DỰ Án tăng cưỜng năng lực quốc gia ứng phó VỚi biếN ĐỔi khí HẬU Ở việt nam nhằm giảm nhẹ TÁC ĐỘng và kiểm soát phát thải khí nhà KÍNH


Tác động của BĐKH đối với nguy cơ sâu bệnh hại rừng



tải về 0.61 Mb.
trang10/15
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2017
Kích0.61 Mb.
#32805
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

4.4. Tác động của BĐKH đối với nguy cơ sâu bệnh hại rừng


Bộ Nông nghiệp và PTNT (2006) cho thấy có nhiều loài sâu, bệnh hại rừng. Tuy nhiên loài sâu róm thông xuất hiện khá phổ biến. Số liệu thống kê năm 1937 cho thấy sâu róm thông đã phá hoại mạnh trên nhiều ngọn đồi trồng thông thuộc dẫy núi Nham Biền (Yên Dũng - Bắc Giang). Năm 1940, vùng Tây Bắc bị dịch châu chấu, cào cào tàn phá mọi cánh đồng lúa làm cho người dân phải đi nơi khác kiếm ăn. Tháng 8/1958 sâu thông phá hại nghiêm trọng ở Phú Nham, Phú Điền, Sơn Viện thuộc tỉnh Thanh Hoá, ăn trụi lá thông khoảng gần 100 ha. Năm 1958 và 1959 ở Bắc Giang, sâu róm thông đã hại 160 ha rừng thông đuôi ngựa tại dãy núi Neo, khu vực bến Đám thuộc huyện Yên Dũng, sâu còn ăn cả cây con mới đem trồng được 2 năm, làm thiệt hại khá nhiều cho công tác trồng rừng nơi đây. Từ năm 1959 - 1960 ở Nghệ An đã phát sinh nạn dịch sâu róm thông rất lớn làm trụi 515 ha rừng thông lớn. Những năm gần đây các trận dịch sâu xanh ăn lá bồ đề, ong ăn lá mỡ, sâu đo ăn lá lim, sâu ăn lá muồng đen… thường xảy ra, ăn trụi hàng nghìn ha rừng.

Nước ta cũng đã từng xảy ra các loại bệnh dịch nguy hiểm như bệnh khô cành bạch đàn ở Đồng Nai làm cho 11.000 ha cây bị khô, ở Thừa Thiên Huế 500 ha, ở Quảng Trị trên 50 ha. Bệnh khô xám thông, bệnh rơm lá thông, bệnh khô ngọn thông, bệnh thối cổ rễ thông, bệnh vàng lá sa mộc, bệnh khô cành cây phi lao, bệnh khô héo trẩu, bệnh chổi sể tre luồng, bệnh tua mực quế, bệnh sọc tím tre luồng… đã uy hiếp nghiêm trọng hàng ngàn ha rừng và ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp ở nước ta.



Cũng như các nước trên thế giới, việc phòng trừ sâu bệnh, nhất là chống dịch tại Việt Nam đã sử dụng nhiều loại thuốc hoá học, với liều lượng và nồng độ không kiểm soát được trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước mắt đã đáp ứng yêu cầu về phòng trừ sâu, bệnh. Nhưng nó cũng bộc lộ thiếu sót là gây nên sự rối loạn về sâu, bệnh hại rừng và tạo ra những đặc điểm mới của sâu bệnh hại rừng ở Việt Nam như:

  • Hình thành các chủng sâu, bệnh nhờn thuốc, chống thuốc do tăng thêm nồng độ thuốc cho đến một lúc nào đó sâu hại trở nên không còn mẫn cảm với loại thuốc đó nữa

  • Xuất hiện những loài sâu mới: ở những nơi đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phổ biến, người ra thấy xuất hiện một số những sâu hại mới. Trên cây bông, trước đây ở mỗi vùng thường chỉ có vài ba loài sâu hại quan trọng cần tiến hành phòng trừ, thì nay con số này đã lên tới 10 - 15 loài.

  • Gây ra hiện tượng tái phát sâu hại: Trong những năm đầu, do tác dụng của thuốc hoá học, mật độ sâu hại có giảm đi. Nhưng trong những năm tiếp theo, mặc dù lượng thuốc sử dụng nhiều lên, nhưng mật độ sâu không những không giảm đi mà còn tăng hơn trước do dùng thuốc nhiều đã làm mất cân bằng sinh học, các loài thiên dịch của sâu, bệnh đã bị tiêu diệt một lượng lớn.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sâu bệnh hại rừng bao gồm các nhân tố phi sinh vật và sinh vật. Các nhân tố phi sinh vật ảnh hưởng đến sâu, bệnh và cây chủ là các yếu tố khí tượng thủy văn và đất đai. Các nhân tố khí tượng gồm nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió mưa… trong đó nhiệt độ, độ ẩm là những yếu tố chủ yếu.

  • Nhiệt độ là đơn vị nhiệt lượng thay đổi theo ngày đêm, các ngày trong tháng và các ngày trong năm. Nhiệt độ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát dục của côn trùng (sâu hại) và ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cũng như khả năng hoạt động của vật gây bệnh, không chỉ trên cây mà ngay cả trong đất. Tùy từng loại khác nhau chúng có phạm vi tối thấp, tối thích và tối cao.

  • Độ ẩm không khí và lượng mưa ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sâu, bệnh. Hầu hết các loài vật gây bệnh cây yêu cầu độ ẩm tương đối của không khí cao, thường trên 80%. Ở nước ta độ ẩm cao thường vào mùa xuân hè thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển. Lượng mưa trong năm hoặc trong tháng có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu quy luật sinh trưởng và phát triển của bệnh cây.

  • Gió ảnh hưởng đến sự phân bố và hoạt động của sâu, bệnh. Gió giúp cho sự di chuyển của côn trùng đi xa hơn; làm cho sâu trưởng thành không hoạt động được; sâu non rơi xuống khi tốc độ gió lớn. Gió đưa bào tử nấm đi xa để lây lan. Hơn nữa, gió còn ảnh hưởng đến cân bằng nhiệt, nước trong cơ thể và cũng ảnh hưởng đến sự phát sinh phát triển của nấm bệnh. Gió mạnh làm yếu cây hoặc gãy đổ cây tạo điều kiện cho nấm mục phá hoại.

  • Ánh sáng, đa số các loại bệnh cây rừng thích hợp với ánh sáng tán xạ. Một số loại nấm, bào tử chỉ nẩy mầm trong điều kiện ánh sáng tán xạ. Đối với côn trùng ánh sáng ảnh hưởng chủ yếu về sự tăng giảm nhiệt độ môi trường và từ đó tác động đến sinh hoạt của chúng.

  • Đất đai là một hoàn cảnh sinh thái đặc biệt của côn trùng. Nhiều loại côn trùng sống trong đất như dế, sâu non bọ hung, sâu non sâu xám, trứng châu chấu. Một số sâu hoá nhộng trong đất như ong ăn lá, ngài trời, ngài sâu đo. Các loài trong đất cũng chọn loại đất khác nhau như châu chấu tre thích ở đất sâu, cứng vừa khai hoang, sâu non bọ hung thích ở nơi đất tơi xốp, sâu xám lại thích nơi đất thịt.

Bên cạnh đó, các yếu tố sinh vật cũng có những ảnh hưởng quan trọng tới sự sinh trưởng và phát sinh dịch bệnh của các loài sâu bệnh hại rừng. Thực vật là thức ăn của côn trùng (sâu hại), thành phần thực vật quyết định thành phần và sự phân bố sâu hại. Thức ăn thích hợp thì sự phát triển của côn trùng nhanh, lượng chết ít, pha trưởng thành phát dục tốt và sức sinh sản mạnh. Ví dụ loại sâu xám (Agrotis segetum Schiff) ăn cây rau muối (Chenopodium album L.) là cây thích hợp thì thời gian phát dục từ 40- 43 ngày. Nếu ăn cây khác thì phải kéo dài tới 90 ngày. Hoặc như loài sâu khoang hại bồ đề ở Yên Bái, nếu thức ăn tốt khối lượng một con nhộng nặng bình quân 0,708 gr ± 0,03. Khi thức ăn kém khối lượng nhộng trung bình chỉ còn 0,65 gr.

Ở rừng hỗn giao khác tuổi thì số loài sâu nhiều, nhưng số lượng cá thể trong từng loài lại ít. Ngược lại, trong rừng thuần loại, số loài sâu ít nhưng số cá thể trong loài lại nhiều và dịch sâu thường xảy ra. Những khu rừng sau khi bị cháy xuất hiện nhiều loài sâu đục thân như sâu đinh, xén tóc, mọt...

Thực vật còn là cây chủ quyết định khả năng xâm nhiễm của vật gây bệnh. Tuổi cây, loài cây, các bộ phận của cây đều có tính kháng bệnh hoặc nhiễm bệnh vì vậy chúng có tác dụng làm thay đổi quá trình xâm nhiễm của bệnh. Các loài ký sinh yêu cầu dinh dưỡng cao thì khả năng chọn lọc cây chủ rõ rệt và các nhân tố của cây chủ rất quan trọng. Có loài chỉ gây bệnh cây này mà không gây bệnh cây khác. Có loài chỉ gây bệnh ở lá mà không gây bệnh ở các bộ phận khác. Nhưng cũng có loài gây bệnh lá, cành non lẫn quả…

Tóm lại, trong tất cả các nhân tố, môi trường phi sinh vật và sinh vật, mỗi một yếu tố không tác động riêng lẻ và đến từng cá thể sâu, từng loại bệnh. Mà các yếu tố sinh thái hợp thành tổng thể, chi phối lẫn nhau, liên quan chặt chẽ với nhau cùng tác động đến quần thể sâu bệnh. Tuy nhiên, trong một thời điểm nhất định một hoàn cảnh nhất định và một địa điểm nhất định sẽ có nhân tố đóng vai trò chủ đạo.

Xem xét tác động của BĐKH đến nguy cơ sâu bệnh hại là một vấn đề khó và rất phức tạp. Hơn nữa các nghiên cứu cơ bản và hoàn thiện về các đặc điểm sinh thái, sinh trưởng và sinh sản của các loài sâu bệnh hại ở Việt Nam là không nhiều (thiếu các số liệu nghiên cứu cơ bản). Đến nay mới chỉ có 1 công trình nghiên cứ về tác động tiềm tàng của BĐKH đến nguy cơ sâu róm thông ở khu vực Bắc Trung bộ. Đây là khu vực đại diện cho vùng rừng trồng Thông đuôi ngựa.

Sâu róm thông (Dendrolimus punctatus Walker) là loài sâu nguy hiểm nhất đối với rừng trồng thông đuôi ngựa và thông nhựa. Bắc Trung Bộ là nơi thường xuyên có dịch xảy ra đặc biệt là ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… thiệt hại do sâu róm thông gây ra khá lớn. Trong những năm gần đây, sự thay đổi của khí hậu toàn cầu đã dẫn đến thiên tai dịch bệnh ngày càng gia tăng, vậy sự biến đổi khí hậu đặc biệt là nhiệt độ trái đất ngày càng tăng có làm tăng nguy cơ sâu bệnh hại hay không? Để đánh giá ảnh hưởng đó nghiên cứu đã tiến hành phân tích các chỉ tiêu sinh trưởng của loài sâu róm thông là loài sâu hại nguy hiểm cho vùng Bắc Trung Bộ. Kết quả đánh giá nguy cơ sâu róm thông ở vùng Bắc Trung bộ như sau (Nguyễn Thế Nhã và cs, 2008):



  • Với sự BĐKH, điều kiện khí hậu được coi là khá thuận lợi cho sự phát triển của sâu róm thông. Sâu róm thông sẽ sinh trưởng mạnh mẽ và dễ phát sinh dịch bệnh hơn. Nguy cơ sâu róm thông sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2020, khoảng 13% vào năm 2050 và đặc biệt vào năm 2100 nguy cơ phát triển sâu róm thông tăng khoảng 31% so với năm 2000.

  • Trên thực tế ở các loài bao giờ cũng có tính chọn lọc tự nhiên, với điều kiện bất lợi một số cá thể không có khả năng kháng lại sẽ bị đào thải, còn những cá thể còn tồn tại sẽ hình thành khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi đó và di truyền cho các thế hệ sau. Ban đầu sự thay đổi của khí hậu sẽ làm cho khả năng sinh trưởng của sâu róm thông chưa cao, sau một thời gian chúng sẽ dần hình thành tính thích nghi với nhiệt độ tăng dần. Nếu theo chiều hướng phát triển như trên thì chắc chắn nguy cơ về sâu róm thông sẽ khó có thể kiểm soát được.

  • Với sự thay đổi của khí hậu toàn cầu như vậy không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Do nguy những nguy cơ về thiên tai dịch bệnh, với phương pháp nội suy về sự thay đổi về khí hậu có thể thấy. Nếu con người không có những biện pháp tích cực tác động đến việc bảo vệ về môi trường thì các vấn nạn về sâu bệnh sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là vùng Bắc trung bộ là nơi có nguy cơ tiềm ẩn từ trước với nhiều lần phát sinh dịch đã được kiểm chứng.


tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương