DỰ Án nguồn lợi ven biển vì SỰ phát triển bền vững báo cáO ĐÁnh giá XÃ HỘI



trang4/23
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích2 Mb.
#16829
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

II. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ XÃ HỘI

2.1. Mục tiêu đánh giá xã hội


Mục tiêu của đánh giá xã hội (SA) là đưa bối cảnh xã hội vào thiết kế dự án, nhằm giảm thiểu các tác động xã hội tiêu cực và phát huy tối đa tác động tích cực. Các nghiên cứu SA cũng sẽ cung cấp đầu vào cho thiết kế các hoạt động sinh kế thay thế cho những cộng đồng nghèo phụ thuộc rất nhiều vào đánh bắt thủy sản đang can kiệt.

2.2. Nhiệm vụ và phạm vi đánh giá xã hội


Nhiệm vụ đánh giá xã hội


  • Xác định và phân tích mức độ phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên ven bờ, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên ven bờ cho các mục đích tiêu dùng và thương mại.

  • Xác định những rủi ro gắn liền với các hoạt động sử dụng và khai thác hiện tại của cộng đồng địa phương, bao gồm các hoạt động nông nghiệp, thủy sản, đánh bắt dẫn đến sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên.

  • Tìm hiểu những giải pháp để giảm thiểu những rủi ro thông qua việc thực hiện đánh bắt và nuôi trồng bền vững.

  • Tìm hiểu các cơ hội phát triển các sinh kế và thu nhập thay thế.

  • Đánh giá mức độ tham gia của các cộng đồng địa phương và các nhóm DTTS vào các hoạt động của dự án trong các hợp phần khác nhau và đề xuất các giải pháp để tăng cường sự tham gia của họ.

  • Chuẩn bị một Khung xử lý dựa trên kết quả tham vấn với các cộng đồng đánh bắt.

Phạm vi đánh giá


Đánh giá xã hội là một hoạt động cần thiết của dự án CRSD. Tuy nhiên do điều kiện quĩ thời gian eo hẹp, nên đánh giá xã hội chỉ thực hiện ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sóc Trăng. Năm tỉnh còn lại của CRSD sẽ tự tiến hành đánh giá xã hội để xây dựng các đề xuất cho hợp phần 3 – Khai thác ven bờ bền vững. Báo cáo đánh giá xã hội này là một tài liệu tham khảo cho các tỉnh dự án còn lại để tự thực hiện đánh giá xã hội trên địa bàn tỉnh. Báo cáo cũng cung cấp một cơ sở xã hội cho việc xây dựng dự án, các biện pháp giảm thiểu và hạn chế các tác động tiêu cực đồng thời tăng cường các lợi ích của dự án.

2.3. Phương pháp đánh giá xã hội

Để thu thập thông tin kinh tế xã hội ở cấp hộ gia đình được chính xác và đầy đủ, cách tiếp cận tham gia đã được sử dụng trong cuộc khảo sát này. Theo đó, cả hai phương pháp định lượng và định tính được sử dụng kết hợp để thu thập thông tin. Ngoài ra, phương pháp phân tích tài liệu và quan sát trực tiếp cũng đã được sử dụng để thực hiện khảo sát.


2.3.1 Các phương pháp khảo sát


a) Phương pháp “Nghiên cứu tài liệu”

Mục đích của phương pháp này là nhằm hiểu lịch sử phát triển và hoạt động của địa phương thuộc dự án thông qua phân tích các tài liệu liên quan của địa phương đó. Phương pháp này có thể cung cấp thông tin cơ bản về khu vực dự án hoặc một chỉ số cụ thể. Đồng thời, nó có thể cung cấp một nền tảng tốt để giải thích về những thay đổi đang diễn ra. Đây là một điểm khởi đầu tốt cho việc đánh giá và có thể phục vụ như một biện pháp thay thế cho điều tra cơ sở. Việc xem xét tài liệu ban đầu như vậy cũng có thể giúp xác định những lỗ hổng thông tin và các vấn đề chính cần giải quyết trong quá trình phân tích và đánh giá sâu hơn.

Tư vấn làm việc với các cơ quan liên quan ở cấp tỉnh/huyện/xã để (i) Xác định và lên danh sách tất cả các nguồn thông tin hiện có mà có thể tiếp cận, bao gồm tài liệu, các báo cáo phát triển kinh tế xã hội, dữ liệu thống kê hiện có của các xã, huyện và tỉnh thuộc dự án; (ii) Ưu tiên những nguồn có khả năng cung cấp thông tin hữu ích, xét về hiệu quả chi phí và thời gian; và (iii) Xác định các lỗ hổng thông tin còn tồn tại, sau đó kết hợp với phương pháp định lượng (thông qua phỏng vấn bảng hỏi) và phương pháp định tính (thông qua phỏng vấn những người cung cấp thông tin chủ chốt và thảo luận nhóm tập trung) để có thông tin bổ sung cho những chỗ trống đó.

Bên cạnh đó, việc thu thập và phân tích các nghiên cứu kinh tế - xã hội có liên quan đến sự phát triển ngành thủy sản và vùng ven biển như “Phân tích kinh tế chiến lược ngành thủy sản”, “Phân tích nghèo đói trong lĩnh vực thủy sản”, “Nghiên cứu về chiến lược sinh kế hộ”, “Điều tra kinh tế xã hội một số tỉnh”, các cuộc điều tra quốc gia như “Tổng điều tra dân số và nhà ở”, “Điều tra mức sống dân cư các năm”, “Điều tra lao động việc làm” cũng cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn cho đánh giá xã hội vùng dự án.



b) Phương pháp định lượng

Phương pháp định lượng là phương pháp điều tra chọn mẫu được sử dụng nhằm thu thập thông tin từ một số lượng lớn các hộ gia đình thông qua một bảng hỏi với các câu hỏi cụ thể được thiết kế theo cách cho phép triển khai phân tích thống kê. Cuộc khảo sát sẽ tạo cơ sở cho những nghiên cứu đánh giá khác vì nó cho phép thu thập dữ liệu tập trung vào các vấn đề hoạt động cụ thể hoặc các chỉ số từ một mẫu. Phương pháp này đòi hỏi một chiến lược chọn mẫu để thực hiện đánh giá về tình trạng kinh tế xã hội của hộ gia đình.



c) Phương pháp định tính

Mục đích của phương pháp này là nhằm thu thập thông tin chung, làm rõ hoặc tập hợp ý kiến, quan điểm về một vấn đề từ một nhóm nhỏ những người được lựa chọn đại diện cho các quan điểm hay các nhóm khác nhau (ví dụ, nhóm đánh bắt ven bờ, nhóm nuôi trồng thủy sản, nhóm buôn bán/dịch vụ thủy sản, nhóm dân tộc thiểu số hay nhóm phụ nữ, nhóm lãnh đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể, vv.). Đồng thời, có thể sử dụng phương pháp này để xây dựng một sự đồng thuận của người dân địa phương về dự án. Thảo luận nhóm tập trung là một phương pháp tốt để đánh giá quan điểm của các bên liên quan về dự án và xác định những vấn đề cần quan tâm. Việc áp dụng các phương pháp phân tích ma trận SWOT (mạnh, yếu, cơ hội và thách thức) và xếp hạng ưu tiên trong các cuộc thảo luận nhóm có thể xác định những vấn đề và hoạt động dự án ưu tiên đối với các nhóm xã hội. Những hướng dẫn thảo luận đã được chuẩn bị theo các chủ đề và các nhóm khác nhau. Bên cạnh thảo luận nhóm, phỏng vấn cá nhân một số người liên quan để hiểu sâu hơn về một số vấn đề quan tâm.



d) Phương pháp quan sát trực tiếp

Phương pháp này nhằm thu thập thông tin hữu ích và kịp thời bằng cách quan sát những gì đang diễn ra tại địa bàn khảo sát để hiểu kỹ hơn về những kết quả đánh giá. Phương pháp này là hết sức quan trọng để bổ sung cho dữ liệu đã thu thập được bằng các phương pháp nêu trên, có thể sử dụng để hiểu bối cảnh trong đó thông tin được thu thập và có thể giúp giải thích kết quả khảo sát.



e) Tham vấn cộng đồng

Các nhóm ngư dân mục tiêu đã được lựa chọn để tham vấn, bao gồm nhóm phụ nữ ngư dân, nhóm nam ngư dân, nhóm ngư dân là người DTTS, nhóm nuôi trồng thủy sản, nhóm chế biến/buôn bán/dịch vụ thủy sản. Nội dung tham vấn bao gồm: thông tin về các hoạt động của dự án (tập trung vào Hợp phần 2 và 3), những tác động tiềm ẩn của dự án (Hợp phần 2 và 3), các biện pháp giảm thiểu tác động như bồi thường, hỗ trợ và cả các sinh kế thay thế do người dân đề xuất.

Nhóm dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng tiềm năng đã được lựa chọn để tham vấn riêng. Một cuộc tham vấn tự do, tham vấn trước và tham vấn phổ biến thông tin cho người dân tộc Khơme làm nghề đánh bắt ven bờ đã được tổ chức ở ấp Au Thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

2.3.2 Chọn mẫu và các thông tin cần thu thập


a) Nguyên tắc chọn mẫu

Đối tượng khảo sát mẫu là các hộ gia đình có sinh kế và nguồn thu nhập phụ thuộc vào đánh bắt và khai thác ven bờ. Mẫu sẽ được chọn ngẫu nhiên từ danh sách các hộ thỏa mãn tiêu chí này và đã được phân loại theo các nhóm biến số như giới tính, dân tộc, nghèo, không có đất sản xuất hoặc phương tiện sản xuất tàu, thuyền. Những người được lựa chọn khảo sát cần đại diện cho hộ gia đình và tuổi từ 18 đến 60. Do thời gian và kinh phí có hạn nên cỡ mẫu khảo sát ở mỗi tỉnh sẽ là 60 hộ, tổng mẫu là 180 hộ ở cả 3 tỉnh dự án. Theo lý thuyết thống kê, cỡ mẫu này đã đảm bảo độ tin cậy và có ý nghĩa thống kê.



b) Các bước chọn mẫu

Chọn mẫu định lượng

Mẫu khảo sát được lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên, được tiến hành theo các bước sau:



Bước 1: Phối hợp với Ban QLDA tỉnh lựa chọn 2 xã đại diện cho các xã dự án ở mỗi tỉnh, có chú ý tới vị trí địa lí (nằm ven đầm phá và dải ven bờ), thành phần dân cư và tình trạng nghèo khổ của mỗi xã.

Bước 2: Dựa vào tiêu chí chọn mẫu nêu trên, lựa chọn 02-03 thôn đại diện trong một xã, tùy tình hình thực tiễn và lập danh sách các hộ thỏa mãn tiêu chí chọn mẫu.

Bước 3: Từ danh sách các hộ đã được lập ở mỗi thôn đã chọn, lựa chọn ngẫu nhiên để được 30 hộ đảm bảo đại diện cho các nhóm hộ. Với các thôn được chọn khảo sát ở 2 xã, tổng mẫu sẽ là 60 hộ.
Chọn mẫu định tính
Những người cung cấp thông tin chủ chốt sẽ được lựa chọn để phỏng vấn sâu bao gồm: Phó giám đốc Sở NN&PTNT phụ trách thủy sản, cán bộ phụ trách thủy sản cấp huyện, CT/PCT UBND xã, trưởng thôn, đại diện hộ đánh bắt (ven bờ và xa bờ), đại diện hộ nuôi trồng và đại diện hộ chế biến và buôn bán, dịch vụ thủy sản.
Các thảo luận nhóm bao gồm: (i) nhóm cán bộ chủ chốt xã và các đoàn thể (cán bộ nông nghiệp, cán bộ địa chính, CT/PCT mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên); (ii) nhóm dân, gồm đại diện cho các hộ có sinh kế và thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào thủy sản (đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và buôn bán, dịch vụ), nhóm các hộ có nguồn sinh kế và thu nhập thứ hai ngoài thủy sản, nhóm thanh niên làm nông-ngư nghiệp. Mỗi nhóm khoảng từ 8 đến 10 người. Các kĩ thuật “Đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA)” sẽ được sử dụng để thu thập thông tin như “Lập lịch mùa vụ”, Lập bản đồ khu dân cư” và “Phân tích mạnh, yếu, cơ hội và thách thức” (SWOT).

2.3.3 Các thông tin và chỉ số cần thu thập


Cấp tỉnh

Các số liệu thống kê về kinh tế xã hội của tỉnh, bao gồm diện tích đất tự nhiên, dân số phân theo nam/nữ, thành thị/nông thôn, dân tộc thiểu số, dân số lao động và việc làm, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu thu nhập và thu nhập đầu người 2008-2010, tình trạng nghèo khổ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, trong đó có quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành thủy sản. Các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển dân tộc thiểu số của tỉnh.



Cấp huyện

Các số liệu thống kê về kinh tế xã hội của huyện, bao gồm diện tích đất tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, dân số phân theo nam/nữ, thành thị/nông thôn, dân tộc thiểu số, dân số lao động và việc làm, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu thu nhập và thu nhập đầu người 2008-2010, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, trong đó có quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành thủy sản.



Cấp xã

Các số liệu thống kê về kinh tế xã hội của xã, bao gồm diện tích đất tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, hạn mức đất ở và đất nông nghiệp ở xã, dân số phân theo nam/nữ, nông nghiệp/phi nông nghiệp, dân tộc thiểu số, dân số lao động và việc làm, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu thu nhập và thu nhập đầu người 2008-2010, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, trong đó có cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Xem chi tiết trong Phụ lục.



Cấp hộ gia đình

Chủ hộ: tên, tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, thu nhập, trình độ học vấn; Các thành viên của hộ: số lượng, tuổi, giới tính, nghề nghiệp, số trẻ em ở độ tuổi đi học và đang đi học, trình độ học vấn của mỗi thành viên; Các hoạt động sinh kế; Đất và tình trạng sử dụng đất; Những rủi ro trong sản xuất; Khả năng tiếp cận đến các dịch vụ và các nguồn lực công cộng; Khả năng chuyển đổi nghề (sinh kế thay thế); Quan điểm và thái độ về dự án.

2.3.4 Bộ công cụ thu thập thông tin


Để thu thập thông tin và số liệu nêu trên ở các cấp, một bộ công cụ đã được chuẩn bị (xem Phụ lục), gồm:

  • 01 Bảng hỏi bán cấu trúc để thu thập thông tin cấp hộ gia đình.

  • 04 Hướng dẫn phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm các cấp.

  • 03 Bảng thu thập số liệu thống kê ở cấp tỉnh, huyện và xã.

2.3.5 Xử lý và phân tích số liệu đã thu thập


Số liệu định lượng được xử lý bằng phần mềm phân tích thống kê SPSS 11.5 (chương trình xử lí thống kê). Kết quả định tính được xử lý bằng phần mềm NVivo 8.0.

Xử lí và phân tích số liệu định lượng: Số liệu định lượng thu thập được bằng bảng hỏi được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS. Một bảng tần suất cùng với các bảng tương quan được kết xuất để phân tích và viết báo cáo. Các biến độc lập chính là xã, tỉnh, nhóm thu nhập 20%, giới tính của chủ hộ và DTTS. Các xã được chọn khảo sát là những địa phương có tính điển hình của các vùng đất ven biển của dự án CRSD, vừa có những đặc điểm chung về sự phụ thuộc sinh kế vào nguồn thủy sản ven bờ, vừa có những đặc thù về các nguồn lực sinh kế như về điều kiện tự nhiên đầm phá, cù lao, cửa lạch, bờ biển, về khí hậu và nguồn lợi thủy sản, về DTTS, đặc điểm văn hóa vùng miền, nguồn lực đất đai sản xuất, đặc điểm sự phát triển kinh tế thủy sản hay nông nghiệp hàng hóa, và về phương tiện đánh bắt. Những đặc điểm đó có ảnh hưởng khác nhau đến sự phụ thuộc và rủi ro sinh kế, cũng như khả năng tạo lập các sinh kế thay thế. Ngoài ra, tương quan giữa các biến như thu nhập, việc làm, sinh kế, nghèo khổ, DTTS với các biến độc lập như giới tính, tuổi, học vấn được phân tích để tìm ra các mối liên hệ và yếu tố tác động. Các số liệu thu thập được được lưu giữ trong một cơ sở dữ liệu để làm cơ sở dữ liệu ban đầu (baseline) cho việc giám sát và đánh giá trong giai đoạn thực hiện dự án.

Xử lí và phân tích thông tin định tính: Các thông tin thu thập được từ các phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm được xử lí bằng chương trình Nvivo theo các chủ đề cần đánh giá và phân tích. Các kết quả định tính sẽ giúp giải thích rõ thêm cho các kết quả định lượng và phản ánh quan điểm cũng như sự đồng thuận hay phản đối của người dân đối với dự án và giúp phát hiện những vấn đề mà người dân quan tâm.

2.4. Thực hiện đánh giá


Từ ngày 11/4/2011, nhóm tư vấn đã thực hiện việc thu thập và phân tích các tài liệu có liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu, làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan ở Trung ương và Ngân hàng Thế giới để thu thập tài liệu, xây dựng bộ công cụ định lượng và định tính, gửi trước danh mục, nội dung các thông tin, kế hoạch làm việc cụ thể cho các tỉnh khảo sát: Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sóc Trăng (xem thêm phụ lục về kế hoạch khảo sát tại các địa phương).

Kế hoạch thực hiện khảo sát được phân bổ như sau:

Các hoạt động

Tháng 4

Tháng 5

Tháng 6

Huy động chuyên gia










Thu thập và nghiên cứu tài liệu










Chuẩn bị bộ công cụ










Khảo sát thực địa










Xử lý số liệu










Viết báo cáo (dự thảo)










Trình bày kết quả đánh giá










Hoàn thiện báo cáo trình nộp WB









Nhóm tư vấn đã tổ chức khảo sát thực địa để thu thập thông tin tại Sóc Trăng và Kkánh Hòa từ 8/5/2011 đến 20/5/2011 và tại Thanh Hóa từ 22/5/2011 đến 29/5/2011. Với sự hỗ trợ tích cực của Sở NN&PTNT các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sóc Trăng, lãnh đạo UBND, ban ngành các huyện, xã và cộng đồng ngư dân đựợc khảo sát, nhóm tư vấn đã thu được hệ thống các thông tin cần thiết cấp tỉnh, huyện, xã và 194 bảng hỏi hộ, cũng như đã tổ chức 30 cuộc thảo luận nhóm, tham vấn cộng đồng (bao gồm các nhóm đánh bắt, NTTS, chế biến, dịch vụ thủy sản, nhóm phụ nữ, nhóm nghèo, nhóm thanh niên, nhóm DTTS, nhóm cán bộ xã...). Tư vấn đã tổ chức một cuộc tham vấn với nhóm DTTS Khơme làm nghề đánh bắt ở ấp Âu thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh châu. Họ là những hộ nghèo, không có đất, không có tàu thuyền đánh bắt, sinh kế chính của họ là đánh bắt thủ công (bằng ngư cụ cầm tay) ven bờ và đánh bắt thuê cho các chủ tàu nhỏ. Ngoài ra khi không đánh bắt được, họ đi làm thuê bất kể việc gì ở trong và ngoài xã. Trình độ học vấn của họ rất thấp (trung bình lớp 3/12). Trong số 15 người dự tham vấn, chỉ có 3 người biết đọc tiếng Việt, nhưng không nói được thông thạo. Số còn lại không hiểu tiếng Việt nên trong quá trình tham vấn, phải cần phiên dịch tiếng Khơme.



Nhiều ý kiến của cộng đồng về sự phụ thuộc và những rủi ro sinh kế của đánh bắt và NTTS ven bờ, những cơ hội và loại hình sinh kế thay thế đánh bắt ven bờ, khả năng tham gia của cộng đồng vào dự án CRSD đã thu được qua các cuộc thảo luận nhóm và tham vấn cộng đồng. Các ý kiến đó đã được sử dụng trong phân tích của báo cáo này. Những đề xuất về các hoạt động của dự án CRSD tại địa phương, với sự tham gia tích cực của cộng đồng, đã được xem là cơ sở xã hội quan trọng để xây dựng những đề xuất sinh kế thay thế bền vững của tư vấn được nêu trong Báo cáo này.



Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương