SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang21/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   68

841. Tương quan giữa Hội Thánh và người Hồi Giáo. "Ý định cứu độ cũng còn bao gồm những ai nhận biết Đấng Sáng Tạo : trước tiên phải kể người Hồi Giáo, những người tự nhận là giữ đức tin của Áp-ra-ham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Đấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết" (LG 16; NA.3).
842 360.

Liên hệ giữa Hội Thánh và các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo trước hết căn cứ trên liên hệ giữa loài người với nhau, có cùng một nguồn gốc và một cứu cánh :
"Thật vậy, mọi dân tộc đều họp thành một cộng đoàn duy nhất, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người, cho đến khi những người được chọn hiệp nhất với nhau trong Thành Thánh" (NA 1)
843 28 856.

Hội Thánh nhìn nhận các tôn giáo khác cũng đang tìm kiếm, "trong bóng tối và qua các hình tượng", Thiên Chúa mà họ không biết nhưng gần gũi, vì chính Người ban cho họ sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự và vì Người muốn mọi người đều được cứu độ. Thành thử, Hội Thánh xem tất cả những gì tốt và thật trong các tôn giáo "như để chuẩn bị họ lãnh nhận Tin Mừng và như một hồng ân mà Đấng soi sáng mọi người ban cho, để cuối cùng họ được sống" (LG 16; x.NA 2; EN 53).


844 29.

Nhưng trong nếp sống tôn giáo, con người có những giới hạn và những sai lầm làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa :

"Bị ma quỷ gạt gẫm con người thường phán đoán sai lạc, đánh đổi chân lý của Thiên Chúa lấy giả dối khi phụng sự loài thụ tạo hơn là Đấng Sáng Tạo hoặc liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ, khi sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này" (LG 16).
845 30 953 1219.

Để qui tụ lại tất cả con cái đã bị tội lỗi làm tản mác và lạc lối, Chúa Cha muốn tập họp toàn thể loài người trong Hội Thánh của Chúa Con. Hội Thánh là nơi loài người tìm lại sự hiệp nhất và ơn cứu độ. Hội Thánh là "thế giới đã được hòa giải" (x.T. Âu-tinh, bài giảng 96,7,9). Hội Thánh là "con tàu vượt biển trần gian, theo chiều gió của Chúa Thánh Thần, dưới cánh buồm lộng gió là Thánh Giá của Đức Chúa" (x.T.Am-bô-rô-si-ô, bàn về đức trinh khiết 18,118). Theo một hình ảnh khác quen thuộc với các giáo phụ, Hội Thánh còn được tượng trưng bằng con tàu của Nô-e, con tàu duy nhất cứu loài người thoát nạn Hồng Thủy (x.1Pr 3,20-21).


"Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ"
846. Lời khẳng định này đã được các giáo phụ nhắc đi nhắc lại, chúng ta phải hiểu thế nào? Lời khẳng định có nghĩa tích cực là mọi ơn cứu độ đều phát xuất từ Đức Ki-tô là Đầu, chảy tràn qua Hội Thánh là Thân Thể của Người :

161 1257.

"Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng : Hội Thánh lữ hành này cần thiết cho ơn cứu độ. Quả thế, chỉ một mình Đức Ki-tô là trung gian và là đường cứu độ; và Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép rửa nên đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh mà mọi người phải bước vào qua cửa phép rửa. Vì thế, những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giê-su Ki-tô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này thì không thể được cứu độ" (LG l4).


847. Lời khẳng định này không nhắm tới những người, không vì lỗi mình mà không biết Đức Ki-tô và Hội Thánh của Người.
"Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Hội Thánh Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời (LG 16; x.DS 3866-3872).
848 1260.

Dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ mình Người biết, để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Tin Mừng đến với đức tin, "vì không có đức tin thì không thể làm vui lòng Người" (x. Dt 11,6), nhưng Hội Thánh có bổn phận và đồng thời có quyền thiêng thánh rao giảng Tin Mừng" (x. AG 7) cho tất cả mọi người.


Truyền giáo - Một đòi hỏi của tính công giáo của Giáo Hội
849 738, 767.

Lệnh truyền giáo. "Được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên "bí tích cứu độ phổ quát", Hội Thánh, do những đòi hỏi căn bản của tính công giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, nhất quyết loan báo Tin Mừng cho hết mọi người" (x. AG 7). "Vậy anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20).
850 257 730.

Nguồn gốc và mục đích của truyền giáo. Lệnh truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh : "Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha" (x. AG.2). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần tình yêu (x. Gio-an Phao-lô II, RM.23) .
851 221,429 74,217 890.

Lý do của truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người : "Vì tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi" (2 Cr 5,l4) (x. AA 6; RM 11). Quả thế, "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được ủy thác chân lý, Hội Thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải truyền giáo.
852 2040 2473.

Những con đường truyền giáo. "Chúa Thánh Thần là người chủ xướng mọi công cuộc truyền giáo của Hội Thánh" (x. RM.21), chính Người dìu dắt Hội Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. "Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua dòng lịch sử sứ mạng của chính Chúa Ki-tô, Đấng được cử đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Được Thánh Thần Chúa Ki-tô thúc đẩy, Hội Thánh cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Ki-tô đã đi là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến cho đến chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người" (x. AG 5). Chính như thế mà "máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh Ki-tô hữu" (Te-tu-li-a-nô, Hộ Giáo 50).

853 1428 2443.

Nhưng trên đường lữ hành, Hội Thánh cũng kinh nghiệm rằng "có một khoảng cách giữa sứ điệp Hội Thánh phải rao giảng và sự yếu hèn của những con người được ủy thác Tin Mừng" (x. GS.43,6). Chỉ trên con đường "sám hối và canh tân" (x. LG.8; x.15) và "qua cửa hẹp Thập Giá" (x. AG.1), Dân Thiên Chúa mới có thể mở rộng Nước Chúa Ki-tô (x. RM.12-20). "Cũng như Chúa Ki-tô chỉ thực hiện công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bị bách hại, Hội Thánh cũng được mời gọi dấn bước trên con đường ấy, để thông ban cho loài người những thành quả của ơn cứu độ" (LG 8).


854 2105 204.

Do chính sứ mạng, "Hội Thánh đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ số phận với thế giới. Hội Thánh như men và hồn của xã hội loài người. Xã hội này được mời gọi đổi mới trong Đức Ki-tô và trở thành gia đình của Thiên Chúa" (x. GS.40,2). Nỗ lực truyền giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nỗ lực đó bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Chúa Ki-tô (x. RM.42-47); tiếp đến là thiết lập những cộng đoàn Ki-tô hữu thật sự "là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian" (x. AG.l5) ; và thành lập những Giáo Hội địa phương (x. RM.48-49). Nỗ lực ấy phải dẫn đến một tiến trình hội nhập văn hóa, nhằm mục đích làm cho Tin Mừng nhập thể trong nền văn hóa các dân tộc (x. RM.52-54); công cuộc này cũng thường gặp thất bại. "Đối với con người các đoàn thể hay dân tộc, Hội Thánh chỉ tiếp xúc và thâm nhập dần dần và như thế đảm nhận họ vào hưởng sự sung mãn công giáo" (AG 6).


855 821.

Sứ mạng của Hội Thánh mời gọi các Ki-tô hữu cố gắng tiến đến sự hiệp nhất (x. RM.50). "Sự chia rẽ giữa các Ki-tô hữu ngăn trở Hội Thánh thực hiện đầy đủ tính công giáo đặc thù của mình nơi những con cái đã chịu phép Thánh Tẩy, nhưng còn xa cách, chưa hoàn toàn thông hiệp với Hội Thánh. Hơn nữa, chính Hội Thánh cũng khó diễn tả đầy đủ tính công giáo của mình trong đời sống thực tế" (UR 4).


856 839 843.

Nhiệm vụ truyền giáo bao hàm một sự đối thoại trân trọng với những ai chưa chấp nhận Tin Mừng (x. RM.55). Các tín hữu có thể tiếp nhận nhiều điều bổ ích cho mình từ cuộc đối thoại này nhờ học biết thêm "tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã có nơi các dân tộc như một sự hiện diện thầm kín của Thiên Chúa" (x. AG.9). Các tín hữu rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa biết, là để củng cố, bổ túc, nâng cao sự thật và sự thiện mà Thiên Chúa đã loan truyền giữa loài người, giữa các dân tộc, cũng là để thanh luyện họ khỏi sự lầm lạc và sự dữ "để Thiên Chúa được vinh danh, quỷ dữ phải hổ thẹn,và loài người được hạnh phúc" (AG 9).


IV. HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN
857 75. Hội Thánh tông truyền vì được xây trên nền tảng các tông đồ, theo 3 nghĩa:
- Hội Thánh đã và đang được xây dựng trên "nền móng các tông đồ" (x. Ep.2,20; Kh.21,14), là những chứng nhân đã được chính Đức Ki-tô tuyển chọn và sai đi (x. Mt 28,16-20; Cv 1,8; ICr 9,1; 15,7-8; Gl 1,1 etc...);

171.

- Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ở trong Hội Thánh, gìn giữ và lưu truyền giáo huấn (x. Cv 2,42), kho tàng quí báu, những lời lành mạnh do các tông đồ giảng dạy (x.2 Tim 1, 23-14);



880, 1575.

- Hội Thánh tiếp tục được các tông đồ giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn cho đến khi Đức Ki-tô trở lại - nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử : giám mục đoàn , "với sự trợ giúp của các linh mục, hiệp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phê-rô là mục tử tối cao của Hội Thánh" (AG.5).


"Lạy Cha hằng hữu, Cha không bỏ rơi đoàn chiên của Cha, nhưng nhờ các tông đồ, Cha vẫn luôn giữ gìn che chở. Cha còn hướng dẫn đoàn chiên đó nhờ các ngài là những vị lãnh đạo Cha đã đặt làm mục tử thay thế Con Cha" (x. MR lời tiền tụng các tông đồ I).
Sứ mạng của các tông đồ
858 551 425 1086.

Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha cử đến với nhân loại. Ngay từ đầu sứ vụ, Người "kêu gọi những kẻ Người muốn chọn, và thành lập nhóm Mười Hai để các ngài ở với Người và để Người sai đi rao giảng" (x. Mc 3,13-14). Từ đó, các ngài là "những người được sai đi" (đó là ý nghĩa của từ Hy Lạp Apostoloi). Qua các ngài, Đức Ki-tô tiếp tục sứ mạng của Người : "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21) (x. 13,20; 17-18). Như vậy, thừa tác vụ của các ngài "nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô". Chúa phán với nhóm Mười Hai : "Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy" (Mt 10,40) (x. Lc 10,16).


859 876.

Đức Giê-su liên kết các tông đồ với sứ mạng Người nhận từ Chúa Cha : cũng như "Chúa Con không thể tự mình làm gì" ( x. Ga 5,19.30), nhưng đón nhận tất cả từ Chúa Cha, Đấng đã cử Người đến, thì những người Đức Giê-su sai đi cũng không thể làm gì được nếu không có Người ( x. Ga 15,5), Đấng đã truyền lệnh và ban cho họ quyền năng để thực hiện sứ mạng. Vì thế, các tông đồ của Đức Ki-tô biết rằng họ đã được Thiên Chúa "ban cho làm thừa tác viên Giao Ước mới" ( x. 2Cr 3,6), "thừa tác viên của Thiên Chúa" ( x. 2Cr 6,4), "là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô" ( x. 2Cr 5,20) " là tôi tớ của Đức Ki-tô, là người ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa" (1Cr 4,1).


860 642 765 1536.

Trong nhiệm vụ các tông đồ, có một điều không thể truyền lại được : các ngài là chứng nhân được tuyển chọn cho cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su và là nền móng của Hội Thánh. Nhưng cũng có một điều trường tồn: Đức Ki-tô đã hứa ở với các ngài cho đến tận thế ( x. Mt 28,20). "Sứ mạng của Thiên Chúa được Đức Ki-tô trao phó cho các tông đồ sẽ tồn tại cho đến tận thế, bởi vì Tin Mừng các ngài có nhiệm vụ rao truyền phải là lẽ sống của Hội Thánh cho đến trọn đời, cho đến tận cùng thời gian. Vì thế các tông đồ đã lo lắng đặt những người kế nhiệm mình" (LG 20).



Các giám mục kế nhiệm các tông đồ
861 77 1087.

"Để sứ mạng đã được ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các tông đồ ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, phải hoàn tất nhiệm vụ và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, khi khuyên nhủ họ coi sóc đoàn chiên, trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Hội Thánh Thiên Chúa. Bởi vậy, các ngài đặt những người như thế rồi ban quyền cho họ, hầu khi họ qua đời, đã có những người xứng đáng tiếp nhận thừa tác vụ của họ" (LG 20; x. T. Cơ-lê-men-tê I, Giáo hoàng, chú giải thư Cô-rin-tô 42;44).


862 880 1556.

"Cũng như nhiệm vụ mà Chúa đã đích thân trao phó cho Phê-rô, thủ lãnh các tông đồ và tiên liệu để truyền lại cho các vị kế nhiệm ông, nhiệm vụ đó phải thường tồn; thì cũng thế, nhiệm vụ trao cho các tông đồ chăn dắt Hội Thánh cũng phải thường tồn và được thi hành liên tục do thánh chức giám mục". Vì thế, Hội Thánh dạy rằng : "Chính Chúa đã lập các Giám mục kế nhiệm các tông đồ làm mục tử Hội Thánh. Bởi vậy ai nghe các ngài là nghe Chúa Ki-tô, còn ai khinh dễ các ngài là khinh dễ Chúa Ki-tô và Đấng đã cử Chúa Ki-tô đến" (LG 20).


Việc tông đồ
863 900 2472.

Toàn thể Hội Thánh có tính tông truyền vì hiệp thông trong đức tin và sự sống với nguồn cội của mình nhờ các vị kế nhiệm thánh Phê-rô và các tông đồ. Hội Thánh còn mang tính tông truyền vì "được sai đi" khắp thế gian; tất cả các phần tử của Hội Thánh mỗi người một cách đều được sai đi. "Ơn gọi Ki-tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ". Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm "làm cho Nước Đức Ki-tô rộng mở trên khắp hoàn cầu" được gọi là "việc tông đồ" (AA 2).


864 828 824 1324.

"Vì Chúa Ki-tô, Đấng được Chúa Cha cử đến, là nguồn mạch và là nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Hội Thánh", nên kết quả phong phú của việc tông đồ, do các thừa tác viên có chức thánh cũng như của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hợp sống động của chính họ với Chúa Ki-tô ( x. Ga 15,5; AA.4). Việc tông đồ thật đa dạng tuỳ theo các ơn gọi, các nhu cầu thời đại, các ân huệ khác nhau của Chúa Thánh Thần. Nhưng đức ái được nuôi dưỡng đặt biệt nhờ bí tích Thánh Thể, luôn được xem là "linh hồn của mọi việc tông đồ" ( x. AA 3).


865 811, 541.

Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong căn tính sâu xa và tối hậu của mình, vì nơi Hội Thánh, Nước Trời đã hiện hữu và sẽ hoàn tất trong ngày tận thế. "Nước Trời" chính là "Triều Đại của Thiên Chúa" ( x. Kh 19,6), đã xuất hiện trong bản thân của Đức Ki-tô và đang lớn lên cách mầu nhiệm trong lòng của những ai được tháp nhập vào Người, cho đến khi Người được hiển linh trọn vẹn trong ngày sau hết. Lúc đó, tất cả mọi người đã được Người cứu chuộc, đã được "thánh hóa và trở nên tinh tuyền trước tôn nhan Thiên Chúa trong tình yêu" ( x. Ep l,4), sẽ được quy tụ thành Dân duy nhất của Thiên Chúa, "Hiền Thê của Con Chiên" ( x. Kh 2l,9), "Thành Thánh tự trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa" ( x. Kh 2l,l0-ll); và "tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai tông đồ của Con Chiên" (Kh 21, 14).


TÓM LƯỢC
866. Hội Thánh duy nhất : Hội Thánh chỉ có một Chúa, tuyên xưng một đức tin, sinh bởi một Phép Rửa, họp thành một Thân Thể được Thánh Thần duy nhất làm sinh động, nhắm đến một niềm hy vọng duy nhất (x.Ep 4,3-5) sẽ kết thúc trong sự chấm dứt mọi chia rẽ.
867. Hội Thánh thánh thiện : Thiên Chúa chí thánh là Đấng sáng lập Hội Thánh; Đức Ki-tô, Phu Quân của Hội Thánh đã hiến mình để thánh hóa Hội Thánh; Thánh Thần ban cho Hội Thánh sự sống thánh thiện. Dù bao gồm những người tội lỗi, Hội Thánh vẫn là "cộng đoàn không tội lỗi của những người tội lỗi ". Nơi chư thánh, Hội Thánh chiếu tỏa sự thánh thiện của mình. Nơi Đức Ma-ri-a, Hội Thánh đạt được "sự toàn thiện".
868. Hội Thánh công giáo : Hội Thánh rao giảng đức tin trọn vẹn, tiếp nhận và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ; Hội Thánh được sai đến với mọi dân tộc; Hội Thánh ngỏ lời với tất cả mọi người; Hội Thánh bền vững trong mọi thời đại; "tự bản chất, Hội Thánh phải truyền giáo" (x. AG.2).
869. Hội Thánh tông truyền : Hội Thánh được xây dựng trên nền móng vững chắc là "mười hai tông đồ của Con Chiên" (Kh 21,14); Hội Thánh bất diệt; Hội Thánh được gìn giữ không sai lầm trong chân lý: (x. Mt 16,18) Đức Ki-tô điều khiển Hội Thánh nhờ thánh Phê-rô và các tông đồ khác mà những người kế nhiệm các ngài là Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn.
870. "Hội Thánh duy nhất của Chúa Ki-tô mà trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng, là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (...) Hội Thánh này được thể hiện nơi Hội Thánh Công Giáo, do vị kế nhiệm Phê-rô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển, dù bên ngoài cơ cấu Hội Thánh cũng có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý" (LG 8).

Tiết 4: CÁC TÍN HỮU CHÚA KITÔ: HÀNG GIÁO

PHẨM, GIÁO DÂN, ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

871 1268-1269 782-786.

"Ki-tô hữu là những người được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Ki-tô nhờ phép Thánh Tẩy, trở nên Dân Thiên Chúa, do đó tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Ki-tô. Theo điều kiện riêng của mình, họ được mời gọi thực thi sứ mạng mà Chúa đã giao cho Hội Thánh thực hiện trên thế giới" (CIC 204,1; LG 31).


872 1934 794.

"Do được tái sinh trong Đức Ki-tô, mọi tín hữu đều bình đẳng về phẩm giá và hoạt động. Nhờ sự bình đẳng thật sự này, tất cả đều cộng tác xây dựng Thân Thể Đức Ki-tô, tùy theo hoàn cảnh và chức vụ riêng của mỗi người" (can 208; x. LG 32).


873 814,1937.

Những khác biệt Chúa đã muốn đặt giữa những chi thể trong Thân Thể Người, là để phục vụ cho sự hiệp nhất và sứ mạng của Hội Thánh. "Trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mạng. Chúa Ki-tô đã trao phó cho các tông đồ và những người kế nhiệm các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Ki-tô nên họ cũng đảm nhận phần việc của mình trong sứ mạng chung của toàn Dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh và ở giữa trần gian" (x. AA 2). "Trong cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân, có những tín hữu qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm theo cung cách riêng của họ", được thánh hiến cho Thiên Chúa để phục vụ sứ mạng cứu độ của Hội Thánh" (CIC can 207,2).


I. CƠ CẤU PHẨM TRẬT CỦA HỘI THÁNH
Mục đích của thừa tác vụ trong Hội Thánh
874 1544.

Chính Đức Ki-tô là nguồn cội của thừa tác vụ trong Hội Thánh. Người đã thiết lập, trao quyền và sứ mạng, phương hướng và cứu cánh cho thừa tác vụ Hội Thánh :


"Để chăn dắt và phát triển Dân Chúa luôn mãi, Đức Ki-tô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hầu mưu ích cho toàn thân. Thật vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ các anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa ... đạt tới ơn cứu độ" (LG 18).
875 166 1548 1536.

"Làm sao tin nếu không được nghe trước đã? Làm sao nghe nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi?" (x. Rm 10,14-15). Không ai, không cá nhân nào cũng như không cộng đoàn nào, có thể tự loan báo Tin Mừng cho chính mình. "Có đức tin là nhờ nghe giảng" (x. Rm 10,17). Không ai có thể tự cho mình quyền và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Sứ giả của Chúa nói và hành động không phải do quyền lực riêng, nhưng do uy quyền của Đức Ki-tô; không phải với tư cách là thành viên của cộng đồng nhưng nói với cộng đồng nhân danh Đức Ki-tô. Không ai có thể ban cho mình ân sủng của Thiên Chúa; ân sủng phải được Thiên Chúa ban cho và trao tặng. Như thế, phải có các thừa tác viên phân phát ân sủng, được phép và được quyền do Đức Ki-tô ban. Từ nơi Người, các giám mục và linh mục nhận sứ mạng và quyền năng để hành động thay quyền Đức Ki-tô là Đầu, các phó tế nhận sức mạnh phục vụ Dân Thiên Chúa bằng "công tác phục vụ" trong phụng vụ, Lời Chúa và bác ái, trong sự hiệp thông với giám mục và hàng linh mục. Thừa tác vụ mà các sứ giả của Đức Ki-tô sử dụng để cử hành và trao ban, nhờ hồng ân Thiên Chúa, những gì bản thân họ không thể tự cử hành và trao ban, được truyền thống Hội Thánh gọi là "bí tích". Thừa tác vụ của Hội Thánh được trao ban qua một bí tích đặc biệt.


876 1551 427.

Thừa tác vụ của Hội Thánh có tính phục vụ gắn liền với bản tính bí tích. Vì các thừa tác viên hoàn toàn tùy thuộc Đức Ki-tô là người giao sứ mạng và quyền hạn, nên họ thực sự là "nô lệ của Đức Ki-tô" (x. Rm 1,1), theo gương Đức Ki-tô, Đấng tự nguyện vì chúng ta "mặc lấy thân nô lệ" (x. Ph 2,7). Vì lời và ân sủng mà họ phục vụ, không phải là của họ nhưng của Đức Ki-tô, được ủy thác cho họ để trao lại cho người khác, nên họ tự nguyện trở thành nô lệ cho mọi người (x.1Cr 9,19).


877 1559.

Cũng thế, đặc tính tập đoàn phát xuất từ bản tính bí tích của thừa tác vụ Hội Thánh. Khi bắt đầu thừa tác vụ của mình, Chúa Giê-su đã thiết lập nhóm Mười Hai, "mầm mống của dân Ít-ra-en mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng giáo phẩm" (x. AG 5). Được tuyển chọn chung với nhau, họ cùng được sai đi chung với nhau và tình hiệp nhất huynh đệ của họ sẽ giúp cho mọi tín hữu được hiệp thông huynh đệ; sự hiệp thông này sẽ phản ảnh và làm chứng cho sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 17,21-23). Vì thế, mỗi giám mục thi hành thừa tác vụ của mình trong lòng Giám Mục Đoàn, hiệp thông với Giám Mục Rô-ma, người kế nhiệm thánh Phê-rô và là thủ lãnh Giám Mục Đoàn; các linh mục thi hành thừa tác vụ của mình trong lòng linh mục đoàn giáo phận, dưới sự chỉ đạo của vị Giám mục.


878 1448.

Sau cùng, do bản tính bí tích, thừa tác vụ Hội Thánh còn có đặc tính cá nhân. Các thừa tác viên của Đức Ki-tô hiệp thông với nhau trong hành động, nhưng họ cũng hành động cách cá nhân. Mỗi người được gọi đích thân : "Phần con, hãy theo Thầy" (Ga 21, 22) (x. Mt 4,19.21; Ga 1,43), để đích thân trở thành một chứng nhân cá thể trong sứ mạng chung, đích thân lãnh trách nhiệm trước Đấng đã trao sứ mạng cho mình, hành động "như đích thân Đức Ki-tô" phục vụ những cá nhân cụ thể : "Tôi rửa anh, nhân danh Chúa Cha..."; "Tôi tha tội cho anh..."


879.

Như thế, thừa tác vụ bí tích trong Hội Thánh là một việc phục vụ nhân danh Đức Ki-tô, vừa có tính cá nhân vừa mang hình thức tập thể. Điều này thể hiện rõ trong mối tương quan giữa Giám Mục Đoàn và thủ lãnh Giám Mục Đoàn, người kế nhiệm thánh Phê-rô và trong mối tương quan giữa trách nhiệm mục vụ của giám mục đối với giáo phận của mình và sự quan tâm chung của Giám Mục Đoàn đối với Hội Thánh toàn cầu.


Giám Mục Đoàn và người đứng đầu là Đức Giáo Hoàng
880 552, 862.

"Khi thành lập nhóm Mười Hai, Đức Ki-tô đã tổ chức các tông đồ này theo cách thức một tập đoàn, nghĩa là một nhóm kiên vững; Người chọn Phê-rô, một người trong số họ, làm đầu tập đoàn ấy" (x. LG 19). "Cũng như thánh Phê-rô và các tông đồ khác tạo thành một tập đoàn tông đồ duy nhất, như Chúa đã thiết lập; thì tương tự như thế, Giám Mục Rô-ma, người kế nhiệm thánh Phê-rô cùng với các giám mục, là những người kế nhiệm các tông đồ, cũng liên kết với nhau và hiệp nhất với nhau" (LG 22; x.CIC, can. 330).


881 553 642

Chúa đã chọn một mình Xi-mong mà Người đặt tên là Phê-rô làm đá nền cho Hội Thánh. Người đã trao cho ông các chìa khóa của Hội Thánh (x. Mt 16,18-19), và đặt ông làm mục tử chăn dắt cả đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). "Nhưng quyền tháo gỡ cầm buộc đã ban cho Phê-rô, chắc chắn Người cũng ban cho cả đoàn tông đồ hiệp nhất với thủ lãnh" (x. LG 22). Nhiệm vụ mục tử này của Phê-rô và các tông đồ khác là một trong những yếu tố căn bản của Hội Thánh. Các giám mục tiếp tục thi hành nhiệm vụ này dưới quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng.



tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương