Hội thảo quốc tế việt nam họC


Giai đoạn thế kỷ X - giữa thế kỷ XV



tải về 6.05 Mb.
trang87/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   83   84   85   86   87   88   89   90   ...   99
2. Giai đoạn thế kỷ X - giữa thế kỷ XV

Trong một thời kỳ tương đối dài các nhà nghiên cứu trong nước có xu hướng duy trì cái nhìn tương đối thiếu tích cực về ngoại thương Đại Việt từ sau khi giành được độc lập vào thế kỷ X. Trái lại, các nhà sử học nước ngoài cho rằng sự thuyên chuyển vai trò điều phối thương mại biển từ Giao Chỉ sang các hải cảng miền nam Trung Quốc từ nửa cuối thời kỳ Bắc thuộc cũng như việc người Việt giành được độc lập vào thế kỷ X không đồng nghĩa với việc phủ nhận vị trí của miền Bắc nước ta trong hệ thống thương mại khu vực, nhất là trong tuyến hải thương nối Trung Quốc với các khu vực buôn bán phía nam286. Những quan điểm trên ngày càng được củng cố vững chắc trên cơ sở những nghiên cứu mới, góp phần khẳng định biển và kinh tế biển đã đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam cổ trung đại hơn nhiều lần người ta từng nghĩ287.

Hằng số nước, hằng số biển và các hoạt động kinh tế, văn hoá gắn với các hằng số này trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu quan tâm phân tích từ lâu288. Năm 1986, trên cơ sở phân tích sự hình thành và phát triển của các trung tâm buôn bán ven biển (Vân Đồn và Nghệ - Tĩnh) thời Lý - Trần, nhà sử học người Mỹ John Whitmore đã đề cao “vai trò thương mại năng động của người Việt trong nền thương mại quốc tế rất hưng thịnh thời bấy giờ”, đồng thời kêu gọi các nhà nghiên cứu tập trung làm sáng tỏ các vấn đề như “nền tảng sản xuất xã hội phục vụ thương mại, phương thức tổ chức thương mại và sự năng động xã hội đưa đến sản phẩm dư thừa…”. Ông kết luận “nguồn của cải thu được từ thương mại chắc chắn đã góp phần đáng kể vào việc thiết lập và củng cố quyền lực chính trị, kích thích nền kinh tế bản địa”289. Quan điểm này của Whitmore sau đó được các nhà sử học kế cận như Momoki Shiro, Li Tana, Charles Wheeler, Nola Cooke… tiếp tục nghiên cứu và đến nay đã có những nhận thức sáng tỏ (xin xem cụ thể ở những phần tiếp theo).

Những thông tin dù sơ lược trong các bộ sử còn lại đến ngày nay cho thấy, sau khi giành được độc lập vào thế kỷ X, nhất là dưới vương triều Lý (thế kỷ XI - XIII), triều đình không hoàn toàn quay lưng lại với thương mại nói chung và ngoại thương nói riêng. Trên cơ sở của nền thủ công nghiệp tương đối phát triển, triều Lý đã có những động thái tương đối tích cực trong buôn bán với nước ngoài. Theo sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào, chỉ hai năm sau khi thành lập, năm 1012, triều Lý xin nhà Tống cho mở tuyến buôn bán đến Ung Châu qua đường biển; nhà Tống khước từ và chỉ cho phép thương nhân Đại Việt đến trao đổi tại Quảng Châu và một số địa điểm khác ở khu vực biên giới290. Năm 1040, trên cơ sở của một nền thủ công nghiệp dệt lụa đã phát triển, vua Lý Thái Tông “dạy cung nữ dệt được gấm vóc [nên] xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan […] để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”291. Năm 1149, đáp lại việc thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La đến Hải Đông xin cư trú buôn bán, nhà Lý “cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”292. Ở khu vực phía nam, các trung tâm trao đổi ở vùng Nghệ - Tĩnh cũng có điều kiện phát triển, thu hút một lượng lớn thương nhân từ Trung Quốc và Đông Nam Á đến buôn bán293. Vượt ra khỏi ý nghĩa quốc gia về chiến lược phát triển kinh tế, trên phương diện hải thương khu vực và quốc tế, việc nhà Lý lập trang Vân Đồn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự dự nhập của quốc gia Đại Việt vào hệ thống hải thương khu vực và quốc tế qua khu vực Biển Đông, thể hiện ở một số nét chính sau đây.

- Cho đến trước thế kỷ XV, các tuyến hải thương quốc tế nối Trung Quốc với các thị trường phương Nam chủ yếu đi qua khu vực Vịnh Bắc Bộ; vùng duyên hải Đông Bắc nước ta vì thế có vị trí hết sức quan trọng. Trong ghi chép của các thương nhân và thuỷ thủ ở các thế kỷ X - XV, vùng biển trải dài từ phía nam Trung Quốc qua Vịnh Bắc Bộ xuống vùng bờ biển Chămpa nổi tiếng với tên gọi Giao Chỉ Dương (biển Giao Chỉ). Trong khu vực buôn bán sôi động này, các thương phẩm chính là nô lệ, muối và ngựa đã được trao đổi thường xuyên và


Đại Việt thời Lý đã tham dự một cách tích cực vào các hoạt động buôn bán ở khu vực biển Giao Chỉ294. Phân lập các tuyến thương mại, học giả Li Tana cho rằng, trong bối cảnh rộng của thương mại khu vực và quốc tế khoảng cuối triều Đường (thế kỷ VII - X), Giao Châu nói chung và miền Bắc nước ta nói riêng có ưu thế trong việc trao đổi thương phẩm giữa hai khu vực là biển và các vùng nội địa trong khi Quảng Châu và các cảng nam Trung Quốc giữ vị thế tiên phong trong giao dịch với các thương thuyền đến từ Đông Nam Á, Tây Á và Nam Á295.

- Cũng từ thời Đường, thương nhân và thuỷ thủ Hồi giáo có vai trò quan trọng trong hệ thống hải thương ở khu vực Đông Á. Vượt qua các trung tâm trao đổi Đông Nam Á truyền thống, thương nhân Hồi đã đến định cư và buôn bán tại nhiều thương cảng ở phía nam Trung Quốc, khu vực đảo Hải Nam và được ghi nhận là có vai trò năng động trong các tuyến buôn bán nhỏ ở khu vực Giao Chỉ Dương296. Ở một số trung tâm buôn bán lớn như Tuyền Châu (Phúc Kiến), các dòng họ Hồi lớn như Pu Kai-zong (Bồ Khai Tông) và Pu Shou-geng (Bồ Thọ Khang) còn được nhà Tống phong làm quan giám thương tại cảng Tuyền Châu297. Trong khi đó, ở đảo Hải Nam, cộng đồng Hồi giáo đông đến mức nhiều làng của người Hui-hu (Hồi Hồ) đã được lập nên ở các khu vực duyên hải thuộc đảo Hải Nam298. Không chỉ có vị thế thương mại vững chắc tại các hải cảng miền nam Trung Quốc như các quan điểm truyền thống trước đây thường ghi nhận, Hồi thương còn tích cực tham dự vào các tuyến buôn bán nối liền biển với các khu vực nội địa, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới trao đổi ở Biển Đông thời kỳ này299.

- Với Đại Việt từ cuối thời Trần và đầu thời Lê, vai trò của thương cảng Vân Đồn và vùng cảng biển Đông Bắc trong hệ thống hải thương khu vực và quốc tế ở Biển Đông được biết đến nhiều qua chức năng trung chuyển và xuất khẩu gốm sứ. Bên cạnh chức năng trung chuyển gốm sứ Trung Quốc ra thị trường khu vực, Vân Đồn còn được biết đến như cửa ngõ đưa gốm sứ Đại Việt (men nâu thời Trần và men lam thời Lê sơ) ra thị trường quốc tế300. Trong một cái nhìn phổ quát, sự nổi lên của gốm sứ Đại Việt trên thị trường quốc tế vào thời điểm này đã đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu cao về gốm sứ thương mại của thị trường Tây Á (Ba Tư, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ…) cũng như các thị trường Hồi giáo khu vực như tại Philippines, Sulawesi...301. Gốm sứ Đại Việt còn được xuất khẩu ra thị trường khu vực đến nửa cuối thế kỷ XVI trước khi bị suy giảm do cả nguyên nhân trong nước (biến động chính trị tác động đến kinh tế) cũng như những tác động từ bên ngoài (việc nhà Minh bãi bỏ chính sách Hải Cấm vào năm 1567 tạo điều kiện cho sản phẩm gốm sứ Trung Quốc trở lại chiếm lĩnh thị trường quốc tế)302.

- Một trong những nhân tố tác động rất lớn và gần như xuyên suốt “kỷ nguyên sớm của thương mại Đông Nam Á (900 - 1300)”, như Geoff Wade từng đề xuất, là những chính sách về thương mại và kinh tế hết sức tích cực và chủ động của các vương triều Tống và Nguyên ở Trung Quốc. Nối tiếp chủ trương coi trọng tiền tệ để phát triển thương mại của các chư hầu thời kỳ Ngũ Đại, dưới thời Tống, những chính sách cụ thể về tiền tệ, trao đổi, thuế khoá… trong giao dịch với người nước ngoài đã được thực thi nhằm kích thích sự mở rộng của ngoại thương303. Trên cơ sở đối sánh với những biến chuyển của hải thương khu vực, nhất là hải thương Trung Quốc, đã có nhiều quan điểm cho rằng việc nhà Lý lập trang Vân Đồn và biến khu vực Đông Bắc thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt là một phản ứng nhanh nhạy và thức thời, kéo Đại Việt dự nhập một cách chủ động và có hệ thống vào quỹ đạo thương mại quốc tế ở khu vực Vịnh Bắc Bộ vốn đã hưng thịnh từ nhiều thế kỷ trước, đặc biệt là sau những chính sách ngoại thương tích cực của triều Tống vào cuối thế kỷ X304.





tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   83   84   85   86   87   88   89   90   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương