SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang25/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   ...   68

IV. HỎA NGỤC
1033 1861 393 633.

Chúng ta không thể kết hiệp với Thiên Chúa, nếu không tự nguyện yêu mến Người. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Người, nếu chúng ta phạm tội trọng phản nghịch Người, ngược lại lợi ích của người khác và chính mình : "Kẻ không yêu thương thì còn ở trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không một kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó" (1Ga 3,15). Chúa Giê-su cảnh cáo : chúng ta sẽ bị tách xa Người, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn là anh em của Người (x. Mt 10,28). Chết mà còn mang tội trọng, không hối cải, không đón nhận tình yêu nhân hậu của Chúa có nghĩa là phải xa cách Người đời đời, vì chính chúng ta đã tự do lựa chọn. "Hỏa ngục" chính là tình trạng con người dứt khoát tự loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và chư thánh.


1034.

Chúa Giê-su thường nói về "hỏa ngục", về "lửa không hề tắt" (x.Mt 5,22.29;13,42.50; Mc 9,43-48), dành cho những ai đến chết vẫn không tin và không chịu hoán cải. Họ sẽ mất cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục (x.Mt 10,28). Chúa Giê-su đã nghiêm khắc cảnh cáo: "Con Người sẽ sai sứ thần của mình tập trung mọi kẻ gian ác... mà quăng chúng vào lò lửa"(Mt 13,41-42). Người tuyên án : "Quân bị nguyền rủa kia hãy đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời" (Mt 25, 41).

1035 393
Hội Thánh dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời. Ngay sau khi chết, linh hồn kẻ còn mắc tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình "lửa đời đời" (x.DS 76; 409; 411; 801; 858; 1002; 1351; 1575; SPF 12). Vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được sự sống và hạnh phúc hằng khao khát, nên cực hình chính của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa.
1036 1734 1428.

Những điều Kinh Thánh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời gọi con người phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời; đồng thời thúc giục chúng ta ăn năn hối cải : "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường rộng thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy" (Mt 7,13-14) :

"Vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần gian chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt vào số người được chúc phúc (x.Mt 25,31-46), chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười biếng (x.Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (x.Mt 25,41), vào chốn tối tăm, nơi khóc lóc và nghiến răng" (LG 48).
1037 162 1014-1821.

Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục (x.DS 397; 1567). Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Đấng "không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải" (2 Pr 3,9) :


"Đây là lễ vật của chúng con là tôi tớ Cha và cũng là lễ vật của toàn thể gia đình Cha nữa, cúi xin Cha vui lòng chấp nhận. Xin an bài cho chúng con ở đời này được hưởng bình an của Cha. Xin cứu chúng con khỏi án phạt đời đời và thâu nhận chúng con vào số những người được Cha tuyển chọn" (Sách lễ Rô-ma, lễ qui Rô-ma 88).
678-679

V. PHÁN XÉT CHUNG
1038 1001,998.

Phán xét chung sẽ diễn ra ngay sau khi mọi người đã chết được sống lại, "người công chính cũng như kẻ có tội" (Cv 24,15) sống lại. Đó sẽ là "giờ các kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người Con và sẽ ra khỏi đó : ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5,28-29). Khi Con Người "vinh hiển quang lâm, có toàn thể thiên sứ theo hầu... Các dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái... Thế là bọn này sẽ phải ra đi vào chốn cực hình muôn kiếp, còn những người công chính sẽ được lên hưởng phúc trường sinh" (x. Mt 25,31.32.46).


1039 678.

Khi đối diện với Đức Ki-tô Đấng là Chân Lý, quan hệ của từng người với Thiên Chúa sẽ được phơi bày rõ ràng (x.Ga 12,49). Phán xét chung sẽ cho thấy rõ những việc lành mỗi người đã làm hoặc đã bỏ qua khi còn sống ở trần gian, cả đến những hậu quả sâu xa của chúng :


"Những việc xấu kẻ dữ đã làm đều bị ghi nhận, dù họ không hay biết. Ngày đó "Thiên Chúa sẽ không còn làm thinh nữa" (Tv 50,3) ... Người quay sang kẻ dữ và nói với họ : "Vì các ngươi, Ta đã đặt trên trần gian những người nghèo hèn yếu đuối. Ta là Đầu của họ, đang ngự trị bên hữu Cha Ta trên Trời, nhưng dưới đất các chi thể của Ta phải đói khổ. Nếu các ngươi đã cho các chi thể của Ta, thì cái các ngươi cho, đã lên đến tận trên Đầu. Khi Ta đặt những người nghèo khó dưới đất là để làm tùy phái mang những việc tốt lành của các ngươi vào kho của Ta: vì các ngươi đã không cho họ gì cả, nên các ngươi không có gì trong nhà Ta" (x.T.Âu-tinh, bài giảng 18,4,4).
1040 637 314.

Phán xét chung sẽ diễn ra khi Đức Ki-tô quang lâm. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Người quyết định khi nào sự kiện này sẽ xảy ra. Người sẽ dùng Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô để ra phán quyết chung thẩm về toàn bộ lịch sử. Bấy giờ chúng ta sẽ thông hiểu ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình sáng tạo, mầu nhiệm cứu độ và những con đường kỳ diệu Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Phán xét chung cho ta thấy Chúa công chính sẽ chiến thắng mọi bất chính của thụ tạo và tình yêu của Người mạnh hơn sự chết (Dc 8,6).


1041 1432 2854.

Sứ điệp về phán xét chung mời gọi con người sám hối, trong khi Thiên Chúa còn cho "thời gian thi ân, thời gian cứu độ" (2 Cr 6,2). Sứ điệp này nhắc nhở chúng ta kính sợ Thiên Chúa, khuyến khích ta dấn thân cho sự công chính của Nước Trời, loan báo "niềm hy vọng hồng phúc" (Tt 2,13), ngày Đức Giê-su ngự đến "để được tôn vinh giữa Dân Thánh của người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin" (2 Tx 1,10).


VI. HY VỌNG SẼ THẤY TRỜI MỚI ĐẤT MỚI
1042 769 670.

Nước Thiên Chúa sẽ viên mãn trong ngày tận thế. Sau phán xét chung, những người công chính, được vinh thăng cả hồn lẫn xác để hiển trị muôn đời với Đức Ki-tô và toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới :


Bấy giờ, Hội Thánh "kết thúc trong vinh quang trên trời, khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được canh tân và đạt tới viên mãn trong Chúa Ki-tô" (LG 48).
1043 671 280 518.

Kinh Thánh gọi nhân loại và thế giới được canh tân cách huyền diệu này là "Trời Mới và Đất Mới" (2 Pr 3,13) (x. Kh 21,1). Khi ấy ý định "qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô" (Ep 1,10) của Thiên Chúa sẽ được thành tựu.


1044.

Thiên Chúa sẽ ngự giữa loài người trong "vũ trụ mới" này ( Kh 21,5) tức là thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc. "Người sẽ lau sạch nước mắt họ : sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ, vì những điều cũ đã biến mất" ( Kh 21,4) (x. Kh 21,27).


1045 775 1404.

Về phần con người, đó là lúc nhân loại hoàn toàn hiệp nhất như Thiên Chúa đã định từ tạo thiên lập địa, mà Hội Thánh lữ hành là "bí tích", sẽ được thực hiện trong cuộc viên mãn này (x. LG 1). Những kẻ được kết hợp với Đức Ki-tô tạo thành cộng đoàn những người được cứu chuộc, Thành Thánh của Thiên Chúa (Kh 21,2), "Hiền Thê của Con Chiên" (Kh 21,9). Cộng đoàn này sẽ không còn mang thương tích của tội lỗi nhơ bẩn (x. Kh 21,27), ích kỷ từng hủy diệt hoặc gây tổn thương cho cộng đồng nhân loại dưới thế. Việc hưởng nhan thánh Chúa sẽ là nguồn hạnh phúc, bình an và hiệp thông bất tận cho những người được tuyển chọn, vì Thiên Chúa tự ban trọn vẹn cho họ.
1046

Về phần vũ trụ, Mặc Khải xác nhận nhân loại và thế giới vật chất có chung một vận mệnh :
349.

"Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người ... hy vọng có ngày mình cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, ... Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa cứu chuộc thân xác chúng ta" (Rm 8,19-23).


1047.

Thiên Chúa đã tiền định vũ trụ hữu hình cũng phải biến đổi "để cho thế giới khôi phục lại tình trạng ban đầu, không gây bất kỳ trở ngại nào để phục vụ người công chính", và vũ trụ này cùng được vinh quang với họ trong Đức Giê-su Phục Sinh (T. I-rê-nê, chống lạc giáo 5,32,1).


1048 673.

"Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế giới lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi ước vọng an bình trào dâng trong lòng con người" (GS 39,1).
1049 2820.

"Sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự mở rộng Vương Triều Chúa Ki-tô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn" (GS 39,2).


1050 1709 260.

"Bởi vì tất cả những thành quả tuyệt hảo của bản chất và tài năng chúng ta, mà chúng ta đã tạo nên khắp địa cầu theo mệnh lệnh của Chúa và trong Thánh Thần Người, chúng ta sẽ nhận chúng lại sau này nhưng chúng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, khi Chúa Ki-tô trao lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng" (x. GS 39,3; LG 2). Trong cuộc sống vĩnh cửu, Thiên Chúa "có toàn quyền trên muôn loài" (1Cr 15,28) :


Chúa Cha là sự sống đích thực và trường tồn. Qua Chúa Con và trong Thánh Thần, Người đã ban những hồng ân thiên quốc cho vạn vật. Do lòng nhân từ, Người cũng hứa ban không sai chạy cho chúng ta đời sống vĩnh cữu (x.T. Si-ren-lô thành Giêrusalem, minh hoạ giáo lý 18,29).
TÓM LƯỢC
1051. Ngay sau khi qua đời, mỗi người nhận lãnh phần thưởng phạt đời đời, trong một cuộc phán xét riêng do Đức Ki-tô, Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết.
1052. "Chúng tôi tin là linh hồn của tất cả những ai đã chết trong ơn nghĩa của Đức Ki-tô ... đều thuộc về Dân Thiên Chúa. Cái chết sẽ hoàn toàn bị đánh bại, trong ngày Phục Sinh, ngày linh hồn tái hợp với thân xác "(SPF 28).
1053. "Chúng tôi tin rằng đông đảo các linh hồn tụ tập chung quanh Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a trên thiên đàng, họp thành Hội Thánh trên trời. Ở đó trong hạnh phúc đời đời, họ được diện kiến Thiên Chúa. Ở đó theo cấp độ khác nhau, họ được nhập đoàn các thiên thần, cùng hiển trị với Đức Ki-tô trong vinh quang, nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta trong tình huynh đệ" (SPF 29).
1054. Những ai chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù đã chắc chắn được ơn cứu độ muôn đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết trước khi vào hưởng niềm vui của Thiên Chúa.
1055. Do mầu nhiệm "Các Thánh Hiệp Thông", Hội Thánh phó thác người quá cố cho Thiên Chúa từ bi và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong Thánh Lễ.
1056. Theo gương Đức Ki-tô, Hội Thánh luôn nhắc nhở tín hữu về "thực tế u buồn và bi thảm của cái chết đời đời" (x. DCG 69) còn gọi là "hỏa ngục".
1057. Hình phạt chính của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa; vì chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm được sự sống và hạnh phúc, là cùng đích và khát vọng của mình.
1058. Hội Thánh cầu nguyện để không ai bị hư mất : "Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con lìa xa Chúa". Thực ra không ai có thể tự cứu lấy mình được, nhưng "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ" (1 Tm 2,4) và đối với Người "mọi sự đều có thể được" (Mt 19,26).
1059. "Hội Thánh Rô-ma tin và tuyên xưng vững vàng rằng, đến ngày phán xét chung, tất cả mọi người sẽ trình diện với chính thân xác mình trước tòa Đức Ki-tô, để trả lẽ về những hành vi của mình" (DS 859; x.DS 1549).
1060. Nước Thiên Chúa sẽ viên mãn trong ngày tận thế. Sau phán xét chung, những người công chính được vinh thăng cả hồn lẫn xác để hiển trị muôn đời với Đức Ki-tô, và toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới. Trong cuộc sống vĩnh cửu, Thiên Chúa có "toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15,28).

A-MEN"__1061'>"A-MEN"

1061 2856.

Kinh Tin Kính, cũng như quyển cuối cùng của Thánh Kinh (x.Kh 22,21), kết thúc với từ Híp-ri "A-men". Chúng ta thường gặp từ này ở cuối các kinh nguyện của Tân Ước. Hội Thánh cũng chấm dứt các kinh nguyện của mình bằng "A-men".


1062 214.

Trong tiếng Hipri, từ A-men có cùng gốc với từ "tin", biểu thị sự vững bền, sự tin cậy được, sự trung tín. Vì thế, từ "A-men" có thể nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta và sự tin cậy của chúng ta đối với Người.


1063 215 156.

Trong sách ngôn sứ I-sai-a, chúng ta thấy có thuật ngữ "Thiên Chúa chân lý," dịch sát chữ là "Thiên Chúa của A-men", nghĩa là Thiên Chúa trung tín với lời hứa : "Trên trần gian, ai muốn được chúc phúc, thì cũng muốn được Thiên Chúa của A-men chúc phúc" ( Is 65,16). Chúa Giê-su thường dùng từ "A-men" (x.Mt 6,2.5.16), đôi khi lặp lại thành hai lần để nhấn mạnh (x.Ga 5,19) điều Người dạy là đáng tin, thẩm quyền của Người dựa trên sự chân thật của Thiên Chúa.



1064 179,2101.

Từ "A-men" ở cuối kinh Tin Kính lặp lại và xác nhận hai chữ đầu : "Tôi tin". Tin là thưa "A-men" đối với lời Chúa, lời hứa, giới răn của Thiên Chúa, cũng là phó thác trọn vẹn vào Đấng là "A-men" của tình yêu vô tận và của sự trung tín tuyệt hảo. Như thế, đời sống hằng ngày của Ki-tô hữu là tiếng thưa "A-men" cho câu tuyên xưng "Tôi tin" khi nhận bí tích Thánh Tẩy :


Con phải coi kinh Tin kính là gương soi. Hãy ngắm nhìn con trong đó: để xem con có thực sự tin tất cả những gì con tuyên xưng không. Hằng ngày hãy vui mừng vì con đã tin (x. T.Âu-tinh bài giảng 58,11,13).
1065.

Chính Chúa Giê-su Ki-tô là "A-men" (Kh 3,14). Người là "A-men" chung cuộc của tình yêu Chúa Cha đối với chúng ta; Người thay chúng ta và cùng chúng ta thưa "A-men" với Chúa Cha : "Quả thật, Chúa Ki-tô là "A-men" của mọi lời Thiên Chúa hứa. Vì thế cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa (2 Cr 1, 20) :


Chính nhờ Đức Ki-tô,

cùng với Đức Ki-tô

và trong Đức Ki-tô

hiệp nhất với Chúa Thánh Thần,

mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha

là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời.



A-MEN.

Phần Thứ hai
CỬ HÀNH

MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO

Tại sao có Phụng Vụ ?
1066 50 236.

Trong kinh Tin Kính, Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và ý định nhân từ của Người (Ep 1,9) về công trình sáng tạo : Chúa Cha hoàn tất "mầu nhiệm của Thánh Ý"bằng cách trao ban Con Một Yêu Dấu và Thánh Thần để cứu độ nhânloại và tôn vinh Thánh Danh. Đó chính là mầu nhiệm Chúa Ki-tô(x. Ep 3,4 ) được mặc khải và thực hiện trong lịch sử, theo một chương trình, một sự xếp đặt khôn ngoan mà thánh Phao-lô gọi là "mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài" (Ep 3,9) và truyền thống các giáo phụ gọi là "nhiệm cục của Ngôi Lời Nhập Thể" hay "nhiệm cục cứu độ".


l067 571.

"Công trình cứu chuộc nhânloại và tôn vinh Thiên Chúa cách trọn hảo này đã được tiên báo trong Cựu Ước, qua những kỳ công vĩ đại của Chúa; nay đượcChúa Ki-tô hoàn tất nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của cuộc khổ nạn hồng phúc, sống lại từ cõi chết và lên Trời vinh hiển của Người; nhờ đó, "Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống"."(x. SC 5). Vì vậy, trong Phụng Vụ, điều chính yếu Hội Thánh cử hành là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Đức Ki-tô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.



1068.

Trong Phụng Vụ, Hội Thánh loan truyềnvà cử hành mầu nhiệm Chúa Ki-tô, để các tín hữu sống và làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới :


"Nhờ Phụng Vụ, nhất là trong Thánh Lễ, "công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện". Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu, qua cuộc sống mình, diễn tả và biểu lộ cho người khác mầu nhiệm Chúa Ki-tô vàbản tính đích thực của Hội Thánh chân chính"(x. SC 2 ).
Danh từ Phụng Vụ có nghĩa gì ?
1069.

Danh từ "Phụng Vụ", theo nguồn gốc, có nghĩa là "việc công khai", "việc do dân và vì dân". Theo truyền thống Ki-tô giáo, danh từ này muốn nói : "Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa"(x. Ga 17,4). Qua Phụng Vụ, Đức Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu chuộc trong Hội Thánh, với Hội Thánh và qua Hội Thánh.


1070 783.

Tân Ước sử dụng từ "Phụng Vụ" không những để chỉ nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa (x. Cv 13,2; Lc 1,23), mà còn nói lên việc rao giảng Tin Mừng(x. Rm 15,16; Pl 2,14-17.30) và việc thực thi đức ái. Trong mọi trường hợp, Phụng Vụ nhắm đến hai mục tiêu rõ ràng : phục vụ Thiên Chúa và con người. Trong cử hành Phụng Vụ, Hội Thánh là nữ tỳ tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả, theo gương Chúa của mình là "vị lo việc tế tự "(x. Dt 8,2 và 6) duy nhất :

"Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giê-su Ki-tô; trong đó, công cuộc thánh hóa con người đượcbiểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệụ cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người. Do đó, vì là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh nên mọi cử hành Phụng Vụ đều là hành vi chí thánh, và không có một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (SC 7).
Phụng Vụ như nguồn mạch của Sự Sống
1071 1692.

Phụng Vụ là công trình của Đức Ki-tô, nhưng cũng là hành động của Hội Thánh Người, thực hiện và biểu lộ Hội Thánh như dấu chỉ hữu hình về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người nhờ Đức Ki-tô. Phụng Vụ dẫn đưa các tín hữu vào Sự Sống mới trong cộng đoàn. Phụng Vụ đòi hỏi họ tham dự "một cách ý thức, linh động và hữu hiệu" tất cả nghi lễ (SC 11).


1072.

"Phụng Vụ chưa phải là tất cả hoạt động của Hội Thánh"(x. SC 9). Trước khi tham dự Phụng Vụ, con người cần được rao giảng Tin Mừng, cần có đức tin và hoán cải. Lúc đó, nhờ Phụng Vụ họ mới nhận được những hoa quả tốt đẹp trong đời sống tín hữu : sự sống mới trong Chúa Thánh Thần, dấn thân vào sứ mạng của Hội Thánh và phục vụ cho sự hiệp nhất Hội Thánh.


Kinh nguyện và Phụng Vụ
1073 2558.

Phụng Vụ còn là tham dự vào kinh nguyện của Chúa Ki-tô dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Mọi kinh nguyện Ki-tô giáo đều bắt nguồn nơi Phụng Vụ và kết thúc với Phụng Vụ. Nhờ Phụng Vụ, con người nội tâm được bén rễ sâu và được xây dựng(x. Ep 3,16-17), trong "tình yêu lớn lao Chúa Cha dành cho chúng ta" (Ep 2,4) trong Con Yêu Dấu của Người. Đóchính là "kỳ công Thiên Chúa" thực hiện trong Chúa Thánh Thần (x. Ep 6,18) nơi tâm hồn các tín hữu qua kinh nguyện "ở mọi thời đại".


Huấn giáo và Phụng Vụ
1074.

"Mọi hoạt động của Hội Thánh đều hướng tới tột đỉnh là Phụng Vụ; đồng thời, mọi năng lực của Hội Thánh đều phát xuất từ Phụng Vụ(x. SC 10). Do đó, Phụng Vụ là nguồn đặc biệt của Huấn giáo. "Huấn giáo phải liên kết chặt chẽ với mọi hoạt động Phụng Vụ và Bí Tích. Chính trong các bí tích, nhất là trong thánh lễ, Đức Giê-su Ki-tô hoạt động cách trọn vẹn nhất để biến đổi con người " (J.P II, CT. 23).


1075 426 774.

Huấn giáo dựa theo Phụng Vụ nhằmđưa con người vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô (tức là giáo huấn khai tâm Ki-tô giáo), dẫn từ hữu hình tới vô hình, từ dấu chỉ tới thực tại, từ các bí tích tới các mầu nhiệm. Các sách giáo lý của địa phương và của miền phải hướng tới một huấn giáo như thế. Nhằm phục vụ toàn Hội Thánh, dù có những nghi thức và văn hóa khác biệt (x. SC 3-4), phần hai của quyển Giáo Lý này trình bày những điều chính yếu và chung cho toàn thể Hội Thánh liên quan đến Phụng Vụ : mầu nhiệm và cử hành (đoạn 1); các bí tích và á bí tích (đoạn 2).



ĐOẠN THỨ NHẤT
KẾ HOẠCH BÍ TÍCH

1076 739.

Trong ngày lễ Hiện Xuống, Hội Thánh được Thiên Chúa ban tràn đầy Thánh Thần và giới thiệu cho thế giới(x.SC 6;LG 2). Hồng ân Thánh Thần khai mở một thời đại mới trong chương trình cứu độ : thời đại của Hội Thánh; thời Chúa Ki-tô biểu lộ, làm cho hiện diện và thông ban ơn cứu chuộc qua Phụng vụcủa Hội Thánh "cho tới khi Người lại đến" (1Cr 11,26). Chúa Ki-tô sống và hoạt động một cách mới mẻ và đặc thù trong Hội Thánh và với Hội Thánh. Người hoạt động qua các bí tích. Truyền thống chung của Hội Thánh, Đông Phương cũng như Tây Phương, gọi đó là "nhiệm cục bí tích": Thiên Chúa ban phát hiệu quả mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô trong cử hành phụng vụ bí tích củaHội Thánh.


Trước hết, cần giải thích rõ ràng việc ban phát các bí tích (chương 1); nhờ đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất và những khía cạnh cốt yếu của việc cử hành Phụng vụ (chương 2).
CHƯƠNG MỘT
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

TRONG THỜI GIAN CỦA HỘI THÁNH

Mục 1
PHỤNG VỤ, CÔNG CUỘC CỦA BA NGÔI
I. CHÚA CHA, NGUỒN MẠCH VÀ CÙNG ĐÍCH CỦA PHỤNG VỤ
1077 492.

"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu" (Ep 1,3-6).


1078 2626.

Thuật ngữ "benedictio" trong tiếng La tinh và "eulogia" trong tiếng Hy lạp có hai nghĩa : Thiên Chúa chúc lành cho thụ tạo và con người chúc tụng Thiên Chúa. Chúc lành là hành vi Thiên Chúa ban sự sống cho con người, vì Chúa Cha là nguồn sự sống. Chúc lành của Thiên Chúa vừa là lời vừa là hồng ân. Chúc tụng là hành vi con người thờ phượng và tạ ơn Đấng Sáng Tạo.



1079.

Từ khai thiên lập địa cho đếntận thế, tất cả công trình của Chúa đều là "chúc lành”. Từ bài thơ phụng vụ tường thuật cuộc sáng tạo, đến những bài ca về thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, các tác giả Sách Thánh đều loan báo ý định cứu độ như một chúc lành triền miên của Thiên Chúa.


1080.

Từ khởi thủy, Thiên Chúa đã chúc lành cho các sinh vật, cách riêng là loài người, cả nam và nữ. Giao ước với ông Nô-ê vàtất cả chúng sinh tái lập lời chúc lành : hãy sinh sản cho đầy mặt đất, dù tội lỗi của loài người đã làm cho mặt đất bị "chúc dữ". Kể từ ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa chúc lành cho lịch sử loài người, bằng cách can thiệp để đưa lịch sử đang hướng về cõi chết nay vươn lên nguồn sống là ThiênChúa. Lịch sử cứu độ khởi đầu khi ông Áp-ra-ham, tổ phụ những kẻ tin, đón nhận lời chúc lành của Thiên Chúa.


1081.

Chúc lành của Thiên Chúa được biểu lộ qua các biến cố kỳ diệu và cứu độ : I-xa-ác sinh ra, Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập (Vượt Qua và Xuất Hành), ban Đất Hứa, tuyển chọn Đa-vít, Thiên Chúa hiện diện nơi Đền Thờ, cuộc Lưu Đày để thanh luyện và "số sót" Ít-ra-en hồi hương. Các sách Luật, Ngôn Sứ và Thánh Vịnh là những yếu tố làm nên Phụng Vụ của Dân Tuyển Chọn, vừa nhắc lại những lời chúc lành của Thiên Chúa vừa đáp trả bằng những lời chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn của Dân Chúa.



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương