỉnh toàn bộ đời sống theo các đòi hỏi của sự thật" (Ga 14,26).


2468 1458

Khi chân lý được thể hiện trong hành động và lời nói, chúng ta gọi là chân chính, thành thật hoặc thẳng thắn. Chân lý hoặc chân thật là nhân đức giúp con người thành thật trong các hành vi và lời nói, không gian dối, giả vờ, đạo đức giả.


2469 1807

"Người ta sẽ không thể sống chung với nhau được nếu không tín nhiệm nhau, nghĩa là nếu không cho nhau biết sự thật" ( x. DH 2 ). Đức tính chân thật đòi chúng ta cho người khác biết sự thật họ có quyền biết. Người chân thật vừa lương thiện, vừa cẩn mật : nói điều phải nói và giữ kín điều phải giữ kín. Theo đức công bình, "người ta phải sống thành thật với nhau" (T. Tô-ma A-qui-nô, s. th 2-2, 109,3 ).


2470

Người môn đệ Đức Ki-tô chấp nhận "sống trong chân lý", nghĩa là sống đơn sơ và thành thật theo gương mẫu của Chúa. "Nếu chúng ta nói là chúng ta được hiệp thông với Người,mà lại sống trong tối tăm, thì chúng ta nói dối, và không hành động theo sự thật" (1Ga 1,6).


II. " LÀM CHỨNG CHO CHÂN LÝ"
2471 1816

Trước mặt Phi-la-tô, Đức Ki-tô tuyên bố : "Tôi đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật" (Ga 18, 37). Người Ki-tô hữu ), "đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa" (2Tm 1,8). Trong những hoàn cảnh cần phải làm chứng cho đức tin, người Ki-tô hữu phải tuyên xưng không úp mở, theo gương thánh Phao-lô trước mặt các thẩm phán. Người Ki-tô hữu phải cố gắng để "lương tâm không có gì đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa và người ta" (Cv 24,16).


2472 863, 905

Bổn phận tham gia vào đời sống của Hội thánh, thúc đẩy người Ki-tô hữu hành động như những chứng nhân của Tin Mừng và chu toàn những trách vụ phát xuất từ bổn phận ấy. Làm chứng nhân là truyền đạt đức tin bằng lời nói và việc làm. Làm chứng cho đức tin là một việc làm chính đáng để khẳng định hoặc làm cho kẻ khác nhận biết chân lý (x. Mt 18,16):


“Mọi Ki-tô hữu dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng từ lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ bí tích Thánh Tẩy, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức" ( x. AG 11 ).
2473 852 1808 1258

Tử đạo là chết để làm chứng cho chân lý đức tin, nên là lời chứng cao quí nhất. Sống kết hợp với Đức Ki-tô, khi chịu chết, vị tử đạo làm chứng cho Đấng đã chết và đã sống lại. Những vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý Ki-tô giáo bằng cái chết anh hùng. "Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú. Chính nhờ chúng mà tôi sẽ được về với Thiên Chúa" (T. Inhaxiô thành Antiôkia, Rom. 4,1 ).
2474

Hội Thánh hết sức cẩn thận thu thập kỷ niệm về những người đã đi đến tận cùng để làm chứng cho đức tin. Truyện các vị tử đạo là văn khố của Chân Lý được viết bằng máu :



1011

"Những quyến rũ của thế gian và các vương quốc thế trần sẽ chẳng ích gì cho tôi. Đối với tôi, chết (để được kết hợp ) với Đức Ki-tô Giê-su, còn hơn được thống trị cả mặt đất này. Chính Người là Đấng tôi tìm kiếm, Đấng đã chết cho chúng ta. Chính Người là Đấng tôi khao khát, Đấng đã sống lại vì chúng ta. Giờ phút tôi chào đời đã gần kề (T. Inhaxiô thành Antiôkia, Rom 6,1-2 ).


“Con chúc tụng Chúa vì Chúa cho con được hưởng ngày này và giờ này, được kể vào số các vị tử đạo của Chúa... Lạy Thiên Chúa trung tín và chân thật, Chúa đã giữ lời Chúa hứa. Vì ân huệ này và vì tất cả mọi sự, con ngợi khen Chúa, con chúc tụng Chúa, con tôn vinh Chúa nhờ vị Thượng Tế vĩnh hằng trên trời là Đức Giê-su Ki-tô, Con rất yêu dấu của Chúa. Nhờ Người, Đấng luôn ở với Cha và Chúa Thánh Thần, con xin tôn vinh Cha bây giờ và cho đến muôn muôn đời A-men (T. Pôlycapô, mart. 14, 2-3 ) ".
III. NHỮNG XÚC PHẠM ĐẾN CHÂN LÝ
2475

Là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta đã "mặc lấy con người mới, là con người sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện" (Ep 4, 24). Một khi đã cởi bỏ sự gian dối (Ep 4, 25) chúng ta phải "từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói gièm pha" (1 Pr 2,1).


2476 2152

Chứng dối và thề gian. Công khai nói nghịch với sự thật là một lỗi nặng. Trước tòa án, lời nói như thế là chứng dối ( x. Pr 19,9 ). Khi nói dối mà còn thề, thì đó là thề gian. Chứng dối và thề gian sẽ dẫn đến một người vô tội bị kết án hoặc can phạm được gỡ tội hoặc gia tăng hình phạt cho bị cáo (x. Pr 18, 5), làm cho các thẩm phán đi đến những phán quyết lệch lạc.
2477

Vì phải tôn trọng thanh danh của người khác, chúng ta không được có thái độ và lời nói có thể gây hại cho họ ( x. CIC can.220). Chúng ta có lỗi khi :

- Phán đoán hồ đồ, nghĩa là khi không có đủ cơ sở mà minh nhiên hoặc mặc nhiên cho rằng một người có lỗi về luân lý;

- Nói xấu nghĩa là khi không có lý do khách quan chính đáng mà lại tiết lộ những tật xấu và những lỗi lầm của kẻ khác cho những người chưa biết ( x. Kn 21,28 );

- Vu khống tức là khi dùng những lời ngược với sự thật mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cớ cho người ta phán đoán sai lầm về người ấy.


2478

Để tránh phán đoán hồ đồ, chúng ta phải cố gắng cắt nghĩa tốt cho ý nghĩ, lời nói và việc làm của tha nhân :


“Mọi Ki-tô hữu tốt phải sẵn sàng bào chữa cho người khác hơn là lên án. Nếu không bàu chữa được, thì phải hỏi xem người ấy có ý nói gì, nếu người ấy nói sai, thì hãy lấy tình thương mà sửa chữa; và nếu chưa đủ thì tìm mọi phương thế thích hợp để giúp người ấy hiểu được và thoát được sai lầm (T.I-nhã Linh Thao, 22).
2479 1753

Nói xấu và vu khống làm mất thanh danh và danh dự của người khác. Danh dự là bằng chứng xã hội tôn trọng phẩm giá con người, và mọi người tự nhiên có quyền được tôn trọng thanh danh. Do đó, nói xấu và vu khống là phạm đến công bình và bác ái.

2480

Phải loại trừ mọi lời nói hoặc thái độ như nịnh hót, a dua, tâng bốc hoặc lấy lòng để thúc đẩy kẻ khác làm điều xấu và ăn ở đồi bại. Tâng bốc là một lỗi nặng nếu đồng lõa với các thói xấu hoặc các tội nặng. Ý muốn giúp đỡ hoặc tình bạn không biện minh được cho lời nói giả dối. Tâng bốc là một tội nhẹ khi chỉ vì muốn làm vui lòng người khác, tránh một điều xấu, thoát khỏi một tình thế khó khăn hay để đạt được những lợi ích chính đáng.


2481

Khoe khoang hoặc khoác lác là một lỗi nghịch với sự thật. Mỉa mai cũng là tội khi có ý châm biếm một cách cư xử nào đó của người khác để hạ giá họ.
2482 392

"Nói dối là nói sai sự thật, với ý định đánh lừa kẻ khác"(T.Âu-tinh, mend.4,5 ). Chúa Giê-su kết án nói dối như một công việc của ma quỉ "Cha các ngươi là ma quỉ ... vì sự thật không ở trong nó. Khi nói dối là nó nói theo bản tính của nó, vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối" (Ga 8,44).
2483

Khi nói dối người ta trực tiếp xúc phạm đến chân lý. Nói dối là nói hay hành động nghịch với chân lý để lừa gạt. Nói dối làm hại đến tương quan giữa con người với chân lý và con người với nhau, nên kẻ nói dối xúc phạm đến tương quan nguyên thủy giữa con người và lời nói của con người với Chúa.


2484 1750

Tội nói dối nặng hay nhẹ tùy theo mức độ làm sai lạc chân lý, tùy theo các hoàn cảnh và ý định của kẻ nói dối, tùy theo những thiệt hại mà nạn nhân của nó phải hứng chịu. Ngay cả khi nói dối chỉ là tội nhẹ, cũng trở thành tội trọng nếu vi phạm nặng nề đến công bình và bác ái.


2485 1756

Tội nói dối bao giờ cũng là điều phải lên án, vì làm mất giá trị lời nói trong khi lời nói có nhiệm vụ truyền thông cho kẻ khác chân lý mình đã biết. Lời nói cố ý lừa gạt kẻ khác, là lỗi phạm đến công bằng và bác ái. Tội này càng nặng hơn khi có nguy cơ gây ra những hậu quả tai hại cho người bị lừa gạt.


2486 1607

Nói dối vì xúc phạm đến đức tính chân thật, thực sự là một hành vi thô bạo đối với kẻ khác, xâm phạm đến khả năng nhận thức là điều kiện để họ phán đoán và quyết định. Nói dối gây chia rẽ giữa người với người và mọi tệ hại do chia rẽ mà ra. Nói dối là tai họa cho mọi xã hội, làm cho người ta không còn tin tưởng nhau và phá hoại những mối tương giao trong xã hội.


2487 1459 2412

Ai lỗi phạm đến công bình và chân lý, đều phải đền bù, dù đã được thứ tha. Khi không thể đền bù cách công khai, thì phải làm kín đáo; nếu không thể đền bù cách trực tiếp cho người bị hại, thì phải đền bù về tinh thần vì đức bác ái. Ai lỗi phạm đến thanh danh kẻ khác, cũng phải đền bù như thế. Phải đền bù tinh thần và đôi khi về mặt vật chất, tương xứng với thiệt hại đã gây ra. Đây là nghĩa vụ lương tâm.


IV. TÔN TRỌNG CHÂN LÝ
2488 1740

Con người có quyền được thông truyền chân lý nhưng không phải vô điều kiện. Ai cũng phải sống phù hợp với luật bác ái huynh đệ của Tin Mừng. Vì thế, trong những hoàn cảnh cụ thể, giới luật này đòi hỏi mỗi người phải suy xét xem có nên hay không nên tỏ bày sự thật theo yêu cầu.


2489 2284

Vừa phải giữ đức ái huynh đệ vừa phải tôn trọng chân lý, nên chúng ta phải thận trọng trước những yêu cầu trình bày sự thật. Vì lợi ích và an toàn của tha nhân, vì tôn trọng đời tư và công ích, chúng ta có thể giữ bí mật hay nói tránh đi. Bổn phận tránh gây gương xấu buộc chúng ta phải hết sức thận trọng. Không ai bị bắt buộc phải nói sự thật cho người không có quyền được biết ( x. Hc 27,16; Pr 25,9-10 ).


2490 1467

Bí mật toà giải tội là thánh thiêng và không được tiết lộ vì bất kỳ lý do nào. "Bí mật toà giải tội là bất khả vi phạm; do đó tuyệt đối cấm linh mục giải tội tiết lộ về hối nhân bất cứ điều gì, bằng lời nói hoặc một cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì ( x. CIC, can 983,1 )".
2491

Những bí mật nghề nghiệp - ví dụ của các nhà chính trị, quân nhân, y sĩ, luật gia - hoặc chuyện tâm sự được yêu cầu giữ kín, phải được giữ bí mật trừ trường hợp ngoại lệ nếu việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người đã nói ra, hoặc cho người đã tiếp nhận hoặc cho một đệ tam nhân, những thiệt hại nặng nề và chỉ có thể tránh được khi nói sự thật. Dù không buộc phải giữ kín, không được tiết lộ những chuyện riêng tư có thể gây tổn hại cho tha nhân, trừ khi có lý do hệ trọng và tương xứng.
2492 2522

Chúng ta phải tôn trọng bí mật đời tư của người khác. Ai có trách nhiệm về các phương tiện thông tin khi phục vụ công ích vẫn phải tôn trọng cách tương xứng các quyền lợi của cá nhân. Phải lên án việc ngành thông tin xen vào đòi tư của những người hoạt động chính trị hoặc được công chúng biết đến, nếu xâm phạm đến cuộc sống riêng tư và sự tự do của họ.


V. SỬ DỤNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
2493

Trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội giữ một vai trò quan trọng trong lãnh vực thông tin, phát huy văn hóa và đào tạo con người. Vai trò này lớn dần theo các tiến bộ kỹ thuật theo lượng thông tin phong phú và đa dạng cũng như theo ảnh hưởng trên công luận.


2494 1906

Các phương tiện truyền thông phải phục vụ công ích ( x. IM 11 ). Xã hội có quyền được biết những tin tức phổ biến dựa trên sự thật và tự do, công bằng và tình liên đới.


"Việc thực thi đúng đắn quyền nầy đòi việc truyền thông phải luôn xác thực khi trình bày nội dung và phải đầy đủ mà vẫn giữ được công bình và bác ái; ngoài ra, cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là cả trong việc săn tin và loan tin, tuyệt đối phải tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá của con người" (IM 5).
2495 906

"Mọi thành phần của xã hội cần phải chu toàn bổn phận công bình và bác ái của mình, ngay cả trong lãnh vực này; do đó, họ phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để cố gắng tạo ra và truyền bá những dư luận lành mạnh" ( x. IM 8 ). Tình liên đới phải là thành quả của một nền thông tin chân thật và công bình, và của việc tự do trao đổi ý kiến, nhờ đó người ta hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.


2496 2525

Những phương tiện truyền thông xã hội (đặc biệt những phương tiện thông tin đại chúng) có thể làm cho những người tiếp nhận trở nên thụ động, thiếu cảnh giác đối với nội dung và hình ảnh được phổ biến. Bởi vậy, những người tiếp nhận phải giữ điều độ và kỷ luật đối với những nguồn thông tin đại chúng. Họ phải tạo cho mình một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng, để có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện.


2497

Vì bổn phận nghề nghiệp, những người có trách nhiệm thông tin, khi phổ biến tin tức phải phục vụ chân lý nhưng không được lỗi phạm đức bác ái. Họ cũng phải để tâm vừa tôn trọng bản chất các sự kiện vừa tôn trọng những giới hạn khi phê bình người khác. Không bao giờ được bôi nhọ người khác.


2498 2237 2286

"Vì công ích, chính quyền có trách nhiệm đặc biệt đối với những phương tiện truyền thông. Chính quyền phải bênh vực và bảo vệ sự tự do đích thực và đúng đắn trong việc thông tin ( x. IM 12 ). "Bằng cách ban hành luật lệ và thi hành nghiêm chỉnh, chính quyền phải bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông không bị lạm dụng để gây thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và cho những tiến bộ của xã hội ( x. IM 12 ). Chính quyền phải trừng phạt kẻ vi phạm thanh danh và bí mật đời tư của người khác. Chính quyền phải thông báo kịp thời và đúng đắn những thông tin liên hệ đến lợi ích của đại chúng hoặc giải đáp những bận tâm chính đáng của dân chúng. Không gì có thể biện minh cho việc dùng những phương tiện truyền thông đưa ra những thông tin sai lạc để lèo lái dư luận; làm như vậy là xâm phạm đến tự do của cá nhân và các nhóm.


2499 1903

Luân lý kết án các nhà nước độc tài xuyên tạc chân lý một cách có hệ thống, dùng các phương tiện truyền thông để khống chế dư luận về chính trị, "giật dây" những bị cáo và nhân chứng trong các vụ án công khai, tưởng rằng có thể củng cố ách chuyên chế bằng cách ngăn chặn và đàn áp những người "bất đồng quan điểm".


VI. CHÂN LÝ, THẨM MỸ VÀ NGHỆ THUẬT THÁNH
2500 1864 341 2189

Khi làm điều thiện, con người có được niềm vui tinh thần và nét đẹp luân lý. Cũng thế, chân lý đem lại niềm vui và cái đẹp tinh thần. Chân lý tự mình đã đẹp. Lời nói chân thật là cách diễn tả theo lý trí của nhận thức về thực tại được Thiên Chúa sáng tạo cũng như về chính Thiên Chúa; sự chân thật này rất cần thiết cho con người có lý trí. Con người diễn tả chân lý bằng nhiều hình thức khác nhau, bổ túc cho nhau, nhất là khi phải nói lên điều không thể diễn tả bằng lời : những gì sâu thẳm của lòng người, những tâm tình siêu vượt của linh hồn và mầu nhiệm Thiên Chúa. Trước khi tự mặc khải cho con người bằng lời chân lý, Thiên Chúa đã tỏ mình qua ngôn ngữ phổ quát của công trình sáng tạo lao động, tác phẩm của Lời và Đức Khôn Ngoan của Người, qua trật tự và sự hài hòa của vũ trụ mà cả trẻ thơ lẫn nhà khoa học đều khám phá được (Kn 13,5) "vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp ta nhận ra Đấng Tạo Thành" (Kn 13, 3).


"Vì chính Đấng Sáng Tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp" (Kn 13,3). Đức Khôn Ngoan tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố. Đức Khôn Ngoan phản chiếu Ánh Sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người" (Kn 7,25-26). "Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh t ú, so với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa, bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước, còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi"(Kn 7,29-30). "Vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm" ( Kn 8,2).
2501 339

"Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa" (St 1, 26), con người diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật là một hình thức diễn tả đặc trưng của con người, vượt lên trên nhu cầu kiếm sống mà con người có chung với các sinh vật khác. Nghệ thuật là sự tràn đầy thoải mái của những nội tâm phong phú, phát sinh từ một tài năng được Đấng Sáng Tạo phú ban, và từ cố gắng của chính con người. Nghệ thuật là một dạng thức khôn ngoan thực tiễn, kết hợp trí thức với kỹ năng (Kn 7, 17) để tạo dáng cho chân lý của một thực tại, bằng ngôn ngữ phù hợp với giác quan. Nghệ thuật có phần giống như hoạt động của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, bao lâu được khởi hứng từ sự thật về vạn vật và tình yêu đối với chúng. Như mọi hoạt động khác của con người, nghệ thuật không tìm cứu cánh tuyệt đối nơi chính mình, nhưng được định hướng và trở nên cao quí nhờ cùng đích của con người (Piô XII, diễn văn ngày 25-12-1955 và 3-9-1950 ).



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   49   50   51   52   53   54   55   56   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương