SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI


II. ĐỨC KI-TÔ PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT



tải về 4.7 Mb.
trang17/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   68

II. ĐỨC KI-TÔ PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT
678 1470. Tiếp nối các ngôn sứ (x. Đn 7,10; Ge 3,4; Ml 3,19) và Gio-an Tẩy giả ( x. Mt 3,7-12), Đức Giê-su cũng loan báo về cuộc phán xét trong Ngày cuối cùng. Lúc bấy giờ cách ăn nết ở (x. Mc 12,38-40) và bí ẩn trong tâm hồn mỗi người (x. Lc 12,1-3; Ga 3,20-21; Rm 2,16; 1Cr 4,5) sẽ được tỏ lộ. Tội cứng lòng tin, coi thường ân sủng của Thiên Chúa sẽ bị kết án (x. Mt 11,20-24; 12,41-42). Thái độ đối với đồng loại sẽ cho thấy người ta đón nhận hay từ chối ân sủng và tình yêu Thiên Chúa (x. Mt 5,22; 7,1-5). Đức Giê-su sẽ phán: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
679 1021. Đức Ki-tô là Chúa của sự sống vĩnh cửu. Với tư cách là Đấng Cứu Thế, Người có toàn quyền xét xử chung cuộc công việc và lòng dạ con người. Người "có được" quyền này nhờ Thập Giá. Cho nên Chúa Cha "đã ban cho Con mọi quyền xét xử" (Ga 5,22) (x. Ga 5,27; Mt 25,31; Cv 10,42; 17,31; 1Tm 4,1). Nhưng Chúa Con không đến để xét xử, mà để cứu độ (x. Ga 3,17) và thông ban sự sống của Người(x. Ga 5,26). Ai chối từ ân sủng ngay ở đời này, thì đã tự xử lấy chính mình (x. Ga 3,18;12,48), tự nhận lấy hậu quả công việc của mình (x. 1Cr 3,12-15), và có thể tự chuốc lấy án phạt đời đời, vì từ chối Thánh Thần tình yêu. (x. Mt 12,32; Dt 6,4-6; 10,26-31.)
TÓM LƯỢC
680. Chúa Ki-tô đã bắt đầu hiển trị qua Hội Thánh, nhưng muôn loài chưa qui phục Người. Cuộc toàn thắng của Vương Quốc Đức Ki-tô sẽ chỉ đến sau cuộc tấn công cuối cùng của các thế lực sự dữ.
681. Trong ngày phán xét cuối cùng, Đức Ki-tô sẽ đến trong vinh quang để hoàn tất cuộc chiến thắng tối hậu của sự lành trên sự dữ, mặc dù trong suốt lịch sử, chúng cùng phát triển như lúa tốt và cỏ lùng.
682. Khi đến phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày tận thế, Đức Ki-tô vinh hiển sẽ phơi bày mọi tâm tư thầm kín và thưởng phạt mỗi người theo việc họ làm, tùy họ đón nhận hay từ chối ân sủng.

CHƯƠNG BA
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

683 424,2670, 152. "Nếu không được Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nói rằng : Giê-su là Đức Chúa !" (1Cr 12,3). "Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Ab-ba, Cha ơi!" (Ga 4,6). Nhận thức đức tin này chỉ có thể có được trong Thánh Thần. Muốn tiếp xúc với Đức Ki-tô, trước hết phải được Thánh Thần cảm hóa. Chính Chúa Thánh Thần đến gặp gỡ và khơi động đức tin nơi chúng ta. Nhờ phép Thánh Tẩy là bí tích đức tin đầu tiên, Sự Sống, bắt nguồn nơi Chúa Cha, được Chúa Con đem đến, và được Thánh Thần thông truyền cho chúng ta một cách thâm sâu và cá vị trong Hội Thánh :
249. Bí tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta ơn tái sinh trong Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Vì những ai mang trong lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, họ được dẫn đến với Ngôi Lời, nghĩa là Ngôi Con; Chúa Con dâng họ cho Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự sống bất diệt. Vậy không có Thánh Thần thì không thể thấy Con Thiên Chúa; không có Chúa Con, không ai có thể đến gần Chúa Cha, vì chỉ có Chúa Con nhận biết Chúa Cha, và nhận biết Chúa Con là nhờ Chúa Thánh Thần (T. I-rê-nê, trình bày đức tin tông truyền 7).
684 236. Bằng ân sủng, Chúa Thánh Thần đến trước nhất để khơi dậy đức tin của chúng ta và khơi nguồn sự sống mới là "Nhận biết Chúa Cha và Đấng Cha đã cử đến là Đức Giê-su Ki-tô" (Ga 17,3). Tuy nhiên trong Ba Ngôi Chí Thánh, Người lại được mặc khải sau cùng. Thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en, được người đương thời gọi là "nhà thần học", giải thích tiến trình mặc khải này bằng đường lối sư phạm "hạ cố "của Thiên Chúa :
Cựu Ước công bố tỏ tường về Chúa Cha, chưa rõ nét về Chúa Con. Tân Ước trình bày về Chúa Con, và cho thoáng thấy thiên tính của Chúa Thánh Thần. Bây giờ, Chúa Thánh Thần đang ở giữa chúng ta và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Người. Có thể nói : thật là thiếu khôn ngoan khi chưa tuyên xưng Chúa Cha là Thiên Chúa, lại công bố rõ ràng về Chúa Con; khi chưa chấp nhận Chúa Con là Thiên Chúa lại nói thêm về Chúa Thánh Thần. Ánh sáng của mầu nhiệm Ba Ngôi ngày càng thêm rạng rỡ nhờ những mặc khải tiệm tiến "từ vinh quang này đến vinh quang khác" (T.Ghê-gô-ri-ô Na-di-en l.5,26).
685 236. Như thế tin kính Chúa Thánh Thần là tuyên xưng : Chúa Thánh Thần là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, "cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con" (Kinh tin kính Ni-xê-a Con-tan-ti-nô-pô-li). Bởi đã bàn về Mầu nhiệm Chúa Thánh Thần trong thần học về Ba Ngôi, ở đây chỉ bàn về Thánh Thần trong "nhiệm cục cứu độ" thôi.
686 258. Chúa Thánh Thần cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con từ khởi đầu cho đến lúc hoàn tất ý định cứu độ chúng ta. Nhưng chính trong "thời sau hết", được khai mạc với cuộc Nhập Thể cứu chuộc của Chúa Con, Chúa Thánh Thần mới được mặc khải và thông ban, được nhìn nhận và đón tiếp như một ngôi vị. Được hoàn tất trong Đức Ki-tô, "Trưởng Tử" và Đầu của công trình sáng tạo mới, ý định cứu độ của Thiên Chúa được thành hình cụ thể trong nhân loại nhờ việc thông ban Chúa Thánh Thần : Hội Thánh, sự hiệp thông trong dân thánh, ơn tha tội, xác phàm sẽ sống lại, sự sống đời đời.

Mục 8
"TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN"

687 243. "Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa" (1Cr 2,11). Thánh Thần mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa, biết Đức Ki-tô là Ngôi Lời hằng sống, nhưng Thánh Thần lại không nói về mình. Thánh Thần đã "dùng các ngôn sứ mà phán dạy", để giúp chúng ta nghe được lời của Chúa Cha. Nhưng còn chính Người, chúng ta lại không nghe tiếng Người, chúng ta chỉ nhận biết Người qua việc Người mặc khải và chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận Ngôi Lời bằng đức tin. Thánh Thần Chân Lý "vén màn cho ta thấy" Đức Ki-tô, nhưng "không nói điều gì về mình" (Ga 16,13). Một kiểu xóa mình như vậy, đúng là phong cách của Thiên Chúa, giải thích tại sao, "thế gian không thể đón nhận Người, vì thế gian không thấy và không biết Người", còn những ai tin vào Đức Ki-tô thì biết Người vì Người ở lại với họ (Ga 14,17).
688. Vì là sự hiệp thông sống động trong đức tin các tông đồ do Hội Thánh lưu truyền, nên Hội Thánh là nơi chúng ta nhận biết Thánh Thần :
- trong Thánh Kinh được Người linh hứng;
- trong Thánh Truyền, mà các giáo phụ là những chứng nhân cho mọi thời đại.
- trong Huấn Quyền được Người trợ lực
- trong Phụng Vụ Bí Tích mà qua các lời nói và biểu tượng, Thánh Thần giúp chúng ta hiệp thông với Đức Ki-tô.
- trong kinh nguyện, lúc Người chuyển cầu cho chúng ta.
- trong các đặc sủng và thừa tác vụ xây dựng Hội Thánh.
- trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai.
- trong chứng từ của các thánh nơi Người biểu lộ sự thánh thiện của Người và tiếp tục công trình cứu độ.
I. SỨ MẠNG PHỐI HỢP CỦA CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN
689 245 254 485. Chúa Cha đã ban Thánh Thần của Con Một Người đến trong lòng chúng ta. Thánh Thần (x. Gl 4.6) thực sự là Thiên Chúa. Đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Người không tách rời khỏi Chúa Cha và Chúa Con, trong đời sống thâm sâu của Ba Ngôi cũng như trong hồng ân yêu thương của Ba Ngôi dành cho thế giới. Nhưng khi tôn thờ Ba Ngôi Thiên Chúa ban sự sống, đồng bản thể và không thể phân ly, Hội Thánh cũng tuyên xưng Ba Ngôi phân biệt nhau. Khi Chúa Cha cử Lời của Người đến với chúng ta, Người luôn luôn gởi đến "Hơi Thở" của Người nữa : một sứ mạng phối hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt, nhưng không tách rời nhau. Chúa Ki-tô xuất hiện, Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Thánh Thần mặc khải Chúa Ki-tô cho chúng ta.
690 436 788. Đức Giê-su là Ki-tô, nghĩa là Đấng được "xức dầu". Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần mà xức dầu cho Người nên mọi sự xảy đến kể từ Nhập Thể đều xuất phát từ nguồn mạch sung mãn này (x. Ga 3,34). Khi cuối cùng được tôn vinh (x. Ga 7,39), Đức Ki-tô đến lượt mình, có thể cử Thánh Thần từ nơi Chúa Cha đến với những ai tin Người. Người thông ban cho họ Vinh Quang của mình (x. Ga 17,22) tức là Thánh Thần, Đấng tôn vinh Người (x. Ga 16,14). Từ lúc đó, sứ mạng phối hợp này sẽ được triển khai nơi những người được Chúa Cha đón nhận làm con trong thân thể Con của Người : Sứ mạng của Thánh Thần, Đấng làm cho con người thành nghĩa tử, là kết hiệp họ với Đức Ki-tô và làm cho họ sống trong Người.
488. Khái niệm về xức dầu gợi lên không có khoảng cách nào giữa Ngôi Con và Thánh Thần. Cũng như lý trí và giác quan không nhận thấy khoảng cách nào giữa da thịt và việc xức dầu, thì việc tiếp xúc giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng trực tiếp như vậy, đến nổi những kẻ tiếp xúc với Chúa Con bằng đức tin, cần phải tiếp xúc với Thánh Thần trước đã. Toàn thân Đức Ki-tô được xức bằng dầu là Thánh Thần. Do đó, ai tuyên xưng Ngôi Con là Chúa, thì tuyên xưng trong Thánh Thần, vì Thánh Thần luôn đi trước những người muốn tiến đến gần Đức Ki-tô bằng đức tin (T.Ghê-gô-ri-ô thành Nít-xê 3,1).
II. DANH XƯNG, CÁC CÁCH GỌI VÀ CÁC BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Danh xưng Chúa Thánh Thần
691. "Thánh Thần" là danh xưng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh đã nhận danh xưng này từ Chúa Giê-su và tuyên xưng danh này trong bí tích rửa tội (x. Mt.28,19).
Thuật ngữ "Thần Khí" dịch từ Ru-ah của tiếng Hip-ri, là hơi thở, không khí, gió. Đức Giê-su dùng hình ảnh khả giác "gió" để gợi ý cho Ni-cô-đê-mô sự mới mẻ siêu việt của Đấng là Hơi Thở của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần (Ga 3,5-8). Đàng khác, "Thần" và "Thánh" là những thuộc tính thần thiêng chung cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng khi nối kết hai từ này với nhau, Thánh Kinh, Phụng Vụ và ngôn ngữ thần học muốn chỉ ngôi vị khôn tả của Chúa Thánh Thần, mà không lẫn lộn với các cách sử dụng khác về các từ "thần" và "thánh".
Những cách gọi tên khác của Chúa Thánh Thần
692 1433. Khi Đức Giê-su loan báo và hứa Chúa Thánh Thần sẽ đến, Người gọi Thánh Thần là Đấng "Bảo Trợ", theo nguyên ngữ là: "Đấng được gọi đến kề bên" (Ga 14,16.26; 15,26; 16,7). "Đấng Bào Chữa" thường được dịch là "Đấng An Ủi", vì Đức Giê-su là Đấng An ủi trước nhất (x.1Ga 2,1). Chính Chúa Giê-su còn gọi Thánh Thần là "Thần Chân Lý" (Ga 16,13).
693. Ngoài danh xưng "Chúa Thánh Thần", được dùng nhiều nhất trong sách Công Vụ Tông Đồ và các Thánh Thư, ta còn thấy những cách gọi khác nơi thánh Phao-lô: Thần Khí của Lời hứa (x. Gl 3,14; Ep 1.13), Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử (x. Rm 8,15; Gl.4,6), Thần Khí của Đức Ki-tô (x. Rm 8,11), Thần Khí của Đức Chúa (x. 2 Cr 3,17), Thần Khí của Thiên Chúa (x. Rm 8,9.14; 15,19; 1 Cr 6,11; 7,40); và nơi thánh Phê-rô: "Thần Khí vinh hiển" (1 Pr 4,14).
Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần
694 1218 2652. Nước : trong bí tích Thánh Tẩy, nước là một biểu tượng đầy ý nghĩa về tác động của Thánh Thần, vì sau khi kêu cầu Thánh Thần, nước trở thành dấu bí tích hữu hiệu của việc tái sinh : như trong lòng mẹ, chúng ta được cưu mang trong nước; nước rửa tội thực sự nói lên rằng cuộc tái sinh vào đời sống Thiên Chúa được ban trong Thánh Thần. Vì "đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần", nên chúng ta "đầy tràn một Thánh Thần duy nhất" (1Cr 12,13). Chính Thánh Thần là Nước trường sinh chảy ra từ cạnh sườn Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá (x. Ga 19,34; 1Ga.5,8), và chảy thành sự sống đời đời trong lòng chúng ta (x. Ga 4,10.14; 7,38; Xh 17,1-6; Is.55,1; Dcr 14,8; 1Cr 10,4; Kh 21,6; 22,17).
695 1293 436 1504 794. Xức dầu : Biểu tượng xức dầu cũng chỉ về Thánh Thần, đến nỗi trở thành đồng nghĩa với Thánh Thần (x. 1Ga 2,20,27; 2 Cr,1,21). Trong nghi thức khai tâm Ki-tô giáo, xức dầu là dấu bí tích của phép Thêm Sức; các Giáo Hội Đông Phương gọi là "Xức dầu thánh hiến". Nhưng muốn hiểu rõ, chúng ta phải trở về với việc xức dầu của Đức Giê-su, việc xức dầu đầu tiên do Chúa Thánh Thần thực hiện. "Ki-tô" (tiếng Hip-ri là "Mê-si-a") nghĩa là "được Thánh Thần Thiên Chúa xức dầu". Cựu Ước (x. Xh 30,22-32) nói đến những người được Thiên Chúa xức dầu, nổi bật nhất là Vua Đavit (x. 1Sm 16,13). Nhưng Đức Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu cách độc nhất vô nhị : nhân tính do Ngôi Con đảm nhận "được Thánh Thần xức dầu" trọn vẹn. Đức Giê-su được Thánh Thần (x. Lc.4,18-19; Is.61,1) đặt làm "Ki-tô". Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thụ thai Đức Ki-tô nhờ tác động Thánh Thần; khi Ngôi Lời giáng sinh (x. Lc 2,11), Thánh Thần dùng các thiên thần loan báo Người là Đức Ki-tô và thúc đẩy ông Xi-mê-on đến đền thờ gặp Đấng Ki-tô Thiên Chúa đã hứa ( x. Lc.2,26-27). Đức Ki-tô (x. Lc.4,1) đầy Thánh Thần,và nhờ quyền năng Thánh Thần, Người chữa lành và cứu độ (x. Lc 6,19;8,46). Cuối cùng chính Thánh Thần làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại (x. Rm.1,4; 8,11). Khi Đức Giê-su trở thành "Ki-tô" trọn vẹn trong nhân tính đã toàn thắng sự chết (x. Cv.2,36), Người ban đầy tràn Thánh Thần cho các thánh "để nhờ kết hợp với nhân tính của Người, họ trở thành "Con người hoàn hảo..., đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô" (Ep.4,13), thành "Đức Ki-tô toàn diện" theo cách nói của Thánh Augustinô.
696 1127 2586 718. Lửa : Trong khi nước nói đến việc sinh ra và tính phong phú của Sự Sống được ban trong Thánh Thần, lửa tượng trưng cho năng lực biến đổi do tác động của Thánh Thần. Ngôn sứ Ê-li-a, "xuất hiện như lửa hồng và lời ông như ngọn đuốc" (Hc 48,1); bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy tế trên núi Cát-minh ( x. 1V 18,38-39). Đây là hình bóng của lửa Thánh Thần sẽ biến đổi tất cả những gì lửa bén tới. Gio-an Tẩy Giả, "người đi trước dọn đường cho Chúa, đầy Thần khí và quyền lực của Ê-li-a" (Lc 1,17), loan báo Đức Ki-tô là Đấng "sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa" (Lc 3,16), Đức Giê-su cũng nói về Thánh Thần : "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên"(Lc 12,49). Dưới những hình "giống như lưỡi lửa", Thánh Thần đậu xuống trên các môn đệ sáng ngày lễ Ngũ Tuần và họ được tràn đầy Thánh Thần (Cv 2,3-4). Truyền thống linh đạo giữ lại biểu tượng lửa như một trong những biểu tượng diễn tả đúng nhất về tác động của Thánh Thần (x. T. Gio-an Thánh Giá,): "Anh em đừng dập tắt Thánh Thần" (1Th 5,19).
697 484 554. Áng mây và ánh sáng : Hai biểu tượng này luôn đi đôi với nhau trong các lần Thánh Thần xuất hiện. Trong các cuộc thần hiện thời Cựu Ước, áng mây khi chói sáng, khi mờ tối, vừa mặc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vừa che khuất vinh quang siêu việt của Người - như lúc Mô-sê trên núi Xi-nai (x. Xh 24,15-18), trong lều Hội Ngộ (x. Xh 33,9-10) và suốt cuộc hành trình trong hoang địa ( x. Xh 40, 36-38; 1Cr 10,1-2); với Xa-lô-môn dịp cung hiến Đền Thờ (x.1V 8,10.12). Những hình bóng này được Đức Ki-tô thể hiện trong Thánh Thần. Chính Thánh Thần ngự xuống trên Trinh Nữ Ma-ri-a và "rợp bóng" trên Người, để Người thụ thai và hạ sinh Đức Giê-su (Lc 1,35). Trên núi Hiển Dung, chính Thánh Thần đến trong "đám mây bao phủ" Đức Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, và "từ đám mây có tiếng phán rằng : "Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9, 34-35). Cuối cùng, cũng chính đám mây này "che khuất Đức Giê-su" ngày Thăng Thiên (Cv 1,9) và sẽ mặc khải Người là Con Người trong vinh quang ngày tái lâm (x.Lc 21,27).
698 1295,1296 1121. Ấn tín là biểu tượng gắn liền với biểu tượng xức dầu. Thật vậy, chính "Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận" (Ga 6,27) Đức

Ki-tô và cũng đã đóng ấn Thánh Thần trên chúng ta trong Con của Người (x. 2 Cr 1,22; Ep 1,13; 4, 30). Hình ảnh "ấn tín" đã được dùng trong một số truyền thống thần học để diễn tả "ấn tích" không thể xoá được mà ba bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh để lại.



699 292 1288 1300,1573 1668

Bàn tay. Đức Giê-su đặt tay để chữa lành bệnh nhân ( x.Mc 6,5; 8,23) và chúc lành cho trẻ nhỏ ( x.Mc 10,16). Nhân danh Người, các tông đồ cũng làm như vậy (x. Mc 16,18; Cv 5,12; 14,5). Hơn nữa Thánh Thần được thông ban (x.Cv 8,17-19; 13,3; 19,6) nhờ việc đặt tay của các tông đồ. Thư Do Thái coi nghi thức đặt tay vào số "các điều căn bản" của giáo huấn của mình. Hội Thánh đã giữ lại việc đặt tay khẩn cầu Thánh Thần trong các bí tích.
700 2056. Ngón tay. Đức Giê-su "nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ" (Lc 11,20). Nếu ngày xưa "Thiên Chúa lấy ngón tay" ghi lề luật trên bia đá (Xh 31,18), thì ngày nay Thiên Chúa hằng sống cũng dùng Thánh Thần, để viết "bức thư của Đức Ki-tô" được giao phó cho các tông đồ, "không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người" (2 Cr 3,3). Thánh thi : "Veni Creator Spiritus" khẩn cầu Thánh Thần như là "ngón tay hữu Chúa Cha".
701 1219 535.

Chim bồ câu : Cuối lụt hồng thủy (là biểu tượng cho bí tích Thánh Tẩy), chim bồ câu được ông Nô-ê thả ra, khi trở về ngậm một nhánh ô-liu xanh tươi, báo cho biết mặt đất lại có thể ở được (. x.St 8,8-12). Sau khi Đức Ki-tô nhận Phép Rửa của Gio-an và lên khỏi nước. Thánh Thần, dưới hình chim bồ câu, đáp xuống và ngự trên Người (x. Mt.3,16 par). Thánh Thần cũng xuống và ngự trong tâm hồn những người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Trong một số nhà thờ, Thánh Thể được giữ trong một bình bằng kim loại hình bồ câu treo bên trên bàn thờ. Trong các ảnh tượng Ki-tô giáo, hình bồ câu là biểu tượng truyền thống để chỉ Thánh Thần.

III. THẦN KHÍ VÀ LỜI CỦA THIÊN CHÚA TRONG THỜI GIAN NHỮNG LỜI HỨA
702 122 107. Từ thuở ban đầu cho đến khi "thời gian tới hồi viên mãn" (Ga 4,4), sứ mạng phối hợp của Ngôi Lời và Thánh Thần của Chúa Cha còn bị che khuất nhưng vẫn luôn hoạt động. Thánh Thần của Thiên Chúa chuẩn bị cho thời của Đấng Mê-si-a. Thánh Thần và Đấng Mê-si-a , tuy chưa được mặc khải trọn vẹn, nhưng đã được hứa ban để nhân loại chờ đợi và sẵn sàng đón nhận. Vì vậy, khi đọc Cựu Ước (x.2 Cr 3,14), Hội Thánh tìm hiểu kỹ càng những gì Thánh Thần, "Đấng đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy", muốn nói với chúng ta về Đức Ki-tô.
243. Ngày nay Hội Thánh dùng từ "ngôn sứ" chỉ chung tất cả những ai được Thánh Thần linh hứng khi rao giảng hoặc soạn thảo các Sách Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Truyền thống Do Thái xếp các tác phẩm thành ba loại : Luật (năm sách đầu tiên hoặc Ngũ Thư), các Ngôn Sứ (các sách chúng ta gọi là lịch sử và ngôn sứ) và các Văn Phẩm (các sách minh triết, đặc biệt là tập Thánh Vịnh) (x. Lc.24,44).
Trong công trình sáng tạo
703 292. Lời và Hơi Thở của Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống mọi thụ tạo ( x. Tv 33,6; 104,30; St 1,2; 2,7; Gv 3,20-21; Xh 37,10).
291. Chúa Thánh Thần ngự trị, thánh hóa và làm cho công trình sáng tạo có sinh khí, vì Người là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con. Người có quyền trên sự sống, vì với tư cách là Thiên Chúa, Người gìn giữ công trình sáng tạo trong Chúa Cha nhờ Chúa Con (Phụng vụ Byzantine. Điệp ca kinh sách các Chúa Nhật tuần 2).
704 356. "Chính nhờ đôi tay (là Chúa Con và Chúa Thánh Thần), Thiên Chúa nhào nắn con người và vẽ chính hình dáng của mình trên xác phàm đã được nắn đúc, để ngay cả những gì hữu hình cũng mang nét thiên linh" (T. I-rê-nê, trình bày đức tin tông truyền).
Thần Khí của lời hứa
705 410, 2089. Dù bị tội lỗi và cái chết làm biến dạng, con người vẫn "là hình ảnh Thiên Chúa", là hình ảnh Chúa Con, nhưng "bị tước mất Vinh Quang Thiên Chúa" (Rm 3,23), không còn "giống Thiên Chúa". Lời hứa với Áp-ra-ham khai mạc nhiệm cục cứu độ; cuối nhiệm cục này, chính Chúa Con sẽ đảm nhận "hình ảnh" (Ga 1,14; Pl 2,7) và tái tạo lại nét "giống" Chúa Cha bằng cách hoàn trả cho con người Vinh Quang là Thánh Thần "ban sự sống".
706 60. Dù Áp-ra-ham không còn hy vọng gì, Thiên Chúa vẫn hứa cho ông một miêu duệ, như là hoa quả của đức tin và quyền năng của Thánh Thần (x. St.18,1-15; Lc 1,26-38.54.55; Ga 1,12-13; Rm 4,16-21). Nơi miêu duệ của ông, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc ( x.St 12,3). Miêu duệ ấy là Đức Ki-tô (x. Gl.3,16). Nơi Người, Thánh Thần sẽ được ban tràn đầy để quy tụ "con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối" ( x. Ga 11, 52). Qua lời thề hứa với Áp-ra-ham (x. Lc 1,73), Thiên Chúa đã cam kết ban Con Chí Ái của Người ( x. St 22,17-19; Rm 8,32; Ga 3,16) và ban "Thánh Thần của Lời Hứa... Đấng chuẩn bị cho công cuộc cứu chuộc Dân mà Thiên Chúa đã tạo ra cho mình" (Ep 1,13-14), (x. Gl 3,14).
Trong những lần Hiển linh và trong Lề Luật
707. Những cuộc thần hiện (Thiên Chúa hiện ra) soi sáng tiến trình thực hiện lời hứa, từ các tổ phụ đến Mô-sê, và Giô-su-ê, đến các thị kiến mở đầu sứ mạng các ngôn sứ lớn. Truyền thống Ki-tô giáo luôn nhìn nhận trong các cuộc thần hiện này, Ngôi Lời của Thiên Chúa tỏ mình cho ta trông thấy và nghe được, vừa được mặc khải vừa "bị che khuất" trong áng mây Thánh Thần.
708 1961, 1964 122 2585

Đường lối sư phạm này của Thiên Chúa tỏ lộ rõ ràng trong việc ban lề luật ( x. Xh 19-20; Dt 1,11; 29-30). Lề Luật đã được ban như một "vị sư phạm" dẫn Dân Chúa đến Đức Ki-tô (Gl 3,24). Vì Lề Luật không đủ khả năng cứu con người đang trong tình trạng không còn "giống" Thiên Chúa và làm cho người ta ý thức hơn về tội nên đã khơi lên trong lòng người niềm khao khát Thánh Thần (x. Rm 3,20), như những lời kêu van trong tập Thánh Vịnh minh chứng.


Trong Vương quốc và tại Nơi Lưu đày
709 2579,544. Lề luật vốn là dấu chỉ lời hứa và Giao Ước, lẽ ra phải điều khiển con tim và các thể chế của Dân phát sinh từ đức tin của Áp-ra-ham. "Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta...Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh dành riêng cho Ta" (Xh 19,5-6). Nhưng sau thời Đa-vít, It-ra-en sa chước cám dỗ và trở thành một vương quốc theo kiểu các dân tộc khác. Thế mà, vương quốc được Thiên Chúa ban cho Đa-vít sẽ là công trình của Thánh Thần và thuộc về những người nghèo theo Thánh Thần.

710. Vì quên lãng Lề Luật và bất trung với Giao Ước, Ít-ra-en đi vào cõi chết : bị lưu đày, các lời hứa có vẻ bị thất bại. Thực ra, Thiên Chúa vẫn trung tín thực hiện lời hứa một cách mầu nhiệm và khởi sự một cuộc phục hưng như đã hứa, nhưng phục hưng theo Thánh Thần. Dân Chúa cần trải qua cuộc thanh luyện này; lưu đày mang sẵn hình bóng Thập Giá trong ý định của Thiên Chúa, và "số người nghèo sót lại" từ lưu đày trở về là một trong những hình bóng trong sáng nhất về Hội Thánh.
Mong đợi Đấng Mê-si-a và Thánh Thần của Người
711 64. "Này Ta sắp làm một việc mới" (Is 43,19). Trong Cựu Ước, có hai đừơng hướng ngôn sứ: một bên căn cứ vào sự mong đợi Đấng Mê-si-a; bên kia loan báo một Thần Khí mới. Hai đường này đồng qui vào số sót, vào đám Dân nghèo đang mong đợi và hy vọng ngày Thiên Chúa "an ủi It-ra-en" và ngày Thiên Chúa "giải phóng Giê-ru-sa-lem" (x.Lc 2,25-38).
Trong đoạn trên, chúng ta thấy cách Đức Giê-su thực hiện những lời tiên tri về Người. Ở đây, chúng ta giới hạn về những lời tiên tri có liên quan rõ rệt giữa Đấng Mê-si-a và Thánh Thần của Người.
712 439. Những đường nét về khuôn mặt của Đấng Mê-si-a bắt đầu xuất hiện trong "sách Em-ma-nu-en" (Is 6-12) đặc biệt là đoạn Is 11,1-2:

Từ gốc tổ Giê-sê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,

Từ cội rễ ấy, sẽ mọc ra một mầm non

Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này :

Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn.

Thần Khí mưu lược và dũng mãnh,

Thần Khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.

713 601. Khuôn mặt Đấng Mê-si-a được mặc khải nhiều nhất trong bốn bài ca về người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Những bài ca này tiên báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí cho muôn người được sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách "mặc lấy thân phận nô lệ" của chúng ta (Pl 2,7). Người có thể thông truyền cho chúng ta chính Thần Khí ban sự sống của Người vì Người mang lấy cái chết của chúng ta.
714. Chính vì thế, Đức Ki-tô khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng bằng cách tuyên bố đoạn ngôn sứ I-sai-a sau đây nói về Người (Lc 4,18-19) :
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

băng bó những tấm lòng tan nát,

tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm

trả lại tự do những kẻ bị áp bức,



công bố năm hồng ân của Thiên Chúa."

tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương