Hội thảo quốc tế việt nam họC



tải về 6.05 Mb.
trang89/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   85   86   87   88   89   90   91   92   ...   99
4. Một số nhận xét

Là một trong số các khu vực hải thương năng động bậc nhất thế giới thời cổ, trung và cận đại sơ kỳ, Vịnh Bắc Bộ nói riêng và khu vực Biển Đông nói chung là điểm đến của nhiều thương nhân và thương thuyền ngoại quốc. Vào thời cổ trung đại, thương nhân châu Á (Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á) đã hội tụ về đây buôn bán, biến nơi đây thành một khu vực hải thương sôi động. Các hải cảng thuộc duyên hải nước ta (Vân Đồn ở Đông Bắc; Thanh - Nghệ - Tĩnh ở Bắc Trung Bộ; Vijaya của người Chăm ở Nam Trung Bộ…) cũng nhờ đó mà phát triển theo. Với sự thâm nhập của người châu Âu vào Đông Á đầu thế kỷ XVI, cấu trúc hải thương truyền thống ở khu vực Biển Đông dần dần bị phá vỡ, thay thế bởi một cấu trúc mới mang đậm dấu ấn của các thế lực thương mại và hàng hải phương Tây.

Tương ứng với các giai đoạn phát triển chính của thương mại khu vực và quốc tế qua Biển Đông, Đại Việt, thông qua các hải cảng và trung tâm buôn bán duyên hải, đã thể hiện các cấp độ dự nhập và đóng những vai trò khác nhau. Trong cái nhìn lịch sử và hệ thống, sự dự nhập và điều chỉnh của Đại Việt trong hệ thống thương mại Biển Đông được thể hiện rõ qua quá trình tự điều chỉnh cửa ngõ thông thương: quá trình chuyển dịch dần dần xuống phía nam để hội nhập với những biến chuyển của hải thương khu vực. Nếu như dưới thời kỳ Lý, Trần và đầu Lê sơ (thế kỷ XI - cuối thế kỷ XV), Vân Đồn và vùng duyên hải Đông Bắc là cửa ngõ chính của quốc gia Đại Việt, trong thế kỷ XVI Dương Kinh (Hải Phòng) trở thành đầu mối giao thương trọng yếu của triều Mạc. Sự thiên dịch còn tiếp diễn trong thế kỷ XVII với sự nổi lên của vùng cửa sông Thái Bình (Tiên Lãng, Hải Phòng) như cửa ngõ giao thương chính của Đại Việt thời Lê - Trịnh.

Nếu như tự thân sự thiên dịch trên chỉ mới phản ánh thực tế lịch sử, luận giải về nội dung của những biến thiên lịch sử, nhất là phân tích các vấn đề nội và ngoại cảnh tác động đến sự thiên dịch, sẽ cung cấp những kiến giải sâu sắc về sự thay đổi bản chất và cấu trúc của các hiện tượng lịch sử trên. Như đã phân tích, đến nửa đầu thế kỷ XVI gốm sứ được coi là thương phẩm chính của Đại Việt xuất khẩu ra bên ngoài nên Vân Đồn và vùng Đông Bắc - khá gần trung tâm gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) - có vị trí thuận lợi cho hoạt động chuyên chở và xuất khẩu. Bên cạnh đó là việc Vân Đồn án ngữ vùng cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ - trung tâm của các hoạt động trao đổi nô lệ, muối, ngựa… của thế giới hải thương Giao Chỉ Dương, nơi có sự tham gia của đông đảo thương nhân đến từ Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á... Từ thế kỷ XVI, không chỉ thương nhân châu Á mất dần vị trí ở Biển Đông vào tay người phương Tây mà cơ cấu thương phẩm cũng thay đổi từ gốm sứ sang tơ lụa - sản phẩm phổ biến của vùng châu thổ sông Hồng, nhất là các làng lụa nổi tiếng dọc sông Hồng, khu vực kinh thành và các vùng phụ cận Thăng Long... Ngay cả khi gốm sứ Đàng Ngoài được người nước ngoài xuất khẩu ra Đông Nam Á với số lượng lớn vào cuối thế kỷ XVII, thương phẩm này cũng không còn mang nguồn gốc Chu Đậu nữa mà được sản xuất chủ yếu tại Bát Tràng, một trung tâm gốm sứ gần kinh thành Thăng Long và nằm ngay trên tuyến đường thuỷ nối kinh đô ra biển323. Những thay đổi trên cho thấy, trên phương diện bản chất, vị trí của Đàng Ngoài trong hệ thống thương mại Biển Đông đã có những thay đổi lớn trong thế kỷ XVII.



Ngoài ra, việc triều Mạc và Lê - Trịnh từng bước nới lỏng chính sách đối với ngoại thương, đồng thời cho phép thương nhân nước ngoài lưu trú và buôn bán tại các khu vực nội địa (Phố Hiến, Thăng Long…) đồng nghĩa với sự suy giảm vai trò của một số trung tâm buôn bán ven biển. Trong bối cảnh đó, hệ thống sông từ cửa Thái Bình (Tiên Lãng) qua sông Luộc lên Hưng Yên để theo sông Hồng lên Hà Nội (hay tuyến sông “Đàng Ngoài” trong các ghi chép của người phương Tây) trở thành tuyến đường ngắn nhất và thuận lợi nhất. Vùng cửa sông Thái Bình còn giữ vai trò là cửa ngõ giao thương chính của Đàng Ngoài đến khi thực dân Pháp cho khảo sát và xây dựng đô thị cảng Hải Phòng vào cuối thế kỷ XIX.
1   ...   85   86   87   88   89   90   91   92   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương