Hội thảo quốc tế việt nam họC


Từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI



tải về 6.05 Mb.
trang88/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   84   85   86   87   88   89   90   91   ...   99
3. Từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI

Diện mạo ngoại thương Đại Việt nói chung cũng như thương cảng Vân Đồn và khu vực duyên hải Đông Bắc nói riêng từ khoảng ba thập niên cuối của thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI đã và đang là chủ đề thu hút nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu trong những năm gần đây. Sự thiếu vắng thông tin về vùng hải cảng Đông Bắc từ sau năm 1467 trong các bộ chính sử Việt Nam khiến cho việc nghiên cứu gặp không ít trở ngại, đồng thời dẫn đến những nhận định về sự suy thoái của ngoại thương và sự suy giảm chức năng của thương cảng Vân Đồn305. Trong khi đó, thông tin từ những đợt khảo sát, điền dã, khai quật khảo cổ học, kết quả nghiên cứu gốm sứ thương mại kết hợp với phương pháp sử học so sánh lại cho phép suy luận về thương cảng Vân Đồn nói riêng và vùng duyên hải Đông Bắc nói chung trong mạng lưới hải thương khu vực dưới một quan điểm có phần tích cực hơn. Học giả John Whitmore đã bày tỏ sự băn khoăn của mình về “Sự biến mất của Vân Đồn từ cuối thế kỷ XV” khi ông cho rằng, trên phương diện chính sách quan phương của triều đình Lê sơ, nhất là từ triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), rõ ràng nhà nước thể hiện những động thái khá tiêu cực đối với ngoại thương và sự tồn tại của thương cảng Vân Đồn306. “Nếu chúng ta đánh đồng dòng chảy gốm sứ Đông Nam Á với hệ thống Giao Chỉ Dương và tin chắc rằng Vân Đồn là mấu chốt quan trọng của hệ thống này trong vài thập kỷ đó [cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI], vậy thì điều gì đã diễn ra? R. Brown từng gợi ý về “khoảng trống Mạc” của sản phẩm gốm sứ Việt Nam (và của các quốc gia khác) trong thế kỷ XVI. Dường như “khoảng trống Mạc” này đánh dấu sự chấm dứt của hệ thống Giao Chỉ Dương, sự biến mất của Vân Đồn, và sự quá độ sang một hệ thống mới dạng như Hội An. Làm sao để chúng ta có thể lý giải được điều này?”307.

Trong thực tế, nếu như chính sử Đại Việt hàm ý về sự suy giảm chức năng và xa hơn là sự suy tàn của Vân Đồn, gốm sứ thương mại của Đại Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế giai đoạn cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI khiến người ta không khỏi hoài nghi về giả thuyết này. Bản thân Whitmore, mặc dù đưa ra quan điểm về sự suy tàn của Vân Đồn cũng như khả năng Đại Việt đánh mất vai trò của mình trong hệ thống thương mại khu vực và quốc tế ở Biển Đông từ cuối thế kỷ XV, vẫn thể hiện sự do dự nhất định khi so sánh với những thông tin từ kết quả nghiên cứu gốm sứ thương mại khai quật các con tàu đắm trong những năm gần đây. Ông băn khoăn: “Đứng trên vấn đề này [chính sách phát triển kinh tế dưới triều Lê Thánh Tông], chúng ta có thể suy luận rằng nền hành chính ổn định và phát triển của Đại Việt trong thế kỷ XV chắc chắn đã kích thích và hậu thuẫn cho sản xuất thủ công nghiệp và hệ thống thương mại [tồn tại] như một bộ phận của mạng lưới Giao Chỉ Dương. Trong thực tế, Vân Đồn nhiều khả năng đã trở thành điểm then chốt trong mạng lưới này trong một phần tư cuối của thế kỷ XV cũng như trong thế kỷ XVI và thay thế cho Thị Nại. Tôi tin rằng chừng nào cấu trúc quan liêu [triều Lê] còn tiếp tục hoạt động tốt, chừng đó nội thương và ngoại thương còn diễn ra êm đẹp”308.

Có thể nói, việc xác định vị trí của thương mại Đại Việt trong hệ thống hải thương khu vực Biển Đông từ sau năm 1460 đến cuối thế kỷ XVI đã và đang thực sự thử thách các nhà nghiên cứu. Việc triều Lê sơ, đặc biệt là từ thời Hồng Đức (1460 - 1497) có những chính sách thiếu tính tích cực đối với vấn đề ngoại thương và khu vực hải cảng Vân Đồn cũng như toàn bộ vùng Đông Bắc là điều có thật, thể hiện rõ nét trong bộ Quốc triều hình luật được biên soạn vào thời kỳ này309. Tuy nhiên, ở một khu vực biên viễn như khu vực Vân Đồn, sự tồn tại của các hoạt động thương mại phi quan phương là điều khó có thể phủ nhận; thương nhân Đại Việt và thương nhân nước ngoài chắc chắn vẫn duy trì hoạt động trao đổi ở một cấp độ nhất định. Dù sao mặc lòng, chính sách không mấy cởi mở của triều đình Lê sơ chắc chắn đã có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của Vân Đồn nói riêng và toàn khu vực hải cảng Đông Bắc nói chung từ sau thập niên 1460.

Sự phát triển của thủ công nghiệp cũng như thái độ cởi mở của nhà Mạc (1527 - 1592) đối với thương nghiệp có tác động đáng kể đến tình hình trao đổi trong nước thời kỳ này. Tuy nhiên, bản thân vấn đề ngoại thương Đại Việt dưới triều Mạc lại tồn tại những tranh luận. Nếu như trước đây người ta vẫn tin vào một sự song hành mang tính tất yếu giữa sự mở rộng của thủ công nghiệp (và nội thương) với sự hưng thịnh của ngoại thương Đại Việt thời Mạc, một số nhà nghiên cứu gần đây lại bày tỏ những băn khoăn, cho rằng cấu trúc hải thương quốc tế khu vực Biển Đông đã thay đổi mạnh vào đầu thế kỷ XVI, khiến cho vị trí của Đại Việt trên các tuyến hải thương truyền thống của khu vực bị ảnh hưởng rất lớn. Trong rất nhiều những nhân tố tác động đến hải thương khu vực, tôi cho rằng có ít nhất ba vấn đề cơ bản sau đây cần được lưu ý khi nghiên cứu ngoại thương Đại Việt thế kỷ XVI, đặc biệt là khu vực duyên hải Đông Bắc. Thứ nhất, sự thâm nhập của người Bồ Đào Nha vào phương Đông và quá trình xác lập mạng lưới thương mại liên Đông Á của Công ty Hoàng gia Bồ Đào Nha (Estado da India)310 đã từng bước phá vỡ cấu trúc thương mại Bắc - Nam ở khu vực Biển Đông và Nam Hải311. Đặc biệt, với sự thâm nhập của người Bồ vào miền nam Trung Quốc và xác lập vị trí thương mại của họ tại Macao trong nửa đầu thế kỷ XVI, hoạt động buôn bán tại các khu vực duyên hải nam Trung Quốc và Đông Bắc Việt Nam đã bị tác động đáng kể, nếu không muốn nói là bị suy giảm bởi sức hút mạnh từ người Bồ định cư buôn bán ở Macao312.

Thứ hai, việc thương nhân Trung Quốc, đặc biệt là thương nhân Phúc Kiến, khai mở và phát triển ngày càng mạnh mẽ tuyến hải thương nam Trung Quốc - Philippines - Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV313 đã tác động không nhỏ đến vị trí của các hải cảng ven biển nước ta. Sau khi người Tây Ban Nha đến định cư và buôn bán tại Philippines, mang đến đây hàng năm một lượng bạc lớn từ Tân Thế giới, số lượng Hoa thương đổ về đây buôn bán ngày càng tăng. Như một hệ quả, trong khi tuyến đường biển phía đông (Dongyang hanglu) của người Trung Quốc xuống Đông Nam Á ngày càng phát triển, tuyến đường truyền thống phía tây dọc duyên hải Việt Nam (Xiyang hanglu) ngày càng mất đi vị thế314. Trong bối cảnh đó, việc vùng Đông Bắc nói riêng và phần lớn duyên hải Đại Việt mất đi vị thế ưu việt của mình trong hệ thống buôn bán chung của khu vực là điều có thể lý giải được.

Thứ ba, mạng lưới mậu dịch gốm sứ quốc tế đã có những thay đổi mạnh từ giữa thế kỷ XVI và tác động không nhỏ đến Đại Việt. Nếu như chính sách Hải Cấm của nhà Minh trong các thế kỷ XIV và XV đã tạo điều kiện rất lớn cho gốm sứ Đông Nam Á (gốm hoa nâu và Chu Đậu của Đại Việt, gốm Gò Sành của Chămpa, gốm Sawankhalok của Xiêm…) phát triển và chi phối luồng gốm sứ thương mại khu vực và quốc tế, việc bãi bỏ chính sách đóng cửa của nhà Minh vào năm 1567 đồng thời đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên gốm sứ thương mại Đông Nam Á sau khi gốm sứ Trung Quốc trở lại chiếm lĩnh thị trường315. Trong bối cảnh đó, việc gốm sứ Đại Việt ở giai đoạn cuối của triều Mạc, dù vẫn phát triển, không còn chiếm lĩnh được thị trường bên ngoài, tạo nên một “khoảng trống Mạc” (Mac gap) trong thương mại gốm sứ quốc tế như Roxannam. Việc Brown316 từng băn khoăn là điều có thể lý giải được từ bình diện thương mại gốm sứ khu vực và quốc tế.

Bên cạnh ba nhân tố mang tính ngoại cảnh trình bày trên đây, sự thay đổi triều chính liên tục ở Đại Việt từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XVI có thể được coi là nhân tố nội tại và tác động trực tiếp đến vị trí của Đại Việt, nhất là các hải cảng khu vực Đông Bắc, trong hệ thống thương mại Biển Đông thời kỳ này. Sau khi lên ngôi năm 1527, Mạc Đăng Dung (và các vua tiếp theo của triều Mạc) luôn chủ trương phát triển quê hương Dương Kinh (Hải Phòng) thành trung tâm chính trị thứ hai sau Thăng Long, đồng thời biến nơi đây thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt ra bên ngoài317. Chiến lược này của họ Mạc rõ ràng đã lấy đi một phần rất lớn ưu thế thương mại của Vân Đồn và vùng duyên hải Đông Bắc, mặc cho nhà Mạc duy trì một tầm nhìn khá cởi mở về thương mại. Từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, với sự chuyển giao quyền lực từ triều Mạc sang triều đình Lê - Trịnh, cửa ngõ thông thương của Đại Việt lại tiếp tục có những hoán đổi: từ Dương Kinh chuyển dịch xuống vùng cửa sông Thái Bình. Như vậy là, chỉ trong vòng khoảng một trăm năm dưới triều Mạc và triều Lê - Trịnh, cửa ngõ thương mại chính yếu của quốc gia Đại Việt đã liên tục chuyển dịch xuống phía nam: từ Vân Đồn (thế kỷ XII - XVI) qua Dương Kinh (thế kỷ XVI) xuống vùng cửa sông Thái Bình (thế kỷ XVII - khoảng thế kỷ XIX).

Điều đáng nói là, nếu như giai đoạn Dương Kinh vẫn nằm trong giai đoạn quá độ của hải thương khu vực (thế kỷ XVI, người phương Tây bắt đầu thâm nhập), sự nổi lên của vùng cửa sông Thái Bình gắn với một kỷ nguyên mới của hải thương khu vực Đông Á. Từ thế kỷ XVII, các tuyến hải thương truyền thống ở khu vực Biển Đông và Nam Hải vốn được điều hành bởi thương nhân châu Á (Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á) trước đây đã dần dần bị người phương Tây (Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…) chiếm lĩnh. Không chỉ cấu trúc hải thương khu vực mà ngay cả nội dung (hay bản chất) của các luồng hải thương cũng bị biến đổi để phù hợp với bối cảnh mới318. Trong kỷ nguyên mới của thương mại khu vực Đông Á, quốc gia Đại Việt (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) đều có vị trí quan trọng và trong những thời kỳ nhất định trở thành những mắt xích không thể thay thế319. Riêng tại Đàng Ngoài, một thực tế không thể phủ nhận là trong thế kỷ XVII và một phần của thế kỷ XVIII, đại đa số các thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Ngoài đều vào cửa sông Thái Bình và lưu trú tại Domea (Tiên Lãng) trong khi hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra chủ yếu tại kinh đô Thăng Long320. Việc đại đa số thương nhân và thương thuyền ngoại quốc tập trung về Tiên Lãng thế kỷ XVII - XVIII cũng như trường hợp nổi lên của Dương Kinh thế kỷ XVI, như một hệ quả, đã làm suy giảm đáng kể, trên phương diện quan phương, vị trí và vai trò của Vân Đồn nói riêng và khu vực cảng biển vùng Đông Bắc nói chung.

Mặc dù vậy, cũng cần nói thêm rằng, sự chuyển dịch cửa ngõ buôn bán xuống vùng Dương Kinh (thế kỷ XVI) và cửa sông Thái Bình (thế kỷ XVII - XVIII) không đồng nghĩa với sự “biến mất” hay “suy tàn hoàn toàn” của Vân Đồn và vùng duyên hải Đông Bắc như một số nhà nghiên cứu từng quan niệm. Với vị trí tiếp giáp với khu vực thương mại sôi động ở đông nam Trung Quốc, Vân Đồn và khu vực duyên hải Đông Bắc - dù không còn là cửa ngõ thương mại chính của Đại Việt như ở giai đoạn Lý, Trần - vẫn có vai trò thương mại đáng kể. Những nỗ lực của người Hà Lan và người Anh trong chiến lược xây dựng trung tâm buôn bán ở vùng biên giới Đông Bắc trong nửa cuối thế kỷ XVII cho thấy khu vực này vẫn có vị trí quan trọng trong trao đổi với Trung Quốc qua các trung tâm trao đổi lớn (bạc dịch trường) ở dọc biên giới321. Tuy nhiên, trở lực lớn nhất cho sự phát triển của vùng Đông Bắc từ nửa cuối thế kỷ XVII là vấn đề hải tặc và sự bất ổn chính trị ở vùng nam và đông nam Trung Quốc sau sự biến Minh - Thanh năm 1644. Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhiều nhóm hải tặc cũng như các thế lực “phản Thanh phục Minh” thường chọn vùng nam Trung Quốc, một phần giáp với biên giới Việt - Trung, để trú chân và tiến hành cướp bóc các thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Ngoài qua khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ và bán đảo Lôi Châu322. Triều đình Lê - Trịnh vì thế thắt chặt quản lý Vùng Đông Bắc trong phần lớn thế kỷ XVII, khiến cho vị trí thương mại của khu vực này không có điều kiện phát huy như ở các thế kỷ trước.





tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   84   85   86   87   88   89   90   91   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương