Kinh Anan Vấn Phật Sự Cát Hung ht. Tịnh Không giảng tk. Thích Nhuận Nghi dịch Nguồn


- Phật đáp, phụng Phật mà lại gặp phải điều bất thường



tải về 0.72 Mb.
trang5/18
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.72 Mb.
#30100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

3.- Phật đáp, phụng Phật mà lại gặp phải điều bất thường.


CHÁNH VĂN:

Có người tin phụng Phật mà không chịu tìm minh sư, không nghiên cứu kinh Phật, chỉ thọ giới thôi.

 

LỜI GIẢI:



Đoạn kinh trên đây Phật dạy rằng, người tu học Phật, nhằm lúc Phật đã nhập Niết bàn rồi, mà không biết hoặc biết mà không thiết tha tìm cầu minh sư để nương tựa học hỏi, chỉ biết thọ giới, nhưng không được minh sư hướng dẫn để thấu rõ phương pháp tu tập, như thế thì biết người đó thiếu phước duyên. Bởi vì cách Phật lâu xa, kẻ tà sư thuyết pháp dãy đầy, người học đạo không cẩn trọng trong việc tìm minh sư thì dễ rơi vào lưới của những kẻ ngụy xưng Phật Bồ Tát hiện, kẻ ngụy tăng tu hành, kẻ tà sư tà kiến tà hạnh giăng ra. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật nói: “Chúng sanh thời mạt kiếp cách Phật càng xa, kẻ tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Kẻ tà sư ác hữu không những chỉ dãy đầy mà họ còn dùng đủ phương thuật quỷ kế để mê hoặc khuyến dụ người mê tin theo. Người đời vì tâm chí lợi lộc nông cạn tưởng đó là Phật thánh xuất hiện, nên ùa tin theo. Khi kẻ tà sư kia tổn phước, chú thuật hết linh nghiệm thì hạng người nhẹ dạ sùng bái tin theo kia cũng đã tiêm nhiễm tà niệm sâu nặng tự nhiên biến thành quyến thuốc của kẻ tà sư rồi. Lại có kẻ tà sư ma đạo khác nổi lên tung hoành, từng hồi từng cơn diễn ra như thế ở thời mạt pháp. Như Phật đã đã nói trong kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Trong thời mạt pháp tà ma yêu quái lừng lẫy dãy đầy thế gian, tung hoành tham dâm, sát sanh rượu thịt, ẩn núp dối trá nơi Tăng xá già lam, tự xưng là thiện tri thức, cho minh là bậc thượng nhơn, đạt vô thượng pháp, chứng thánh quả, mê hoặc kẻ vô thức, khiến cho họ lo sợ mất tâm chánh tín, lầm lẫn vào đường tà, gia đình tiêu tán”. Thế nên đức Phật đã thống thiết giảng nói: “Thế nào là giặc? Giặc là kẻ mặc y phục Như Lai, mà thiếu giới hạnh, hành vi khinh nhục Như Lai tạo đủ thứ ác nghiệp danh lợi dục tình mà nói là phụng sự Phật pháp, cung cách chẳng phải là bậc xuất gia tỳ kheo cụ túc giới, tâm hành tiểu thừa, ích kỷ lợi danh, do vậy làm cho vô lượng chúng sanh nhầm lẫn tin theo, đọa địa ngục vô gián”. Đức Phật biết rõ những gì sẽ xảy ra ở đời vị lai sau khi ngài Niết bàn, nên Ngài đã huyền ký rất kỹ trong kinh điển để cho chúng sanh đời sau tránh khỏi tai họa của lưới tà ngụy giăng ra. Ngài đã thống thiết lo âu cho chúng sanh trong thời mạt pháp cách Phật lâu xa không nhiều ma chướng tà mị, nên Ngài từ bi không tiếc lời giảng nói căn dặn để cho chúng sanh biết rằng, nếu tu học Phật mà không tìm minh sư để nương tựa, thì kiến thức chân chánh đạo hạnh thuần tịnh không làm sao có được? Nhất là kẻ sơ cơ phát tâm tu học Phật mà không thận trọng trong việc tìm chân tăng quy y để thân gần học hỏi thì khó mà tránh khỏi lầm lạc, hậu quả oan uổng một đời! Đã biết bao người tin Phật, đã biết bao kẻ có bằng cấp cao tự hào cho mnh là trí thức tin Phật mà vẫn bị ma thuật hấp dẫn cuốn lôi! Cũng có kẻ chẳng cần thọ giới hoặc đã hoàn tục, đắm chìm trong ái dục rồi cũng ngang nhiên cạo đầu mặc áo ta xưng thầy cũng bày trò truyền giới giảng kinh. Tình trạng nầy trong thời mạt pháp dãy đầy tà ngụy như Phật đã huyền ký trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Nên đức Thế Tôn khuyền “cần phải cầu minh sư học đạo thì mới thông lý đạt đạo”.

“Không nghiên cứu kinh Phật”. Người tu học Phật mà không chịu nghiên cứu kinh Phật thì làm sao hiểu được nghĩa lý đức Phật giảng dạy, không hiểu nghĩa lý của Phật giảng thì cho dù mỗi ngày có tụng kinh đến chục lần đi nữa cũng không thể nào “thấu hiểu thâm ý đích thực diệu lý nhiệm mầu của đức Như Lai”. Thấu hiểu nghĩa lý kinh điển Phật dạy, chẳng khác nào như người lữ hành biết rõ đường đi. Thọ trì giới luật Phật chế cũng như chân cất bước đi. Nếu không biết thì làm sao đi? Không có minh sư dẫn giải thì làm sao thông hiểu giáo lý, tu hành đúng phương pháp?

“Chỉ thọ giới mà thôi”. Thọ giới là hình thức bên ngoài, như tại gia thọ trì tam quy và ngũ giới. Xuất gia làm Sa di thọ trì 10 giới. Tỳ kheo thọ trì 250-giới. Bồ Tát thọ trì 58 giới v.v.... Tuy nhiên thọ giới nếu không có bậc minh sư giảng giải thì làm sao hiểu giới? Thọ giới mà đối với giới thể, giới tướng, giới pháp, giới hành, và bốn biệt nghĩa khai, giá, trì, phạm không thông hiểu thì làm sao tu hành đạt đạo chứng quả? Vậy mà vẫn có lắm kẻ thích dùng ngôn ngữ chơi chữ huênh hoang cho rằng Lục tổ Huệ Năng đâu cần học, nhị Bảo là đủ, cần gì phải cầu thầy quy y. lời nói nầy hiển bày tâm ngã mạn tà kiến mà người tu học Phật chân chánh rất kiên kỵ. Trong suốt tam tạng kinh điển Phật chưa từng thuyết giảng và chủ trương Nhị Bảo. Lại có kẻ manh tâm tham nhiều đệ tử cho quy y qua điện thoại, hoặc gặp ai cũng cho bừa pháp danh quy y nhận làm đệ tử. Như vậy là sư bất minh, ngụy sư xem thường Phật pháp cũng thuộc ngã mạng tà kiến xa lìa chánh đạo, không thể nào đạt được cảnh giới kiến tánh Phật tâm. 

CHÁNH VĂN:



Chỉ có được cái danh thọ giới, mà hồ đồ mê muội không tin năng lực của giới, trái phạm giới luật, khi tin khi không, tâm ý do dự. Không có tâm hoan hỷ cung kính kinh điển tượng Phật, nên chẳng thành kính thắp hương đèn lễ bái, lại riêng ôm lòng nghi ngờ, giận hờn mắng nhiếc, ác khẩu đố kỵ người hiền.

 

LỜI GIẢI:



Đoạn kinh trên đây thuyết minh nguyên do tại sao người tu học Phật phụng thờ Phật mà không được quả báo lành thiện. Như văn kinh nói: “Có được cái danh thọ giới mà tâm hồ đồ mê muội không chân thật tha thiết kính tin vào năng lực của giới pháp, hành vi ngôn ngữ trái phạm giới luật, khi tin giới luật, khi lại không tin, tâm ý do dự”. Lời Phật dạy trong đoạn kinh trên đây thật quá rõ. Tức là trên danh nghĩa hình thức thì có thọ giới, có thờ Phật mà kỳ thật thiếu cái tâm chân chánh thành khẩn thiết tha cầu thọ giới, cầu hiểu ý nghĩa của việc thọ giữ giới, năng lực diệu dụng của giới. Như thế danh và thực chẳng đồng. Vì sao? Bởi vì thọ giới mà tâm chẳng thành khẩn thiết tha được giới, không thấy giới pháp là quý giá, loạn tâm vọng tưởng tạp niệm mong được Phật độ mạnh khỏe lợi lộc như ý, nên trí không sáng lòng chẳng tin sâu, tâm trí hồ đồ bực bội, không ý thức mình đang làm gì, cõi lòng không thực sống trong trạng thái thanh tịnh tỉnh giác. Do loạn tưởng tạp ý mê muội hồ đồ che lấp tâm trí, nên thầy bạn giảng dạy ý nghĩa chánh pháp, hướng dẫn chánh đạo không thể nào tiếp nhận lý giải suốt thông, thậm chí lời giảng dạy không đi vào tai thì có đâu sanh khởi chánh tâm chánh tín? Chỉ có tâm thành tha thiết chánh tín thâm sâu đối với giới pháp thì mới có năng lực công đức thành tựu đạo nghiệp. Nếu không đủ tâm thành tha thiết chánh tín thâm sâu dốc chí thực hành thì đạo nghiệp nhất định không thể nào thành tựu được.

Không do thành tâm chánh tín thọ trì giới pháp, nên tâm niệm hành vi thường không phù hợp giới luật. Đối với Phật pháp ý nghĩa rộng lớn thâm sâu, đạo lý luân hồi nhân quả báo ứng, nhất là những giáo lý vi diệu u huyền, những nguyên lý pháp tắc tiếp vật đãi nhơn xử thế qua giới luật mà đức Phật đã dạy chúng ta, thì kẻ thiếu chánh tín chánh niệm thường tỏ ra thái độ khi tin khi không. Có lúc họ cho rằng những gì Phật nói đối với họ thì đại khái qua loa cũng được. Có lúc tâm ý họ do dự không thiết tha tiếp nhận giới pháp Phật chế, hoặc không dám tiếp nhận thọ trì, tất nhiên đưa đến hậu quả hiển nhiên là không thể cảm được năng lực nhiệm mầu của việc giữ giới, không thấu hiểu Phật lý. Nếu không cảm nhận năng lực mầu nhiệm của giới luật, không thấu hiểu giáo lý, cũng không tìm cầu minh sư thân cận cầu học, sống nhàn nhàn nhông nhông tư tưởng long bong không biết chọn phương pháp nào tu hành cho thích hợp, tất nhiên đưa đến hậu quả mê muội phụng hành Phật pháp, như thế gọi là tu mù, dù cho có khổ hạnh muối dưa, kết quả chỉ khổ công lụy kiếp mà chẳng được gì.

“Cũng không có tâm hoan hỷ cung kính kinh điển tượng Phật”. Kinh điển tượng Phật là vật quý báu để cho chúng sanh nương theo đó mà tu hành thánh thiện thân tâm. Đối với kinh điển không có tâm tôn kính quý trọng tức là tự nhiên biểu hiện tâm xem thường, như vậy tâm tánh không nương vào đâu để phát triển đạo đức. Đối trước tượng Phật thắp hương đèn sớm chiều chân tâm chánh niệm lễ bái tụng trì nguyện cầu thành ý phụng hành lời Phật dạy. Đây là hình thức tu học cần thiết đương nhiên không thể bỏ, nhưng qua đó điều tối quan trọng là thành tâm thực hành. Thắp sáng nhang đèn là mang ý nghĩa nhắc nhở khiến cho hành giả thắp sáng cái tâm quang minh, bừng cháy đèn trí huệ, nung đúc lòng thành tin. Ý nghĩa lễ lạy là dạy chúng ta diệt trừ ngã mạn, phát khởi tâm cung kính tất cả thánh hiền, người vật. Kính người thì người kính ta. Thương người thì người thương ta. Tâm kính người mà còn lợi ích như thế huống nữa là tâm kính Thánh hiền thì được lợi ích biết là chừng nào. Suy ra thì rõ. Nếu tu hành mà không có tâm kính người thương vật, không chánh tâm tin sâu lời Phật dạy, không đem hết lòng dạ thành tâm khẩn thiết tinh tấn hành trì theo giới pháp, mà chỉ hình thức ngoài thân, không cố gắng diệt trừ tham sân si từ nội tâm, thì cho dù ngày ngày có thắp đèn nhang tụng kin lễ bái cũng chẳng hơn gì người không tin Phật pháp, không biết thắp đèn nhang lễ bái, mà biết tội phước làm lành lãnh dữ.

“Riêng ôm lòng nghi ngờ”. Bởi không thấu hiểu giáo lý, không tìm minh sư chỉ giáo để học hỏi, sự lý tu hành không thông, nên mãi ôm lòng nghi ngờ. Đối với các tập khí bất lương, tật hư thói xấu đã huân tập từ trước không thể cải đổi đoạn trừ, như tánh ưa giận hờn, mắng nhiếc, ác khẩu, tự ái v.v.... Người xưa có câu: “Dao bén cắt thân thể dễ lành; lời ác hại người, hận khó tiêu”. Mang tâm đố kỵ người hiền làm việc thiện, xuyên tạc người tu hành chân chánh không biết chiêu đãi a dua nghe theo mình, như thế thì làm sao gọi là Phật tử, là tu học Phật, và làm sao có thể tránh được quả báo ác?

 

CHÁNH VĂN:



Lại chẳng thực hành lục trai, ham thích sát sanh. Không tôn kính Phật, để kinh Phật chung lộn với áo quần vật bẩn thỉu; hoặc để kinh Phật chỗ bất tịnh giường ghế của vợ con; hoặc treo vắt trên ghế trên phên vách, không có tâm cung kính làm kệ tủ để kinh sách, xem thờ kinh Phật như kinh sách thế gian không khác.

 

LỜI GIẢI:



Là đệ tử Phật điều tối cần yếu là phải tu tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh và tâm từ bi. Nếu không thể thực hành mỗi ngày tu thì ít ra cũng nên mỗi tháng tập tu sáu ngày, gọi là lục trai. Những ngày lục trai tính theo âm lịch là mùng 1, 8, 14, rằm, 23, 30 (nếu tháng thiếu thì 29). Những ngày này nên tu trì giới, tụng kinh, niệm Phật, sám hối để bồi dưỡng tâm tánh thuần từ thanh tịnh quang minh. Trước đây chúng ta sống trong thời đại nông nghiệp quân chủ có đủ thời gian sống với năm tháng thanh nhàn thưởng thức bình minh tĩnh mát, trăm rằm sáng soi. Ngày nay chúng ta sống trong thời đại kỹ nghệ dân chủ, mọi ý thức, sinh hoạt đều biến đổi, con người bị thời gian kéo lôi chạy theo máy móc mệt lả, thân tâm rã rời, nên phương thức tu bồi tâm tánh cũng theo đó biến đổi, tốt nhất mỗi tuần nên tịnh tâm trai giới là phương pháp lợi ích thực tế làm cho thân tâm khang kiện, thọ mạng dài lâu, phước huệ tăng trưởng.

“Ham thích sát sanh” phát khởi từ lòng tham dục, sân hận, ích kỷ, ngu si v.v... Những thứ phiền não độc hại nầy xúc tác phát khởi tâm động niệm thúc đẩy làm việc sát hại chúng sanh. Sát sanh là điều Phật giáo tuyệt đối ngăn cấm, vì như thế là hủy hoại tâm từ bi thanh tịnh, mắc phải quả báo oán cừu vay trả rất nặng.

Phàm người biết đọc sách mà biết quý trọng kinh sách, quý trọng kinh sách như quý trọng thánh hiền. Đệ tử Phật kính quý Pháp bảo như kính quý Phật. Người đã có tâm thuần chân với đạo thì tất nhiên kính quý kinh sách Phật tượng hơn cả thân mạng của mình. Vì sao, bởi vì kinh Phật là mực thước là phương pháp mà chúng sanh y nương theo đó hành trì, từ đó được tu chánh hành vi, phát huy phước huệ, thể nhập tri kiến, tiến gần đến quả vị giác ngộ giải thoát.

Người không có tâm quý kính kinh Phật thì không phải là người tu học Phật. Cũng như người không quý sách thì không phải là chân chánh đọc sách. Đem Phật kinh để chung với áo quần, hoặc đồ vật hư rách bất tịnh, hoặc bỏ bừa bãi trên giường ghế nền nhà, hoặc bạ đâu để đấy không có chỗ cao sạch, như thế là thiếu hẳn lòng kính quý kinh điển. Khách đến nhà mà còn phải có chỗ để khách ngồi, tỏ lòng quý khách. Đối kinh sách Phật, chúng ta lại càng phải đặc biệt có tủ hoặc kệ để kinh. Đó cũng là cách thể hiện lòng cung kính Pháp bảo. Không có chỗ đặc biệt để kinh sách Phật là mặc nhiên xem kinh sách Phật đồng như những sách báo khác, bạ đâu để đó thì rõ ràng hiển lộ tâm bất kính bất chánh bất cẩn, tự xem thường việc học đạo tu chứng. Người học Phật mà xem thường kinh sách Phật, tức là xem thường việc tu chứng giác ngộ giải thoát thì còn gì gọi là học đạo giải thoát? 

CHÁNH VĂN:

Nếu khi bệnh tật, tự mình không tin tiền nhân nghiệp quả lại cầu hỏi thầy bói thầy phù thủy làm sớ văn cúng tấu để mong giải trừ. Thờ tà thần thì thiện thần xa lánh không còn hộ trì, do đây mà yêu tinh quỷ mị ngày một đến thêm nhiều, ác quỷ tụ tập nơi cửa khiến cho suy kiệt tổn hao, sở cầu không được tốt, hoặc mới vừa từ trong ác đạo ra được làm người, tuy là đời nay làm người, nhưng vẫn là người còn mang nặng tập khí tội lỗi. Hạng người như thế không phải đích thực là Phật tử. 

LỜI GIẢI:

Đây là đoạn kinh thứ bốn Phật nói duyên do người tu học Phật mà lại không được quả báo tốt.

Đã mang thân người thì không ai tránh khỏi tật bệnh. Tôn chỉ Phật pháp là phá trừ mê tín, khai phát trí huệ. Nếu có bịnh thì nên chuyên tâm điều trị hợp tác với thầy thuốc để sớm được lành mạnh. Tốt hơn nữa, nên đem tâm thanh tịnh thành tín niệm danh hiệu Phật Bồ Tát thì sẽ được thần lực gia hộ bất khả tư nghì. Điều nầy thuộc tâm lý an lành. Y cứ học lý thâm sâu, niềm tin kiên cố, đạo tâm vững bền thì việc cầu Phật lực gia hộ chẳng phải là điều mê tín. Tất cả bịnh hoạn tai nạn đều do nghiệp quả bất thành. Thân miệng ý đã tạo nghiệp thì cũng phải dùng thân miệng ý tu chánh để dứt trừ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chúng sanh vốn tạo các vọng nghiệp, đều do vô thỉ tham sân si, từ thân miệng ý mà sanh ra, chúng sanh phải nên tu sám hối”. Kinh cũng nói: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám hối. Tâm dã thanh tịnh rồi thì tội liền tiêu”. Nếu không tin lời Phật khuyên dạy, lại đi tin quỷ thần, cầu thầy bùa thầy pháp bói toán đồng bóng, thì đấy là kết duyên với tà thần ác quỷ. Bởi vì tà sư phù thủy là hạng người thiếu tâm đức, mong được lợi lộc, thờ bái quỷ thần bói quẻ tấu sớ để trị bệnh nhơn, còn cúng bái thì tà thần ác quỷ còn giúp họ, hết cúng bái tà thần ác quỷ lại giận dữ phá hoại. Như thế mãi mãi có bệnh. Để mãi mãi được cúng bái. Cúng tế tà thần ác quỷ để hầu được giúp đỡ nào có khác gì làm việc hối lộ. Khổng Tử nói: “Chẳng nên cúng tế loài quỷ, vì đó là việc làm siểm nịnh”. Kinh Phật dạy: “Quy y Phật, vĩnh viễn không quy y thiên thần quỷ vật”. Đủ thấy các bậc Thánh triết tiên hiền có sự nhận thức tương đồng. Là đệ tử Phật đối với quỷ thần nên khởi tâm kính nhưng xa lánh đó. Cổ đức có dạy: “Kính nhi viễn chi”. Mỗi khi đi ngang qua miếu thờ thần hay gốc cây đại thọ nên chú nguyện: “Mong nguyện tôn thần phát tâm cầu thoát ly thế gian, không nên tiếp tục hưởng máu thịt, nên một lòng niệm Phật A-Di-Đà cầu sanh Tịnh độ, sớm thành Phật đạo, phổ độ chúng sanh”. Như thế là khởi tâm từ bi thuyết pháp khuyến hóa quỷ thần hướng thiện, điều nầy người tu học Phật phải nhớ thực hành. Nếu khẩn cầu thân gần thần quỷ thì đương nhiên xa lánh Phật thánh, tự nhiên phải bội lời phát nguyện khi phát tâm quy y Tam Bảo: “Đệ tử quy y Phật nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y thiên thần quỷ vật”.

Đối với những người không tin lời Phật giảng, không y theo lời Phật day mà tu hành, đức Phật nói: “Những người như thế là những người mới từ trong đường ác vừa được sanh làm người, tâm chất còn nặng tà kiến, ác nghiệp không thể tiếp nhận chánh kiến thiện nghiệp, chẳng khác nào đứa trẻ mới sanh không thể mở mắt tiếp nhận ánh sáng mặt trời, không thể nào nhận lãnh những lời khuyên dạy. Trường hợp những người như thế, nếu tự biết, hoặc nhờ bậc minh sư chỉ đạo, cần phải nổ lực cầu giới pháp để trừ tập khí xấu ác, bồi dưỡng huân tập điều lành thiện thì sẽ được quả báo trừ mê mở ngộ, dứt khổ được vui.

Đức Phật nói những chúng sanh mới ra khỏi đường ác vừa được làm người thì nghiệp ác tập khí vẫn còn sâu nặng, vẫn là kẻ còn nghiệp bất thiện. Những chúng sanh tập khí ác còn quá sâu nặng thì cho dù có được quy y thọ ngũ giới hoặc giả xuất gia đi nữa, nhưng do còn khí chất tà kiến ác tập nặng nề, tuy danh nghĩa là đệ tử Phật mà kỳ thực chưa tương xứng.

Những lời đức Phật dạy trên đây dủ cho ta thấy rằng, những người hiện đời không chân chánh thành tâm tu học Phật, lại tin theo tà sư ma thuật, nên chuốc lấy quả báo tiêu hao suy thoái, đưa đến sự việc bất như ý và liên lụy đến đời sau sẽ còn phải chịu quả báo khủng khiếp. 

CHÁNH VĂN:



Khi chết phải đọa vào địa ngục chịu các hình phạt tra khảo đau đớn, bởi do tà tâm gây tạo tội ác quả hiện đời suy thoái tiêu hao, đời sau lại còn phải chịu bao điều oan ương hoạn nạn, chết đọa vào đường ác luân chuyển chịu thống khổ khốc liệt không lời nào tả cho hết. Quả báo khổ đau như vậy đều do tâm niệm hành vi bất thiện đời trước và đời nầy tích tụ ác nghiệp mà hình thành.

 

LỜI GIẢI:



Đoạn kinh trên đây đức Phật giảng cho chúng ta biết về quả báo của kẻ mê tín tu mù tạp tin theo tà sư bạn ác, không y theo giáo pháp tu hành. Đức Phật cặn kẻ giảng dạy sự thật của chân lý nhân quả của quả báo hoạt hiện trong ba đời. Điều nầy Phật giảng nói hết sức rõ ràng đáng để cho chúng ta nghiên cứu suy nghiệm hầu thấu triệt cùng tận chân tướng vũ trụ nhơn sanh, từ đó phát tâm tu tĩnh để thoát khỏi vòng quanh nổi chìm trong vòng lục đạo quả báo.

Đời nay tạo nghiệp nhân gì thì đời sau, khi nhân duyên thuần thục đầy đủ nhất định hiện hành thọ quả báo, mảy may không sai sót. Như trước đã nói, kẻ mượn danh nghĩa Phật tử dù là xuất gia hay tại gia mà tà tri kiến, kết giao với ngoại đạo, theo tà sư ác hữu mê tín quỷ thần, thì không chỉ đời nầy chịu quả báo xấu ác mà còn tiếp nối những đời kế tiếp, sau khi chết phải liên tục chịu khổ báo trong địa ngục rồi ngạ quỷ súc sanh. Bởi do mê chấp dẫn đến mê tín tà hạnh, ngã chấp dẫn đến ngã mạn, ngã ái, ngã si, nên không nghe lời thiện tri thức khuyên can, mà dẫn đến hành xử sai lạc chánh pháp, tất nhiên phải nhận lấy quả báo bất thiện hiện đời và đời sau. Thế nên đức Phật nói: “Hiện đời suy thoái tiêu hao, đời sau lại chịu oan ương hoạn nạn, chết đọa vào đường ác luân chuyển chịu thống khổ khốc liệt không lời nào tả cho xiết”. Những lời Phật dạy trên đây đều nói về quả báo khổ đau hiện đời và đời sau, căn nguyên của nó là do “gây tạo tích tụ nhiều ác nghiệp từ tâm niệm hành vi bất thiện”. Những lời khuyên dạy thống thiết nầy phát xuất từ đáy lòng từ bi bằng trí tuệ giác ngộ của đức Thế Tôn đủ để cho chúng ta phản tỉnh quán chiếu thân tâm, dừng bước trên con đường lầm lạc đọa đày. Tiếp đến dưới đây, đức Phật đặc biệt khai đạo cho chúng ta tu học Phật pháp tất phải phá trừ chấp trước mê tín. 




tải về 0.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương