Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ ĐẢm bảo chuẩn mực số 3000: Hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ



tải về 0.73 Mb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích0.73 Mb.
#18119
1   2   3   4   5   6   7   8

Thu thập bằng chứng

Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục (hướng dẫn đoạn 48L - 49R Chuẩn mực này)

A108. Kiểm toán viên lựa chọn việc kết hợp các thủ tục nhằm đạt được sự đảm bảo hợp lý hoặc đảm bảo có giới hạn, một cách phù hợp. Ví dụ, các thủ tục sau đây có thể được sử dụng cho việc lập kế hoạch và thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo, tùy thuộc từng trường hợp các thủ tục đó được kiểm toán viên sử dụng:



  1. Kiểm tra;

  2. Quan sát;

  3. Xác nhận từ bên ngoài;

  4. Tính toán lại;

  5. Thực hiện lại;

  6. Thủ tục phân tích;

  7. Phỏng vấn.

A109. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn thủ tục của kiểm toán viên bao gồm: bản chất của đối tượng dịch vụ đảm bảo, mức độ đảm bảo phải đạt được, và nhu cầu thông tin của đối tượng sử dụng và bên thuê dịch vụ, bao gồm thời gian thích hợp và chi phí tối thiểu.

A110. Trong một số trường hợp, một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể có thể bao gồm những yêu cầu ảnh hưởng đến nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục. Ví dụ, chuẩn mực đó mô tả nội dung hay phạm vi của thủ tục cụ thể được thực hiện hay mức độ đảm bảo được kỳ vọng đạt được trong một dạng hợp đồng cụ thể. Thậm chí trong những trường hợp như vậy, việc xác định phù hợp nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục phụ thuộc vào xét đoán chuyên môn và sẽ thay đổi theo từng hợp đồng.

A111. Trong một số hợp đồng dịch vụ, kiểm toán viên có thể không xác định được khu vực mà thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo dễ phát sinh sai sót trọng yếu. Cho dù không xác định được, kiểm toán viên vẫn phải thiết kế và thực hiện các thủ tục để đạt được mức độ đảm bảo chấp nhận được.

A112. Dịch vụ đảm bảo là một quá trình mang tính cập nhật thường xuyên và các thông tin thực tế mà kiểm toán viên thu thập được có thể có khác biệt đáng kể so với các thông tin được sử dụng làm cơ sở xác định các thủ tục theo kế hoạch đã lập. Khi kiểm toán viên thực hiện các thủ tục theo kế hoạch đã lập, bằng chứng thu thập được có thể làm cho kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục bổ sung khác. Các thủ tục bổ sung có thể bao gồm phỏng vấn bên đo lường hoặc đánh giá để kiểm tra các vấn đề được xác định bởi kiểm toán viên và điều chỉnh thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo nếu phù hợp.



Xác định sự cần thiết của các thủ tục bổ sung đối với hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn (hướng dẫn đoạn 49L Chuẩn mực này)

A113. Sau khi áp dụng xét đoán chuyên môn, kiểm toán viên có thể nhận thấy các sai sót không thể hiện là sai sót trọng yếu. Các ví dụ sau minh họa cho trường hợp có thể không cần thực hiện các thủ tục bổ sung vì theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên, sai sót được xác định rõ ràng không phải là sai sót trọng yếu:



  1. Nếu mức trọng yếu là 10.000 đơn vị và kiểm toán viên đánh giá là có tồn tại sai sót tiềm tàng với giá trị là 100 đơn vị, thì nhìn chung không cần thực hiện các thủ tục bổ sung, trừ khi có các yếu tố định tính khác cần được xem xét, vì rủi ro về sai sót trọng yếu có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ;

  2. Khi thực hiện một nhóm các thủ tục đối với một khu vực có thể có sai sót trọng yếu, nếu có kết quả trả lời cho một thủ tục phỏng vấn không được như mong đợi, kiểm toán viên có thể vẫn không cần thực hiện các thủ tục bổ sung nếu rủi ro có sai sót trọng yếu ở mức có thể chấp nhận được, trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ, và có xem xét đến kết quả của các thủ tục khác trong nhóm các thủ tục đó.

A114. Kiểm toán viên có thể nhận thấy các vấn đề khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể có sai sót trọng yếu. Các ví dụ sau minh họa cho trường hợp có thể cần thực hiện thủ tục bổ sung, do sai sót đã xác định cho thấy thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể có sai sót trọng yếu:

  1. Khi thực hiện thủ tục phân tích, kiểm toán viên có thể nhận thấy có sự biến động hoặc mối quan hệ không nhất quán với các thông tin có liên quan khác hoặc có sự khác biệt đáng kể so với số lượng hoặc tỉ suất dự kiến;

  2. Kiểm toán viên có thể nhận thấy có sai sót trọng yếu tiềm tàng khi thực hiện rà soát các nguồn thông tin bên ngoài;

  3. Nếu các tiêu chí được áp dụng cho phép tỉ lệ sai sót là 10% và dựa trên thủ tục kiểm tra cụ thể, kiểm toán viên phát hiện ra tỉ lệ sai sót là 9%, thì có thể cần thực hiện thủ tục bổ sung vì rủi ro có sai sót trọng yếu có thể là không chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ;

  4. Nếu kết quả của thủ tục phân tích gần vượt giá trị kỳ vọng thì có thể cần thực hiện thủ tục bổ sung vì rủi ro có sai sót trọng yếu có thể là không chấp nhận được trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ.

A115. Trong hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn, nếu kiểm toán viên nhận thấy có vấn đề khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể có sai sót trọng yếu, theo quy định tại đoạn 49L Chuẩn mực này, kiểm toán viên phải thiết kế và thực hiện các thủ tục bổ sung. Ví dụ về các thủ tục bổ sung có thể bao gồm phỏng vấn bên có trách nhiệm liên quan hoặc thực hiện các thủ tục khác phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

A116. Sau khi đã thực hiện các thủ tục bổ sung theo quy định tại đoạn 49L Chuẩn mực này, nếu kiểm toán viên vẫn không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để: (i) Kết luận về việc vấn đề nêu trên không làm cho thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có sai sót trọng yếu; hoặc (ii) Xác định rằng vấn đề nêu trên có làm cho thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có sai sót trọng yếu, thì hợp đồng này bị giới hạn phạm vi và phải áp dụng các quy định tại đoạn 66 Chuẩn mực này.

A117. Xét đoán của kiểm toán viên về nội dung, lịch trình và phạm vi của thủ tục bổ sung cần thực hiện để thu thập bằng chứng nhằm đưa ra kết luận về việc có thể không xảy ra sai sót trọng yếu hoặc xác định là có tồn tại sai sót trọng yếu, được chỉ dẫn bởi:


  1. Thông tin thu thập được từ việc kiểm toán viên đánh giá kết quả của các thủ tục đã thực hiện;

  2. Hiểu biết mới nhất của kiểm toán viên về đối tượng dịch vụ đảm bảo và các hoàn cảnh cụ thể khác của hợp đồng dịch vụ thu thập được trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ;

  3. Quan điểm của kiểm toán viên về tính thuyết phục của bằng chứng cần phải có để xử lý vấn đề khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể có sai sót trọng yếu.

Tổng hợp các sai sót không được điều chỉnh (hướng dẫn đoạn 51, 65 Chuẩn mực này)

A118. Các sai sót không được điều chỉnh phải được tổng hợp lại trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ đảm bảo (xem quy định tại đoạn 51 Chuẩn mực này) cho mục đích đánh giá liệu, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, các sai sót này có trọng yếu hay không khi hình thành kết luận của kiểm toán viên.

A119. Kiểm toán viên cần chỉ ra mức giá trị cụ thể mà sai sót dưới mức đó được coi là sai sót không đáng kể và không cần tổng hợp lại vì kiểm toán viên cho rằng tổng hợp các sai sót đó không ảnh hưởng trọng yếu đến thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Thuật ngữ “không đáng kể” không phải là cách gọi khác của thuật ngữ “không trọng yếu”. Các vấn đề được coi là “không đáng kể” có sự khác biệt hoàn toàn về mức độ ảnh hưởng (độ lớn) so với mức trọng yếu quy định tại đoạn 44 Chuẩn mực này và những vấn đề đó không gây ra hậu quả đáng kể dù xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại, dù đánh giá về quy mô, bản chất hoặc trong các tình huống cụ thể. Khi có bất kỳ sự không chắc chắn nào về tính “không đáng kể” của một vấn đề thì vấn đề đó không còn được coi là không đáng kể.

Đánh giá khi có sự tham gia của chuyên gia trong hợp đồng dịch vụ

Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục (hướng dẫn đoạn 52 Chuẩn mực này)

A120. Các vấn đề sau đây thường có liên quan khi xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục liên quan đến công việc của chuyên gia khi một phần công việc đảm bảo được chuyên gia đó thực hiện (xem thêm đoạn A70 Chuẩn mực này):


  1. Tầm quan trọng của công việc của chuyên gia đối với hợp đồng dịch vụ (xem thêm đoạn A121 - A122 Chuẩn mực này);

  2. Nội dung của vấn đề có liên quan đến công việc của chuyên gia;

  3. Rủi ro có sai sót trọng yếu của vấn đề có liên quan đến công việc của chuyên gia;

  4. Hiểu biết và kinh nghiệm của kiểm toán viên đối với các công việc trước đó của chuyên gia;

  5. Liệu chuyên gia có phải tuân theo các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán hay không (xem thêm đoạn A123 - A124 Chuẩn mực này).

Kết hợp các công việc của chuyên gia

A121. Hợp đồng dịch vụ đảm bảo có thể được thực hiện đối với các đối tượng dịch vụ đảm bảo ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải có kỹ năng và kiến thức chuyên môn ngoài kỹ năng và kiến thức của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ và các thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ và khi đó phải sử dụng công việc của chuyên gia. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tham khảo ý kiến của chuyên gia về từng vấn đề riêng biệt. Tuy nhiên, tầm quan trọng của công việc của chuyên gia trong toàn bộ hợp đồng dịch vụ càng lớn thì càng có nhiều khả năng chuyên gia sẽ làm việc như là thành viên của nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ, trong đó gồm các chuyên gia về đối tượng dịch vụ đảm bảo và các nhân sự khác có chuyên môn về dịch vụ đảm bảo. Công việc của chuyên gia càng được kết hợp nhiều với nội dung, lịch trình và phạm vi công việc tổng thể của hợp đồng dịch vụ thì quá trình trao đổi hai chiều giữa chuyên gia và các nhân sự có chuyên môn về dịch vụ đảm bảo càng đóng vai trò quan trọng hơn. Quá trình trao đổi hai chiều sẽ tạo điều kiện cho công việc của chuyên gia kết hợp chặt chẽ với công việc của các nhân sự có chuyên môn về dịch vụ đảm bảo khi thực hiện dịch vụ.

A122. Theo hướng dẫn tại đoạn A71 Chuẩn mực này, khi sử dụng công việc của chuyên gia, kiểm toán viên có thể thực hiện một số thủ tục quy định tại đoạn 52 Chuẩn mực này tại giai đoạn đánh giá chấp nhận hoặc duy trì hợp đồng dịch vụ. Các thủ tục này đặc biệt cần thiết khi công việc của chuyên gia sẽ được kết hợp hoàn toàn với công việc của các nhân sự có chuyên môn về dịch vụ đảm bảo và khi công việc của chuyên gia được sử dụng ở giai đoạn đầu của hợp đồng dịch vụ, ví dụ trong giai đoạn lập kế hoạch và đánh giá rủi ro.

Chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán

A123. Chuyên gia nội bộ có thể là thành viên Ban Giám đốc hoặc nhân viên, kể cả cộng tác viên của doanh nghiệp kiểm toán, do đó, phải tuân thủ các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán đó, theo quy định của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1 hoặc các yêu cầu nghề nghiệp khác hoặc các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan mà tối thiểu tương đương với Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1. Ngoài ra, chuyên gia nội bộ có thể là thành viên Ban Giám đốc hoặc nhân viên, kể cả cộng tác viên của công ty mạng lưới, mà có thể chia sẻ chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng chung với doanh nghiệp kiểm toán. Chuyên gia bên ngoài không phải là một thành viên nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ và không phải tuân thủ chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng theo quy định của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1.

A124. Nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ có quyền tin tưởng vào hệ thống kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán, trừ khi thông tin do doanh nghiệp kiểm toán hoặc các bên khác cung cấp đưa ra cách hiểu khác. Mức độ tin tưởng sẽ thay đổi theo từng trường hợp cụ thể và có thể ảnh hưởng đến nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục của kiểm toán viên trong các vấn đề sau:



  1. Năng lực và khả năng, thông qua các chương trình tuyển dụng và đào tạo;

  2. Đánh giá của kiểm toán viên về tính khách quan của chuyên gia. Các chuyên gia nội bộ phải tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, bao gồm cả tính độc lập;

  3. Đánh giá của kiểm toán viên về tính đầy đủ, thích hợp của công việc của chuyên gia. Ví dụ, chương trình đào tạo của doanh nghiệp kiểm toán có thể cung cấp cho chuyên gia nội bộ những kiến thức phù hợp về mối liên hệ giữa chuyên môn của họ và quy trình thu thập bằng chứng. Sự tin tưởng vào các chương trình đào tạo và các quy trình khác của doanh nghiệp kiểm toán, như các quy định về phạm vi công việc của chuyên gia nội bộ, có thể ảnh hưởng đến nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục của kiểm toán viên khi đánh giá tính đầy đủ, thích hợp của công việc của chuyên gia;

  4. Tính tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, thông qua quy trình giám sát;

  5. Thỏa thuận với chuyên gia.

Việc tin tưởng nêu trên không làm giảm trách nhiệm của kiểm toán viên đối với việc tuân thủ những quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này.

Năng lực, khả năng và tính khách quan của chuyên gia (hướng dẫn đoạn 52(a) Chuẩn mực này)

A125. Thông tin về năng lực, khả năng và tính khách quan của chuyên gia có thể có từ nhiều nguồn, như:


    1. Kinh nghiệm cá nhân của kiểm toán viên đối với công việc trước đó của chuyên gia;

    2. Thảo luận với chuyên gia đó;

    3. Thảo luận với kiểm toán viên hoặc cá nhân khác đã có kinh nghiệm với công việc của chuyên gia;

    4. Bằng cấp chuyên môn của chuyên gia như chứng nhận thành viên của một tổ chức nghề nghiệp hay một hiệp hội chuyên ngành mà họ là thành viên, giấy phép hành nghề hoặc các hình thức chứng nhận khác;

    5. Sách hoặc tài liệu đã phát hành do chuyên gia đó viết;

    6. Các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán (xem thêm đoạn A123 - A124 Chuẩn mực này).

A126. Mặc dù không yêu cầu chuyên gia phải có kỹ năng tương tự như kiểm toán viên trong tất cả các khía cạnh của hợp đồng dịch vụ đảm bảo, chuyên gia được sử dụng trong hợp đồng dịch vụ cần phải hiểu biết về các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo có liên quan đủ để cho phép chuyên gia đó thực hiện các công việc được phân công phù hợp với mục tiêu của hợp đồng dịch vụ.

A127. Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của nguy cơ ảnh hưởng đến tính khách quan của chuyên gia và sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ có thể dựa trên vai trò của chuyên gia và tầm quan trọng của công việc của chuyên gia đối với hợp đồng dịch vụ. Có trường hợp mà các biện pháp bảo vệ không thể làm giảm nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được, ví dụ, chuyên gia được đề xuất là một cá nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lập thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.

A128. Khi đánh giá tính khách quan của một chuyên gia bên ngoài, kiểm toán viên có thể:


    1. Phỏng vấn bên có trách nhiệm liên quan về bất kỳ lợi ích hoặc mối quan hệ giữa bên có trách nhiệm liên quan với chuyên gia bên ngoài đó mà có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của chuyên gia;

    2. Thảo luận với chuyên gia đó về các biện pháp bảo vệ có thể áp dụng, kể cả các yêu cầu mang tính nghề nghiệp áp dụng cho chuyên gia đó và đánh giá liệu những biện pháp bảo vệ đó có đầy đủ, thích hợp để làm giảm nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được hay không. Các lợi ích và mối quan hệ có thể thảo luận với chuyên gia bao gồm:

  1. Lợi ích tài chính;

  2. Các mối quan hệ cá nhân và kinh doanh;

  3. Các dịch vụ khác do chuyên gia cung cấp, kể cả trường hợp do tổ chức cung cấp nếu chuyên gia bên ngoài là một tổ chức.

Trong một số trường hợp, kiểm toán viên cũng có thể thu thập bản giải trình bằng văn bản từ chuyên gia bên ngoài về bất kỳ lợi ích hoặc mối quan hệ nào với bên có trách nhiệm liên quan mà chuyên gia đó biết được.

Tìm hiểu về lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia (hướng dẫn đoạn 52(b) Chuẩn mực này)

A129. Việc có hiểu biết đầy đủ, thích hợp về lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia giúp kiểm toán viên:


  1. Thỏa thuận với chuyên gia về nội dung, phạm vi và các mục tiêu của công việc của chuyên gia đó cho các mục đích của kiểm toán viên;

  2. Đánh giá tính đầy đủ, thích hợp của công việc của chuyên gia cho mục đích của kiểm toán viên.

A130. Các khía cạnh thuộc lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia mà kiểm toán viên cần tìm hiểu bao gồm:

    1. Liệu lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia có những phần chuyên sâu phù hợp với hợp đồng dịch vụ hay không;

    2. Các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực khác và những yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan phải áp dụng (nếu có);

    3. Giả định và phương pháp, kể cả các mô hình (nếu có) mà chuyên gia áp dụng, tính phổ biến của các giả định và phương pháp đó trong lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia và sự phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ;

    4. Nội dung của thông tin hoặc dữ liệu nội bộ và bên ngoài mà chuyên gia sử dụng.

Thỏa thuận với chuyên gia (hướng dẫn đoạn 52(c) Chuẩn mực này)

A131. Thỏa thuận của kiểm toán viên với chuyên gia có thể bao gồm các vấn đề như:



  1. Vai trò và trách nhiệm của kiểm toán viên và của chuyên gia;

  2. Nội dung, lịch trình và phạm vi việc trao đổi thông tin giữa kiểm toán viên và chuyên gia, kể cả hình thức của báo cáo do chuyên gia cung cấp;

  3. Sự cần thiết phải tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin đối với chuyên gia.

A132. Các vấn đề được hướng dẫn tại đoạn A124 Chuẩn mực này có thể ảnh hưởng đến mức độ chi tiết và hình thức của thỏa thuận giữa kiểm toán viên và chuyên gia, bao gồm cả việc liệu có cần thỏa thuận bằng văn bản hay không. Thỏa thuận giữa kiểm toán viên và các chuyên gia bên ngoài thường dưới hình thức hợp đồng hoặc một hình thức thỏa thuận bằng văn bản khác.

Đánh giá tính đầy đủ, thích hợp của công việc của chuyên gia (hướng dẫn đoạn 52(d) Chuẩn mực này)

A133. Các vấn đề sau đây thường có liên quan khi đánh giá mức độ đầy đủ và thích hợp của công việc của chuyên gia đối với mục tiêu của kiểm toán viên:


      1. Tính phù hợp và hợp lý của các phát hiện hoặc kết luận của chuyên gia, và tính nhất quán của các phát hiện hoặc kết luận đó với các bằng chứng khác;

      2. Tính phù hợp và hợp lý của các giả định và phương pháp mà chuyên gia đã sử dụng, nếu công việc của chuyên gia liên quan đến việc sử dụng các giả định và phương pháp quan trọng;

      3. Tính phù hợp, đầy đủ và chính xác của nguồn dữ liệu mà chuyên gia đã sử dụng, nếu công việc của chuyên gia liên quan đến việc sử dụng nguồn dữ liệu quan trọng.

A134. Nếu kiểm toán viên nhận thấy công việc của chuyên gia không đầy đủ, thích hợp cho mục đích của mình, kiểm toán viên có thể lựa chọn:

      1. Thỏa thuận với chuyên gia về nội dung và phạm vi công việc chuyên gia cần tiến hành thêm; hoặc

      2. Thực hiện các thủ tục bổ sung phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ.

Sử dụng công việc của kiểm toán viên khác, công việc của chuyên gia của bên chịu trách nhiệm, hoặc chuyên gia của bên đo lường hoặc đánh giá, hoặc công việc của kiểm toán viên nội bộ (hướng dẫn đoạn 53 - 55 Chuẩn mực này)

A135. Đoạn A120 - A134 Chuẩn mực này hướng dẫn sử dụng công việc của chuyên gia, các hướng dẫn này có thể vận dụng phù hợp khi sử dụng công việc của kiểm toán viên khác, của chuyên gia của bên chịu trách nhiệm hoặc của chuyên gia của bên đo lường hoặc đánh giá, hoặc của kiểm toán viên nội bộ.



Giải trình bằng văn bản (hướng dẫn đoạn 56(a) Chuẩn mực này)

A136. Giải trình bằng văn bản hoặc bằng lời làm giảm khả năng gây hiểu nhầm giữa kiểm toán viên và bên có trách nhiệm liên quan. Những người được kiểm toán viên yêu cầu giải trình bằng văn bản thông thường là thành viên cấp cao của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị hoặc những người chịu trách nhiệm quản trị của đơn vị tùy thuộc vào cấu trúc quản lý và quản trị của bên có trách nhiệm liên quan, quyền hạn của người chịu trách nhiệm quản trị và có thể khác nhau tùy thuộc từng đơn vị, phản ánh những ảnh hưởng của môi trường văn hóa và pháp luật khác nhau, đặc điểm về quy mô và quyền sở hữu.

A137. Các vấn đề khác cần giải trình bằng văn bản có thể bao gồm:


      1. Liệu bên có trách nhiệm liên quan có tin rằng những ảnh hưởng của các sai sót không được điều chỉnh, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, là không trọng yếu đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo hay không. Bảng tổng hợp những sai sót không được điều chỉnh này thường được trình bày trong hoặc đính kèm với thư giải trình;

      2. Các giả định quan trọng sử dụng trong bất kỳ ước tính trọng yếu nào là hợp lý;

      3. Bên có trách nhiệm liên quan đã trao đổi với kiểm toán viên tất cả các khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ liên quan đến hợp đồng dịch vụ mà họ biết và các khiếm khuyết này không phải là không đáng kể và không quan trọng;

      4. Trường hợp bên chịu trách nhiệm không phải là bên đo lường hoặc đánh giá, thì bên chịu trách nhiệm phải thừa nhận trách nhiệm của mình đối với đối tượng dịch vụ đảm bảo.

A138. Giải trình bằng văn bản của bên có trách nhiệm liên quan không thể thay thế các bằng chứng khác mà kiểm toán viên cho rằng có thể thu thập được. Mặc dù giải trình bằng văn bản đã cung cấp các bằng chứng cần thiết, nhưng bản thân các giải trình đó có thể chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng thích hợp về vấn đề cần được giải trình. Hơn nữa, thực tế là việc kiểm toán viên đã thu thập các văn bản giải trình đáng tin cậy cũng không ảnh hưởng đến nội dung hoặc phạm vi các bằng chứng khác mà kiểm toán viên thu thập được.

Văn bản giải trình không được cung cấp hoặc không đáng tin cậy (hướng dẫn đoạn 60 Chuẩn mực này)

A139. Ví dụ về các trường hợp mà kiểm toán viên không thể thu thập được văn bản giải trình, bao gồm:


      1. Bên chịu trách nhiệm ký hợp đồng với một bên thứ ba để thực hiện thủ tục đo lường hoặc đánh giá phù hợp và sau đó thuê kiểm toán viên thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo là kết quả của việc đo lường hoặc đánh giá đó. Trường hợp này, nếu bên chịu trách nhiệm đang có mối quan hệ với bên đo lường hoặc đánh giá, họ có thể: (i) Thỏa thuận để bên đo lường hoặc đánh giá cung cấp giải trình bằng văn bản theo yêu cầu của kiểm toán viên, hoặc (ii) Có khả năng cung cấp giải trình bằng văn bản cho kiểm toán viên, nếu họ có cơ sở phù hợp để thực hiện điều này. Tuy nhiên, nếu bên chịu trách nhiệm không còn mối quan hệ với bên đo lường hoặc đánh giá thì họ không thể thực hiện việc này;

      2. Một đối tượng sử dụng thuê kiểm toán viên thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo đối với thông tin đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng đối tượng sử dụng này lại không có mối quan hệ với bên chịu trách nhiệm để đảm bảo rằng bên chịu trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của kiểm toán viên đối với việc cung cấp văn bản giải trình;

      3. Hợp đồng dịch vụ đảm bảo được thực hiện trái với mong muốn của bên đo lường hoặc đánh giá. Đó có thể là trường hợp khi hợp đồng được thực hiện theo phán quyết của tòa án hoặc kiểm toán viên trong lĩnh vực công được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện một hợp đồng cụ thể.

Trong những trường hợp trên hoặc tương tự, kiểm toán viên có thể không tiếp cận được những bằng chứng cần thiết để hỗ trợ cho kết luận của kiểm toán viên. Khi đó, kiểm toán viên phải áp dụng quy định tại đoạn 66 Chuẩn mực này.

Xem xét các sự kiện phát sinh sau (hướng dẫn đoạn 61 Chuẩn mực này)

A140. Trong một số hợp đồng dịch vụ đảm bảo, việc xem xét các sự kiện phát sinh sau có thể không phù hợp do bản chất của đối tượng dịch vụ đảm bảo đó. Ví dụ, khi hợp đồng dịch vụ đảm bảo yêu cầu kiểm toán viên đưa ra kết luận về tính chính xác của số liệu thống kê tại một thời điểm thì các sự kiện phát sinh trong khoảng thời gian từ thời điểm đó đến thời điểm lập báo cáo dịch vụ đảm bảo có thể không ảnh hưởng đến kết luận hoặc không cần phải thuyết minh trong số liệu thống kê hoặc trong báo cáo dịch vụ đảm bảo.

A141. Theo quy định tại đoạn 61 Chuẩn mực này, sau ngày lập báo cáo dịch vụ đảm bảo, kiểm toán viên không có trách nhiệm phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Tuy nhiên, sau ngày lập báo cáo dịch vụ đảm bảo, nếu kiểm toán viên biết được một sự việc mà sự việc đó được biết đến tại ngày lập báo cáo dịch vụ đảm bảo thì có thể làm cho kiểm toán viên phải sửa đổi báo cáo đó, kiểm toán viên có thể cần phải trao đổi về vấn đề này với với bên có trách nhiệm liên quan để có cách xử lý phù hợp trong hoàn cảnh cụ thể.


Каталог: Upload -> Video
Video -> TỔng cục thuế
Video -> Ngày 29 tháng 06 năm 2006
Video -> Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-cp ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VI phạm hanh chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
Video -> V/v tính và quyết toán thuế tncn cho người nước ngoài
Video -> Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ soát xét chuẩn mực số 2410: Soát xét thông tin tài chính giữa niên độ do kiểm toán viên độc lập của đơn vị thực hiện
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam số 1000 Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành
Video -> Khu công nghiệp Biên Hòa II, tp
Video -> Phòng 704, số 45 đường Võ Thị Sáu, phương Đakao, quận 1, tp
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 810: Dịch vụ báo cáo về báo cáo tài chính tóm tắt
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục

tải về 0.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương