SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI


II. CÁI CHẾT CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC KI-TÔ TRONG Ý ĐỊNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA



tải về 4.7 Mb.
trang15/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   68

II. CÁI CHẾT CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC KI-TÔ TRONG Ý ĐỊNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
"Đức Giê-su đã bị nộp theo ý định của Thiên Chúa"
599 517. Cái chết đau thương của Đức Giê-su không phải là hậu quả của ngẫu nhiên do các hoàn cảnh bất ngờ hợp lại. Điều này thuộc về mầu nhiệm của ý định Thiên Chúa, như thánh Phê-rô giải thích cho người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem ngay từ bài giảng đầu tiên trong ngày lễ Hiện Xuống : "Người đã bị nộp theo ý Thiên Chúa đã định và biết trước" (Cv 2,23). Kinh Thánh nói như vậy không có nghĩa là những kẻ đã "nộp Đức Giê-su " (Cv 3,13) chỉ thụ động nhập vai trong một kịch bản do Thiên Chúa đã viết trước.
600 312. Đối với Thiên Chúa mọi thời điểm đều là hiện tại. Khi tiền định một điều gì đó trong kế hoạch vĩnh cửu, Người cũng "tiền định" tùy theo quyền của mỗi người tự do đáp trả ân sủng của Người : "Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với các dân ngoại và dân chúng Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Người là Đức Giê-su, Đấng Người đã xức dầu. (x.Tv 2,1-2) Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và sự khôn ngoan của Người đã định trước" (Cv 4,27-28). Thiên Chúa cho phép xảy ra những hành vi do sự mù quáng của họ (x. Mt 26,54; Ga 18,36;19,11), để thực hiện ý định cứu độ của Người (x. Cv 3,17-18).
"Chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh"
601 652 713. Ý định cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của "Người Tôi Tớ, Đấng Công Chính" (Is 53,11) ( x.Cv 3,14), ý định này đã được báo trước trong Kinh Thánh như là mầu nhiệm cứu chuộc phổ quát ( x.Is 53,11-12; Ga 8,34-36). Thánh Phao-lô tuyên xưng đức tin mà Người đã "lãnh nhận "(1Cr 15,3): "Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta,
"Vì chúng ta, Thiên Chúa đã coi Người như hiện thân của tội lỗi"
602 400 519. Vì thế, thánh Phê-rô có thể trình bày đức tin tông truyền về ý định cứu độ của Thiên Chúa như sau : "Anh em đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Ki-tô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước khi chưa có vũ trụ, và đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này" (1 Pr 1,18-20). Con người phải chết vì những tội lỗi xuất phát từ nguyên tội (x.Rm 5,12; 1Cr 15, 56). Khi cử chính Con Một Người đến trong thân phận tôi đòi (x.Pl 2,7), thân phận loài người sa đoạ và phải chết vì tội lỗi (x.Rm 8,3), "Thiên Chúa vì chúng ta, đã coi Đức Ki-tô, Đấng không hề biết tội là gì, như hiện thân của tội lỗi, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa" (2Cr 5,21).
603. Vì không hề phạm tội, Đức Giê-su không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ (x.Ga 8,46). Đức Giê-su đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc hằng liên kết Người với Chúa Cha (x.Ga 8,29), cho đến độ Người xem như bị tách lìa Thiên Chúa vì tội chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên trên thập giá : "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con!" ( Mc 15, 34;Tv 22,1). Vì đã muốn liên kết Đức Ki-tô với chúng ta là những kẻ tội lỗi, nên Thiên Chúa "đã chẳng dung tha, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Người vì hết thảy chúng ta"(Rm 8,32), để chúng ta "được hoà giải với Người nhờ cái chết của Con Một Người" (Rm 5,10).
Vì yêu thương, Thiên Chúa đi bước trước để cứu chuộc mọi người
604 211,2009 1825. Khi trao nộp Con của Người vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng ta : "Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và đã cử Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1Ga 4,10) (x. 4,19). "Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, là Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân" (Rm 5,8).
605 402 634, 2793. Tình thương này không loại trừ một ai, Đức Giê-su nhắc lại điều này để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: "Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất" (Mt 18,14). Người khẳng định "sẽ hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Thuật ngữ này không có ý thu hẹp số người được cứu độ, nhưng chỉ muốn đối chiếu toàn thể nhân loại đông đảo với một mình Đấng Cứu Độ, tự hiến để cứu chuộc muôn người ( x. Rm 5, 18-19). Hội Thánh nối gót các tông đồ dạy rằng : (x.2 Cr 5,15; 1Ga 2,2) Đức Ki-tô đã chết cho hết thảy mọi người không trừ một ai. "Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Giê-su không chịu chết cho họ" (x. Cđ.Quierey năm 853: DS 624).

III. ĐỨC KI-TÔ ĐÃ HIẾN DÂNG CHÍNH MÌNH CHO CHÚA CHA VÌ TỘI LỖI CHÚNG TA
Tất cả cuộc sống của Đức Ki-tô là của lễ dâng hiến Chúa Cha
606 517 536. Con Thiên Chúa, Đấng "từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã cử Người" (Ga 6,38),"khi vào trần gian, Người nói:... Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài... Chính theo ý đó của Thiên Chúa, mà chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ" (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên khi nhập thể, Chúa Con sống chết với ý định cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu thế của mình : "Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất tốt đẹp công trình của Người" (Ga 4,34). Lễ hy sinh của Đức Giê-su "đền bù tội lỗi cả thế gian" (1Ga 2,2) là cách diễn tả sự thông hiệp tình yêu với Chúa Cha : "Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, chính vì tôi hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,17). "Thế gian phải biết rằng tôi yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho tôi" (Ga 14,31).
607 457. Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời Đức Giê-su (x.Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23), vì cuộc khổ nạn cứu thế là lý do khiến Người nhập thể : "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này ! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến" (Ga 12,27). "Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?" (Ga 18,11). Và trên Thập Giá, trước khi "mọi sự đã hoàn tất" (Ga19,30), Người còn nói : "Tôi khát!" (Ga 19,28).

"Chiên con xóa bỏ tội trần gian"
608 523 517. Sau khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giê-su giữa những kẻ tội lỗi (x. Lc 3,21; Mt 3,14-15), Gio-an Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người : "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29) ( x. Ga 1,36). Như vậy ông cho thấy rằng Đức Giê-su vừa là Người Tôi Tớ đau khổ, im lặng chịu dẫn đến lò sát sinh (Is 53,7) (x. Gr 11,19) và gánh tội lỗi muôn dân (x. Is 53,12), vừa là Chiên Vượt Qua biểu tượng cho việc Ít-ra-en được cứu chuộc trong cuộc Vượt Qua lần đầu (Xh 12,3-14) ( x. Ga 19,36; 1Cr 5,7). Toàn bộ cuộc đời của Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của Người là "hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45).
Đức Giê-su tự nguyện sống chết theo tình thương cứu chuộc của Chúa Cha
609 478 515 272,539. Khi sống chết với tình thương của Chúa Cha dành cho con người bằng trọn trái tim nhân loại của mình, Đức Giê-su "đã thương yêu họ đến cùng" (Ga 13,1) "vì không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu" (Ga 15,13). Như vậy, trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa luôn ước muốn cứu chuộc loài người ( x. Dt 2,10,17-18; 4,15; 5,7-9). Quả thật, Người đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến loài người mà Chúa Cha muốn cứu độ : "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,18). Do đó, Chúa Con đã tự do tột bực khi hiến thân chịu chết (x. Ga 18,4-6; Mt 26,53).

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã tự do hiến dâng mạng sống của mình trước
610 766 1337. Vào "đêm bị nộp" (1Cr 11,23) Đức Giê-su diễn tả tột độ việc tự hiến bản thân Người trong bữa tiệc với mười hai tông đồ ( x.Mt 26,20) . Hôm trước ngày chịu nạn, khi còn hoàn toàn tự do, Đức Giê-su đã biến buổi Tiệc Ly với các tông đồ thành lễ tưởng niệm việc Người tự nguyện hiến dâng cho Chúa Cha (x.1Cr 5,7) để cứu độ nhân loại : "Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em" (Lc 22,19). "Đây là Máu Thầy, Máu để lập Giao ước sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26,28).
611 1364 1341,1566. Bí tích Thánh Thể Chúa Giê-su thiết lập sẽ là "lễ tưởng niệm" (1Cr 11,25) hy tế của Người. Người hội nhập các tông đồ vào lễ hiến dâng của Người và yêu cầu họ lưu truyền hy lễ này mãi mãi ( x.Lc 22,19). Như thế, Đức Giê-su đặt các tông đồ làm tư tế Giao Ước mới : "Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để trong chân lý, họ cũng được thánh hiến" (Ga 17,19) (x.Cđ.Trente: DS 1752;1764).
Đức Giê-su hấp hối trong vườn Giết-sê-ma-ni
612 533,2600 1009. Chén Giao Ước mới mà Đức Giê-su đã dâng trước trong bữa Tiệc Ly, giờ đây, Người lãnh nhận từ tay Cha trong cơn hấp hối tại Giết-sê-ma-ni (x.Mt 26,42), khi Người "vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết" (Pl 2,8; Dt 5,7-8). Đức Giê-su cầu nguyện : "Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén đắng này..." (Mt 26,39). Người diễn tả nỗi khiếp sợ mà nhân tính của Người cảm nghiệm trước cái chết. Thật vậy, nhân tính của Đức Giê-su cũng như của chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để sống đời đời, nhưng khác với chúng ta, nhân tính này hoàn toàn không có tội (x.Dt 4,15), mà tội mới gây nên sự chết (x.Rm 5,12); nhất là nhân tính này đã được Ngôi Vị Thiên Chúa của "Đấng khơi nguồn sự sống" (Cv 3,15), "Đấng hằng sống" (Kh 1,17) (x Ga 1,4;5,26) đảm nhận. Với ý chí nhân loại, Đức Giê-su chấp nhận thánh ý Chúa Cha ( x.Mt 26,42), đón nhận cái chết để cứu độ con người, nhờ đó "tội lỗi chúng ta, chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá" (1Pr 2,24).
Đức Giê-su chịu chết làm hy lễ duy nhất và chung cuộc
613 1366 2009. Đức Ki-tô chịu chết vừa là hy tế Vượt Qua hoàn tất việc cứu độ chung cuộc loài người (x.1Cr 5,7; Ga 8,34-36)vì "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29) (x.1Pr 1,19), vừa là hy tế của Giao Ước Mới (x.1Cr 11,25) cho con người hiệp thông lại với Thiên Chúa ( x.Xh 24,8), bằng cách giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ "máu được đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26,28) (x.Lv 16,15-16).
614 529,1330 2100. Hy tế của Đức Ki-tô là duy nhất, hoàn tất và vượt trên mọi hy tế (x.Dt 10,10). Trước hết hy tế này là một hồng ân của chính Chúa Cha : Chúa Cha phó nộp Con Mình để giao hòa chúng ta với Người (x.1 Ga 4,10). Kế đến, đây cũng là việc Chúa Con làm người, với ý chí tự do và vì mến yêu (x.Ga 15,13), hiến dâng mạng sống mình (x.Ga 10,17-18) cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần (x.Dt 9,14), để đền bù sự bất tuân của chúng ta.
Đức Giê-su thay thế sự bất tuân của chúng ta bằng sự vâng phục của Người
615 1850 433 411. "Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người bị liệt vào hàng tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ được kể là công chính" (Rm 5,19). Nhờ vâng phục cho đến chết, Đức Giê-su đảm nhận hoàn toàn vai trò Người Tôi Tớ đau khổ, "hiến mạng sống mình làm Của lễ đền tội muôn dân","khi làm cho họ nên công chính bằng cách chính Người gánh lấy tội lỗi của họ" (Is 53,10-12). Đức Giê-su đã đền bù và đền tạ thỏa đáng cho Chúa Cha vì tội lỗi của chúng ta (Cđ Tren-tô:DS 1529).
Đức Giê-su hoàn thành hy lễ của Người trên thập giá
616 478 468 519. Vì Đức Giê-su đã "yêu thương đến cùng" (Ga 13,1) nên hy tế của Người có giá trị cứu chuộc và đền bù, xá tội và đền tạ. Người biết và thương yêu hết thảy chúng ta trong việc hiến dâng mạng sống của Người (x.Ga 2,20; Ep. 5,2.25). "Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, khi chúng tôi nghĩ rằng : nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết" (2 Cr 5,14). Không ai, dù thánh thiện nhất, có thể gánh hết tội lỗi mọi người và hiến mình làm hy lễ cho mọi người. Vì là Con Thiên Chúa, Đức Ki-tô vừa vượt trổi vừa đồng thời bao gồm mọi người và là đầu toàn thể nhân loại, nên Người mới có thể dâng hy tế cứu chuộc mọi người.
617 1992 1235. Nhấn mạnh đến hy lễ duy nhất của Đức Ki-tô như "nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu" (Dt 5,9), Công Đồng Tren-tô dạy (DS 1529) : "Nhờ cuộc khổ nạn trên cây thập giá, Đức Ki-tô công chính hoá chúng ta". Và khi tôn kính Thánh Giá, Hội Thánh ca ngợi : "Ôi Thánh Giá, nguồn cậy trông duy nhất của chúng con !"
Đức Ki-tô cho chúng ta tham dự vào hy tế của Người
618 1368,1460 307,2100 964. Thánh Giá là hy tế duy nhất của Đức Ki-tô, "Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (1Tm 2,5). Nhưng, vì khi nhập thể, Con Thiên Chúa "đã kết hợp với tất cả mọi người" (GS 22,2), nên đã "ban cho mọi người khả năng được thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi" (GS 22,5). Người mời gọi môn đệ "vác thập giá mình mà theo Người" (Mt 16,24), vì "Người đã chịu đau khổ vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người" (1 Pr 2,21). Thật vậy, Người muốn cho những kẻ đầu tiên được hưởng nhờ hy tế đó, cùng thông phần vào hy tế cứu độ của Người ( x. Mc 10,39; Ga 21,18-19; Cl 1,24). Điều ấy được thể hiện tột bực nơi Thân Mẫu của Người, Đấng đã thông phần vào mầu nhiệm đau thương cứu độ của Người mật thiết hơn ai khác (x. Lc 2,35):
Ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời" (T. Rô-sa thành Li-ma,).
TÓM LƯỢC
619. Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh " (1Cr 15,3)
620. Vì yêu mến, Thiên Chúa đã đi bước trước để cứu độ chúng ta. "Người đã yêu thương chúng ta, và cử Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1Ga 4,10). "Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người" (2Cr 5,19).
621. Đức Giê-su tự hiến để cứu độ chúng ta. Người cho thấy ý nghĩa và thể hiện trước sự tự hiến này trong bữa Tiệc Thánh : "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em" (Lc 22,19).
622. Đức Ki-tô cứu chuộc nhân loại bằng cách "hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28), nghĩa là "thương yêu những kẻ thuộc về mình đến cùng" (Ga 13,1), để "giải thoát họ khỏi lối sống phù phiếm do cha ông họ truyền lại" (1Pr 1,18).
623. Nhờ yêu thương vâng phục Chúa Cha "đến nỗi chết trên cây thập giá" (Pl 2,8), Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng đền tội của Người Tôi Tớ đau khổ, "làm cho muôn người nên công chính bằng cách gánh lấy tội lỗi của họ" (Is 53,11; x.Rm 5,19).

Tiết 3: ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐƯỢC MAI TÁNG
624 1005, 362 349. "Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa" (Dt 2,9). Trong ý định cứu độ, Thiên Chúa đã an bài cho Chúa Con không những "chết vì tội lỗi chúng ta" (1Cr 15,3), nhưng còn phải "nếm sự chết", nghĩa là trải qua cái chết, trạng thái hồn và xác tách rời nhau, từ lúc Người tắt thở trên thập giá cho đến khi sống lại. "Đức Ki-tô trải qua cái chết" là mầu nhiệm trong việc Người được mai táng và xuống ngục tổ tông. Đó là mầu nhiệm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh : Đức Ki-tô nghỉ yên trong mồ (x.Ga 19,42) nói lên sự yên nghỉ ngày sa-bát vĩ đại của Thiên Chúa (x.Dt 4,4-9), sau khi hoàn tất việc cứu độ loài người (x.Ga 19,30) và đem lại bình an cho toàn thể vũ trụ (x.Cl 1,18-20).
Thân xác Đức Ki-tô được mai táng
625. Thời gian Đức Ki-tô nghỉ yên trong mồ thật sự nối kết tình trạng có thể chịu đau khổ trước phục sinh với tình trạng vinh hiển hiện tại của Đấng Phục Sinh. Chính Đấng "hằng sống" có thể nói : "Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời" (Kh 1,18) :
Chúa Con đã để cho cái chết tách rời hồn khỏi xác, theo bản tính tự nhiên, nhưng Người đã kết hợp hồn với xác lại nhờ sự phục sinh, để bản thân Người trở thành giao điểm của sự chết và sự sống bằng cách ngăn chặn sự tan rã tự nhiên của thân xác do sự chết và trở thành nguyên lý hợp nhất của các phần đã bị tách rời (T. Ghê-rô-ni-ô thành Nít-xê, sách giáo lý 16).
626 470, 650. Vì "Đấng khơi nguồn sự sống" mà người ta đã giết chết (Cv 3,15) cũng là "Đấng hằng sống đã phục sinh" (Lc 24,5-6), nên Ngôi Vị Thần Linh của Con Thiên Chúa vẫn tiếp nhận hồn và xác của Người bị cái chết tách rời:
Khi Đức Ki-tô chết, hồn đã lìa khỏi xác, nhưng ngôi vị duy nhất của Người không bị chia ra, vì ngay từ đầu nơi Ngôi Lời Nhập thể, xác và hồn hiện hữu ngang nhau; dù trong cái chết hồn xác tách rời nhau, nhưng vẫn ở với ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời (T. Gio-an Da-mát 3,27).
"Chúa không để Đấng Thánh của Người phải hư nát"
627 1009 1683. Cái chết của Đức Ki-tô là cái chết thật sự, vì đã chấm dứt cuộc đời trần thế của Người. Nhưng bởi ngôi vị Chúa Con vẫn kết hợp với thân xác Người, nên thân xác ấy không trở thành một thi hài như trong những trường hợp khác, "vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi" (Cv 2,24). Do đó, quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân xác Người khỏi hư nát" (T. Tô-ma Aquino tổng luận thần học 3,51,3). Về Đức Ki-tô, người ta có thể nói : "Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh" (Is 53,8), và cũng có thể nói : "Cả thân xác con nghỉ ngơi trong niềm hy vọng rằng Chúa chẳng đành bỏ mặc hồn con trong cõi âm ty; cũng không để vị thánh của Ngài phải hư nát" (Cv 2,26-27) (x.Tv 16,9-10). Việc Đức Giê-su sống lại vào "ngày thứ ba" (1 Cr 15,4; Lc 24,46) (x.Mt 12,40; Gn 2,11; Hs 6,2) minh chứng điều ấy, vì theo quan niệm của người xưa, việc hư nát thường xảy ra từ ngày thứ tư (x.Ga 11,39).
"Cùng chịu mai táng với Đức Ki-tô..."
628 537 1215. Thuở ban đầu Hội Thánh ban bí tích Thánh Tẩy bằng cách dìm thụ nhân xuống nước. Hành động này có ý nghĩa là người Ki-tô hữu chết cho tội lỗi phải chịu mai táng cùng với Đức Ki-tô để sống một đời sống mới : "Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Đức Ki-tô. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4) (x.Cl 2,12; Ep.5,26).
TÓM LƯỢC
629. Vì mọi người, Đức Giê-su đã nếm sự chết (x.Dt 2,9). Chính Chúa Con làm người đã chết và đã được mai táng.
630. Trong thời gian Đức Ki-tô nghỉ yên trong mồ, Ngôi Vị Thiên Chúa của Người vẫn tiếp nhận hồn và xác bị cái chết tách rời. Đó là lý do thân xác của Đức Ki-tô đã chết mà "không phải hư nát" (Cv 13,37).


Mục 5
"ĐỨC GIÊSU KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG, NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI"

631. "Đức Giê-su đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới đất. Đấng đã xuống, cũng chính là Đấng đã lên" (Ep 4,9-10). Kinh Tin Kính các tông đồ tuyên xưng, trong cùng một tín điều, việc Đức Ki-tô xuống ngục tổ tông và việc ngày thứ ba Người bởi trong kẻ chết mà sống lại. Vì trong cuộc Vượt Qua của Người, chính từ trong lòng cái chết mà Người làm vọt lên sự sống :
Đức Ki-tô, Con yêu quí của Cha,

Đấng đã từ cõi chết sống lại,

đem ánh sáng thanh bình chiếu soi muôn dân.

Người là Đấng hằng sống hiển trị muôn đời .



A-men (MR. Sách lễ: bài công bố Tin Mừng Phục Sinh-đêm vọng P.S).

Tiết 1 : ĐỨC KITÔ ĐÃ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG
632. Nhiều đoạn Tân Ước khẳng định Đức Giê-su "chỗi dậy từ cõi chết" (Cv 3,15; Rm 8,11; 1Cr 15,20), tức là, trước khi sống lại, Người đã ở nơi kẻ chết (x.Dt 13,20). Khi rao giảng việc Đức Giê-su xuống ngục tổ tông, các tông đồ muốn nói là : Đức Giê-su đã chết như mọi người, và linh hồn Người xuống cõi âm, nhưng xuống với tư cách là Đấng Cứu Độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị giam cầm nơi đó (x.1Pr 3,18-19).
633 1033. Kinh Thánh gọi nơi trú ngụ của các vong linh là âm phủ (Shéol) hoặc âm ty (Hadés) (x. Pl 2,l0: Cv 2,24; Kh l,l8; Ep 4,9). Trước khi Đấng cứu chuộc đến, mọi người đã chết, dù lành haydữ ( x. Tv 89,49;Is 28,19; Ed 32,l7-32), đều phải vào chốn này. Ở đó, họ không được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Tv 6,6;88,ll-l3) và đang chờ đợi Đấng Cứu Chuộc. Số phận của họ không giống hệt nhau, như Đức Giê-su cho thấy qua dụ ngôn La-da-rô nghèo khổ được rước vào "lòng Áp-ra-ham" (x. Lc.l6,22-26). "Khi xuống ngục tổ tông, Đức Giê-su giải thoát chính những tâm hồn lành thánh "trong lòng Áp-ra-ham" ấy đang chờ đợi Đấng giải thoát" (x .Giáo lý Rôma l.6,9). Đức Giê-su xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày (x. DS 1011;1077), nhưng để giải thoát những ngườicông chính đã chết trước khi Người đến (x. Cđ Tô-lê-đô IV năm 625: DS 485; Mt 27,52-53).
634 605. "Tin Mừng cũng được loan báo cho cả kẻ chết..." (1Pr 4,6). Việc Đức Giê-su xuống ngục tổ tông hoàn tất cách sung mãn việc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đây là chặng cuối cùng trong sứ mạng Mê-si-a của Đức Giê-su, tuy diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao là công cuộc cứu độ được mở rộng cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Như vậy, tất cả những kẻ được cứu độ đều do Đức Ki-tô.
635. Như thế Đức Ki-tô đã xuống âm phủ (x. Mt l2,40; Rm 10,7; Ep 4,9) để "kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống" (Ga 5,25). Đức Giê-su, "Đấng khơi nguồn sự sống" (Cv 3,15), đã "nhờ cái chết của Người, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ" (Dt 2,14,l5). Từ nay, Đức Ki-tô Phục Sinh "nắm giữ chìa khóa của sự chết và âm phủ" (Kh 1,18) và "khi vừa nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ" (Pl 2,10):
Hôm nay mặt đất hoàn toàn thinh lặng, hoàn toàn thinh lặng và hoàn toàn cô quạnh. Hoàn toàn thinh lặng vì Đức Vua an giấc. Trái đất run rẩy rồi yên tĩnh lại, vì Thiên Chúa đang ngủ trong xác phàm và Người đi đánh thức những kẻ đang ngủ từ bao đời ... Người đi tìm nguyên tổ A-đam như tìm con chiên lạc. Người muốn thăm viếng tất cả những ai đang ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết. Vừa là Thiên Chúa, vừa là con cháu của nguyên tổ, Người đi giải thoát A-đam và E-và đang đau khổ trong gông cùm xiềng xích ... "Ta là Chúa của ngươi, nhưng vì ngươi, Ta đã trở thành con của ngươi. Hỡi người ngủ mê, hãy chổi dậy ! vì Ta dựng nên ngươi không phải để cho ngươi ở lại đây trong gông cùm âm phủ. Hãy chỗi dậy từ cõi chết, vì Ta là sự sống của những kẻ đã chết (Bài giảng cổ vào thứ bảy tuần thánh).
TÓM LƯỢC
636. Khi nói "Đức Giê-su xuống ngục tổ tông", kinh Tin Kính tuyên xưng Đức Giê-su đã chết thực sự, và bởi Người đã chết vì chúng ta, Người thắng được sự chết và ma quỷ, "tên lãnh chúa gây ra sự chết" (Dt 2,14).
637. Khi chết, linh hồn Đức Ki-tô vẫn hợp nhất với Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống âm phủ, mở cửa trời cho những kẻ công chính chết trước Người.
Tiết 2: NGÀY THỨ BA NGƯỜI TỪ TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI
638 90 651 991. "Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại" (Cv l3,32-33). Đức Giê-su Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của đức tin Ki-tô giáo, được cộng đoàn tín hữu tiên khởi tin và sống như là chân lý trung tâm, được Truyền Thống lưu truyền như chân lý căn bản, được các văn kiện Tân Ước xác lập, được rao giảng như phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua và Thập Giá:
Đức Ki-tô từ cõi chết sống lại,

Người đã chết để chiến thắng tử thần Và ban sự sống cho kẻ đã chết.


I. BIẾN CỐ LỊCH SỬ VÀ SIÊU VIỆT
639. Đức Ki-tô phục sinh là một biến cố có thật với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Khoảng năm 56, thánh Phao-lô đã viết cho tín hữu thành Cô-rin-tô : "Tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người được mai táng, và ngày thứ ba chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi nhóm Mười Hai" (1Cr l5,3-4). Thánh Phao-lô nói đến truyền thống sống động về mầu nhiệm Phục Sinh mà ngài đã học sau khi hoán cải ở cổng thành Đa-mát (x.Cv 9,3-l8).
Ngôi Mồ trống không


tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương