Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ ĐẢm bảo chuẩn mực số 3000: Hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ



tải về 0.73 Mb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích0.73 Mb.
#18119
1   2   3   4   5   6   7   8

Thông tin khác (hướng dẫn đoạn 62 Chuẩn mực này)

A142. Nếu kiểm toán viên nhận thấy có điểm không nhất quán trọng yếu hoặc thông tin sai lệch trọng yếu, kiểm toán viên có thể cần thực hiện các hành động sau:



      1. Yêu cầu bên có trách nhiệm liên quan phải tham khảo ý kiến tư vấn của bên thứ ba có chuyên môn, ví dụ chuyên gia tư vấn pháp luật của bên có trách nhiệm liên quan;

      2. Tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật;

      3. Trao đổi với bên thứ ba (ví dụ cơ quan quản lý Nhà nước);

      4. Không phát hành báo cáo dịch vụ đảm bảo;

      5. Rút khỏi hợp đồng dịch vụ đảm bảo, nếu pháp luật và các quy định có liên quan cho phép;

      6. Mô tả điểm không nhất quán trọng yếu trong báo cáo dịch vụ đảm bảo.

Mô tả tiêu chí được áp dụng (hướng dẫn đoạn 63 Chuẩn mực này)

A143. Việc mô tả các tiêu chí được áp dụng cung cấp cho đối tượng sử dụng về khuôn khổ mà thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo căn cứ vào. Việc mô tả này đặc biệt quan trọng khi có sự khác biệt đáng kể giữa các tiêu chí khác nhau liên quan đến cách xử lý những vấn đề cụ thể trong thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.

A144. Việc mô tả rằng “…thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo đã được lập và trình bày theo một tiêu chí được áp dụng cụ thể…” là phù hợp chỉ khi thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo tuân thủ tất cả các yêu cầu có liên quan của các tiêu chí được áp dụng đang có hiệu lực.

A145. Khi mô tả về một tiêu chí được áp dụng, việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chính xác và hạn chế (ví dụ, “đối tượng dịch vụ đảm bảo tuân thủ phần lớn các yêu cầu của khuôn khổ XYZ…”) sẽ dẫn đến việc mô tả không đầy đủ, thích hợp, vì có thể khiến đối tượng sử dụng hiểu nhầm đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.



Hình thành kết luận đảm bảo

Tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng (hướng dẫn đoạn 12(i), 64 Chuẩn mực này)

A146.Bằng chứng rất cần thiết để hỗ trợ kiểm toán viên đưa ra kết luận và lập báo cáo dịch vụ đảm bảo. Bản chất của bằng chứng là mang tính tích lũy và được thu thập chủ yếu từ việc thực hiện các thủ tục đảm bảo trong suốt hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Bằng chứng cũng có thể bao gồm các tài liệu, thông tin có được từ các nguồn khác, như từ các hợp đồng dịch vụ trước (trừ khi kiểm toán viên cho rằng các sự kiện phát sinh từ khi kết thúc hợp đồng dịch vụ trước có thể làm tài liệu, thông tin đó không còn phù hợp với hợp đồng dịch vụ hiện tại), hoặc từ thủ tục kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp kiểm toán trong việc xem xét chấp nhận khách hàng. Bằng chứng có thể đến từ các nguồn thông tin bên trong và các nguồn thông tin bên ngoài của bên có trách nhiệm liên quan. Các tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng có thể được chuyên gia do bên có trách nhiệm liên quan tuyển dụng hoặc thuê lập. Bằng chứng còn bao gồm tài liệu, thông tin hỗ trợ, chứng minh cho thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và cả những tài liệu, thông tin trái chiều với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Ngoài ra, trong một số trường hợp, kiểm toán viên có thể sử dụng việc thiếu tài liệu, thông tin như một bằng chứng (ví dụ khi bên có trách nhiệm liên quan từ chối giải trình các vấn đề mà kiểm toán viên yêu cầu). Phần lớn công việc của kiểm toán viên thực hiện nhằm hình thành kết luận đảm bảo là thu thập và đánh giá bằng chứng.

A147. Tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng có mối quan hệ tương quan. “Đầy đủ” là tiêu chuẩn đánh giá số lượng bằng chứng. Số lượng bằng chứng cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi rủi ro thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có sai sót trọng yếu (mức độ rủi ro càng cao, cần thu thập càng nhiều bằng chứng) và đồng thời chịu ảnh hưởng bởi chất lượng của những bằng chứng đó (chất lượng mỗi bằng chứng càng cao, thì có thể cần càng ít bằng chứng). Tuy nhiên, nhiều bằng chứng được thu thập không có nghĩa là chất lượng bằng chứng được đảm bảo.

A148. “Thích hợp” là tiêu chuẩn thể hiện chất lượng của bằng chứng, bao gồm sự phù hợp và độ tin cậy của bằng chứng trong việc hỗ trợ kiểm toán viên đưa ra kết luận. Độ tin cậy của bằng chứng chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc, nội dung của bằng chứng và phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà kiểm toán viên đã thu thập được bằng chứng đó. Có thể đưa ra nguyên tắc chung để đánh giá độ tin cậy của các loại bằng chứng khác nhau, tuy nhiên, những nguyên tắc như vậy vẫn có một số ngoại lệ. Kể cả khi bằng chứng được thu thập từ các nguồn bên ngoài của bên có trách nhiệm liên quan, thì vẫn có các tình huống có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của bằng chứng đó. Ví dụ, bằng chứng thu được từ một nguồn bên ngoài độc lập có thể không đáng tin cậy nếu kiểm toán viên không biết rõ về nguồn thông tin đó hoặc nguồn thông tin đó là không khách quan. Mặc dù có các ngoại lệ như vậy, nhưng những nguyên tắc sau đây có thể hữu ích khi đánh giá độ tin cậy của bằng chứng:


    1. Bằng chứng là đáng tin cậy hơn khi thu thập được từ các nguồn độc lập bên ngoài của bên có trách nhiệm liên quan;

    2. Bằng chứng được tạo ra trong nội bộ là đáng tin cậy hơn khi các kiểm soát liên quan là hữu hiệu;

    3. Bằng chứng được kiểm toán viên trực tiếp thu thập (ví dụ, qua quan sát việc thực hiện một kiểm soát) đáng tin cậy hơn so với bằng chứng được thu thập gián tiếp hoặc do suy luận (ví dụ, phỏng vấn về việc áp dụng một kiểm soát);

    4. Bằng chứng là đáng tin cậy hơn khi bằng chứng đó ở dưới dạng văn bản, có thể là trên giấy tờ, phương tiện điện tử hoặc các dạng khác (ví dụ, biên bản họp được ghi đồng thời trong quá trình diễn ra cuộc họp đáng tin cậy hơn việc trình bày bằng lời sau đó về những vấn đề đã thảo luận trong cuộc họp).

A149. Việc xem xét các bằng chứng có tính nhất quán thu thập được từ các nguồn khác nhau hoặc có bản chất khác nhau thường đem lại sự đảm bảo cao hơn cho kiểm toán viên so với việc xem xét các bằng chứng một cách riêng lẻ. Ngoài ra, thu thập bằng chứng từ các nguồn khác nhau hoặc có bản chất khác nhau có thể cho thấy rằng một bằng chứng riêng lẻ nào đó là không đáng tin cậy. Ví dụ, thông tin chứng thực thu được từ một nguồn độc lập của bên có trách nhiệm liên quan có thể làm tăng sự đảm bảo mà kiểm toán viên đạt được từ các giải trình của bên có trách nhiệm liên quan. Ngược lại, khi bằng chứng thu thập được từ một nguồn là không nhất quán với những bằng chứng thu được từ các nguồn khác, kiểm toán viên phải xác định các thủ tục bổ sung cần thiết để xử lý sự không nhất quán này.

A150. Liên quan đến việc thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp, để đạt được sự đảm bảo đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo trong một giai đoạn thường khó khăn hơn so với việc đạt được sự đảm bảo đối với chính thông tin đó tại một thời điểm. Ngoài ra, kết luận rút ra từ các quy trình trên thường chỉ giới hạn trong giai đoạn của hợp đồng dịch vụ đảm bảo, kiểm toán viên không đưa ra kết luận về việc liệu quy trình này sẽ tiếp tục hoạt động theo cách thức đó trong tương lai hay không.

A151. Kiểm toán viên phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định liệu đã thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp làm cơ sở cho kết luận của kiểm toán viên hay chưa.

A152. Trong một số trường hợp, khi thực hiện các thủ tục theo kế hoạch đã lập, kiểm toán viên vẫn có thể chưa thu thập được bằng chứng đầy đủ hoặc thích hợp như kỳ vọng. Trường hợp này, kiểm toán viên xác định rằng bằng chứng thu thập được từ việc thực hiện các thủ tục là không đầy đủ và thích hợp để có thể hình thành kết luận về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Kiểm toán viên có thể:



  1. Mở rộng phạm vi công việc thực hiện; hoặc

  2. Thực hiện các thủ tục khác mà kiểm toán viên xét đoán thấy cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể.

Khi các thủ tục nêu trên đều không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ, kiểm toán viên sẽ không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để có thể hình thành kết luận. Tình huống này có thể xảy ra ngay cả khi kiểm toán viên không nhận thấy có bất kỳ vấn đề nào khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể có sai sót trọng yếu, như quy định tại đoạn 49L Chuẩn mực này.

Đánh giá tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng (hướng dẫn đoạn 65 Chuẩn mực này)

A153. Hợp đồng dịch vụ đảm bảo là một quá trình mang tính tích lũy và cập nhật thường xuyên. Khi kiểm toán viên thực hiện các thủ tục theo kế hoạch đã lập, các bằng chứng thu thập được có thể làm cho kiểm toán viên phải thay đổi nội dung, lịch trình và phạm vi của những thủ tục khác đã được lập kế hoạch. Thông tin mà kiểm toán viên thu thập được có thể có sự khác biệt đáng kể so với thông tin kỳ vọng và thông tin được sử dụng làm cơ sở lập kế hoạch các thủ tục.Ví dụ:


  1. Mức độ sai sót mà kiểm toán viên phát hiện có thể dẫn tới thay đổi xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên về độ tin cậy của các nguồn thông tin cụ thể;

  2. Kiểm toán viên có thể nhận thấy sự thiếu nhất quán của các thông tin tương ứng hoặc những bằng chứng mâu thuẫn hoặc bị bỏ sót;

  3. Kết quả của thủ tục phân tích thực hiện trong giai đoạn cuối của hợp đồng dịch vụ đảm bảo có thể cho thấy rủi ro có sai sót trọng yếu mà chưa được phát hiện trước đó.

Trong các trường hợp trên, kiểm toán viên cần thực hiện đánh giá lại thủ tục được lập kế hoạch trước đó.

A154. Xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên về tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng chịu ảnh hưởng của các yếu tố như:



  1. Mức độ nghiêm trọng của một sai sót tiềm tàng và khả năng mà sai sót đó, xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại với các sai sót tiềm tàng khác, có ảnh hưởng trọng yếu đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo;

  2. Tính hữu hiệu của các biện pháp xử lý của bên có trách nhiệm liên quan đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã biết;

  3. Kinh nghiệm tích lũy được từ các hợp đồng dịch vụ đảm bảo trước có liên quan đến các sai sót tiềm tàng tương tự;

  4. Kết quả của các thủ tục được thực hiện, bao gồm việc liệu các thủ tục đó có phát hiện sai sót cụ thể hay không;

  5. Nguồn gốc và độ tin cậy của những thông tin sẵn có;

  6. Tính thuyết phục của bằng chứng;

  7. Hiểu biết về bên có trách nhiệm liên quan và môi trường của họ.

Giới hạn phạm vi (hướng dẫn đoạn 26, 66 Chuẩn mực này)

A155. Giới hạn phạm vi có thể bắt nguồn từ:



  1. Các tình huống ngoài sự kiểm soát của bên có trách nhiệm liên quan. Ví dụ, tài liệu mà kiểm toán viên thấy cần phải kiểm tra nhưng vô tình đã bị phá hủy;

  2. Các tình huống liên quan tới nội dung hoặc lịch trình công việc của kiểm toán viên. Ví dụ, kiểm toán viên thấy cần phải quan sát chứng kiến kiểm kê nhưng việc kiểm kê đã được đơn vị thực hiện trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đảm bảo;

  3. Các giới hạn do bên chịu trách nhiệm, bên đo lường hoặc đánh giá, hoặc bên thuê dịch vụ đặt ra đối với kiểm toán viên mà có thể cản trở kiểm toán viên thực hiện các thủ tục được xác định là cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể. Các giới hạn này có thể dẫn tới các ảnh hưởng khác đối với hợp đồng dịch vụ, ví dụ việc cân nhắc của kiểm toán viên về rủi ro hợp đồng và việc chấp nhận tiếp tục hợp đồng.

A156. Việc kiểm toán viên không thể thực hiện được một thủ tục cụ thể nào đó sẽ không tạo nên giới hạn phạm vi đối với hợp đồng dịch vụ, nếu kiểm toán viên vẫn có thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp bằng việc thực hiện các thủ tục thay thế.

A157. Theo định nghĩa, các thủ tục thực hiện trong một hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn thì hạn chế hơn so với các thủ tục cần thực hiện trong một hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý. Khi xác định liệu các tiền đề của một hợp đồng dịch vụ đảm bảo có tồn tại hay không, đặc biệt là liệu hợp đồng dịch vụ đó có cho thấy đặc điểm thu thập bằng chứng (xem quy định tại đoạn 24(b)(iv) Chuẩn mực này) và có mục đích phù hợp hay không (xem quy định tại đoạn 24(b)(vi) Chuẩn mực này), kiểm toán viên cần phải xem xét một cách phù hợp các giới hạn mà kiểm toán viên biết được trước khi chấp nhận một hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn. Sau khi chấp nhận hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn, nếu bên có trách nhiệm liên quan áp đặt thêm các giới hạn phạm vi khác, kiểm toán viên có thể cần rút khỏi hợp đồng dịch vụ, nếu pháp luật và các quy định có liên quan cho phép.



Lập và trình bày báo cáo dịch vụ đảm bảo

Hình thức của báo cáo dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 67 - 68 Chuẩn mực này)

A158. Các kết luận được thể hiện bằng lời hoặc các hình thức khác có thể gây hiểu nhầm nếu không có sự hỗ trợ của báo cáo bằng văn bản. Do đó, kiểm toán viên không được báo cáo bằng lời hoặc bằng biểu tượng mà không cung cấp kèm theo báo cáo dịch vụ đảm bảo bằng văn bản mà báo cáo bằng văn bản này phải luôn có sẵn khi sử dụng hình thức báo cáo bằng lời hoặc biểu tượng. Ví dụ, một biểu tượng trên trang web mà khi nhấp chuột vào có thể dẫn tới (hyperlink) một báo cáo văn bản trên Internet.

A159. Chuẩn mực này không yêu cầu một hình thức quy chuẩn đối với báo cáo của tất cả các loại hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Thay vào đó, Chuẩn mực này xác định những yếu tố cơ bản của một báo cáo dịch vụ đảm bảo. Báo cáo dịch vụ đảm bảo phải được thiết kế phù hợp với từng hợp đồng dịch vụ đảm bảo cụ thể. Kiểm toán viên có thể sử dụng tiêu đề, số đoạn, kiểu chữ, ví dụ dùng kiểu chữ đậm, hay các cách trình bày khác để đảm bảo sự rõ ràng và dễ đọc của báo cáo dịch vụ đảm bảo.

A160. Kiểm toán viên có thể chọn “báo cáo dạng ngắn” hoặc “báo cáo dạng dài” để thuận tiện cho việc trao đổi hiệu quả với đối tượng sử dụng. Báo cáo dạng ngắn thông thường chỉ bao gồm những thành phần cơ bản. Báo cáo dạng dài còn bao gồm những thông tin khác và phần diễn giải không ảnh hưởng tới kết luận của kiểm toán viên. Bên cạnh các yếu tố cơ bản, báo cáo dạng dài có thể trình bày chi tiết các điều khoản của hợp đồng dịch vụ, tiêu chí được sử dụng, các phát hiện liên quan tới các khía cạnh cụ thể của dịch vụ đảm bảo, chi tiết về năng lực và kinh nghiệm của kiểm toán viên và những bên khác tham gia vào dịch vụ đảm bảo, trình bày về mức trọng yếu và các kiến nghị trong một số trường hợp. Kiểm toán viên có thể thấy rằng dạng báo cáo này hữu ích để cung cấp các thông tin theo yêu cầu của đối tượng sử dụng. Theo quy định tại đoạn 68 Chuẩn mực này, các thông tin bổ sung phải được trình bày rõ ràng và tách biệt với kết luận của kiểm toán viên và cách trình bày như vậy để thể hiện các thông tin đó không ảnh hưởng đến kết luận của kiểm toán viên.

Nội dung báo cáo dịch vụ đảm bảo

Số hiệu và tiêu đề (hướng dẫn đoạn 69(a) Chuẩn mực này)

A161. Báo cáo dịch vụ đảm bảo phải ghi rõ số hiệu phát hành báo cáo của doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán theo từng năm (số đăng ký chính thức trong hệ thống văn bản của doanh nghiệp hoặc chi nhánh). Báo cáo dịch vụ đảm bảo phải có tiêu đề phù hợp để giúp xác định đúng tính chất của báo cáo đó và để phân biệt với báo cáo do các đối tượng khác phát hành, mà các đối tượng này không phải tuân thủ theo chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp như kiểm toán viên.

Người nhận báo cáo dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 69(b) Chuẩn mực này)

A162. Người nhận báo cáo dịch vụ đảm bảo là bên hoặc các bên trực tiếp sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo. Thông thường báo cáo dịch vụ đảm bảo sẽ đề tên người nhận là bên thuê dịch vụ, tuy nhiên trong một số trường hợp, có thể có thêm đối tượng sử dụng khác.

Thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và đối tượng dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 69(c) Chuẩn mực này)

A163. Việc xác định và mô tả thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và đối tượng dịch vụ đảm bảo, khi thích hợp, có thể bao gồm:



  1. Thời điểm hoặc khoảng thời gian liên quan đến việc đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo;

  2. Tên của các bên chịu trách nhiệm hoặc bộ phận của bên chịu trách nhiệm liên quan tới đối tượng dịch vụ đảm bảo (nếu thích hợp);

  3. Giải thích các đặc điểm của đối tượng dịch vụ đảm bảo hoặc thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo mà đối tượng sử dụng nên biết, và tác động của các đặc điểm này đến độ chính xác của việc đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo dựa trên các tiêu chí được áp dụng, hoặc tính thuyết phục của bằng chứng hiện có, ví dụ:

      1. Mức độ mà thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo là định lượng hay định tính, khách quan hay chủ quan, quá khứ hay tương lai;

      2. Sự thay đổi trong đối tượng dịch vụ đảm bảo hoặc hoàn cảnh cụ thể khác của hợp đồng dịch vụ đảm bảo mà tác động tới tính có thể so sánh được của thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo giữa các kỳ.

Tiêu chí được áp dụng (hướng dẫn đoạn 69(d) Chuẩn mực này)

A164. Báo cáo dịch vụ đảm bảo xác định tiêu chí được áp dụng để đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo để đối tượng sử dụng có thể hiểu được cơ sở kết luận của kiểm toán viên. Báo cáo dịch vụ đảm bảo có thể bao gồm các tiêu chí được áp dụng hoặc tham chiếu đến các tiêu chí này nếu các tiêu chí này đã được trình bày trong thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo hoặc nếu các tiêu chí này có sẵn từ nguồn cung cấp dễ dàng tiếp cận. Trong một số trường hợp cụ thể, báo cáo dịch vụ đảm bảo có thể công bố:



  1. Nguồn thông tin đưa ra các tiêu chí được áp dụng và liệu các tiêu chí đó có được quy định trong pháp luật hoặc các quy định có liên quan hay không, hoặc do một cơ quan chuyên ngành chịu trách nhiệm hoặc có uy tín ban hành theo một quy trình hợp lý và minh bạch hay không, liệu các tiêu chí đã được thiết lập này có phù hợp với đối tượng dịch vụ đảm bảo hay không (nếu không, kiểm toán viên cần nêu lý do tại sao các tiêu chí đó được coi là phù hợp);

  2. Các phương pháp đo lường hoặc đánh giá được áp dụng, trong trường hợp các tiêu chí đó cho phép lựa chọn giữa các phương pháp khác nhau;

  3. Các diễn giải quan trọng mà kiểm toán viên sử dụng khi áp dụng tiêu chí đó trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ;

  4. Liệu có thay đổi phương pháp đo lường hoặc đánh giá được áp dụng hay không.

Hạn chế vốn có (hướng dẫn đoạn 69(e) Chuẩn mực này)

A165. Trong một số trường hợp, đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo được kỳ vọng là đã hiểu rõ các hạn chế vốn có, trong trường hợp khác, báo cáo dịch vụ đảm bảo cần nêu rõ các hạn chế này. Ví dụ, trong một báo cáo dịch vụ đảm bảo liên quan đến tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên có thể cần chỉ rõ rằng kết quả đánh giá về tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ trong quá khứ sẽ không phù hợp với các kỳ tương lai, vì có rủi ro là kiểm soát nội bộ có thể trở nên không còn phù hợp, do các thay đổi về điều kiện hoặc do mức độ tuân thủ chính sách, thủ tục bị suy giảm.

Mục đích đặc biệt (hướng dẫn đoạn 69(f) Chuẩn mực này)

A166. Trong một số trường hợp, các tiêu chí được áp dụng để đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể được thiết kế cho mục đích đặc biệt. Ví dụ, một cơ quan quản lý Nhà nước có thể yêu cầu một số đơn vị sử dụng tiêu chí được áp dụng cụ thể được thiết kế để phục vụ mục đích quản lý. Để tránh hiểu nhầm, kiểm toán viên cần cảnh báo điều này với người đọc báo cáo dịch vụ đảm bảo, do đó, thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể không phù hợp cho mục đích khác.

A167. Ngoài đoạn cảnh báo theo quy định tại đoạn 69(f) Chuẩn mực này, kiểm toán viên có thể thấy cần hạn chế việc sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo cho một số đối tượng sử dụng cụ thể. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ, ví dụ, theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, điều này có thể đạt được bằng cách hạn chế việc cung cấp hoặc sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo. Khi báo cáo dịch vụ đảm bảo bị hạn chế theo cách này, việc không đặt ra hạn chế đối với một đối tượng sử dụng hoặc mục đích sử dụng cụ thể không có nghĩa là kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan tới đối tượng sử dụng hoặc mục đích sử dụng đó. Việc kiểm toán viên có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ và quy định của pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm tương ứng của các bên (hướng dẫn đoạn 69(g) Chuẩn mực này)

A168. Việc xác định trách nhiệm tương ứng của các bên sẽ cho đối tượng sử dụng biết rằng bên chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm về đối tượng dịch vụ đảm bảo, bên đo lường hoặc đánh giá chỉ chịu trách nhiệm về việc đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo dựa trên các tiêu chí được áp dụng, và vai trò của kiểm toán viên là đưa ra kết luận một cách độc lập về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.

Thực hiện hợp đồng dịch vụ theo quy định của Chuẩn mực này và chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác nếu chuẩn mực đó áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể (hướng dẫn đoạn 69(h) Chuẩn mực này)

A169. Khi một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể chỉ áp dụng cho một phần của thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo thì kiểm toán viên nên viện dẫn cả chuẩn mực đó và Chuẩn mực này trong báo cáo dịch vụ đảm bảo.

A170. Việc sử dụng ngôn từ thiếu chính xác hoặc hạn chế (ví dụ, “hợp đồng đã được thực hiện tham chiếu tới Chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo số 3000”) có thể gây hiểu nhầm cho đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo.

Các yêu cầu về kiểm soát chất lượng được áp dụng (hướng dẫn đoạn 69(i) Chuẩn mực này)

A171. Sau đây là ví dụ minh họa cho một đoạn trong báo cáo dịch vụ đảm bảo, liên quan đến các yêu cầu về kiểm soát chất lượng được áp dụng:

“Chúng tôi đã áp dụng Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1, theo đó chúng tôi đã duy trì một hệ thống kiểm soát chất lượng toàn diện, bao gồm việc thiết kế và lưu lại các chính sách và thủ tục liên quan đến tính tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan”.

Tuân thủ các yêu cầu về tính độc lập và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp khác (hướng dẫn đoạn 69(j) Chuẩn mực này)

A172. Sau đây là ví dụ minh họa cho một đoạn trong báo cáo dịch vụ đảm bảo, liên quan đến tính tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp:

“Chúng tôi đã tuân thủ các yêu cầu về tính độc lập và các yêu cầu khác về đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc đạo đức cơ bản về tính chính trực, tính khách quan, năng lực chuyên môn và tính thận trọng, tính bảo mật và tư cách nghề nghiệp”.

Tóm tắt công việc đã thực hiện (hướng dẫn đoạn A6, 69(k) Chuẩn mực này)

A173. Việc tóm tắt công việc đã thực hiện sẽ giúp đối tượng sử dụng hiểu được kết luận của kiểm toán viên. Trong nhiều hợp đồng dịch vụ đảm bảo, về mặt lý thuyết, có thể thay đổi các thủ tục áp dụng một cách linh hoạt. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để tóm tắt công việc đã thực hiện để đối tượng sử dụng hiểu một cách rõ ràng. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo có liên quan hướng dẫn kiểm toán viên hình thức phù hợp để tóm tắt công việc đã thực hiện.

A174. Khi không có chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo nào đưa ra hướng dẫn về thủ tục áp dụng đối với một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể, kiểm toán viên phải mô tả chi tiết hơn về công việc đã thực hiện. Trong phần mô tả đó, kiểm toán viên nên trình bày một đoạn thể hiện rằng công việc đã thực hiện bao gồm việc đánh giá về tính phù hợp của tiêu chí được áp dụng.

A175. Trong một hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn, việc tóm tắt công việc đã thực hiện thường chi tiết hơn so với hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý và xác định rõ hạn chế về nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục. Việc đánh giá nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục được thực hiện là cần thiết để hiểu được kết luận của kiểm toán viên về việc, dựa trên các thủ tục được thực hiện, liệu kiểm toán viên có nhận thấy có vấn đề trọng yếu nào khiến kiểm toán viên cho rằng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có sai sót trọng yếu hay không. Khi tóm tắt công việc đã thực hiện, kiểm toán viên cũng có thể nói rõ các thủ tục đã không được thực hiện trong hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn, mà thông thường, các thủ tục đó chỉ được thực hiện trong hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý. Tuy nhiên, kiểm toán viên có thể không chỉ ra được hết các thủ tục như vậy vì các yêu cầu đặt ra đối với kiểm toán viên trong việc tìm hiểu và đánh giá rủi ro hợp đồng trong trường hợp này là ít hơn so với dịch vụ đảm bảo hợp lý.

A176. Để xác định mức độ chi tiết cần trình bày trong đoạn tóm tắt công việc đã thực hiện, kiểm toán viên có thể cần xem xét các yếu tố bao gồm:


  1. Tình huống cụ thể của đơn vị (ví dụ, sự khác nhau về bản chất hoạt động của đơn vị so với các đơn vị khác trong cùng lĩnh vực);

  2. Tình huống cụ thể của hợp đồng dịch vụ ảnh hưởng tới nội dung và phạm vi các thủ tục thực hiện;

  3. Kỳ vọng của đối tượng sử dụng về mức độ chi tiết của báo cáo dịch vụ đảm bảo, dựa trên thông lệ thị trường hoặc pháp luật và các quy định có liên quan được áp dụng.

A177. Đoạn tóm tắt công việc đã thực hiện cần được viết một cách khách quan để cho phép đối tượng sử dụng hiểu rõ công việc đã thực hiện làm cơ sở cho kết luận của kiểm toán viên. Hầu hết các trường hợp, việc tóm tắt này không bao gồm toàn bộ chi tiết kế hoạch công việc thực hiện, tuy nhiên, cần đảm bảo việc tóm tắt sao cho thông tin đưa ra không mơ hồ, không phóng đại hoặc thêm thắt so với thực tế.

Kết luận của kiểm toán viên (hướng dẫn đoạn 12(a)(i)(a), 69(l) Chuẩn mực này)

A178. Đối với hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý, ví dụ về kết luận của kiểm toán viên được trình bày dưới dạng phù hợp gồm:


  1. Khi đưa ra kết luận về đối tượng dịch vụ đảm bảo và các tiêu chí được áp dụng: “Theo ý kiến của chúng tôi, đơn vị đã tuân thủ, trên các khía cạnh trọng yếu, với luật XYZ”;

  2. Khi đưa ra kết luận về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và các tiêu chí được áp dụng: “Theo ý kiến của chúng tôi, Bản dự báo kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị đã được lập phù hợp, trên các khía cạnh trọng yếu, dựa trên tiêu chí XYZ”; hoặc

  3. Khi đưa ra kết luận về một báo cáo do bên có trách nhiệm liên quan lập: “Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo của [bên có trách nhiệm liên quan] về việc đơn vị đã tuân thủ luật XYZ, đã được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu”, hoặc “Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo của [bên có trách nhiệm liên quan] về việc các chỉ số hoạt động quan trọng được lập theo tiêu chí XYZ, đã được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu”.

A179. Báo cáo dịch vụ đảm bảo có thể cần thông báo cho đối tượng sử dụng về hoàn cảnh cụ thể để có thể hiểu được kết luận của kiểm toán viên khi báo cáo dịch vụ đảm bảo có đoạn giải thích về đặc điểm cụ thể của đối tượng dịch vụ đảm bảo mà đối tượng sử dụng cần biết. Ví dụ về kết luận của kiểm toán viên trong trường hợp này có thể bao gồm câu: “Kết luận này được hình thành trên cơ sở các vấn đề được nêu trong báo cáo dịch vụ đảm bảo độc lập này”.

A180. Đối với hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn, ví dụ về kết luận của kiểm toán viên được trình bày dưới dạng phù hợp gồm:



  1. Khi đưa ra kết luận về đối tượng dịch vụ đảm bảo và các tiêu chí được áp dụng: “Dựa trên các thủ tục đã được thực hiện và các bằng chứng thu thập được, chúng tôi không nhận thấy có vấn đề gì khiến chúng tôi cho rằng [đơn vị] không tuân thủ, trên các khía cạnh trọng yếu, với luật XYZ”;

  2. Khi đưa ra kết luận về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và các tiêu chí được áp dụng: “Dựa trên các thủ tục đã thực hiện và các bằng chứng thu thập được, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sửa đổi trọng yếu nào cần phải thực hiện đối với kết quả đánh giá các chỉ số hoạt động quan trọng để phù hợp với tiêu chí XYZ”;

  3. Khi đưa ra kết luận về một báo cáo do bên có trách nhiệm liên quan lập: “Dựa trên các thủ tục đã thực hiện và các bằng chứng thu thập được, chúng tôi không nhận thấy có vấn đề gì khiến chúng tôi cho rằng báo cáo của [bên có trách nhiệm liên quan] về việc [đơn vị] đã tuân thủ Luật XYZ, đã không được trình bày hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu”.

A181. Khi đưa ra kết luận về đối tượng dịch vụ đảm bảo, kiểm toán viên có thể sử dụng một hoặc kết hợp các cụm từ sau:

  1. Đối với hợp đồng về tính tuân thủ: “tuân thủ” hoặc “phù hợp với”;

  2. Đối với hợp đồng trong đó tiêu chí được áp dụng có mô tả quy trình hoặc phương pháp lập và trình bày thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo: “được lập và trình bày đúng đắn”;

  3. Đối với hợp đồng trong đó tiêu chí được áp dụng thể hiện nguyên tắc trình bày hợp lý: “được lập và trình bày hợp lý”.

A182. Việc đặt tiêu đề các đoạn trình bày kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần và các vấn đề dẫn tới kết luận đó sẽ giúp tăng tính dễ hiểu cho báo cáo của kiểm toán viên. Ví dụ, kiểm toán viên có thể sử dụng các tiêu đề thích hợp bao gồm: “Kết luận ngoại trừ”, “Kết luận trái ngược”, hoặc “Từ chối đưa ra kết luận” và “Cơ sở của kết luận ngoại trừ”, “Cơ sở của kết luận trái ngược” tương ứng.

Chữ ký, họ và tên của kiểm toán viên và đóng dấu (hướng dẫn đoạn 69(m) Chuẩn mực này)

A183. Báo cáo dịch vụ đảm bảo hợp lý phải có 2 chữ ký của 2 kiểm toán viên hành nghề. Chữ ký thứ nhất trên báo cáo là của kiểm toán viên hành nghề được giao phụ trách hợp đồng dịch vụ và chữ ký thứ hai là của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Báo cáo dịch vụ đảm bảo có giới hạn phải có chữ ký của kiểm toán viên hành nghề là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Dưới mỗi chữ ký phải ghi rõ họ và tên, số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật được ký báo cáo dịch vụ đảm bảo phải là thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Trên chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được ủy quyền phải đóng dấu của doanh nghiệp kiểm toán (hoặc chi nhánh) chịu trách nhiệm phát hành báo cáo. Giữa các trang báo cáo phải đóng dấu giáp lai bằng dấu của doanh nghiệp kiểm toán (hoặc chi nhánh).

Thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chỉ đạo, thực hiện, giám sát, soát xét công việc của nhóm thực hiện hợp đồng dịch vụ. Doanh nghiệp kiểm toán quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ.

Ngày lập báo cáo dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 69(n) Chuẩn mực này).

A184. Ngày lập báo cáo dịch vụ đảm bảo cho đối tượng sử dụng biết rằng kiểm toán viên đã xem xét ảnh hưởng của các sự kiện phát sinh cho tới ngày lập báo cáo dịch vụ đảm bảo đến thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và báo cáo dịch vụ đảm bảo.

Dẫn chứng công việc của chuyên gia trong báo cáo dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 70 Chuẩn mực này)

A185. Trong một số trường hợp, pháp luật và các quy định có liên quan có thể yêu cầu việc dẫn chứng công việc của chuyên gia trong báo cáo dịch vụ đảm bảo, ví dụ, cho mục đích minh bạch trong lĩnh vực công. Điều này cũng có thể phù hợp trong một số trường hợp khác, ví dụ, để giải thích cho bản chất của kết luận không phải là kết luận chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên hoặc khi công việc của chuyên gia là một phần của các phát hiện được trình bày trong báo cáo dạng dài.

A186. Kiểm toán viên là người chịu trách nhiệm duy nhất đối với kết luận đưa ra và việc sử dụng công việc của chuyên gia cũng không làm giảm trách nhiệm của kiểm toán viên. Do đó, nếu báo cáo dịch vụ đảm bảo có dẫn chứng công việc của chuyên gia thì từ ngữ sử dụng trong báo cáo không được thể hiện là trách nhiệm của kiểm toán viên bị giảm đi do có sự tham gia của chuyên gia.

A187. Đối với hợp đồng dịch vụ đảm bảo do các nhân sự có trình độ phù hợp thực hiện, gồm cả chuyên gia về đối tượng dịch vụ đảm bảo và chuyên gia về dịch vụ đảm bảo, việc đề cập trách nhiệm chung của các chuyên gia trong một báo cáo dạng dài thường không dẫn đến sự hiểu nhầm là làm giảm trách nhiệm của kiểm toán viên. Tuy nhiên, trong báo cáo dạng ngắn, khả năng gây hiểu nhầm về trách nhiệm là cao hơn, khi báo cáo này chỉ được trình bày thông tin tối thiểu hoặc báo cáo có đề cập tới tên của chuyên gia. Do đó, trong trường hợp như vậy, cần có thêm đoạn bổ sung trong báo cáo dịch vụ đảm bảo để tránh sự hiểu nhầm là trách nhiệm của kiểm toán viên đối với kết luận đưa ra giảm đi do có sự tham gia của chuyên gia.



Каталог: Upload -> Video
Video -> TỔng cục thuế
Video -> Ngày 29 tháng 06 năm 2006
Video -> Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-cp ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VI phạm hanh chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
Video -> V/v tính và quyết toán thuế tncn cho người nước ngoài
Video -> Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ soát xét chuẩn mực số 2410: Soát xét thông tin tài chính giữa niên độ do kiểm toán viên độc lập của đơn vị thực hiện
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam số 1000 Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành
Video -> Khu công nghiệp Biên Hòa II, tp
Video -> Phòng 704, số 45 đường Võ Thị Sáu, phương Đakao, quận 1, tp
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 810: Dịch vụ báo cáo về báo cáo tài chính tóm tắt
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục

tải về 0.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương