Hi-đồng Giáo-hoàng "Công -ý và Hoà-bình"


II- Khởi thuỷ của ý niệm nhân quyền



tải về 0.61 Mb.
trang5/15
Chuyển đổi dữ liệu27.02.2022
Kích0.61 Mb.
#51028
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15
f 1522850011
SINH 11, DannhapvaoGHXHCG, BLANK, Danh mục tài liệu mới tháng 6 năm 2022
II- Khởi thuỷ của ý niệm nhân quyền
Một nhóm người cùng có một cái nhìn về vũ trụ "thế giới"; cảm nhận cùng một ý nghĩa về đời sống cũng như những tương quan với thiên nhiên và cõi bên kia; ngoài ra còn biết tạo ra những cơ chế xã hội và chính trị như đời sống gia đình, cộng đồng, văn hoá; và đã sinh hoạt đúng như các khuôn thước đó; trong điều kiện như thế, nhóm người ấy đã khai sinh được một nền văn minh cá biệt.

Một công cuộc sáng tạo tư tưởng đã xảy ra trong vùng đất Địa trung hải, nơi mà hai truyền thống, Hy lạp - La tinh và Do Thái - Kitô giáo gặp gỡ và cấu tạo được nguyên tố nền tảng làm phát sinh nét độc đáo và năng động cho nền văn minh nầy. Lịch sử của sự hình thành và thay đổi của nền văn minh ấy cũng chính là lịch sử của ý niệm "nhân quyền", vì nó thúc đẩy con người tự nhận ra mình có quyền trên thế giới bên ngoài, như một người riêng tư, một đơn vị "tác động" (Perroux) độc lập, một khả năng suy tư về chính hoàn cảnh riêng của mình, ý thức mình trong nét cá biệt và độc đáo nghĩa là cảm thấy mình được gọi để chu toàn một vận mệnh của riêng mình. Sự tôn vinh tính cá biệt nầy là cơ sở chung, và từ cơ sở ấy nhiều khuynh hướng khác nhau đã khai triển, các quan niệm của mình. Tất cả đều cho rằng có một "mối liên hệ xã hội" giữa những cá nhân, và vì thế các cá nhân cần thiết phải hợp tác với nhau, tổ chức lại giữa họ với nhau, "liên đới các nổ lực vận động và chiến đấu" (Amedée Dubois), để đưa bản năng tự nhiên kết đoàn nầy phục vụ cho công cuộc cộng đồng. Nhưng, có người chủ trương rằng chỉ có con ngườì mới hoạch định được các nét sinh hoạt xã hội tương lai, tạo sự bình đẳng, và vì thế cần xác định sự độc lập của con người đối với bất cứ loại "thầy" nào, thoát khỏi bất cứ loại "Thượng đế" nào; còn có những người khác lại cho rằng trách nhiệm của con người là xây dựng dựa trên những luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã cho chúng ta hiểu biết. Do đó, bên trên chủ trương và đường hướng dị biệt, văn minh Tây phương luôn đề cao ý thức về nổ lực của các cá nhân; nhưng văn minh đó chênh chao giữa hai trào lưu đề nghị cho lương tâm con người một loại mẫu mực khác nhau để đánh giá về sự công chính của các hành động trong xã hội: hoặc đặt nền tảng trên lý trí mà thôi, hoặc trong nhãn quan hướng về ý định của Thiên Chúa đối với thế giới.

Nét độc đáo văn minh của Hy lạp, Nhã điển, đối với tất cả các nền văn minh hiện hữu cùng thời ấy, là đã giải phóng con người khỏi quan điểm ma thuật về vũ trụ, khi coi con người khác biệt với môi trường chung quanh nó và có khả năng độc lập về hành vi đạo đức đối với chính mình. Hy lạp đã không xem các lực thiên nhiên như là quyền lực tuyệt đối khống chế con người, nhưng ngược lại có thể bị con người khống chế, vì các lực ấy chịu chi phối bởi các luật khách quan mà con người có thể biết được, và do đó có thể chế ngự được. Văn chương Hy lạp cho phép ta chứng thực rằng Nhã điển đã thực hiện được cuộc chuyển biến tâm tư lạ lùng từ một quan điểm ma thuật qua một quan điểm khác, có khuynh hướng thực nghiệm hoặc khoa học.

Trong tất cả các nền văn minh khác, con người luôn có một ý thức nào đó về chính mình và cá tính của mình, nhưng không nhất thiết có được một sự tự tin đầy đủ để cảm thấy mình khác với thế giới và chấp nhận bản tính khác bìệt đó . Một khi con người không có được một ý thức trách nhiệm nào đó/một phong cách tự do về các vấn đề riêng của mình thì Thiên nhiên không được xem là một thực tại biệt lập, có những quy luật riêng mà lý trí có thể biết; nhưng Thiên nhiên lại được xem là một tổng hợp những năng lực vượt quá tầm của lý trí và con người bị khống chế trong đó. Người tiền sử vẽ con bò rừng có cái mũi tên bao quanh hoặc con dê rừng bị thương thì tin rằng mình làm chủ và chiếm hữu được các con vật ấy, đồng thời làm hoà được với các năng lực trên đầu trên cổ mình. Người ấy tin rằng như vậy là hữu lý và khoa học vì đã chọn các phương cách hành động dựa vào ý niệm cho rằng có những năng lực của thiên nhiên và dựa vào bí quyết sử dụng năng lực đó. "không có gì ngẫu nhiên cả" mọi cái xảy ra đều phát xuất từ những qui luật mà lịch sử con người phải tùy thuộc. Quan niệm nầy là hậu quả của một tâm trạng lệ thuộc, khắc khoải, sợ hãi; mặc dù tâm tư ấy vẫn còn tồn tại trong thế giới Địa trung hải, chẳng hạn như người ta còn sợ mình quên tôn vinh một vị thần vô danh nào đó, hoặc đã xúc phạm một vị thần vì đã quên làm một điều mà đấng ấy có quyền đòi hỏi, nhưng mầm mống đã gieo nơi tư tưởng Hy lạp sẽ phát triển dưới ảnh hưởng của Kitô giáo và sẽ dẫn đến tâm trạng tự tin nơi con người để thấy mình khác với vũ trụ thiên nhiên; trong vũ trụ thế giới ấy con người có thể và muốn hành động.

Theo Homère (thế kỷ IX trước Công nguyên), các năng lực không thể kiểm soát được đang điều hành vũ trụ và quyết định cả vận mệnh của con người. Ông tin rằng giấc mộng "đứng nơi phòng Agamemnon" và diễn tả ý muốn chướng khí của các vị thần, và ở đây là ý muốn của Zeus, "để giết chết nhiều người ở gần các chiến thuyền của người A-cai". "Nên những xướng xuất của con người không phải do từ nơi họ. Dù có suy nghĩ hay bất chợt xảy ra, may lành hay tai họa, các sáng kiến chỉ đi qua ý thức con người như những đường nét phát xuất từ trí khôn các vị thần và tạo ra nơi con người những hiệu quả mà thần thánh muốn có".

Đìều được gọi là thế giới Hy lạp là thế giới mà trong đó con người ý thức được năng quyền của mình và tự vấn về cấp độ mình lệ thuộc vào thần thánh. Các bản kịch của Eschyle (525-456) cho ta thí dụ rõ rệt nhất. Các bản kịch trình bày công khai trước quần chúng đông đảo về một vấn đề then chốt đó là tương quan con người với Đệnh mệnh: Cá nhân còn lệ thuộc Đệnh mệnh một cách vô điều kiện như Homère gợi lên không, hay nó có được một sự độc lập thật sự giúp nó đóng một vai trò riêng trong cuộc sống của xứ sở?

Bản kịch ba hồi Euménides cho quần chúng cảm nhận tâm tư của một xã hội bị chi phối bởi các lực đối nghịch nhau, các lực chi phối thế giới trong quan niệm định mệnh, và xung đột và ý muốn con người khao khát được tự chủ. Bấy lâu, xã hội đã chịu khống chế của luật vay - trả, buộc phải chết để đền một mạng kẻ vô tội bị vong oan. Các "Erinyes", nữ thần trung gian có phận vụ bảo vệ trật tự trong xứ luôn đòi trả "nợ máu"; nhưng con gái Zéus là nữ thần Athéna đã chuyển công lý vay - trả đó bằng một nền công lý hợp với bản tính con người, đó là nền công lý của xứ sở trong đó các vị xử án sẽ phân xử công minh theo "lương tâm". Nền công lý nầy qui định những mẫu mực mới giải thoát con người khỏi nỗi sợ hãi của Định mệnh mù quáng.

Đìều quan trọng là thấy rõ ý niệm con người hàm ngụ trong các bản kịch của Eschyle, cũng như nơi Sophocle sau nầy (495-406). Một mặt con người không hoàn toàn độc lập với thần thánh vì con người có thể phán quyết, một cách công minh, điều gì thích hợp cho xứ sở; mặt khác, nó không hoàn toàn bị chi phối bởi luật do con người vì có những luật cao hơn ghi khắc trong trật tự thế giới.

Đó là hai quan điểm nền tảng sẽ hướng dẫn các triết gia Hy lạp trong nổ lực đào sâu điểm kỳ bí về khuôn khổ tự do mà con người có được trong mối tương quan với thần thánh. Aristote (384-322) sẽ phân biệt một loại "luật lệ tự nhiên", theo trật tự toàn vũ trụ trong đó con người có vị trí làm chiến sĩ, làm nô lệ, làm thương gia... và những luật cá biệt, cụ thể, có phận vụ áp dụng nền đạo lý tổng quát ấy vào thực tế". Các nhà ngụy biện thì cố truy cứu sự thích ứng trật tự xứ sở với trật tự vũ trụ, còn Aristote lại suy nghĩ về luật pháp có giá trị tư nơi chính nó và là dụng cụ cho tiến bộ, vì luật pháp bảo đảm cho mỗi người quyền làm người nơi bản tính mình . Những người Rô-ma đã đưa quan niệm về pháp luật nầy lên mức cao nhất; họ đã áp dụng ý niệm triết học về trật tự vào trong một hệ thống pháp lý và trong các định chế để thực hiện trật tự ấy trong thực tế. Pháp luật đối với họ là một kỹ thuật, một nghệ thuật được quan quyền thực thi để bảo đảm một cách công chính sự hoà hợp trong xã hộì. Họ không có ý nghĩ rằng hệ thống pháp lý có mục đích mang lại một giải pháp cho những đòi hỏi phát xuất từ điều mà ngày nay ta gọi là các quyền của con người; hệ thống đó giả thiết trước rằng tất cả mọi người đều đồng ý về những nền tảng của các tương quan xã hội, và nổ lực của luật pháp là tìm các phương thức ứng dụng trong khuôn khổ của nguyên lý tổng quát nầy.

Đó là trào lưu tư tưởng đầu tiên đã đóng góp vào sự hình thành gia sản văn hoá của Tây phương; chấp thuận cho mỗi người một phận vụ riêng trong hệ thống xã hội, nhưng chưa chuẩn nhận quyền nào của cá nhân chống lại xã hội, vì xã hội hiện hữu chỉ để phục vụ mỗi người.

Trào lưu thứ hai ngấm sâu vào văn hoá Tây phương phát xuất từ Kinh thánh. Nó rất gần với lối tư duy của thế giới Hy lạp - La tinh, vì nó cũng phân biệt tận căn con người với những sức mạnh của thiên nhiên; con người khác thiên nhiên, cao trọng hơn thiên nhiên; nó còn có được quyền tự chủ và trách nhiệm. Nhưng cũng ở điểm nầy nó cách biệt với trào lưu Hy lạp - La tinh, vì nó sẽ cống hiến một chiều kích sâu và rộng hơn. Trong thế giới Hy lạp - La tinh, hệ thống pháp lý là một cơ chế kỹ thuật giúp cho mỗi người có quyền riêng của mình chiếu theo luật của xứ sở, nhưng ta thấy không có một hệ thống pháp lý Do thái nào tự tiến hành được do tự nơi bản chất luật pháp; ở đây mọi việc đều có tính cách tôn giáo, vì vị thế mỗi người trong xã hội chính trị, các mối tương quan giữa Do thái với nhau, cũng như giữa Do thái và không Do thái, đều được Pháp qui của Giao ước thiết định.

Còn có một sự khác biệt, sâu xa hơn nữa phân cách các lối giải thích về phẩm giá con người trong văn hoá Hy lạp và Kinh thánh. Nếu cả hai đều nhìn con nguời trong một vị thế tương tranh mà giải pháp đúng đắn đòi buộc phải nhìn nhận phẩm giá đặc loại của con người, thì văn hoá Hy lạp - La tinh có khuynh hướng xem tất cả giới hạn đến từ bên ngoài là một trở ngại khó chịu ngăn cản sự phát triển mà mỗi người có quyền được hưởng, còn Thánh kinh có một lối nhìn hoàn toàn khác; tương tranh nền tảng không phải là sự đối kháng giữa Thiên Chúa và con người, nhưng ngay ở bên trong con người; quan điểm sau nầy có tính cách lịch sử; cuộc tương tranh đó đánh dấu nguồn gốc căn bản của nhân loại và phát sinh sau khi có tội lỗi. Adam đã trở nên thù nghịch với Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa là Đấng đã tự ý ban cho Adam ơn cứu độ và được lặp đi lặp lại qua muôn thế hệ; con người phải quyết định, một cách tự do, để cộng tác với Thiên Chúa hoặc từ chối Ngài, tùy việc nó có chấp nhận làm một bước nhảy vọt, giúp vượt qua tình trạng đối đầu hầu tiếp cận một cuộc sống mới, ở đấy con người sẽ tự do liên lạc với Thiên Chúa. Không có sự ganh đua giữa Thiên Chúa và con người, nhưng con người trở thành kẻ cộng tác. Triết học Hy lạp đã biết khai triển một lối giải thích hùng hồn về vị thế trách nhiệm của con người trong xã hội; Kinh thánh đề nghị một cách sống mà ai đi theo sẽ đạt được hạnh phúc; nó có mối cương thường; thiết định những tương quan giữa con người với nhau nơi sự giải hoà, bình đẳng và tự do của tất cả mọi người trong sự thật.

Hai trào lưu văn hoá vừa nêu có điểm chung là suy tư về ba thực thể độc lập nhưng liên kết với nhau: cá nhân, xã hội và Thiên Chúa.

Nhưng rồi có kẻ sẽ nhấn mạnh đặc tính cần thiết của xã hội để quan niệm rằng không có xã hội thì con người không thể sống và đạt đến cứu cánh của mình; họ không hề nghĩ rằng con người có thể có những quyền cá nhân để đòi hỏi chống lại xã hội; những kẻ khác lại có khuynh hướng ngày càng nhạy bén hơn trong nổ lực tìm tự do cho cá nhân do tự con người.

Từ hai cái nhìn đó, ta dễ thấy được mối căng thẳng có thể phát sinh: hoặc nêu lên trật tự vũ trụ để đề nghị một lối giải thích, thì bấy giờ nguời ta phải dựa vào một nguyên lý tổng quát, vượt lên trên và bó buộc cá nhân, mà mỗi người với tư cách là một yếu tố cấu tạo nên xã hội chính trị cần phải noi theo; hoặc là nhấn mạnh đến cá tính độc đáo, bất khả giản lược của các cá nhân, và rồi xem sự nhất thống của cuộc sống xã hội là tập hợp những quyết định có tính cách cá nhân của họ; trong trường hợp nầy, nguồn căn của đạo lý lại cố dựa vào lý trí để xây dựng nền tảng. Và lịch sử của Tây phương từ đó xuất hiện ra như là hậu quả của một mối suy tư khổng lồ của các xã hội về chính mình nhằm dùng khả năng lý trí xuyên suốt bí mật của cuộc sống xã hội; vào lúc mà các khối xã hội nầy tưởng rằng mình đã đến mức cuối của cuộc truy cứu, thì cũng là lúc chúng lại bị đẩy vào thế còn phải tiếp tục thêm nữa để khám phá ý nghĩa cuộc sống xã hội của mình trong mối tương quan với phần còn lại của thế giới; thật thế còn có những xã hội khác đã xây dựng nên những nền văn minh riêng của họ dựa trên những ưu tư khác.


tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương