SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI


Hội Thánh được Đức Ki-tô thiết lập



tải về 4.7 Mb.
trang19/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   68

Hội Thánh được Đức Ki-tô thiết lập
763 541. Việc Chúa Con phải thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha khi thời gian đến hồi viên mãn, là lý do của "sứ mạng Người" ( x. LG 3; AG 3). "Chúa Giê-su đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa đã hứa trong Kinh Thánh từ ngàn xưa nay được khai sáng" (LG 5). Để thực thi ý Chúa Cha, Đức Ki-tô khai mạc Nước Trời trên mặt đất. Hội Thánh là "triều đại của Đức Ki-tô hiện diện một cách huyền nhiệm" (LG 3).
764 543, 1691, 2558.

"Triều đại này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Ki-tô" (LG 5). "Ai đón nhận lời của Đức Giê-su là đón nhận Nước Thiên Chúa" ( Ibid). Mầm mống và khai nguyên của Nước Trời là "đoàn chiên bé nhỏ" (Lc 12, 32). Chúa Giê-su đã tập họp quanh Người và chính Người là mục tử ( x.Mt 10,16; 26,31; Ga 10,1-21). Những người đó họp thành gia đình đích thực của Chúa Giê-su ( x.Mt 12,49). Người đã dạy cho họ một "cách sống mới" và một kinh nguyện riêng ( x.Mt 5-6).



765 860, 551. Chúa Giê-su thiết lập một cộng đoàn có cơ cấu, và cộng đoàn này sẽ tồn tại cho đến lúc Nước Trời được hoàn thành. Trước hết, Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phê-rô làm thủ lãnh ( x.Mc 3,14-15). Đại diện cho 12 chi tộc Ít-ra-en ( x.Mt 19,28; Lc 22,30), nhóm 12 là nền tảng của Giê-ru-sa-lem mới ( x.Kh 21,12-14). Nhóm Mười Hai ( x.Mc 6,7) và các môn đệ khác ( x.Lc 10,1-2) tham dự vào sứ mạng của Đức Ki-tô, vào quyền năng và cả số phận ( x.Mt 10,25; Ga 15,20) của Người. Qua những hành động trên, Đức Ki-tô chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người.
766 813, 610, 1340 617 478.

Nhưng Hội Thánh phát sinh chủ yếu từ việc Đức Ki-tô hiến thân hoàn toàn để cứu độ chúng ta; sự hiến thân được thể hiện trước trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên Thập Giá. "Sự khai nguyên và phát triển của Hội Thánh được biểu thị bằng máu và nước trào ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su bị đóng đinh" ( x.LG 3). "Chính từ cạnh sườn của Đức Ki-tô chịu chết trên Thập Giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh" (SC 5). Cũng như E-và được tạo ra từ cạnh sườn của A-đam khi ông ngủ, thì Hội Thánh cũng đã sinh từ trái tim bị đâm thủng của Đức Giê-su chết trên Thập Giá.


Hội Thánh được bày tỏ bởi Chúa Thánh Thần
767 731 849.

"Khi Chúa Con hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian, Chúa Thánh Thần được cử đến trong ngày lễ Ngũ Tuần, để thánh hoá Hội Thánh mãi mãi" (LG 4). "Bây giờ, Hội Thánh được công khai giới thiệu cho nhân loại, và Tin Mừng bắt đầu được rao giảng cho muôn dân" (AG 4). Bởi Hội Thánh là cuộc "triệu tập" tất cả mọi người để được cứu độ, nên Hội Thánh tự bản chất là thừa sai, được Chúa Ki-tô cử đến với muôn dân, để làm cho họ trở thành môn đệ của Người ( x.Mt 28,l9-20; AG 2,5-6).


768 541. Để giúp Hội Thánh thi hành sứ mạng, Chúa Thánh Thần "trang bị và điều khiển Hội Thánh bằng nhiều ân huệ phẩm trật và các đặc sủng khác nhau" (LG 4). "Vì thế được trang bị với các hồng ân của Đấng Sáng Lập và chăm chú trung thành tuân giữ các giới răn về bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Hội Thánh lãnh nhận sứ mạng rao truyền và thiết lập Nước của Đức Ki-tô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc; Hội Thánh là mầm mống và khai nguyên của Nước ấy trên trần gian" (LG 5).
Hội Thánh được hoàn tất trong vinh quang
769 67l,28l8 675 l045.

"Hội Thánh chỉ được hoàn tất trong vinh quang trên trời" ( x. LG 48), trong ngày Chúa Ki-tô quang lâm. Từ nay đến đó, "Hội Thánh vẫn tiến bước trên đường hành hương, bị thế gian bách hại và được Thiên Chúa an ủi" (Thánh Âu-tinh, Đô thị Thiên Chúa,l8-5l; LG 8). Nơi trần thế, Hội Thánh biết mình đang ở chốn lưu đày, xa cách Chúa ( x.2Cr 5,6; LG 6) và khao khát ngày Vương Quốc đăng quang trọn vẹn, "giờ mà Hội Thánh được kết hợp cùng Vua của mình trong vinh quang" (LG 5). Hội Thánh sẽ phải trải qua nhiều thử thách lớn lao trước khi đạt tới vinh quang viên mãn; và nhờ Hội Thánh, thế giới cũng được vinh quang. Chỉ khi đó "mọi người công chính từ A-đam, từ A-ben người công chính, cho đến người được tuyển chọn cuối cùng, sẽ được qui tụ trong Hội Thánh hoàn vũ bên cạnh Chúa Cha"(LG 2).



III. MẦU NHIỆM HỘI THÁNH
770 812. Hội Thánh sống trong lịch sử, nhưng vượt trên lịch sử. Chỉ với "con mắt đức tin" ( x. Sách Giáo lý Rô-ma l,l0,20), chúng ta mới có thể thấy được thực tại thiêng liêng mang sức sống thần linh nơi thực tại hữu hình của Hội Thánh.
Hội Thánh - vừa hữu hình vừa thiêng liêng
771 827. "Đức Ki-tô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Hội Thánh luôn thánh thiện, là một cộng đoàn sống đức tin, cậy, mến như một cơ cấu hữu hình trên trần gian. Qua Hội Thánh, Người loan truyền chân lý và ân sủng cho mọi người". Hội Thánh đồng thời là :

1880

- "xã hội có tổ chức theo phẩm trật và là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô;

- tập họp hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng;

954

- Hội Thánh dưới đất và Hội Thánh được trang bị những ân sủng trên trời".


Những chiều kích trên cấu thành một thực thể phức tạp, duy nhất, được tạo nên do hai yếu tố nhân loại và thần linh kết thành" (LG 8). "Hội Thánh có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt tình hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện trên trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên, trong Hội Thánh, yếu tố nhân loại quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh; những thực tại hữu hình quy hướng về những thực tại vô hình; hoạt động hướng về chiêm niệm; và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm" (SC 2).
"Ôi khiêm tốn ! Ôi cao cả ! Lều tạm Xê-đa và Thánh Điện của Thiên Chúa, nơi cư trú trần gian và là cung điện trên trời; ngôi nhà bằng đất sét và là cung điện của Vua; thân xác hư nát và là đền thờ ánh sáng; đối tượng của sự khinh khi của bọn kiêu căng và là hiền thê của Đức Ki-tô ! Nàng đen mà đẹp, nữ tử Giê-ru-sa-lem, nàng xanh xao nhợt nhạt vì mệt mỏi, đau khổ qua cuộc lưu đày dài đằng đẵng, song nàng đã được trang sức bằng nữ trang thượng giới (T. Bernard Cant 27,14).
Hội Thánh - Mầu Nhiệm hiệp nhất giữa loài người với Thiên Chúa
772 518, 796.

Chính trong Hội Thánh, Đức Ki-tô hoàn tất và mặc khải Mầu nhiệm sâu thẳm của Người như cùng đích của ý định Thiên Chúa : "thâu tóm mọi sự trong Đức Ki-tô" (Ep l,l0). Sự kết hiệp của Đức Ki-tô với Hội Thánh là Hiền Thê của Người, được thánh Phao-lô gọi là "mầu nhiệm cao cả" (Ep 5-32). Vì được kết hiệp với Đức Ki-tô như Phu Quân của mình (x. Ep 5,25-27), Hội Thánh đến lượt mình cũng trở thành Mầu Nhiệm (x. Ep 3,9-l4). Chiêm ngắm mầu nhiệm này, thánh Phao-lô nói : "Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang" (Cl 1, 27).


773 671 972.

Mục đích của Hội Thánh là giúp con người hiệp thông với Thiên Chúa nhờ "đức ái không bao giờ tàn tạ" (x. 1Cr l3,8); mục đích ấy chi phối tất cả những gì là phương tiện mang tính bí tích, gắn liền với thế giới đang qua đi (x LG 48). "Phẩm trật Hội Thánh, hoàn toàn nhằm vào việc thánh hoá các chi thể của Chúa Ki-tô. Sự thánh thiện của Hội Thánh tùy thuộc vào "mầu nhiệm cao cả", là mầu nhiệm Hội Thánh đón nhận và đáp lại tình yêu của Đức Ki-tô" (x. MD 27). Đức Ma-ri-a đã trổi vượt trên tất cả chúng ta về sự thánh thiện. Sự thánh thiện này là mầu nhiệm Hội Thánh xét như "Hiền Thê không tỳ ố, không vết nhăn" (x Ep 5,27). Vì vậy "trong Hội Thánh, mẫu mực Thánh Mẫu trổi vượt hơn mẫu mựcTông Đồ" ( Ibid) .


Hội Thánh - Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ
774 1075 515 2014 1116.

Tiếng La tinh dùng hai từ Mysterium (mầu nhiệm) và Sacramemtum (bí tích) để dịch từ Mysterion của Hy lạp. Về sau, người ta phân biệt thuật ngữ Sacramentum (bí tích) để diễn tả dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ; thuật ngữ Mysterium (mầu nhiệm) diễn tả ơn cứu độ ẩn giấu dưới dấu chỉ hữu hình đó. Theo nghĩa này, chính Đức Ki-tô là mầu nhiệm cứu độ : mầu nhiệm Thiên Chúa không có gì khác hơn là chính Đức Ki-tô (T. Âu-tinh thư l87,ll,34). Công trình cứu độ của nhân tính thánh thiên và có sức thánh hóa của Đức Ki-tô là bí tích cứu độ được tỏ lộ và tác động trong các bí tích của Hội Thánh (mà các Giáo Hội Đông Phương gọi là các "mầu nhiệm thánh"). Bảy bí tích là những dấu chỉ và những khí cụ Chúa Thánh Thần dùng để ban tràn đầy ân sủng của Đức Ki-tô là Đầu, cho Hội Thánh là Thân Thể. Như thế, Hội Thánh chứa đựng và thông ban ân sủng vô hình mà Hội Thánh là dấu chỉ. Chính trong nghĩa loại suy này mà Hội Thánh được gọi là "bí tích".




775 360. "Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (LG 8). Mục đích đầu tiên của Hội Thánh là trở thành bí tích của sự kết hiệp mật thiết con người với Thiên Chúa. Vì sự hiệp thông giữa con người với nhau bắt nguồn từ sự kết hiệp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích hiệp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hiệp nhất đó đã bắt đầu, vì Hội Thánh qui tụ những người "thuộc mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ" (Kh 7,9); đồng thời, Hội Thánh là "dấu chỉ và khí cụ" thực hiện trọn vẹn sự hiệp nhất còn phải đạt đến.
776 1088. Vì là bí tích, Hội Thánh cũng là khí cụ của Đức Ki-tô. "Chúa Ki-tô dùng Hội Thánh như khí cụ để cứu chuộc mọi người" (x. LG 9), như "bí tích phổ quát của ơn cứu độ" (x. LG 48), nhờ đó Đức Ki-tô "bày tỏ và thực hiện mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương con người" (x. GS 45,l). Hội Thánh là "dự phóng hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại" (Phao-lô VI-diễn từ 22-6-1973). Thiên Chúa muốn cho "tất cả loài người họp thành một Dân duy nhất của Thiên Chúa, quy tụ trong Thân Thể duy nhất của Đức Ki-tô, xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Thánh Thần" (AG 7; LG 17).
TÓM LƯỢC
777. Từ "Hội Thánh" nghĩa là "tập họp". Thuật ngữ này chỉ cuộc hội họp của những người được Lời Chúa tập họp thành Dân Thiên Chúa, và nhờ bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng, họ trở thành Thân Thể Đức Ki-tô.
778. Hội Thánh vừa là con đường, vừa là cùng đích của ý định Thiên Chúa. Được tiên báo từ khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được thành lập do Lời và hành động của Đức Giê-su Ki-tô, được thực hiện nhờ Thập Giá cứu chuộc và sự Phục Sinh của Người, cuối cùng Hội Thánh được giới thiệu với nhân loại như mầu nhiệm cứu độ qua việc Thánh Thần được ban tràn đầy. Hội Thánh sẽ được hoàn tất trong vinh quang trên trời như cuộc tập họp tất cả những ai được chuộc về từ dưới đất (x.Kh 14,4).
779. Hội Thánh vừa hữu hình vừa thiêng liêng, vừa là một xã hội có phẩm trật vừa là Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Hội Thánh duy nhất họp thành bởi hai yếu tố: nhân loại và thần linh. Vì thế, chỉ có đức tin mới thấu hiểu được mầu nhiệm Hội Thánh.
780. Ở đời này, Hội Thánh là bí tích cứu độ, dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người.

Tiết 2: HỘI THÁNH – DÂN THIÊN CHÚA, THÂN THỂ

CHÚA KITÔ, ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN
I. HỘI THÁNH LÀ DÂN THIÊN CHÚA
781. "Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành đều được Người đoái thương (x.Cv 10, 35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý, và phụng sự Người trong thánh thiện. Vì thế, Người chọn dân Ít-ra-en làm dân Người, thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần... Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của Giao Ước mới hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Ki-tô ... Đó là Giao Ước mới trong máu Người, Người triệu tập một dân đến từ dân Ít-ra-en và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần" (LG 9).
Những đặc tính của dân Thiên Chúa
782 871. Dân Thiên Chúa có những đặc tính rõ ràng, phân biệt họ với tất cả những tập thể tôn giáo, chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa trong lịch sử.
2787.

-Họ là dân của Thiên Chúa : Thiên Chúa không là của riêng một dân tộc nào. Nhưng Người tạo cho mình một dân tộc từ những người trước kia không phải là một dân tộc : "một giống nòi được tuyển chọn, một hoàng tộc chuyên lo tế tự, một dân thánh" (1 Pr 2,9).



1267.

-Người ta trở nên thành viên của Dân này, không phải do huyết thống nhưng "được sinh ra từ trên", "bởi nước và Thánh Thần" (Ga 3,3-5), nghĩa là nhờ tin vào Đức Ki-tô và nhờ Phép Rửa.



695.

-Dân này có vị Thủ Lãnh (Đầu) là Đức Ki-tô (Đấng đựơc xức dầu, Mê-si-a), vì cùng được xức dầu bởi một Chúa Thánh Thần, chảy từ đầu xuống thân, nên dân này là dân Mê-si-a.



1741.

-"Thân phận dân này là phẩm giá của những người con tự do của Thiên Chúa : Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong một đền thờ."


-"Luật của họ là giới răn mới : phải yêu thương nhau như chính Chúa Ki-tô đã yêu thương chúng ta" (x. Ga l3,34). Đó là luật "mới" của Chúa Thánh Thần ( Rm 8, 2; Gl 5,25).
849.

-Sứ mạng của dân này là làm muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,l3-l6). "Dân này là hạt giống tốt nhất giúp toàn nhân loại hiệp nhất, hy vọng và được cứu độ."



769.

-Cuối cùng, cứu cánh của Dân là "Nước Thiên Chúa được khai nguyên trên trần gian và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Người hoàn tất trong ngày thế mạt ".


Một dân tư tế, ngôn sứ và vương giả
783 436, 873

Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu và tấn phong Đức Giêsu Ki-tô làm "Tư tế, Ngôn sứ và Vua". Toàn thể Dân Thiên Chúa tham dự ba chức năng đó của Đức Ki-tô và lãnh trách nhiệm thực hiện sứ mạng phục vụ, xuất phát từ ba chức năng đó (RH 18,21).


784 1268 1546.

Khi gia nhập Dân Thiên Chúa, bằng đức tin và phép rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi vô song của Dân ấy : ơn gọi tư tế . "Đức Giê-su Ki-tô được cất nhắc làm thượng tế giữa loài người, đã làm cho Dân mới "thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người". Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành đền thờ thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh" (LG 10).


785 92.

"Dân thánh của Thiên Chúa tham dự chức năng ngôn sứ của Đức Ki-tô" : nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin của toàn thể Dân Chúa, của giáo dân cũng như của hàng giáo phẩm, khi "gắn bó hoàn toàn với đức tin đã được truyền lại cho Dân thánh chỉ một lần là đủ" (LG l2), khi tìm hiểu, đào sâu nội dung đức tin ấy, và khi trở nên chứng nhân của Đức Ki-tô giữa đời.


786 2449 2443.

Dân Thiên Chúa còn tham dự vương giả của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô thi hành vương quyền bằng cách nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh mà thu hút mọi người đến với mình (x. Ga12,32). Dù là Vua và Chúa muôn loài, Đức Ki-tô đã tự hạ làm tôi tớ mọi người, vì "Người không đến để được hầu hạ mà để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người" (Mt 20,28). Đối với Ki-tô hữu, "muốn làm Vua với Đức Ki-tô phải phục vụ Người" (LG 36), cách riêng "trong những người nghèo khó và đau khổ, vì nơi họ, Hội Thánh nhận ra hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình" (LG 8). Dân Thiên Chúa thực hiện "phẩm giá vương giả" của mình bằng cách sống phù hợp ơn gọi phục vụ với Đức Ki-tô.


Dấu Thánh Giá làm cho tất cả những người được tái sinh trong Đức Ki-tô trở thành Vua. Việc Thánh Thần xức dầu, thánh hiến họ làm tư tế. Không kể đến thừa tác vụ tư tế của hàng giáo sĩ, mọi Ki-tô hữu, nhờ đặc sủng của Thánh Thần và nhờ sử dụng lý trí, nhận ra mình thuộc dòng dõi vương giả và chia sẻ chức năng tư tế. Thật vậy, ai vương giả hơn người bắt thân xác mình qui phục Thiên Chúa? Và ai xứng đáng làm tư tế cho bằng kẻ hiến cho Chúa một lương tâm trong sạch và dâng trên bàn thờ tâm hồn mình, những lễ vật tinh tuyền của một đời phụng sự Chúa ( T.Lê-ô cả, bài giảng.1,1).
II. HỘI THÁNH LÀ THÂN THỂ CHÚA KI-TÔ
Hội Thánh là hiệp thông với Đức Giê-su

787 755.

Ngay từ đầu, Chúa Giê-su đã cho các môn đệ dự phần vào đời sống của mình ( x. Mc 1,16-20; 3,13-19). Người mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời ( x. Mt 13,10-17) và cho họ tham gia vào sứ mạng, chia sẻ niềm vui ( x. Lc 10,17-20) và khổ đau của Người ( x. Lc 22,28-30). Đức Giê-su nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn giữa Người với những ai sau này sẽ theo Người : "Hãy lưu lại trong Thầy ... như Thầy trong anh em... Thầy là cây nho, anh em là ngành" (Ga 15,4-5). Người loan báo một sự hiệp thông thật sự và mầu nhiệm giữa thân thể Người và thân thể chúng ta: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì kết hợp với Ta và Ta với người ấy" (Ga 6,56).


788 690.

Khi không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ, Chúa Giê-su không để các môn đệ phải mồ côi ( x. Ga 14,18). Người hứa ở với họ cho đến tận thế ( x. Mt 28,20), Người cử Thánh Thần đến với họ ( x. Ga 20,22; Cv 2,33). Nhờ đó sự hiệp thông với Người, trở nên mật thiết hơn : "Khi thông truyền Thánh Thần cho những anh em được Người qui tụ từ muôn dân, Đức Ki-tô tạo lập họ thành Thân Thể Người cách mầu nhiệm" (LG 7).


789 521.

Khi so sánh Hội Thánh với thân thể con người, chúng ta thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa Hội Thánh với Đức Ki-tô. Hội Thánh không chỉ được quy tụ quanh Đức Ki-tô, nhưng được thống nhất trong Người, trong Thân Thể Người. Trong Hội Thánh là Thân Thể Đức Ki-tô, chúng ta cần lưu ý đặc biệt ba khía cạnh sau : Các chi thể hợp nhất với nhau nhờ kết hợp với Đức Ki-tô; Đức Ki-tô là Đầu của Thân Thể; Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Ki-tô.


"Một Thân Thể duy nhất"
790 9471227 1329.

Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể Đức Ki-tô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Người: "Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Ki-tô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thật sự và cách mầu nhiệm với Chúa Ki-tô đau khổ và hiển vinh" (LG 7). Thật vậy, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được kết hợp với Đức Ki-tô trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Người ( x Rm 6,4-5;1Cr 12,13) ; và nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta "được thông dự thực sự vào Thân Thể của Đức Ki-tô", "nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau" (LG 7).


791 814, 1937.

Sự hiệp nhất trong Thân Thể không làm mất tính đa dạng của các chi thể : "Trong việc xây dựng Thân Thể của Chúa Ki-tô, cần có nhiều chi thể với những phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau, để làm ích cho Hội Thánh theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của các công việc". Sự hiệp nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và thúc đẩy lòng bác ái giữa các tín hữu. "Nếu một chi thể nào đau đớn, thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui" (LG 7). Sau cùng, sự hiệp nhất của Nhiệm Thể vượt qua mọi chia rẽ của loài người : "Quả thế, được dìm vào nước Thánh Tẩy để nên một với Đức Ki-tô, tất cả anh em được mặc lấy Đức Ki-tô; không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh em chỉ là một nhờ được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su" (Gl 3,27-28).



Đức Ki-tô là Đầu của Thân Thể "
792 669 1119.

Đức Ki-tô là "Đầu của Thân Thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh" (Cl 1,18). Người là nguyên lý của công trình sáng tạo và cứu chuộc. Được cất nhắc vào trong vinh quang của Chúa Cha, "trong mọi sự Người đứng hàng đầu" (Cl 1,18), nhất là trong Hội Thánh, nhờ Hội Thánh Người mở rộng vương triều của Người trên mọi sự.


793 661 519.

Người kết hiệp chúng ta vào cuộc Vượt Qua của Người : Mọi chi thể phải trở nên giống Đức Ki-tô "cho đến khi Đức Ki-tô được hình thành nơi anh em" (Gl 4,l9). "Chính vì thế chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Người ..., thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hiệp với đầu, kết hiệp với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển" (LG 7).
794 872.

Người giúp chúng ta tăng trửơng (x. Cl 2,l9). Để chúng ta lớn lên vươn tới Người là Đầu, Đức Ki-tô phân phối những ân huệ và những thừa tác vụ trong Thân Thể Người là Hội Thánh, nhờ đó chúng ta giúp nhau trên đường cứu độ.
795 695.

Chúa Ki-tô hợp với Hội Thánh làm thành "Đức Ki-tô toàn diện". Hội Thánh là một với Đức Ki-tô. Các thánh ý thức sâu xa về sự hiệp nhất này :


"Chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ, vì chúng ta không những trở thành Ki-tô hữu, mà trở thành chính Đức Ki-tô. Anh em có hiểu ơn trọng đại Thiên Chúa ban, khi Người cho Đức Ki-tô làm Đầu chúng ta không ? Anh em hãy cảm phục và vui mừng, chúng ta đã trở nên Đức Ki-tô. Quả thế, nếu Người là Đầu và chúng ta là chi thể, thì con người đầy đủ chính là Đức Ki-tô cộng với chúng ta .... Sự viên mãn của Đức Ki-tô chính là Đầu cùng với chi thể. Đầu nào? Chi thể nào? Đó là Đức Ki-tô và Hội Thánh" (x.T. Augustinô chú giải Tin Mừng thánh Gioan 21,8).
"Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã xuất hiện như một người duy nhất với Hội Thánh mà Người đã đảm nhận làm thân thể Người" (x.T. Ghê-gô-ri-ô, cả bài giảng luân lý trong sách Gióp l,6,4).
l474

"Đầu và các chi thể làm nên một ngôi vị thần bí" (x.T. Tô-ma Aquinô, tổng luận thần học 3,48,2,ad l-7).


Một câu nói của Thánh Giăn-Đắc trước toà án tóm tắt niềm tin của các thánh tiến sĩ và cũng diễn tả lương tri của người tín hữu "Đức Ki-tô và Hội Thánh chỉ là một, đừng thắc mắc chi hết" (x.T. Gian-Đa, hồ sơ toà án).
Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Ki-tô
796 757 219 772 1602 1616.

Sự hiệp nhất giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, giữa Đầu và các chi thể của Thân Thể, cũng bao trùm có sự phân biệt giữa hai bên trong một tương quan cá vị. Khía cạnh này thường được diễn tả qua hình ảnh Phu Quân và Hiền Thê. Đề tài Đức Ki-tô Phu Quân của Hội Thánh đã dược các ngôn sứ chuẩn bị và Gio-an Tẩy Giả báo trước (x. Ga 3,29). Chính Chúa Giê-su cũng tự xưng là "hôn phu" (Mc 2, 19) (x. Mt 22,1-14; 25,1-13). Thánh Phao-lô giới thiệu Hội Thánh và mỗi tín hữu, chi thể của Thân Thể, như Hiền Thê "được đính hôn" với Đức Ki-tô để nên cùng một Tinh Thần với Người (x. 1Cr 6,15-17; 2Cr 11,2). Hội Thánh là Hiền Thê không tì vết của Con Chiên tinh tuyền (x. Kh 22,17; Ep 1,4; 5,27), Hiền Thê mà Đức Ki-tô yêu mến và hiến mạng sống để "thánh hoá" (Ep 5,26). Người liên kết với Hội Thánh bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như chính Thân Thể mình (x. Ep 5,29).


"Đây là Đức Ki-tô toàn diện, Đầu và thân thể, "nhiều" thành "một" ....Đầu nói, hay các chi thể nói, cũng là Đức Ki-tô nói :Người nói với tư cách là Đầu hay với tư cách là Thân Thể. Sách Thánh nói thế nào? "Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh" (Ep 5, 3l-32). Và chính Chúa Giê-su cũng nói trong Tin Mừng: "Không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt" (Mt l9,6). Như anh em đã thấy, thật sự thì có hai người khác nhau, nhưng cả hai đã nên một khi thành vợ thành chồng .... Với tư cách là Đầu, Người tự xưng là "Phu quân"; với tư cách là Thân Thể, Người tự xưng là "Hiền thê" (x.T.Augustinô, chú giải thánh vịnh 74,4).
III. HỘI THÁNH là ĐỀN THỜ của CHÚA THÁNH THẦN
797 813 586.

"Tinh thần hay linh hồn tương quan với chi thể thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Ki-tô, với Thân thể Người, là Hội Thánh" (T.Âu-tinh, bài giảng 267,4). "Chính nhờ Thánh Thần của Đức Ki-tô, như một nguyên lý tiềm ẩn, mà tất cả các phần của Thân Thể được nối kết với nhau cũng như với Đầu, vì Người hiện diện trọn vẹn nơi Đầu, trọn vẹn nơi Thân thể, trọn vẹn nơi mỗi một chi thể" (x. Pi-ô XII, Thông diêp Thánh Thể; DS 3808). Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở nên "Đền Thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Cr 6,16) (x. 1Cr 3,16-17; Ep 2,21).


Hồng ân Thiên Chúa được uỷ thác cho Hội Thánh. Nơi Hội Thánh, Thiên Chúa cho chúng ta hiệp thông với Đức Ki-tô, nghĩa là được nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Đấng bảo đảm chúng ta sẽ được sống đời đời, củng cố đức tin và làm thang đưa chúng ta lên tới Thiên Chúa ... Vì ở đâu có Hội Thánh,thì ở đó có Thánh Thần của Thiên Chúa; và ở đâu có Thánh Thần của Thiên Chúa, ở đó có Hội Thánh và mọi thứ ân sủng (T.I-rê-nê, chống lạc giáo, 3,24,l).

tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương