Lumen gentium



tải về 0.62 Mb.
trang5/9
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.62 Mb.
#38481
1   2   3   4   5   6   7   8   9

36. Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Pl 2,8-9), đã vào trong vinh quang nơi vương quốc của Người. Mọi vật phải suy phục Người cho đến khi chính Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự (x. 1 Cr 15,27-28). Người thông ban cho các môn đệ quyền năng này để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng sự thống trị của tội lỗi nơi họ bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), nhất là để khi phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh chị em mình đến cùng Đức Vua, Đấng mà khi phục vụ Người tức là thống trị. Thật vậy, Chúa cũng muốn giáo dân phải mở rộng vương quốc của Người, vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc đầy ân sủng và thánh thiện, vương quốc của công bằng, tình yêu và bình an114; trong vương quốc này, tạo vật sẽ được giải thoát khỏi phải lệ thuộc sự hư nát, để được hưởng tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,21). Lời hứa thật là trọng đại và mệnh lệnh được ban cho các môn đệ thật là quan trọng: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” (1 Cr 3,23).

Vì thế, tín hữu phải nhận biết rằng bản tính sâu xa cũng như giá trị và định hướng của toàn thể tạo vật là phải ca tụng Thiên Chúa, đồng thời ngay cả trong những công việc trần thế, họ phải giúp nhau sống thánh thiện hơn, sao cho thế giới được thấm nhuần Thần Khí của Đức Kitô và có khả năng đạt đến cứu cánh của mình trong công bình, bác ái và bình an. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn trọn vẹn trách vụ này. Nhờ khả năng chuyên môn trong những môn học trần thế và nhờ những hoạt động được thăng hoa tận trong bản chất nhờ ân sủng Đức Kitô, giáo dân hãy hăng hái làm việc, để theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và ánh sáng của Ngôi Lời, nhờ lao công của con người cùng với kỹ thuật và văn hóa xã hội, những của cải trần thế đem lại thiện ích cho mọi người, được phân phối cách thích đáng hơn và nhờ đó đưa đến sự phát triển toàn cầu trong tự do nhân linh và mang phẩm chất Kitô hữu. Như thế, qua các phần tử của Giáo Hội, ánh sáng cứu độ của Đức Kitô sẽ ngày càng tỏa sáng trên toàn thể nhân loại.

Ngoài ra, nếu những thể chế và lối sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân hãy cùng góp sức để lành mạnh hoá những tác nhân đó, sao cho tất cả được nên phù hợp với các chuẩn mực của sự công chính và giúp phát huy chứ không ngăn cản việc thực thi các nhân đức. Làm như thế, giáo dân sẽ giúp cho giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các hoạt động của con người. Nhờ đó, cánh đồng thế giới sẽ được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Chúa, đồng thời các cánh cửa được mở rộng hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian.

Vì chính nhiệm cục cứu độ, các tín hữu phải cẩn thận phân biệt quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách là một phần tử của Giáo Hội, với quyền lợi và nghĩa vụ của một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng kết hợp hài hòa cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó, và nhớ rằng trong bất cứ lãnh vực trần thế nào, họ luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Nhất là vào thời đại chúng ta, trong các phương thức hành động của các tín hữu, cần phải làm sáng tỏ tối đa cả sự phân biệt lẫn sự hoà hợp giữa các nghĩa vụ và bổn phận ấy, để sứ vụ của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, nếu như phải công nhận rằng thành đô trần thế, vì liên hệ đến các việc trần thế, nên được điều hành theo những nguyên tắc riêng của mình, thì cũng phải loại bỏ chủ thuyết sai lầm muốn xây dựng xã hội mà không hề lưu tâm đến tôn giáo, để rồi chống lại và tiêu diệt tự do tôn giáo của người công dân115.



37. Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân có quyền nhận lãnh dồi dào từ các chủ chăn có chức thánh những ơn phúc chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích116, đồng thời họ nên trình bày cho các chủ chăn những nhu cầu và khát vọng của mình với thái độ tự do và tín nhiệm thích hợp, với tư cách là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Kitô. Tuỳ theo kiến thức, khả năng chuyên môn và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội117. Nếu cần, họ nên thực hiện điều đó nhờ các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy, và lúc nào cũng phải chân thành, can đảm, khôn ngoan, cũng như kính trọng và bác ái đối với những người thay mặt Đức Kitô do chức vụ thánh của các ngài.

Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân nên mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn là đại diện Đức Kitô đã quyết định với tư cách là thầy dạy và người lãnh đạo trong Giáo Hội, với tinh thần vâng phục Kitô hữu, noi gương Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết để mở ra con đường đầy phúc lành trong tự do của con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hân hoan chứ không phiền muộn khi thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa (x. Dt 13,17).

Phần các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội; các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tín cẩn giao nhiệm vụ để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích họ đảm nhận các công việc do chính họ khởi xướng. Với tình hiền phụ, và trong Đức Kitô, các ngài hãy quan tâm nghiệm xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ118. Các chủ chăn cũng phải tôn trọng và nhìn nhận quyền tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

Giáo Hội kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều phúc lợi từ mối tương quan mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn: thật vậy, khi ý thức trách nhiệm của người giáo dân được củng cố, thì lòng hăng say của họ được phát huy và những năng lực của họ cũng được nối kết dễ dàng hơn với công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, được trợ giúp bằng kinh nghiệm của giáo dân, có thể phân định minh bạch và thích hợp hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế, như thế, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn cách hữu hiệu hơn sứ mệnh đối với sự sống của thế gian.



38. Trước mặt thế giới, từng người giáo dân phải là chứng nhân về sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu chỉ về Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và từng người, phải góp phần tuỳ theo khả năng của mình để nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gl 5,22), phải truyền bá trong thế giới nguồn sức mạnh tinh thần có năng lực tác động nơi những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa mà trong Tin Mừng, Chúa đã công bố là những người được chúc phúc (x. Mt 5,3-9). Tắt một lời, “như linh hồn ở trong thân xác, người Kitô hữu cũng ở giữa thế giới như vậy”119.

CHƯƠNG V


LỜI KÊU GỌI MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH
TRONG GIÁO HỘI


39. Thánh Công Đồng đang trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội, một Giáo Hội được tuyên tín cách không thể sai lầm rằng đây là Giáo Hội thánh thiện. Thật vậy, Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là “Đấng thánh duy nhất”120, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hoá Giáo Hội (Ep 5,25-26), và đã kết hiệp với Giáo Hội như với thân mình Người và đổ tràn ơn Thánh Thần cho Giáo Hội để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội, hoặc thuộc hàng giáo phẩm hoặc được hàng giáo phẩm coi sóc, đều được kêu gọi nên thánh, như lời Thánh Tông đồ dạy: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Ts 4,3; x. Ep 1,4). Tuy nhiên, sự thánh thiện của Giáo Hội luôn được và phải được tỏ bày qua những hoa trái của ân sủng mà Thánh Thần làm phát sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi những cá nhân, trong khi xây dựng kẻ khác, đang cố đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống của mình; sự thánh thiện đó được thể hiện cách đặc biệt trong việc thực hành các lời khuyên vẫn quen gọi là các lời khuyên Phúc Âm. Được nhiều Kitô hữu thực thi nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, theo cách riêng tư hoặc theo những lối sống hay bậc sống đã được Giáo Hội công nhận, việc thực hành các lời khuyên ấy đang mang lại và phải mang lại cho thế giới một chứng tá và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội.

40. Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã dạy cho tất cả và cho từng môn đệ, bất luận thuộc địa vị nào, về đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng khởi xướng vừa là Đấng hoàn tất: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)121. Thật vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong, Thánh Thần thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12, 30), và yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương họ (x. Ga 13,34; 15,12). Được Thiên Chúa kêu gọi không phải vì công lao riêng, nhưng do ý định và ân sủng của Thiên Chúa, và được công chính hoá trong Chúa Giêsu, trong ơn Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Kitô đã thật sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh. Vì thế, với ơn Chúa, họ phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hóa mà họ đã lãnh nhận. Thánh Tông đồ khuyên họ hãy sống “xứng đáng là những người trong dân thánh” (Ep 5,3), hãy mặc lấy “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, như những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12), và hãy trổ sinh hoa trái của Thánh Thần trong tiến trình nên thánh (x. Gl 5,22; Rm 6,22). Nhưng vì có nhiều lỗi phạm đối với mọi người (x. Gc 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con” (Mt 6,12)122.

Vì thế, rõ ràng là tất cả các Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo123; sự thánh thiện này cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế. Để đạt được sự trọn lành đó, các tín hữu phải phải tận dụng sức mạnh đã nhận được từ Đức Kitô, để khi bước theo chân Người và được nên giống hình ảnh Người cũng như khi biết thi hành ý Chúa trong mọi sự, họ tận hiến chính mình để tận tâm làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh.



41. Trong những hình thức và trách vụ đa dạng của cuộc sống, sự thánh thiện duy nhất được vun trồng bởi tất cả những ai biết hành động nhờ Thần Khí Thiên Chúa, và khi biết vâng phục tiếng nói của Chúa Cha và thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, họ bước theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác Thập Giá, để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người. Vì thế, tuỳ theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên đường đức tin sống động, một đức tin khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.

Các chủ chăn của đoàn chiên Đức Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ mình cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Thượng Tế vĩnh cửu, là Mục tử và là Đấng canh giữ linh hồn chúng ta, khi làm như thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ của mình một phương thế tuyệt diệu để thánh hoá bản thân. Được chọn để lãnh nhận chức tư tế viên mãn, các ngài lãnh nhận ơn bí tích để thực thi đầy đủ bổn phận của đức ái mục tử124, khi cầu nguyện, hy sinh và giảng dạy, bằng mọi hình thức chăm sóc và phục vụ thuộc tác vụ Giám mục, để không ngại hy sinh mạng sống vì con chiên, và để khi đã trở nên mẫu mực cho đoàn chiên (x. 1 Pr 5,3), các ngài dùng gương sáng làm cho sự thánh thiện ngày càng tăng triển trong Giáo Hội.

Các linh mục kết thành vương miện thiêng liêng của hàng Giám mục125 và giống như các Giám mục, khi thông phần vào ân sủng của chức vụ Giám mục nhờ Đức Kitô, Đấng Trung gian vĩnh cửu duy nhất, các ngài phải tăng trưởng trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành bổn phận hằng ngày, phải giữ gìn mối dây hiệp thông giữa hàng linh mục, phải được dư đầy mọi ơn phúc thiêng liêng, phải trình bày chứng từ sống động về Thiên Chúa cho mọi người126, các ngài phải noi gương những vị linh mục mà qua các thế hệ đã để lại mẫu mực thánh thiện sáng ngời qua việc phục vụ thường khi rất khiêm tốn và âm thầm. Giáo Hội Thiên Chúa vẫn luôn ca tụng các vị ấy. Khi cầu nguyện và dâng hy lễ cho cộng đoàn của mình và cho toàn thể Dân Chúa, bằng cách ý thức điều mình làm và noi theo những mầu nhiệm mình cử hành127, các linh mục không để mình bị cản trở bởi những công việc tông đồ, bởi những nguy cơ và thử thách, nhưng trái lại, nhờ đó mà tiến cao hơn trên đường thánh thiện, bởi biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm liên lỉ, để mang lại niềm khích lệ cho toàn thể Giáo Hội Thiên Chúa. Tất cả các linh mục, nhất là những ai đã được thụ phong với chức danh đặc biệt là linh mục giáo phận, phải nhớ rằng việc liên kết trung thành cũng như quảng đại cộng tác với Giám mục của mình sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thánh hoá bản thân.

Những thừa tác viên ở cấp bậc thấp hơn cũng dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của vị Thượng Tế, trước hết là các phó tế, khi phục vụ các mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội128, phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, phải làm đẹp lòng Thiên Chúa và nêu gương sống tốt lành trong mọi sự trước mặt mọi người (x.1 Tm 3,8-10 và 12-13). Các giáo sĩ, những người được Chúa kêu gọi và được dành riêng cho Chúa, đang chuẩn bị để lãnh nhận thừa tác vụ dưới sự coi sóc của vị chủ chăn, phải làm cho lòng trí phù hợp với ơn gọi vô cùng cao cả của mình, bằng cách kiên trì cầu nguyện, nhiệt thành yêu thương, nghĩ tưởng những điều chân thật, ngay chính và tốt lành, và chu toàn mọi sự vì vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa. Gần gũi với họ, còn có những giáo dân được Thiên Chúa chọn và được Giám mục kêu gọi để dấn thân trọn vẹn vào việc Tông đồ, và đang làm việc cách rất hiệu quả trong cánh đồng của Chúa129.

Về phần các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo con đường riêng của mình, nhờ ơn Chúa, phải suốt đời nâng đỡ nhau trong một tình yêu chung thủy, và giúp cho những người con mà họ đã yêu thương đón nhận từ Thiên Chúa, được thấm nhuần giáo lý Kitô giáo và các nhân đức của Tin Mừng. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về một tình yêu bền vững và quảng đại, xây dựng tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào sự phong nhiêu của Mẹ Giáo Hội, nên như dấu chỉ đồng thời thông phần vào tình yêu của Đức Kitô, Đấng yêu thương và hiến mình vì Hiền Thê của Người130. Theo một cách thức khác, những quả phụ và người độc thân cũng nêu một tấm gương tương tự và có thể góp phần lớn lao vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội. Còn những người đang phải làm việc vất vả, phải biết dùng lao động để hoàn thiện chính mình, trợ giúp đồng bào, và làm cho toàn thể xã hội và muôn vật được thăng tiến hơn, họ cũng phải lấy đức ái sống động mà noi gương Đức Kitô, Đấng đã muốn lao động với đôi tay của mình và không ngừng cùng với Chúa Cha làm việc để cứu rỗi mọi người, khi vui mừng trong hy vọng và vác đỡ gánh nặng cho nhau, họ dùng chính công việc hằng ngày để tiến bước lên cao hơn nữa hướng đến sự thánh thiện thật sự mang tính tông đồ.

Những người đang phải mang gánh nặng nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác hoặc đang chịu bách hại vì sự công chính, nên ý thức rằng họ được kết hiệp cách đặc biệt với Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ để cứu độ thế giới, vì họ chính là những người mà trong Tin Mừng, Chúa đã tuyên bố là người có phúc, và vì “Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, Đấng đã kêu gọi chúng ta, sau khi phải chịu đau khổ ít lâu, được vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được nên hoàn thiện, mạnh mẽ và kiên cường” (1 Pr 5,10).

Vì thế, chính trong những trạng huống, bổn phận và hoàn cảnh của cuộc sống, và nhờ tất cả những điều đó, mọi Kitô hữu sẽ được thánh hoá mỗi ngày một hơn, nếu họ biết lãnh nhận với đức tin tất cả mọi sự từ tay Cha trên trời và cộng tác với thánh ý Thiên Chúa, bằng cách dùng chính sự phục vụ trần thế của mình để tỏ lộ trước mặt mọi người tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương thế gian.

42. “Thiên Chúa là tình yêu; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Ngài vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); vì thế, tặng phẩm thứ nhất và cần thiết nhất chính là đức ái, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái tựa như hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa kết quả, mỗi tín hữu phải sẵn sàng lắng nghe lời Chúa, và nhờ ơn Chúa giúp, biết thi hành thánh ý Ngài bằng những hành động cụ thể, phải siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và tham dự phụng vụ, phải kiên trì cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh chị em và luyện tập các nhân đức. Thật vậy, vì là mối dây liên kết của sự trọn lành và là sự viên mãn của lề luật (x. Cl 3,14; Rm 13,10), nên đức ái điều động, tạo năng lực và làm cho mọi phương thế thánh hóa đạt đến mục tiêu131. Do đó, thái độ mến Chúa yêu người là dấu xác nhận người môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Vì Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh chị em (x. 1 Ga 3,16; Ga 15,13). Một số Kitô hữu đã được gọi trong thời sơ khai và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng cho tình yêu ấy cách cao cả nhất trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ đang bách hại mình. Vì tử đạo là hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và được nên đồng hình đồng dạng với Người trong việc đổ máu, nên Giáo Hội coi đó là ơn trổi vượt và là sự xác nhận cao quí nhất về đức ái. Mặc dù chỉ một ít người được ơn tử đạo, nhưng tất cả đều phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Người trên đường Thập Giá giữa những cuộc bách hại không bao giờ thiếu vắng trong Giáo Hội.

Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Tin Mừng để các môn đệ tuân giữ132. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể đến tặng phẩm cao quý của ân sủng được Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1 Cr 7,7) để họ dễ dàng tận hiến cho một mình Thiên Chúa với một con tim không phân chia, trong đời sống trinh khiết hay độc thân (x. 1 Cr 7,32-34)133. Sự khiết tịnh trọn vẹn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quý trọng và coi như một dấu chỉ và sự kích hoạt cho đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt của sự phong nhiêu thiêng liêng trong thế giới.

Giáo Hội cũng suy niệm về lời khuyên nhủ của Thánh Tông đồ khi ngài thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ phải có tâm tư như Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-8), và vì chúng ta, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9). Các môn đệ phải luôn noi gương cũng như làm chứng cho tình yêu và sự khiêm nhường này của Đức Kitô, vì thế Mẹ Giáo Hội vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều người nam cũng như nữ muốn theo sát và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự hủy của Đấng Cứu thế, khi họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: nghĩa là vì Thiên Chúa, họ tùng phục một con người hơn cả mức đòi buộc của giới răn, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, để làm cho mình ngày một đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô vâng phục134.

Vì thế, tất cả các tín hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và theo đuổi sự trọn lành của bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tình cảm cho đúng đắn, đừng để cho việc sử dụng của cải trần gian và sự dính bén với tiền tài nghịch lại tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, cản trở họ trong việc tìm kiếm tình yêu hoàn hảo, nhờ vào lời khuyên của Thánh Tông đồ: những ai đang hưởng dụng thế gian này, đừng dừng lại ở đó, vì bộ mặt thế gian đang qua đi. (x. 1 Cr 7,31: bản Hy Lạp)135.

CHƯƠNG VI


TU SĨ

43. Những lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh để tận hiến cho Thiên Chúa, về đức nghèo khó và vâng phục, đặt nền trên lời dạy và gương lành của Chúa, được các Tông đồ, các Giáo phụ và các Tiến sĩ cũng như các Chủ chăn của Giáo Hội khuyên bảo, chính là một tặng phẩm của Thiên Chúa mà Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu và luôn gìn giữ nhờ ơn Người. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chính thẩm quyền Giáo Hội đã nỗ lực chú giải, quy định việc thực hành, cũng như thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời khuyên ấy. Từ hạt mầm do Chúa gieo trồng, một thân cây đã tỏa ra nhiều cành nhánh cách diệu kỳ trong cánh đồng của Chúa, nhiều hình thức khác nhau của đời tu sĩ sống trong cô tịch hay trong cộng đoàn, nhiều gia đình dòng tu khác nhau đã xuất hiện, trong đó những nguồn ơn phúc dồi dào được nhân bội vì sự trọn lành của các thành viên cũng như vì lợi ích của toàn Thân Mình Đức Kitô136. Thật vậy, những gia đình tu sĩ này đem đến cho các thành viên những hỗ trợ để có được sự an định vững vàng trong nếp sống, nhận được giáo huấn thích đáng giúp đạt đến sự trọn lành, hưởng nhận tình huynh đệ trong đạo quân của Đức Kitô, có sự tự do được củng cố bởi đức vâng phục, nhờ đó, họ có thể an tâm chu toàn và trung thành giữ trọn lời tuyên khấn, và hân hoan tiến bước trên đường thiêng thiêng tràn đầy đức ái137.

Bậc sống tu trì, xét về tương quan với cơ chế mà Chúa đã thiết định và phẩm trật của Giáo Hội, không phải là một cấp ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân, nhưng các Kitô hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều được kêu gọi gia nhập để hưởng nhận ân huệ đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, và để mỗi người tuỳ theo cách thế của mình góp phần vào sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội138.




tải về 0.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương