Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến



tải về 2.55 Mb.
trang12/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.55 Mb.
#1510
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   22

Về thân khác nhau (tưởng dị), tập Sớ giải thích: Tuy là anh em sinh đôi (người) nhưng vẫn khác nhau về tiếng nói, điệu bộ đi đứng...

Một số thiên nhân ở dục giới có thân xanh (như Đa văn Thiên vương – Vessavana), có thân vàng (như Tăng trưởng thiên vương - Viruḷhaka), có thân đỏ (như Quãng mục Thiên vương – Virūpakkha), có thân trắng (như Trì quốc Thiên vương – Dhatarattha)...

Chúng sinh ở đọa xứ (peta - ngạ quỷ), thân lớn nhỏ khác nhau, có màu sắc khác nhau, tâm chúng giống như tâm người (đây là nói đến nhóm ngạ quỷ Vemānika).

Về tưởng khác nhau (tưởng dị). Là nói đến tâm tục sinh khác nhau.

- Tâm Quan sát xả thọ quả thiện cho tái sinh vào cõi người hay cõi Tứ đại vương.

- Tám tâm quả Dục giới hữu nhân cho tái sinh về cõi người lẫn 6 cõi trời Dục giới.

Rõ ràng, tuy là người, hay là chư thiên nhưng có tâm tục sinh khác nhau. Do đó, gọi là “tưởng khác nhau”.

2. Cõi chúng sinh có thân dị, tưởng đồng (nāvuttakāyā ekattasaññībhūmi):

Là những chúng sinh có thân khác nhau, nhưng có tâm tục sinh giống nhau, như Phạm thiên cõi sơ thiền.

“Santi, bhikkhave, sattā nānattakāyā ekattasaññino seyyathāpi devā brahmakāyikā paṭhamābhinibbattā.

Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân khác, tưởng là một, như Phạm chúng thiên được sanh nhờ chứng sơ thiền”(sđd, A. iv, 39).

Tập sớ giải thích: Chúng sinh ở Phạm chúng thiên có thân lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc trình độ chứng đạt Sơ thiền.

Gọi là tưởng đồng, vì vị Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên hay Đại phạm thiên đều tái sinh bằng tâm quả Sơ thiền.

Theo Luận Atỳđàm, cả ba người khổ (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ (ngoại trừ nhóm ngạ quỷ vemānīka) đều tục sinh bằng tâm quan sát thọ xả quả bất thiện. Như vậy, nhóm chúng sinh này cũng liệt vào “thân dị, tưởng đồng”.

Atula (asura) liệt vào hạng người nào?.

Có hai loại Atula:

- Loại khổ như ngạ quỷ, loại này được liệt vào nhóm Atula ngạ quỷ (kāḷakanjaka asura), loại này tục sinh bằng tâm Quan sát thọ xả quả bất thiện.

- Loại có quyền lực như chư thiên, được liệt vào hạng Atula chư thiên (Vepacitti asura)(1), loại này tục sinh bằng một trong tám tâm Đại quả. Như nàng thiên hậu Sujātā vợ vua trời Đế Thích (sakka) chẳng hạn.

3. Cõi chúng sinh có thân đồng, tưởng dị (ekattakāyā nānattasaññībhūmi):

Là những chúng sinh có thân như nhau, nhưng có tâm tục sinh khác nhau. Đó là những chúng sinh ở cõi Nhị thiền.

“Santi, bhikkhave, sattā ekattakāyā nānattasaññino seyyathāpi devā ābhassarā.

Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân là một, tưởng khác, ví như chư Quang âm thiên”(sđd).

Tập sớ giải thích: Chúng sinh cõi Nhị thiền thân to lớn, phát hào quang như chớp.

Cõi nhị thiền tuy chia làm ba cõi: Thiểu quang thiên (parittābhā), Vô lượng quang thiên (appamāṇābhā) và Quang âm thiên (ābhassarā) là nương theo hào quang phát ra nhiều hay ít mà định danh, không phải do nương vào thân để định danh.

Gọi là tưởng dị vì tục sinh vào cõi nhị thiền do tâm quả Nhị thiền và tâm quả Tam thiền đảm nhận (thiền năm bậc).

Nên ghi nhận: Theo Kinh tạng, thiền được phân tích theo bốn bậc: Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền, đó là phân tích theo cõi, còn luận Atỳđàm phân tích thiền có năm bậc: Sơ, Nhị, Tam, Tứ và Ngũ thiền, đó là phân tích theo chi thiền.

Nhị thiền trong Kinh tạng thì mất cả 2 chi thiền Tầm và Tứ, còn Nhị thiền theo Luận tạng thì mất chi Tầm, Tam thiền thì mất chi Tứ.

Như vậy Nhị và Tam thiền của Luận tạng = Nhị thiền của Kinh tạng.

4. Cõi chúng sinh có thân đồng, tưởng đồng (ekattakāyā ekattasaññībhūmi):

Là những chúng sinh có thân hình giống nhau, có tâm tục sinh cũng giống nhau. Đó là những vị Phạm thiên ở cõi Biến tịnh thiên (subhakiṇhā).

“Santi, bhikkhave, sattā ekattakāyā ekattasaññino, seyyathāpi devā subhakiṇhā.

Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, thân là một, tưởng là một ví như chư thiên Biến tịnh (subhakiṇhā)” (sđd).

Gọi tưởng đồng vì tục sinh về cõi Tam thiền do tâm quả Tứ thiền đảm nhận (theo thiền năm bậc).

5. Không vô biên xứ (ākāsāsañcāyatanūpagā - chữ upaga là “đi đến”): Là những chúng sinh thành tựu thiền Vô sắc với án xứ “cái không vô cùng tận”, sau khi mệnh chung sinh về cõi này.

“Santi, bhikkhave, sattā sabbaso rūpasaññānaṃ samatikkamā paṭighasaññānaṃ atthaṅgamānānattasaññānaṃ amanasikārā’ananto akāso’ti ākāsānañcāyatanūpagā.

Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, vượt hoàn toàn sắc tưởng, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, đạt đến không vô biên xứ”(1). Biết rằng “(cái) không vô cùng tận”. (sđd).

6. Thức vô biên xứ trú (viññānañcāyatanūpagā): Là những chúng sinh thành tựu thiền vô sắc với án xứ “Thức vô cùng tận”.

“Santi, bhikkhave, sattā sabbaso ākāsānañcāyatanaṃ samatikkamma ‘anantaṃ viññāṇan’ti. Viññāṇañcāyatanūpagā.

Có các loài hữu tình, này các Tỳkhưu, vượt hoàn toàn “không vô biên xứ”, đạt đến Thức vô biên xứ”, biết rằng: “Thức là vô biên”. (sđd)

Sách Thanh tịnh đạo có giải thích: Vị hành giả sau khi chứng đạt thiền Không vô biên xứ, vị ấy suy tư “cái không này còn bị thức biết, như vậy thức mới vô cùng tận”. Vị ấy lấy tâm Không vô biên xứ làm đề mục, niệm tưởng “cái thức vô cùng tận”.

7. Vô sở hữu xứ trú (ākiñcaññāyatanūpaga). Là chúng sinh thành tựu thiền Vô sắc với đề mục “vô sở hữu”.

8. Cõi Vô tưởng (asaññībhūmi): Là chúng sinh tái sinh về cõi Vô tưởng do bọn sắc mạng quyền làm nhiệm vụ tục sinh.

9. Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññāsaññāyatanabhūmi): Là cõi của những chúng sinh thành tựu được tầng thiền Vô sắc cao nhất.

Đức Sāriputta dạy “nguyên nhân có hữu (nghiệp hữu và sinh hữu) là do có thủ, khi thủ diệt thì hữu diệt”, hữu diệt là Nípbàn.

Dứt phần giải về hữu.

Tiêu đề 7- Trí hiểu rõ về Thủ (upādāna).

Chánh kinh.

Chư Hiền, thế nào là thủ, thế nào là tập khởi của thủ, thế nào là sự đoạn diệt của thủ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thủ?.



Chư Hiền, có bốn thủ (cattāro’ me āvuso upādāna): Dục thủ (kāmupādānaṃ), Kiến thủ (diṭṭhūpādānaṃ), Giới cấm thủ (sīlabbatupādānaṃ), Ngã luận thủ (attavādupādāna).

Từ tập khởi của ái có tập khởi của thủ, từ đoạn diệt của ái, có đoạn diệt của thủ, và Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt của thủ”.

Giải.

1- Ý nghĩa từ upādāna (thủ).

Upādāna = upa (vững chắc, rất mạnh) + ādāna.

Ādāna = ā + căn dā (cho): ādāna là bám níu lấy, nắm giữ vững chắc. Nắm giữ chắc chắn, gọi là thủ.

Thủ là hình ảnh của ái (taṅhā) rất cường mạnh.

Luận sư Anuruddha có ví dụ như sau: “Ái như tên trộm rình mò trong bóng tối để trộm vật, còn Thủ là hành động lấy vật ấy” (1).

Thủ là sự chấp cứng không chịu buông bỏ, ví như con trăn xiết chặt con mồi hay ví như dây leo māluvā bám chặt vào thân cây (2).

Các Ngài có giải thích upādāna (thủ) như sau:

“Bhusaṃ ādiyanti amuñcagātaṃ gayhaṃtīti upādānāni:



Bám chắc không buông bỏ, gọi là thủ”.

Hay: “Upādiyantīti = upadānāni: bám cứng gọi là thủ”.

Đức Phật có dạy :

“Tattha chandarāgo taṃ tattha upādānan’ti.

Chỗ nào có tham và dục (chanda), chỗ ấy có chấp thủ.”(3)

Trước tiên cần phân biệt: “Pháp nắm giữ” và “pháp bị nắm giữ”.



Pháp nắm giữdục (chanda) và tham (lobha). Pháp bị nắm giữ là năm uẩn.

Katame ca, bhikkhave, upādāniyā dhammā. Katamaṃ upādānaṃ?



Này các Tỳkhưu, thế nào là pháp bị nắm giữ? Thế nào là nắm giữ?.

Rūpaṃ, bhikkhave upādāniyo dhammo, yo tattha chandarāgo, taṃ tattha upādānaṃ.

Vedanā .... saññā... saṅkhārā...

Viññāṇaṃ upādāniyo dhammo, yo tattha chandarāgo, taṃ tattha upādānaṃ.



- Sắc, này các Tỳkhưu, là pháp bị nắm giữ. Dục và tham đối với sắc, là nắm giữ sắc.

Thọ... tưởng... hành....

Thức, này các Tỳkhưu là pháp bị nắm giữ. Dục và tham đối với thức là sự nắm giữ thức.(4)

Chính vì “nắm giữ năm uẩn” nên có sự khổ luân hồi.

Theo thực tính pháp thì Thủ có bốn khía cạnh:

-Trạng thái: Chấp cứng (bám cứng) (gahaṇalakkhanaṃ).

- Phận sự: Không buông ra (amuñcanarasaṃ).

- Thành tựu: (làm cho) ái (với) tà kiến trở nên cường mạnh (taṇhāpedaḷhattadiṭṭhi paccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cần thiết: Có ái (taṇhāpedaṭṭhānaṃ).

Thủ có bốn là: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã luận thủ.



2-Dục thủ (kāmupādāna).

Dục thủ là “nắm giữ vững chắc sáu trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp trần”. Chi pháp của dục thủ là tâm sở tham (lobha cetasika), đối tượng nắm giữ là sáu trần cảnh.

a. Sắc dục thủ (rūpakāmupādāna).

Sắc ở đây chỉ cho hình tướng, đường nét, màu sắc ... của những gì lọt vào vùng cai quản của thần kinh nhãn. Sắc dục thủ là nhiễm đắm trong các màu sắc, hình tướng hay các đường nét ấy.

Có một số người thích thú sâu nặng một màu sắc nào đó, một hình tướng khả ái nào đó, hoặc chỉ muốn riêng mình có những hình tướng khả ái, thích ý nào đó... Đây là sắc dục thủ.

Sắc khả ái này rất đa dạng, có thể tìm thấy khắp nơi, có trong người nữ, người nam hay trong các vật dụng.

“Nāhaṃ bhikkhave, aññaṃ ekarūpampi samanupassāmi yaṃ evaṃ purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati yathayidaṃ itthirūpaṃ.

Này chư Tỳkhưu, ta không thấy một sắc nào khác xâm chiếm và ngự trị tâm (cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati) người nam, như sắc người nữ...”

“Nāhaṃ bhikkhave, aññaṃ ekarūpampi samanupassāmi yaṃ evaṃ itthiyā cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati yathayidaṃ purisarūpaṃ.

Này chư Tỳkhưu, ta không thấy một sắc nào khác xâm chiếm và ngự trị tâm người nữ, như sắc người nam(1).

Có một số người chỉ thích dùng một loại vật dụng, không phải vì có nhiều công dụng hơn vật khác, mà chỉ vì nó có màu sắc hợp với ý của y.

Nên ghi nhận rằng: “Một khi đã nắm giữ vững chắc màu sắc hay hình tướng của vật nào đó, xem như nắm giữ cả khối có màu sắc hay có hình tướng ấy và không muốn lìa bỏ vật ấy”.

Như một người nam chỉ đắm nhiễm trong sắc khả ái nào đó của người nữ (như mắt, mũi, răng...), thế là y muốn nắm giữ cả (khối) nữ nhân ấy.

b. Thinh dục thủ (saddakāmupādāna).

Là nhiễm đắm chấp cứng theo các loại âm thanh. Âm thanh khiến tâm rơi vào đắm nhiễm có thể là tiếng chim, tiếng người, tiếng sáo, tiếng đàn...

Có một số người thích nghe chim hót và xem như một nhu cầu trong cuộc sống không thể thiếu được.

Một số người khác lại đắm nhiễm trong tiếng đàn, tiếng hát, tiếng sáo... đối với họ những âm thanh này là một nhu cầu trong cuộc sống, thiếu vắng nó đời sống của họ trở nên vô vị, trống vắng. Và đối với những âm thanh làm cho tâm đắm nhiễm nhiều nhất là tiếng ca, ngâm vịnh, nên Đức Phật có dạy:

“Ruṇṇamidaṃ bhikkhave, ariyassa vinaye yadidaṃ gītaṃ.

Này các Tỳkhưu, ca vịnh (gītaṃ) được xem là khóc than (ruṇṇaṃ) trong giới luật bậc Thánh ”(2).

Tương tự như sắc dục thủ, khi có thinh dục thủ thì không phải chỉ riêng âm thanh ấy đáng quyến rũ, mà là toàn thể khối phát ra âm thanh ấy đều đáng ưa thích (đối với người ấy).

Và chúng ta thấy rõ: “Một người yêu tiếng hát một nam hay nữ ca sĩ, họ yêu toàn thể vật dụng của người ấy dùng, luôn cả điệu bộ lẫn con người ấy”.

c- Hương dục thủ (gaṇthakāmupāda).

Là nhiễm đắm, dính cứng trong các mùi.

Mùi cũng là một chi phần dẫn đến dục thủ, ở đây chỉ cho tất cả hương thơm.

d. Vị dục thủ (rasakāmupāda).

Là dính mắc khắn khít trong các vị chất.

Thông thường những vị chất ngon ngọt, làm tâm đắm nhiễm, tuy nhiên điều này chỉ có tính tương đối, một số người thích vị cay (như ăn cơm phải có ớt), vị đắng (như người uống café không đường) ...

Ngài Mahasī Sayadaw cho rằng: Dục thủ sinh từ vị ngon có vẻ hình thức hơn là thực chất, thích thú trong ẩm thực không phải do vị chất là chính yếu, mà do cách bày biện, sữa soạn chế biến của người thực hiện.

Một số người chồng thích ăn những món do vợ nấu, dù tài làm bếp của nàng chẳng có chi đáng kể, thậm chí thua xa người khác (1).

e- Xúc dục thủ (phoṭṭhabbakāmupāda).

Là nhiễm đắm khắn khít vào sự đụng chạm, vuốt ve...

f- Pháp dục thủ (dhammakāmupāda).

Là nhiễm đắm, không muốn buông bỏ những pháp khả ái, an lạc, có liên hệ đến dục (kāma) hoặc liên hệ đến thế gian (loka), như những pháp an lạc trong thiền chẳng hạn.

“No cedaṃ, bhikkhave, loke assādo abhavissa, nayidaṃ sattā loke sārajjeyyuṃ.

Này các Tỳkhưu, nếu không có vị ngọt ở đời, thời các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời (sārajjeyyuṃ)”(2).



Cái gì là vị ngọt?

“Yaṃ kho pathavīdhātuṃ paṭicca upajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ pathavīdhātuyā assādo.

Lạc hỷ gì khởi lên do duyên địa giới, đó là vị ngọt của địa giới”(3).

Địa giới ở đây ám chỉ ấn tướng đề mục đất.

Như vậy, nắm giữ không buông bỏ những hỷ lạc trong pháp (nào đó), gọi là pháp dục thủ.

Có câu hỏi: Tái sinh về Phạm thiên giới do thủ (upādāna) nào? Do pháp dục thủ.

Vị hành giả chứng đắc Sơ thiền, không còn dính mắc trong năm trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc nhưng pháp dục thủ vẫn còn.

Dục thủ (kāmupādāna) duyên cho hữu.

Với kẻ phàm phu không nghe được pháp bậc Thánh, không thực hành theo pháp bậc Thánh, nên không có sự suy xét các pháp theo lý nhân quả.

Tâm của kẻ phàm phu này chạy theo dục lạc, chính vì say đắm trong dục lạc nên họ hăng hái dấn thân vào ác bất thiện pháp như sát sanh, trộm cắp, ... để phục vụ cho mục tiêu hưởng lạc, khi mệnh chung phải sinh vào bốn khổ cảnh.

Đây là trường hợp dục thủ làm duyên cho nghiệp hữu và sinh hữu ở bốn khổ cảnh.

Một số chúng sinh khác muốn thụ hưởng dục lạc một cách chân chánh, nên tạo việc phước rồi ước nguyện thụ hưởng dục lạc thế gian.

Đa số hàng Phật tử đều rơi vào loại dục thủ này, khi tạo thiện nghiệp như bố thí, trì giới ... luôn mong ước được thụ hưởng dục lạc trong thế gian.

Trong Luật Đại phẩm (Mahāvagga) có ghi mẫu chuyện tiền thân của trưởng giả Mendaka, tóm lược như vầy:

Tiền nghiệp của Trưởng giả Mendaka.

Trong quá khứ, có vị trưởng giả được một chiêm tinh gia cho biết sẽ có hạn hán, ông tích trữ lương thực để phòng đói.

Khi hạn hán khởi lên, ông đem thóc lúa tích trữ ra cứu đói, nhưng hạn hán kéo dài đến ba năm, nên số lương thực tích trữ dần dần cạn kiệt, ông cho giải tán gia nhân chỉ giữ lại người cày ruộng Puṇṇa. Gia đình ông bấy giờ chỉ còn năm người: ông, vợ ông, con trai, dâu và người cày ruộng Puṇṇa.

Thế rồi, gia đình ông chỉ còn một nhúm thóc cuối cùng đủ nấu nồi cháo nhỏ, mỗi người chỉ được một chén.

Vị trưởng giả chợt thấy vị Samôn (Đức Phật Độc Giác) đang đứng trước cửa nhà khất thực, trưởng giả suy nghĩ:

“Do kiếp trước ta thiếu bố thí, nên nay phải gặp nạn đói, ta hãy tạo phước, nhờ phước này ta sẽ không còn sợ đói trong tương lai”.

Ông cúng dường phần cháo của mình đến Đức Độc Giác, rồi nguyện rằng: “Xin cho tôi có được lúa gạo sung mãn theo như ý và được sống chung cùng những người nhà như trong hiện tại vào những kiếp sau sau”.

Người vợ suy nghĩ: “Chồng ta cúng dường phần cháo của mình rồi, chẳng lẽ ta dùng cháo trong khi chồng ta nhịn đói, thôi thì ta hãy cúng dường phần cháo của mình đến vị Samôn luôn thể”.

Và bà cúng dường phần cháo của mình đến Đức Độc Gác, rồi phát nguyện: “Xin cho tôi khi múc vật thực, vật thực không bao giờ cạn, và được đoàn tự gia đình như hiện tại trong những kiếp sau sau”.

Cậu con trai suy nghĩ: “Chẳng lẽ ta dùng cháo, trong khi cha mẹ ta đang đói, ta hãy cúng dường phần của ta đến vị Samôn luôn thể”. Rồi cậu cúng dường phần cháo của mình, ước nguyện: “Xin cho túi tiền vàng của tôi không bao giờ cạn, cho dù tôi có cho đến bao nhiêu người, túi tiền vàng vẫn như cũ. Và tôi được đoàn tụ với những người trong thân tộc như hiện nay trong những kiếp lai sinh”.

Người con dâu, cũng làm theo như chồng và ước nguyện như chồng.

Người hầu Puṇṇa, cũng suy nghĩ: “Chẳng lẽ ta dùng cháo, trong khi những người chủ của ta lại nhịn đói”.

Ông cũng cúng dường phần cháo của mình, rồi ước nguyện: “Xin cho tôi cày một đường (cày) thành bảy đường và được làm gia nhân cho gia đình này như trong hiện tại”.

Những ước nguyện trên cho chúng ta hiểu ý nghĩa của dục thủ, nhất là nguyện được đoàn tụ trong những kiếp lai sinh xuất phát từ “nắm giữ cái của tôi” quá mạnh, thậm chí người hầu Punna chẳng ước nguyện chi khác ngoài “cày một đường thành 7 đường cày” và “được làm nô lệ cho gia đình người”, lời nguyện này hẳn phải có vô minh trợ giúp. Và ái càng mạnh thì vô minh càng dày.

Có thể người hầu Punna không tin “lời ước thành sự thật”, nên ông ước cho vui lòng chủ.

Nên lưu ý: Khi tạo phước mà “không tin có quả báo” thì đúng là vô minh dày, đồng thời sẽ dẫn đến tà kiến “không tin có nhân quả, không tin có nghiệp báo”.

Mong muốn hưởng dục lạc luôn xuất phát từ tham ái, một khi tham ái tăng thịnh thì sự hưởng thụ dục lạc không hề biết đủ, nó như kẻ khát lại uống nhầm nước mặn, càng uống nước càng thấy khát.

Đức vua Mandhātu hưởng dục lạc nhân loại trong một thời gian dài chưa cảm thấy thỏa mãn, đến cõi Tứ đại vương hưởng dục lạc trong một thời gian dài, vẫn chưa thỏa mãn, lại đến cõi Đạo Lợi, được vua trời Đế Thích chia cho nửa cõi trời Đạo Lợi (Tāvatiṃsa).

Đức vua hưởng thiên lạc suốt cả 36 đời vua trời Đế Thích (mỗi đời vua trời Đế Thích là 36 triệu năm tính theo nhân loại) vẫn chưa hài lòng, lại khởi tâm muốn giết chết vua trời thứ 37 để chiếm đoạt trọn vẹn cung trời Đạo Lợi. Đến đây, phước của vua Mandhātu đã cạn, phải trở về nhân loại, xuất gia rồi mệnh chung sau 7 ngày.

“Na kahapaṇa vassena. Titti kāmesu vijjati...

Dầu mưa bằng tiền vàng. Các dục khó thỏa mãn...” (1)

Nên ghi nhận rằng: “Ước nguyện giải thoát khỏi sinh tử luân hồi” không phải là dục thủ, vì cảnh giới Nípbàn không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp để thụ hưởng.

Không nên hiểu lầm kệ ngôn:

Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Nípbàn là lạc tối thượng”(2)., cho rằng Nípbàn có thọ uẩn để thụ hưởng an lạc.

Đức XáLợiPhất có giải thích: “Tái sanh là khổ, không tái sanh là lạc”(3).

Không có tái sinh thì không có uẩn, không có uẩn nghĩa là không có thọ (vedanā), không có thọ thì không có thụ hưởng.

Chính vì không có uẩn (hữu vi pháp) nên không có “sinh diệt”, không có sinh diệt là “lạc tối thượng”. Không có uẩn nên không có tính thụ hưởng, nên ước nguyện Nípbàn không là dục thủ.

Dục thủ khiến chúng sinh “tình nguyện làm nô lệ cho dục ái”. Như lời Ngài Ratthapāla:

“Ūno loko atitto taṅhādāso ti’kho:

Thế gian thiếu thốn, khao khát, là nô lệ cho tham ái.” (1)

Chính nhờ những nghiệp thiện như bố thí, trì giới, tu thiền, cung kỉnh, phục vụ ... Sau khi mệnh chung, được tái sinh về cảnh giới người hay chư thiên.

Đây là dục thủ làm duyên cho dục hữu tốt.

Một số chúng sinh khác muốn thụ hưởng thiền lạc (jhānasaddhaṃ) hay muốn được sanh về cõi Phạm thiên, cố gắng tu tập chứng đạt thiền Sắc giới hay Vô sắc giới, mệnh chung được sanh về cõi thiền đã chứng đắc.

Đây là dục hữu làm duyên cho Sắc hữu hay Vô sắc hữu.

3- Kiến thủ (diṭṭhupādāna).

Cả ba loại thủ còn lại, đều có chi pháp là tâm sở tà kiến, nhưng có những điểm khác biệt nhau, ví như cội cây có ba nhánh.

Kiến thủ lấy “thế gian (loka)” làm đối tượng.

Ngã luận thủ là lấy “cái ta (atta)” làm đối tượng.

Giới cấm thủ lấy “những cách thực hành sái quấy” làm đối tượng, đồng thời giới cấm thủ còn hàm ý “bám vào những điều mê tín, dị đoan”.

Nói cách khác, kiến thủ bám lấy thế gian, ngã luận thủ bám lấy cái ta, giới cấm thủ bám lấy nghi thức cúng tế sái quấy.

a- Thế nào là kiến thủ?

Trước tiên là kiến (diṭṭhi), sách Paṭisambhidā magga (Vô ngại giải đạo) có giải thích:

Tà kiến là gì? Là thấy sai, hiểu sai ”(2)

Chữ diṭṭhi từ ngữ căn dis nghĩa là thấy, diṭṭhi thường được hiểu là “quan điểm, ý kiến, chủ thuyết”.

Diṭthi khi đi kèm với tỉnh từ sammā (sammādiṭṭhi) là “hiểu biết đúng, quan điểm đúng”, khi đi kèm với tỉnh tử micchā (micchādiṭṭhi) hay đơn độc (diṭṭhi) là: “hiểu biết sai, quan điểm sai”.

Kiến thủ là bám chắc vào một lý thuyết sai, hoặc nắm giữ một quan điểm sai.

Kiến thủ nói gọn là: bám chắc vào quan điểm “thường hằng (sassata)” hay bám chắc vào quan điểm “đoạn diệt (uccheda)”.

“Dvīhi, bhikkhave, diṭṭhigatehi pariyuṭṭhitā devamanussā olīyanti eke, atidhāvanti eke...

Này các Tỳkhưu, chư thiên và loài người bị xâm chiếm (pariyuṭṭhitā) bởi hai tà kiến”, một số chấp chặt (olīyanti), một số đi quá trớn (atidhāvanti).... (3).

Và Đức Thế Tôn có giải thích: “Người chấp chặt là chấp có (thường kiến)”, “người đi quá trớn là chấp không (đoạn kiến)”.

Thường kiến (sassatadiṭṭhi) là cho rằng: “Có một tự ngã thường hằng bất biến, không bao giờ bị hoại diệt”.

Đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) là cho rằng: “Có một tự ngã sau khi chết thì diệt mất”.

Cho là “thường hằng” hay “diệt mất” đều là tà kiến, vì sao?.

Vì đó là “quan niệm có một thực thể”, thực thể này không hề bị tiêu hoại, nên gọi là thường kiến, hoặc thực thể đó bị tiêu hoại không còn dư sót, nên gọi là đoạn kiến”.

Thực ra chẳng có một thực thể nào cả, những gì đang hiện bày chỉ là kết quả của nhân duyên, khi nhân duyên hội hợp pháp ấy hình thành, nên gọi là hữu vi (saṅkhāra), ví như dùi trống chạm vào mặt trống, tiếng trống phát sinh lên, tiếng trống không hề có sẵn trong dùi trống hay trong mặt trống.

Đức Nāgasena (Na Tiên) có giải đáp cho vua Milinda rằng:

Tâu Đại vương! Pháp hữu vi đã có rồi sanh trưởng kế tiếp, có ý nghĩa như vầy: Trong khi nhãn quan (con mắt) và sắc trần gặp gỡ, phối hợp nhau là nhân phát sinh nhãn thức, khi nhãn thức có thì nhãn xúc sinh lên, có xúc thì thọ sinh lên, có thọ thì ái sinh lên, có ái thì thủ sinh lên...”(1).

Lời dạy trên của Ngài Nāgasena “nhãn thức” không có sẵn, nhãn thức sinh lên do có nhân có duyên. Tương tự như thế với xúc, thọ, ái, thủ.

Và: “Tâu Đại vương! Các pháp hữu vi không từng có, sẽ phát sinh lên”(2).

Những thành tựu của khoa học ngày nay đã chứng minh lời dạy này chuẩn xác. Một số thành tựu khoa học trước đây không có, nay có.

Mở rộng quan điểm đoạn kiến thì: Có ba loại tà kiến cố định (niyatadiṭthi) về đoạn diệt, đó là: Vô hữu kiến (natthikadiṭthi), vô nhân kiến (ahetudiṭthi) và vô hành kiến (akiriyadiṭthi). Ba loại định kiến đoạn diệt này, là nguy hiểm nhất.



- Gọi là vô hữu kiến vì cho rằng “tội hay phước đều không có”.

Mẫu truyện trên đây minh họa cho loại tà kiến này .



Nguyên soái Alata.

Thuở xưa, tại kinh thành Mithilā xứ Videha do đức vua Aṅgati trị vì, vị nguyên soái của Đức vua là Alata.

Một hôm Alata đưa đức vua đến gặp thầy mình là du sĩ lỏa thể Guna kassapa, Đức vua hỏi du sĩ Guna kassapa: “Làm thế nào để được sinh về thiên giới?”.

Du sĩ Guna kassapa trả lời rằng: “Cần gì phải bận tâm đến điều đó, bởi tất cả những gì người ta gọi là thiện hay ác, chẳng qua là hư ngữ, dù làm lành hay ác cũng chẳng có quả dị thục (đây là vô hành kiến, lẫn vô hữu kiến – Ns).

Bất luận là kẻ ngu hay người trí, sau 84 đại kiếp sinh tử luân hồi rồi tự nhiên mọi người sẽ được thanh tịnh và Nípbàn như nhau cả (đây là vô nhân kiến – Ns).

Nghe đến đây, nguyên soái Alata đồng ý, vì ông nhớ lại được kiếp trước “mình là đồ tể giết trâu bò, có tên là Pingala (3). Gả đồ tể này phạm biết bao tội lỗi, giết hại biết bao trâu bò”, nay sanh làm nguyên soái Alata.

Bấy giờ có người nô lệ tên là Bījaka cũng đến nghe du sĩ Guna giảng pháp, nghe vậy ông bật khóc nức nở, khi Đức vua hỏi vì sao ông khóc? Ông trả lời: “Ông cũng nhớ lại được kiếp trước, kiếp trước ông là phú thương trong thành Sāketa, tạo nhiều phước lành. Nhưng nay phải làm người nô lệ”.

Thật ra, cả nguyên soái Alata và nô lệ Bījaka chỉ nhớ được 1 kiếp quá khứ.

Nếu nguyên soái Alata nhớ nhiều hơn ông sẽ thấy: “Trong một kiếp (trước kiếp ông làm đồ tể), ông sinh vào thời có giáo pháp Đức Phật Kassapa (Cadiếp), ông cúng dường, đảnh lễ Bảo tháp thờ Xálợi của Phật Kassapa, kiếp kế tiếp ông là gã đồ tể. Phước trong kiếp cúng dường, đảnh lễ bảo tháp Xálợi trả quả, nên nay được làm nguyên soái, còn nghiệp làm đồ tể chưa kịp trả quả”.

Nếu nô lệ Bījaka nhớ được nhiều hơn, ông sẽ nhớ là: “ Cũng trong thời có giáo pháp Đức Phật Kassapa, ông là người chăn bò. Một hôm, đàn bò của y đi lạc, y vào rừng tìm bò.

Có vị Tỳkhưu bị lạc trong rừng, hỏi thăm đường ra khỏi rừng, y bực mình gắt gỏng: “Người gì ngay cả đường xá cũng không biết, thế này thì chỉ có nước làm đày tớ cho người mà thôi”. Kiếp sau đó , ông là người phú thương.

Do quả của nghiệp mắng vị Tỳkhưu đang trả quả, nên ông phải làm nô lệ, còn nghiệp thiện khi làm phú thương thì chưa kịp trả.(1)

Nguyên nhân có loại tà kiến này là:

Có một số Sa môn, Bàlamôn có thắng trí thấy chúng sinh làm ác, khi mệnh chung được sanh về thiên giới, có những chúng sinh làm thiện, khi mệnh chung phải sinh về bốn khổ cảnh”(2). Nên đi đến kết luận vô hữu hoặc hành

Trong thời Đức Phật, giáo chủ Makkhali Gosāla chủ trương thuyết vô hữu kiến này, và Đức Thế Tôn nghiêm khắc bác bỏ.(3)

- Gọi là vô nhân kiến.

Là cho rằng “chúng sinh tự nhiên sinh lên không do nguyên nhân nào cả, hay sự việc khởi lên chỉ là ngẫu nhiên”.

Thật ra, mọi sự xẩy ra đều có nhân duyên không phải ngẫu nhiên mà có.

Sở dĩ có quan niệm này là do “các Samôn, Bàlamôn có thắng trí túc mạng minh, nhớ lại được những kiếp sống quá khứ. Nhưng khi nhớ đến kiếp làm người Vô tưởng thì không nhớ được nữa, thấy rằng “trước đó không có, rồi xuất hiện mình”, nên cho rằng “chúng sinh ngẫu nhiên sinh ra(4).



- Gọi là vô hành kiến.

Là cho rằng “những hành động ác hay thiện đều không phải ác hay là thiện chi cả”.

Theo kinh Samôn quả (sāmaññaphala sutta) trong Trường Bộ, đây là chủ thuyết của Pūraṇa Kassapa trong thời Đức Phật.

Ba loại tà kiến này sở dĩ nguy hiễm vì “bác bỏ nhân quả và nghiệp báo”.

Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật có dạy:

“Iti kho so Vaccha ekanavuto kappo yaṃ ahaṃ anussarāmi, nābhijānāmi kañci ājīvakaṃ saggūpagaṃ aññatra ekena, so p’āsi kammavādī kiriyavādī ti”.

“Này Vaccha, dầu cho ta có nhớ đến 91 kiếp, Ta không biết một tà mạng ngoại đạo nào đã sanh Thiên, trừ một vị, và vị này thuyết về nghiệp và thuyết về tác dụng của nghiệp.”(1)

Hai loại tà kiến: thường - đoạn, phối hợp với nhau tạo thành 62 loại tà kiến, chia thành hai nhánh lớn, 18 tà kiến thuộc về quá khứ, 44 tà kiến thuộc về vị lai (2).



Tà kiến thuộc về quá khứ (pubbantakappikaditthi).

Là nhớ về quá khứ, tà kiến này xuất phát từ sự:

- Nhớ lại các tiền kiếp rồi hiểu sai.

- Dùng hư ngữ để né tránh một vấn đề cần phải làm sáng tỏ, gọi là ngụy biện kiến.

Có năm phần là:

a. Thường kiến.

Là bám chấp vào “sự thường hằng”, quan điểm này có là do:

- Do nhớ lại nhiều đời sống quá khứ (dưới 10 kiếp trái đất).

- Do nhớ lại nhiều đời sống quá khứ (từ 10 đến 20 kiếp trái đất).

- Do nhớ lại nhiều đời sống quá khứ (từ 20 đến 30 kiếp trái đất).

- Do nhớ lại nhiều đời sống quá khứ (từ 30 đến 40 kiếp trái đất).

- Do kinh nghiệm.



Bàn về túc mạng minh.

Có hai hạng người đắc túc mạng minh, nhớ được những kiếp quá khứ là: Phàm nhân đắc Túc mạng minh và bậc Thánh đắc Túc mạng minh.

Bản Sớ giải Sumaṅgalavilāsinī (Sớ giải Trường Bộ kinh), bài kinh Phạm võng, có giải thích: Phàm nhân nhớ lại kiếp quá khứ như sau:

- Ngoại đạo, chỉ nhớ được dưới một kiếp trái đất.

- Bồtát Thinh văn thường có thể nhớ từ 1 đến 10 kiếp trái đất.

- Bồtát Thinh văn đại đệ tử có thể nhớ từ 10 đến 20 kiếp trái đất.

- Bồtát Thượng thủ Thinh văn hay Bồtát Độc giác có thể nhớ từ 20 đến 30 kiếp trái đất.

- Bồtát Chánh đẳng giác có thể nhớ đến tối đa là 40 kiếp trái đất.

Theo Sớ giải Tăng chi kinh (bộ Manoratthadīpanī) thì:

“Thánh Thinh văn Đại đệ tử như Ngài Mahā Kassapa, Ngài Ānanda, Ngài Mahā Kotthita ... đắc Túc Mạng minh có thể nhớ được một ngàn kiếp trái đất.

Đức Thượng thủ Thinh văn nhớ lại được 1 Atăngkỳ kiếp trái đất.

Đức Độc Giác nhớ được 2 Atăngkỳ kiếp trái đất.

Đức Chánh giác nhớ vô số.

Đức Chánh Đẳng giác Gotama chỉ có 4 vị Thánh đệ tử Alahán có Túc mạng minh nhớ lại tiền kiếp nhiều nhất là: Hai vị Thượng thủ Thinh văn, Ngài Bakkula và bà Yasodharā (Daduđàla), bốn vị này có thể nhớ đến 1 Atăngkỳ (asaṅkheyya) trái đất.(1)



b- Chấp vào quan điểm: “Một phần thường, một phần bị hoại diệt”, là do:

- Nhận thấy vị đại Phạm thiên (sinh trước tiên) còn hoài, những Phạm thiên sinh sau (vị ấy cho là “mình do vị Đại Phạm thiên sinh trước tiên tạo ra) phải chết.

- Nhận thấy những thiên nhân đắm nhiễm dục lạc mệnh chung, những thiên nhân không đắm nhiễm dục lạc vẫn sống.

- Nhận thấy những thiên nhân sân hận thì mệnh chung, những thiên nhân không sân thì sống mãi.

- Nhận thấy nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân bị hoại, tâm vẫn còn hoài.

Giải.

Khi thế gian này được tạo thành, cõi Sơ thiền vẫn trống vắng. Một vị Phạm thiên ở Quang âm thiên mệnh chung tái sinh về cõi Sơ thiền, Phạm cung xuất hiện do phước vị ấy.

Vị ấy sống thời gian dài nơi Phạm cung ấy cảm thấy cô đơn, vị ấy khởi lên ước muốn “có chúng sinh khác về đây cư ngụ”, vừa khi ấy có vị Phạm thiên mệnh chung từ Quang âm thiên tái sinh về cõi Sơ thiền.

Vị Phạm thiên trước suy nghĩ “chúng sinh này xuất hiện nơi đây là do ý muốn của ta, vậy ta là Sáng tạo chủ”. Vị Phạm thiên sinh sau cũng nghĩ như thế.

Do phước kém hơn vị Phạm thiên sinh trước, vị Phạm thiên sinh sau mệnh chung, tái sinh về cõi nhân loại.

Về sau nhờ tu tập thiền định, đạt Túc mạng trí, vị ấy nhớ về quá khứ, thấy mình là vị Phạm thiên sinh ra theo ý muốn của vị Sáng tạo chủ, mình mệnh chung còn vị sáng tạo chủ vẫn tồn tại.

Vị ấy cho rằng: “ Vị Sáng tạo chủ thường hằng, chúng sinh khác không thường hằng.” (một phần thường hằng, một phần không thường hằng).

- Lại nữa, có những Samôn, Bàlamôn chứng được thắng trí Túc mạng, nhớ lại tiền kiếp, thấy mình là vị thiên nhân đắm nhiễm trong dục lạc nên mệnh chung, còn những thiên nhân không đắm nhiễm trong dục lạc vẫn tồn tại, nên đi đến kết luận: “Thiên nhân nào không đắm nhiễm trong dục lạc thì thường hằng, thiên nhân nào đắm nhiễm trong dục lạc thì bị hoại” (một phần thường, một phần không thường).

- Tương tự như vậy, có những Samôn, Bàlamôn có Túc mạng trí, khi nhớ lại tiền kiếp, thấy mình là vị chư thiên sân hận nên mệnh chung, chư thiên không sân hận thì tồn tại.

c. Chấp vào quan điểm: “Biên vô biên kiến (antanantadiṭṭhi)”. Là cho rằng:

- Thế giới là hữu biên (có đường vòng bao quanh).

- Thế giới là vô biên (không có đường vòng bao quanh).

- Thế giới vừa hữu biên vừa vô biên.

Là thế giới có đường vòng bao quanh ở trên, ở dưới. Không có đường vòng bao quanh ở bề ngang.

- Do suy luận (cho rằng thế giới này không phải vô biên cũng không phải hữu biên).



Giải.

- Với những vị tu tập thiền tịnh, mở rộng ấn tướng thiền (nimittajhāna) đến vòng đai thế gian (cakkavāla), nhưng không thể xuyên qua vòng đai này, nên cho rằng “thế giới là hữu biên”.

- Với vị tu tập thiền tịnh, không mở rộng được ấn tướng thiền (nimitta jhāna) đến vòng đai bao quanh thế gian, nên cho rằng “thế gian là vô biên”.

- Với vị tu tập thiền tịnh, mở rộng được ấn tướng thiền theo chiều dọc đến tận vòng đai thế giới, không mở rộng được ấn tướng theo chiều ngang, nên kết luận “thế giới vừa hữu biên vừa vô biên”.



d. Do ngụy biện, có bốn trường hợp.

- Do không nhận biết như thật “đây là thiện, đây là bất thiện”, sợ sai lầm nên nói: “Tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác, tôi không nói là không phải như thế, tôi không nói là không không phải như thế”.

Tức là e nói sai sự thật nên nói không rõ ràng.

- Do không nhận biết như thật “đây là thiện, đây là bất thiện”, e ngại bị chấp thủ nên nói không rõ ràng.

- Do không nhận biết “đây là thiện, đây là bất thiện”, sợ bị vặn hỏi, vấn nạn nên nói không rõ ràng.

- Do không nhận biết “đây là thiện, đây là bất thiện”, e bị “vô minh” nên nói không rõ ràng.

(Dù có e ngại bị “vô minh” thì cũng bị vô minh xâm chiếm ngự trị rồi, không nhận biết được “đây là thiện, đây là bất thiện”, chính là vô minh).



e. Chấp vào quan điểm vô nhân sinh.

- Do nhớ lại kiếp trước là người Vô tưởng.

Vị Phạm thiên Vô tưởng có đời sống dài 500 kiếp trái đất, một số Samôn, Bàlamôn có thắng trí nhớ lại các tiền kiếp, nhưng không thể nhớ hơn 500 kiếp trái đất, nên khi nhớ lại tiền kiếp thấy rằng: “Đột nhiên có mình xuất hiện, tìm về quá khứ phía trước thì không thấy”, nên kết luận “ta sinh ra không có nhân chi cả, tự nhiên có”.

- Do suy luận.

Là do quan sát thấy có một số chúng sinh tự nhiên sinh ra nơi ẩm thấp.

Tà kiến về quá khứ có 18 trường hợp như đã trình bày.

Tà kiến về vị lai (aparantakappikadiṭṭhi).

Là trường hợp hiểu sai về hậu thân, phần này gồm năm phần:




tải về 2.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương