Kinh Anan Vấn Phật Sự Cát Hung ht. Tịnh Không giảng tk. Thích Nhuận Nghi dịch Nguồn


- Phật đáp, phụng Phật được cát tường



tải về 0.72 Mb.
trang4/18
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.72 Mb.
#30100
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

2.- Phật đáp, phụng Phật được cát tường.


CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-Nan: “Có người phụng sự Phật, theo bậc minh sư thọ giới, tin tưởng, tinh chuyên hành trì không phạm, tinh tiến phụng hành giáo pháp, không thối thất điều đã lãnh thọ. 

LỜI GIẢI:

Trên đây lời Đức Phật giải đáp câu hỏi của A-Nan về việc tu học thì được quả báo tốt lành. Muốn được quả báo tốt lành thì trước nhất phải theo bậc minh sư cầu thọ giới tu học. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nầy Thiện nam-tử, nếu muốn thành tựu nhứt-thiết-trí thì nên quyết phải tìm cầu học hỏi nơi bậc chân thiện-tri-thức, chớ nên sanh tâm giải đãi mỏi mệt, cũng không nên sanh lòng nhàm chán, hoặc tự cho mình là đầy đủ, mà thảy đều phải hết lòng tùy thuận, cũng đừng thấy chỗ thiếu sót lỗi lầm của thiện-tri-thức. Lúc đó Thiện Tài đồng tử một lòng nghi nhớ, nương thiện-tri-thức, kính thiện-tri-thức đối với thiện-tri-thức khởi lòng nghĩ tưởng như bậc mẹ hiền, được nghe pháp rồi thì khởi tâm vui mừng không xiết kể”. Do đây có thể biết được rằng, thế gian cũng như xuất thế gian việc cầu học đều xem trọng ở việc phụng hành lời Phật dạy.

Đạo thầy trò mà còn được giữ gìn vững chắc thì trên đời nầy còn nhiều người lành thiện. Người lành thiện nhiều thì quốc gia được thạnh trị, thiên hạ thái bình! Là đệ tử Phật, nếu chánh tâm chân thành phụng hành lời Phật dạy thì đời mình được an lành, đạo pháp ngày một thêm hưng thạnh, ảnh hưởng sâu xa đến quốc gia xã hội được thanh bình lợi lạc.

“Theo bậc minh sư thọ giới cầu học”. Được gọi là minh sư thì người đó phải là bậc có kiến thức đạo hạnh vững chắc, nhân đó đồ đệ tin theo thân gần để tiếp thọ kiến thức đạo hạnh của minh sư. Nên bậc minh sư còn được xưng là chân thiện-tri-thức. Ông Âu-Dương-Cảnh-Vô nói: “Bậc thầy là lấy tri kiến và đạo hạnh làm thể, chứ không lấy thành quả hoặc chỉ lấy nghi thức làm thể”. Kinh Pháp-Hoa nói: “Các Đức Phật Thế Tôn vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Đại sự nhân duyên chính là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Kinh Niết Bàn, kinh Du già, kinh Thủ Lăng Nghiêm đều chủ trương tri kiến. Tri là thấu suốt chân tướng các pháp không còn chướng ngại chân lý vạn hữu. Kiến là kiến tánh. Thấy rõ tự tánh chân tâm không còn mê lầm. Vậy tri kiến là thấu suốt chân lý vũ trụ, thể nhập tự tánh chân tâm. Thế nên “tri kiến” là thầy của trời người. Phật giáo là nền tảng căn bản trí đức duy nhất của thiên nhơn. Phật giáo là chánh kiến chánh tri, không lụy vì mê tín, không thiên lệch vì tình cảm, nên gọi là vi diệu pháp.

“Minh sư” là chỉ cho người thông đạt trọn vẹn chân lý của tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian không còn trở ngại, phẩm hạnh học vấn kiêm ưu, thật tu thật chứng song toàn. Đức Phật dạy chúng ta học Phật nên tìm cầu minh sư. Nhưng thật ra, nói cho cùng thì minh sư có thể gặp, nhưng không thể cầu. Bởi vì nếu đời trước vụng tu, phước đức yếu kém, khiếm khuyết nhân duyên lành thiện thì khó mà tìm gặp minh sư. Dù minh sư ở bên cạnh nhà, nếu là tà tâm thì cũng không tiếp nhận được pháp nhủ giáo hóa của minh sư. Cũng như kẻ nhiều nghiệp chướng, dù nhà ở sát cạnh chùa cũng vẫn không bước đến chùa lạy Phật nghe pháp. Do đó mà nói minh sư có thể gặp mà không thể cầu. Nói cách khác có thể thấy chùa, nhưng lại bước vào chùa lễ Phật nghe pháp thì không thể làm được. Nếu như không gặp được minh sư mà bất đắc dĩ phải cầu hạng minh sư thứ yếu kém thiếu tri kiến đức hạnh, thì điều căn bản phải cầu vị thầy có chánh tri chánh kiến, có khả năng giảng giải lời của bậc thánh nhơn, khiến cho đồ đệ có thể hiểu biết lãnh thọ được, như thế mới nên tin phụng làm thầy. Kinh nói rằng: “Y pháp bất y nhơn, tuyết sơn nửa bài kệ, La Sát có thể sư”. Chỉ có bậc minh sư thấu đạt các pháp thế gian và xuất thế gian mới không sai phương hướng, mới không đưa chúng ta vào nẻo tà. Nhất là đối với người mới phát tâm vào cửa Phật, trước mặt lắm kẻ tự xưng là thầy, đời nầy không thiếu kẻ tự cho mình đã chứng đắc, nên khó tránh mắc phải tà sư ngụy thánh hư danh lợi dưỡng. Do vậy thường đưa đến tình trạng kẻ sơ phát tâm học đạo lúc ban đầu không may mắn gặp được minh sư, nếu sau nầy có gặp được chân thiện-tri-thức cũng không dễ gì dứt sạch định kiến lúc ban đầu để cải đổi phương hướng. Đây là vấn đề trọng đại đối với người mới phát tâm học Phật phải hết sức cẩn trọng lưu tâm. Với người mới phát khởi tâm chí học Phật cầu tiến phải thận trọng chọn thầy, tìm thiện-tri-thức thì đạo nghiệp mới mong thành tựu viên mãn.

“Thọ giới” là đệ tử tiếp nhận lời giáo huấn của thầy bằng giới luật Phật chế. Giới bao hàm ý nghĩa học vấn dung hội thể hiện ở nơi thân tâm sinh hoạt. Thế nên đích thực tinh thần của chữ “học” là thâm nhập và thể hiện, tri hành tương xứng. Học vấn được thể hiện sinh hoạt, sinh hoạt tức là học vấn, giáo dục tri hành hợp nhất, tu học lý sự viên dung. Do đó, học Phật cần phải thân cận bậc thầy thông đạt sự lý, có kiến thức tu dưỡng, thật tu thật chứng, biện tài đạo hạnh, đồ đệ mới có thể từ đó tiếp thọ giáo huấn hướng đạo, y giáo phụng hành.

“Tinh chuyên tin tưởng không phạm, tinh tiến phụng hành giáo pháp, không thối thất điều đã lãnh thọ”. Ba câu nầy giảng về đạo lý kính tin vâng lời thầy. Đã kính tin thì tâm phải chân thành, ý phải trung thực, không khúc mắc trái phạm, chuyên cần phục vụ dù phải tan thân mất mạng cũng không nệ hà. Vì cầu học tiến thân, vì tăng trưởng giới thân huệ mạng, nên người đệ tử đối với bậc thầy phải sanh tâm kính trọng, trong tinh thần tôn sư trọng đạo, đạo thầy trò là đạo căn bản con người, sư đạo là Phật đạo. Lời dạy của bậc thầy, đạo lý trong kinh điển đều là phương pháp tu hành, nếu học trò chuyên tâm thực hành theo không trái phạm thì đạo hạnh trí đức sẽ như thầy. Một lòng tin tưởng không nghi ngờ gọi là tinh chuyên tín kính. Không trái phạm lời giáo huấn của thầy gọi là không phạm. Tìm cầu minh sư, thân gần thiện-tri-thức với tâm chí chân thành như vậy mới thật sự gọi là thái độ tu học chân chánh. Cư sĩ Đường Đại Viên nói: Đạo Phật dạy người trước cầu đạt căn bản trí, vô tướng không phân biệt, sau cầu hậu đắc trí có khả năng phân biệt suốt thông tất cả pháp. Cũng như phương pháp giáo dục của Trung Hoa ngày xưa dạy trẻ con học kinh, trước chỉ cần học thuộc lòng, sau giảng giải mới thấu hiểu thâm sâu, về lâu về dài tự nhiên khai ngộ, đó là tư tưởng nhất quán của văn hóa Đông phương. Học Phật cũng nên đọc tụng thuộc lòng kinh luận, mới đầu chẳng cần cầu hiểu liền hiểu sâu, tức là cầu căn bản trí. Khi đã thuộc lào kinh điển, một ngày nào đó tự nhiên thấm sâu vào tim óc sanh đắc kỳ diệu, do thường hằng nghe điều thuộc lòng mà sanh tư duy, tư duy là cách tu nhiếp niệm điều phục tâm vào một mục đích tu huệ, là phương cách của văn tư tu, đưa đến đạt hậu đắc trí. Lấy đây để so sánh thì triết lý sống của Đông phương không vội cầu liễu giải, mà cầu bồi dưỡng căn bản trí, nên mất đi tác dụng hậu đắc trí. Âu Dương Tu cũng nói: “Hạng người cho rằng kinh điển thánh hiền nghĩa lý thâm sâu không thích hợp với tuổi trẻ sơ học, nên bỏ đi đừng học thuộc lòng, điều nầy thật là nông nổi! Đây cũng là mầm mống đen tối là hư hỏng học phong, thật chết đi được! Cái học không còn sinh khí nữa vậy!”.

“Tinh tấn phụng hành tinh chuyên tin tưởng không phạm” là tinh thuần chuyên nhất ngày đêm tinh tấn không ngừng, nhờ vậy mà khắc phục loạn tâm nhụt chí để tiến thủ từng giờ từng khắc, ngày hôm nay hơn ngày hôm qua, giờ này hơn giờ trước, dõng mãnh tiến lên không thối chuyển. Đây đích thực là phương pháp của người tu học theo minh sư để được như ý của bậc thầy, và mãn nguyện tâm chí học đạo của mình. Kinh điển là giáo tài của Phật pháp thuyết minh chân lý vũ trụ vạn pháp, trình bày cội nguồn của thực tế nhơn sanh, luôn luôn sinh động, có đầy đủ tính chất siêu việt thời gian và không gian. Phật pháp là nguyên lý nguyên tắc bất biến, dù ở thời gian hoàn cảnh nào. Bởi giáo lý đạo Phật mang tính chất duy nhất vĩnh hằng bất biến mới vẫn có thể trải bao ngàn năm vẫn hiệu năng đại dụng không lường, nên gọi là tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Về điểm nầy, chúng ta có thể chứng thật qua lịch sử lưu truyền Phật pháp. Bằng chứng như trong cùng một bộ kinh thuyết minh chân lý duy nhất, nhưng sự giải thích tất nhiên có mang tính chất thời đại, chúng sanh mới có thể lãnh hội, mới thâu hoạch lợi ích. Đây chính là căn bản trí bất biến, mà hậu đắc trí thì tùy thuận chúng sanh, các thứ duyên để được đại dụng vô biên, rộng sâu vô lượng. Tuy vậy, cũng không trái lệch với kinh điển, với lời Phật dạy. Đây chính là ý nghĩa tinh tấn “nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân”. - Mỗi ngày tinh tấn không ngừng, mỗi ngày đều mới, hôm nay mới hơn hôm qua. Tuy mới mà không mất gốc cũ. - Tùy duyên nhưng bất biến. Thích nghi căn cơ thời đại mà không ngoài chân lý chánh pháp, nên gọi Phật pháp là khế cơ, khế lý. Nhưng điều đáng lưu ý là, không phải học thuộc lòng kinh điển rồi dính mắc trong kinh điển như cái đảy đựng sách. Người học thuộc kinh điển không phải chỉ để nói lào thông, tụng kinh không cần quyển, không phải để người khen thưởng, mà mục đích của học thuộc lòng để suy tư lời kinh quán chiếu lại tâm tánh hành vi của minh, từ đó sửa đổi cải thiện tinh tiến thánh thiện thân tâm mới là thâm nhập kinh tạng. Người học Phật phải thức thời, phải tinh tiến, phải thích hợp với thời đại để hướng dẫn chúng sanh của thời đại. Có tâm chí tinh tiến phụng hành lời dạy của minh sư thì tự nhiên đối với đạo nghiệp học vấn tiến bộ lâu dài, không mắc phải bịnh năng thuyết bất năng hành, tránh khỏi rơi vào cố chấp lỗi thời lạc hậu. Không ý htức điều nầy thì tu lâu mà ngày một thêm xa lý đạo mất đường vào bảo tháp kiến tánh. Điều thiết yếu mà người tu học Phật không thể thiếu đó là thanh tâm thanh tịnh lễ bái cúng dường trai giới. 

CHÁNH VĂN:



Hình tượng Phật phải trang nghiêm tốt đẹp, sáng chiều thành tâm lễ bái, cung kính thắp đèn nến, thanh tịnh bố thí được phước báo an lạc, hành vi không trái với lời Phật dạy, trì trai giữ giới không gián đoạn, không mỏi mệt, như thế lòng mới được an vui. 

LỜI GIẢI:

Thờ hình tượng Phật tốt đẹp trang nghiêm là biểu hiện lòng thành kính. Cúng dường lễ bái hình tượng Phật không phải là một hình thức mê tín làm là thể hiện nghệ thuật tối cao về giáo học, thể hiện lòng thiết tha về tâm thành hướng thượng chân thiện mỹ. Phật, Bồ Tát vô số, nhưng không phải là phiếm thần giáo, mà là tiêu biểu cho tự tánh của chính mình có vô tận đức năng, nên thờ cúng lễ lạy Phật tượng chính là khai triển khả năng Phật tánh, thánh thiện tâm linh. Hình tượng Phật, danh hiệu Phật là tiêu biểu cho “quả địa” tánh đức. Hình tượng Bồ Tát, danh hiệu Bồ Tát là tiêu biểu cho “nhân địa” tu đức. Kính lễ Phật và Bồ Tát mang ý nghĩa kính trọng hai đức tánh đó. Nói cách khác, kính lễ Phật, Bồ Tát hàm dưỡng ý nghĩa tự trọng tự tánh, trang nghiêm đức tánh, tự cường khả năng của chính mình. Cũng như danh hiệu Thích-Ca Mâu-Ni. Thích-Ca nghĩa là năng nhân, tức bên noài thì khả năng thể hiện tất cả việc nhân từ đức hạnh. Mâu-Ni nghĩa là tịnh mặc, tức bên trong thì hàm dưỡng đầy đủ đức tánh thanh tịnh giải thoát. Cũng như danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát có nghĩa là đại địa tàng chứa tài nguyên quý báu, mà ý nghĩa sâu xa của tánh đức và tu đức là hiếu đạo. Đạo hiếu là tiêu biểu căn bản cho muôn vạn điều lành. Điều lành là đặc tánh căn bản của tu đức. Muốn đạt thành tu đức thì trước nhất phải khởi đi từ đạo hiếu. Ngoài ra như danh hiệu Văn Thù là tiêu biểu cho đức tánh trí huệ. Quán Âm tiêu biểu cho đức tánh đại từ bi. Di Lặc tiêu biểu cho đức tánh đại từ nhẫn nhục. Phổ Hiền tiêu biểu cho đức tánh thệ nguyện chuyên chở tu đức rộng lớn v.v... Trong Phật Pháp cho người tu học Phật có cơ duyên mắt thấy Phật tượng, tai nghe danh hiệu Phật, từ đó làm duyên có thể phát tâm khai triển tánh đức và tu đức, phát khởi ý chí hướng thượng thờ kính lễ hình tượng Phật Bồ Tát với tinh thần hướng thượng, với tâm chí cầu tiến thánh thiện mang ý nghĩa thâm thúy như vậy thì có thể gọi là mê tín ư?

Huống nữa Đức Phật Thích-Ca là bậc Thầy khai sáng đạo, Bồ Tát là những vị hiền thánh, đạo lý hành vi của các Ngài trải đã mấy ngàn năm chẳng những chưa mảy may tỏ ra lỗi thời lạc hậu mà còn làm ánh sáng chỉ nam cho những công trình phát minh của nhơn loại nhẹ bớt tăm tối khổ đau, nên sự thờ phụng cúng dường kính lễ hình tượng Phật Bồ Tát chính là cách dạy người thuần tâm thành ý, chánh kiến chân học tín tu. Người có tâm kính hiền trọng đức thì tất nhiên thích làm việc lành, tạo hạnh phúc cho xã hội, giúp đỡ mọi người. Thờ tượng Phật Bồ Tát phải tốt đẹp trang nghiêm tức là hàm dưỡng ý nghĩa chánh tâm thành kính luôn luôn giữ lòng thanh tịnh, hành nghi đoan trang, tinh tấn tu tập, khai triển thiện tâm thanh cao nhơn cách như Phật và Bồ Tát. Có kẻ cho rằng thờ lạy Phật tượng là việc làm mê tín, là cách thờ lạy ngẫu tượng. Do tâm tà ý lệch như thế nên đưa đến quan niệm không cúng bái ông bà tổ tiên, không ăn đồ cúng cha mẹ. Điều nầy đầu độc đưa đến ý niệm vong ân bội nghĩa bậc sanh thành dưỡng dục, người ân đức giúp đỡ mình. Xa hơn nữa là vong bản quốc gia, mất nguồn dân tộc. Hằng ngày chào cờ. Biết bao anh hùng đã hy sinh dưới bóng cờ. Cũng biết bao anh hùng đã thành công dưới bóng cờ tổ quốc. Vậy chào cờ cũng là ngẫu tượng mê tín ư? Nên thánh hiền Đông phương nói: Hiếu là đầu trong muôn hạnh lành.

“Sáng chiều thành tâm lễ bái”. Đây là phương pháp tu thân. Bởi thân thì thường thích ăn ham ngủ đắm trong dục lạc hưởng thụ, buông lung phóng túng không thích khép mình theo phép tắc luật nghi, nên phải dùng đến phương pháp lễ Phật chuyên cần để từ đó có thể ngăn chữa bệnh giải đãi, giảm trừ dần thói hư tật xấu của thân.

“Cung kính đốt đèn” là một cách của phương pháp tu tâm. Tâm u tối mê mờ thích làm những chuyện ích kỷ lợi mình hại người, do tham sân si ám muội tạo nên những điều phiền lụy khổ đau cho người khác để thỏa mãn dục vọng phàm tục của mình. Thành tâm cung kính đốt đèn cúng Phật, soi sáng hình tượng Phật, thấy rõ tướng hảo trang nghiêm để từ đó đèn Phật huệ soi sáng đến tận thâm sâu tăm tối của tâm hồn. Sáng chiều là ý nói thời khóa tu niệm sáng chiều nhất định. Người tu học Phật phải có thời khóa tu nhất định để nhiếp phục thân tâm, nhiếp niệm quán chiếu, không thể khi vui thì tụng kinh niệm Phật, khi buồn thì nghỉ hay hay khi buồn thì tìm đến Phật, niệm Phật tụng kinh cầu nguyện, khi được an vui lại thôi. Người tu học Phật phải phát tâm lập nguyện, không thể xu hướng tùy thời, khi rảnh khi khỏe thì tọa thiền niệm Phật, khi bận khi mệt thì thôi, hoặc ngược lại.

Lễ bái là phương cách thúc liễm thân buông lung, để nhiếp niệm an định, điều tâm cung kính, dẹp trừ ngã mạn. Lễ bái còn là phương pháp làm cho thân tinh tấn không u trệ biến lười giải đãi, làm cho tâm tỉnh thức không cho tâm hồn trầm mê muội. Phương pháp lễ bái của nhà Phật là y cứ vào nguyên lý của pháp tu thiền định, tức là động tĩnh nhiếp niệm không hai. Ngoài ra lễ bái còn là phương pháp dưỡng sanh tốt nhất cho thân thể tráng kiện, tâm trí tỉnh sáng. Nếu mỗi buổi sáng hành giả phát nguyện thực hành lễ sám hồng danh thì nhất định thân tâm cường tráng trong sáng. Xưa nay những người nhập thất tịnh tu đúng phương pháp, sau thời gian tu thất viên mãn, họ đạt được kết quả huy hoàng là thân thể tráng kiện, tâm trí minh mẫn, tinh thần định tỉnh. Đây là diệu lý tu dưỡng vi diệu của nhà Phật, xin hành giả tu học Phật lưu ý chớ nên đem tâm hiếu kỳ truy cầu phương pháp nào khác lạ viển vông mà lãng phí thời gian uổng công vô ích.

Chính đức Phổ-Hiền Bồ Tát cũng đã tu phương pháp lễ lạy. Đại nguyện thứ nhứt của Ngài hành trì là: “Nhứt giả lễ kính chư Phật”.

Tu phương pháp lạy sám hối tuy đơn giản mà hiệu quả thúc liễm ba nghiệp thân khẩu ý, kết quả tâm trí thanh tịnh, thân thể giảm thiểu bệnh hoạn, ác nghiệp ít sanh, tinh thần cường tráng, cuộc sống trở nên an lạc, vậy mà được mấy người thực hành? Đời nay có kẻ chẳng rõ lý lẽ thâm sâu của phương pháp lễ bái sám hối có hiệu năng tối vi diệu làm cho thân cường tráng, tâm trí trong sáng thanh tịnh, nên vội buông lời chê pháp tu nầy là tầm thường của kẻ hạ căn, cho nên chỉ có pháp tu thiền, tu mật mới thật là thượng căn mau chứng. Họ đâu có biết đến các vị Bồ Tát Phổ-Hiền, Quán-Âm, Di-Lặc, Văn-Thù còn phải tu pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Tổ thiền thứ 14 là ngài Long-Thọ bỏ Thiền tu Tịnh độ và viết luận Đại-Trí-Độ, luận Tỳ-Bà-Sa để xương minh pháp môn Tịnh độ. Tổ Mã-Minh trước tác Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Tát Vô-Trước làm Vãng Sanh Luận cũng để xương minh pháp môn Tịnh độ niệm Phật, lễ Sám Hối Hồng Danh. Thiền và mật thì gồm cho cả Đại Thừa và Tiểu Thừa. Nhưng pháp môn Tịnh độ chỉ có hành giả Đại Thừa mới có thể tiếp nhận. Nên kinh A-Di-Đà đức Phật nói: “Nan tín chi pháp”. Pháp khó tin. Tức là pháp môn Tịnh độ niệm Phật, bái sám nầy chúng sanh khó tin, khó thực hành. Do đó, có lắm người xem thường pháp môn hiệu năng vi diệu nầy. Phật đã biết rõ và huyền ký pháp môn Tịnh độ là “nan tín chi pháp”.

“Thắp đèn là phương pháp tu tập”. Đèn tiêu biểu cho sáng tỏ, trí tuệ và nhiệt năng. Nói cách khác, đốt đèn cúng Phật là hàm dưỡng ý nghĩa tiêu biểu cho mỗi người chúng ta vốn đầy đủ đức tánh trí huệ sáng suốt và từ bi nhiệt tình. “Cung kính đốt đèn” là biểu thị tự đốt sáng cho mình là chiếu sáng cho người khác để cùng được sáng soi ấm áp. Dùng tâm thành kính để đốt sáng lên đèn trí huệ, bừng cháy lửa tinh tấn tạo thành vô tận ánh sáng ấm áp để cứu giúp thế nhơn. Khổng-Tử dạy môn đồ cũng có câu nói tương tự: “Hiếu học cận hồ trí”. Nghĩa là người hiếu học là người đem tâm chí tập trung vào việc học thì gần với trí. Tức là tâm ý tập trung thì trí tuệ khai thông. Khổng-Tử chú trọng nơi việc học.

“Thanh tịnh bố thí được phước báo an lạc. Hành động không trái lý đạo, không trái lời Phật dạy”.

Hai câu trên đây thuyết minh phương pháp tu hành. Tu là sửa, sửa trái thành phải, sửa xấu thành tốt, sửa tà thành chánh. Nên tu có nghĩa là tu chỉnh, tu chánh. Hành là hành động, hành vi tâm niệm của con người đâu tránh khỏi ba thứ độc tham sân si làm chướng ngại? Do đó chân tâm chánh niệm mà không thể hiện được để điều khiển thân miệng thì ba nghiệp thân miệng ý tạo ra lắm điều phiền khổ bằng tham đắm của cải, truy cầu danh lợi dục tình không thôi, từ đó mở cửa tội lỗi, tiếp nối tạo ác nghiệp, đọa đày trong đường luân hồi sanh tử khổ đau, thật đáng thương!

Phật pháp là cái phao cứu người chìm trong biển cả ba đào sanh tử. Phật pháp khiến cho con người phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, mà người tu học Phật pháp phải biết nắm lấy chỗ bí yếu trước nhất là thực hành “thanh tịnh bố thí”. Bố thí là buông xả. Buông xả với tâm an vui trong niềm hoan lạc thanh tịnh bình đẳng. Đây chính là tinh thần ly tướng bố thí của Đại Thừa Phật giáo, tức là cho mà không điều kiện, không mong cầu báo đáp. Công đức của thanh tịnh bố thí có khả năng phá trừ tham sân si mê chấp, đoạn diệt tất cả ác hạnh, tạo lợi lạc cho mọi người. Chính do chánh tâm buông xả mà đoạn trừ được mê chướng, lý sự suốt thông, thân tâm an lạc tự tại. Nhân đây có thể biết thanh tịnh bố thí dù là tài thí, pháp thí hay vô úy thí, nội tài thí hay ngoại tài thí cũng đều là chánh chân tu hành, tất nhiên được thọ dụng chân thật an lạc, được thiện quả báo.

“Không trái lý đạo, không trái lời Phật dạy”. Là đệ tử Phật nguyện y theo đạo lý của đức Phật truyền dạy mà tu hành, tức là những nguyên lý nguyên tắc mà người tu học Phật phải nghiêm chỉnh tuân hành. Đối đãi với người, xử thế với vạn vật không nên trái với điều Phật chế. Điều căn bản đầu tiên để tiến thân trên đường giác ngộ là thọ ngũ giới, rồi đến thập thiện v.v... Hành giả chánh tâm nhất niệm quyết chí đi đến giác ngộ giải thoát thì làm bất cứ điều gì phải y cứ đạo lý, lấy đạo lý Phật dạy làm thước đo, được như thế mới có cơ hội hoàn thành người lành thiện, xứng hợp đạo cách. Như Khổng Tử nói: “Lực hành cận hồ nhân”. Nghĩa là đem hết tâm lực cho việc làm lành thì đạt đến nhân nghĩa thánh thiện. Mốn đạt kết quả lành thiện mong muốn thì phải luôn luôn thật tâm dốc lòng tu sửa thực hành điều lành thiện. Nói no mà không ăn thì không thể nào no, mà phải ăn. Nói đi mà không cất bước đi thì không thể nào đến, mà phải đi. Nói tu mà không thực hành lành thiện, tu tâm sửa tánh thì không thể nào thành, mà phải đích thân thực hành mới thành đạt quả tốt.

“Trai giới không nhàm” là nói lên ý nghĩa công phu kiên tâm trì chí tinh tấn không ngừng. Tâm thanh tịnh gọi là trai. Đức Phật thường dạy chúng ta phải giữ lục căn thanh tịnh, không nhiễm trước trần cảnh. Điều nầy chính đức Phật muốn chúng ta tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì tự nhiên đầy đủ vô lượng phước huệ. Nhưng thường thì tâm của chúng ta không được thanh tịnh, bởi do suốt ngày vọng tưởng huân tập tạp nhiễm quá nhiều nên chưa thể chứng đắc, đây là điều tủi hổ khổ tâm đối với hành giả thức thời cầu tiến. Phật dạy chúng ta nên trì giới. Giới có nghĩa là giới hạn, ngăn ngừa, cấm chỉ, dứt trừ tất cả vọng niệm, tập khí phiền não, hồi phục đức dụng thanh tịnh cố hữu của bản thể tâm tánh chúng ta. Nên “trai giới” là pháp môn hữu hiệu cụ thể hàm hữu ý nghĩa ngăn trừ nghiệp chướng, hàng phục thân tâm tạp vọng để trở nên thanh tịnh. Nghiệp chướng trừ sạch thì tâm ý thanh tịnh, đức tánh từ bi bình đẳng trong người của chúng ta hoàn toàn hiển lộ thì gọi là thành Phật. Vì vậy, phương pháp tu trì trai giữ giới không thể tính ngày giờ mà nhất định phải thường hằng tháng năm kiên trì không ngừng nghỉ gián đoạn, không nhàm mỏi mệt, tinh tấn công phu tu tập cải thiện không ngừng, hằng tâm trì chí nổ lực khắc phục chướng ngại, gắng công liên tục tu sửa chánh niệm mới hy vọng viên mãn công hạnh tu hành thành đạt mục đích, thế mới là đại dũng lực. Đức Phật nói: người tu hành Phật đạo như kẻ chèo thuyền ngược dòng thác đổ phải cố ra sức chống chèo mới đến bến bờ an ổn. Khổng Tử nói: “Tri sĩ cận hồ dũng”. Người biết hổ thẹn là người có tiến bộ. Biết xấu hổ nhìn nhận lỗi lầm thua kém là người có tinh thần dũng cảm. Người thông đạt sự lý với tinh thần dũng cảm ấy là mặc nhiên hàm dưỡng đạo đức thường hằng tiến bộ mới có thể đạt được chí nguyện siêu nhân thoát tục.

“Lòng được an vui”. Đây là nói công đức tu hành viên mãn, đạo hạnh tròn đầy mới được pháp hỷ sung mãn, chân thật thọ dụng an vui.

Trên đây là thuyết minh về đạo lý và phương pháp để cho chúng ta biết rõ phương cách chánh thân tu tâm từ đó đạt được mỹ mãn hạnh phúc an vui. Một khi đã đạt được an lạc hạnh phúc chân thật mới thể hội được giá trị về ý nghĩa cuộc sống của sự tu học Phật pháp. Có làm được như thế mới cảm nhận được Phật lực gia bị, Bồ Tát thiện thần ủng hộ trên lộ trình tu hành.  

CHÁNH VĂN:



Thường được chư Thiên, thiện thần ủng hộ, tâm cầu như ý, hành sự như nguyện, trăm việc tăng tiến gấp đôi, được trời rồng quỷ thần mọi người kính trọng, về sau đắc đạo. 

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây nói lên thành quả của những hành giả chánh tâm thành ý y giáo pháp của đức Phật giảng dạy, dốc chí tu hành thì đạt được lợi ích phi thường. Thật vậy, người Phật tử nếu chuyên tâm chánh niệm tinh tiến học tập tu hành thì tất nhiên được Thiên nhơn thiện thần tôn kính ủng hộ, làm bất cứ việc lành thiện nào, tâm nguyện gì cũng đều được như ý không bị chướng ngại hủy diệt. Ngược lại, người mang tâm tà ngụy tu hành, dù có dựa thế lực quyền hành rồi cũng suy tàn mạt vận. Bồ Tát Thiện thần ủng hộ người chân chánh lành thiện. Ác thần ác quỷ kính nể lánh xa. Kẻ tà ngụy gian ác thì tà thần ác quỷ gần gũi giúp đỡ. Còn cúng bái thì còn giúp, hết cúng bái thì chúng quay lại tác hại. Nên người tu Phật phải chánh tâm chánh niệm, phải nghĩ đến phát triển đạo pháp lợi lạc chúng sanh. Lúc đầu có khó khăn, nhưng về sau sẽ như ý nguyện. Chẳng những mang tâm nguyện hành sự không bị hủy diệt mà còn tiến triển này một thêm mới mẻ, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Hành giả phải luôn luôn nhứt tâm chánh niệm tinh tấn không ngừng, dù chướng ngại vấp ngã trăm ngàn lần cũng phải dũng khí tinh tiến mạnh bước trên đường hành đạo như lúc ban đầu mới phát tâm với niềm tin vững chắc. Bởi người chánh tâm thành ý hành đạo tu tập thì luôn luôn được sự cung kính hộ trì của Tứ đại Thiên vương Bát bộ Hộ pháp Thiện thần và người đời kính ngưỡng giúp đỡ. Đó là sự lợi ích hiện tiền, còn về sau cuối cùng thì được trí huệ từ bị, đức hạnh viên mãn thành Phật.

 

CHÁNH VĂN:



Kẻ thiện nam, người thiện nữ (y như giáo pháp đức Phật mà chánh tâm tu hành) là chân thật đệ tử Phật. 

LỜI GIẢI:

Phật nói: Được xưng là đệ tử Phật thì phải nhứt tâm chánh niệm y như giáo pháp đức Phật dạy mà tinh tiến tu hành, có làm được như thế mới gọi là phụng sự Phật. Thiện nam tín nữ chánh tâm học Phật, chánh niệm tu hành, không thiên lệch bên nầy, không chấp trước bên kia, không tin tà ma ngoại đạo, không theo thầy tà bạn ác, không dính mắc ngã si ngã kiến ngã mạn ngã ái, như thế mới đích thực là Phật tử chân chánh.

Trên đây đức Phật kết luận lời giải đáp về câu hỏi của A-Nan “Có người kính tin phụng thờ Phật, được giàu sang phú quý như ý tốt đẹp. Có người phụng sự Phật không được lợi ích như ý, lại còn bị tiêu hao suy thoái”.

Tôn giả A-Nan nêu hai câu hỏi để hỏi Phật: 1/- Kính tin phụng thờ Phật thì được phước báo giàu sang phú quý, mọi việc tốt đẹp như ý. 2/- Kính tin phụng thờ Phật thì lại bị ác báo tiêu hay suy thoái. Cũng đồng là kính tin phụng thờ Phật cả, mà tại sao quả báo lại không giống nhau? Thật ra điều này không có gì khó hiểu. Hễ chân tâm chánh niệm kính tin phụng thờ Phật, ngày đêm chuyên cần tinh tấn tu tập đúng như lời Phật dạy thì ngay hiện đời được kết quả lợi ích. Ngược lại, kính tin thờ Phật mà tà tâm tụng niệm cầu danh lợi dưỡng muốn được giàu có danh cao chức trọng, mang tâm niệm ngưỡng vọng Phật như thần linh thì sẽ gặp phải tai ương hoạn nạn. Bởi chân tâm chánh niệm thờ Phật tu hành thì được hộ pháp thiện thần chư thiên Bồ Tát gia hộ. Còn tà tâm tạp niệm thờ Phật tu hành thì được ác thần ác quỷ hộ trợ. Liên quan vấn đề nầy, chúng ta sẽ thấy đức Phật giải thích dưới đây. 



tải về 0.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương