Khí tượng Khí hậu học Mã số: 60440222


Nghiên cứu về hạn hán và tác động của Biến đổi Khí hậu đến hạn hán



tải về 379.32 Kb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích379.32 Kb.
#14524
1   2   3   4   5   6   7   8

1.4. Nghiên cứu về hạn hán và tác động của Biến đổi Khí hậu đến hạn hán

1.4.1. Biến đổi khí hậu ở Việt Nam và khu vực Nam Trung Bộ


Ở Việt Nam hạn hán đã được quan tâm từ rất sớm (Nguyễn Trọng Hiệu, 1995; Nguyễn Trọng Hiệu và Phạm Thị Thanh Hương, 2003). Việc nghiên cứu các đặc trưng hạn hán như thời gian xảy ra hạn và cường độ hạn cũng như xu thế biến đổi hạn ở các khu vực ở Việt Nam được trình bày khá chi tiết trong các nghiên cứu (Nguyễn Trọng Hiệu và Nguyễn Đức Ngữ, 2004; Nguyễn Văn Thắng, 2007; Phan Văn Tân, 2010; Nguyễn Trọng Hiệu và Phạm Thị Thanh Hương, 2010). Các kết quả của những nghiên cứu cho thấy hạn hán có xu thế biến đổi đáng kể theo thời gian, đặc biệt hạn hán ở Nam Trung Bộ có xu thế tăng nhẹ theo thời gian. Theo kịch bản nước biển dâng, 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam đã tăng khoảng 0,50C trên phạm vi toàn lãnh thổ và lượng mưa có xu thế giảm ở phía Bắc, tăng ở phía Nam. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn so với mùa hè và nhiệt độ vùng sâu trong đất liền tăng nhanh hơn nhiệt độ vùng ven biển và hải đảo. Lượng mưa mùa khô (tháng XI-IV) tăng lên chút ít hoặc không thay đổi đáng kể ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng mạnh mẽ ở các vùng khí hậu phía Nam trong 50 năm qua. Lượng mưa mùa mưa (tháng V-X) giảm từ 5 đến hơn 10% trên đa phần diện tích phía Bắc nước ta và tăng khoảng 5 đến 20% ở các vùng khí hậu phía Nam trong 50 năm qua. Xu thế diễn biến của lượng mưa năm tương tự như lượng mưa mùa mưa, tăng ở các vùng khí hậu phía Nam và giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc. Khu vực Nam Trung Bộ có lượng mưa mùa khô, mùa mưa và lượng mưa năm tăng mạnh nhất so với các vùng khác ở nước ta, nhiều nơi đến 20% trong 50 năm qua.

Trên khu vực biển Đông số lượng xoáy thuận nhiệt đới hoạt động có xu hướng tăng nhẹ, trong khi đó số cơn ảnh hưởng hoặc đổ bộ vào đất liền Việt Nam không có xu hướng biến đổi rõ ràng. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam có xu hướng lùi dần về phía Nam lãnh thổ đất nước; các cơn bão rất mạnh có xu hướng gia tăng về số lượng; mùa bão có dấu hiệu kết thúc muộn hơn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của bão đến Việt Nam có xu hướng mạnh lên.

Hiện tượng hạn hán, tính cả hạn tháng và hạn mùa có xu thế tăng lên nhưng với mức độ không đồng đều giữa các vùng và giữa các trạm trong từng vùng khí hậu. Hiện tượng nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là ở Trung Bộ và Nam Bộ.




Hình 1.1. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm (0C) trong 50 năm qua
(Nguồn: IMHEN/2010)
Hình 1.2. Mức thay đổi lượng mưa năm (%) trong 50 năm qua
(Nguồn: IMHEN/2010)

Từ Hình 1.1 cho thấy nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên toàn bộ khu vực Nam Trung Bộ. Trong đó, tăng nhanh hơn ở các tỉnh cực Nam (Ninh Thuận và Bình Thuận), với tốc độ tăng khoảng 0,5 đến 10C trong 50 năm; các tỉnh phía Bắc (Phú Yên và Khánh Hòa) có tốc độ tăng chậm hơn, với tốc độ tăng trong khoảng từ 0 đến 0,50C trong 50 năm.



Các Hình 1.3 đến Hình 1.4 biểu diễn xu thế biến đổi của chuẩn sai nhiệt độ (độ lệch so với trung bình 1970-2000) vào mùa khô, mùa mưa và trung bình năm trên khu vực Nam Trung Bộ. Kết quả tính toán cho thấy, nhiệt độ trung bình các tháng mùa khô, mùa mưa và trung bình năm đều có xu thế tăng lên. Điểm đáng chú ý là chuẩn sai nhiệt độ cao nhất đều năm trong những năm gần đây (kể từ giữa thập niên 1990 đến 2010). Trong đó, năm 1998 là năm có chuẩn sai nhiệt độ mùa khô và trung bình năm cao nhất, trùng với năm có El Nino mạnh kỷ lục. Nhìn chung, nhiệt độ các tháng mùa khô có xu thế tăng nhanh hơn các tháng mùa hè (Hình 1.3, 1.4 và 1.5).


Hình 1.3. Xu thế biến đổi chuẩn sai nhiệt độ trung bình mùa khô khu vực
Nam Trung Bộ (Nguồn: IMHEN/2010)



Hình 1.4. Xu thế biến đổi chuẩn sai nhiệt độ trung bình mùa mưa khu vực
Nam Trung Bộ (Nguồn: IMHEN/2010)


Hình 1.5. Xu thế biến đổi chuẩn sai nhiệt độ trung bình năm khu vực
Nam Trung Bộ (Nguồn: IMHEN/2010)

Đối với lượng mưa, lượng mưa trung bình năm có xu thế tăng trên toàn bộ khu vực Nam Trung Bộ, với tốc độ tăng khoảng từ 0 đến trên 40%, tăng nhanh nhất là khu vực Phú Yên - Khánh Hòa. Lượng mưa trung bình mùa mưa, mùa khô và lượng mưa năm đều có xu thế tăng trong những năm qua trên khu vực Nam Trung Bộ (Hình 1.6, 3.7. 3.8). Đặc biệt, trong những năm gần đây, chuẩn sai của lượng mưa mùa khô đều lớn hơn 0, trừ một số năm (1998, 2005, 2010) có liên quan đến hoạt động của El Nino (Hình 1.6). Như vậy, với sự gia tăng của lượng mưa trong mùa mưa có thể sẽ ảnh hưởng đến điều kiện hạn hán trong mùa khô trên khu vực, ở đây có thể làm giảm đi mức độ nghiêm trọng hoặc thời gian hạn hán. Tuy nhiên, trong những năm El Nino hoạt động, lượng mưa mùa khô lại giảm đáng kể, dẫn đến mức độ hạn càng nghiêm trọng hơn.


Hình 1.6. Xu thế biến đổi chuẩn sai lượng mưa mùa khô khu vực Nam Trung Bộ (Nguồn: IMHEN/2010)




Hình 1.7. Xu thế biến đổi chuẩn sai lượng mưa mùa mưa khu vực Nam Trung Bộ (Nguồn: IMHEN/2010)




Hình 1.8. Xu thế biến đổi chuẩn sai lượng mưa năm khu vực Nam Trung Bộ (Nguồn: IMHEN/2010)

1.4.2 Nghiên cứu về hạn hán và tác động của Biến đổi Khí hậu đến hạn hán trên Thế giới


Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hạn hán. Tuy vậy do mức độ phức tạp khó dự báo cảnh báo cũng như phát hiện thời điểm bắt đầu của hiện tượng hạn hán mà đến nay vẫn chưa thể có được một phương pháp nghiên cứu chung về hạn hán. Với những nghiên cứu đánh giá hạn hán (việc xác định, nhận dạng, giám sát và cảnh báo hạn hán...), các nhà nghiên cứu thường xuyên áp dụng công cụ chính là các chỉ số về hạn hán. Các chỉ số về hạn hán đều thể hiện những ưu điểm nhược điểm khác nhau, và tùy vào mỗi khu vực, quốc gia đều sử dụng các chỉ số phù hợp với điều kiện của khu vực, quốc gia mình. Công tác nghiên cứu hạn hán áp dụng các chỉ số hạn không chỉ đơn thuần sử dụng bộ số liệu quan trắc mà còn sử dụng bộ số liệu là sản phẩm của mô hình khí hậu khu vực và mô hình khí hậu toàn cầu. Các công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề xác định hạn hán, cảnh báo, giám sát... có thể kể đến:

Những nghiên cứu đánh giá về hạn hán trên quy mô toàn cầu (Meshcherskaya A. V. và cs, 1996; Dai và cs, 2004; Niko Wanders và cs, 2010), khu vực và địa phương (Benjamin Lloyd-Hughes và cs 2002; Hayes, 1999). Việc áp dụng các chỉ số hạn được xây dựng dựa trên số liệu mưa, nhiệt độ và độ ẩm quan trắc trong quá khứ cho thấy số đợt hạn, tần suất và mức độ hạn hán, cũng như thời gian kéo dài hạn ở một số khu vực đã tăng lên đáng kể.

Một nghiên cứu đánh giá hạn nổi bật khác về hạn trên quy mô toàn cầu là nghiên cứu của Niko Wanders và cs (2010). Trong nghiên cứu này, tác giả đã đánh giá ưu điểm, nhược điểm của 18 chỉ số hạn hán bao gồm cả chỉ số hạn khí tượng, chỉ số hạn thủy văn, chỉ số độ ẩm, từ đó lựa chọn ra các chỉ số thích hợp để áp dụng phân tích các đặc trưng của hạn hán tại năm vùng khí hậu khác nhau trên quy mô toàn cầu đó là: vùng xích đạo, vùng khô hạn cực, vùng nhiệt độ ấm, vùng tuyết, vùng địa cực.

Nhiều nghiên cứu về hạn hán cho thấy sự giảm lượng mưa mạnh cùng với sự tăng nhiệt độ đã làm tăng quá trình bốc hơi, gây ra hạn hán nghiêm trọng hơn (Loukas A. và Vasiliades L., 2004). Đi đôi với xu thế ấm lên trên toàn cầu thời kỳ (1980-2000), tần suất và xu thế hạn tăng lên và xảy ra nghiêm trọng hơn vào bất cứ mùa nào trong năm, điển hình như ở Cộng hòa Séc cứ khoảng 5 năm lại xảy ra đợt hạn hán nặng trong suốt mùa đông hoặc mùa hè, với mức độ nặng và tần suất lớn nhất vào tháng IV và tháng VI (xảy ra trên toàn bộ lãnh thổ với tổng diện tích là 95%) (Potop và cs, 2008); hạn xảy ra vào các tháng mùa hè ở Hy Lạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu và sự cung cấp nước trong thành phố (Loukas A. và Vasiliades L., 2004); ở Cộng hòa Moldova, cứ 2 năm thì lại có một đợt hạn nặng vào mùa thu (Potop V. và Soukup J., 2008).

Trong báo cáo AR4 của IPCC (2007) đã chỉ ra rằng, sự ấm lên của trái đất là rõ ràng, do sự gia tăng của nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã quan trắc được kể từ thời tiền công nghiệp. Phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ 21, điều đó cho thấy tác động của chúng đến khí hậu sẽ lớn hơn nhiều trong thế kỷ 20 (IPCC, 2007). Báo cáo cũng cho rằng, các hiện tượng cực đoan ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ, khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán thì ngày càng gia tăng. Các dự tính trung bình thập niên cho thế kỷ 21 cho thấy sự gia tăng của hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực cận nhiệt đới và vĩ độ trung bình (Christensen và ccs, 2007), bao gồm cả tần suất và mức độ kéo dài (Hình 1.9). Đối với số ngày nắng nóng (Heat wave) có xu hướng tăng đáng kể trong tương lai theo các kịch bản biến đổi khí nhà kính của IPCC (Hình 1.10)


Hình 1.9 Kết quả tổ hợp các mô hình cho kịch bản số ngày khô hạn của IPCC (2007) trong thế kỷ 21 (Nguồn: Báo cáo AR4 của IPCC, 2007)



Hình 1.10. Kết quả tổ hợp các mô hình cho kịch bản số ngày nắng nóng của IPCC (2007) trong thế kỷ 21 (Nguồn: Báo cáo AR4 của IPCC, 2007)

Cũng theo kết quả dự tính trong tương lai theo các kịch bản phát thải khí nhà kính được trình bày trong SREX của IPCC, hạn hán có thể diễn ra nghiêm trọng hơn, dài hơn ở một số khu vực như Nam Âu và Tây Phi, nhưng ít hơn ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Bắc Úc. Đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, số ngày khô hạn (CDD) có xu hướng tăng lên trong tương lai theo các kịch bản phát thải khí nhà kính (Hình 1.11).


Hình 1.11. Kết quả dự tính các chỉ số khô hạn (CDD và SMA) trong tương lai từ 17 mô hình GCMs trong CMIP3 của IPCC (Nguồn: SREX, 2012).

Có thể thấy các nghiên cứu đã chứng minh rằng, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến lượng mưa, nhiệt độ và bốc thoát hơi tiềm năng, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến sự xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của hạn khí tượng. Về cơ bản, hạn khí tượng xảy ra sẽ dẫn đến thiếu hụt nước trong đất, nước ngầm và dòng chảy. Điều này sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý tài nguyên nước và đến đời sống xã hội và ngành kinh tế khác. Nếu hạn khí tượng càng dài và nghiêm trọng thì mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn.

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố về biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến hạn hán, mặc dù rất khó để phân biệt từ những ảnh hưởng khác của con người. Hơn nữa rất khó để phân biệt giữa tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu nhiều trong thập kỷ. Đã có nhiều phương pháp tiếp cận nghiên cứu khác nhau để đánh giá sự biến đổi của khí hậu và tác động của chúng đến hạn hán. Thông thường, phương pháp mô hình hóa để mô phỏng các số liệu khí tượng thủy văn được sử dụng. Trong đó, một số cách tiếp cận chủ yếu tập trung vào:

1) Sử dụng các mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) và mô hình khí hậu khu vực (RCM) (ví dụ cách tiếp cận của Gedney và Cox, 2003) để mô phỏng khí hậu trong đó có sử dụng nhiều hoặc một mô hình đất được lồng ghép vào mô hình khí hậu. Sản phẩm chính của các mô hình này là các chuỗi số liệu theo thời gian ở dạng ô lưới (độ phân giải có thể 10-50km).

2) Sử dụng các mô hình Thủy văn bề mặt đất (LSHMs) (ví dụ cách tiếp cận của Hagemann và Dümenil Gates, 2003), là các mô hình của các GCM, RCM và mô hình thủy văn toàn cầu (GHMs) (ví dụ cách tiếp cận này được sử dụng trong các nghiên cứu của Milly và cộng sự, (2002) Các mô hình GHMs có kèm theo các chương trình chi tiết hơn về các quá trình thủy văn so với các GCM và RCMs hoặc LSHMs. Các mô hình LSHMs và GHMs sử dụng số liệu khí hậu như là điều kiện biên và cũng đưa ra các sản phẩm ở dạng chuỗi số liệu ô lưới (10-50 km);

3) Sử dụng các mô hình thủy văn cho lưu vực sông (RBHMs) (ví dụ như Van Lanen và cộng sự, 2004b; Bell et al, 2006.). Những mô hình này cũng sử dụng dữ liệu khí hậu (tốt hơn là đầu ra từ RCM) như điều kiện biên và tạo ra chuỗi thời gian của dữ liệu thủy văn ở quy mô chi tiết (~ 1 km). Các mô hình được kiểm nghiệm và hiệu chỉnh theo dữ liệu quan trắc. Các mô hình được hỗ trợ bởi phân tích chuỗi thời gian dài tốt nhất của dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc để phát hiện các xu thế (ví dụ Hisdal và cộng sự năm 2001; Pekarova et al, 2006.).

Trong báo cáo lần thứ 4 của IPCC (Adger và cộng sự, 2007) đưa ra các kết quả đánh giá xu thế biến đổi của các yếu tố khí tượng thủy văn theo số liệu quan trắc. Trong đó, thời kỳ 1995-2006 có đến 12 năm được xếp hạng là nóng nhất trong lịch sử quan trắc 150 năm. Mức độ tăng nhiệt độ của thời kỳ 2001-2005 so với thời kỳ 1850-1999 là 0,76 0C (phân bố từ 0,57 đến 0,95 0C ở các vùng khác nhau trên trái đất). Nhiệt độ cao xuất hiện nhiều hơn và nhiệt độ thấp có tần suất giảm, số ngày nóng và sóng nhiệt xảy ra nhiều hơn. Hơn nữa, trong báo cáo này, IPCC cho rằng sông băng và núi tuyết đã giảm đi đáng kể ở cả Bắc và Nam Bán cầu. Lượng mưa có xu thế gia tăng ở các khu vực vĩ độ cao và giảm ở các khu vực vĩ độ thấp. Hạn hán nghiêm trọng hơn và dài hơn kề từ những năm 1970, đặc biệt là ở các khu vực nhiệt đới. Hạn hán như vậy có liên quan đến nhiệt độ cao hơn và lượng mưa giảm.

Cũng trong báo cáo lần thứ 4 của IPCC cho rằng sự ấm lên toàn cầu đã được quan trắc thấy ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, các khối băng ngày càng giảm, điều đó cho thấy thật khó mà giải thích được sự biến đổi của các hiện tượng này là do biến đổi tự nhiên trong 50 năm qua. Và cũng khó để giải thích được sự tăng lên của nhiệt độ ở các khu vực có quy mô nhỏ dựa trên số liệu quan trắc đáng tin cậy vì biến đổi tự nhiên được diễn ra ở quy mô lớn. Tác giả cho rằng, hạn hán đã ra tăng ở nhiều khu vực trên thế giới và sự gia tăng này có thể liên quan đến các hoạt động của con người. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, dẫn đến những hậu quan vô cùng nghiêm trọng ở các khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán.

1.4.2 Nghiên cứu về hạn hán và tác động của Biến đổi Khí hậu đến hạn hán tại Việt Nam


Tại Việt Nam, các tác giả cũng đã tiến hành những nghiên cứu về hạn đến từng vùng khí hậu, tiểu vùng khí hậu và địa phương. Có thể kể đến các nghiên cứu như sau:

Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó” mã số KC.08.29/06-10, do Phan Văn Tân làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu hiện trạng hạn hán và các hiện tượng khí hậu cực đoan, thiết lập cơ sở khoa học cho quy trình dự báo hạn, vận dụng các mô hình dự báo khu vực để dự báo cảnh báo hạn hán cũng như các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Đề tài cấp Nhà nước:“Nghiên cứu dự báo hạn hán vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và xây dựng các giải pháp phòng chống”, mã số KC.08.22, thực hiện năm 2003 - 2005, do Nguyễn Quang Kim, trường Đại học thủy lợi (cơ sở 2) làm chủ nhiệm đã nghiên cứu hiện trạng hạn hán, thiết lập cơ sở khoa học cho quy trình dự báo hạn, cơ sở dữ liệu khu vực nghiên cứu để lập trình các phần mềm tính toán chỉ số hạn và phần mềm dự báo hạn khí tượng và thủy văn. Việc dự báo hạn được dựa trên nguyên tắc phân tích mối tương quan giữa các yếu tố khí hậu, các hoạt động ENSO và các điều kiện thực tế vùng nghiên cứu. Nghiên cứu đã kết luận: Lượng mưa trước và trong kỳ hạn (hay tích lũy lượng mưa đến kỳ hạn) có vai trò quyết định đối với các đợt hạn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sự thiếu hụt mưa trong thời gian dài, đặc biệt là lượng mưa mùa cạn, ngoài tác động trực tiếp làm suy giảm độ ẩm đất còn dẫn đến sự cạn kiệt dòng chảy, giảm khả năng cấp nước của các hệ thống thủy lợi. Các yếu tố như nhiệt độ cao, số giờ nắng dài, độ ẩm không khí thấp và gió mạnh thường đi kèm với thời kỳ ít mưa cũng có vai trò rất quan trọng gây tăng cường hạn ở khu vực. Điều đó thể hiện đặc biệt rõ qua tác động của gió tây khô nóng đối với hạn hán khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, mặc dù mức độ hoạt động của gió tây khô nóng tại đây không mạnh mẽ như ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ thiên tai hạn hán ở các tỉnh Duyên hải Miền trung từ Hà tĩnh đến Bình Thuận”, do Đào Xuân Học - Trường Đại học Thuỷ lợi làm chủ nhiệm thực hiện từ năm 1999 – 2001. Đề tài đã đánh giá tình hình hạn hán và ảnh hưởng của hạn hán tới 7 vùng kinh tế của Việt Nam, phân tích xác định nguyên nhân gây ra hạn hán, phân loại và phân cấp hạn. Dựa trên các nguyên nhân gây hạn hán, đề tài đã đưa ra các biện pháp phòng chống và giảm nhẹ hạn hán.

Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KHCN phòng chống hạn hán phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh miền Trung”, 2007 - 2009 do Lê Trung Tuân, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam làm chủ nhiệm, với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các giải pháp phòng chống hạn cho các tỉnh miền Trung. Các giải pháp đề xuất ứng dụng được chia thành 3 nhóm: (i) Thu trữ nước, bảo vệ đất và giữ ẩm; (ii) Quản lý vận hành công trình thuỷ lợi trong điều kiện hạn hán, chế độ tưới và (iii) Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước.

Dự án “Xây dựng bản đồ hạn hán và mức độ thiếu nước sinh hoạt ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên” do Trần Thục (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) làm chủ nhiệm, thực hiện trong ba năm, từ 2005 - 2008, đã đánh giá được mức độ hạn hán và thiếu nước sinh hoạt ở 9 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trên cơ sở đó đã xây dựng được bản đồ hạn hán thiếu nước sinh hoạt trong vùng nghiên cứu. Tuy nhiên, ở đây cũng chỉ xét đến hạn khí tượng, hạn thủy văn và hạn nông nghiệp.

Đề tài “Nghiên cứu và xây dựng công nghệ dự báo và cảnh báo sớm hạn hán ở Việt Nam” được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường thực hiện từ năm 2005 – 2007, chủ nhiệm Nguyễn Văn Thắng đã đánh giá được mức độ hạn hán ở các vùng khí hậu và chọn được các chỉ tiêu xác định hạn hán phù hợp với từng vùng khí hậu ở Việt Nam, đồng thời xây dựng được công nghệ dự báo và cảnh báo sớm hạn hán cho các vùng khí hậu ở Việt Nam bằng các số liệu khí tượng thuỷ văn và các tư liệu viễn thám để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước trong cả nước.

Đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước, KC 08-23/06-10: “Nghiên cứu cơ sở khoa học quản lý hạn hán và sa mạc hóa để xây dựng hệ thống quản lý, đề xuất các giải pháp chiến lược và tổng thể giảm thiểu tác hại: nghiên cứu điển hình cho đồng bằng sông Hồng và Nam Trung Bộ” do Viện Địa Lý, Viện KH&CNVN thực hiện 2008 - 2010, chủ nhiệm Nguyễn Lập Dân, đã xây dựng hệ thống quản lý hạn hán vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống quản lý sa mạc hoá vùng Nam Trung Bộ và đề xuất các giải pháp chiến lược và tổng thể quản lý hạn Quốc Gia, phòng ngừa, ngăn chặn và phục hồi các vùng hoang mạc hóa, sa mạc hoá, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước góp phần ổn định sản xuất, phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Năm 2011, Ngô Thị Thanh Hương với nghiên cứu “Dự tính sự biến đổi của hạn hán ở Việt Nam từ sản phẩm mô hình khu vực” sử dụng chỉ số hạn để đánh giá mức độ, xu thế của hạn hán trong quá khứ và dự tính hạn trong điều kiện biến đổi khí hậu tương lai theo kịch bản phát trung bình A1B và A2. Nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Phân tích theo chỉ số J cho thấy hạn mô phỏng thường nhẹ hơn và thời gian hạn thường ngắn hơn so với thực tế. Kết quả mô phỏng về số tháng hạn có sự phù hợp nhất ở hai vùng khí hậu Tây Bắc và Đông Bắc, ít phù hợp nhất ở vùng khí hậu Đồng bằng Bắc bộ đặc biệt làtrong các tháng mùa mưa. Kết quả tính toán từ chỉ số Ped cũng cho thấy sự phù hợp giữa kết quả mô phỏng hạn từ mô hình và theo tính toán thực tế ở vùng khí hậu Tây Nguyên và Nam Bộ, tỷ lệ phù hợp đạt khoảng 60-70%, đặc biệt là một số năm hạn nặng trùng với những năm xảy ra hiện tượng El Nino và năm ẩm ướt nhất trùng với những năm xảy ra hiện tượng La Nina. Kết quả dự tính hạn theo kịch bản A1B cho các vùng khí hậu Việt Nam cho thấy hạn hán xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai, đặc biệt là giai đoạn (2011-2030) ở vùng khí hậu Tây Bắc và giai đoạn 2031-2050 ở ba vùng khí hậu Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hạn nhẹ hơn trong tương lai xảy ra ở vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Kết quả dự tính sự biến đổi của hạn theo thời gian thông qua chỉ số Ped cho thấy hạn hán đều có xu thế tăng lên rõ rệt ở cả 7 vùng khí hậu (hệ số a1>0). Đối với các vùng khí hậu phía Bắc, giai đoạn đầu hạn tăng mạnh hơn giai đoạn sau còn ở các vùng khí hậu phía Nam thì thể hiện ngược lại.Theo kịch bản A2, kết quả dự tính hạn trong tương lai bằng chỉ số J cho thấy các tháng xảy ra hạn nặng trở nên nghiêm trọng hơn trong cả hai thời kỳ ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ, còn vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên hạn nặng hơn trong giai đoạn đầu và nhẹ hơn trong giai đoạn sau.Kết quả dự tính sử dụng chỉ số Ped cho thấy xu thế hạn trong giai đoạn (2011-2030) giảm xuống ở các vùng khí hậu Tây Bắc, Đông Bắc (hệ số a1 < 0) và gần như không thay đổi ở vùng khí hậu Bắc Trung Bộ nhưng lại tăng lên rõ rệt trong giai đoạn (2031-2050). Ở các vùng khí hậu còn lại, hạn tăng lên rõ rệt trong cả hai giai đoạn, đặc biệt là Tây Nguyên và Nam Bộ (hệ số a1 > 0).

Việt Nam là đất nước có tiềm năng nguồn nước phong phú tuy vậy do tính chất phân mùa sâu sắc nên thường xuyên xảy ra hạn hán thiếu hụt nước. Tương tự như các nghiên cứu trên thế giới, nghiên cứu về hạn hán tại Việt Nam chủ yếu tập trung đến hạn khí tượng, hạn thủy văn và hạn nông nghiệp. Các công trình nghiên cứu hạn hán ở Việt Nam đã được công bố trong thời gian 10 năm trở lại đây tập trung chủ yếu vào 2 khía cạnh chính:

1) Nghiên cứu cơ bản về hạn hán và tác động tới kinh tế - xã hội, dân sinh,.

2) Đề xuất các giải pháp, phòng chống giảm nhẹ và thích ứng hạn hán bao gồm:

- Các giải pháp công trình xây dựng các công trình thu trữ, điều tiết nước;

- Các giải pháp phi công trình nghiên cứu xây dựng các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, các giải pháp về thể chế chính sách giảm nhẹ hạn hán, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, hợp lý...

Nhìn chung, nghiên cứu về hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu đến hạn hán chủ yếu xác định mức độ, tính chất, xu thế biến đổi dựa trên cơ sở các chuỗi số liệu quan trắc từ mạng lưới trạm khí tượng hoặc số liệu phân tích, tái phân tích. Phương pháp được ứng dụng chủ yếu là công cụ thống kê phân tích xu thế kết hợp với việc sử dụng sản phẩm của mô hình dự báo khu vực. Kết quả nhận được chính là những bằng chứng về sự tác động của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng thời tiết cực đoan mà tiêu biểu là hạn hán. Các nghiên cứu cho thấy sự biến đổi của các cực trị nhiệt độ và lượng mưa đối với từng khu vực rất khác nhau, những thay đổi này với hệ quả là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán,...

Việc dự tính khí hậu tương lai và xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu dựa trên các kịch bản phát thải khí nhà kính là một trong những lớp bài toán được cộng đồng các nhà khoa học và quản lí quan tâm đặc biệt bởi tầm quan trọng của nó trong việc cung cấp thông tin cho vấn đề đánh giá biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Theo hướng nghiên cứu này, nhiều chỉ số hạn đã được ứng dụng để đưa ra bức tranh chung về sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như làm đầu vào cho các mô hình khí hậu khu vực trong các bài toán dự tính biến đổi khí hậu khu vực và địa phương. Để dự tính hạn hán do tác động của biến đổi khí hậu, ngoài các ngưỡng chỉ tiêu được xác định theo từng khu vực, vùng khí hậu và địa phương, những chỉ số hạn cũng được lựa chọn phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng khu vực để việc tính toán, phân tích có ý nghĩa thực tiễn. Do vậy, trong nghiên cứu này tôi sẽ đi sâu vào các khía cạnh sau: Đánh giá mức độ, tính chất và xu thế biến đổi của hạn hán trong quá khứ trên khu vực Nam Trung Bộ; Dự tính mức độ, tính chất và xu thế biến đổi của hạn hán trên khu vực này trong tương lai bằng phương pháp tổ hợp từ nhiều thành phần khác nhau của mô hình khí hậu khu vực PRECIS.




Каталог: files -> ChuaChuyenDoi
ChuaChuyenDoi -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
ChuaChuyenDoi -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
ChuaChuyenDoi -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
ChuaChuyenDoi -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
ChuaChuyenDoi -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
ChuaChuyenDoi -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Hà Linh
ChuaChuyenDoi -> ĐÁnh giá Đa dạng di truyền một số MẪu giống lúa thu thập tại làO
ChuaChuyenDoi -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiêN
ChuaChuyenDoi -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Văn Cường

tải về 379.32 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương