Lumen gentium



tải về 0.62 Mb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.62 Mb.
#38481
1   2   3   4   5   6   7   8   9

10. Chúa Kitô, vị Thượng tế được chọn giữa loài người (x. Dt 5,1-5), đã làm cho đoàn dân mới thành một “vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thật vậy, nhờ sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, những người đã nhận ơn Thánh tẩy được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để qua mọi hoạt động của đời Kitô hữu, họ dâng những hy tế thiêng liêng và loan báo quyền năng của Đấng đã kêu gọi họ ra khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Người (x. 1 Pr 2,4-10). Vì thế, tất cả những môn đệ Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. Cv 2,42-47), phải chứng tỏ mình là hy tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Khắp nơi trên trần thế, họ phải làm chứng về Đức Kitô và trả lời cho những người chất vấn họ về niềm hy vọng cuộc sống vĩnh cửu (x. 1 Pr 3,15).

Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, dù khác nhau về yếu tính chứ không phải chỉ về cấp bậc, nhưng cả hai đều được đặt định tương quan với nhau; thật vậy, theo cách thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô16. Linh mục thừa tác, nhờ năng lực thánh thiêng nhận được, xây dựng, dạy dỗ và cai quản đoàn dân tư tế, thực hiện hy tế Thánh Thể với tư cách là hiện thân của Đức Kitô và dâng hiến lễ lên cho Thiên Chúa nhân danh toàn dân; phần các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, tham dự vào việc dâng Thánh Thể17 và thi hành chức tư tế đó bằng việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá đời sống thánh thiện, từ bỏ mình và bác ái tích cực.



11. Tính cách thánh thiêng và cơ cấu của cộng đoàn tư tế được thực hiện qua các bí tích và các nhân đức. Được tháp nhập vào Giáo Hội nhờ bí tích Thánh tẩy, các tín hữu lãnh nhận ấn tín để chuyên trách việc phụng tự Kitô giáo, và vì đã được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, họ phải mạnh mẽ tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin họ nhận được từ Thiên Chúa qua Giáo Hội18. Nhờ bí tích Thêm Sức, họ được liên kết với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn, được ban cho sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì thế, họ có bổn phận nghiêm túc hơn trong việc dùng lời nói và việc làm loan truyền và đồng thời bảo vệ đức tin như những chứng nhân đích thật của Đức Kitô19. Khi tham dự hy tế Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, họ dâng lên Thiên Chúa Tế vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy20. Chính vì thế, khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, tất cả mọi người đều dự phần vào việc cử hành phụng vụ, tuy không cùng cách thức như nhau. Từ đó, được bồi dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong phụng vụ thánh, họ biểu lộ cách cụ thể sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa, được biểu thị cách hoàn hảo và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.

Những ai đến với bí tích Sám Hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm xúc phạm đến Ngài, đồng thời cũng được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội, và Giáo Hội cùng hợp lực giúp họ hoán cải bằng đức ái, gương lành và kinh nguyện. Qua bí tích Xức dầu bệnh nhân và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác những người yếu đau cho Chúa, Đấng đã trải qua khổ nạn và đã hiển vinh, để Người nâng đỡ và cứu chữa họ (x. Gc 5,14-16), hơn nữa, Giáo Hội cũng khích lệ họ sẵn sàng kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô để mang lại thiện ích cho đoàn dân Chúa (x. Rm 8,17; Cl 1,24; 2 Tm 2,11-12; 1 Pr 4,13). Những tín hữu được lãnh nhận chức thánh được thiết định nhân danh Đức Kitô để nên mục tử chăn dắt Giáo Hội bằng lời và ân sủng của Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức mạnh của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất và chung thủy giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,32), họ giúp nhau đạt tới sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân cũng như trong việc đón nhận và giáo dục con cái, và họ cũng nhận được những ơn riêng trong bậc sống và vai trò của họ giữa đoàn Dân Thiên Chúa21. Sự kết hợp của các đôi vợ chồng đã làm nên gia đình, trong đó những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra và được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ ơn Thánh Thần nhận được trong bí tích Thánh tẩy, để Dân Thiên Chúa tồn tại mãi qua các thế hệ. Trong gia đình như là Giáo Hội tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức.

Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quí như thế, tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.

12. Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người, (x. Dt 13,15). Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1 Ga 2,20.27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các Giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu”22 đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá. Thật vậy, nhờ cảm thức đức tin do chính Thánh Thần Chân lý khơi dậy và nâng đỡ, khi tuân phục theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Giáo Hội, Dân Thiên Chúa đón nhận không phải lời của người phàm, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa (x. 1 Ts 2,13), trung thành gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ (x. Gđ 1,3), thấu hiểu cách sâu xa hơn với một nhận thức chính xác và thực thi đức tin cách hoàn hảo hơn trong đời sống hằng ngày.

Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa, dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo Hội và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ “cho mỗi người theo ý Ngài muốn” (1 Cr 12,11), nhờ đó, Ngài làm cho họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội như lời của thánh Tông Đồ: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7). Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ hoặc được ban rộng rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được lãnh nhận với lòng tri ân và niềm an ủi, vì đó là những ơn thích hợp và hữu ích cho những nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng đừng khăng khăng cầu mong những ân huệ ngoại thường, và cũng đừng tự mãn kỳ vọng rằng việc tông đồ sẽ nhờ đó mà sinh kết quả; những vị lãnh đạo trong Giáo Hội có trách nhiệm đặc biệt phải phân định về tính cách xác thực và phương thức sử dụng thích đáng những ân huệ này, đó không có nghĩa là là dập tắt Thần Khí, nhưng cân nhắc mọi sự để giữ lại những gì là tốt lành (x. 1 Ts 5,12.19-21).



13. Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ một đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, để hoàn thành ý định của Thiên Chúa, Đấng từ khởi nguyên đã thiết lập bản tính duy nhất của con người, và quyết định cuối cùng sẽ qui tụ về một mối tất cả con cái của Ngài đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11,52). Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, Đấng Ngài đặt làm người thừa kế tất cả vạn vật (x. Dt 1,2), để Người sẽ là Thầy, là Vua và là Tư Tế của mọi người, là Thủ lãnh của đoàn dân mới gồm những người con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu. Cũng vì thế mà sau cùng, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến, là Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm qui tụ và là nguyên lý hợp nhất toàn thể Giáo Hội cũng như tất cả và từng người tín hữu trong giáo lý của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2,42: bản Hy Lạp).

Như thế, nơi mọi quốc gia trên địa cầu, chỉ có một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, gồm những người được kết nạp từ muôn dân nước để trở thành công dân của một vương quốc không thuộc về thế gian nhưng thuộc thiên quốc. Quả thật, tất cả các tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần, và như thế “kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình”23. Vì vương quốc Đức Kitô không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), nên Giáo Hội, hay Dân Thiên Chúa, trong khi kiến tạo vương quốc, không hề lấy mất đi gia sản trần thế của bất cứ dân tộc nào, trái lại, Giáo Hội cổ vũ và đảm nhận để tinh luyện, củng cố và thăng hoa tất cả những gì là thiện hảo nơi các nguồn năng lực, những di sản phong phú và nơi nếp sống của các dân tộc. Thật vậy, Giáo Hội luôn nhớ đến bổn phận phải thu họp cùng với Vua Kitô, Đấng đã nhận các dân tộc làm sản nghiệp (x. Tv 2,8), và là Đấng mà muôn dân phải mang tiến vật và lễ phẩm đến thành đô của Người (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Đặc tính phổ quát này như một trang sức tăng thêm nét đẹp cho Dân Thiên Chúa, là tặng phẩm Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội Công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu để cho toàn thể nhân loại cùng với gia sản phong phú của con người được thu phục dưới quyền Đức Kitô Thủ lãnh, trong sự hợp nhất với Thần Khí của Người24.

Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và từng người được tăng triển nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hợp nhất. Như thế, Dân Thiên Chúa không chỉ được qui tụ từ các dân tộc khác nhau, nhưng nơi chính mình cũng bao gồm nhiều chức vụ khác nhau. Thật vậy, sự khác biệt giữa các thành viên có thể hoặc do nhiệm vụ, như trong trường hợp những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu ích cho anh chị em mình, hoặc do trạng huống và bậc sống, như trong trường hợp những người gia nhập bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khổ chế và khích lệ anh chị em bằng gương sáng của mình. Hơn nữa, các Giáo Hội địa phương vẫn hiện diện cách chính thức trong tình hiệp thông Giáo Hội, vẫn có thể nắm giữ những truyền thống của riêng mình trong khi vẫn bảo toàn quyền tối thượng của ngai tòa Phêrô đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái25, bảo toàn các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hợp nhất. Sau cùng, giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội còn có mối dây hiệp thông mật thiết, nhờ đó họ chia sẻ những ơn phúc thiêng liêng, những người làm việc tông đồ và những nguồn tài lực vật chất. Quả thật, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ cho nhau những điều thiện ích, và lời nói sau đây của vị Tông Đồ cũng có giá trị cho từng Giáo Hội: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).

Như vậy, mọi người đều được mời gọi vào sự hợp nhất mang tính công giáo này của Dân Thiên Chúa, sự hợp nhất tiên báo và làm tăng tiến nền hòa bình trên khắp thế giới, và các tín hữu công giáo, những ai tin vào Đức Kitô, và kể cả toàn thể nhân loại đều đang thuộc về hay đang hướng tới sự hợp nhất đó theo những cách thức khác nhau, vì tất cả mọi người đều được mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa.



14. Trước tiên, thánh Công Đồng hướng lòng về các tín hữu công giáo. Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng Giáo Hội lữ hành trên trần thế này rất cần thiết cho việc lãnh nhận ơn cứu độ. Thật vậy, chỉ có một Đức Kitô duy nhất là trung gian và là đường cứu độ, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta trong Thân Mình Người là Giáo Hội; chính khi minh nhiên công bố đức tin và ơn Thánh tẩy là cần thiết (x. Mc 16,16; Ga 3,5), Người đã cùng lúc xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa ngõ là bí tích Thánh tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô như một điều kiện thiết yếu, mà vẫn từ chối không gia nhập hoặc không trung thành sống trong Giáo Hội, thì không thể được cứu độ.

Được kể là nhập hiệp hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những người có Thần Khí Đức Kitô, đồng thời chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương thế cứu độ được thiết lập nơi Giáo Hội, và trong cơ chế hữu hình của Giáo Hội, nhờ mối dây liên kết qua việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và sự cai quản của hàng giáo sĩ và sự hiệp thông, họ sống kết hiệp với Đức Kitô, Đấng đang lãnh đạo Giáo Hội qua Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.

Tuy nhiên, người nào, dù đã gia nhập Giáo Hội, nhưng vì không kiên trì sống trong đức ái, nên chỉ ở trong Giáo Hội theo “thể xác” chứ không phải với “tâm hồn”26, thì vẫn không được cứu độ. Tất cả những người con của Giáo Hội phải nhớ rằng địa vị cao trọng họ có được không phải do công trạng riêng mình, nhưng do ân sủng đặc biệt của Đức Kitô; nếu không đáp lại ân sủng ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì thay vì được cứu độ, họ sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn27.

Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, có ý định rõ ràng xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hiệp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương sẽ săn sóc họ như những người con của mình.



15. Giáo Hội có nhiều lý do để biết rằng mình vẫn luôn liên kết với những người đã lãnh nhận phép Thánh tẩy và mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hợp nhất trong sự hiệp thông với Đấng Kế vị thánh Phêrô28. Thật vậy, có nhiều người cung kính đón nhận Thánh Kinh như là qui luật của đức tin và đời sống, thể hiện lòng sốt sắng đạo đức chân thành, yêu mến kính tin Thiên Chúa là Cha toàn năng và Đức Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ29, đã nhận lãnh bí tích Thánh tẩy nên đã được kết hiệp với Đức Kitô, hơn nữa còn nhận biết và thụ lãnh một số bí tích khác trong các Giáo Hội hoặc các giáo đoàn riêng của họ. Nhiều người trong số họ cũng lãnh chức Giám mục, cử hành bí tích Thánh Thể và tôn kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa30. Ngoài ra cũng có thể kể đến sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và những ơn ích thiêng liêng khác; và cả sự liên kết trong Thánh Thần, Đấng cũng đang hoạt động nơi họ với quyền lực thánh hóa qua những ân huệ và ơn thánh của Ngài, và ban sức mạnh cho một số người đến mức đổ máu tử đạo. Vì thế, Thánh Thần khơi dậy trong tất cả các môn đệ Đức Kitô ước muốn và hành động để mọi người được hợp nhất an bình trong một đoàn chiên dưới quyền một Chủ Chăn duy nhất31 theo cách thức Đức Kitô đã quy định. Để được như thế, Mẹ thánh Giáo Hội không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, đồng thời khích lệ con cái mình thanh luyện và canh tân, để hình ảnh của Đức Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội.

16. Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng cũng quy hướng về Dân Thiên Chúa bằng nhiều cách32. Trước tiên là dân tộc đã nhận lãnh giao ước và lời hứa, và từ dân tộc ấy, Đức Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quý bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không hối tiếc vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng ý định cứu độ cũng bao gồm những ai nhận biết Đấng Tạo Hoá, trong số đó phải kể đến người Hồi giáo, những người xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham, và cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, và là Đấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Thiên Chúa cũng không ở xa cả những ai đang tìm kiếm trong bóng tối và nơi những hình tượng, một Thiên Chúa mà họ không biết, bởi vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. Cv 17,25-28), và vì Đấng Cứu Thế muốn mọi người đều được cứu độ (x. 1 Tm 2,4). Thật vậy, những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu33. Cả những người không vì lỗi của mình mà chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng cố gắng sống đời chính trực, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ. Quả vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thật và thiện hảo nơi họ như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng34, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho để cuối cùng họ nhận được sự sống. Nhưng thường con người bị ma quỷ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán khiến họ đánh đổi chân lý của Thiên Chúa lấy sự giả dối, phụng sự tạo vật hơn là Đấng Tạo Hoá (x. Rm 1,21 và 25), hoặc vì sống và chết đi trên đời này mà không có Thiên Chúa, nên họ dễ rơi vào thất vọng tột độ. Chính vì thế, Giáo Hội hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ tất cả những người ấy, cũng như vì nhớ lời Chúa truyền: “Anh em hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm cổ võ việc truyền giáo.

17. Như Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con cũng sai các Tông đồ (x. Ga 20,21) khi phán: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20). Từ các Tông đồ, Giáo Hội đã tiếp nhận mệnh lệnh long trọng của Đức Kitô truyền phải rao giảng chân lý cứu độ cho đến khi hoàn tất ở tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Do đó, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), vì thế Giáo Hội không ngừng sai phái các sứ giả Tin Mừng, cho đến khi các Giáo Hội trẻ được thiết lập hoàn chỉnh, để rồi chính họ sẽ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác thực hiện trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguyên lý cứu độ cho toàn thế giới. Bằng việc rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn những người nghe để họ đón nhận và tuyên xưng đức tin, giúp họ sẵn sàng lãnh bí tích Thánh tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, nhập hiệp họ vào Đức Kitô, để nhờ đức ái, họ tăng trưởng trong Người cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn. Hoạt động của Giáo Hội không những không hủy mất mầm mống thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của con người, hoặc trong nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, nhưng lại chữa trị, nâng cao và hoàn thiện hoá những điều ấy để làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỷ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi người môn đệ Đức Kitô đều có bổn phận góp phần vào việc truyền bá đức tin35. Nhưng nếu tất cả mọi tín hữu đều có thể cử hành bí tích Thánh tẩy, thì chỉ có linh mục mới hoàn tất việc xây dựng Thân thể nhờ hy tế Thánh Thể, để làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: “Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Ml 1,11)36. Như vậy, Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thế giới trở thành Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Đức Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Đấng Tạo Hóa cũng là Cha của toàn thể vũ trụ.

CHƯƠNG III


VỀ CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI
VÀ ĐẶC BIỆT VỀ CHỨC GIÁM MỤC


18. Để chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Đức Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo Hội để mưu ích cho toàn Thân Mình. Thật vậy, khi đã được trao ban quyền bính thánh thiêng, các thừa tác viên phục vụ anh chị em mình để mọi người trong đoàn Dân Thiên Chúa đang thực sự hưởng nhận phẩm giá Kitô hữu, có thể đạt đến ơn cứu độ, nhờ cùng nỗ lực trong tự do và trật tự hướng về cùng một cứu cánh.

Bước theo Công Đồng Vatican I, Thánh Công Đồng này cùng chung lời giảng dạy và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử vĩnh hằng, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông đồ như chính Người đã được Chúa Cha sai đến (x. Ga 20,21); Người đã muốn những người kế vị các Tông đồ, tức là các Giám mục, sẽ nên những chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế. Nhưng để chính chức Giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô đứng đầu các Tông đồ khác và đã thiết lập thánh nhân nên nguyên lý và nền tảng trường tồn và hữu hình của sự hợp nhất trong đức tin và của sự hiệp thông37. Một lần nữa Thánh Công Đồng nêu lên cho tất cả các tín hữu giáo lý đức tin vững vàng về sự thiết lập và sự trường tồn, về giá trị và ý nghĩa của quyền tối thượng nơi Giám mục Rôma cũng như về quyền giáo huấn bất khả ngộ của ngài, và tiếp nối theo đó, Thánh Công Đồng cũng muốn tuyên xưng và công bố cho mọi người giáo lý về các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, cũng là những người cai quản ngôi nhà của Thiên Chúa hằng sống, cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô, là Đại diện Đức Kitô38 và là Thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội.




tải về 0.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương