Kinh Anan Vấn Phật Sự Cát Hung ht. Tịnh Không giảng tk. Thích Nhuận Nghi dịch Nguồn



tải về 0.72 Mb.
trang11/18
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.72 Mb.
#30100
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18

Đoạn bốn: A-Nan hỏi cách cư xử.

1.- A-Nan hỏi cách cư xử của người Phật tử.


 

CHÁNH VĂN:



A-Nan lại bạch Phật: “Vào thời mạt pháp, các đệ tử học Phật cùng với việc đời hằng ngày tương duyên sanh tồn, liệu lý việc nhà hệ lụy đến thân miệng thì phải làm cách nào trong trần mà không nhiễm trần. 

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên đây tôn giả A-Nan hỏi Phật, hằng ngày người ta sống lăn lộn trong cõi đời mà có lòng tu học Phật thì có trở ngại không? Đây là câu hỏi rất thiết thực cho người sơ phát tâm học đạo vốn có tánh e dè khi muốn bước vào cửa Phật tìm hiểu đạo lý để tu dưỡng tinh thần, đồng thời câu hỏi của A-Nan cũng để đánh tan thói đời của những người thường viện lý do vì còn bận rộn gia đình, còn nặng nợ thế gian chưa tu học được. Họ nghĩ sai lầm rằng, hễ tu là ăn chay, cạo đầu, mặc y phục nâu sòng, ngồi lim dim, lần tràng hạt, mặc cho thân bằng xã hội thịnh suy. Họ có cái hiểu biết lệch lạc như thế, hoặc họ cố ý hiểu sai lệch như thế để họ tiếp tục sống đời phóng túng với thói quen dục lạc thế gian thỏa tình nhục dục. Họ đâu có biết cổ đức tiên hiền đời nào cũng khuyên người tu tâm sửa tánh để tạo cho mình và gia đình có được cuộc sống hạnh phúc, xã hội an lành, quốc gia thạnh trị. Đạo Nho dạy: Trước phải tu thân, rồi sau mới ổn định được gia đình. Muốn trị quốc an dân, thì trước phải tu thân tề gia. Các bậc hiền thánh còn khuyên chúng ta mỗi ngày nên ba lần tự phản tỉnh để quán xét mình. Thực hành được như thế thì tâm an lý đắc.

Tôn giả A-Nan thấu rõ tâm lý người đời, viện đủ thứ lý do để từ chối học đạo, tu thân sửa tánh, nên Ngài lại bạch hỏi Phật: “Học đạo có làm trở ngại việc gia đình, xã hội không?” E rằng có kẻ sợ học Phật không làm lợi cho gia đình hạnh phúc, trở ngại sự nghiệp thế gian phát triển, nên tôn giả A-Nan khởi lòng đại bi mà hỏi Phật như vậy. Câu hỏi nầy nhắm vào hàng tại gia nhiều hơn. Người đời đâu ý thức thế gian vô thường, quốc độ nguy biến. Thở ra mà không hít vào là kết thúc mạng sống. Tai ương hoạn nạn bịnh hoạn xảy ra bất cứ lúc nào. Còn mạnh khỏe không lo tu tâm sửa tánh làm lành tạo phước, đến khi vô thường đến, họa hoạn xảy ra, dù có muốn tu tâm sửa tánh, làm lành tạo phước cũng không làm sao kịp. Cổ đức khuyên nhắc chúng ta: “Đến khi khát nước đào giếng sao kịp”. “Đời nay không sớm tự độ lấy thân, lại đợi đến đời nào mới độ”. Biết bao người trong lúc no cơm ấm áo, gặp kinh điển, chùa viện thanh tịnh, bạn hiền, thầy đạo hạnh, lại khất hẹn không chịu tu học Phật, bỏ mất cơ hội thuận duyên, để miên man trong tình trường danh lợi, đùng một cái mất hết rồi sanh ra tiếc nuối. Người đời lắm kẻ không hiểu ý nghĩa sâu xa của lý đạo nhiệm mầu có năng lực tạo hạnh phúc tiến bộ cho mình. Đã có biết bao nhiêu người sống trong cảnh nghèo, thiếu phương tiện, khi đến với đạo, được đạo pháp giáo dưỡng trở thành người hữu dụng cho đời. Sự kiện nầy ở vào các triều đại Lý Trần, và thời đại trước, sau 1963 là bằng chứng hùng hồn. Cũng đã có biết bao cặp vợ chồng không được êm ấm, khi biết quy y Tam Bảo, thường cùng nhau nghe kinh thuyết pháp, sau đó trở nên tin tưởng nhau, thương yêu nhau hơn. Có những gia đình cha mẹ hướng dẫn con đi chùa thường xuyên để nghe pháp, làm công quả, con cháu trở nên hiền ngoan, gia đình trở nên hạnh phúc. Nếu mọi người biết sống theo giáo lý đức Phật, sống trọn vẹn đời sống đạo, thì cá nhân được hạnh phúc, xã hội an định, quốc gia thạnh trị, thế giới hòa bình. Thế thì người tu học Phật chẳng những không chướng ngại hạnh phúc gia đình, phát triển sự nghiệp xã hội, mà còn tăng trưởng hạnh phúc, sự nghiệp bền chắc thêm.

Vậy thì người tại gia có được giác ngộ giải thoát không? Được, nếu nghiêm chỉnh áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày. Như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, ái ngữ, niệm Phật, tụng kinh, thiền định, tinh tấn không ngừng thì sẽ đạt đạo giải thoát như người xuất gia.

Người xuất gia mà keo kiết lợi dưỡng danh dục ích kỷ, thì chẳng khác mang đá đi trên đường gai sỏi hố hầm, buộc trói thêm gai đá vào thân. Thế nên người biết học Phật, thực hành lời Phật dạy, thì ngay trong đời này đã được quả tự tại an lành hạnh phúc, và đời sau chắc sẽ được quả báo giác ngộ giải thoát.

Trong các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Duy Ma Cật v.v... có nói đến không biết bao là cư sĩ nghiêm chỉnh thọ trì giới luật chánh tâm ủng hộ Phật pháp, tu hạnh Bồ Tát hoằng hóa chúng sanh. Các ngài đã thể hiện đời sống thanh cao trần bất nhiễm trần. Thân tuy cư sĩ mà lòng thuần chân phụng sự đạo pháp, tận trung quốc dân, tận hiếu phụ mẫu, tận thiện xã hội, tận hòa làng nước, lo trước cái lo muôn loại, khổ trước cái khổ mọi người, vui sau cái vui chúng sanh. Chúng sanh đắm chìm trong tham dục, các ngài tận lực khuyến dắt họ ra khỏi vũng bùn lầy lội, tham dục. Chúng sanh lặn hụp trong danh lợi, dục lạc trần gian, các ngài hết lời khuyên can níu kéo. Chúng sanh sống trong lo âu thù hận, các ngài đem hết tâm tình khuyến giải để được an lành thanh thoát. Chúng sanh mê đắm ngũ dục vô thường, các ngài tỉnh thức tự tại trong hoàn cảnh thường lạc để kêu gọi hướng đạo. Thế là hoa sen trong bùn mà không nhiễm bùn, ở trong trần ai mà không nhiễm trần ai. Chúng sanh sâu dày nghiệp chướng tạo nên lắm điều chướng ngại thương tâm. Đức Phật lăn xả vào để giáo hóa chịu không biết bao là trở ngại nhọc nhằn. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Tùng Địa Dõng xuất, các đại Bồ Tát thăm hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Ngài thiểu bệnh thiểu não an lạc chứ? Những chúng sanh được độ thọ nhận giáo hóa của Ngài dễ chứ? Đức Phật đáp: “Không có chút gì phiền muộn mệt mỏi”. Đây là tấm gương sáng cho những ai muốn sống đời vị tha. 

2.- Phật dạy cách làm thế gian sự mà không có thế gian ý. 


CHÁNH VĂN:

Phật nói: Nầy A-Nan! Người có thọ giới pháp của Phật, thành tín phụng hành, hiếu thuận cha mẹ, dè dặt cẩn thận hành vi, quy kính Tam Bảo, hiếu dưỡng cha mẹ, tận trung quốc dân, trong tâm ngoài thân cẩn trọng hành thiện, tâm miệng hợp nhau, như thế cho dù làm việc thế gian mà không có ý thế gian. 

LỜI GIẢI:

Đức Phật trả lời câu hỏi của tôn giả A-Nan, Ngài mở lượng từ bi giải nghi chỉ rõ đường lối cho hàng tại gia cư sĩ biết thế nào là phương pháp sống của người Phật tử chưa thoát ly gia đình.

Người phát tâm tu học Phật, điều căn bản là phải tiếp thọ giới pháp của Phật. Giới pháp mà đức Phật chế ra là quy củ có thừa đủ năng lực đưa con người trở nên hiền lương thánh thiện, mô phạm cho đời. Điều rất căn bản cho bước đầu của người tu học Phật không thể thiếu, là quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, tiếp theo đó tiến lên bước nữa là thọ Thập thiện giới, Bồ Tát giới, Bát quan trai giới, tu tịnh nghiệp, tham thiền. Tất cả những điều trên đây đều là sinh hoạt giáo học hành trì thiết yếu của người cư sĩ tại gia. Được xưng là Phật tử thì phải chí tâm thành tín thọ trì, y giáo phụng hành. Không lãnh thọ hành trì những điều trên đây mà xưng là tin Phật, là Phật tử, ấy là lạm xưng. Dù hiểu biết giáo lý đầy bụng, phục vụ Phật pháp suốt đời, mà không thành tâm quy y thọ trì giới pháp, viện lý do nầy khác để chối từ, kinh Phật gọi đó là người mới từ ba đường ác ra, hoặc sắp rơi vào đường ác, nên nghiệp chướng sâu dày trở ngại sự phát tâm thọ trì giới pháp, mang tà niệm hộ trì Tam Bảo, phụng hành Phật đạo. Dù cho họ thông minh tài trí, quyền quý giàu sang mà không tin thọ giới pháp, thì đó cũng chỉ là hình thức một trong tám nạn của “thế trí biện thông” mà thôi. Nếu không tu tâm bồi đức, thì không tránh khỏi nghiệp lực dẫn dắt vào con đường trầm luân tối tăm.

Điều cần yếu trước nhất là người tu học Phật là hiếu thuận cha mẹ, kính thờ sư trưởng, đấy là con đường sáng bằng thẳng đưa đến chân lý đạo giải thoát. Về tinh thần Đại thừa Phật pháp thì ngài Địa Tạng Bồ Tát thể hiện cho cái đức Hiếu. Địa Tạng có nghĩa là đại địa tàng chứa chở che. Vạn vật từ đất sanh trưởng, đến lúc hủy hoại dù tốt xấu sạch dơ cũng lại trở về đất, đất lại thản nhiên dung nạp. Thành hình từ đất và hoại hình về đất. Đức tánh nhẫn nhục dung nạp của Địa Tạng Bồ Tát như đại địa, đủ để làm tấm gương soi sáng cho người học Phật, cũng còn là pháp học căn bản của hiếu thuận vậy.

Người có lòng hiếu thuận thì tánh nhứt định dung hòa có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, vô lượng phước huệ cũng từ đây sanh trưởng. Người học đạo giác ngộ cũng khởi đi từ hiếu kính cha mẹ, kính thờ sư trưởng, hòa thuận mọi người. Người chân thành hiếu thuận thì không dám làm điều xấu ác với tha nhơn, không dám kiêu mạn với bất cứ ai, khởi tâm động niệm trong mọi thời lúc, tạo tác hành vi trong mọi trường hợp đều thận trọng nhớ đến nhân quả.

Quy y Tam Bảo, ở đây đặc biệt lưu ý hành giả là quy y tự tánh Tam Bảo. Nghĩa là xoay lại nội tâm quy y chính tự tánh Tam Bảo của mình. Quy y Phật tức là quay về nương tựa tự tánh sáng suốt của chính mình. Quy y pháp tức là quay về nương tựa tự tánh từ bi hỷ xả của chính mình. Quy y Tăng tức là quay về với tánh thanh tịnh hòa hợp của chính mình. Trong người mình có đầy đủ đức tánh sáng suốt, từ bi, hỷ, xả, thanh tịnh, hòa hợp, tức là có đủ đức tánh Tam Bảo, gọi là tự tánh Tam Bảo. Nhưng từ lâu vọng động dong ruỗi theo dục lạc trần cảnh làm cho tự tánh Tam Bảo lu mờ. Giờ đây nhờ Phật khai thị chỉ bày, chúng ta có dịp hồi tâm xoay lại tự tánh để khai triển tiến lên cảnh giới đồng thể Tam Bảo như chư Phật. Chúng ta nào khác gì đứa trẻ mồ côi, trước khi cha mẹ mất có cất ngọc trong chéo áo và căn dặn khi nào đói khổ thì lấy ra dùng. Nhưng bé mồ côi kia quá u mê ham chơi mà quên lời cha mẹ dặn dò, lại đành cam phận sống trong cảnh nghèo đói lang thang. Đến khi sực nhớ lại lời cha mẹ dặn dò năm xưa, đứa trẻ mồ côi lấy ngọc cất trong chéo áo ra dùng thì lập tức không còn sống đời bần cùng lang thang nữa. Cũng giống như thế, nay chúng ta nhờ sư trưởng hướng đạo, học hiểu giáo pháp của Phật, xoay lại sống nội tâm phát huy Phật tánh từ bi hỷ xả thanh tịnh hòa hợp thì ngay đó chấm dứt lầm lạc khổ đau, trở nên thong dong an lành thanh nhàn giải thoát.

“Hiếu dưỡng cha mẹ, tận trung quốc dân”. Đây là những điều sinh hoạt hằng ngày của người Phật ttử phải ghi nhớ. “Thế nào là hiếu dưỡng cha mẹ?”. Cứ là đem trọn hết hiếu tâm cung dưỡng cha mẹ no ấm, mạnh khỏe, vận dụng tâm thành ý hòa hầu hạ cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui. Dốc ý chí nỗ lực tạo sự nghiệp như cha mẹ kỳ vọng, để cho cha mẹ vui lòng mãn nguyện. Khéo khuyên cha mẹ phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì giới pháp, tu tâm sửa tánh hành thiện, hộ trì Phật pháp, ấy là phụng dưỡng thân thể và huệ mạng của cha mẹ. Được như thế là tròn hiếu đạo.

Thế nào gọi là “Tận trung quốc dân?”. Phật dạy chúng ta phải trung thành với quốc dân, tận lực phục vụ xã hội, hoàn thành trách nhiệm, thanh liêm với chức vụ. Đối với Phật pháp, người Phật tử phải ý thức tự đặt cho mình trách nhiệm hộ trì chánh pháp đạo thống, tận lực phát huy giáo nghĩa Phật Đà để quốc dân thuần lương, tận tâm hiệp trợ bồi dưỡng nhân tài để chúng sanh được thấm nhuần đạo pháp lợi lạc nhân sanh, đó là kỳ vọng của Phật, về ý nghĩa tận trtung quốc gia.

“Trong tâm ngoài thân cẩn trọng hành thiện”. Làm việc thiện với tâm thành, thân tâm tương hợp, chứ không phải làm thiện để cầu danh thủ lợi, hay để được tiếng khen. Nên kinh nói: “Thân miệng hợp nhau”. Nhiều người làm thiện vì danh lợi, miệng nói đạo đức sặc mùi từ bi hỷ xả mà trong lòng tà niệm, như thế chỉ được phước hữu hạn không đạt được phước báo ba la mật. Làm thiện với tâm chấp trước, không vô tư thanh tịnh. Nên chỉ được quả báo nhân gian hữu hạn. Cũng ý nghĩa nầy, người Phật tử ủng hộ bậc chân tăng hành đạo thì phước đức tăng trưởng vô lượng. Ngược lại, hộ đạo cho những hạng tà tăng thì phước đức chẳng những không tăng trưởng mà còn tổn phước nữa là khác. Vì sao? Bởi vì kẻ tà tăng tâm niệm hành vi tà ngụy, mà lại đem tâm lực tài vật ủng hộ cúng dường thì giúp họ được phương tiện để lợi dưỡng tự đắc làm tổn thương đạo pháp, phá sản niềm tin của những người có tâm thành chánh tín muốn học Phật.

Học đạo không tìm minh sư hướng dẫn, hộ đạo không lựa chân tăng cúng dường trợ giúp, làm thiện với tâm niệm không thanh tịnh là rơi vào tà đạo chứ không phải Phật đạo, ấy là kết duyên làm quyến thuộc với chúng ma chứ không phải quyến thuộc Bồ đề Tam Bảo, và như vậy quả báo sẽ phải sanh về cảnh giới ma. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật bảo tôn giả A Nan rằng: “Ông nay muốn chứng đắc đạo quả Vô tượng Bồ đề, thì tâm phải hoàn toàn thanh tịnh để chân tánh diệu tâm hiển bày, tâm miệng chân trực, tuyệt đối không có tướng quanh co xen gữa”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ xác định: Tâm chân trực là tâm chí thành thanh tịnh, tâm của đại Bồ Tát.

Ở đây, ý chỉ của Phật khuyên người hành đạo nên chân trực thân miệng ý. Đem ba nghiệp thân miệng ý chân trực hành đạo, giúp đời thì nhất định sẽ được quả báo chơn thừa vô tượng. Nên trong Nghi Thức Hồng Danh Sám Hối nói: “Con nay phát tâm không phải để cầu được phước báo của nhơn thiên, Thanh Văn, Duyên Giác hay cả dến quyền thừa Bồ Tát đi nữa con cũng chẳng cầu, mà chỉ một lòng cầu được quả tối thượng thừa, nên con phát tâm bồ đề”. Đem thân miệng ý chân trực trung thành hành đạo thì dù làm việc đời cũng thành việc đạo, việc nhỏ cũng được phước báo lớn. Nên Phật pháp nói: “Tà nhơn thuyết chánh pháp, chánh pháp biến thành tà. Chánh nhơn thuyết tà pháp, tà pháp biến thành chánh”. Cũng trong ý nghĩa này, kinh đây nói: “Như thế cho dù làm việc thế gian mà không có ý thế gian”. 




tải về 0.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương