HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 08 /2013 chủ ĐỀ pháp luậT ĐIỆn lựC



tải về 1.07 Mb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích1.07 Mb.
#37703
1   2   3   4   5   6   7   8   9

3. Xây dựng các đường dây tải điện

3.1 Xây dựng đường dây trung áp 35 kV đầu tiên

Tuyến đường dây tải điện 35 kV đầu tiên Hà Nội – Phố Nối được xây dựng tháng 01/1958 và khánh thành trong quý III/1958, đóng điện thành công. Trước đó, các đường dây tải điện Hả Nội – Hà Đông, Hà Nội – Sơn Tây, Hà Nội – Phố Nối, Thái Bình – Nam Định được phục hồi sử dụng từ đường dây cũ do thực dân Pháp để lại.

3.2. Xây dựng tuyến đường dây 110 kV đầu tiên của miền Bắc

Quý III/1962, tuyến đường dây 110 kV đầu tiên của miền Bắc (Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng) được khởi công xây dựng và đến quý IV/1963 đã hoàn thành đóng điện. Thời gian tiếp theo, nhiều nhà máy điện, tuyến đường dây và Trạm biến áp 110 kV, 35 kV đã ra đời, 9 trong số 12 nhà máy điện đã được nối liền bằng đường dây 110 kV, tạo thành một hệ thống điện hoàn chỉnh của miền Bắc. Đây là thành quả rực rỡ của ngành điện trước khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.



3.3. Xây dựng tuyến đường dây 220 kV đầu tiên

Tháng 3/1979, tuyến đường dây 220 kV Hà Đông – Hòa Bình được khởi công xây dựng và đến tháng 5/1981 đưa vào vận hành. Đây là đường dây truyền tải 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện và tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam sau này.



3.4. Xây dựng đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, kinh tế các tỉnh miền Nam và đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển vượt bậc, nhưng nguồn điện ở khu vực này không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng, chỉ đáp ứng được 89,73% (công suất lắp đặt là 1005 MW, nhu cầu là 1120 MW). Khu vực Miền Trung cũng thiếu điện, được cấp điện chủ yếu qua đường dây 220kV VinhĐồng Hới lấy điện từ Hòa Bình, đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Công suất lắp đặt của Miền Trung chỉ đáp ứng được 40,91% nhu cầu (lắp đặt 90 MW, nhu cầu 220MW). Trong khi đó, tại Miền Bắc, các nhà máy nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại, các nhà máy thủy điện Thác Bà, Hòa Bình lần lượt được đưa vào vận hành, Miền Bắc cơ bản thừa công suất. Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc Nam.

Ngày 05/4/1992, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mạch 1 (từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đến thành phố Hồ Chí Minh) dài 1.487 km được khởi công xây dựng và ngày 27/5/1994 đã khánh thành, đóng điện vận hành. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành mang tính đột phá của ngành Điện lực Việt Nam, hệ thống điện quốc gia Việt Nam được liên kết giữa các khu vực Bắc – Trung – Nam thông qua trục “xương sống” là đường dây 500 kV. Tiếp đến ngày 23/10/2005, đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 2 (từ Phú Lâm - thành phố Hồ Chí Minh đến Thường Tín - tỉnh Hà Tây cũ – nay là Hà Nội) dài hơn 1.600 km đi qua 21 tỉnh tiếp tục được hoàn thành và đưa vào vận hành, đảm bảo hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 kV hai mạch song song truyền tải điện 2 chiều Nam – Bắc.

Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 4.670km với 3.437 cột tháp sắt, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm (thành phố Hồ Chí Minh). Đường dây đi qua 21 tỉnh, thành phố, 8 lần vượt sông lớn và 17 lần vượt quốc lộ. Trong đó, qua vùng đồng bằng khoảng 20%, trung du - cao nguyên 45%, núi cao, rừng rậm chiếm 35%. Sau khi đưa vào vận hành, đường dây 500kV đã trở thành xương sống của ngành điện lực Việt Nam với vai trò điều phối điện quốc gia.



4. Thành lập Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn điện lực và các tổ chức khác

4.1. Thành lập Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia năm 1994

Ngày 11/4/1994, Bộ trưởng Bộ Năng lượng tại Quyết định số 180/NL/TCCB-LĐ về việc thành lập Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Ao), với nhiệm vụ: Chỉ huy, điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia theo phân cấp quản lý điều độ, nhằm đạt kết quả tối ưu về kỹ thuật và kinh tế, đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, liên tục, tin cậy.



4.2. Thành lập Tổng Công ty điện lực Việt Nam 1994

Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng; đến ngày 27/01/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14-CP về thành lập Tổng công ty điện lực Việt Nam và ban hành Điều lệ của Tổng công ty. Ngày 01/01/1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam chính thức ra mắt, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng trên toàn quốc.

Từ 01/4/1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam bắt đầu điều hành toàn bộ công việc của ngành điện, bao gồm: Phát điện, truyền tải, phân phối, đầu tư xây dựng trên cơ sở các Tổng sơ đồ phát triển điện đã được phê duyệt. Sự ra đời của EVN đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

4.3. Thành lập Công ty điện lực miền Trung 1975

Ngày 07/10/1975, Công ty Điện lực miền Trung (nay là Công ty Điện lực 3) được thành lập. Sau khi được giải phóng, các cơ sở điện lực khu vực miền Trung hầu hết đều nhỏ bé, manh mún, không có lưới truyền tải cao thế, toàn miền chỉ có 150 máy phát diezel phân tán ở các đô thị, tổng công suất đặt là 74 MW. Công ty Điện lực miền Trung ra đời là điều kiện đảm bảo cho sự thống nhất trong công tác quản lý điều hành; đồng thời củng cố, phát triển sản xuất kinh doanh điện trong toàn khu vực miền Trung.



Sau đó Công ty Điện lực miền Trung đổi tên thành Công ty Điện lực 3. Hiện nay Công ty Điện lực 3 (PC3) là doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với địa bàn hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên.

4.4. Thành lập Công ty điện lực miền Nam 1976

Ngày 07/8/1976, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ra Quyết định số 1592/QĐ-TCCB.3 về việc đổi tên Tổng cục Điện lực (thành lập ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng) thành Công ty Điện lực miền Nam.

Ngày 09/5/1981, Công ty Điện lực miền Nam đổi tên thành Công ty Điện lực 2 theo Quyết định số 15/TTCBB.3 của Bộ trưởng Bộ Điện lực. Ngày 07/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 147-TTg chuyển Công ty Điện lực 2 trực thuộc Bộ Năng lượng.

Từ ngày 01/4/1995, Công ty Điện lực 2 được  thành lập lại, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).



4.5. Thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam 2006

Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với 03 lĩnh vực kinh doanh chính là điện năng, cơ khí và viễn thông. Quyết định số 148/2006/QĐ-TTG ngày 22/6/2006 về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 17/12/2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức ra mắt, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại, đưa ngành điện trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao và hội nhập quốc tế có hiệu quả.



4.6. Thành lập Trường Đại học Điện lực 2006

Trường Đại học Điện lực (EPU) được thành lập ngày 30/6/2006, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Điện lực. Với 11 chuyên ngành đào tạo, Trường Đại học Điện lực đã góp phần tăng cường đào tạo nhân lực có trình độ cao cho ngành điện.



4.7. Thành lập công ty mua bán điện 2007

Ngày 31/12/2007, Hội đồng quản trị Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã ban hành quyết định số 1182/QÐ-EVN-HÐQT về việc thành lập Công ty Mua bán điện (EPTC), với nhiệm vụ chính: Lập kế hoạch, đàm phán, thực hiện các hợp đồng mua bán điện; thoả thuận, ký kết thiết kế kỹ thuật, quản lý hệ thống đo đếm điện năng phục vụ mua bán điện; tham gia vận hành thị trường điện nội bộ và cạnh tranh…

Công ty Mua bán điện đã và đang tự hoàn thiện, tiến hành nghiên cứu, đổi mới, đào tạo và chuẩn bị các điều kiện tối ưu, sẵn sàng cho các cấp độ tiếp theo của thị trường điện và hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

4.8. Thành lập Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia 2008

Ngày 04/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) được thành lập với mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Tập đoàn điện lực Việt Nam sở hữu 100% vốn, gồm 4 công ty truyền tải 1, 2, 3, 4 và 3 Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có trách nhiệm đầu tư, tổ chức vận hành và quản lý hệ thống truyền tải điện từ 220 kV đến 500 kV của hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu chính là cung cấp dịch vụ truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định và tin cậy; bảo đảm cung ứng điện cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội an ninh và quốc phòng cho đất nước; sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn được giao.



4.9. Thành lập Công ty tài chính cổ phần điện lực 2008

Ngày 01/9/2008, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) chính thức khai trương hoạt động, với chức năng chủ yếu là thu xếp vốn và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho ngành điện và các thành phần kinh tế. Với số vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, EVN Finance định hướng phát triển trở thành một định chế tài chính chuyên nghiệp trong các hoạt động cấp tín dụng tài trợ nguồn vốn, hoạt động tư vấn, đầu tư tài chính…



Phần thứ hai

GIỚI THIỆU LUẬT ĐIỆN LỰC NĂM 2004 (ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU NĂM 2012)
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT ĐIỆN LỰC

Điện năng là một loại hàng hóa đặc thù, là động lực thúc đẩy sự phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Việc phát triển điện năng cần đi trước một bước để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do điện năng có vai trò quyết định sự phát triển của quốc gia nên cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Các hoạt động điện lực đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư thích đáng. Ngay từ những năm đầu sau khi giải phóng, tiếp quản thủ đô, Chính phủ đã cho xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện, thủy điện, các đường dây tải điện, trạm biến áp nhằm phục vụ nhu cầu về điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Công suất lắp đặt của ngành điện không ngừng tăng lên, từ 31,5 MW năm 1955 đã tăng trên 11.197 MW vào cuối năm 2004 và tính đến ngày 31/12/2011 tổng công suất lắp đặt toàn bộ hệ thống điện là 22.029 MW. Lưới điện cao áp từ chỗ chỉ có 100 km đường dây 35kV nối từ Hà Nội đến Hưng Yên năm 1955, đến nay đã hình thành cả hệ thống lưới điện cao áp bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước thì tính đến năm 2010 đã có 3.890 km đường dây tải điện 500 kV Bắc – Nam, 10.015 km đường dây tải điện 220 kV, 13.141 km đường dây tải điện 110 kV; với 23 Trạm biến áp 500 kV, 135 Trạm biến áp 220 kV và 746 Trạm biến áp 110 kV. Đến cuối năm 2010 cả nước đã có 100% số huyện có điện lưới, và điện tại chỗ, 98,63% số xã và 97,31% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 5,86% so với chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng 14.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động điện lực và đầu tư phát triển hệ thống điện đã được ban hành (Xem Phụ lục 2 – Đặc san này) đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo đảm vận hành trang thiết bị điện an toàn, hiệu quả.



Đặc biệt, ngày 03/12/2004, Luật điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2005 đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực và sử dụng điện, góp phần khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Công tác quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực địa phương các giai đoạn được lập và phê duyệt bảo đảm đúng trình tự, thủ tục. Trong đầu tư phát triển điện lực, bước đầu đã thu hút được nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Chủ trương tiết kiệm điện năng được nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện ở tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh điện và sử dụng điện. Cơ chế, chính sách về giá điện được thực hiện theo hướng có sự điều tiết của Nhà nước, có cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, đặc biệt đối với nhóm khách hàng là người nghèo, người có thu nhập thấp. Hoạt động điện lực đã dần chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, do Luật điện lực năm 2004 được ban hành trong thời điểm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên đến nay trong điều kiện nhiều ngành kinh tế đã hội nhập với khu vực và thế giới, một số quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện lực, cụ thể là:



- Về Quy hoạch phát triển điện lực

Luật điện lực năm 2004, quy định Quy hoạch phát triển điện lực địa phương gồm 2 loại: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy hoạch phát triển điện lực quận/huyện/thị xã và thành phố thuộc tỉnh; quy hoạch phát triển điện lực địa phương được lập cho từng giai đoạn năm (05) năm.



Thực tế thi hành hiện nay cho thấy, nội dung của Quy hoạch phát triển điện lực của một số quận/huyện/thị xã và thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hầu hết đã nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho giai đoạn năm (05) năm nhưng việc lập và phê duyệt thường kéo dài hơn một (01) năm nên thời gian thực hiện chỉ còn 04 năm. Do vậy, một số địa phương đã đề nghị cần sửa đổi chu kỳ lập quy hoạch địa phương dài hạn hơn để địa phương có thể chủ động trong việc lập và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đặc biệt là công tác quy hoạch quỹ đất cho các công trình điện lực.

- Về giá điện

Trong quá trình thực thi Luật điện lực năm 2004, việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện trong thời gian qua chưa bảo đảm tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Giá bán điện bình quân càng ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào, nên chưa đáp ứng được yêu cầu giảm rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất điện khi thị trường nguyên, nhiên liệu và điều kiện thủy văn biến động lớn; chưa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư; chưa đảm bảo yêu cầu giá điện được tính đúng, tính đủ để khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải, phân phối điện; chưa tạo động lực cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trên thế giới có nhiều nước điều chỉnh giá điện hàng năm hoặc hàng quý, thậm chí là hàng tháng theo các yếu tố đầu vào có nhiều biến động như: Tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thuỷ văn... Tuy nhiên, ở nước ta vì điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt, việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân nên giá điện vẫn cần phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Do đó, để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu của thị trường nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước thì cần quy định theo hướng: Cơ chế xây dựng và điều chỉnh giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách giá của Luật điện lực.

Ngoài ra, một số nội dung khác của Luật điện lực năm 2004 như phát triển thị trường điện, giấy phép hoạt động điện lực, tôn trọng sự thỏa thuận của bên mua, bên bán điện trong lắp đặt thiết bị đo, đếm điện, nội dung điều tiết điện lực, Bộ chủ quản quản lý ngành điện giúp Chính phủ … đã không còn phù hợp với mục tiêu phát triển, phương thức quản lý điều hành của ngành điện nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi khách quan trong ngành điện và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Do đó, ngày 20 tháng 11 năm 2012 Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT ĐIỆN LỰC

Luật điện lực được xây dựng trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau:

1. Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển điện lực, quản lý các hoạt động điện lực và sử dụng điện, khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chuyển các hoạt động điện sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

2. Đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực. Phân định rõ chức năng quản lý, điều tiết của Nhà nước về điện lực và nhiệm vụ quản lý sản xuất kinh doanh điện.

3. Bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực, bảo đảm kết hợp hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực, của khách hàng sử dụng điện và của Nhà nước.

4. Đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa Luật điện lực với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

5. Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐIỆN LỰC NĂM 2004

Luật điện lực bao gồm 10 chương với 70 điều, quy định về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; tiết kiệm điện; thị trường điện lực; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.



1. Bố cục Luật điện lực

Chương I. Những quy định chung, có 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách phát triển điện lực; hợp tác quốc tế trong hoạt động điện lực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện lực; các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Chương II. Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực có 6 điều (từ Điều 8 đến Điều 12) quy định quy hoạch phát triển điện lực; nội dung quy hoạch phát triển điện lực; lập, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực; kinh phí cho công tác quy hoạch; đầu tư phát triển điện lực; sử dụng đất cho các công trình điện lực.

Chương III. Tiết kiệm trong phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện, có 4 điều (từ Điều 13 đến Điều 16) quy định về chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện; tiết kiệm trong phát điện;ctiết kiệm trong truyền tải, phân phối điện; tiết kiệm trong sử dụng điện.

Chương VI. Thị trường điện lực gồm 3 mục

Mục 1 – Nguyên tắc, đối tượng, hình thức và nội dung hoạt động của thị trường điện lực, có 5 điều (từ Điều 17 đến Điều 21) quy định nguyên tắc hoạt động; hình thành và phát triển thị trường điện lực; đối tượng tham gia thị trường điện lực; mua bán điện trên thị trường điện lực; hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện lực.

Mục 2 – Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng có thời hạn, có 7 điều (từ Điều 22 đến Điều 28) quy định hợp đồng mua bán điện có thời hạn; thanh toán tiền điện; đo đếm điện; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện

Bảo đảm chất lượng điện năng; ngừng, giảm mức cung cấp điện; mua bán điện với nước ngoài.

Mục 3 – Giá điện, có 3 điều (từ Điều 29 đến Điều 31) quy định về chính sách giá điện; căn cứ lập và điều chỉnh giá điện; giá điện và các loại phí.

Chương V. Giấy phép hoạt động điện lực, có 7 điều (từ Điều 32 đến Điều 38), quy định về thẩm quyền, nguyên tắc, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực; điều kiện được cấp Giấy phép; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; nội dung và thời hạn của Giấy phép; sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép; điều kiện miễn trừ giấy phép.

Chương VI. Quyền, nghĩa vụ của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, có 9 điều (từ Điều 39 đến Điều 47) quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực và khách hàng sử dụng điện.

Chương VII. Bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện, có 13 điều (từ Điều 48 đến Điều 59) quy định về trách nhiệm bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện; an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, sử dụng điện cho sản xuất, cho sinh hoạt, dịch vụ; sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp; xử lý sự cố điện.

Chương VIII. Điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, gồm 5 điều (từ Điều 60 đến Điều 64) quy định về chính sách phát triển, đầu tư phát triển điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; thanh toán tiền điện thuỷ nông; an toàn điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Chương IX. Quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, có 3 điều (từ Điều 65 đến Điều 67) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện; điều tiết hoạt động điện lực; thanh tra chuyên ngành điện lực.

Chương X. Điều khoản thi hành, có 3 điều (từ Điều 68 đến Điều 70) quy định những vấn đề liên quan đến tổ chức, cá nhân đang hoạt động điện lực; hiệu lực thi hành; hướng dẫn thi hành Luật.

2. Nội dung cơ bản của Luật điện lực

2.1. Những quy định chung (Chương I)

a) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật điện lực (Điều 1, Điều 2)

Luật điện lực quy định về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; tiết kiệm điện; thị trường điện lực; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

Đối tượng áp dụng Luật là tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.

b) Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện (Điều 7)

Luật điện lực quy định 11 nhóm hành vi bị nghiêm cấm gồm:

- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.

- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định.

- Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.

- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.

- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Trộm cắp điện.

- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.

- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.

2.2. Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực (Chương II)

a) Quy hoạch phát triển điện lực (Điều 8)

Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực là một nội dung quan trọng của Luật điện lực, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động điện lực được đầu tư và phát triển hợp lý, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển điện lực của Nhà nước.

Quy hoạch phát triển điện lực được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Quy hoạch phát triển điện lực bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chu kỳ lập quy hoạch là mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo. Quy định này nhằm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực năm 2012 đã sửa đổi bổ sung Khoản 1, 3 Điều 8 như sau:

“1. Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy hoạch phát triển điện lực được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập cho từng giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo”.

Bộ Công thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt.



b) Kinh phí cho công tác quy hoạch (Điều 10)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực năm 2012 đã sửa đổi bổ sung Điều 10 như sau:



1. Ngân sách trung ương cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

2. Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Nhà nước có chính sách huy động các nguồn kinh phí khác cho công tác lập quy hoạch phát triển điện lực.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương ban hành định mức chi để lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực.



c) Đầu tư phát triển điện lực (Điều 11)

Việc đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép. Chủ đầu tư dự án điện lực có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường.

Luật điện lực quy định: Đơn vị phát điện, truyền tải điện, có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện. Tuy nhiên, đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện có thể thỏa thuận với nhau hoặc thỏa thuận với khách hàng sử dụng điện (bên mua) về việc đầu tư, trang bị thiết bị đo đếm điện (công tơ), các thiết bị phụ trợ (đường dây dẫn điện đến công tơ). Thỏa thuận này phải bảo đảm quyền lợi giữa các bên và không trái quy định pháp luật (quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 39 – nghĩa vụ của đơn vị phát điện, Điểm e Khoản 2 Điều 40 – nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện, Điểm c Khoản 2 Điều 41 - nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện).

Tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng công trình điện lực phải sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.



2.3. Tiết kiệm trong phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện (Chương III)

Tiết kiệm là quốc sách không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng đang trở thành vấn đề quan tâm của toàn cầu. Vì những tác động tiêu cực do việc khai thác quá mức năng lượng hoặc sử dụng lãng phí điện năng sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới thiên nhiên và môi trường như làm sụt lún, đứt gãy vỏ trái đất hoặc làm cho trái đất nóng lên… Hơn nữa, điện năng là một hàng hóa đặc thù, sản lượng điện sản xuất ra không thể dự trữ được, nếu không tiết kiệm sẽ dẫn đến tình trạng lưới điện quá tải, thiếu điện (cung không đủ cầu) gây ảnh hướng đến sản xuất, sinh hoạt. Theo ước tính của ngành điện, chỉ riêng việc tiết kiệm điện trong tiêu dùng đã giúp ngành điện tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Vì vậy, Luật điện lực đã dành một chương (Chương III) quy định về tiết kiệm điện, việc tiết kiệm điện phải thực hiện trong cả 3 khâu hoạt động là tiết kiệm điện trong phát điện; tiết kiệm điện trong truyền tải điện, phân phối điện và tiết kiệm điện trong sử dụng điện. Cụ thể, đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn công nghệ phát điện tiên tiến, có hiệu suất cao và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Khi xây dựng các trạm điện, đường dây tải điện phải bảo đảm các thông số và tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu tổn thất điện năng.

Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm: Thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện để giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện; cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và trang thiết bị sử dụng điện có suất tiêu hao điện năng thấp để tiết kiệm điện; hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện; bảo đảm hệ số công suất theo tiêu chuẩn kỹ thuật và hạn chế tối đa việc sử dụng non tải thiết bị điện; tổ chức kiểm toán năng lượng điện theo định kỳ và thực hiện các giải pháp điều chỉnh sau khi có kết luận kiểm toán theo quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Để thực hiện tiết kiệm điện, Luật yêu cầu việc định giá bán lẻ điện cho sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ phải bảo đảm thúc đẩy tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng điện trong giờ thấp điểm, giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện; tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu trang thiết bị chiếu sáng, thông gió, điều hòa, bơm nước, cung cấp nước nóng, thang máy và các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt khác phải bảo đảm các chỉ tiêu tiêu hao điện năng tiên tiến nhằm giảm chi phí điện năng, góp phần thực hiện tiết kiệm điện; cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm điện trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình.



Nhà nước có chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện: Khuyến khích sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, áp dụng ưu đãi về thuế đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm tiết kiệm điện và trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện; Dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện hoặc dự án đầu tư nhằm mục đích tiết kiệm điện được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2.4. Thị trường điện lực (Chương IV)

a) Nguyên tắc, đối tượng, hình thức và nội dung hoạt động của thị trường điện lực (Mục 1)

* Nguyên tắc hoạt động của thị trường điện lực (Điều 17)

Luật quy định 3 nguyên tắc cơ bản của thị trường điện lực Việt Nam là:

- Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.

- Tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

- Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

* Hình thành và phát triển thị trường điện lực (Điều 18)

Việc hình thành và phát triển thị trường điện lực là một vấn đề mới, phức tạp đối với nước ta; điện là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước. Do đó, Luật quy định thị trường điện lực được hình thành và phát triển theo các cấp độ sau đây:

- Thị trường phát điện cạnh tranh;

- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

- Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực; quy định lộ trình phát triển thị trường điện lực, rà soát và điều chỉnh đẩy nhanh lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.

Các mốc thời gian, điều kiện hình thành, phát triển các cấp độ thị trường điện lực đã được quy định trong Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó,

+ Cấp độ 1 (2005 - 2014): thị trường phát điện cạnh tranh.

+ Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

+ Cấp độ 3 (từ sau năm 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thị trường phát điện cạnh tranh là cấp độ thứ nhất của thị trường điện lực, trong đó các đơn vị phát điện cạnh tranh bán điện trên hệ thống điện. Các đơn vị truyền tải điện được hưởng phí truyền tải theo quy định của cơ quan điều tiết điện lực; các đơn vị bán buôn điện theo giá cạnh tranh trên thị trường để phân phối và bán điện theo biểu giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh là cấp độ tiếp theo của thị trường điện lực, trong đó các đơn vị phân phối điện được hưởng phí phân phối theo quy định của cơ quan điều tiết điện lực; các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh trên thị trường để bán buôn điện cho các đơn vị bán lẻ điện; các đơn vị bán lẻ điện mua điện theo giá cạnh tranh trên thị trường để phân phối và bán điện theo biểu giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định.(xem mục 2.7 – giá điện)

Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực; quy định lộ trình phát triển thị trường điện lực, rà soát và điều chỉnh đẩy nhanh lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.

* Những đối tượng được tham gia thị trường điện lực (Điều 19)

Điều 19 Luật điện lực quy định 08 nhóm đối tượng được tham gia thị trường điện lực là:

- Đơn vị phát điện.

- Đơn vị truyền tải điện.

- Đơn vị phân phối điện.

- Đơn vị bán buôn điện.

- Đơn vị bán lẻ điện.

- Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia.

- Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực.

- Khách hàng sử dụng điện.

Trong đó chỉ có 04 nhóm đối tượng được mua bán điện là: Đơn vị phát điện; đơn vị bán buôn điện; đơn vị bán lẻ điện; khách hàng sử dụng điện.

Việc mua bán điện trên thị trường điện lực được thực hiện theo hai hình thức là mua bán thông qua hợp đồng có thời hạn giữa bên bán điện và bên mua điện hoặc mua bán giao ngay giữa bên bán điện và bên mua điện thông qua đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Luật quy định đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực chịu trách nhiệm điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực.



b) Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng có thời hạn (Mục 2)

Việc mua bán điện theo hợp đồng có thời hạn là hình thức mua bán thông thường do bên mua điện (có thể là đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện) và bên bán điện (có thể là đơn vị phát điện, đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện) trực tiếp ký hợp đồng với nhau bằng văn bản.

Luật điện lực quy định đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm điện và thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật. Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của bên mua điện, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định. Chi phí cho việc kiểm định thiết bị đo đếm điện do bên mua điện trả nếu tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam và do bên bán trả nếu tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng Tiêu chuẩn Việt

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực sửa đổi Khoản 6 Điều 23 về thanh toán tiền điện như sau: Bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện trong các trường hợp sau:

- Bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.



tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương