Kinh Anan Vấn Phật Sự Cát Hung ht. Tịnh Không giảng tk. Thích Nhuận Nghi dịch Nguồn


- Đức Phật nói Tam Bảo khó được gặp



tải về 0.72 Mb.
trang7/18
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.72 Mb.
#30100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   18

5.- Đức Phật nói Tam Bảo khó được gặp. 


CHÁNH VĂN:

Đức Phật lại bảo A-Nan: Như Lai không nói hai lời, khó gặp Phật ở đời, khó nghe được kinh pháp, ông có phước duyên đời trước, nên nay được hầu Phật nghe pháp. 

LỜI GIẢI:

Trên đây đức Phật nói với tôn giả A-Nan cũng là nói với chúng ta. Ngài nói: “Như Lai không nói hai lời”. Qua câu nầy ta cảm thấy lời của Phật thật là thống thiết trút hết tâm cang khô khàn cả miệng lưỡi như lời tâm huyết thiết tha của bậc cha già cam đoan khẳng định trao trút hết cho đàn con.

“Khó gặp Phật ở đời”, bởi chúng sanh tạo nhiều nghiệp ác trôi lăn trong luân hồi sanh tử khó gặp được Phật ra đời. Có được cơ duyên gặp Phật hay gặp các bậc chân Tăng giảng truyền chánh pháp là phước duyên đặc thù phải mau kết gieo nhân lành bằng cách phát tâm quy y Tam Bảo, hồi đầu cầu tu học Phật pháp đừng để mất cơ hội. Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật nói: Được thân người là khó. Khó như người chìm nổi, bồng bềnh trôi trên biển cả đã nhiều năm tháng, nay gặp được phao. Chúng sanh gặp Phật pháp, gần chân Tăng, phát tâm quy y Tam Bảo, chẳng khác nào như con rùa mù nhiều trăm năm dưới đáy biển sâu nay nổi lên mặt nước gặp được bộng cây chui vào. Quả thật vậy, kinh điển lưu truyền bất tuyệt, chân Tăng giảng kinh thuyết pháp không ngừng, cửa chùa rộng mở tháng năm, tiếng kinh kệ sáng chiều âm vang bất tận, mà trần thế chẳng thấy mấy người chí tâm tầm sư học đạo! Nên cổ đức có câu: “Niết bàn hữu bộ vô nhơn đáo. Địa ngục vô môn hữu khách tầm”. Niết bàn mở cửa không người đến. Địa ngục cái khoen khách mở vào. Chúng sanh mải miết lao mình trong dục lạc ái ân, thị phi hơn thua giang hồ ân oán, huân tập thành ác nghiệp để rồi kiếp kiếp đời đời phải chịu lấy nghiệp báo, nên không thấy được chân trời hạnh phúc bao la của an lạc giác ngộ giải thoát. Đã biết bao triết gia thi nhân văn sĩ lừng danh kim cổ đều mang tâm chí nhiệt thành muốn tô điểm vẻ đẹp cho đời, nhưng cuối cùng đều phải thầm than “đời là vô thường mộng huyễn, là biển khổ trầm luân!”

Bể khổ mênh mông sóng ngập tràn

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi.

Tất cả chúng sanh đang đắm chìm trong biển khổ của cuộc đời, đang lặn hụp nổi trôi trong sáu nẻo luân hồi không biết đến bao giờ mới thôi dứt, chỉ có người giác ngộ mới là an lạc giải thoát tự tại.

Làm thế nào để được an lạc giác ngộ giải thoát tự tại? chỉ có phát tâm Bồ đề chánh tín tu tập Phật pháp, tin sâu nhân quả là được an lạc, là bước đến ngưỡng cửa Niết bàn, đạt thành Phật quả chánh đẳng chánh giác. Ai cũng có thể phát tâm tu và ai cũng có thể thành chánh đẳng chánh giác. Đức Phật đã quả quyết tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật”. Nếu tất cả mọi người ý thức được lời xác quyết của Phật, tin sâu vào đó phát tâm Bồ đề y theo Phật pháp nghiêm chỉnh tu hành thì sự an lạc trong tầm tay, sự giác ngộ giải thoát hiện ngay trước mắt. Thời gian tu hành từ phàm phu đến Phật quả phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, chậm mau tùy theo tâm chí kiên cường nhịp độ tinh tấn tu là được thành đạo chứng quả, nhưng cũng đã định hướng và trên đường bước đến đạo quả Niết bàn. Người nào không có quá trình công phu tu tập, không có gia công hành đạo mà tự cho mình có phép lạ linh thiêng chứng thánh, thì đó là kẻ ảo tưởng điên cuồng trong Phật pháp, kinh Phật gọi là “đại vọng ngữ, mắc tội rất nặng”. Thiền tông gọi là kẻ tà hoặc tẩu hỏa nhập ma.

Muốn trở thành học trò giỏi, có bằng cấp cao tiến sĩ, luật sự, bác sĩ thì phải cố gắng ngày đêm trải bao năm tháng dùi mài kinh sử, không rời đèn sách, chăm học không ngừng, chứ đâu phải học tà tà cho qua ngày tháng lấy lệ mà thành bác sĩ luật sư tiến sĩ được? Sự tu hành lại đặc biệt đòi hỏi phải chuyên cần tinh tấn hơn. Có quan niệm cho rằng đời còn trẻ chưa cần tu sớm, để già rồi tu cũng chẳng muộn. Nếu đó là ý nghĩ đúng thì sao không nói đời còn trẻ nên ăn chơi hưởng lạc thú để già rồi đi học cũng chẳng muộn. Tuổi già khí lực suy tàn, ở thế gian đã tạo muôn ngàn tội lỗi, tập khí phiền não sâu dày còn đâu năng lực để tu tập, còn đâu thời gian để hành đạo, còn đâu tinh thần mẫn cáng để đóng góp phần công đức vun trồng phước huệ. Kinh Phật dạy phước huệ tròn đầy mới thành chánh quả. “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật”.

Có tu là có hạnh phúc. Tu là xây đắp nền móng, là cội gốc của hạnh phúc bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia. Nên đạo Nho cũng dạy “trước phải tu thân, rồi mới tề gia, sau mới ra trị quốc bình thiên hạ”. Đạo Phật khuyên mọi người nên tu tập để hiện đời mình và người đều được an lạc, đời sau hưởng bầu trời vô tận hạnh phúc và cuối cùng là đạt đạo quả giác ngộ giải thoát. Các thức giả trong thiên hạ nếu phát tâm Bồ đề ngay bây giờ, trong đời nầy tinh tấn tu hành vun trồng phước đức vào cội Bồ đề tâm nguyện về cảnh giới Tịnh độ diện kiến Phật A Di Đà để được ngày đêm nghe Ngài thuyết pháp, thì nên Thiền - Tịnh song tu là pháp tu thuận duyên tiến nhanh trên đường thành đạt chánh quả. Bằng không thì phải đợi 56 ức năm nữa, khi đức Phật Di Lặc ra đời nếu còn được thiện duyên làm đệ tử Ngài trong pháp hội Long Hoa phát tâm tu hành. Nhưng thử lắng lòng tự hỏi có nắm chắc là sẽ được gặp đức Phật Di Lặc ra đời để được làm đệ tử ngài dự pháp hội Long Hoa không? Hay lúc đó còn chìm đắm trong ba ác đạo hoặc rơi vào lưới ngoại đạo tà giáo hay quay cuồng trong lục dục lạc trần gian. Khó lắm! Quá ư xa diệu vợi mơ hồ!

Chỉ có những ai ngay hiện đời thành khẩn phát tâm Bồ đề y theo chánh pháp tu tập, tha thiết thân cận chân Tăng học đạo mới tạo được thiện duyên gần Phật, thấy Phật. Còn tu lấy lệ, tu hình thức cầu danh lợi dưỡng, việc phước đức lơ là, ngã chấp pháp chấp sâu nặng thì tự đẩy mình cách Phật càng xa, đạo quả giác ngộ vô phương đạt đến. Nên kinh nói “rất khó gặp Phật ở đời” là vậy. Gặp Phật ở đời là khó, gặp minh sư học đạo là khó. Có thiện duyên lắm mới gặp. Mà hễ đã gặp lại được nghe giảng pháp là chứng ngộ. Chúng ta vô phước không gặp Phật, nhưng chúng ta còn có thiện duyên gặp kinh điển chan chứa lời Phật dạy, còn được các chân Tăng thiền đức giảng thuyết giáo pháp, từ đó chúng ta nghe hiểu phát tâm tu hành cũng là hạnh ngộ phước duyên, nên thành tâm phát nguyện trang kính tự cường, trang nghiêm Tịnh độ, hạ thủ công phu, nỗ lực tu học, để khỏi phụ ơn Phật, để còn đền đáp ơn phụ mẫu và ơn chúng sanh. Đức Phật đã vì chúng ta mà phải xả thân, dâng hiến trọn đời 80 tuổi, ròng rã 49 năm, ngày đêm thuyết pháp độ sanh cho đến giờ phút chót vào Niết bàn.

Kinh Phật có khắp nhân gian, nhưng rất ít người để tâm nghiên tầm học hiểu. Số lượng người tìm hiểu Phật pháp tu học so với số lượng nhân loại hiện hữu trên cõi đời nầy thì quả thật rất ít. Nên cổ đức nói: “Kinh điển Phật pháp khó được nghe” là vậy.

Nghiệp chướng chúng sanh quá nặng, nên phần đông không thích gần Phật pháp mà thích gần tục tạp dục lạc. Nghe giảng Phật pháp thì cảm thấy mỏi mệt, xem kinh Phật thì dễ cảm thấy chán, nghe luận bàn giáo lý thì tâm thần uể oải ngáp ngủ, đủ thứ chướng duyên làm trở ngại việc nghe kinh giảng pháp. Bởi vọng tình huân tập nhiều đời nhiều kiếp, nên ý chí cầu đạo giác ngộ khó khăn. Cổ đức nói: “Vọng tình huân tập, chí đạo nan văn”.

Kinh luật Phật pháp có hiệu năng tu chỉnh đưa chúng sanh đến chánh tri kiến Phật. Giới luật có hiệu năng sửa chánh hành vi của con người. Kinh luật luận là chuẩn tắc, là nơi y cứ cho người tiến bước trên đường thánh thiện đạt đến quả tịch tịnh giác ngộ giải thoát. Người tu theo Phật pháp là người đi ngược dòng sanh tử. Có đi ngược dòng đời sanh tử mới cứu được đời.

Khi đức Thế Tôn vào Niết bàn, Ngài có di chúc cho hàng đệ tử “Bốn điều y pháp” theo đó mà tu hành: 1/ Y pháp bất y nhơn: Pháp là chỉ cho tam tạng giáo điển kinh luật luận. Ý đức Phật thầm bảo hàng đệ tử rằng, sau khi Ngài nhập Niết bàn, nếu kẻ hoằng pháp không y cứ vào kinh luật thì không nên nghe theo. 2/- Y nghĩa bất y ngữ: Nghĩa ở đây là chỉ đạo lý đức Phật đã giảng dạy. Ngữ ở đây là chỉ cho văn ngôn, tức là lời nói văn tự, làm công cụ ghi chứa và phương tiện để diễn đạt đạo lý. Nghĩa là chủ, ngữ là khách. Tức là Phật bảo chúng ta y cứ vào đạo lý của Phật dạy mà tu hành, chớ đừng chấp vào văn tự ngữ ngôn. Chấp chặt văn tự ngữ ngôn làm tan mất nghĩa lý diệu huyền Phật Đà giáo hóa. Thế nên kinh Phật còn ghi “Tất cả kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng” - “Nhứt thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ”. 3/ Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa: “Bất liễu nghĩa” là những giáo lý mà đức Phật nương theo thế tục giảng thuyết, vì có những chúng đệ tử căn tánh còn thấp kém mà phải phương tiện nói, như pháp tiểu thừa và pháp nhơn thiên. “Liễu nghĩa” là giáo pháp mà đức Phật đích thực chứng đắc chánh đẳng chánh giác vô thượng Bồ đề. Tâm nguyện của đức Phật muốn hàng đệ trong y cứ giáo pháp liễu nghĩa, giáo pháp nhứt thừa Phật quả mà tu hành để thành đạo vô thượng Bồ đề chứng quả chánh đẳng chánh giác như Phật, chớ đừng nên y cứ giáo pháp bất liễu nghĩa tiểu thừa nhơn thiên. Như các hành giả tu pháp Sám Hối Hồng Danh phát nguyện: “Con nay phát tâm (tu pháp sám hối) không phải vì cầu phước báo của cõi trời người, Thanh Văn, Duyên Giác cả đến quả vị quyền thừa Bồ Tát, mà con phát nguyện tu pháp Hồng Danh Sám Hối chỉ duy nhất cầu được quả vị tối thượng thừa (Phật quả), vì đó nên con phát tâm Bồ đề. 4/ Y trí bất y thức: Trí là lý trí, trí huệ. Thức là hiểu biết của vọng thức. Phật khuyên chúng ta phải có tâm chí hướng thượng, minh định thái độ để chuẩn bị khóa trình đầy đủ cho việc tu học, chứ không để vọng thức tình cảm mê chấp. Y theo bốn pháp này mà tu tập, thì hành giả nhất định không bị sa lầy rơi vào thường tình biên kiến cảm tình, địa phương, bè phái, thân thuộc, bạn ác. Cho dù đang sống vào thời cách Phật đã lâu xa như chúng ta, nhưng nếu chân tâm thành ý y theo bốn pháp Phật dạy đây mà tu tập thì không khác nào như Phật còn ở đời. Trong thời mạt vận Phật pháp lắm kẻ tà tâm lợi dụng, chúng sanh phước mỏng tội dày, thầy tà bạn ác dãy đầy, nếu không y cứ bốn pháp nầy làm chuẩn tắc để hành đạo thì thật khó mà tránh khỏi rơi vào biên kiến. Do vậy, hằng ngày chúng ta thường thấy có kẻ tin Phật đã lâu, hoặc đầu tròn áo vuông nâu sòng đã nhiều năm tháng mà không tránh khỏi lưới thường tình bè phái, độc tôn, lợi danh, hình thức là tin Phật mà suốt đời cho đến khi chết tâm niệm vẫn chưa dính dấp gì lý đạo.

Công dụng của kinh điển là đem lại an lạc cho đời sống hiện tiền, và giải thoát sanh tử luân hồi cho kiếp tương lai. Sự kiết tập, phiên dịch, lưu truyền kinh điển khó khổ mồ hôi nước mắt sánh bằng trời biển, tổn hao tâm lực lớp lớp người có chí nguyện hoằng dương chánh pháp, trải bao ngàn năm với giá hy sinh tâm huyết chất chồng không tiếc thân mạng công lao đó sánh bằng hư không, cũng vì tâm nguyện lợi lạc quần sanh của các Thánh Tăng tiền bối. Giờ đây kinh sách, Phật tượng, chùa viện sẳn có tất cả mọi phương tiện hành đạo, chúng ta chỉ còn có việc phát tâm tu học thôi mà không làm nổi thì thật đáng thương, đáng tội nghiệp cho kiếp chúng sanh trầm luân mê muội. “Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó gặp nay đã gặp. Thân nầy không tu để tự độ, lại đợi đến bao giờ mới chịu tu để độ thân”. Kinh Kim Cang Phật nói: :”Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau có người trì giới tu phước, đối với kinh nầy mà hay sanh tín tâm cho là chân thật, thì nên biết người đó không phải chỉ ở nơi một, hai, ba, bốn, năm đức Phật, mà đã từng ở chỗ vô lượng ngàn vạn đức Phật trồng các căn lành rồi”. Từ đây, chúng ta có thể biết rằng, người không có căn lành, thiếu phước thiện gieo trồng nhân duyên Bồ đề thâm sâu thì rất khó có tâm phấn khởi tiếp thọ giáo lý của Phật để áp dụng vào đời sống. 

CHÁNH VĂN:

Nên nghĩ đến việc báo ân Phật, Ngài đã giảng truyền giáo pháp, thị hiện làm người, làm ruộng phước điền cho người tín tâm gieo trồng phước đức để đời sau không còn lo âu. A-Nan lãnh thọ giáo pháp của Phật, tự mình phụng hành đồng thời truyền khắp cho chúng sanh đều nghe.

 

LỜI GIẢI:



Đoạn kinh trên đây Phật dạy người tu học Phật nên phát tâm vị tha truyền bá chánh pháp, làm ruộng phước điền cho chúng sanh để cùng được an lành lợi lạc. Đây cũng là đoạn kinh cuối cùng mà tôn giả A-Nan hỏi Phật về việc vì sao kính phụng Phật như lại có quả báo hung kiết khác nhau.

“Nên nghĩ đến việc báo ân Phật”. Đoạn nầy mang ý nghĩ ơn đức, uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Phật dạy chúng đệ tử làm người phải luôn luôn giữ tâm niệm báo đền ân đức. Có nghĩ đến việc báo đền ân đức thì mới có tâm niệm tri ơn. Vậy thì những người nào đã có ơn với ta? Đó là bốn ơn nặng: 1/ Ơn cha mẹ sanh dưỡng thân thể hình hài của chúng ta khôn lớn thành người. 2/ Ơn sư trưởng: Sư trưởng đã dạy dỗ ta, tạo cho ta có kiến thức hiểu biết, nhơn cách làm người. 3/ Ơn quốc gia chánh phủ: Đã bao người hy sinh mới có được mãnh đất quốc gia và chánh phủ giữ gìn nhờ đó mà nhơn dân mới được an cư sinh sống. Ngày nay ta được sống trong sự an lành để tu hành, nên phải biết ơn. 4/ Ơn chúng sanh: Tất cả chúng sanh mỗi người đều đem hết khả năng sáng tạo của mình để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, giúp đỡ cung cấp nhu cầu tạo cho ta có hoàn cảnh hạnh phúc tiện nghi để hành đạo, nên phải tưởng nghĩ báo đền ơn họ. Cuộc sống của chúng ta không thể tách rời bốn ơn nặng nầy, nên Phật khuyên hàng đệ tử phải luôn luôn ghi nhớ “trả ơn và báo đáp thâm ơn”.

Báo ơn bằng cách nào? Phật dạy chúng ta trước nhất phải “giảng truyền giáo pháp”. Truyền là truyền bá ban bố khắp nơi. Để truyền bá giáo pháp thì trước hết tự bản thân phải hiểu và y như giáo pháp mà nghiêm chỉnh hành trì, tức là hành giả tương ưng, tri hành hợp nhất, đáng làm mô phạm cho đời, được như thế lời thuyết giảng mới có giá trị, khiến cho người hoan hỷ tín thọ. Nghĩa là thân giáo, khẩu giáo tương ưng, tâm nguyện, đạo hạnh xứng hợp. Ngược lại “năng thuyết bất năng hành, biện tài vô đạo hạnh” thì phản tác dụng khiến cho người đời đàm tiếu, thế nhơn nghi ngờ chánh pháp, chê bai hành giả của đạo Phật. Thế nên, Phật dạy hàng đệ tử xuất gia phải y giáo pháp nghiêm chỉnh tinh tấn tu tập, trên báo đền bốn ơn đức sâu nặng, dưới khắp cứu giúp chúng sanh thoát khổ nạn, như thế là trựo Phật hoằng hóa để tiệm tiêu họa hoạn, làm nơi nương tựa tạo ruộng phước diền cho chúng sanh. Phước điền có 3 loại: 1/ Kính điền là phước điền do lòng kính tin Tam Bảo. 2/ Ân điền là phước điền do báo đáp ơn đức cha mẹ. 3/ Bi điền là phước điền do lòng từ bi thương người nghèo khổ, và tâm từ bi khắp thương người nghèo khổ, và tâm từ bi khắp thương tất cả chúng sanh. Cội gốc của muôn hạnh lành là thành kính, hiếu thuận và từ bi. Thành kính là tin Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo mà sanh. Hiếu thuận do nghĩ nhớ báo đáp thâm ân phụ mẫu mà sanh. Từ bi do trải lòng thương xót tất cả chúng sanh mà sanh. Thế nên trong Phật pháp nói: Phật, Bồ Tát, Sư trưởng, Phụ mẫu, chúng sanh là ruộng tốt để cho chúng ta gieo giống lành. Người đời cầu Phật mà chẳng biết ruộng phước trước mắt để gieo trồng giống lành thiện trong ruộng phước điền, nhưng thực tế thì không mấy người chịu gieo trồng! Phật do lòng từ bi mà khai mở nền đạo, người có lòng tin thì gieo trồng giống phước vào trong Phật pháp, sau đó quyết sẽ được thọ hưởng phước báo bất tận. Có đệ tử hỏi Phật: Tại sao A-Nan lại htông minh xuất chúng? Phật đáp: A-Nan nhiều tiền kiếp về trước vốn là nhà buôn. Một hôm thấy có một chú Sa di ôm bình bát khất thực vừa đi vừa khóc. Nhà buôn kêu chú Sa di lại hỏi, thì được trả lời: Thầy tôi mỗi ngày cho tôi học thuộc một bài kinh, nếu không thuộc thì sư phụ tôi buồn. Nếu chăm chú lo học thuộc thì tôi không đi khất thực được, ngày hộm đó thầy trò tôi đều nhịn đói. Nếu tôi đi khất thực thì không thuộc bài, sư phụ tôi buồn. Ở nhà học thuộc kinh thì không đi khất thực được, sư phụ tôi phải chịu đói. Đằng nào toi cũng không làm sư phụ vui, nghĩ vậy mà tôi ngậm ngùi rơi lệ. Nhà buôn nghe vậy động lòng phát Bồ đề tâm bảo với chú Sa di: Từ đây về sau, mỗi ngày chú cứ đến đây tôi sẽ dưng cúng thức ăn để chú yên tâm học thuộc kinh. Chú đừng buồn khóc nữa. A-Nan đã tạo cái nhân giúp người học thuộc kinh nên được cái phước trí thông minh nhớ rõ.

Quý vị trọn quyền quyết định tin lời Phật dạy, tin kinh điển hay không, nguyện hay không nguyện, tu hay không tu, gieo trồng phước hay không đều tùy quyền quý vị. Đức Phật là người lái thuyền, giáo pháp là con thuyền đưa con người qua bể khổ. Lên thuyền hay không là thuộc quyền quý vị. Đức Phật nói: Ta là thầy thuốc, giáo pháp là thuốc, chúng sanh là bệnh nhơn, mặc dù thầy thuốc hết lòng khuyên bệnh nhơn nên uống thuốc để lành bệnh, nhưng chịu uống hay không là tùy bệnh nhơn. Vậy bệnh khổ do ai tạo ra và ai làm cho ta hết bệnh khổ, thưa quý vị?

“Đời sau không còn lo âu” có hai nghĩa: 1/ Người có tâm thành chánh niệm tu hành thì dù chưa đắc đạo mà chết thì đời sau được phước đức sâu dày, được sanh cõi trời thân tâm an lạc hưởng phước báo. 2/ Nghiêm chỉnh tu hành đạo nghiệp thành tựu, minh tâm kiến tánh, đoạn hoặc chứng chơn, quả báo được sanh về cõi Phật, vĩnh viễn thoát ly luân hồi sanh tử. Đây mới là quả báo cứu cánh viên mãn, và cũng chính là điều mà đức Phật khuyên hàng đệ tử phải ngày đêm ghi nhớ thực hành. Là đệ tử Phật phải biết nghĩ nhớ ơn đức, để làm mô phạm cho trời người, và quyết lòng báo đáp thâm ân Phật bằng cách hoằng pháp, ngõ hầu làm ruộng phước điền cho chúng sanh. Nên biết nhơn đạo lấy huệ làm gốc. Trí huệ lấy phước đức làm nền. Về phương diện nầy, tôn giả A-Nan là tấm gương sáng để cho chúng ta noi theo. Như kinh văn nói: “A-Nan lãnh thọ giáo pháp của Phật, tự mình phụng hành đồng thời truyền bá khắp cho chúng sanh đều nghe”. Chúng sanh nhờ nghe giáo pháp mà biết phương pháp tu hành, phá mê khai ngộ, thoát khổ được vui. Từ trước đến đây đã được giải rõ lý do tại sao kính phụng Phật mà lại có quả báo kiết hung sai biệt rồi. Tiếp theo sau đây, tôn giả A-Nan thưa hỏi Phật về quả báo của tội sát sanh. 



tải về 0.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương