Quy phạm kỹ thuật khai tháC ĐƯỜng sắT 22tcn-340-05



tải về 0.91 Mb.
trang2/10
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.91 Mb.
#19065
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Điều 48. Trạm đầu máy, trạm khám chữa toa xe (bao gồm trạm chỉnh bị toa xe khách, trạm khám chữa tại các địa điểm quy định) phải có đầy đủ trang bị kỹ thuật và phụ tùng, vật tư cần thiết để chỉnh bị, kiểm tra và lâm tu PTGTĐS kịp thời, nhanh chóng với chất lượng tốt, hạn chế thấp nhất việc hỏng hóc dọc đường cũng như việc sửa chữa cắt móc toa xe, đáp ứng được yêu cầu khi số đôi tầu trong BĐCT là cao nhất.

Điều 49. Các công trình, thiết bị cấp nước cho PTGTĐS phải bảo đảm cung cấp đầy đủ nước sạch cần thiết khi số lượng đôi tầu là cao nhất và các nhu cầu sử dụng nước khác cho đường sắt như vệ sinh đầu máy, toa xe, chữa cháy v.v...

Cổ hạc cấp nước cho đầu máy hơi nước phải có cơ cấu giữ ở vị trí song song với tim đường và có báo hiệu phòng vệ khi ở vị trí nằm ngang với đường.



Điều 50. Thủ trưởng các đơn vị sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, quản lý, vận dụng PTGTĐS có trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng tốt tất cả các công trình, thiết bị của đơn vị để việc chỉnh bị và sửa chữa PTGTĐS luôn đạt chất lượng tiêu chuẩn quy định.

Chương IV

PHƯƠNG TIỆN VÀ DỤNG CỤ CỨU VIỆN, CHỮA CHÁY

Điều 51.

1. Phải thường xuyên chuẩn bị tốt tầu cứu viện tại các địa điểm do Thủ trưởng TCĐHGTVTĐS quy định để sẵn sàng giải quyết các tai nạn (bao gồm cả cần cẩu và một số toa xe phục vụ cần thiết).

2. Tại các trạm khám chữa toa xe phải có các tổ ứng phó cứu viện để giải quyết kịp thời các tai nạn nhẹ và khi cần thiết tổ chức luôn công tác cứu chữa trước khi tầu cứu viện đến.

3. Phương tiện, dụng cụ tổ chức công tác cứu viện phải bảo đảm an toàn và khôi phục chạy tầu bình thường nhanh chóng nhất.



Điều 52. Để phòng ngừa và dập tắt hỏa hoạn, tại các địa điểm quy định, phải tổ chức phòng chữa cháy với đầy đủ phương tiện, dụng cụ theo đúng quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, và bố trí lực lượng để chuẩn bị sẵn sàng cứu chữa khi cần thiết.

Chương V

CÔNG TRÌNH VÀ THIẾT BỊ Ở GA

Điều 53. Công trình và thiết bị ở ga phải bảo đảm điều kiện cho ga thực hiện đầy đủ và an toàn các tác nghiệp kỹ thuật và nghiệp vụ để đón gửi tầu, dồn dịch, tổ chức vận chuyển hành khách hàng hóa theo mật độ chạy tầu và tiêu chuẩn thời gian quy định.

Dựa theo khối lượng và tính chất công việc cần có những công trình và thiết bị cơ bản dùng cho ga như sau:

1. Hệ thống đường để đón gửi tầu, dồn dịch, xếp dỡ hàng hóa, tập kết toa xe, sang toa, cầu cân và các đường cần thiết khác;

2. Đường và thiết bị phục vụ việc di chuyển, chỉnh bị đầu máy và khám chữa toa xe;

3. Thiết bị tín hiệu và thông tin;

4. Phòng chỉ huy chạy tầu (phòng TBCT ga), chòi ghi, trạm điều khiển ghi và tín hiệu;

5. Nhà làm việc kỹ thuật;

6. Nhà hành khách và công trình phụ trợ phục vụ công tác khách vận;

7. Nhà hóa vận, kho ke, bãi hàng và thiết bị khác phục vụ công tác hóa vận;

8. Hệ thống cấp nguồn điện và thiết bị chiếu sáng;

9. Thiết bị phòng chữa cháy và cấp, thoát nước.

Điều 54.

1. Nhà ga hành khách và ga hỗn hợp phải có các phòng bán vé, chờ đợi, nhận trả hành lý và các nơi phục vụ sinh hoạt văn hóa, vệ sinh,... tất cả phải được bố trí hợp lý để phục vụ hành khách nhanh chóng và thuận tiện.

2. Trạm hành khách phải có ke khách, nhà hoặc mái che mưa nắng và chỗ bán vé.

3. Ga hành khách phải có các công trình dành riêng phục vụ hành khách là người khuyết tật.



Điều 55. Nhà làm việc của nhân viên trong ga có liên quan đến việc chạy tầu phải có đủ điều kiện thuận tiện để nhân viên thực hiện nhiệm vụ.

Nơi phục vụ hành khách và hành lý phải có lối ra, vào ga thuận tiện để làm các thủ tục khách vận được nhanh chóng.



Điều 56. Ke khách phải bảo đảm cho khách lên xuống tầu nhanh chóng, thuận tiện an toàn, có lối qua ke và ra vào ga tiện lợi, an toàn, khi cần thiết, phải có cầu vượt hoặc đường ngầm.

Chiều cao ke khách từ mặt ray đến mặt ke là:

1. Đối với khổ đường 1000mm và đường lồng:

a. Loại cao: 0,30m;

b. Loại thấp: 0,15m.

2. Đối với khổ đường 1435mm:

a. Loại cao: 1,10m;

b. Loại thấp: 0,30m.

Những ga khách xây dựng mới và ga đặc biệt cần nghiên cứu thiết kế có ke khách cao ngang sàn xe.

Điều 57. Kho hàng, ke hàng, bãi hàng phải bảo đảm đủ điều kiện bảo quản hàng hóa tốt, xếp dỡ nhanh chóng.

Chiều cao ke hàng, ke kho hàng từ mặt ray đến mặt ke là.

1. Khổ đường 1000mm: 1000mm;

2. Khổ đường 1435mm: 1100mm.

Những ga có ke hàng, ke kho hàng đang sử dụng có chiều cao từ mặt ray đến mặt ke là 900mm thì khi thiết kế cải tạo ga mới phải thực hiện theo quy định trên.

Điều 58. Phòng hóa vận phải có nơi tiếp khách hàng, nơi chỉ dẫn và niêm yết các quy định về giao nhận và chuyên chở hàng hóa.

Điều 59. Phòng chỉ huy chạy tầu phải có đầy đủ thiết bị, dụng cụ, vật liệu cần thiết theo tiêu chuẩn quy định.

Chòi ghi phải có chỗ thường trực cho gác ghi, nơi để dụng cụ tín hiệu, vật liệu cần thiết, khi cần trong chòi ghi còn đặt thêm thiết bị thông tin, liên khóa và đóng đường



Điều 60. Ga phải có đầy đủ các thiết bị thông tin, liên lạc để phục vụ chạy tầu. Ngoài ra có thể có hệ thống liên lạc truyền thanh đến các khu vực làm việc. Ở ga lập tầu lớn cần có thiết bị dồn dịch bằng dốc gù thô sơ hoặc cơ giới hóa.

Điều 61. Các công trình phục vụ hành khách và hàng hóa, quảng trường, ke khách, đường đón gửi tầu khách, bãi dồn, bãi hàng kho, ke hàng, đường cầu cân, nơi chỉnh bị sửa chữa đầu máy, toa xe, đường đi lại trong ga phải có thiết bị chiếu sáng.

Đèn chiếu sáng ngoài trời không được làm ảnh hưởng đến việc nhìn rõ các đèn tín hiệu.



Chương VI

THIẾT BỊ TÍN HIỆU VÀ THÔNG TIN

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 62. Thiết bị tín hiệu và thông tin phải bảo đảm: tổ chức chỉ huy chạy tầu và dồn tầu được kịp thời, chính xác, an toàn và nâng cao hiệu suất chạy tầu; việc liên hệ công tác giữa các nhân viên trong ngành được nhanh chóng, thuận tiện. Trên đường sắt, chỉ được dùng những loại thiết bị tín hiệu và thông tin đã được Thủ trưởng tổ chức được giao quản lý KCHTĐS cho phép.

Tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị thông tin, tín hiệu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.



Điều 63.

1. Thiết bị tín hiệu gồm có:

a) Các loại tín hiệu: tín hiệu vào ga; tín hiệu ra ga; tín hiệu vào bãi; tín hiệu ra bãi; tín hiệu báo trước; tín hiệu dốc gù; tín hiệu thông qua; tín hiệu phòng vệ; tín hiệu ngăn đường; tín hiệu dồn tầu; tín hiệu dồn phòng vệ; tín hiệu lặp lại; tín hiệu đầu máy và dừng tầu tự động; tín hiệu đường ngang và các biểu thị ghi; biểu thị bộ trật bánh;

b) Biểu thị của các tín hiệu có thể dùng đèn mầu hoặc cánh;

c) Hệ thống thiết bị liên khóa: gồm có thiết bị quay và khóa ghi; thiết bị kiểm tra trạng thái đường chạy và thiết bị thực hiện khóa lẫn nhau giữa các biểu thị tín hiệu, giữa trạng thái ghi, trạng thái đường chạy và biểu thị trạng thái tín hiệu;

d) Thiết bị đóng đường có: máy thẻ đường; thiết bị đóng đường nửa tự động (bao gồm cả hệ thống xin đường tự động) và thiết bị đóng đường tự động.

2. Thiết bị thông tin gồm có:

a) Điện thoại điều độ chạy tầu;

b) Điện thoại đóng đường;

c) Điện thoại ghi, chắn đường ngang, cầu, hầm;

d) Điện thoại đường dài;

đ) Điện thoại hành chính ga, bảo dưỡng thông tin tín hiệu, bảo dưỡng cầu đường;

e) Điện thoại khu vực;

g) Điện báo;

h) Điện thoại hội nghị; truyền hình hội nghị;

i) Điện thoại lưu động;

k) Phát thanh trong ga, trên tầu;

m) Điện thoại khu gian.

Tùy theo tình hình phát triển và yêu cầu sản xuất của đường sắt mà bổ sung các thiết bị sau:

n) Điện thoại điều độ hàng hóa, hành khách, đầu máy;

o) Truyền ảnh, truyền số liệu, Fax, xác báo;

p) Điện thoại di động; điện thoại vô tuyến đoàn tầu, các ga, bãi và các phương tiện truyền thông hiện đại khác.

3. Các thiết bị và hệ thống đường dây thiết bị nói trên phải được bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; phòng chống được ảnh hưởng nguy hiểm của điện lực, sét và các tác động cơ học khác.

Mục 2

TÍN HIỆU

Điều 64. Mầu cơ bản dùng để biểu thị tín hiệu trong việc chạy tầu gồm có 3 loại sau đây:

1. Đỏ: dừng;

2. Vàng: chạy với sự chú ý hoặc giảm tốc độ;

3. Lục: chạy với tốc độ quy định;

4. Ngoài các mầu cơ bản còn có thể sử dụng thêm các mầu xanh lam, trắng, sữa quy định trong QTTH.

Điều 65. Mọi tín hiệu, biển báo phải bảo đảm tầm nhìn tín hiệu liên tục, rõ ràng trong khoảng cách quy định sau:

1. Tín hiệu vào ga, thông qua, phòng vệ, ngăn đường ít nhất 800m;

2. Tín hiệu ra ga, ra bãi trên đường chính, tín hiệu vào bãi, tín hiệu báo trước và tín hiệu dốc gù ít nhất 400m;

3. Tín hiệu ra ga, ra bãi trên các đường phụ, tín hiệu dồn tầu, tín hiệu dẫn đường và các loại biểu thị khác ít nhất 200m;

4. Ở những nơi do đường cong, địa hình hoặc kiến trúc che khuất không bảo đảm tầm nhìn quy định trên thì cho phép giảm tầm nhìn của tín hiệu vào ga, thông qua, phòng vệ, ngăn đường xuống còn ít nhất 400m, trường hợp cá biệt có thể dưới 400m nhưng phải lớn hơn 200m.

Điều 66. Trong khu đoạn đóng đường không tự động phải đặt tín hiệu báo trước cho tín hiệu vào ga, thông qua, phòng vệ, khi gặp một trong nhũng trường hợp sau đây:

1. Tầm nhìn của các tín hiệu nói trên dưới 800m;

2. Các tín hiệu nói trên là tín hiệu đèn mầu;

3. Tín hiệu phòng vệ ở nơi đường sắt giao cắt trên mặt bằng hoặc cầu chung đường sắt và đường bộ trên cùng một mặt bằng.



Điều 67. Khoảng cách từ tín hiệu báo trước đến tín hiệu chính không dưới 800m.

Tầm nhìn của tín hiệu báo trước và tín hiệu chính có tín hiệu báo trước không được dưới 400m, ở những địa hình khó khăn mà tầm nhìn của cả hai tín hiệu được phép ít nhất là 200m thì khoảng cách giữa cột tín hiệu chính và cột tín hiệu báo trước không dưới 1.000m.



Điều 68. Tín hiệu cố định phải đặt ở bên trái đường sắt theo hướng tầu chạy.

Nếu địa hình khó khăn không thể đặt tín hiệu ở cạnh đường, cho phép đặt tín hiệu trên không giữa tim đường sắt.

Trường hợp đặc biệt, có thể đặt tín hiệu ở bên phải đường sắt theo hướng tầu chạy.

Vị trí đặt tín hiệu của từng đường phải bảo đảm cho lái tầu không nhầm lẫn với tín hiệu của đường bên cạnh.



Điều 69. Ga phải có tín hiệu vào ga. Tín hiệu này đặt cách ghi đầu tiên vào ga ít nhất 50m tính từ mũi ghi ngược chiều hoặc từ mốc tránh va chạm của ghi thuận chiều. Khi tín hiệu vào ga không bảo đảm tầm nhìn thì phải có tín hiệu lặp lại.

Điều 70. Mỗi đường gửi tầu vào khu gian đóng đường nửa tự động hoặc tự động phải có tín hiệu ra ga. Tín hiệu này đặt ở địa điểm thích hợp ở trong mốc tránh va chạm của mỗi đường gửi tầu sao cho chiều dài dùng được của đường là lớn nhất.

Ở bãi dồn có thể đặt tín hiệu ra ga chung cho các đường để gửi tầu, vị trí đặt tín hiệu ra ga chung phải bảo đảm tầm nhìn quy định cho mỗi đường và phải có thêm đèn chỉ đường gửi tầu.

Tín hiệu ra ga không bảo đảm tầm nhìn quy định phải có tín hiệu lặp lại.

Điều 71. Tín hiệu vào ga chỉ được biểu thị thông qua khi tín hiệu ra ga đường chính cùng hướng đã mở.

Điều 72. Tín hiệu thông qua đặt ở điểm phân giới của các phân khu đóng đường tự động hoặc ở điểm phân giới của trạm chạy tầu.

Chiều dài phân khu đóng đường tự động đèn mầu 3 biểu thị không được nhỏ hơn cự ly hãm quy định.

Mỗi tín hiệu thông qua trong đóng đường tự động phải có số hiệu.

Điều 73. Tín hiệu ngăn đường đặt ở trước đường ngang, cầu, hầm lớn có người gác, nơi đất đá thường sụt lở. Tín hiệu này đặt cách điểm phòng vệ ít nhất 100m. Nơi không đủ điều kiện đặt tín hiệu ngăn đường phải được đặt tín hiệu phòng vệ.

Điều 74. Tại nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ có mật độ giao thông cao phải đặt tín hiệu đường ngang. Nếu tín hiệu đường ngang tự động có thêm thiết bị chắn tự động thì khi tầu sắp đến đường ngang, thiết bị chắn phải tự động đóng lại và giữ nguyên trạng thái đóng cho tới khi tầu qua khỏi đường ngang.

Điều 75. Trước nơi đường sắt giao nhau cùng mặt bằng trong khu gian, phải đặt tín hiệu phòng vệ. Khoảng cách từ tín hiệu này đến mốc tránh va chạm hoặc đầu lưỡi ghi dẫn vào đường an toàn (nếu có) hoặc điểm giao nhau cùng mặt bằng ít nhất là 100m. Các tín hiệu nói trên phải có quan hệ liên khóa với nhau bảo đảm chỉ mở được một tín hiệu khi các tín hiệu đối nghịch với nó đã ở trạng thái đóng.

Điều 76. Phía trước hai đầu cầu đường sắt mà mặt cầu dùng chung với đường bộ phải đặt tín hiệu phòng vệ. Khoảng cách từ mố cầu đến tín hiệu cùng bên ít nhất 100m.

Điều 77. Ở ga có nhiều bãi đón, gửi tầu phải có tín hiệu vào bãi, ra bãi. Vị trí đặt các tín hiệu này như quy định đối với tín hiệu vào ga, ra ga.

Điều 78. Tín hiệu ra ga, ra bãi để gửi tầu đi nhiều hướng phải có biểu thị chỉ hướng tầu chạy.

Điều 79. Cột tín hiệu vào ga, vào bãi loại đèn mầu phải có biểu thị dẫn đường.

Điều 80. Trong ga điện khí tập trung:

1. Có thể đặt tín hiệu dồn chung với cột tín hiệu ra ga, vào bãi hoặc ra bãi;

2. Có thể đặt tín hiệu dồn - phòng vệ ở nơi đường nhánh nối vào ga mà không có quan hệ đóng đường hoặc để phân chia đường chạy tầu trong ga.

Điều 81. Trạng thái bình thường của các loại tín hiệu cố định như sau:

1. Tín hiệu vào ga, ra ga, vào bãi, ra bãi, tín hiệu phòng vệ, tín hiệu của trạm đóng đường, tín hiệu dồn tầu, tín hiệu dồn - phòng vệ phải biểu thị ngừng;

2. Tín hiệu thông qua trong khu gian đóng đường tự động (trừ tín hiệu thông qua liền trước tín hiệu vào ga) phải biểu thị tầu chạy với tốc độ quy định;

3. Tín hiệu báo trước, cánh thông qua trên tín hiệu vào ga hoặc bãi phải biểu thị chạy với chú ý hoặc giảm tốc độ.



Điều 82. Tín hiệu cố định khi hỏng phải trở về trạng thái bình thường hoặc biểu thị ngừng. Tín hiệu thông qua ở khu gian đóng đường tự động khi hỏng phải tự động biểu thị ngừng.

Điều 83. Tín hiệu cánh (trừ tín hiệu báo trước) về ban đêm phải có ánh đèn ở mặt sau để TBCT ga hoặc người điều khiển tín hiệu xác nhận được trạng thái tín hiệu.

Trường hợp không xác nhận được trạng thái tín hiệu, phải có thiết bị lặp lại tín hiệu.



Điều 84. Ghi phải có biển ghi và đèn ghi. Trừ các trường hợp sau:

1. Ghi ở khu vực dồn tầu và ghi không dùng để đón gửi tầu có thể dùng loại không có đèn ghi;

2. Ghi điện khí tập trung có thể không có biển ghi và đèn ghi.

Mục 3

HỆ THỐNG LIÊN KHÓA

Điều 85. Ghi quay bằng thủ công đều phải lắp khóa khống chế hoặc khóa điện trong các trường hợp sau đây:

1. Ghi trên đường chạy đón, gửi tầu, ghi phòng hộ;

2. Ghi thông vào đường chuyên để các toa xe chở chất nổ, chất độc, khí nén, khí hóa lỏng;

3. Ghi thông vào đường để tầu cứu viện;

4. Ghi thông vào đường an toàn, đường lánh nạn;

5. Ghi trên đường chính trong khu gian;

6. Ghi trên đường chạy đón gửi, ghi phòng hộ, ghi thông vào đường an toàn, đường lánh nạn phải có quan hệ liên khóa với tín hiệu liên quan.

Điều 86. Hệ thống liên khóa phải bảo đảm thực hiện được quan hệ khóa lẫn nhau giữa các biểu thị tín hiệu. Giữa trạng thái ghi, đường chạy và biểu thị trạng thái tín hiệu theo yêu cầu và trình tự đã xác định cho từng loại thiết bị.

Điều 87. Thiết bị liên khóa bằng ổ khóa khống chế lắp ở ghi và tay kéo tín hiệu phải bảo đảm:

1. Chỉ lấy được chìa khóa khi ghi đã quay đúng và đã khóa chắc chắn, lưỡi ghi khít chặt với ray cơ bản;

2. Không thể khóa được ghi khi giữa lưỡi ghi và ray cơ bản ở vị trí thanh giằng thứ nhất có khe hở từ 4mm trở lên;

3. Chỉ mở được tín hiệu khi các ghi liên quan đã khai thông đúng đường chạy và đã khóa, khi tín hiệu đã mở thì không thể mở khóa của các ghi này.



Điều 88. Cấm lắp đặt, sử dụng khóa khống chế ghi có chìa khóa cùng số trong các trường hợp sau:

1. Trong phạm vi một ga;

2. Trong hai khu vực ghi liền nhau của ga có nhiều bãi.

3. Khóa khống chế ghi trong khu gian có chìa khóa cùng số với khóa ghi ở hai ga đầu khu gian.

4. Khóa khống chế ghi có chìa cùng số ở hai khu gian liền nhau.

Điều 89. Thiết bị liên khóa bằng hộp khóa điện phải bảo đảm:

1. Chỉ khóa được ghi khi lưỡi ghi khít chặt với ray cơ bản;

2. Các ghi có bộ khóa chặt không thể khóa được ghi này khi giữa lưỡi ghi và ray cơ bản ở vị trí thanh giằng thứ nhất có khe hở từ 4mm trở lên;

3. Chỉ mở được tín hiệu khi các ghi liên quan với đường chạy đã ở đúng vị trí quy định;

4. Chỉ mở được tín hiệu khi các tín hiệu đối nghịch với nó đều đã ở trạng thái đóng;

5. Sau khi tín hiệu mở, các ghi trên đường chạy liên quan với tín hiệu đó đều không thể mở khóa được;

6. TBCT ga phải khống chế được ghi và tín hiệu.

Điều 90. Thiết bị liên khóa tập trung bằng điện phải bảo đảm:

1. Khi các ghi liên quan với đường chạy ở không đúng vị trí quy định, hoặc tín hiệu đối nghịch chưa đóng thì tín hiệu liên quan với đường chạy đó không thể mở được;

2. Tín hiệu liên quan với đường chạy đã mở thì các ghi liên quan với đường chạy không thể mở khóa được, các tín hiệu đối nghịch cũng không thể mở được;

3. Khi tầu đang chạy trên ghi, ghi đó không thể mở khóa được;

4. Khi ghi khai thông vào đường đang bị chiếm dụng thì tín hiệu liên quan không thể mở vào đường chạy đó được;

5. TBCT ga khống chế được ghi, tín hiệu giám sát được tình hình chiếm dụng đường, ghi và biểu thị lặp lại của tín hiệu qua đài điều khiển.



Mục 4

THIẾT BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG

Điều 91. Hòm thẻ đường cùng số hiệu phải đặt cách nhau ít nhất 3 khu gian. Thẻ đường phải có biển tên khu gian và số thứ tự.

Điều 92. Thiết bị đóng đường bằng máy thẻ đường phải bảo đảm chỉ có thể lấy từ hòm thẻ ra được một thẻ đường khi ga đầu kia cùng khu gian đó cấp điện.

Khi thẻ đường đã lấy ra chưa được trả vào một trong hai hòm thẻ thuộc cùng khu gian thì không thể lấy ra được một thẻ đường khác từ một hòm thẻ đường nào thuộc khu gian đó.



Điều 93. Máy thẻ đường bổ trợ phải liên khóa với máy thẻ đường chính của ga có liên quan.

Điều 94. Ở ga có quy định cho đầu máy phụ đẩy tầu vào khu gian rồi quay trở về thì phải đặt thêm bộ phận thẻ đường kiểu hình chìa khóa có quan hệ liên khóa với máy thẻ đường để bảo đảm khi chưa lấy được thẻ chính ra khỏi máy thì không thể lấy được thẻ hình chìa khóa và khi chưa trả thẻ hình chìa khóa vào máy thì không thể rút được thẻ chính.

Điều 95. Ga trong khu đoạn đóng đường bằng máy thẻ đường có quy định tầu thông qua phải có cột giao nhận thẻ đường.

Điều 96. Thiết bị đóng đường nửa tự động phải bảo đảm chỉ mở được tín hiệu ra ga khi đã được ga đón tầu đồng ý, hai máy liên quan đã hoàn thành thủ tục đóng đường, các ghi liên quan với đường chạy gửi tầu đã ở vị trí quy định và đã khóa.

Điều 97. Thiết bị đóng đường nửa tự động trên khu gian đường đơn phải bảo đảm sau khi tín hiệu ra ga đã mở thì các tín hiệu ra ga ngược chiều qua khu gian đó đều không thế mở được.

Điều 98. Thiết bị đóng đường nửa tự động có sử dụng với thiết bị kiểm tra khu gian thanh thoát phải bảo đảm tự động trả đường cho ga gửi tầu sau khi toàn bộ đoàn tầu chạy qua cột tín hiệu vào ga của ga đón tầu.

Điều 99. Thiết bị đóng đường tự động phải bảo đảm chỉ mở được tín hiệu ra ga khi phân khu tiếp giáp đã thanh thoát.

Ở khu gian đóng đường tự động kiểu đường đơn hoặc đường đôi 2 chiều, sau khi tín hiệu ra ga của chiều này đã mở thì phải bảo đảm tất cả các tín hiệu ra ga và thông qua chiều ngược lại của khu gian đó đều không mở được.



Điều 100. Ở khu gian đóng đường tự động, khi phân khu có tầu chiếm dụng hoặc mạch điện ray hỏng thì tín hiệu thông qua phòng vệ phân khu đó phải tự động biểu thị ngừng.

Điều 101. Ghi nối vào đường chính trong khu gian phải liên khóa với thiết bị đóng đường và tín hiệu liên quan.

Điều 102. Ở khu gian đóng đường nửa tự động hoặc tự động, để cho tầu hoặc đầu máy phụ đẩy tầu đến giữa khu gian rồi chạy trở về ga gửi tầu, đài điều khiển của ga này phải được trang bị thêm thẻ đường hình chìa khóa. Thẻ này phải có quan hệ liên khóa với thiết bị đóng đường để khi chưa trả thẻ đường hình chìa khóa vào đài điều khiển thì không thể mở được tín hiệu ra ga.

Mục 5

THIẾT BỊ THÔNG TIN

Điều 103.

1. Cấm mắc máy điện thoại và các thiết bị khác vào đường dây điện thoại đóng đường và các đường điện thoại ghi, gác chắn đường ngang, gác cầu, gác hầm.

2. Trên đường dây điên thoại điều độ chạy tầu chỉ được mắc máy điện thoại của NVĐĐCT, TBCT ga, phái ban trạm công tác trên tầu, trực ban trạm đầu máy.

3. Đối với các khu gian chưa có đường điện thoại cứu viện, điện thoại thi công thì cho phép người chỉ huy cứu viện, người lãnh đạo thi công, trưởng tầu của tầu bị dừng được tạm thời mắc máy điện thoại chuyên dùng vào đường dây điện thoại điều độ chạy tầu trong thời gian cứu viện.

4. Cấm mắc máy điện thoại vào đường dây trung kế đường dài trừ trường hợp mắc tạm thời để giải quyết trở ngại thông tin khi không còn đường thông tin nào khác.

Điều 104. Khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây thông tin tín hiệu mắc trên không đến mặt đất, mặt ray quy định như sau:

1. Trên đồng ruộng, đất bãi, đất đồi không nhỏ hơn 2,50m;

2. Trong ga không nhỏ hơn 3,00m;

3. Vượt đường bộ không nhỏ hơn 4,50m;

4. Vượt đường sắt, cách mặt ray không nhỏ hơn 7,50m theo phương thẳng đứng;

5. Cột thông tin phải đặt cách mép vai đường sắt một khoảng cách lớn hơn chiều cao của cột.



Điều 105.

1. Phạm vi bảo vệ cột thông tin, cột tín hiệu, cột điện đường sắt nằm ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt là 3,50m tính từ tim cột trở ra xung quanh.

2. Phạm vi bảo vệ đường dây thông tin, dây tín hiệu, dây điện đường sắt là 2,50m tính từ đường dây ngoài cùng trở ra theo chiều ngang và phương thẳng đứng.

3. Khoảng cách an toàn giữa đường dây và thiết bị thông tin, tín hiệu, dây điện của đường sắt với các đường dây điện lực, truyền thanh, đường dây thông tin khác phải theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành.



Điều 106. Nghiêm cấm người không có trách nhiệm:

1. Đào bới cọc mốc;

2. Đào bới cáp;

3. Xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc, trồng cây, đổ hoặc để hóa chất có tính ăn mòn trên tuyến cáp thông tin tín hiệu.



Mục 6

BẢO DƯỠNG THIẾT BỊ TÍN HIỆU VÀ THÔNG TIN

Điều 107. Tất cả các thiết bị tín hiệu và thông tin phải bảo đảm thường xuyên tốt. Cấm người không có trách nhiệm vào các phòng máy thông tin, tín hiệu.

Nhân viên trực tiếp quản lý và sử dụng các thiết bị nói trên phải tiến hành công tác theo đúng quy định của Thủ trưởng tổ chức được giao quản lý KCHTĐS.



Điều 108.

1. Thiết bị tín hiệu và thông tin dùng trong việc chạy tầu phải được khóa hoặc cặp chì niêm phong theo quy định ở những bộ phận chủ yếu và quan trọng nhằm bảo đảm thiết bị sử dụng được an toàn.

2. Nhân viên trực tiếp sử dụng các thiết bị đó có trách nhiệm giữ toàn vẹn khóa và niêm phong.

3. Việc bảo quản khóa, niêm phong thiết bị tín hiệu và thông tin ở trong khu gian do Thủ trưởng tổ chức được giao quản lý KCHTĐS quy định.

4. Khi kiểm tra, duy tu, sửa đổi, di chuyển, thay thế, thử nghiệm các thiết bị tín hiệu và thông tin chạy tầu trong ga phải ghi vào sổ kiểm tra thiết bị chạy tầu và chỉ sau khi TBCT ga đồng ý, ký tên, đóng dấu mới được tiến hành. Sau khi làm xong, phải được TBCT ga thử và ký nhận thiết bị mới được sử dụng lại.

5. Biện pháp tiến hành những công tác nói trên đây đối với thiết bị tín hiệu và thông tin trong khu gian do Thủ trưởng tổ chức được giao quản lý KCHTĐS quy định. Nội dung cải tạo kỹ thuật, sửa đổi, thử nghiệm các thiết bị tín hiệu và thông tin phải được Thủ trưởng tổ chức được giao quản lý KCHTĐS phê duyệt rồi mới được thực hiện và sử dụng.



Каталог: vbpq -> Lists -> Vn%20bn%20php%20lut -> Attachments
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ CÔng an cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ lao đỘng thưƠng binh và XÃ HỘI
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> NGÂn hàng nhà NƯỚc việt nam
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn bộ TÀi chính bộ KẾ hoạch và ĐẦu tư
Attachments -> BỘ CÔng an cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ TÀi chính cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ quốc phòng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG

tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương