Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA



tải về 9.62 Mb.
trang81/85
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích9.62 Mb.
#30054
1   ...   77   78   79   80   81   82   83   84   85

DỨT TRỪ VỌNG NG

  Kinh văn:

阿難如是世界六道眾生,雖則身心無殺盜婬,三行已圓若大妄語。即三摩提不得清淨。成愛見魔失如來種。



A-nan như thị thế giới lục đạo chúng sanh, tuy tắc thân tâm vô sát đạo dâm, tam hạnh dĩ viên, nhược đại vọng ngữ, tức tam-ma-đề bất đắc thanh tịnh, thành ái kiến ma, thất Như Lai chủng.

Việt dịch:

A-nan, chúng sinh trong thế giới lục đạo như thế, tuy thân tâm không còn sát đạo dâm, ba hạnh đều đã viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì tam-ma-đề không được thanh tịnh, sẽ thành giống ma ái kiến, và làm mất chủng tử Như Lai.

Giảng giải:

A-nan, chúng sinh trong thế giới lục đạo như thế, tuy thân tâm không còn sát đạo dâm,

Thân không phạm vào việc sát hại, trộm cắp, dâm dục. Trong tâm cũng không có niệm tưởng sát hại, trộm cắp, dâm dục.

ba hạnh đều đã viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì tam-ma-đề không được thanh tịnh,

Đây có nghĩa là một thói quen, tập khí của họ; luôn luôn nói lời đại vọng ngữ. Do vậy, họ không được thanh tịnh. Họ sẽ thành giống ma ái kiến, và làm mất chủng tử Như Lai.

Họ sẽ trở thành ma ái, hoặc ma tà kiến. Tại sao họ làm mất chủng tử Như Lai? Vì họ nói quá sai sự thật.

 Kinh văn:

所謂未得謂得,未證言證。或求世間尊勝第一,謂前人言。我今已得須陀洹果。斯陀含果阿那含果。阿羅漢道辟支佛乘。十地地前諸位菩薩。求彼禮懺貪其供養。



Sở vị vị đắc vị đắc, vị chứng ngôn chứng. Hoặc cầu thế gian tôn thắng đệ nhất, vị tiền nhơn ngôn: Ngã kim dĩ đắc Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán đạo, Bích-chi Phật thừa, Thập địa địa tiền chư vị bồ-tát. Cầu bỉ lễ sám, tham kỳ cung dưỡng.

Việt dịch:

Chưa được gọi là đã được, chưa chứng nói rằng đã chứng. Hoặc để mong cầu thế gian tôn trọng tột bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã đắc quả Tu-đà-hoàn quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, được đạo A-la-hán, Bích-chi Phật thừa, hay các quả vị bồ-tát trong Thập địa hay trước Thập địa. Mong được mọi người lễ bái, tham được cúng dường.

Giảng giải:

Họ nói nối kiểu nào? Bỏ sang một bên những lời nói dối bình thường.

Chưa được gọi là đã được, chưa chứng nói rằng đã chứng.

Họ chưa chứng đạo. Căn bản là, họ chẳng hiểu chút nào về tu đạo. Họ không biết cách niệm Phật. Họ không biết cách giữ giới, họ không biết cách ngồi thiền.

 Họ làm như họ đã hiểu, nhưng họ chẳng hiểu gì cả.

Họ nghe người khác giảng giải thích vài đạo lý, và họ liền ngắt lời: “Tôi hiểu rồi. Tôi đã biết điều ấy từ lâu.” Hoặc họ nói: “Nầy! Tôi đã chứng đạo. Tôi là người giác ngộ. Tôi là Phật.”

 Chưa chứng nói rằng đã chứng.

Họ chưa đạt được quả vị thứ nhất của A-la-hán, ít nhiều gì họ phải hiểu các quả vị đó, nhưng họ bảo, “Các ông có biết tôi là ai không? Tôi là A-la-hán.” Hoặc nói, “Tôi là Phật.” Hoặc nói, “Tôi là Bồ-tát.” Tại sao họ nói những điều nầy?

Hoặc để mong cầu thế gian tôn trọng tột bậc,

Đó như là gần đây có người nói với một vị đệ tử của tôi rằng: “Ông theo tông phái nào? Chúng ta nên theo phẩm trật, tôi sẽ là thủ lĩnh. Tôi là người sáng lập Phật giáo Mỹ quốc. Tôi là sơ tổ của Phật giáo Mỹ quốc.” Đó là “mong cầu thế gian tôn trọng tột bậc.”

 Họ Bảo người khác rằng: Nay tôi đã đắc quả Tu-đà-hoàn quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, được đạo A-la-hán.

Họ bắt đầu nói quanh là họ đã chứng sơ quả A-la-hán. Nhưng rồi mức độ đó không đủ cao quý, nên họ nói, “Ồ!, tôi vừa chứng quý vị thứ hai của A-la-hán.” Và một giây sau, họ lại tuyên bố họ đã chứng đến quả vị thứ tư. Tuy vậy, quả vị thứ tư cũng chỉ là A-la-hán, không phải là quả vị cao nhất, thế nên họ chưa hài lòng. Họ tuyên bố mình đạt đến Bích-chi Phật thừa, hay các quả vị bồ-tát trong Thập địa hay trước Thập địa.

Họ bắt đầu nói với mọi người rằng họ là Bích chi Phật, hoặc họ tuyên bố rằng mình đã đến một giai vị của Bồ-tát hạnh, hoặc thậm chí cả đến Thập địa. Tại sao những người như vậy tuyên bố rằng mình là A-la-hán, Bích chi Phật, và Bồ-tát? Chung quy là họ đang dối gạt mọi người và họ nói  lời đại vọng ngữ để khiến mọi người tin vào họ. Nếu không có ai tin họ, họ sẽ không có lợi dưỡng. Ngay khi mọi người đã tin, của cải liền chảy về. Thế nên ý định của họ là Mong được mọi người lễ bái, tham được cúng dường.

Họ không sợ bị đoạ vào địa ngục rút lưỡi. Nếu là người nói dối, sau khi chết, họ liền bị rơi vào địa ngục nầy, nơi đó có những lưỡi câu bằng sắt móc vào trong lưỡi họ rồi kéo ra, rồi có một lưỡi gươm cắt đứt lưỡi. Đó là quả báo của tội nói dối. Thế mà vẫn có người dám làm chuyện đó. Thậm chí chúng ta không dám nhìn qua cảnh giới nầy. Hãy lấy chuyện bị câm làm ví dụ. Tại sao bị câm? Vì họ phải chịu quả báo nói dối quá mức (cường điệu). Họ được làm người, nhưng không nói được “Hãy xem bây giờ anh nói dối được chừng nào.” Đó là thông điệp.

Tại sao họ không nói được? Do họ đã bị cắt lưỡi. Dù họ có lưỡi, nhưng bản tính của nó đã bị mất, nên lưỡi ấy không có thực tính. Tại sao người ta bị mù? Là vì họ xem thường người khác. Họ luôn luôn xem chính mình là tốt hơn mọi người khác. Họ xem mình là thông minh hơn và lanh lẹ hơn trong mọi cách, thế nên đời nầy họ không thấy được mọi người. Bây giờ họ phải tự hỏi chính mình có thực sự tốt hơn mọi người khác nữa không? Người điếc là do bị quả báo nghe lén các cuộc bàn luận. Họ thường đặt tai vào lỗ khóa để nghe điều gì đang bàn bạc. Những gián điệp đời nay với vô số cách thức để nghe trộm người khác, để đánh cắp những bàn luận riêng tư, có thể sẽ chịu cùng quả báo như vậy và sẽ bị điếc trong một lúc nào đó ở tương lai.

Tuy nhiên, khi quý vị đã biết được đạo lý, quý vị sẽ từ bỏ việc nói dối, mình sẽ không bị câm. Nếu quý vị không nghe lén người khác bàn luận, quý vị sẽ không bị điếc. Bị câm, bị gù lưng, và bị mù đều là quả báo do báng bổ Tam bảo.

 Kinh văn:

是一顛迦銷滅佛種。如人以刀斷多羅木。佛記是人永殞善根,無復知見,沈三苦海,不成三昧。



Thị nhất-điên-ca tiêu diệt Phật chủng. Như nhơn dĩ đao đoạn đa-la mộc. Phật ký thị nhơn vĩnh vẫn thiện căn, vô phục tri kiến. Trầm tam khổ hải bất thành tam muội.

Việt dịch:

Những kẻ nhất-điên-ca ấy tự tiêu diệt chủng tử Phật. Như người dùng dao chặt cây đa-la. Phật ấn ký người ấy mất hẳn thiện căn, không còn chánh tri kiến, chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu được pháp tam-muội.

Giảng giải:

Những kẻ nhất-điên-ca ấy tự tiêu diệt chủng tử Phật.

Những người nói lời đại vọng ngữ, chưa chứng nói mình đã chứng, chưa được nói mình đã được, và chưa hiểu nói mình đã hiểu–những người như vậy gọi là nhất-xiển-đề, có nghĩa là ‘người đoạn thiện căn.’ Nếu quý vị cắt đứt thiện căn mình, có nghĩa là các căn xấu ác sẽ chất chồng. Những người nói lời đại vọng ngữ và dối gạt người khác trên thế gian sẽ huỷ họai chủng tử Phật trong chính họ

Như người dùng dao chặt cây đa-la.

Cây đa-la,514 trồng ở Ấn Độ, mọc ở vùng đất cao, nhưng nếu chặt đứt ngọn thì nó không mọc được nữa. Những người đoạn trừ chủng tử Phật tương tự như chặt đứt ngọn cây đa-la, sẽ không bao giờ chủng tử Phật có lại được nữa.

Phật ấn ký người ấy mất hẳn thiện căn, không còn chánh tri kiến.

Thọ ký của Đức Phật về hạng người nầy là họ huỷ hoại thiện căn và trở thành bị tước mất mọi điều hay biết hoặc tri kiến.

 Chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu được pháp tam-muội.

Ba biển khổ nói ở đây là:

1. Khổ đao kiếm (Kiếm đồ): chỉ cho địa ngục đao sơn.

2. Khổ máu huyết (Huyết đồ): Chỉ cho địa ngục máu huyết, nơi toàn thân người bị hành cho chảy máu thường xuyên.

3. Khổ nạn lửa (Hoả đồ): chỉ cho địa ngục hoả thiêu.

Những người nầy sẽ bị đoạ vào ba địa ngục khủng khiếp nầy.

 Kinh văn:

我滅度後勅諸菩薩及阿羅漢。應身生彼末法之中。作種種形度諸輪轉。



Ngã diệt độ hậu, sắc chư Bồ-tát cập A-la-hán, ứng thân sanh bỉ mạt pháp chi trung. Tác chủng chủng hình độ chư luân chuyển.

Việt dịch:

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A-la-hán và Bồ-tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

Giảng giải:

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A-la-hán và Bồ-tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp.

Các vị nên dùng báo thân và hóa thân sinh ra nơi thế gian nầy, nơi có nhiều khổ nạn. Trong thời mạt pháp, các vị phải dùng nhiều thân tướng, hiện ra trong vô số cảnh giới–có thể là loài người, có thể là súc sinh, hoặc có thể là trong một cách thức nào đó. Họ sẽ tuỳ thuận chúng sinh để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

Họ sẽ cứu độ rộng rãi các chúng sinh. Các vị Bồ-tát sẽ trở lại tho thân súc sinh. Quý vị đừng nghĩ rằng nói như vậy là không cung kính, vì các ngài thực sự làm điều đó. Trong các hạnh Bồ-tát, các ngài sẽ đến để hóa độ hàng súc sinh, như khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong đời quá khứ đã làm thân Lộc vương để cứu độ đàn nai.

 Kinh văn:

或作沙門白衣居士,人王宰官,童男童女。如是乃至婬女寡婦姦偷屠販。與其同事稱歎515 佛乘。令其身心入三摩地。



Hoặc tác sa-môn bạch y cư sĩ, nhân vương tể quan đồng nam đồng nữ. Như thị nãi chí dâm nữ quả phụ, gian thâu đồ phán. Dữ kỳ đồng sự xưng tán Phật thừa.

linh kỳ thân tâm nhập tam-ma-địa.

Việt dịch:

Hoặc làm sa-môn, cư sĩ bạch y, vua chúa, quan lại, đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán. Để cùng với họ đồng sự, xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa,

Giảng giải:

Các vị Bồ-tát và A-la-hán nầy dùng hóa thân mình để thành các vị sa-môn, là người đã xuất gia, hoặc đã thọ giới cụ túc, hoặc thọ giới sa-di. Hoặc các vị hóa thành

cư sĩ bạch y. Cư sĩ không sống đời từ bỏ gia đình, và ở Ấn Độ họ được gọi là ‘hàng bạch y.’ Họ hộ trì tam bảo. Đây là do vì hàng xuất gia

Không cày cuốc, nhưng vẫn phải ăn

Không dệt vải, nhưng vẫn phải mặc.

 Thế nên cần phải có hàng cư sĩ tại gia cúng dường,

Hoặc có vị Bồ-tát hóa thành vua chúa trong cõi người, hoặc là quan lại, Hoặc các ngài hóa thành đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ. Thậm chí các ngài có thể hóa thành người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán.

Ngay cả họ có thể hóa ra kẻ trộm đạo, kể đồ tể, hoặc giới buôn bán những thứ như ma tuý. Các vị Bồ-tát và A-la-hán cùng với họ đồng sự,

Tại sao các ngài lại hóa thành các hạng người như vậy? Là vì các ngài muốn chuyển hóa những hạng người nầy. Để làm được việc đó, các ngài phải dùng Tứ nhiếp pháp.

1. Bố thí

2. Ái ngữ

3. Lợi hành

4. Đồng sự.

Trước hết các ngài nhiếp phục chúng sinh bằng bố thí. Có ba dạng bố thí:

1. Tài thí

2. Pháp thí

3. Vô uý thí.

Nếu mình có tiền, thì cho tiền. Nếu biết giáo pháp, thì giảng pháp cho họ nghe. Nếu có người sợ hãi, bối rối, thì mình an ủi và giúp đỡ cho họ, qua đó khiến cho họ hết sợ, đó là bố thí sự không sợ hãi. Nhưng để thực hiện những phương pháp nầy, mình phải không được tham cầu và mong được đáp trả. Quý vị không nên suy nghĩ, “ A! Nay mình bố thí theo cách nầy, trong tương lai mình sẽ được nhiều điều tốt đẹp.” Hãy làm và quên đi. Hãy buông bỏ. Thế mới gọi là “Tam luân thể không.”516

Ba phương diện đó là: người bố thí, vật phẩm đem bố thí và người nhận. Quý vị nên thực hành việc bố thí với phong thái đó là một việc mình nên làm, hơn là việc tích luỹ các thứ công đức.

Bố thí pháp cũng như vậy. Khi quý vị giảng pháp cho người nghe, quý vị đừng nên nghĩ rằng, “Công đức giảng pháp của tôi lớn vô cùng, quý vị nên cúng dường cho tôi.”

 Bố thí sự không sợ hãi cũng như vậy. Khi bố thí, quý vị không nên tính toán có bao nhiều lợi lạc mà mình có được từ việc ấy. Cũng không nên có ý định bố thí khi thấy rằng sẽ có sự lợi lạc cho mình, trong khi đó, từ chối việc bố thí khi thấy mình chẳng được lợi lạc.

Thứ hai là nhiếp phục họ bằng ái ngữ. Chẳng hạn,, Đức Phật nói với A-nan, “Thiện tai! Thiện tai!” Và bằng cách đó,, các vị Bồ-tát khen ngợi các chúng sinh, nói rằng, “Con thực là một chú bé ngoan. Con thật là thông minh. Con rất có thiện căn.”

Thứ ba, các ngài nhiếp phục chúng sinh bằng lợi hành, có nghĩa là làm mọi việc để giúp ích cho người khác.

Thứ tư, các ngài nhiếp phục chúng sinh qua việc đồng sự. Có nghĩa là bất cứ họ làm việc gì, các ngài cũng làm với họ. Có khi Bồ-tát muốn cứu độ một cô gái điếm vốn có thiện căn đã đến lúc chín muồi, như con gái của Ma-đăng-già đề cập trong kinh nầy là một ví dụ.

Con gái của Ma-đăng-già là gái điếm, nhưng thời của cô đã đúng lúc, khi A-nan trở về Kỳ-viên tịnh xá, cô đi theo. Ngay sau khi nghe Đức Phật giảng pháp, cô ta chứng quả vị thứ ba của hàng A-la-hán. Sau cùng cô ta chứng quả thứ tư A-la-hán. Và cô ta là cô gái điếm đầu tiên chứng quả.

Thế nên để cứu độ các cô gái điếm, các vị Bồ-tát có thể hóa thân thành gái điếm, vì nếu họ tham dự vào cùng nghề nghiệp và thân thiện, những gì họ nói đều được tin tưởng bởi những người mà các ngài muốn cứu độ. Chẳng hạn,, một sinh viên đại học có thể nói rằng, “Tôi tin Phật pháp, thật là vi diệu. Tôi sẽ tham cứu kinh nầy, kinh nầy ngay bây giờ.” Vị sinh viên kia sẽ nói: “Tôi cũng muốn đi. Tôi cũng muốn tìm hiểu kinh ấy.” Thế là họ cùng nhau đi nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Đó cũng như vậy.

Do vậy quý vị sẽ không thể nào hiểu được ai là Bồ-tát, ai là A-la-hán. Nhưng nếu quý vị là một trong các vị đó, thì đừng nói cho ai biết.  Quý vị đừng có đi quanh rồi rao lên rằng, “Tôi là Bồ-tát. Các ông nên lắng nghe những gì tôi nói.” Tại sao quý vị không được làm như vậy? Vì Đức Phật cấm không được làm điều đó. Thế nên các vị Bồ-tát và A-la-hán cùng làm những việc như mọi người dang làm, nhưng khi làm việc đó, thì các ngài xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa.

Họ có thể đắm mình vào trong cùng một công việc với người khác, nhưng để giảng nói Phật pháp vào mọi lúc thích hợp. “Phật pháp rất hay! Không có gì sánh bằng.” Và với cách nầy, họ sẽ khiến cho người nghe bị lôi cuốn, như thể họ đang ăn một cây kẹo.

Điều đó nhắc tôi nhớ một câu chuyện trong Ngữ lục. Thời xưa ở Trung Hoa, vào đời Đường có một vị tăng pháp danh là Đỗ Thuận.517 Ngài thường  giảng kinh và thuyết pháp, và ngài còn dạy tham thiền. Có khi ngài lại dạy mọi người niệm Phật. Ngài dùng mọi phương pháp để giáo hóa mọi người. Ngài có một đệ tử đã xuất gia theo học với ngài hơn 10 năm. Thường  ngày, chú đệ tử rất để tâm đến công hạnh của thầy mình. Chú cố gắng hiểu xem thầy mình là ai, có nghĩa là, thầy là Bồ-tát, là A-la-hán, hay có khi là Phật? Cuối cùng, sau 10 năm, chú đi đến kết luận rằng thầy mình, Pháp sư Đỗ Thuận, là một người bình thường, chẳng có điều gì khác lạ nơi thầy mình cả. Thầy ăn cũng như mọi người khác ăn. Thầy mặc cũng như mọi người đều mặc. Thầy ngủ cũng như mọi người ngủ. Thầy không có điều gì khác hơn mọi người. Thế nên chú đệ tử dứt khóat thầy mình không phải là Phật hay là Bồ-tát hay là A-la-hán. Do vậy, nên chú đến bên thầy vái tạ, xin rời khỏi thầy.

Ý định của chú là gì?

Chú định lên núi Ngũ Đài Sơn để đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

Chú có ý định tìm cầu trí huệ nơi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi với hy vọng được giác ngộ. Chú thưa:

“Bạch thầy, con đã ở với thầy hơn 10 năm, và con chẳng thấy mình học được điều gì. Con không hiểu điều gì cả, con thật là ngu đần, và con quyết định đi lễ bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi với hy vọng rằng con sẽ có được trí huệ.”

“Được rồi!” Thầy nói, “Con muốn triều bái Ngũ Đài Sơn, thì hãy đi. Thầy có hai phong thư, trên đường đi nhờ con trao giúp. Một cái trao cho cô Thanh Lương và một trao cho Trư Lão Mẫu.”

Khi chú đệ tử đến nơi địa chỉ được ghi trên phong bì là Cô Thanh Lương, cô ta đã trở thành một cô gái điếm. Chú đệ tử quá đỗi ngạc nhiên, “Cớ gì mà thầy mình viết thư cho một cô gái điếm?” Chú tự hỏi, “Hay cô ta là người yêu của thầy, và thầy nhờ mình làm người môi giới?”

Nhưng chú trao thư, rồi nói, “Thầy tôi, Đỗ Thuận, có gửi thư cho cô.”

Cô Thanh Lương nhận thư đọc rồi ngồi xuống, nói, “Tốt! Ông ấy đi. Ta cũng sẽ đi.”

Rồi cô chết ngay trên chỗ ngồi. Cô ta đã nhập niết-bàn. Chú đệ tử thấy toàn bộ sự kiện quá lạ, và chú cầm bức thư lên đọc. Chú mới biết Cô Thanh Lương thực ra là Bồ-tát Quán Thế Âm, vì lá thư viết rằng, “Quán Thế Âm, tôi đã xong việc ở đây và sẽ ra đi. Ngài nên đi với tôi.”

Chú đệ tử thở dài tiếc nuối, “Nếu mình biết đó là Bồ-tát Quán Thế Âm, mình sẽ quỳ xuống trước ngài, ta sẽ không đứng dậy cho đến khi ngài nhập niết-bàn, thế là ta có thể có được trí huệ giác ngộ. Sẽ hay biết bao. Nhưng  nay ta đã bỏ mất cơ hội.”

Điều ấy thật đúng với ý nghĩa của câu:

Trước mặt ngài

Vẫn không nhận ra ngài là Quán Thế Âm

Chú ta cầm phong thư kia và nhắm hướng chỗ ở của Trư Lão Mẫu mà đến

Nhưng khi chú đến địa chỉ trong thư, không ai biết về người nầy. Nhưng khi chú đi ngang qua một chuồng heo, một con lợn nái già hỏi chú. “Chú tìm Trư Lão Mẫu có việc gì?”

Chú đệ tử ngạc nhiên và không biết mình đang gặp thứ quái vật nào. Chú vội vàng trả lời. “Thầy tôi bảo tôi trao một bức thư cho Trư Lão Mẫu.”

Con lợn nái già nói, “Ồ! Tốt. Ta là Trư Lão Mẫu đây. Chú có thể đưa thư cho ta.”

Con lợn nái già nhận thư và xem. Thật khó hiểu ralàm sao bà ta có thể biết được trong thư nói gì. Tuy nhiên, khi xem xong, bà ta ngồi xuống và nói, “Ồ!, Việc của ông ấy đã xong. Ta cũng sẽ đi.” Và bà ta chết.

Khi chú đệ tử xem thư, biết bà ta chính là hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền. “Có lẽ nào Bồ-tát Phổ Hiền đúng thực là con heo kia?” Chú vẫn còn vướng mắc những nối nghi ngờ. Chú chẳng quan tâm đến công việc gì mà thầy chú đã làm xong như lời trong thư.

Chú lên núi Ngũ Đài Sơn. Ở đó, chú gặp một lão tăng rất già, ông ta hỏi chú, “Chú đến đây làm gì?”

“Tôi đến để lễ bái Bồ-tát Đại trí Văn-thù-sư-lợi và mong được trí huệ giác ngộ.”

“Cái chú nầy!” Lão tăng nói, “Chú lên đây để lễ bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, nhưng lễ bái thầy chú còn tốt hơn gấp ngàn lần.”

Chú đệ tử hói, “Tại sao?”

 “Thầy chú, Hoà thượng Đỗ Thuận, chính là Đức Phật A-di-đà tái thế. Ngài thị hiện ở cõi nhân gian để giáo hóa chúng sinh. Chú đã là đệ tử của ngài hơn 10 năm. Sao chú không nhận ra được điều đó?  ”

“Ồ! Thầy tôi là Đức Phật A-di-đà!” Chú đệ tử nói, “Trông thầy chẳng giống Đức Phật tí nào!”

Khi chú nhìn lại, lão tăng đã biến mất.

Rồi chú thấy một bức thư ngắn bảo rằng: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bảo chú hãy quay trở về tức khắc với thầy mình là Hoà thượng Đỗ Thuận, ngài chính là Đức Phật A-di-đà.”

Sau cùng, chú đệ tử tin vào điều đó. Chú đã gặp được Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bằng xương thịt, và ngài bảo chú hãy quay trở về với thầy mình.

Chú vội vã quay trở lại, Hoà thượng Đỗ Thuận đã viên tịch hôm qua. Một lần nữa, chú bỏ mất cơ hội. Chú đã là đệ tử của Đức Phật A-di-đà hằng 10 năm mà không nhận biết điều ấy.

Chủ bỏ mất những điều trong tầm tay để tìm kiếm những gì quá xa xôi, chỉ tìm thấy được một điều là nên quay trở về với thầy mình. Bây giờ còn ai để gặp nữa?

 Kinh văn:

終不自言我真菩薩真阿羅漢。泄 518佛密因輕言未學。



Chung bất tự ngôn ngã chơn bồ-tát, chơn A-la-hán. Tiết Phật mật nhân khinh ngôn vị học.

 Việt dịch:

Rốt ráo không tự bảo mình thật là Bồ-tát, là A-la-hán. Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Giảng giải:

Họ có thể là Bồ-tát, là A-la-hán, là chư Phật đã thị hiện nơi thế gian nầy. Nhưng dù chính đó là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay Đức Phật A-di-đà, Đức Phật Dược sư Tiêu tai Diên thọ, hay Đức Phật Bảo Sanh, Đức Phật Thành Tựu, hoặc là các Đức Phật, Bồ-tát, A-la-hán nào khác, họ cũng không bao giờ nói “Ta thực sự là Bồ-tát. Đúng thực như vậy, các ông nên tin vào tôi. Tôi thực sự là một vị Bồ-tát.” Không thể nói như vậy. Nếu họ tự xưng mình thật là Bồ-tát, là A-la-hán. “Các ông có nhận ra tôi là ai không? Tôi là A-la-hán.” Thì quý vị sẽ biết ngay họ là thành viên quyến thuộc của ma vương. Nếu có người khen ngợi quý vị bằng cách nói rằng quý vị là Bồ-tát, là A-la-hán, thì quý vị đừng thừa nhận điều ấy cho dù quý vị đúng thực là như vậy. Quý vị đừng nên

 Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Quý vị không nên tiết lộ mật nhân của chư Phật. Quý vị không chỉ khinh suất tiết lộ gốc tích của mình. Thế khi nào là có thể thừa nhận được? Quý vị chỉ có thể tiết lộ khi mình sắp chết. Đừng tiết lộ trước khi mình ra đi.

Khi tiết lộ, thì đừng nên lưu lại.

Khi còn ở lại, đừng nên tiết lộ.

Ngay khi quý vị tiết lộ tông tích mình, chẳng hạn, mình là hóa thân của Bồ-tát đó, thì quý vị phải lìa bỏ sự hiện hữu đời này ngay tức thì. Miễn khi lời nói chưa phát ra, thì quý vị có thể lưu lại cõi đời, nhưng khi đã nói ra rồi, thì quý vị sẽ gặp rắc rối đầy mình nếu không chịu rời xa.

 Kinh văn:

唯除命終,陰有遺付。云何是人惑亂眾生成大妄語。

Duy trừ mạng chung, âm hữu di phó. Vân hà thị nhân hoặc loạn chúng sanh thành đại vọng ngữ?

Việt dịch:

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, thành tội đại vọng ngữ.

Giảng giải:

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, Nếu quý vị là một bậc thánh, thì lúc đến cuối đời, quý vị có thể nói với mọi người điều ấy. Nhưng từ đây đến lúc đó, quý vị không thể nói cho ai biết cả. Đến lúc đó, quý vị có thể tiết lộ cho những người gần gũi nhất của mình, có thể là một hai vị đệ tử nhập thất của mình.

Những người làm những việc ngược lại, chỉ dối gạt và làm mê mờ chúng sinh bằng cách tạo nên tội đại vọng ngữ.

Nếu quý vị chưa đắc đạo, mà nói rằng mình đã được, nếu quý vị chưa chứng quả, mà nói rằng mình đã chứng, đó là quý vị đã nói lời đại vọng ngữ.

Vào đời Thanh ở Trung Hoa, có vị cao tăng là Pháp sư Ấn Quang519. Ngài là người Giang Tây.

Sau khi xuất gia, ngài chiêm bái Phổ-đà Sơn, đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài nhập thất ở núi đó. Ngài tự ẩn mình trong một căn phòng nhỏ và đọc Đại tạng kinh. Nếu ngày nào cũng đọc, phải cần đến ba năm mới đọc hết Tạng nầy. Ngài đã đọc đi đọc lại nhiều lần Tạng kinh nầy suốt 18 năm. Suốt những năm đó, ngài không xuống núi. Cuối cùng, một nhóm Phật tử ở Thượng Hải thỉnh ngài giảng kinh A-di-đà. Ngài đồng ý, nhưng chẳng có nhiều người đến nghe kinh, có lẽ do họ không hiểu được phương ngữ Thượng hải của ngài. Nhưng trong số đó có một cô học sinh trung học từ Thượng Hải có một giấc mơ bảo cô hãy đến nghe giảng kinh. Trong mộng báo rằng, “Cô nên đến đạo tràng cư sĩ đó..., để nghe kinh A-di-đà do Bồ-tát Đại Thế Chí giảng.”

Hôm sau, cô học sinh đọc báo thấy có đăng tin Pháp sư Ấn Quang đang giảng Kinh A-di-đà tại đạo tràng đó. Cô tự hỏi:

“Tại sao trong giấc mơ báo rằng Pháp sư Ấn Quang là Bồ-tát Đại Thế Chí?

Đêm đó, cô tham dự pháp hội, sau khi mọi người ra về hết, cô kể lại giấc mơ của mình cho Pháp sư Ấn Quang nghe. Khi cô ta kết luận rằng ngài chính là Bồ-tát Đại Thế Chí, Pháp sư Ấn Quang không hài lòng, nhắc nhở cô, “Cô không được đem nói cho mọi người chuyện vô nghĩa nầy!” Thế nên cô không kể cho ai nghe chuyện giấc mơ. Nhưng cô xin quy y với Pháp sư Ấn Quang. Ba năm sau, Pháp sư Ấn Quang nhập diệt, chỉ đến lúc đó cô mới kể về giấc mơ của mình. Mọi người đều bực tức vì cô đã không nói chuyện nầy sớm hơn, để họ có thể thỉnh pháp được nhiều hơm ở Pháp sư. Nhưng cô cho họ biết rằng chính Pháp sư đã cấm không cho cô được tiết lộ. Từ sự kiện nầy, rõ ràng Pháp sư Ấn Quang là hóa thân của Bồ-tát Đại Thế Chí. Khi làm lễ trà tỳ, có rất nhiều xá-lợi (śarira)

Thế nên, khi sắp mạng chung, một số tung tích mới được tiết lộ. Tuy vậy, cũng không được nói một cách khoa trương về chuyện nầy. Như trong trường hợp trên, có thể là trong giấc mơ, có một ít chỉ dẫn được đưa ra. Nhưng quý vị không nên nói lộ liễu như, “Tôi là Bồ-tát Đại Thế Chí.” Đó là cách thức không nên làm.

 Người thời nay thường đi quanh tự tuyên bố rằng mình là Phật. Điều nầy trái ngược hoàn toàn với giáo lý trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Tất nhiên mọi người đều là Phật, nhưng quý vị phải tu mới thành Phật. Nếu quý vị không tu, quý vị chẳng khác gì hơn một con ngựa, con bò, con heo, con cừu, con gà. Quý vị hầu như sẽ trở thành quỷ đói, hay đoạ trong địa ngục; chẳng có gì chắc chắn.

 Kinh văn:

汝教世人修三摩地,後復斷除諸大妄語。是名如來先佛世尊。第四決定清淨明誨。



Nhữ giáo thế nhân tu tam-ma-địa, hậu phục đoạn trừ chư đại vọng ngữ. Thị danh Như Lai Tiên Phật Thế Tôn đệ tứ quyết định thanh tịnh minh hối.

Việt dịch:

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Giảng giải:

 “A-nan, ông có nghe điều nầy không? Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ.

“Đây có nghĩa là mọi lời nói phóng đại khoa trương. Dù vì thiện ý, cũng đừng nói, “Tôi đã giác ngộ.” Hoặc là “Tôi đã chứng quả,” hoặc là “Tôi là Bồ-tát.” Hoặc là “Tôi là A-la-hán.” Điều đó quá rẻ tiền.

Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Đừng dạy mọi người nói dối và tuyên bố khoa trương. Lời dạy nầy là của chư Phật trong hiện đời và chư Phật trong quá khứ.

  Kinh văn:

是故阿難若不斷其大妄語者。如刻人糞為栴檀形,欲求香氣。 無有是處。



Thị cố A-nan, nhược bất đoạn kỳ đại vọng ngữ giả, như khắc nhơn phẩn vi chiên đàn hình,dục cầu hương khí, vô hữu thị xứ.

Việt dịch:

Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm. Thật không có chuyện đó.

Giảng giải:

Như Lai sẽ đưa ra ví dụ, Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm.

Những người muốn được trở nên thanh tịnh mà không dứt trừ lời đại vọng ngữ thì cũng giống như người cố gắng tìm cách khắc hình cây chiên đàn hương từ phân người. Thật không có chuyện đó.

Anh ta sẽ không bao giờ khiến cho phân người có được mùi hương thơm như cây chiên đàn. Điều nầy có nghĩa là nếu quý vị nói lời đại vọng ngữ, giống như là quý vị có mùi rất thối. Nếu quý vị tu tập thiền định, nỗ lực thành Phật, mà vẫn tiếp tục nói dối, thì quý vị cũng giống như một cục phân. Vì người nói dối mà mong thành Phật thì cũng giống như cố gắng làm cho cục phân trở nên có mùi thơm của tượng Phật. Điều ấy không hợp lý.

 Kinh văn:

我教比丘直心道場。於四威儀一切行中尚無虛假。云何自稱得上人法。



Ngã giáo tỷ-khưu trực tâm đạo tràng. Ư tứ oai nghi nhất thiết hạnh trung, thượng vô hư giả. Vân hà tự xưng đắc thượng nhơn pháp?

Việt dịch:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng. Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối. Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

Giảng giải:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng.

 Tỷ-khưu đề cập ở đây gồm cả tứ chúng. Đến đây, quý vị không thể nói rằng, “Tôi là cư sĩ, thế nên Đức Phật không nói đến tôi.”

Quý vị phải ngay thẳng khi nói và nghĩ, Đừng có quanh co, đừng dối trá. Không có trực tâm cũng như cố gắng làm thành hương chiên đàn từ phẩn uế.

Như Lai dạy họ phải nên Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối.

Những oai nghi nầy đã được trình bày chi tiết từ trước. Mỗi tư thế đi đứng, nằm, ngồi đều có 250 oai nghi. Quý vị nên luôn luôn thực hành thật chân chính, thực sự tu tập trong đó.

 Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

Tại sao mình lại tự tuyên bố đã chứng được quả vị Bồ-tát hay A-la-hán? Không nên nói như vậy. Trước quý vị nghe giảng kinh, quý vị có thể vô tình nói lên điều ấy. Nhưng nay đã nghe giảng kinh rồi, quý vị biết là mình không còn được nói rằng mình đã chứng được đến quả vị nào. Nói như vậy là nói lời đại vọng ngữ.

Quả báo của hành vi nầy là đoạ vào địa ngục Bạt thiệt. Trong đời sau, lưỡi quý vị sẽ bị móc bằng lưỡi câu sắt và kéo ra. Sau đó, quý vị sẽ không còn cơ hội để nói dối, vì trong tương lai, quý vị đã bị câm rồi.

 Kinh văn:

譬如窮人妄號帝王自取誅滅。況復法王如何妄竊。因地不直520果招紆曲。求佛菩提如噬臍人,欲誰成就?



Thí như cùng nhân vọng hiệu đế vương tự thủ tru diệt. Huống phục pháp vương, như hà vọng thiết. Nhân địa bất trực quả chiêu hu khúc. Cầu Phật bồ đề như phệ tề nhân, dục thuỳ thành tựu?

Việt dịch:

Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt. Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh co. Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

Giảng giải:

‘Ông có biết không?’ Có người nói, ‘Tôi là vua của nước nầy?’

Nói như vậy, Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt.

Vua sẽ bắt nhốt người ấy liền, và toàn bộ gia đình của người ấy cũng bị tội chết luôn. Toàn thể bạn bè và họ hàng cũng sẽ bị khép vào tội chết. Thế thì ‘vua’ đi về đâu? Tuyên bố rằng mình đã chứng quả thánh khi mình chưa chứng cũng giống như người bần cùng kia tự nói rằng mình là vua. Anh ta sẽ bị tru diệt vì tội ấy.

Và nếu mình không thể nào tuỳ tịện tự nói mình là vua trong phương diện thế gian,

Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn!

Sao lại dám xưng càn Phật vị?

Nhân đã không thật, quả ắt quanh co.

Trong nhân địa, khi quý vị đang tu đạo, nếu không tu hành chân chính, thì kết quả quý vị hưởng được trong tương lai sẽ cong vạy. Sẽ có rất nhiều khúc mắc. Quý vị sẽ không thể nào thành tựu quả vị một cách thẳng tắt. Nếu quý vị tu kiểu nầy, phỉa trải qua vô số đại kiếp, mà vẫn không thành tựu được.

Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

Nếu quý vị tự thực hành theo kiểu nầy–tiếp tục đắm mình trong nói dối và khoa trương mà tìm đạo bồ-đề của chư Phật, thì quý vị giống như người tìm cách cắn cái rốn của mình.

Làm sao mà thành tựu được?

Quý vị sẽ không bao giờ cắn cái rốn mình được, vì miệng mình không thể nào đến đó được.

 Kinh văn:

若諸比丘心如直絃521,一切真實入三摩提永無魔事。我印是人成就菩薩無上知覺。



Nhược chư tỷ-khưu tâm như trực huyền, nhất thiết chơn thật, nhập tam-ma-đề, vĩnh vô ma sự. Ngã ấn thị nhân thành tựu Bồ-tát vô thượng tri giác.

Việt dịch:

Nếu hàng tỷ-khưu, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự. Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thựơng trí giác của hàng Bồ-tát.

 Giảng giải:

Nếu hàng tỷ-khưu, và giới cư sĩ, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự.

Tâm quý vị nên thẳng như dây đàn, đừng cong queo, như thân cây đàn. Quý vị nên chân thật trong mọi vấn đề và đừng bao giờ nói dối. Nói dối là trường hợp của:

Khởi đầu chỉ bằng một mảy lông

Sẽ kết thúc bằng ngàn dặm trong tương lai.

Nếu quý vị nói dối trong đời nầy, sẽ kéo sự thành tựu của quý vị lùi lại vài triệu đại kiếp trong đời sau. Hãy xem xét kỹ lưỡng và xem người nào đang bỏ mất điều đó. Nếu quý vị có thể trực tâm và chân thật, quý vị có thể nhập vào tam-ma-đề, và không có một ma sự chướng ngại nào sinh khởi.

Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thựơng trí giác của hàng Bồ-tát.

Ai đã có tâm chân thậy và ngay thẳng như dây đàn thì đều có thể trở thành Bồ-tát. Họ có thể thành tựu trí huệ vô thượng và tuệ giác của một vị Bồ-tát.

 Kinh văn:

如我是 522說名為佛說,不如此說即波旬說



Như ngã thị thuyết danh vi Phật thuyết, bất như thử

thuyết tức ba-tuần thuyết.

Việt dịch:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Giảng giải:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói.

Nếu quý vị giải thích giống như Như Lai đã giảng giải trong kinh nầy, đó chính là giáo pháp của chư Phật đã giảng nói. Nếu không phải như vậy, tức là lơì ma ba-tuần nói.

Người nào không diễn bày giáo pháp nầy, mà còn tuyên bố những giáo lý nghịch với giáo pháp nầy, đó chính là lời của ma vương nói.”

 Ba-tuần là chỉ cho Ma vương.

Hết quyển 6

(Bản tiếng Hán )

---o0o---




tải về 9.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   77   78   79   80   81   82   83   84   85




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương