Lumen gentium



tải về 0.62 Mb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.62 Mb.
#38481
1   2   3   4   5   6   7   8   9

27. Là đại diện và sứ giả của Đức Kitô, các Giám mục cai quản Giáo Hội địa phương được ủy nhiệm cho các ngài93 bằng những lời khuyên bảo, khích lệ, bằng gương lành, và ngay cả bằng thẩm quyền và quyền lực thánh thiêng, tất cả chỉ nhằm xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, trong khi vẫn luôn tâm niệm rằng ai cao trọng hơn phải nên như người bé nhỏ và người làm đầu phải nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Thẩm quyền mà các ngài đích thân thực thi nhân danh Đức Kitô, là năng quyền riêng, thông thường và trực tiếp, nhưng việc thi hành vẫn tuỳ thuộc vào quyết định tối hậu của quyền bính tối cao trong Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với năng quyền này, trước mặt Chúa các Giám mục có quyền và có bổn phận thánh thiêng ấn định các luật lệ cho những người thuộc quyền, phân xử và quy định tất cả những gì liên quan đến phụng tự và việc Tông đồ.

Trách nhiệm mục vụ, nghĩa là sự chăm sóc thường xuyên và hằng ngày cho đoàn chiên, được ủy thác hoàn toàn cho các Giám mục, và không được coi các Giám mục là những phụ tá của Giám mục Rôma, vì các ngài thực thi quyền riêng của mình và thực sự được gọi là Thủ lãnh của dân mà các ngài cai quản94. Vì thế, quyền bính của Giám mục không bị quyền tối cao và phổ quát đoạn tiêu, nhưng trái lại, còn được quyền đó xác nhận, củng cố và bảo đảm95, vì Chúa Thánh Thần luôn mãi duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.



Được Chúa Cha cử đến để cai quản gia đình Ngài, Giám mục phải chiêm ngắm gương mẫu vị Mục tử nhân lành, Đấng đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Ga 10,11). Được chọn giữa loài người và mang đầy yếu đuối, ngài có thể cảm thông những ai ngu muội và lầm lạc (x. Dt 5,1-2). Giám mục đừng từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy săn sóc họ như những người con đích thực và khuyên nhủ họ nhiệt thành cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Thiên Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dt 13,17), nên bằng cầu nguyện, giảng dạy, và các việc lành bác ái, Giám mục quan tâm chăm sóc họ và cả những người chưa thuộc về cùng một đoàn chiên, những người mà trong Chúa ngài phải xem như đã được trao phó cho mình. Vì như Tông đồ Phaolô, ngài mắc nợ đối với tất cả mọi người, ngài phải hăng say rao giảng Tin Mừng cho mọi người (x. Rm 1,14-15), và khuyến khích các tín hữu hoạt động tông đồ và truyền giáo. Còn các tín hữu phải liên kết với Giám mục như Giáo Hội gắn bó với Đức Giêsu Kitô, và như Đức Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả luôn đồng tâm trong tình hợp nhất96 và mang lại hoa trái phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,15).

28. Đức Kitô, Đấng Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10,36), nhờ các Tông đồ, đã làm cho những người kế vị các ngài, tức là Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến và sứ mạng của mình97, sau đó các Giám mục lại trao ban cách hợp pháp thừa tác vụ của mình cho những phần tử khác nhau trong Giáo Hội theo những cấp bậc khác nhau. Như thế, thừa tác vụ giáo sĩ do Thiên Chúa thiết lập được thi hành theo những cấp bậc khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám mục, Linh mục và Phó tế98. Dù không ở cấp độ tối cao của quyền giáo trưởng và tùy thuộc Giám mục khi thi hành quyền bính, các linh mục liên kết với Giám mục trong chức vị tư tế99 và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh100, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, Linh mục tối cao và đời đời (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28) để rao giảng Tin Mừng, chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự linh thánh như những tư tế đích thực của Tân Ước101. Được tham dự theo cấp bậc thừa tác vụ của mình vào các chức năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất (x. 1 Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng chính trong phượng tự Thánh Thể hay trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể mà các ngài thực thi chức năng thánh thiêng của mình cách tuyệt hảo, nơi đó, khi hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô102 và công bố mầu nhiệm của Người, các ngài kết hợp những ý nguyện của tín hữu với hy tế của Đức Kitô, thủ lãnh của họ, và các ngài hiện tại hóa và hiện thực hoá trong hy tế thánh lễ cho tới khi Chúa lại đến, hy tế duy nhất của Tân Ước103, nghĩa là hy tế của Đức Kitô, Đấng dâng mình làm hiến vật tinh tuyền dâng lên Chúa Cha một lần là đủ (x. Dt 9,11-28) (x. 1 Cr 11,26). Các ngài toàn quyền thực thi thừa tác vụ giao hòa và an ủi dành cho các hối nhân và người đau bệnh, và dâng lên Chúa Cha những nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dt 5,1-4). Trong quyền hạn mình, khi thi hành chức năng của Đức Kitô Mục tử và Thủ lãnh104, các ngài tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ sống trong tình hợp nhất105, và nhờ Đức Kitô, trong Thánh Thần, các ngài dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Chúa Cha. Ở giữa đoàn chiên, các ngài tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và chân lý (x. Ga 4,24). Sau hết, các ngài nỗ lực rao giảng và dạy dỗ (x. 1 Tm 5,17), luôn tin điều các ngài đọc và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy điều các ngài tin và thực hành trong chính đời sống điều các ngài dạy106.

Là cộng sự viên khôn ngoan để giúp đỡ và làm việc với hàng Giám mục107, được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với Giám mục của mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều nhiệm vụ khác nhau108. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục một cách nào đó đại diện của vị Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại đồng thời đảm nhận theo khả năng những bổn phận và nỗi ưu tư của Giám mục và ân cần thực thi hằng ngày. Dưới quyền Giám mục, các linh mục thánh hoá và coi sóc một phần đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình, các ngài làm cho Giáo Hội phổ quát nên hữu hình ngay tại địa phương mình, và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân mình Đức Kitô (x. Ep 4,12). Luôn lưu tâm đến lợi ích của những người con cái Thiên Chúa, các ngài phải nhiệt thành tham gia vào việc mục vụ của cả giáo phận, và hơn nữa, của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào chức tư tế và sứ mệnh của Giám mục, linh mục phải thật sự xem ngài như người cha và kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám mục phải xem các linh mục, những cộng sự viên của mình, như thể con cái và bạn hữu, như Đức Kitô không còn gọi môn đệ là tôi tớ nhưng là bạn hữu (x. Ga 15,15). Do đó, tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, luôn gắn kết với Giám mục đoàn và tuỳ theo ơn gọi và ân sủng mà phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội.

Vì cùng lãnh nhận thánh chức và có chung một sứ mệnh, tất cả các linh mục được nối kết với nhau bằng một tình huynh đệ thắm thiết, được thể hiện cách tự phát và tự nguyện qua sự tương trợ cả về tinh thần lẫn vật chất, trong mục vụ cũng như trong lãnh vực cá nhân, qua các cuộc hội họp cũng như qua sự hiệp thông trong đời sống, trong công việc và trong tình bác ái huynh đệ.

Như những người cha trong Chúa Kitô, các linh mục hãy chăm sóc các tín hữu mà các ngài đã sinh ra cách thiêng liêng qua bí tích Thánh tẩy và những lời giáo huấn (x. 1 Cr 4,15 và 1 Pr 1,23). Là gương mẫu cho đoàn chiên (1 Pr 5,3), các ngài hãy điều hành và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, sao cho xứng đáng với danh hiệu dành cho toàn thể đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, đó là Giáo Hội của Thiên Chúa (x.1 Cr 1,2; 2 Cr 1,1). Các ngài hãy nhớ rằng, qua cách xử sự hằng ngày và qua sự ân cần săn sóc, các ngài phải tỏ cho tín hữu và những người không tin, cho người công giáo và người ngoài công giáo thấy khuôn mặt của một thừa tác vụ tư tế và mục vụ chân thật, cũng như phải làm chứng cho chân lý và sự sống trước mặt mọi người, và như những mục tử tốt lành, các ngài phải đi tìm kiếm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép Thánh tẩy trong Giáo Hội Công giáo nhưng đã bỏ lãnh nhận các bí tích hoặc thậm chí đã xa rời đức tin.

Vì nhân loại ngày nay càng ngày càng liên kết với nhau trong sự hợp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên khi phối kết việc điều hành cũng như phương tiện hoạt động dưới sự hướng dẫn của các Giám mục và vị Giám mục tối cao, các linh mục càng cần phải loại trừ mọi hình thức chia rẽ để đưa toàn thể nhân loại đi tới sự hợp nhất của gia đình Thiên Chúa.

29. Ở bậc thấp hơn của phẩm trật là các phó tế, những người được đặt tay “không phải để lãnh chức linh mục, nhưng để nhận một thừa tác vụ”109. Thật vậy, được củng cố nhờ ân sủng bí tích, hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn, các phó tế phục vụ Dân Thiên Chúa bằng các công tác trong phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Theo sự chỉ định của những người có có thẩm quyền, các phó tế được cử hành trọng thể bí tích Thánh tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng hôn và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ sự việc phụng tự và giờ cầu nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ sự lễ nghi an táng và chôn cất. Được dành riêng để lo việc bác ái và việc quản trị, các phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của thánh Pôlycarpô: “Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành và hãy bước theo chân lý của Chúa, Đấng đã trở nên tôi tớ của mọi người”110.

Vì ở nhiều nơi, kỷ luật hiện hành của Giáo Hội Latinh có thể gây khó khăn để chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ vốn rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một cấp bậc phẩm trật riêng biệt và vĩnh viễn. Các nhóm Giám mục theo từng địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính vị Giám mục tối cao, có đủ thẩm quyền để quyết định có nên thiết lập các phó tế như thế không và thiết lập ở đâu, để giúp việc chăm sóc các linh hồn. Với sự đồng ý của Giám mục Rôma, trong tương lai, chức phó tế có thể được ban cho những người nam đứng tuổi, ngay cả cho những người sống trong bậc hôn nhân, cũng như cho những người trẻ thích hợp, nhưng những người này phải giữ trọn luật độc thân.

CHƯƠNG IV
GIÁO DÂN

30. Sau khi xác định những chức vụ của phẩm trật, Thánh Công Đồng muốn đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dù tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa đều liên quan đến giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, nhưng có một số điều đặc biệt liên quan đến giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ, và do hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta, những nền tảng của giáo thuyết này phải được khảo sát thấu đáo hơn. Thật vậy, các chủ chăn biết rõ giáo dân đóng góp rất nhiều vào thiện ích của toàn thể Giáo Hội. Các ngài biết rằng mình được Đức Kitô thiết lập không phải để chỉ riêng các ngài lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới, nhưng để nhận lãnh trách vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu và nhìn nhận các phận vụ và đặc sủng của họ để mọi người theo cách thức riêng của mình đồng lòng cộng tác vào trọng trách chung này. Thật vậy, khi “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện trong Đức Kitô là Đầu, nhờ Người toàn thân được kết cấu chặt chẽ và các bộ phận ăn khớp với nhau nhờ mọi thứ gân mạch, hoạt động tuỳ theo chức năng của mỗi chi thể, và như thế, Người làm cho toàn thân thể lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,15-16).

31. Hạn từ giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu, không kể những người có chức thánh và những người thuộc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những tín hữu nhờ bí tích Thánh tẩy, được nhập hiệp vào thân thể Đức Kitô, làm thành Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thức của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và trên trần gian.

Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thật vậy, mặc dù những người có chức thánh đôi khi có thể dấn thân vào những công việc trần thế, thậm chí làm một nghề nghiệp trần thế, nhưng do ơn gọi đặc thù, họ được tấn phong để đặc biệt chuyên trách về thừa tác vụ thánh, trong khi đó, do bậc sống của mình, các tu sĩ nên như một chứng từ nổi bật và ngoại thường cho thấy người ta không thể biến đổi và dâng hiến thế giới cho Thiên Chúa mà không có tinh thần của các mối phúc thật. Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, cậy, mến. Như vậy, họ có một phương thức đặc biệt để soi chiếu và đặt định các thực tại trần thế luôn gắn liền với cuộc sống, sao cho các thực tại ấy không ngừng trở nên như Đức Kitô muốn và luôn phát triển để nên lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc.



32. Hội thánh do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo một sự đa dạng lạ lùng. “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5).

Như vậy, chỉ có một đoàn dân ưu tuyển của Thiên Chúa: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5); cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia. Như thế, trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, không có sự bất bình đẳng do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã hội hoặc phái tính, bởi lẽ “không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3,28: bản Hy Lạp; x. Cl 3,11).

Trong Giáo Hội không phải mọi người đều cùng đi một con đường, nhưng tất cả đều được mời gọi nên thánh và nhận được một đức tin như nhau trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,1). Mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô. Sự khác biệt mà Chúa đặt để giữa thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa cũng đã hàm chứa sự liên kết, vì các chủ chăn và các tín hữu được nối kết với nhau nhờ một mối liên hệ mật thiết; các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu, phần các tín hữu cũng phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và thầy dạy của mình. Như thế, ngay trong sự đa dạng, tất cả đều làm chứng cho tính duy nhất kỳ diệu trong thân mình Đức Kitô: chính sự đa dạng về ân sủng, về thừa tác vụ và hoạt động hay chính những ân sủng, tác vụ và hoạt động khác nhau ấy lại góp phần liên kết con cái Thiên Chúa nên một, vì “tất cả những điều đó đều do một Thần Khí duy nhất thực hiện” (1 Cr 12,11).

Như vậy, khi được Thiên Chúa ưu ái ban cho Đức Kitô như một người Anh cả, Đấng dù là Chúa tể muôn loài nhưng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (x. Mt 20,28), giáo dân cũng là anh chị em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh, những kẻ nhận quyền từ Đức Kitô để coi sóc gia đình Thiên Chúa qua việc giảng dạy, thánh hoá, cai quản, giúp mọi người chu toàn giới luật mới của đức ái. Thánh Augustinô đã nói rất hay rằng: “Khi nhiệm vụ của tôi đối với anh chị em làm tôi lo sợ, thì những gì tôi được cùng với anh chị em lại làm cho tôi được an ủi. Thật vậy, vì anh chị em tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Giám mục, đó là chức vụ, còn Kitô hữu lại là một ân sủng; Giám mục là tước vị kèm theo sự khốn khó, còn Kitô hữu là tước vị mang lại ơn cứu độ”111.



33. Tất cả những người giáo dân, được quy tụ trong đoàn Dân Thiên Chúa và làm nên Thân mình duy nhất có cùng một đầu là Đức Kitô, đều được kêu gọi nên như những chi thể sống động, để góp phần vào tiến trình tăng trưởng và thánh hóa liên lỷ của Giáo Hội với nguồn sức mạnh nhận được từ ơn phúc của Đấng Tạo hóa và ân sủng của Đấng Cứu chuộc.

Hoạt động tông đồ giáo dân là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội. Qua bí tích Thánh tẩy và Thêm Sức, chính Chúa ủy thác việc tông đồ đó cho tất cả các tín hữu. Các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng đức ái đối với Thiên Chúa và con người, vốn là linh hồn của toàn thể hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và tác động trong những nơi chốn và môi trường mà chỉ nhờ họ, Giáo Hội mới có thể trở thành muối của trần gian112. Do đó, với những ân huệ đã lãnh nhận, mỗi người giáo dân là chứng nhân đồng thời cũng là dụng cụ sống động cho sứ mệnh của Giáo Hội “tùy theo mức độ ân sủng đã được Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7).

Ngoài việc tông đồ vốn liên quan đến tất cả các Kitô hữu, người giáo dân cũng có thể được mời gọi góp phần trực tiếp hơn vào hoạt động tông đồ của hàng giáo phẩm bằng nhiều cách113, giống như những giáo dân nam nữ đã từng lao nhọc trong Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Tin Mừng (x. Pl 4,3; Rm 16,3tt.). Ngoài ra, họ cũng có thể được hàng giáo phẩm bổ nhiệm vào một số công tác trong đời sống thiêng liêng của Giáo Hội.

Bởi vậy, tất cả giáo dân đều có nhiệm vụ cao cả là làm cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ngày càng được triển khai đến tất cả mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi. Vì thế, phải mở rộng đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tuỳ năng lực của họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.



34. Đức Giêsu Kitô, vị Tư Tế tối cao và vĩnh cửu, vì muốn cho việc làm chứng và phục vụ của chính Người luôn được tiếp nối, nên đã thông ban cho người giáo dân sức sống nhờ Chúa Thánh Thần và không ngừng thôi thúc họ thực thi mọi điều thiện hảo.

Thật vậy, những kẻ đã được kết hiệp mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, Người cũng cho họ chia sẻ chức vụ tư tế khi thực hành việc phượng tự thiêng liêng để làm vinh danh Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại. Vì vậy, khi đã được thánh hiến cho Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần xức dầu, người giáo dân được kêu gọi và chuẩn bị cách kỳ diệu để trổ sinh ngày càng phong phú hơn những hoa trái của Thánh Thần. Thật vậy, nếu mọi công việc, kinh nguyện và hoạt động tông đồ, cũng như cách cư xử trong hôn nhân và gia đình, cả đến công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần được chu toàn trong Chúa Thánh Thần, và nhất là nếu những thử thách trong cuộc sống cũng được kiên trì đón nhận, thì tất cả sẽ trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô (x. 1 Pr 2,5), được sốt sắng dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Như thế, người giáo dân cung hiến thế giới cho Thiên Chúa khi phụng thờ Ngài khắp nơi bằng một đời sống thánh thiện.



35. Đức Kitô, vị Ngôn sứ cao cả đã dùng chứng từ đời sống và lời nói đầy quyền năng để công bố vương quốc của Chúa Cha, vẫn đang thực thi tác vụ ngôn sứ ấy cho đến lúc vinh quang Người được biểu lộ trọn vẹn, không những nhờ hàng giáo phẩm đang giảng dạy nhân danh Người và bằng quyền năng của Người, mà còn nhờ giáo dân, những kẻ Người đã đặt làm chứng nhân và đã trao ban cảm thức đức tin và cả ơn ngôn ngữ (x. Cv 2,17-18; Kh 19,10) để sức mạnh của Tin Mừng được tỏa sáng trong đời sống thường ngày, nơi gia đình và ngoài xã hội. Họ sẽ chứng tỏ mình là con cái của lời hứa, nếu vững lòng tin cậy để tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (x. Rm 8,25). Họ không được giấu kín niềm hy vọng đó trong lòng, nhưng phải thể hiện qua chính những cơ cấu của cuộc sống trần thế, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu “chống lại những chúa tể thống trị thế giới tối tăm, đối nghịch với những ác thần” (Ep 6,12).

Tương tự những bí tích của luật mới, là lương thực nuôi dưỡng đời sống và việc tông đồ của các tín hữu, và là dấu chỉ tiên báo trời mới đất mới (x. Kh 21,1), thì cũng thế, giáo dân trở nên những người kiên cường loan báo niềm tin vào điều mình hy vọng (x. Dt 11,1), nếu họ không ngần ngại làm cho cuộc sống phù hợp với chính đức tin mà họ tuyên xưng. Việc loan báo Tin Mừng, nghĩa là công bố Đức Kitô bằng chứng từ đời sống và bằng lời rao giảng, mang một sắc thái đặc thù và có hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường của thế giới.

Trong phận vụ ngôn sứ này, bậc sống hôn nhân và gia đình được thánh hoá nhờ một bí tích riêng biệt, có một tầm quan trọng đặc biệt. Gia đình nào biết để cho niềm tin Kitô giáo thấm nhập và dần dần biến đổi toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành môi trường hoạt động và trường học tuyệt vời cho việc Tông đồ giáo dân. Trong một gia đình như thế, vợ chồng nhận ra ơn gọi riêng của mình là làm chứng về đức tin và tình yêu Đức Kitô cho nhau và cho con cái. Các gia đình Kitô hữu lớn tiếng công bố sức mạnh hiện tại của vương quốc Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng đời sống hạnh phúc mai sau. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô hữu tố cáo thế gian tội lỗi và sáng soi những ai tìm kiếm chân lý.

Vì thế, dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi một công trình cao cả là phúc âm hóa thế giới. Cho dù, khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các vị ấy bị ngăn trở vì xảy ra bách hại, đã có một số giáo dân tùy theo khả năng của mình thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh; và cho dù cũng đã có nhiều giáo dân dốc toàn lực vào việc tông đồ, nhưng tất cả giáo dân đều phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển vương quốc Đức Kitô trên trần thế. Vì vậy, giáo dân phải chuyên cần tìm hiểu sâu xa hơn về chân lý mạc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban cho được ơn khôn ngoan.




tải về 0.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương