Danh mục chữ viết tắT 13 danh mục chữ viết tắT 12



tải về 4.74 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích4.74 Mb.
#37443
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

4. ĐIỀU TRỊ

a. Nguyên tắc chung

  • Cắt tóc ngắn.

  • Gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và chống nấm.

  • Sử dụng thuốc chống nấm thận trọng và theo dõi kỹ.

  • Điều trị các nhiễm khuẩn kèm theo.

b. Điều trị cụ thể

  • Nấm tóc Piedra: nhổ tóc có tổn thương nốt cùng với gội đầu bằng dầu gội có lưu huỳnh, ketoconazol 2%. Terbinafin uống có hiệu quả.

  • Nấm da đầu

Người lớn: dùng một trong các thuốc sau:

  • Fluconazol: 6 mg/kg/ngày × 3-6 tuần.

  • Griseofulvin: 20 mg/kg/ngày × 6-8 tuần.

  • Itraconazol: 5 mg/kg/ngày × 4-8 tuần.

  • Terbinafin: 250 mg/ngày × 2-4 tuần.

Trẻ em: dùng một trong các thuốc sau:

  • Fluconazol: 6 mg/kg/ngày × 6 tuần.

  • Griseofulvin: 20-25 mg/kg/ngày × 6-8 tuần.

  • Itraconazol: 3-5 mg/kg/ngày × 6 tuần.

  • Terbinafin: 62,5 mg/ngày (< 20 kg), 125 mg/ngày (20-40 kg) hoặc 250 mg/ngày (> 40 kg) × 2-6 tuần.

5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

  • Một số trường hợp có thể gây rụng tóc vĩnh viễn, gây sẹo.

  • Trong các trường hợp nặng hoặc suy giảm miễn dịch, nấm có thể xâm nhập sâu và có thể gây nhiễm nấm huyết hoặc nội tạng.

6. PHÒNG BỆNH

  • Vệ sinh tóc thường xuyên.

  • Hạn chế gội đầu vào ban đêm.

  • Giữ khô tóc.

  • Hạn chế trẻ nhỏ chơi với súc vật.

NẤM MÓNG
(Onychomycosis)


1. ĐẠI CƯƠNG

Là bệnh viêm móng thường gặp, tiến triển âm thầm, mạn tính.

Ở châu Âu, ước tính khoảng 2-6% dân số mắc bệnh nấm móng.

Bệnh do nhiều chủng nấm gây nên và có thương tổn lâm sàng đa dạng. Việc chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm tìm nấm.



2. NGUYÊN NHÂN

  • Nấm sợi (dermatophyte): chiếm trên 90% các trường hợp nấm móng. Chủ yếu do một số chủng Trichophyton spp. như T. rubrum, T. violaceum, T. mentagrophyte, hiếm khi do E. floccosum.

  • Nấm men (yeast): chủ yếu do một số chủng nấm Candida: C. albicans,
    C. tropicalis
    … Ngoài ra, còn do Malassezia spp. như M. furfur nhưng hiếm gặp.

  • Nấm mốc (non dermatophyte moulds): ít gặp, do Fusarium spp., Aspergilus spp., S. hyalium, H. toruloidea…

3. CHẨN ĐOÁN

a. Biểu hiện lâm sàng: tùy từng vị trí thâm nhập của vi nấm mà biểu hiện lâm sàng khác nhau.

  • Tổn thương ở phần bên và phần xa dưới móng (DLSO: Distal and lateral subungual onychomycosis):

  • Là dạng lâm sàng thường gặp nhất.

  • Tổn thường bắt đầu ở phía xa bờ bên của móng.

  • Tăng sừng hóa dưới móng tiến triển tăng dần theo trục của móng làm phá hủy móng.

  • Móng trở nên đục, trắng và mủn.

  • Xen kẽ với các những vùng sừng hóa là những vùng tách móng, là nơi cư trú của nấm sợi.

  • Màu sắc của móng thay đổi: trắng, vàng cam.

  • Tổn thương ở bề mặt móng:

  • Trên bề mặt móng có đốm hoặc khía trắng (SWO: Supperficial white onychomycosis).

  • Là dạng đặc trưng của nhiễm dermatophyte do Trichophyton mentagrophytes hoặc Trichophyton rubrum. Ngoài ra, có thể gặp một số chủng nấm mốc. Bệnh hay gặp ở móng chân hơn ở móng tay.

  • Thể này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch (ghép tạng, dùng liệu pháp corticoid toàn thân...), tổn thương có xu hướng lan tỏa và nhiều móng bị
    tổn thương.

  • Tổn thương ở gốc móng (PSO: Proximal subungual onychomycosis) và viêm quanh móng (perionyxis):

  • Viêm nếp da phía gốc móng và nhất là nếp gấp sau.

  • Bản móng xuất hiện các đường rãnh ngắn, gần nhau, song song, sắp xếp dọc theo một dải nâu. Sau một thời gian tiến triển mạn tính xen kẽ những đợt cấp tính, tổn thương ngày càng nặng và gây rối loạn phát triển móng và teo móng. Nguyên nhân thường gặp là Candida spp., vi khuẩn (thường là gram âm).

  • Loạn dưỡng toàn móng (TDO: Total dystrophic onychomycosis):

Toàn bộ móng bị tiêu hủy do hậu quả tiến triển lâu ngày của ba dạng nhiễm nấm trên.

b. Cận lâm sàng

  • Soi trực tiếp: tất cả các trường hợp nghi nhiễm nấm móng nên được làm xét nghiệm trực tiếp tìm nấm.

  • Lấy bệnh phẩm: tùy từng thương tổn lâm sàng mà có cách lấy bệnh phẩm phù hợp: cắt và cạo khối sừng mủn dưới móng, cạo rãnh quanh móng.

  • Hóa chất: KOH 20% và KOH 20% kết hợp với mực Parker (tỷ lệ 2:1).

  • Nhận định kết quả: sau 1-3 giờ có thể quan sát sợi nấm và/hoặc tế bào nấm men.

  • Nuôi cấy và định loại

  • Nuôi cấy trên môi trường Sabouraud có chloramphenicol.

  • Nhiệt độ 22-25oC.

  • Thời gian: sau 1-2 ngày với nấm Candida, sau 2-3 tuần với nấm sợi và nấm mốc.

  • Sinh thiết nhuộm PAS: ít được chỉ định.

c. Chẩn đoán xác định

  • Dựa vào lâm sàng đa dạng.

  • Cận lâm sàng. 

d. Chẩn đoán phân biệt

  • Vảy nến thể móng.

  • Lichen móng.

  • Loạn dưỡng móng.

  • Viêm quanh móng do nhiễm khuẩn.

  • Hội chứng vàng móng...

4. ĐIỀU TRỊ

a. Thuốc bôi tại chỗ

  • Ciclopiroxolamin dạng dung dịch 8%: bôi hàng ngày đến khi khỏi.

  • Amorolfin (loceryl) 5%: bôi 1 tuần 1 lần.

  • Nếu móng chân còn tốt, chỉ có ít thương tổn ở bờ ngoài hoặc viêm quanh móng nhẹ 1-2 móng, có thể sử dụng thuốc sát khuẩn và kem bôi chống nấm.

  • Nếu thương tổn nhiều móng hoặc viêm từ 3 móng trở nên thì kết hợp bôi và uống thuốc chống nấm.

b. Thuốc uống

  • Fluconazol: 150-200 mg/tuần × 9 tháng.

  • Griseofulvin: 1-2 g/ngày cho tới khi móng trở nên bình thường.

  • Itraconazol: 200 mg/ngày × 12 tuần hoặc 200 mg x 2 lần/ngày × 1 tuần/tháng trong 23 tháng.

  • Terbinafin: 250 mg/ngày × 12 tuần hoặc 250 mg/ngày x 4 tuần, nghỉ 4 tuần, điều trị tiếp 4 tuần.

Các thuốc trên không nên chỉ định đối với phụ nữ có thai và cho con bú.

Đối với nấm móng trẻ em, dùng một trong các thuốc sau:



  • Fluconazol: 6 mg/kg/tuần × 12-16 tuần (móng tay) hoặc 18-26 tuần (móng chân).

  • Griseofulvin: 20 mg/kg/ngày cho tới khi móng trở về bình thường.

  • Itraconazol: 5 mg/kg/ngày (< 20 kg), 100 mg/ngày (20-40 kg), 200 mg/ngày (40-50 kg), hoặc 200 mg x 2 lần/ngày (> 50 kg) × 1 tuần/tháng trong 2 tháng liên tiếp (móng tay) hoặc 3 tháng liên tiếp (móng chân).

  • Terbinafin: 62,5 mg/ngày (< 20 kg), 125 mg/ngày (20-40 kg) hoặc 250 mg/ngày (> 40 kg) × 6 tuần (móng tay) hoặc 12 tuần (móng chân)

c. Điều trị hỗ trợ

  • Bào mòn móng.

  • Loại bỏ móng bằng phẫu thuật, đắp ure 40%.

d. Tiêu chuẩn khỏi bệnh

  • Xét nghiệm nấm âm tính.

  • Móng mọc lại bình thường.

e. Tiến triển và biến chứng

  • Bệnh tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng giảm khả năng lao động và mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

  • Nấm móng tiến triển âm thầm, không tự hồi phục, có thể dẫn tới mất móng.

5. PHÒNG BỆNH

  • Vệ sinh cá nhân: cắt tỉa gọn gàng móng tay, móng chân.

  • Mang giày tất thoáng rộng.

  • Điều trị thuốc chống nấm đúng, đủ liều khi mắc bệnh.

VIÊM DA TIẾP XÚC DO CÔN TRÙNG



1. ĐẠI CƯƠNG

  • Là một phản ứng cấp tính của da với các chất kích ứng từ côn trùng.

  • Viêm da tiếp xúc do Paederus là loại thường gặp nhất.

  • Ở Việt Nam, bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa bão, thành dịch, có thể rải rác suốt cả năm.

  • Bệnh không nguy hiểm nhưng làm người bệnh lo lắng.

2. CĂN NGUYÊN

  • Bệnh do một loại côn trùng vùng nhiệt đới nóng, ẩm có tên khoa học là Paederus hay còn gọi là kiến khoang (hay kiến kim, kiến lác, kiến nhốt, kiến cằm cặp, kiến cong đít...).

  • Thuộc họ cánh cứng, có mặt khắp nơi trên thế giới, thường gặp nhất là ở châu Phi và châu Á.

  • Côn trùng có mình dài khoảng 7-10 mm, mảnh, có 3 đôi chân, cơ thể có 2 vòng đỏ, 3 vòng đen rất điển hình; bay và chạy rất nhanh, thường ẩn náu ở những nơi ẩm ướt, hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Khi bị chà xát, côn trùng bị dập nát và phóng thích chất dịch trong cơ thể chứa chất paederin gây viêm da tiếp xúc.

3. CHẨN ĐOÁN

a. Chẩn đoán xác định

  • Lâm sàng:

  • Tại vị trí côn trùng đốt, bị chà xát xuất hiện phản ứng viêm da. Ban đầu chỉ có một hoặc vài đám da đỏ, dài như vết cào xước, hơi phù nề, kích thước từ vài mm đến vài cm. Sau vài giờ hoặc một ngày xuất hiện mụn nước, bọng nước giữa dát đỏ.

  • Nếu bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy rát, ngứa, nổi một vài vết đỏ lấm tấm kèm mụn nước, mụn mủ nhỏ. Sau 3-5 ngày, tổn thương khô mà không thành phỏng nước, bọng mủ. Nếu nặng hơn, thương tổn rộng, bọng nước, bọng mủ nông lan rộng, có thể trợt loét, hoại tử.

  • Vị trí: bất kỳ nơi nào nhưng hay gặp ở các vùng da hở. Khi bị tổn thương ở mắt có thể có sưng nề, trợt đỏ, chảy nước mắt; các vị trí khác như: nách, bẹn, sinh dục... có thể gây sưng đau làm hạn chế đi lại.

  • Cơ năng: bỏng rát, ngứa. Nếu bội nhiễm sẽ thấy đau nhức, khó chịu.

  • Toàn thân: một số trường hợp tổn thương lan rộng có thể gây đau nhức, sốt, mệt mỏi, nổi hạch cổ, nách, hoặc bẹn tùy theo vùng tổn thương.

  • Cận lâm sàng:

Không có gì đặc biệt, một số có phỏng mủ lan rộng, hạch sưng to, bạch cầu có thể tăng cao.

b. Chẩn đoán phân biệt

  • Bệnh zona

  • Dễ chẩn đoán nhầm nhất.

  • Do nhiễm Varricella-zoster virus (VZV).

  • Thương tổn là dát đỏ, sau nổi mụn nước, bọng nước lõm giữa tập trung thành đám dọc theo thần kinh ngoại biên. Đau rát nhiều tại tổn thương.

  • Xét nghiệm tế bào Tzanck thấy tế bào ly gai và tế bào đa nhân khổng lồ.

  • Bệnh herpes da: mụn nước nhỏ tập trung thành chùm trên nền dát đỏ ở vùng bán niêm mạc (môi), niêm mạc (miệng, sinh dục), đau rát nhiều tại tổn thương.

  • Viêm da tiếp xúc do các nguyên nhân khác: viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng.

4. TIẾN TRIỂN

  • Nếu được điều trị sớm, bệnh đỡ nhanh, tổn thương đóng vảy tiết sau khoảng
    4-6 ngày, khô dần, bong vảy để lại vết da sẫm màu, mất đi dần.

  • Người bệnh có thể tái phát vài lần. Ở tập thể, có thể nhiều người bị bệnh tại cùng thời điểm.

5. ĐIỀU TRỊ

Điều trị tại chỗ là chủ yếu, tùy theo giai đoạn tổn thương.



a. Tại chỗ

  • Ngay khi bị tổn thương: có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 9‰), rửa tổn thương 3-4 lần/ngày nhằm trung hòa độc tố của côn trùng. Tránh kỳ cọ làm tổn thương lan rộng.

  • Khi các tổn thương đỏ, đau rát: dùng các thuốc làm dịu da, chống viêm như các loại hồ (hồ nước, hồ Tetra-Pred) hay các loại mỡ kháng sinh phối hợp với corticoid bôi 2-3 lần/ngày.

  • Trường hợp bọng nước, bọng mủ: chấm dung dịch màu milian, castellani, nước thuốc tím pha loãng... bôi 1-2 lần/ngày.

b. Toàn thân: thường không cần phải điều trị.

  • Trường hợp thương tổn lan rộng, bọng mủ rộng và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: kháng sinh uống.

  • Kháng histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng da.

6. PHÒNG BỆNH

  • Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với côn trùng gây bệnh.

  • Nếu đã tiếp xúc hoặc nghi ngờ tiếp xúc thì nên:

  • Khi phát hiện côn trùng đang bò trên da, lấy ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để tờ giấy để côn trùng bò lên. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc.

  • Khi đã vô tình chà xát côn trùng, phải rửa sạch tay và những vùng da đã tiếp xúc.

  • Khi phát hiện côn trùng trong khu vực sinh sống, nên ngăn bằng cách đóng cửa hoặc sử dụng lưới mắt nhỏ ngăn côn trùng hoặc thay đèn huỳnh quang bằng đèn ánh sáng vàng.

  • Nên ngủ màn và kiểm tra giường chiếu, chăn màn, khăn, quần áo trước khi
    sử dụng.

  • Làm sạch khu vực quanh nhà. Nếu làm việc dưới ánh đèn, tránh dùng tay đập hoặc quệt khi có cảm giác vướng trên da.

  • Khi thấy biểu hiện nghi ngờ bệnh, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.


Chương 3

BỆNH DA DO VIRUS


BỆNH ZONA

1. ĐỊNH NGHĨA

Bệnh zona hay herpes zoster là bệnh nhiễm trùng da với biểu hiện là các ban đỏ, mụn nước, bọng nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên. Bệnh do sự tái hoạt của virus Varicella zoster (VZV) tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống.

Bệnh hay gặp ở những người già, những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt ở người nhiễm HIV/AIDS.

2. CĂN NGUYÊN, BỆNH SINH

a. Căn nguyên

Căn nguyên là một virus hướng da và thần kinh có tên là Varicella zoster virus (VZV), thuộc họ virus herpes, và cũng chính là virus gây bệnh thủy đậu.



b. Bệnh sinh

Ở người đã mắc bệnh thủy đậu, sau khi khỏi, một số ít virus tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống dưới dạng tiềm tàng, im lặng. Khi gặp điều kiện thuận lợi (các yếu tố khởi động) như suy giảm miễn dịch (suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, các bệnh về máu, đái tháo đường), bệnh tạo keo (đặc biệt là bệnh lupus ban đỏ), stress, điều trị tia xạ, ung thư, HIV/AIDS..., virus sẽ tái hoạt, nhân lên và lan truyền gây viêm lan tỏa và hoại tử thần kinh. Đồng thời virus lan truyền ngược chiều đến da, niêm mạc và gây tổn thương.



3. CHẨN ĐOÁN

a. Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng.

  • Lâm sàng:

  • Tiền triệu: bệnh khởi đầu với các cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1-5 ngày. Kèm theo có thể nhức đầu, sợ ánh sáng và khó chịu. Thời kỳ này được cho là thời kỳ virus lan truyền dọc dây thần kinh.

  • Khởi phát: khoảng nửa ngày đến một ngày sau, trên vùng da có dấu hiệu tiền triệu xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn mặt da, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần dần nối với nhau thành dải,
    thành vệt.

  • Toàn phát

Triệu chứng da: vài ngày sau, trên những mảng đỏ da xuất hiện mụn nước, bọng nước tập trung thành đám giống như chùm nho, lúc đầu mụn nước căng, dịch trong,
sau đục, hóa mủ, dần dần vỡ đóng vảy tiết. Thời gian trung bình từ khi phát tổn thương
đến khi lành sẹo khoảng 2-4 tuần. Người cao tuổi tổn thương nhiều, diện rộng; mụn nước
, bọng nước có thể xuất huyết, hoại tử da, nhiễm khuẩn, sẹo xấu và kéo dài. Ở trẻ em tổn thương ít, tiến triển nhanh.

Vị trí: thường chỉ ở một bên, không vượt quá đường giữa cơ thể và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên; cá biệt bị cả hai bên hay lan tỏa.

Hạch bạch huyết vùng lân cận sưng to.

Triệu chứng cơ năng: đau xuất hiện sớm, có thể trước cả tổn thương ngoài da và luôn thay đổi trong suốt thời gian bệnh tiến triển. Mức độ đau rất đa dạng từ nhẹ như cảm giác rát bỏng, âm ỉ tại chỗ hay nặng như kim châm, giật từng cơn.

Triệu chứng đau thường phụ thuộc vào lứa tuổi. Ở trẻ em, người trẻ đau ít. Người nhiều tuổi đau thành từng cơn, kéo dài, thậm chí hàng năm khi tổn thương ngoài da đã lành sẹo, còn gọi là đau sau zona.

Các rối loạn khác: có thể thấy rối loạn bài tiết mồ hôi, vận mạch, phản xạ dựng lông (nhưng hiếm gặp).



  • Các thể lâm sàng:

  • Theo vị trí tổn thương:

  • Zona liên sườn và ngực bụng: là thể lâm sàng hay gặp nhất, chiếm 50% trường hợp.

  • Zona cổ (đám rối cổ nông) và cổ cánh tay.

  • Zona gáy cổ: có tổn thương ở gáy, da đầu, vành tai.

  • Zona hông, bụng, sinh dục, bẹn, xương cùng, ụ ngồi, đùi.

  • Theo hình thái tổn thương: những hình thái này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch như: HIV/AIDS, ung thư, hóa trị liệu..., bao gồm:

  • Zona lan tỏa (disseminated zoster).

  • Zona nhiều dây thần kinh.

  • Zona tái phát.

  • Các thể zona đặc biệt:

  • Zona mắt: chiếm 10-15% các thể zona. Do tổn thương thần kinh V hay thần kinh sinh ba chi phối cho mắt, hàm trên và hàm dưới, trong đó tổn thương nhánh mắt gấp 5 lần các nhánh khác. Có thể có các biến chứng về mắt như viêm kết mạc, giác mạc, củng mạc, thậm chí nặng đe dọa thị lực như hoại tử võng mạc cấp tính, viêm dây thần kinh thị giác, hội chứng đỉnh ổ mắt, viêm hậu củng mạc, glaucome thứ phát...

  • Zona hạch gối hay hội chứng Ramsay Hunt: do thương tổn hạch gối của dây thần kinh VII. Bệnh nhân liệt mặt một bên, ù tai, nghe kém hoặc mất khả năng nghe, buồn nôn, nôn, chóng mặt và giật nhãn cầu. Mắt không nhắm kín được (hở mi), có dấu hiệu Charler Bell. Mất cảm giác vị giác một bên 2/3 trước lưỡi, mụn nước mọc ở màng nhĩ, ống tai, vành tai. Có thể có viêm não, màng não.

  • Zona vùng xương cùng (S2, S3, S4): do viêm dây thần kinh chi phối vùng bàng quang. Bệnh nhân khó tiểu, tiểu dắt, bí tiểu, có trường hợp tiểu máu và tiểu mủ. Đau bụng giống như các triệu chứng ngoại khoa, đau quặn bụng dưới, căng tức, bí trung đại tiện, hậu môn co thắt và cứng như đá không thể khám được, đau nhức vùng da một bên sinh dục kèm theo thương tổn da điển hình.

  • Zona tai: cảm giác rát bỏng, đau vùng tai, có thể lan ra thái dương và gáy. Ðau xảy ra từng cơn kéo dài nhiều ngày làm bệnh nhân không ăn, không ngủ được, đặc biệt là zona tai kết hợp với zona họng gây đau họng không nuốt được. Rối loạn cảm giác vùng mặt, liệt mặt ngoại biên, nghe kém.

  • Zona ở người nhiễm HIV/AIDS: bệnh zona ở người có HIV dương tính giai đoạn sớm tương tự như bệnh zona ở người bình thường. Nếu nhiễm HIV giai đoạn muộn/AIDS, zona có thể tái phát thường xuyên, tổn thương không điển hình như xuất hiện trên diện rộng, mụn nước xuất huyết, hoại tử, nhiễm khuẩn, sẹo xấu, bệnh kéo dài.

  • Cận lâm sàng:

  • Chẩn đoán tế bào Tzanck: thấy các tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ.

  • Nuôi cấy virus: thường ít thực hiện.

  • PCR với bệnh phẩm trong dịch và các mô.

  • Sinh thiết da: được tiến hành nếu lâm sàng không điển hình.

  • Xét nghiệm HIV.

b. Chẩn đoán phân biệt: tùy theo từng giai đoạn.

  • Giai đoạn khởi phát: phân biệt với các loại đau như: đau đầu, viêm mống mắt, viêm màng phổi, viêm thần kinh cánh tay, đau do bệnh tim, viêm ruột thừa hoặc viêm túi mật, sỏi mật, đau quặn thận, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa...

  • Giai đoạn mụn nước, bọng nước: phân biệt với herpes simpex, viêm da tiếp xúc dị ứng (với một số loại cây cỏ, côn trùng). Hiếm hơn là một số bệnh da bọng nước tự miễn như pemphigus, pemphigoid, Duhring-Brocq, bệnh tăng IgA thành dải.

4. ĐIỀU TRỊ

a. Mục tiêu điều trị: làm liền tổn thương; giảm đau; ngăn ngừa biến chứng.

b. Phác đồ điều trị

  • Trường hợp không biến chứng và ở người có miễn dịch bình thường:

  • Tại chỗ: bôi hồ nước, dung dịch màu millian, castellani, mỡ acyclovir, mỡ kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.

  • Toàn thân:

  • Uống acyclovir: thuốc kháng virus có tác dụng nhanh lành vết thương, giảm số tổn thương mới và giảm đau sau zona. Thuốc nên được dùng sớm, tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu. Liều 800 mg x 5 lần/ngày trong 7-10 ngày.

  • Hoặc, famciclovir 500 mg mỗi 8 giờ (3 lần mỗi ngày) x 7 ngày.

  • Hoặc, valacyclovir 1000 mg mỗi 8 giờ (3 lần mỗi ngày) x 7 ngày.

  • Ngoài ra: kháng sinh chống bội nhiễm; giảm đau, kháng viêm, an thần, sinh tố nhóm B liều cao. Nếu đau dai dẳng: bôi kem chứa lidocain và prilocain, kem capsaicin, lidocain gel, uống thuốc chống trầm cảm ba vòng, phong bế thần kinh và vật lý trị liệu kết hợp. Corticoid: có tác dụng giảm đau trong thời kỳ cấp tính và nhiều tác giả cho rằng thuốc có tác dụng giảm đau sau zona.

  • Trường hợp suy giảm miễn dịch hay tổn thương lan rộng:

Tiêm tĩnh mạch acyclovir 30 mg/kg/ngày, chia 3 lần x 7 ngày hoặc cho đến khi thương tổn đóng vảy tiết.

  • Trường hợp có tổn thương mắt: kết hợp khám chuyên khoa mắt, điều trị acyclovir đường tĩnh mạch.

  • Đau sau zona (post herpetic neuralgia-PHN): là hiện tượng đau dai dẳng trên
    1 tháng, thậm chí hàng năm với biểu hiện đau nhạy cảm, rát bỏng, đau âm ỉ hay đau nhói như dao đâm ở vùng da tổn thương zona đã lành sẹo. Bệnh thường xuất hiện ở người già, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh ung thư. Nguyên nhân: do VZV gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút thần kinh. Một số trường hợp có thể kèm đau cơ, đau khớp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Điều trị và dự phòng PHN:

  • Điều trị bệnh zona bằng thuốc kháng virus sớm trong vòng 72 giờ đầu.

  • Amitripylin viên 25 mg, liều 25-75 mg/ngày. Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, khô miệng, lú lẫn, táo bón, bí tiểu, tăng cân. Hạn chế tác dụng phụ bằng cách dùng liều tăng dần.

  • Carbamazepin viên nén 200 mg, liều 400-1.200 mg/ngày. Tác dụng phụ: chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị, hạn chế bằng cách tăng dần liều.

  • Gabapentin viên 300 mg, liều 900-2.000 mg/ngày. Tác dụng phụ: ngủ gà, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run. Hạn chế tác dụng phụ bằng cách tăng dần liều.

  • Pregabalin 150 mg-300 mg/ngày.

  • Bôi kem chứa lidocain và prilocain tại chỗ, ngày 3-4 lần.

BỆNH HẠT CƠM
(Warts)


1. ĐẠI CƯƠNG

  • Là tình trạng bệnh lý với sự tăng sinh lành tính của các tế bào biểu bì ở da và niêm mạc, do virus có tên Human Papilloma Virus (HPV) gây nên. Bệnh gặp ở mọi giới và mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thường gặp nhất ở tuổi lao động, đặc biệt là học sinh và sinh viên. Khoảng 10% dân số mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

  • Virus có mặt ở nhiều nơi trong môi trường sống, như bể bơi, nhà tắm công cộng và phòng tập thể thao. Sự lây nhiễm HPV có thể là do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua da bị xây xát hoặc qua các vật dụng trung gian như giầy dép, dụng cụ
    thể thao.

  • Bệnh không gây chết người nhưng có thể gây đau, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.


tải về 4.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương