HỌc viện báo chí VÀ tuyên truyềN


Chương 2 VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG THỊ TRƯỜNG BÁO WIENER ZEITUNG



tải về 9.07 Mb.
trang5/21
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích9.07 Mb.
#33521
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

Chương 2

VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG CHÚNG THỊ TRƯỜNG BÁO WIENER ZEITUNG



2.1. Cơ sở khoa học

2.1.1. Báo chí - truyền thông Cộng hòa Áo, châu Âu

Nhìn chung, hoạt động của ngành BC-TT CH Áo, châu Âu đều đã trải qua các mô hình truyền thông kinh điển như: Mô hình của Walter Lippmann (1922), Mô hình truyền thông một chiều của Laswell (1948), Mô hình truyền thông hai chiều của C. Shannon (1949) (nhấn mạnh sự phản hồi từ đối tượng tiếp nhận), Mô hình truyền thông của David Berlo (nhấn mạnh việc diễn giải thông tin), Mô hình truyền thông của Charles Osgood và Wilbur Schramm (chia sẻ thông tin và sự phản hồi - sự tương tác) [12, tr.26-34], Mô hình dòng chảy hai bước của Lazarsfeld và các đồng nghiệp (1955) (nhấn mạnh yếu tố con người - “người định hướng dư luận” (opinion leaders) [155, tr3], Mô hình hội tụ của Kinkaild (sự thảo luận và chia sẻ thông tin lặp đi lặp lại nhằm hiểu biết lẫn nhau giữa những người tham gia truyền thông); Mô hình tiếp thị xã hội của Phillip Kotler (nhấn mạnh người tiêu dùng là tiêu điểm chính trong kế hoạch và tổ chức của các chương trình/chiến dịch/hoạt động truyền thông) [12, tr.26-34]... Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa truyền thông, các cơ quan/doanh nghiệp BC-TT Áo, châu Âu chú trọng hơn đến việc lựa chọn các mô hình kinh doanh bền vững - cân bằng giữa mục đích tối đa hóa lợi nhuận và tối đa hóa các giá trị công cho xã hội.

Áo là một trong những quốc gia sản sinh ra nhiều nhà hiền triết, nhiều công trình nghiên cứu khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực triết học, toán học, tâm lý học, kinh tế học, truyền thông, truyền thông đại chúng.... Trong đó, phải kể đến các lý thuyết kinh điển của nhà nghiên cứu xã hội học thực nghiệm Paul Felix Lazarsfeld - người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu truyền thông, truyền thông đại chúng và công chúng báo chí [155]. Các nghiên cứu của ông đã được ứng dụng rộng rãi ở Áo, châu Âu và khắp nơi trên thế giới cho đến tận ngày nay. Lazarsfeld (13/2/1901 - 30/8/1976) được xem là một trong những nhà xã hội học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Ông là người Mỹ gốc Áo. Ông sinh tại thủ đô Vienna, theo học ngành toán học và nhận bằng tiến sỹ tại Áo. Đề tài tiến sĩ của ông là Xử lý các khía cạnh toán học liên quan đến lý thuyết hấp dẫn của Einstein. Thập kỷ 1920, Lazarsfeld tham gia Hội triết gia Vienna. Ông đến với bộ môn xã hội học nhờ chuyên môn toán và phương pháp lượng hóa. Nghiên cứu khoa học ban đầu của ông là Cuộc điều tra về số lượng người nghe đài thành Vienna vào các năm 1930 - 1931 (kết thúc năm 1932). Đây được coi là cuộc điều tra công chúng báo chí thực nghiệm/định lượng đầu tiên trên thế giới. Do phong trào bài Do Thái của chủ nghĩa phát xít, ông phải di cư sang Hòa Kỳ. Năm 1941, ông được phong hàm giáo sư tại khoa xã hội học, Đại học Columbia. Ông là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Xã hội học Ứng dụng (Đại học tổng hợp Columbia). Lazarsfeld và các đồng nghiệp đã tiến hành nhiều nghiên cứu quy mô lớn về sự ảnh hưởng của truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng với xã hội, đặc biệt về hành vi bầu cử... [x.thêm 155]. Sau đây, luận án điểm lược một số lý thuyết truyền thông đại chúng quan trọng của Lazarsfeld đối với BC-TT thế giới nói chung và BC-TT Áo nói riêng: (1) Phương pháp đo hiệu quả tác động của phương tiện truyền thông hiện đại lên công chúng nghe đài của Wien, 1932 (Paul Lazarsfelds Wiener RAVAG - Studie 1932). Công trình này, cho ra đời phương pháp nghiên cứu công chúng truyền thông đại chúng thực nghiệm (định lượng) đầu tiên của thế giới) [x.thêm 195]; (2) Lý thuyết truyền thông có ảnh hưởng hạn chế (Limited effects' paradigm) (1940) được rút ra từ công trình Nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông đại chúng đối với công chúng (Study of media influence on people). Đây là công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông đại chúng đến hành vi bầu cử của cử tri khi Tổng thống Mỹ Roosevelt quyết định tranh cử nhiệm kỳ ba. Trước đó, “Mô hình truyền thông một chiều”- “Viên đạn ma thuật” (Magic bullet) hay “Mũi kim tiêm” (Hypodermic needles) của trường phái Marxist Frankfurt (1930) cho rằng: Truyền thông có ảnh hưởng trực tiếp (một chiều) đối với công chúng. Công chúng hoàn toàn thụ động khi tiếp nhận tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng Lazarsfeld lại cho rằng: truyền thông có ảnh hưởng hạn chế đối với công chúng [155]; (3) Lý thuyết truyền thông dòng chảy hai bước (Theory of the two-step flow) (1955), nhấn mạnh yếu tố người định hướng: (một) truyền thông đại chúng tác động đến một/ nhiều người cụ thể (người định hướng) và những người này sau đó (hai) tác động (lại) đến những người khác trong cộng đồng thông qua kênh truyền thông cá nhân của họ [155]; (4) Lý thuyết rối loạn thừa thông tin (The narcotizing dysfunction) (Phản chức năng gây mê), giải thích hiện tượng thờ ơ hoặc chai lỳ của công chúng khi liên tục được bơm nhồi với đủ loại thông tin. Không giống những người theo trường phái truyền thông thánh chiến, Lazarsfeld cho rằng: Tình trạng rối loạn thừa thông tin không phải do nhà cầm quyền tạo ra một cách có chủ ý, mà là kết quả của một cơ chế truyền thông không có kế hoạch [155]; (5) Lý thuyết truyền thông hai nửa đen - và - trắng (Black - and - white) - Phiên bản Hoa Kỳ (American alternatives): ... Các vấn đề của công chúng cần phải được định nghĩa đơn giản theo các lựa chọn rõ ràng, đen ra đen, trắng ra trắng….cho phép tạo ra hành động có tổ chức của công chúng [155]. Các nghiên cứu của Lazarsfeld đã mô tả việc sử dụng phương pháp định lượng dựa trên các thuật toán khoa học. Ông sử dụng các kỹ thuật và biện pháp nghiên cứu khách quan, tạo nền móng cho nhiều vấn đề nghiên cứu quan trọng trong hoạt động của xã hội loài người: "Lazarsfeld có thể không phải là một nhà xã hội học Hoa Kỳ, nhưng ông là người quyết định ngành xã hội học Hoa Kỳ sẽ đi theo hướng nào” [155]. Ngày nay, cả năm lý thuyết truyền thông đại chúng trên vẫn đang được áp dụng rộng rãi cho ngành BC-TT Áo, châu Âu, thế giới. Đặc biệt, khi quan sát cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu (2015, 2016), chúng ta sẽ nhận thấy lý thuyết truyền thông hai nửa đen - và - trắng đang quay trở lại một cách mạnh mẽ: một số chính phủ các nước châu Âu đưa ra các chính sách nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư; đồng thời các chính phủ/một số tổ chức cũng gửi đi các thông điệp về một châu Âu không còn hấp dẫn, nhằm hạn chế người tị nạn đến châu lục này; một số tờ báo/(cá nhân) mạng xã hội (ủng hộ chủ nghĩa dân tộc) luôn tìm cách đăng tải những tin tức tiêu cực về người tị nạn; ngoài ra, các phương tiện BC-TT châu Âu liên tục đưa tin về các vụ quấy rối tình dục, hãm hiếp tập thể, cướp giật đường phố... do các thanh niên tị nạn gây ra cho người bản xứ, hay đưa tin về các vụ đánh bom liều chết của các phần tử IS trên toàn cầu, hay thông tin các phần tử IS cực đoan trà trộn trong dòng người tị nạn... khiến công chúng nhân dân châu Âu và thế giới rất lo ngại về sự bình yên của châu lục này. Điều đó, dẫn đến phong trào “bài” người theo Đạo hồi ở khắp nơi.

2.1.2. Báo Wiener Zeitung

Wiener Zeitung (WZ) (1703) cũng đã trải qua hầu hết các mô hình lý thuyết truyền thông kinh điển (ở trên) của thế giới. Đặc biệt, từ năm 1960, mô hình truyền thông của Laswell: “Ai nói cái gì, nói cho ai, nói trên kênh nào, ảnh hưởng của nó như thế nào” đã được WZ và BC-TT Áo, châu Âu áp dụng đến tận ngày nay [169, tr.5]. Từ năm 1983, WZ được cải tiến, nâng cấp khâu in ấn, các số báo được in ấn bằng kỹ thuật điện tử. Tiếp đó là phiên bản WZ Online. Sau đó, WZ chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn - Wiener Zeitung GmbH (có nhiều công ty con trực thuộc). Thời kỳ này, ngoài việc áp dụng các mô hình truyền thông truyền thống, khi soi chiếu hoạt động thực tiễn của WZ, chúng tôi nhận thấy đơn vị đã tham khảo một số lý thuyết/mô hình truyền thông hiện đại, như: (1) Lý thuyết truyền thông liên ngành, liên toàn cầu (Interdisciplinary, global ventures) của tác giả Dvořák, Johann, Mückler, Hermann (Hrsg), Thomas A. Bauer (2011) - WZ phát triển đa dạng các sản phẩm/dịch vụ BC-TT ở hầu khắp các lĩnh vực ngành nghề (chính trị, đấu giá nghệ thuật, văn học, leo núi, chăm sóc động vật, khoa học thiên văn, nghiên cứu vũ trụ...); Hợp tác liên kết xuất bản chuyên san, tạp chí với các cơ quan BC-TT quốc tế (New York Time, Mỹ, Việt Nam, Đức...); Hợp tác với Liên minh châu Âu, và các công ty/tập đoàn trên thế giới, tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế...; (2) Lý thuyết Sử dụng và hài lòng (Uses and gratification theory) của Elihu Katz (1970) và”Thang bậc nhu cầu” (Heirachy of Needs) của Abraham Maslow, WZ áp dụng các thang bậc nhu cầu tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng CCTT(số 1 hoặc số 2). WZ thường xuyên thuê ngoài các công ty/viện nghiên cứu, điều tra công chúng độc lập để kịp thời xây dựng/điều chỉnh các nhóm chiến lược, giải pháp nhằm giữ chân CCTT dài hạn (sẵn có), tìm kiếm công chúng mới, mở rộng thị phần/thị trường quảng cáo...; (3) Lý thuyết Truyền thông nhân dân (Media people) của Jay Rosen (2006), WZ xây dựng các nhóm chiến lược, giải pháp độc đáo - tương tác với công chúng thông qua truyền thông mới (mạng xã hội, xích lô truyền hình, WikiWien...) nhằm “lôi kéo” các nhóm đối tượng CCTT, công chúng mới tham gia viết bài (đồng tác giả) với WZ; (4) Lý thuyết H2H (Human to Human) (từ con người đến con người) của tác giả Wolfgang Renner (Viện trưởng Học viện Wiener Zeitung) (2015) cho rằng: Sự phát triển của WZ dựa trên lý thuyết H2H, xoay quanh bốn yếu tố cơ bản là, Kết nối, Phát triến bền vững, Tin tưởng, Giá trị [x.thêm Phụ lục 1, tr.1-8]. Lý thuyết này giúp WZ tồn tại và đứng vững trong thời kỳ cách mạng số hiện nay. Ngoài ra, trong các chính sách truyền thông mới của mình, WZ tham khảo/áp dụng triệt để một số mô hình/lý thuyết kinh doanh: Marketing, Tiếp thị của Phillip Kotler; Chiến lược Marketing hỗn hợp (marketing mix - 4P) của Neil Borden (1953) và E.Jerome McCarthy (1960) và lý thuyết 4P của Phillip Kotler (phát triển thêm)... [x.thêm 40].

Ngoài ra, tác giả cũng áp dụng: Bản vẽ mô hình kinh doanh của Alexander Osterwalder (2000); nghiên cứu Kinh tế của các phương tiện truyền thông (2004) của Alison Alexander, James Owers, Rod Carveth, C.Ann Hollifield, Albert N.Greco; nghiên cứu Quản trị chiến lược trong ngành công nghiệp truyền thông của Lucy Küng... để soi chiếu/phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh, phương thức xây dựng/sáng tạo các chính sách truyền thông - các nhóm chiến lược và giải pháp phát triển CCTT của WZ Group.

2.2. Cơ sở thực tế



2.2.1. Tình hình báo chí - truyền thông thế giới

Mặc dù có nhiều nghiên cứu, phỏng đoán, dự báo khác nhau về tương lai của nền BC-TT thế giới như: báo in sẽ bị diệt vong vào năm 2040 [95], truyền thông truyền thống sẽ chết trong vòng 10 năm tới [108], đọc báo online phải trả tiền [100]... Tuy nhiên, đó là những (dự báo) nghiên cứu mang tính đơn lẻ, chưa phản ảnh đầy đủ tình hình và xu hướng phát triển của nền BC-TT thế giới. Vì vậy, luận án tham khảo báo cáo của Hiệp Hội báo chí và Xuất bản Thế giới (WAN - IFRA) (2015) (tài liệu tổng hợp về doanh thu, lượng độc giả, quảng cáo, xu hướng xuất bản tin tức điện tử từ hơn 70 quốc gia, đại diện cho hơn 90% ngành công nghiệp báo chí toàn cầu) [183], quan sát/phân tích thực tiễn hoạt động của thị trường BC-TT để đưa ra bảy xu hướng nổi bật của nền BC-TT thế giới:

* Xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh

Trước đây, nguồn thu của các đơn vị/doanh nghiệp/tập đoàn BC-TT (nhà truyền thông tin tức, nhà truyền thông xã hội) chủ yếu từ nguồn doanh thu quảng cáo (mô hình từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B)), ngày nay, mô hình này đã được thay đổi - nguồn thu chủ yếu đến từ việc bán sản phẩm/dịch vụ/chương trình cho CCTT/khách hàng BC-TT (mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C)). Theo số liệu báo cáo của WAN - IFRA (năm 2015): Doanh thu ngành công nghiệp báo chí trên thế giới đạt 179 tỷ USD (thị trường Bắc Mỹ chiếm 21%, châu Âu/châu Phi/Trung Đông là 34%, châu Á Thái Bình Dương là 36%, châu Mỹ La Tinh là 9%). Trong đó, chủ yếu thu từ nội dung là 92 tỷ/phát hành báo in và báo trên nền tảng kỹ thuật số, 87 tỷ thu từ quảng cáo trên 2 loại hình báo chí này [x.thêm 183]. Như vậy, các cơ quan/tập đoàn BC-TT sẽ ngày càng chú trọng đến việc hoạch định/xây dựng các chính sách truyền thông - các chiến lược và giải pháp phát triển CCTT. Xu hướng này cũng cho thấy sự độc lập tương đối về mặt tài chính và hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị/doanh nghiệp/tập đoàn BC-TT. Xu hướng này có thể kéo dài bao lâu, đó là câu hỏi lớn, phụ thuộc vào thái độ của các bên khi tham gia vào thị trường BC-TT.



* Báo in vẫn giữ vai trò nền tảng tri thức truyền thông

Đầu thế kỷ XXI nhiều công trình nghiên cứu/đồn đoán và thực tiễn cho thấy: “Thị phần báo in đang suy giảm nghiêm trọng”, “Báo in sẽ sớm bị diệt vong”... Tuy nhiên, số liệu báo cáo của WAN - IFRA, cho thấy, “báo in vẫn giữ được đông đảo công chúng ở độ tuổi trưởng thành”: “Khoảng 2,7 tỷ người (45%) trưởng thành trên thế giới vẫn đọc báo in. 0,8 tỷ người (42%) đọc báo điện tử và trên nền tảng kỹ thuật số. Doanh thu báo in là 89,9 tỷ USD (0,4%) [183]. Ngoài ra, văn hóa đọc và thói quen lấy tin tức trên báo in vẫn được một số nhóm công chúng (đặc biệt là CCTT cao cấp) ở các nước phát triển duy trì: “Độc giả Thổ Nhĩ Kì dành 74 phút/ngày (đứng thứ nhất thế giới), độc giả Bỉ là 54 phút/ngày, độc giả Áo dành 41 phút/ngày (đứng thứ 12 trên thế giới)...” [169, tr.16]. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vừa xảy ra cuộc đảo chính (đêm 15/7/2016) khiến hàng nghìn người bị bắt giam, trong đó có rất nhiều nhà báo (năm 2016, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam 81 nhà báo - đứng đầu danh sách bắt giam các nhà báo trên thế giới) [219]. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian đọc báo của công chúng BC-TT Thổ Nhĩ Kỳ.



* Xuất hiện phân khúc thị trường báo in miễn phí

Một số đơn vị/doanh nghiệp BC-TT (có tiềm lực) sẽ triển khai chiến dịch, mở rộng phân khúc thị trường báo in miễn phí (thực chất công chúng phải trả phí gián tiếp): “Đây chính là xu hướng đọc báo in hiện đại ở Áo, châu Âu (...): Áo có ba tờ báo miễn phí/ngày; Anh: 1,13 triệu bản/ngày, Italia: 1,05 triệu bản/ngày, Tây Ban Nha: 997.000 bản/ngày. Những tờ báo miễn phí thường được công chúng biết đến nhiều. Do đó nó thu hút nhiều công ty tham gia quảng cáo...” [169, tr.6]. Chiến lược, giải pháp này nhằm chăm sóc và giữ vững số lượng công chúng trung thành, gia tăng các giá trị sản phẩm/dịch vụ/chương trình, tìm kiếm công chúng mới, mở rộng thị phần cho thị trường quảng cáo, mở rộng phạm vi quảng bá thương hiệu tờ báo...

* Xu hướng quảng cáo trên truyền hình và internet

Một số nghiên cứu cho rằng “thị phần truyền hình sẽ suy giảm nghiêm trọng vào năm 2020”, kéo theo doanh thu từ quảng cáo trên truyền hình suy giảm. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của WAN - IFRA, “chi phí quảng cáo trên truyền hình đến năm 2017 vẫn đứng đầu danh sách các loại hình báo chí - truyền thông: “Quảng cáo trên truyền hình là 200 triệu USD, quảng cáo trên internet xếp thứ hai 180 triệu USD, quảng cáo trên báo in 90 triệu USD...” [183]. Song, tương lai (gần) xu hướng quảng cáo trên internet sẽ gia tăng, vượt qua quảng cáo trên truyền hình.


* Xu hướng đồng bộ/đa nền tảng các mô hình báo chí - truyền thông

Từ thế kỷ XXI, hoạt động BC-TT là sự kết hợp giữa các mô hình truyền thông truyền thống và truyền thông mới (online, thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội...) (trực tuyến) (và các mô hình mới sẽ xuất hiện trong tương lai). Các mô hình này thường có xu hướng phối hợp/hỗ trợ/đồng bộ lẫn nhau hơn là triệt tiêu nhau. Tuy nhiên, hiệu quả phối hợp đến đâu, còn phụ thuộc vào trình độ/điều kiện của từng cơ quan/doanh nghiệp. Theo số liệu báo cáo của WAN- IFRA, 2015, trên thế giới: “Doanh thu báo in và báo trên nền tảng kỹ thuật số là 92 tỷ USD/2014” [183]. Hiện tại, WZ, APA, ORF cũng đang tiến hành xây dựng các phương pháp sản xuất các sản phẩm/dịch vụ/chương trình đa phương tiện, từ một nguồn dữ liệu ban đầu. Sau đó, phân phối đồng bộ trên tất cả các kênh bán hàng của đơn vị, hoặc bán cả gói sản phẩm/dịch vụ/chương trình cho các tờ nhật báo và đài truyền hình của Áo.

* Xu hướng phát triển công chúng thuê bao nền tảng kỹ thuật số

Như luận án đề cập ở trên, khi các đơn vị/doanh nghiệp BC-TT chuyển dịch mô hình kinh doanh sẽ kéo theo sự chuyển dịch về mô hình doanh thu: nguồn thu từ CCTT/khách hàng thuê bao nền tảng kỹ thuật số sẽ thay thế (cơ bản) nguồn thu từ công chúng báo in, quảng cáo (như trước đây). Năm 2014, báo chí trên nền tảng kỹ thuật số đạt: “451.000 thuê bao trên toàn cầu (64% thuê bao đã chi trả). Tốc độ tăng trưởng thuê bao kỹ thuật số từ 2013-2014 là 31%” [183]. Năm 2016, một nghiên cứu về chiến lược then chốt của các nhà xuất bản tin tức nhằm thúc đẩy doanh thu nền tảng kỹ thuật số (digital) cho thấy: các đơn vị này đã tìm mọi phương pháp để thu phí công chúng thuê bao trên nền tảng kỹ thuật số như dựng tường thu phí (paywall) một cách sáng tạo, thử nghiệm với thanh toán giá trị nhỏ, củng cố quan hệ với độc giả qua email, tiếp nhận (một cách thận trọng) quảng cáo native ads [238].



* Xu hướng phát triển công chúng thị trường thế hệ “Thiên niên kỷ”

Theo nghiên cứu của WAN - IFRA (2015): “Cứ 10 người thuộc Thế hệ thiên niên kỷ thì 7 người xem tin tức hàng ngày, 40% trong số họ có thể trả tiền cho ít nhất một ứng dụng chuyên để theo dõi tin tức, hay phí đọc báo điện tử, và 16% đặt báo in” [183]. Như vậy, đối tượng CCTT thế hệ Thiên niên kỷ (Millenials) - thế hệ “có byte trong máu” có khả năng chi trả cao cho các ứng dụng trực tuyến hơn là chi trả cho truyền thông truyền thống. Xu hướng này ảnh hưởng trực tiếp đến các mô hình thu phí, và việc nghiên cứu, xây dựng các nhóm chiến lược, giải pháp của các đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị/doanh nghiệp cũng sẽ chú trọng phát triển CCTT Thế hệ thiên niên kỷ trên cả ba thị trường, thị trường ngách, thị trường đại chúng, thị trường hỗn hợp. WZ, APA, ORF cũng đã/đang thực hiện một số chiến lược, giải pháp nhằm “thâm nhập sâu” vào thị trường/thị phần CCTT thiên niên kỷ này.

2.2.2. Tình hình báo chí - truyền thông Cộng hòa Áo

* Tình hình chung

Áo là nơi đặt trụ sở của các cơ quan quốc tế như Liên hiệp Quốc (UNO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)… Vì vậy, nơi đây thường xuyên diễn ra các cuộc đàm phán/đối thoại/hội nghị quốc tế quan trọng, nên đời sống BC-TT Áo có phần khá sôi động.

Dân số Áo là 8.579.747 người (2014). Tăng trưởng dân số 0,856% (2014) [194]. Diện tích 83.871 km2. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 đạt 438,38 triệu USD (GDP của Áo chiếm 0,70 phần trăm nền kinh tế thế giới) [237]. GDP bình quân đầu người là 34,455 euro (2014) [214]. Tỷ lệ biết chữ 91% (2015) (9% còn lại gồm: một nửa là những người biết đọc, biết viết nhưng trình độ kém, nửa còn lại hoàn toàn không biết chữ) [201]. Cơ cấu ngành nghề (2014): nông nghiệp 4,8%, công nghiệp 25,8%, dịch vụ, du lịch và các ngành nghề khác 69,4% (chiếm 10% GDP) [213]. Tỷ lệ người sử dụng internet là 82,8% (6.032.000 người/2015). Các thông số này phản ánh thu nhập, trình độ dân trí, mức sống... của người dân Áo, đặc biệt, nó thể hiện “sức mua báo” của công chúng Áo cao gấp 20 lần Việt Nam.

* Hình thức đào tạo và hỗ trợ nghề nghiệp



Hình thức đào tạo BC-TT ở Áo: Đào tạo đại học; Đào tạo sau đại học (từ 4 năm trở lên); Đào tạo nghề, chuyên ngành (chuyên biệt theo thực tế, từ 1- 2 năm); Đào tạo nâng cao nghiệp vụ (ngắn hạn) (sau khi các hình thức đào tạo trên kết thúc, các học viên được đào tạo nâng cao nghiệp vụ nền tảng Digital, internet... tùy theo nhu cầu của các cơ quan/người làm báo/tùy theo giai đoạn của nền BC-TT Áo).

Hoạt động của ngành BC-TT Áo, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Áo, EU và Luật truyền thông Áo. Đồng thời, các đơn vị/doanh nghiệp BC-TT thường xuyên nhận được sự phối hợp/hỗ trợ (cung cấp dịch vụ tin tức/tư vấn/cố vấn về chính sách pháp luật/tiếp thị/bán hàng/quy định nhân lực/đào tạo... hay các chương trình nghiên cứu thực nghiệm về sản phẩm/thị trường/thị trường quảng cáo/công chúng/nền tảng kỹ thuật số...) từ các bộ phận dịch vụ truyền thông của chính phủ/các cơ quan công quyền/công ty/tập đoàn/các tổ chức xã hội nghề nghiệp/viện nghiên cứu truyền thông độc lập... (như Cục Dịch vụ báo chí Liên bang, Hiệp hội Báo chí Áo/VÖZ - Verband Österreichischer Zeitungen, Viện nghiên cứu xã hội học thực nghiệm Áo/IFES, Viện nghiên cứu GFK, Tổ chức phân tích phương tiện truyền thông/Verein ARGE Media- Analysen...).

* Thị trường báo chí - truyền thông

- Đặc trưng cơ bản: Thị trường BC-TT Áo có ba đặc trưng là các tờ báo lâu đời (từ 70-100 năm); các tờ báo đã tồn tại hơn 50 năm (từ năm 1945, nhưng đến nay chỉ còn một vài tờ); các tờ báo mới ra đời và rất thành công như Der Standard (1988), The Economic Journal (1995), Austria (2006) [169, tr.9].



- Số lượng nhà báo, cơ quan BC-TT: Theo Hiệp hội Báo chí Áo, và Số liệu thống kê “Indexverlag” (2016): có 12.563 nhà báo, biên tập viên; 2.761 tờ báo in và báo điện tử [233]; 18 tờ nhật báo (năm 2015 so với năm 1900 là 48 tờ nhật báo) [169, tr.9] [x.thêm Phụ lục 4, tr.63-65]. Các cơ quan BC-TT đều có báo điện tử/hoặc trang web; 247 tuần báo (trong đó 164 miễn phí); 63 tạp chí; 9 đài truyền hình quốc gia và liên kết quốc tế (1 Đài PT &TH quốc gia - ORF); 57 đài truyền hình địa phương; 63 đài phát thanh địa phương; 1 đài truyền hình xã hội dân sự (OKTO); 1 hãng Thông tấn xã (APA) [87] [211]. Hàng năm, chính phủ Áo hỗ trợ kinh phí khoảng 9 triệu Euro (năm 2016) cho các cơ quan BC-TT (đặc biệt là 18 tờ nhật báo), riêng WZ không nhận được khoản hỗ trợ này vì báo đã độc quyền chuyên mục Amtsblatt [168].

- Số liệu công chúng đọc báo: công chúng đọc báo ở Áo chiếm 69,0% dân số (khoảng 5.025.000 người/năm) (2015) [212].

- Hình thức báo miễn phí: Thị trường BC-TT châu Âu đang có những biến đổi có lợi cho công chúng: “4,5 tờ báo miễn phí được phát cho dân châu Âu mỗi buổi sáng; 3 tờ báo được phát miễn phí ở Áo. Báo miễn phí (free) tăng dần, lượng báo mua đang giảm dần ở Áo, châu Âu” [169]. Đây là một trong những xu hướng đọc báo hiện đại ở châu Âu. Thị trường báo miễn phí ở Áo có ba tờ báo là Östereich (phụ trương), Heute, TT Kompakt, được phát hàng ngày (ở các nơi công cộng). Các tờ báo này chủ yếu dành cho dịch vụ quảng cáo (đan xen các tin tức chính trị, xã hội, khoa học, nghệ thuật... trong nước, quốc tế). Nguồn thu “các tờ báo miễn phí” là quảng cáo và tiếp thị sản phẩm/dịch vụ cho các công ty thực phẩm, đồ gia dụng... Mục đích của dòng báo miễn phí là mở rộng thị phần cho các doanh nghiệp quảng cáo, tìm kiếm tối đa lượng công chúng mới (thường là công chúng bình dân), tìm kiếm tối đa các hợp đồng quảng cáo mới... Sản phẩm quảng cáo trên ba tờ báo này chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ, thiết bị... mà công chúng (mua) sử dụng hàng ngày. Chi phí cho tiếp thị, quảng cáo trên báo đã được các công ty hạch toán vào giá thành sản phẩm/dịch vụ. Như vậy, công chúng được đọc báo miễn phí hay thực chất họ đã phải trả phí gián tiếp lần đầu?

Riêng dòng báo chính thống, có uy tín và tiềm lực kinh tế như báo Der Standard, Kronen Zeitung, Kurier, Wiener Zeitung… mặc dù không phát báo miễn phí nhưng vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, các đơn vị này phải đặt các hộp báo dọc các tuyến phố (từ thành thị đến nông thôn) và người mua lấy báo, tự giác trả tiền (giống như hình thức phát báo miễn phí).



2.2.3. Cận cảnh một số cơ quan báo chí - truyền thông Cộng hòa Áo

Luận án phân tích cận cảnh WZ (đối tượng khảo sát chính của luận án), tham chiếu với Hãng thông tấn xã Áo (APA) và Đài phát thanh & Truyền hình quốc gia Áo (ORF). WZ thuộc sở hữu nhà nước, APA là hãng thông tấn độc lập, ORF thuộc sở hữu chính phủ. Đây là ba doanh nghiệp/tập đoàn BC-TT lớn nhất tại Áo, có uy tín và thứ hạng trên thị trường BC-TT Áo, EU. Để nắm bắt tổng thể hoạt động kinh doanh của WZ, APA, ORF, luận án áp dụng Bản vẽ mô hình kinh doanh (Business model canvas - BMC) (2000) của Alexander Osterwalder, để phân tích chín nhóm trụ cột: Đối tác chính, Hoạt động kinh doanh chính, Nguồn lực chính, Mục tiêu giá trị (giá trị thặng dư), Quan hệ khách hàng, Kênh truyền thông, Phân khúc khách hàng, Cơ cấu chi phí, Dòng doanh thu [156] của các đơn vị. Phân tích này nhằm khái quát mô hình hoạt động kinh doanhcách thức tạo giá trị cho CCTT/khách hàng của WZ (APA, ORF) [x.thêm Phụ lục 5B, tr.75-78]. Lý thuyết này cũng đã được một số công ty hàng đầu thế giới như Google, Facebook, GE, P&G và Neslé áp dụng và đánh giá cao: “Sử dụng Canvas để quản lý chiến lược và tạo những động lực tăng trưởng mới” [156].

2.2.3.1. Thị trường báo Wiener Zeitung

- Thị trường:



Từ thế kỷ thứ XVIII (1703) đến thế kỷ 80 của thế kỷ XX: WZ gồm sản phẩm báo in, Công báo, tạp chí, sách. WZ phục vụ công chúng bao cấp và CCTT (triều đình, giới quý tộc, quan chức địa phương, quân đội, một số chính quyền chiếm đóng, nhà nước, một phần công chúng khách hàng mua báo). Thời kỳ này WZ, phục vụ thị trường ngáchthị trường đại chúng.

Từ thập kỷ 1980 đến thập kỷ 1990: WZ gồm sản phẩm báo in (một số trang báo được cải tiến in màu bằng công nghệ kỹ thuật mới), Công báo, tạp chí, sách. WZ tiếp tục (giữ vững) phục vụ thị trường ngách, thị trường đại chúng. Mặc dù, WZ thuộc sở hữu nhà nước (đến tận ngày nay) nhưng chính phủ, và các cơ quan công quyền đều là khách hàng (bình đẳng như các đối tượng CCTT/khách hàng khác) của WZ. WZ có hai nhóm đối tượng công chúng là, CCTT số 1 (pháp nhân), CCTT số 2 (cá nhân).

Từ thập kỷ 1990 đến nay: WZ liên tục cải tiến, cho ra đời các sản phẩm/dịch vụ mới, đặc biệt là các sản phẩm/dịch vụ trên thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số. Giai đoạn này, WZ phát triển tối đa các loại sản phẩm/dịch vụ (kênh bán hàng) như: báo in, tạp chí, E-paper, đọc báo trên thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử (kho dữ liệu “big data”), Fanpage (mạng xã hội). Đây là thời kỳ đánh dấu bước ngoặt quan trọng của WZ trong tiến trình phát triển kinh doanh trong thời đại kỷ nguyên số. WZ vẫn tiếp tục duy trì phát triển thị phần ở thị trường ngách và thị trường đại chúng. WZ kiên trì phục vụ/giữ chân CCTT số 1, số 2 (trung thành), tăng cường tìm kiếm công chúng mới (đặc biệt là công chúng Thiên niên kỷ) [168].

- Cấu trúc: Năm 2011, WZ Group có bốn thị trường: Thị trường báo chí và công báo, thị trường xuất bản và bán sách (đã bán lại cho tư nhân năm 2013), thị trường Dịch vụ Chính phủ (Help) (đang chuyển giao từng phần cho Chính phủ Áo), thị trường nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử.

Hiện nay, WZ Group còn lại 2 thị trường (cũ), và một thị trường mới (Mô hình 2.1):

(1) Thị trường WZ GmbH - Thị trường Báo chí và Công báo: Wiener Zeitung (báo in, tạp chí, E-paper, báo điện tử, báo trên thiết bị di động); Firmenmonitor.at (Hệ thống Luật đổi mới và bổ sung); Lieferanzeiger.at (Hệ thống dữ liệu các chính phủ); Amtsblatt (Công báo) (tạm dịch) [170, tr6].

(2) Thị trường Digitale Pulikationen GmbH (nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử): Auftrag.at (Đặt hàng); Auszug.at (Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thương mại và bất động sản); Digitale Gesetze (Luật kỹ thuật số).

(3) Thị trường Sản phẩm giáo dục và nghiên cứu: Học viện WZ (2015), Đại học WZ (2016) (tính đến thời điểm luận án hoàn thành nghiên cứu, WZ chưa cập nhật thị trường này trong mô hình 2.1).



Mô hình 2.1: Cấu trúc Wiener Zeitung Group



Nguồn: Wiener Zeitung, năm 2016

- Hình thức thị trường WZ:

+ Thị trường ngách, là các đối tượng CCTT có vị trí lãnh đạo cao, có quyền ra quyết định trong các công ty, doanh nghiệp, các cơ quan công quyền của chính phủ Áo, EU, đồng thời là những người có thu nhập và trình độ giáo dục cao. WZ xác định đây là thị trường chính của mình trong tương lai.

+ Thị trường đại chúng, là các đối tượng CCTT (cá nhân, pháp nhân) sử dụng các sản phẩm/dịch vụ của WZ. Hiện tại, đây là thị trường thứ cấp của WZ.

- Phân khúc thị trường: WZ Group phân khúc thành 5 khu vực: Khu vực 1 - Thủ đô Vienna (là thị trường chính của báo in, tạp chí, E - paper, báo điện tử, báo trên các thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử); Khu vực 2 - Các tiểu bang lân cận Vienna (báo in, tạp chí, E - paper, báo điện tử, báo trên các thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử); Khu vực 3 - Toàn bộ lãnh thổ nước Áo (báo in, tạp chí, báo điện tử, E - paper, báo trên các thiết bị di động, các giải pháp điện tử/nền tảng kỹ thuật số); Khu vực 4 - châu Âu và thế giới (gồm một phần báo in, tạp chí, E - paper, báo điện tử, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử); Khu vực 5 - Thế giới (gồm tạp chí, báo điện tử, E - paper, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử, và các sản phẩm giáo dục trực tuyến của Học viện WZ, Đại học WZ (từ 2015).

- Hình thức kinh doanh: Hình thức kinh doanh WZ Group, từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) (quảng cáo); từ doanh nghiệp đến khách hàng (B2C) (bán báo); từ doanh nghiệp đến chính phủ (B2G) (Công báo); từ con người đến con người (H2H) (các giá trị công).



- Sản phẩm: Báo in, tạp chí, E-paper, báo điện tử, báo trên thiết bị di động, nền tảng kỹ thuật số/các giải pháp điện tử, sản phẩm giáo dục và nghiên cứu.

Chuyên gia Wolfgang cho biết, WZ không phát báo miễn phí vì hai lý do chính: CCTT là sự sống còn của tờ báo (sự tồn tại của báo từ trước đến nay một phần phục thuộc vào sức mua của CCTT); Giữ gìn sự cao cấp của tờ báo (không muốn công chúng có quan niệm dễ dãi về sản phẩm WZ). Tuy nhiên, số lượng lớn báo in vẫn bị thất thoát/miễn phí vào hai ngày cuối tuần (tại các điểm đặt hộp báo). Theo thống kê của WZ, có thời điểm chỉ 30% khách hàng tự giác trả tiền, 70% đã lấy báo miễn phí. Giá bán 1Euro/tờ [x.thêm 168].

- Slogan: “Hiểu các mối quan hệ” (WZ đã nhiều lần thay đổi slogan).

- Cơ cấu doanh thu: Thu từ Amtsblatt (công báo) là 70%, bán báo 12%, quảng cáo 18% (Mô hình 2.2):

Mô hình 2.2: Tỷ lệ doanh thu báo Wiener Zeitung



Nguồn: Wiener Zeitung, năm 2010 -2016

- Mục tiêu chiến lược phát triển thị trường WZ Group (năm 2010 - 2016): (1) Thu phí thị trường đại chúng, thu từ bán nội dung sản phẩm/dịch vụ - phí thuê bao, phí quảng cáo trên tất cả các kênh như báo điện tử, báo trên các thiết bị di động/nền tảng kỹ thuật; (2) Phát triển thị trường ngách, xuất bản, phối hợp xuất bản các phụ chương, tạp chí, chuyên san dành cho các đối tượng CCTT trên khắp thế giới (từ sinh viên các trường đại học Áo, châu Âu, đến các nhà khoa học, các sự kiện hội thảo khoa học, các tổ chức, đơn vị... quốc tế); (3) Thành lập Học viện WZ, Đại học WZ (2015), nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các “Khóa học trực tuyến mở” (Massive Open Online Course/MOOCS) [x.thêm Phụ lục 5A, tr.66-74] [PVS, trường hợp 1.1, nam, Viện trưởng, kiêm Giám đốc Marketing và truyền thông, đơn vị 1. Phụ lục 1, tr.1-8].

2.2.3.2. Thị trường APA, ORF (đơn vị tham chiếu)

* Thị trường APA

- Thị trường: Bao gồm toàn bộ khu vực nước Áo, một phần EU và thế giới. APA thuộc sở hữu của 13 tờ nhật báo và Đài PT&TH quốc gia Áo (ORF). APA là hãng thông tấn xã độc lập (một trong 20 hãng thông tấn xã độc lập trên thế giới) [181, tr.9a].

- Cấu trúc: Gồm 3 Ban Dịch vụ cơ bản, Truyền thông đa phương tiện, Tài chính; 9 phòng Chuyên mục (Chính trị đối ngoại, Chính trị trong nước, Kinh tế, Văn hóa/khoa học, Tổng hợp tin tức, Thể thao, Hình ảnh, Video, Đồ họa); 2 trung tâm làm kinh tế; 9 Văn phòng đại diện tại các bang của Áo; 1 Văn phòng đại diện tại châu Âu (Bỉ) [181, tr.5] (Mô hình 2.3):

Mô hình 2.3: Cấu trúc APA Group



Nguồn: APA, năm 2015

- Hình thức thị trường: APA hoạt động ở thị trường ngách (Niche market). APA phân bổ sản phẩm/dịch vụ trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ Áo, một phần ở châu Âu, quốc tế.

Từ năm 2015, APA Tuyên bố tầm nhìn chiến lược: “Vào năm 2018, APA sẽ là nhà cung cấp dịch vụ tin tức, giúp tăng cường truyền thông và các tổ chức truyền thông liên quan tại thị trường Áo và quốc tế (Đức, Thụy sĩ). Những người ra quyết định và các chuyên gia truyền thông cũng sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ này, nhằm cải thiện vị thế kinh tế của họ” [187].

- Phân khúc thị trường: Khu vực truyền thông (media markets) là các tờ báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử (chiếm 30%); Khu vực phi truyền thông (Non - media markets): khách hàng là các doanh nghiệp, công ty (chiếm 35%), các tổ chức, tổ chức chính trị... (chiếm 35%) (tổng số khách hàng khu vực phi truyền thông chiếm 70%) [181, tr.18a].

- Hình thức kinh doanh: Từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B)



- Sản phẩm:

(1) Cung cấp dịch vụ tin tức: Trên các định dạng văn bản, hình ảnh, đồ họa, video, âm thanh... cho khu vực truyền thông (Media).

(2) Hỗ trợ các hoạt động thương mại: Cung cấp các dữ liệu, sản phẩm/dịch vụ tin tức tài chính cho các công ty, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị, doanh nghiệp, tập đoàn... - khu vực phi truyền thông (Non media).

(3) Cung cấp các dịch vụ truyền thông, dịch vụ PR, đào tạo báo chí - truyền thông, dịch vụ giám sát, quản lý phương tiện truyền thông, tư vấn phát triển nội dung, gia công phần mềm, các dịch vụ IT - công nghệ thông tin, tư vấn các hoạt động khác... cho sự phát triển bền vững của các khách hàng cả hai khu vực truyền thông và phi truyền thông ở Áo, (một phần) châu Âu, thế giới [187, tr.1-2] [PVS, trường hợp 1.2, nam, Chuyên gia tư vấn/Trợ lý CEO, đơn vị 2. Phụ lục 1, tr.1-8].

- Slogan: “Giá trị của thông tin” (The value of information).

- Cơ cấu doanh thu: Gồm khu vực truyền thông chiếm 30%; khu vực phi truyền thông chiếm 70% [181] [x.thêm Phụ lục 5B, tr.75-78] [PVS, trường hợp 1.2, nam, Chuyên gia tư vấn/Trợ lý CEO, đơn vị 2. Phụ lục 1, tr.1-8] (Bảng 2.1):

Bảng 2.1. Doanh thu và lợi nhuận của APA



Năm

(Year)

Doanh thu

(Revenues)

(Đơn vị tính: 1.000 Euro)

Lợi nhuận trước thuế

(EBIT)

(Đơn vị tính: 1.000 Euro)

2010

62.665

2.739

2011

65.37

3.316

2012

66.403

1.87

2013

71.524

1.749

2014

71.045

2.199

2015

73.457

2.97


tải về 9.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương