CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG


PHẦN II: QUY CHẾ CHIẾN SĨ VÀ TÙ BINH



tải về 2.09 Mb.
trang17/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

PHẦN II: QUY CHẾ CHIẾN SĨ VÀ TÙ BINH

Điều 43. Các lực lượng vũ trang

1. Các lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột bao gồm tất các lực lượng, các nhóm và các đơn vị vũ trang có tổ chức đặt dưới quyền bộ chỉ huy chịu trách nhiệm về mọi hành động của cấp dưới của mình đối với Bên mình, ngay cả khi Bên trong cuộc xung đột này được đại diện bởi một chính phủ hay một cơ quan quyền lực không được đối phương thừa nhận. Các lực lượng vũ trang này phải đặt dưới một chế độ kỷ luật nội bộ để bảo đảm trước hết việc tôn trọng những luật lệ của luật pháp quốc tế áp dụng trong những cuộc xung đột vũ trang.

2. Những thành viên của các lực lượng vũ trang của một Bên trong xung đột (ngoài những nhân viên y tế và tôn giáo nêu ở Điều 33 Công ước) là những chiến sĩ, nghĩa là có quyền tham gia trực tiếp các cuộc xung đột.

3. Một bên trong cuộc xung đột sát nhập vào lực lượng vũ trang của mình một tổ chức bán quân sự hay một tổ chức vũ trang có nhiệm vụ đảm bảo phải thông báo việc sáp nhập đó cho các Bên khác trong cuộc xung đột biết.



Điều 44.

1. Các chiến sĩ và tù binh là Mọi chiến sĩ, theo nghĩa của Điều 43, bị rơi vào tay đối phương đều là tù binh.

2. Dù cho tất cả chiến sĩ phải có trách nhiệm tôn trọng các quy tắc của luật quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang, các vi phạm những quy tắc này không tước đi của người chiến sĩ quyền được coi là chiến sĩ, hay nếu họ bị rơi vào tay đối phương thì không bị tước đi quyền được coi là tù binh, trừ trường hợp nêu ở đoạn 3 và 4.

3. Để tăng cường việc bảo hộ thường dân chống lại hậu quả của những cuộc xung đột, các chiến sĩ có trách nhiệm phải tự phân biệt họ với thường dân khi họ tham gia vào việc chiến đấu hay một hoạt động quân sự chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Tuy nhiên, vì có những tình huống trong các cuộc xung đột vũ trang mang tính chất của chiến sự, một chiến sĩ có vũ trang không thể phân biệt với thường dân, thì họ vẫn được giữ quy chế chiến sĩ với điều kiện là trong những tình huống đó họ phải mang vũ khí công khai:

a. Trong mỗi trận chiến đấu, và

b. Trong thời gian mà đối phương nhìn thấy họ khi họ đang tham gia dàn quân, trước khi có một cuộc tấn công mà họ tham gia.

Những hành động ứng với những điều kiện nêu ở đoạn này không bị coi là những thủ đoạn bội tín theo nghĩa của đoạn liệt kê ở Điều 37.

4. Mọi chiến sĩ rơi vào tay đối phương khi mà họ không thực hiện những điều kiện nêu ra ở câu thứ hai đoạn 3 thì mất quyền được coi là tù binh. Tuy nhiên, họ vẫn được hưởng những sự bảo hộ về mọi mặt tương đương những bảo hộ mà Công ước III và Nghị định thư này dành cho tù binh. Việc bảo hộ này gồm những bảo hộ tương đương với các bảo hộ dành cho tù binh nêu trong Công ước III trong trường hợp mà một người như vậy bị xét xử và kết án về tất cả các vi phạm mà họ phạm phải.

5. Người chiến sĩ bị rơi vào tay đối phương khi họ không tham gia vào một cuộc tấn công hay một hoạt động quân sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công, thì không mất quyền được coi là chiến sĩ và tù bình vì những hoạt động trước đó của họ.

6. Điều khoản này không tước đi của bất kỳ ai quyền được coi là tù binh theo Điều 4 của Công ước III.

7. Điều khoản này không nhằm sửa đổi thực tiễn của các nước, được chấp nhận rộng rãi về việc mặc đồng phục của các chiến sĩ trong các đơn vị vũ trang chính quy có mặc quân phục của một Bên trong cuộc xung đột.

8. Ngoài thành phần nêu ở Điều 13 Công ước I và II, tất cả mọi thành viên của các lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột, như đã được xác định ở Điều 43 của Nghị định thư này, có quyền được hai Công ước này bảo hộ nếu họ bị thương hay bị bệnh, hoặc được Công ước II bảo hộ nếu họ bị đắm tàu ở trên mặt biển hay ở những vùng lãnh hải khác.



Điều 45. Bảo hộ những người tham gia cuộc xung đột

1. Một người tham gia cuộc xung đột và rơi vào tay phía đối phương được coi là tù binh và vì vậy được Công ước III bảo hộ khi mà người đó đòi hỏi quy chế tù binh, hay hiển nhiên người đó có quyền hưởng quy chế tù binh, hoặc khi Bên mà người đó trực thuộc đòi hỏi quy chế này cho người đó bằng việc gửi thông báo cho Nước cầm giữ người đó hay cho Nước bảo hộ. Nếu có một sự nghi ngờ nào đó về quyền hưởng quy chế tù binh của người này, thì họ vẫn tiếp tục được hướng quy chế này, và vì thế mà được hưởng sự bảo hộ của Công ước III và của Nghị định thư này trong khi chờ đợi một tòa án có thẩm quyền xác định rõ quy chế áp dụng cho người đó.

2. Nếu một người bị rơi vào tay đối phương mà không bị giam giữ như tù binh và bị Bên đối phương đưa ra xét xử về một hành vi vi phạm liên quan đến xung đột, người đó có quyền đòi quy chế tù binh trước một tòa án tư pháp và đòi hỏi vấn đề này phải được phân xử. Mỗi khi thủ tục áp dụng cho phép, vấn đề trên đây phải được phân xử trước khi xét xử hành vi vi phạm. Các đại diện Nước bảo hộ có quyền tham dự các cuộc tranh tụng để phân xử vấn đề này, trừ trường hợp ngoại lệ mà những cuộc tranh tụng này diễn ra kín vì lợi ích của an ninh quốc gia. Trong trường hợp này, Nước cầm giữ phải thông báo cho Nước bảo hộ biết.

3. Bất kỳ ai tham gia xung đột mà không có quyền hưởng quy chế tù binh và không được hưởng sự đối xử ưu đãi hơn theo Công ước IV, thì luôn luôn có quyền được hưởng sự bảo hộ quy định tại Điều 75 của Nghị định thư này. Trong lãnh thổ bị chiếm đóng, trừ phi bị cầm giữ vì hoạt động gián điệp, họ vẫn được hưởng các quyền liên lạc nêu ở Công ước IV, mặc dù có những quy định ở Điều 5 của Công ước này.



Điều 46. Gián điệp

1. Dù có mọi quy định khác của các Công ước hay của Nghị định thư này, một thành viên của các lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột bị rơi vào tay đối phương trong khi đang tiến hành những hoạt động gián điệp thì không được hưởng quy chế tù binh và có thể bị đối xử như gián điệp.

2. Một thành viên của lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột vì lợi ích của Bên mình mà thu thập hay tìm cách thu thập tin tức trong lãnh thổ do đối phương kiểm soát, sẽ không bị coi là tiến hành những hoạt động gián điệp, nếu trong khi làm việc đó người này mang quân phục của các lực lượng vũ trang của họ.

3. Một thành viên của các lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột đang cư trú trên lãnh thổ do Bên đối phương chiếm đóng vì lợi ích của Bên mình mà thu thập hay tìm cách thu thập những tin tức quân sự trên lãnh thổ đó sẽ không bị coi là tiến hành các hoạt động gián điệp, trừ khi trong khi làm việc đó người này hành động dưới những cớ giả tạo hay cố ý che giấu. Hơn nữa, người này chỉ có thể mất quyền hưởng quy chế tù binh và chỉ có thể bị đối xử là gián điệp trong trường hợp duy nhất là khi bị bắt họ đang tiến hành những hoạt động gián điệp.

4. Một thành viên của các lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột không cư trú trên lãnh thổ do Bên đối phương chiếm đóng mà tiến hành các hoạt động gián điệp trên lãnh thổ này, chỉ bị mất quyền hưởng quy chế tù binh và chỉ có thể bị đối xử là gián điệp trong trường hợp duy nhất là người đó bị bắt trước khi trở lại các lực lượng vũ trang của mình.

Điều 47. Lính đánh thuê

1. Người lính đánh thuê không được hưởng quy chế chiến sĩ và tù binh.

2. Danh từ "lính đánh thuê" chỉ bất cứ người nào:

a. Được tuyển lựa đặc biệt ở trong nước hay ở ngoài nước để chiến đấu trong cuộc xung đột vũ trang.

b. Thực tế tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột.

c. Tham gia các cuộc xung đột chủ yếu để đạt được lợi ích cá nhân và được một Bên trong cuộc xung đột hay người đại diện cho Bên xung đột đó hứa cho hưởng lương cao hơn rõ rệt so với lương được trả cho những người chiến sĩ có cấp bậc tương đương trong các lực lượng vũ trang của bên đó.

d. Không phải là công dân của một Bên trong cuộc xung đột và không phải là người cư trú trên lãnh thổ do một Bên trong cuộc xung đột kiểm soát.

e. Không phải thành viên của các lực lượng vũ trang của một Bên trong cuộc xung đột, và

f. Không do một Nước không tham gia cuộc xung đột chính thức phái đến với danh nghĩa là thành viên của các lực lượng vũ trang của bên đó.

MỤC IV: THƯỜNG DÂN

PHẦN 1: BẢO HỘ CHUNG CHỐNG TÁC HẠI
CỦA CÁC CUỘC XUNG ĐỘT

Chương I: Quy tắc cơ bản và phạm vi áp dụng



Điều 48. Quy tắc cơ bản

Nhằm bảo đảm việc tôn trọng và bảo hộ thường dân và các tài sản có tính chất dân sự, các Bên trong cuộc xung đột phải luôn luôn phân biệt giữa thường dân và các chiến sĩ, cũng như giữa các tài sản có tính chất dân sự và các mục tiêu quân sự và vì vậy chỉ được hướng các hoạt động quân sự vào các mục tiêu quân sự.



Điều 49. Định nghĩa về các cuộc tấn công và phạm vi áp dụng

1. Danh từ "các cuộc tấn công" chỉ những hành động vũ lực chống lại đối phương, dù những hành động này là tấn công hay phòng ngự.

2. Những quy định của Nghị định thư này về các cuộc tấn công được áp dụng cho tất cả các cuộc tấn công dù nó xảy ra trên lãnh thổ nào, kể cả trên lãnh thổ quốc gia của một Bên trong cuộc xung đột nhưng dưới sự kiểm soát của đối phương.

3. Những quy định của phần này được áp dụng cho mọi hoạt động quân sự trên bộ, trên không hay trên biển có thể ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, cá nhân dân sự và tài sản có tính chất dân sự trên mặt đất. Ngoài ra, những quy định này còn được áp dụng cho tất cả các cuộc tấn công bằng hải quân hay không quân hướng vào các mục tiêu trên mặt đất, nhưng không được làm ảnh hưởng một cách khác đến các quy tắc của luật pháp quốc tế được áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang trên biển hay trên không.

4. Những quy định của phần này bổ sung những quy tắc về bảo hộ nhân đạo được nêu trong Công ước IV, đặc biệt ở mục II và trong các Hiệp định quốc tế khác, ràng buộc các Bên tham gia Nghị định thư, cũng như bổ sung những quy tắc khác của luật pháp quốc tế về bảo hộ thường dân và các tài sản có tính chất dân sự chống tác hại các cuộc xung đột trên biển, trên bộ và trên không.

Chương II: Những cá nhân dân sự và thường dân



Điều 50. Định nghĩa về những cá nhân dân sự và thường dân

1. Mọi người không thuộc một trong các dạng nêu ở Điều 4A (1); (2); (3) và (6) của Công ước III và Điều 43 của Nghị định thư này được coi là dân sự. Trường hợp có sự nghi ngờ, người đó phải được coi là dân sự.

2. Thường dân bao gồm tất cả những cá nhân dân sự.

3. Sự có mặt trong thường dân những cá thể không đáp ứng định nghĩa về dân sự sẽ không làm cho thường dân mất tính cách thường dân của họ.



Điều 51. Bảo hộ thường dân

1. Thường dân và những cá nhân dân sự được hưởng sự bảo hộ chung chống những sự nguy hiểm của các hoạt động quân sự. Nhằm làm cho việc bảo hộ này có hiệu lực, các quy tắc sau đây, mà là những bổ sung cho các quy tắc tương ứng của luật pháp quốc tế, phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh.

2. Thường dân theo đúng nghĩa của nó và những cá nhân dân sự không thể là đối tượng của các cuộc tấn công. Cấm các hành động vũ lực hay đe dọa vũ lực nhằm mục đích gây ra sự khủng khiếp cho thường dân.

3. Những cá nhân dân sự được hưởng sự bảo hộ quy định trong phần này, trừ khi họ trực tiếp tham gia chiến sự trong suốt thời gian đó.

4. Cấm các cuộc tấn công không phân biệt. Cụm từ "các cuộc tấn công không phân biệt" chỉ:

a. Các cuộc tấn công không nhằm vào một mục tiêu quân sự nhất định.

b. Các cuộc tấn công sử dụng các phương pháp hay phương tiện chiến đấu không thể nhằm vào một mục tiêu quân sự nhất định, hay

c. Các cuộc tấn công sử dụng các phương pháp hay phương tiện chiến đấu mà tác hại của nó không thể hạn chế như Nghị định thư này đòi hỏi;

Theo những quy định kể trên, trong mỗi trường hợp, các cuộc tấn công đã nhằm vào các mục tiêu quân sự và những cá nhân dân sự hoặc tài sản có tính chất dân sự mà không có sự phân biệt.

5. Một số loại tấn công sau đây phải bị coi là các cuộc tấn công không phân biệt:

a. Các cuộc ném bom tiến hành bằng bất kỳ phương pháp hay phương tiện nào, nhằm vào và coi như một mục tiêu quân sự duy nhất, một số mục tiêu quân sự nằm cách xa nhau rõ ràng trong một thành phố, một làng mạc hay một khu vực khác, có sự tập trung tương tự những cá nhân dân sự hay tài sản có tính chất dân sự,

b. Các cuộc tấn công có thể ngẫu nhiên gây ra những thiệt hại về sinh mạng cho thường dân, thương vong cho những cá nhân dân sự, thiệt hại cho tài sản có tính chất dân sự hoặc toàn bộ những tổn thất và thiệt hại trên mà có thể quá đáng so với thắng lợi quân sự cụ thể trực tiếp đã được dự kiến.

6. Cấm các cuộc tấn công trả thù đối với thường dân hoặc những cá nhân dân sự.

7. Không được sử dụng sự có mặt hay các hoạt động của thường dân hay của những cá nhân dân sự để tránh cho một số điểm hay một số khu vực khỏi bị tác động của các hoạt động quân sự, nhất là nhằm để che chở các mục tiêu quân sự không bị tấn công hay để che giấu, tạo thuận lợi hay cản trở các hoạt động quân sự. Các Bên trong cuộc xung đột không được hướng hoạt động của thường dân hay những cá nhân dân sự nhằm để cho các mục tiêu quân sự không bị tấn công hay để che chở các hoạt động quân sự.

8. Không một sự vi phạm nào đối với những điều cấm này miễn cho các Bên trong cuộc xung đột nghĩa vụ pháp lý đối với thường dân hay những cá nhân dân sự, kể cả nghĩa vụ phải có những biện pháp phòng ngừa đã được nêu ở Điều 57.

Chương III: Tài sản có tính chất dân sự



Điều 52. Việc bảo hộ chung các tài sản có tính chất dân sự

1. Các tài sản có tính chất dân sự không thể coi là đối tượng các cuộc tấn công hay trả thù. Tài sản dân sự là tất cả những tài sản không phải là mục tiêu quân sự theo định nghĩa ở đoạn 2.

2. Các cuộc tấn công phải được giới hạn chặt chẽ vào các mục tiêu quân sự.

Đối với các tài sản, các mục tiêu quân sự phải được giới hạn vào các tài sản mà do tính chất, vị trí, mục đích hoặc việc sử dụng nó đóng góp có hiệu quả cho một hành động quân sự và việc phá hủy hoàn toàn hay một phần, việc chiếm giữ hay vô hiệu hóa những tài sản đó, trong trường hợp này đem lại một lợi thế rõ ràng về quân sự.

3. Trường hợp có sự nghi ngờ, một tài sản mà thông thường được sử dụng cho dân sự như nơi thờ cúng, một ngôi nhà, một loại nhà ở hay một trường học, được coi là không bị sử dụng nhằm đóng góp có hiệu quả cho một hành động quân sự.

Điều 53. Bảo hộ các tài sản văn hóa và những nơi thờ cúng

Không làm phương hại đến các quy định của Công ước La-hay ngày 14/5/1954 về bảo hộ các tài sản văn hóa trong trường hợp có xung đột vũ trang và các văn kiện quốc tế liên quan khác, nay nghiêm cấm:

1. Bất kỳ hành động thù địch nào đối với các đền đài lịch sử, các công trình nghệ thuật hay những nơi thờ cúng mà tạo thành di sản văn hóa hoặc tinh thần của các dân tộc.

2. Sử dụng các tài sản này để hỗ trợ cho các hành động quân sự.

3. Dùng các tài sản này làm đối tượng trả thù.

Điều 54. Bảo hộ những tài sản thiết yếu cho sự tồn tại của thường dân

1. Cấm sử dụng nạn đói như một phương pháp chiến tranh để chống lại thường dân.

2. Cấm tấn công, phá hủy, lấy đi hay làm mất giá trị sử dụng các tài sản thiết yếu cho sự tồn tại của thường dân, như thực phẩm và vùng nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm, mùa màng, gia súc, các công trình và nơi dự trữ nước uống và các công trình thủy lợi, nhằm không cho thường dân hoặc Bên đối phương sử dụng cho sự tồn tại của họ, dù bất kỳ vì lý do gì như việc gây ra nạn đói cho thường dân, buộc họ phải di chuyển hay vì mọi lý do khác.

3. Những điều cấm nêu ở đoạn 2 không được áp dụng nếu các tài sản đã liệt kê được một Bên đối phương sử dụng:

a. Vì sự tồn tại cho riêng các thành viên của các lực lượng vũ trang của mình;

b. Vì các mục tiêu khác ngoài mục đích cung cấp trên đây nhưng được coi là sự hỗ trợ trực tiếp cho một hành động quân sự, tuy nhiên phải với điều kiện là trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được có hành động chống lại các tài sản này khiến có thể làm cho thường dân thiếu ăn hay thiếu uống và bị đói khát hoặc bị buộc phải di chuyển.

4. Các tài sản này không phải là đối tượng của các cuộc trả thù.

5. Căn cứ vào những đòi hỏi trọng yếu của mọi bên trong cuộc xung đột để bảo vệ lãnh thổ quốc gia của mình chống ngoại xâm, một Bên trong cuộc xung đột được phép không tuân theo các điều cấm ở đoạn 2 trên phạm vi lãnh thổ đó nằm dưới sự kiểm soát của mình khi có yêu cầu bức thiết về quân sự.



Điều 55. Bảo hộ môi trường thiên nhiên

1. Khi tiến hành chiến tranh, phải chú ý bảo hộ môi trường thiên nhiên chống lại những tác hại rộng lớn, lâu dài và nghiêm trọng. Việc bảo hộ này bao gồm cả việc cấm sử dụng các phương pháp hay phương tiện chiến tranh được trù tính để gây ra hoặc có thể gây ra sau này những tác hại như vậy đối với môi trường thiên nhiên, và vì vậy mà làm hại sức khỏe hay sự sống còn của nhân dân.

2. Cấm các cuộc tấn công trả thù đối với môi trường thiên nhiên.

Điều 56. Bảo hộ các công trình và thiết bị chứa đựng những sức mạnh nguy hiểm

1. Các công trình nghệ thuật hay các thiết bị có chứa đựng những sức mạnh nguy hiểm, cụ thể như đập, đê và các nhà máy điện hạt nhân, không phải đối tượng của các cuộc tấn công cho dù đó là những mục tiêu quân sự, khi mà những cuộc tấn công như vậy có thể giải phóng các sức mạnh đó và vì vậy có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho thường dân. Những mục tiêu quân sự khác ở trên hay gần các công trình và thiết bị này không phải là đối tượng của các cuộc tấn công khi mà các cuộc tấn công như vậy có thể giải phóng những sức mạnh nguy hiểm và vì vậy có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho thường dân.

2. Việc bảo hộ đặc biệt chống lại các cuộc tấn công nêu ở đoạn 1 chỉ có thể chấm dứt:

a. Đối với đập, đê nếu nó được sử dụng vào các mục đích khác với chức năng thông thường của nó và làm hậu thuẫn thường xuyên, quan trọng và trực tiếp cho các hoạt động quân sự, và nếu những cuộc tấn công như vậy là phương cách khả thi duy nhất để đình chỉ sự hậu thuẫn này.

b. Đối với các nhà máy điện hạt nhân, nếu nó cung cấp điện cho sự hậu thuẫn thường xuyên, quan trọng và trực tiếp cho các hoạt động quân sự và nếu những cuộc tấn công như vậy là phương cách khả thi duy nhất để đình chỉ sự hậu thuẫn này.

c. Đối với các mục tiêu quân sự khác nằm ngay tại công trình hoặc thiết bị đó hay ở gần đó nếu nó được sử dụng làm hậu thuẫn thường xuyên, quan trọng và trực tiếp cho các hoạt động quân sự và nếu những cuộc tấn công như vậy là phương cách khả thi duy nhất để đình chỉ sự hậu thuẫn này.

3. Trong mọi trường hợp, thường dân và những cá nhân dân sự tiếp tục được hưởng mọi bảo vệ mà luật pháp quốc tế dành cho họ, kể cả những biện pháp phòng ngừa nêu ở Điều 57. Nếu việc bảo hộ chấm dứt và nếu một trong các công trình, thiết bị hay mục tiêu quân sự nêu ở đoạn 1 bị tấn công thì mọi sự phòng ngừa có thể thực hiện được trên thực tế phải được áp dụng để tránh giải phóng những sức mạnh nguy hiểm đó.

4. Cấm trả thù đối với một trong các công trình, thiết bị hay mục tiêu quân sự nêu ở đoạn 1.

5. Các Bên trong cuộc xung đột phải cố gắng không đặt các mục tiêu quân sự gần các công trình hay thiết bị nêu ở đoạn 1. Tuy nhiên, những thiết bị được xây dựng với mục đích duy nhất để bảo vệ các công trình hay thiết bị được bảo hộ chống lại các cuộc tấn công thì được phép và bản thân nó không phải là mục tiêu của các cuộc tấn công với điều kiện là các thiết bị đó không được sử dụng trong các cuộc xung đột, trừ các hành động phòng vệ cần thiết chống lại các cuộc tấn công nhằm vào các công trình hay thiết bị được bảo hộ, và việc trang bị cho nó phải hạn chế ở các vũ khí chỉ có thể sử dụng để đẩy lùi hoạt động của kẻ địch chống lại các công trình, thiết bị được bảo hộ.

6. Các Bên tham gia Nghị định thư và các nước trong cuộc xung đột được khuyến khích ký kết các hiệp định khác giữa họ để đảm bảo việc bảo hộ bổ sung cho các tài sản chứa đựng các sức mạnh nguy hiểm.

7. Để tạo điều kiện nhận dạng các tài sản được điều khoản này bảo hộ, các Bên trong cuộc xung đột có thể đánh dấu các tài sản đó bằng dấu hiệu đặc biệt thành một nhóm ba vòng tròn màu cam tươi trên cùng một trục như đã được chỉ rõ ở Điều 16 Phụ lục I của Nghị định thư này. Việc không có một dấu hiệu như thế không hề miễn cho các Bên trong cuộc xung đột các nghĩa vụ do điều này quy định.

Chương IV: Các biện pháp phòng ngừa



Điều 57. Các biện pháp phòng ngừa trong các cuộc tấn công

1. Các hoạt động quân sự phải được tiến hành cùng với sự quan tâm thường xuyên để tránh gây thiệt hại cho thường dân, những cá nhân dân sự và tài sản có tính chất dân sự.

2. Đối với các cuộc tấn công, những biện pháp phòng ngừa sau đây phải được thực hiện:

a. Những người chuẩn bị hay quyết định một cuộc tấn công phải:

i. Làm mọi việc thực tế có thể làm được để xác minh rằng những mục tiêu tấn công không phải là những cá nhân dân sự, tài sản có tính chất dân sự và không phải là mục tiêu được hưởng quyền bảo hộ đặc biệt mà là những mục tiêu quân sự theo nghĩa của đoạn 2 Điều 52 và việc tấn công những mục tiêu này không bị những quy định của Nghị định thư này cấm.

ii. Dùng tất cả những biện pháp phòng ngừa có thể được khi lựa chọn các biện pháp hay phương pháp tấn công nhằm trong mọi trường hợp, tránh hay làm giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại về sinh mạng cho thường dân, thương vong cho những cá nhân dân sự và những thiệt hại về tài sản có tính chất dân sự có thể ngẫu nhiên xảy ra.

iii. Không tiến hành một cuộc tấn công có thể ngẫu nhiên gây ra những thiệt hại về sinh mạng cho thường dân, thương vong cho những cá nhân dân sự, những thiệt hại về tài sản có tính chất dân sự hoặc tổng hợp tất cả những tổn thất và thiệt hại đó mà có thể cho là quá đáng so với thắng lợi quân sự cụ thể trực tiếp đã được dự kiến.

b. Phải hủy bỏ hay đình chỉ một cuộc tấn công khi thấy rằng, mục tiêu của cuộc tấn công đó không phải là mục tiêu quân sự hay mục tiêu đó được hưởng sự bảo hộ đặc biệt, hay cuộc tấn công đó có thể ngẫu nhiên gây ra những thiệt hại về sinh mạng cho thường dân, thương vong cho những cá nhân dân sự và những thiệt hại về tài sản có tính chất dân sự, hoặc tổng hợp những tổn thất và thiệt hại đó mà có thể cho là quá đáng so với thắng lợi quân sự cụ thể trực tiếp đã được dự kiến.

c. Trong trường hợp các cuộc tấn công có thể ảnh hưởng đến thường dân thì phải báo cáo trước một thời gian cần thiết và bằng các phương tiện có hiệu quả trừ phi hoàn cảnh không cho phép.

3. Khi có thể lựa chọn giữa nhiều mục tiêu quân sự để đạt được một lợi ích quân sự tương đương thì phải chọn mục tiêu mà việc tấn công có thể gây ít nguy hiểm nhất cho những cá nhân dân sự hoặc cho các tài sản có tính chất dân sự.

4. Phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của mình được quy định trong các quy tắc của luật quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang trong khi tiến hành các hoạt động quân sự trên biển hoặc trên không, mỗi Bên trong cuộc xung đột phải có những biện pháp phòng ngừa hợp lý để tránh những thiệt hại về sinh mạng cho thường dân và các thiệt hại về tài sản có tính chất dân sự.

5. Không một quy định nào của điều khoản này có thể được giải thích là cho phép các cuộc tấn công chống lại thường dân, những cá nhân dân sự hay các tài sản có tính chất dân sự.



Điều 58. Các hiện pháp phòng ngừa chống lại tác hại của các cuộc tấn công

1. Trong chừng mực mà thực tế có thể được, các Bên trong cuộc xung đột: Không làm ảnh hưởng đến Điều 49 của Công ước IV, phải cố gắng đưa thường dân, những cá nhân dân sự và các tài sản có tính chất dân sự dưới quyền của mình lánh xa các mục tiêu quân sự.

2. Phải tránh đặt các mục tiêu quân sự ở bên trong hay gần các vùng đông dân cư.

3. Phải dùng các biện pháp đố phòng cần thiết khác để bảo hộ thường dân, những cá nhân dân sự và các tài sản có tính chất dân sự dưới quyền của mình chống lại sự nguy hiểm do các hoạt động quân sự gây ra.

Chương V: Các địa điểm và các khu vực dưới sự bảo hộ đặc biệt

Điều 59. Các địa điểm không có phòng thủ

1. Cấm các Bên trong cuộc xung đột, dù bằng phương tiện gì, tấn công các địa điểm không có phòng thủ.

2. Những nhà đương cục có thẩm quyền của một Bên trong cuộc xung đột có thể tuyên bố địa điểm không có phòng thủ là tất cả các khu vực dân cư nào ở gần, hay ở trong một vùng có các lực lượng vũ trang tiếp cận và để ngỏ cho sự chiếm đóng của đối phương. Một địa điểm như vậy phải có những điều kiện sau đây:

a. Tất cả chiến sĩ cũng như vũ khí, phương tiện quân sự lưu động phải được rời đi.

b. Không được sử dụng các thiết bị hoặc các cơ sở quân sự cố định vào mục đích thù địch.

c. Các nhà đương cục và thường dân không được gây ra các hành động đối địch.

d. Không được tiến hành bất cứ hành động nào hỗ trợ cho các hoạt động quân sự.

3. Sự có mặt trong địa điểm này của những người được các Công ước và Nghị định thư này bảo hộ đặc biệt và của các lực lượng cảnh sát được giữ lại với mục đích duy nhất là duy trì trật tự, không trái với các điều kiện nêu ra ở đoạn 2.

4. Tuyên bố theo như đoạn 2 phải được gửi cho Bên đối phương và phải xác định và chỉ rõ bằng biện pháp càng cụ thể càng tốt các giới hạn của địa điểm không có phòng thủ. Một Bên trong cuộc xung đột nhận được tuyên bố phải hồi báo việc nhận được đó và phải coi địa điểm đó như một địa điểm không có phòng thủ, trừ phi những điều kiện nêu ở đoạn 2 thực sự không được thực hiện. Trong trường hợp như thế, một Bên trong cuộc xung đột này phải thông báo ngay cho Bên đưa ra tuyên bố biết. Ngay cả khi những điều kiện nêu ra ở đoạn 2 không được thực hiện, địa điểm phải tiếp tục được hưởng sự bảo hộ nêu trong những quy định khác của Nghị định thư này và trong các quy tắc khác của luật pháp quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang.

5. Các Bên trong cuộc xung đột có thể thỏa thuận về việc lập ra các địa điểm không có phòng thủ ngay cả khi những địa điểm này không có đầy đủ những điều kiện nêu ra ở đoạn 2. Thỏa thuận phải xác định và chỉ ra càng chính xác càng tốt những giới hạn của địa điểm không có phòng thủ; trường hợp cần thiết, thỏa thuận có thể ấn định những thể thức kiểm soát.

6. Bên có thẩm quyền đối với một địa điểm là đối tượng của sự thỏa thuận đó, trong chừng mực có thể được, phải đánh dấu địa điểm bằng các dấu hiệu có thỏa thuận với phía Bên kia, và các dấu hiệu phải đặt ở những nơi dễ nhìn thấy, nhất là ở ngoại vi và các giới hạn của địa điểm và trên các đường chính.

7. Một địa điểm sẽ mất quy chế của địa điểm không có phòng thủ nếu nó không còn đáp ứng các điều kiện nêu ra ở đoạn 2 hay trong thỏa thuận nêu ra ở đoạn 5. Trong trường hợp như thế, địa điểm phải tiếp tục được hưởng sự bảo hộ nêu trong các quy định khác của Nghị định thư này và trong các quy tắc khác của luật pháp quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang.



Điều 60. Các khu phi quân sự

1. Cấm các Bên trong cuộc xung đột mở rộng các hoạt động quân sự của họ ra các khu vực mà họ đã thỏa thuận dành cho quy chế khu phi quân sự, nếu sự mở rộng đó trái với những quy định của thỏa thuận này.

2. Thỏa thuận này phải rõ ràng, có thể là thỏa thuận miệng hay bằng văn bản, hoặc trực tiếp hay qua trung gian của Nước bảo hộ, hay một tổ chức nhân đạo vô tư và có thể bằng những tuyên bố phù hợp với nhau do hai Bên đưa ra. Thỏa thuận có thể được ký kết trong thời bình cũng như sau khi đã xảy ra xung đột và phải xác định và chỉ rõ, càng chính xác càng tốt, giới hạn khu phi quân sự; trong trường hợp cần thiết thỏa thuận phải ấn định các thể thức kiểm soát.

3. Đối tượng của thỏa thuận như vậy thường là một khu vực có những điều kiện sau đây:

a. Tất cả các chiến sĩ cũng như vũ khí và phương tiện quân sự lưu động phải được rời đi nơi khác.

b. Không được sử dụng các thiết bị hay các cơ sở quân sự cố định vào mục đích thù địch.

c. Các nhà đương cục và thường dân không gây ra các hành động đối địch.

d. Mọi hoạt động liên quan đến nỗ lực quân sự phải đình chỉ.

Các Bên trong cuộc xung đột phải thỏa thuận với nhau về việc giải thích điều kiện nêu ra ở điểm d và về những người được chấp nhận trong khu phi quân sự ngoài những người nêu ở đoạn 4.

4. Sự có mặt trong khu vực nay của những người được các Công ước và Nghị định thư này bảo hộ đặc biệt và của các lực lượng cảnh sát được giữ lại với mục đích duy nhất là duy trì trật tự không trái với những quy định nêu ra ở đoạn 3.

5. Bên có thẩm quyền với một khu vực như vậy, trong chừng mực có thể được, phải đánh dấu khu vực đó bằng các dấu hiệu mà đã có sự thỏa thuận với bên kia; các dấu hiệu phải đặt ở những nơi dễ nhìn thấy, nhất là ở ngoại vi và ở các đường giới hạn của khu vực và trên các trục đường chính.

6. Nếu chiến sự xảy ra ở gần khu phi quân sự và nếu các Bên trong cuộc xung đột đã ký thỏa thuận về khu phi quân sự thì không một Bên nào được sử dụng khu vực này với mục đích liên quan đến việc tiến hành các hoạt động quân sự và không đơn phương hủy bỏ quy chế đó.

7. Trong trường hợp một Bên trong cuộc xung đột vi phạm các quy định chủ yếu ở đoạn 3, hay đoạn 6 thì Bên kia sẽ hết nghĩa vụ đối với thỏa thuận về quy chế của khu phi quân sự. Trong trường hợp đó, khu vực sẽ mất quy chế của nó nhưng phải tiếp tục được hưởng sự bảo hộ nêu trong các quy định khác của Nghị định thư này và những quy tắc khác của luật pháp quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang.

Chương VI: Phòng vệ dân sự



Điều 61. Định nghĩa và phạm vi áp dụng

Nhằm các mục đích của Nghị định thư này:

1. Danh từ "phòng vệ dân sự" chỉ việc thực hiện tất cả các nhiệm vụ nhân đạo hay đa số những nhiệm vụ được nêu dưới đây, nhằm bảo hộ thường dân khỏi bị những nguy hiểm của chiến sự hoặc do thảm họa gây ra và giúp họ vượt qua những tác hại trước mắt cũng như bảo đảm những điều kiện cần thiết cho sự sống còn của họ. Những nhiệm vụ đó là:


  1. Tổ chức báo động;

  2. Sơ tán;

  3. Giúp đỡ và tổ chức phòng tránh;

  4. Sử dụng những biện pháp tắt đèn;

  5. Cứu vớt;

  6. Tổ chức y tế kể cả sơ cứu đầu tiên và giúp đỡ tôn giáo;

  7. Cứu hỏa;

  8. Xác định vị trí và đánh dấu các khu vực nguy hiểm;

  9. Chống truyền nhiễm và các biện pháp bảo hộ tương tự;

  10. Cho tạm trú và tiếp tế khẩn cấp;

  11. Giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp để tái lập và duy trì trật tự trong các vùng bị tai nạn;

  12. Tái lập khẩn cấp các cơ sở phục vụ công cộng thiết yếu;

  13. Tổ chức chôn cất khẩn cấp;

  14. Giúp đỡ để bảo hộ các tài sản chủ yếu cho sự sống còn;

  15. Có các hoạt động bổ sung cần thiết để thực hiện một trong các nhiệm vụ kể trên, bao gồm cả việc vạch kế hoạch và tổ chức, nhưng không hạn chế ở những biện pháp đó.

2. Danh từ "cơ quan phòng vệ dân sự" chỉ các cơ sở và các đơn vị khác được nhà đương cục có thẩm quyền của một Bên trong cuộc xung đột lập ra hay cho phép để thực hiện một trong những nhiệm vụ nêu ra ở điểm a và nó chỉ được lập ra và sử dụng nhằm những nhiệm vụ này.

3. Danh từ "nhân viên" của các cơ quan phòng vệ dân sự chỉ những người mà một Bên trong cuộc xung đột cử ra chỉ nhằm thực hiện những nhiệm vụ nêu ra ở điểm a, kể cả những nhân viên được cơ quan có thẩm quyền Bên đó cử ra chỉ để làm công việc quản lý hành chính cho các cơ quan này.

4. Danh từ "phương tiện" của các cơ quan phòng vệ dân sự chỉ định các trang bị, các đồ tiếp tế và các phương tiện vận tải mà các cơ quan này sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ nêu ra ở điểm a.

Điều 62. Bảo hộ chung

1. Theo những quy định của Nghị định thư này và nhất là những quy định của phần này, các cơ quan dân sự về phòng vệ dân sự cũng như nhân viên của nó phải được tôn trọng và bảo hộ. Các tổ chức này có quyền thực hiện các nhiệm vụ phòng vệ dân sự của nó, trừ trường hợp cần thiết cấp bách về quân sự.

2. Những quy định của đoạn một cũng được áp dụng cho những cá nhân dân sự dù họ không thuộc các cơ quan dân sự về phòng vệ dân sự nhưng đáp ứng lời kêu gọi của nhà đương cục có thẩm quyền và làm nhiệm vụ phòng vệ dân sự dưới sự kiểm soát của những nhà đương cục đó.

3. Các nhà cửa và trang bị được sử dụng vào mục đích phòng vệ dân sự cũng như các hầm trú ẩn cho thường dân do Điều 52 chi phối. Các tài sản được sử dụng nhằm phòng vệ dân sự không thể bị phá hủy hay sử dụng khác với mục đích của chúng trừ phi bởi Bên có tài sản ấy.



Điều 63. Phòng vệ dân sự trong các lãnh thổ bị chiếm đóng

1. Trong các lãnh thổ bị chiếm đóng, các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự phải được các nhà đương cục dành cho những sự thuận lợi cần thiết để thực hiện những nhiệm vụ của mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân viên của các tổ chức này sẽ không bị bắt buộc tiến hành những hành động có thể cản trở việc thực hiện đúng đắn những nhiệm vụ này.

Nước chiếm đóng không thể đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào về cơ cấu và nhân viên các tổ chức này để có thể làm phương hại đến việc hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ của các tổ chức đó. Các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự này sẽ không bị bắt buộc dành ưu tiên cho công dân hay lợi ích của Nước chiếm đóng đó.

2. Nước chiếm đóng không được bắt buộc, cưỡng bức hay khuyến khích các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự thực hiện nhiệm vụ của họ để làm phương hại bằng bất kỳ cách nào đến lợi ích của thường dân.

3. Vì các lý do an ninh, Nước chiếm đóng có thể tước vũ khí của nhân viên phòng vệ dân sự.

4. Nước chiếm đóng không được sử dụng khác với công dụng thực sự cũng như không được tịch thu nhà cửa hay phương tiện do các cơ quan phòng vệ dân sự sở hữu hoặc sử dụng, nếu việc sử dụng chệch hướng và tịch thu đó có hại cho thường dân.

5. Nước chiếm đóng có thể trưng dụng hay sử dụng khác với công dụng thực sự của các phương tiện này, miễn là phải tiếp tục thực hiện các quy tắc chung nêu ra ở đoạn 4 và theo các điều kiện đặc biệt sau đây:

a. Nhà cửa hay phương tiện này là cần thiết cho những nhu cầu khác của thường dân;

b. Việc trưng dụng hay sử dụng khác đi như vậy chỉ kéo dài trong thời gian tồn tại sự cần thiết đó.

6. Nước chiếm đóng không được trưng dụng hay sử dụng khác với công dụng thực tế hầm trú ẩn danh cho thường dân hay cần thiết cho thường dân.



Điều 64. Các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự của các Nước trung lập hay của các Nước khác không tham gia xung đột và các tổ chức quốc tế phối hợp

1. Các Điều 62, 63, 65 và 66 cũng được áp dụng đối với nhân viên và phương tiện của các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự của các Nước trung lập hay của các Nước khác không tham gia xung đột mà thực hiện các nhiệm vụ phòng vệ dân sự nêu ở Điều 61 trên lãnh thổ của một Bên trong cuộc xung đột, với sự thỏa thuận và dưới sự kiểm soát của Bên đó. Việc thông báo sự giúp đỡ này cho Bên đối phương hữu quan phải được đưa ra ngay khi có thể được. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hoạt động này sẽ không bị coi là can thiệp vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, hoạt động này phải được thực hiện trên cơ sở chú ý thích đáng đến quyền lợi an ninh của các Bên trong cuộc xung đột hữu quan.

2. Các Bên trong cuộc xung đột nhận được sự giúp đỡ nêu ở đoạn 1 và các Bên ký kết dành sự giúp đỡ đó khi cần đến phải tạo thuận lợi cho việc phối hợp quốc tế các hành động phòng vệ dân sự này. Trong trường hợp này, các quy định của Chương này được áp dụng cho các tổ chức quốc tế có thẩm quyền.

3. Trong lãnh thổ bị chiếm đóng, Nước chiếm đóng chỉ có thể loại trừ hay hạn chế các hoạt động của các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự của các Nước trung lập hay các Nước khác không tham gia xung đột và các tổ chức quốc tế phù hơn nếu Nước chiếm đóng có thể đảm bảo việc thực hiện thích đáng các nhiệm vụ phòng vệ dân sự bằng những phương tiện của mình hay các phương tiện của lãnh thổ bị chiếm đóng.



Điều 65. Chấm dứt việc bảo hộ

1. Việc bảo hộ dành cho các tổ chức phòng vệ dân sự, nhân viên, nhà cửa, hầm trú ẩn và trang bị của các tổ chức đó chỉ có thể chấm dứt nếu các thứ này gây ra hay được sử dụng để gây ra những hành động có hại cho địch ngoài nhiệm vụ của chúng. Tuy nhiên, mỗi khi xảy ra trường hợp đó, việc bảo hộ chỉ chấm dứt sau khi có một sự cảnh cáo ấn định một thời hạn hợp lý để chấm dứt mà không có hiệu quả.

2. Sẽ không bị coi là hành động có hại cho địch:

a. Việc thực hiện các nhiệm vụ phòng vệ dân sự dưới sự lãnh đạo hay giám sát của các nhà đương cục quân sự;

b. Việc nhân viên dân sự của phòng vệ dân sự hợp tác với nhân viên quân sự để thực hiện những nhiệm vụ phòng vệ dân sự hay việc những nhân viên quân sự tham gia vào các tổ chức dân sự về phòng vệ dân sự.

c. Việc thực hiện những nhiệm vụ phòng vệ dân sự có thể ngẫu nhiên làm lợi cho những nạn nhân là nhân viên quân sự, đặc biệt là những người bị loại khỏi vòng chiến đấu.

3. Cũng sẽ không bị coi là hành động có hại cho địch việc các nhân viên dân sự của phòng vệ dân sự mang vũ khí nhẹ cá nhân để duy trì trật tự hay để tự vệ Tuy nhiên, trong các vùng đang diễn ra chiến sự trên bộ hoặc chiến sự có thể diễn ra, các Bên trong cuộc xung đột phải đưa ra những quy định thích hợp để giới hạn các vũ khí này trong phạm vi các vũ khí cầm tay như súng ngắn, súng lục, nhằm để dễ dàng phân biệt giữa nhân viên phòng vệ dân sự và chiến sĩ. Ngay dù nhân viên phòng vệ dân sự mang vũ khí cá nhân hạng nhẹ khác trong các vùng này, họ cũng phải được tôn trọng và bảo hộ ngay khi nhận ra họ.

4. Việc các tổ chức phòng vệ dân sự được tổ chức theo kiểu mẫu quân sự cũng như tính chất bắt buộc của nhiệm vụ đòi hỏi đối với các nhân viên của các tổ chức đó cũng sẽ không làm cho tổ chức này và nhân viên của họ bị mất sự bảo hộ của Chương này.



Điều 66. Việc nhận dạng

1. Mỗi Bên trong cuộc xung đột phải cố gắng làm sao để các tổ chức phòng vệ dân sự của mình, nhân viên, nhà cửa và phương tiện của các tổ chức đó có thể được nhận dạng khi nó chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ phòng vệ dân sự. Các nơi trú ẩn dành cho thường dân phải được nhận dạng theo cách tương tự.

2. Mỗi Bên trong cuộc xung đột cũng phải cố gắng lựa chọn và thực hiện các biện pháp và thủ tục nhận dạng các hầm trú ẩn dân sự cũng như nhân viên, nhà cửa, phương tiện phòng vệ dân sự có mang dấu hiệu phân biệt quốc tế của phòng vệ dân sự.

3. Trong các lãnh thổ bị chiếm đóng và trong các vùng chiến sự đang diễn ra hay có thể diễn ra, nhân viên dân sự phòng vệ dân sự được nhận biết bằng việc sử dụng dấu hiệu phân biệt quốc tế của phòng vệ dân sự và thẻ căn cước chứng nhận quy chế của họ.

4. Dấu hiệu phân biệt quốc tế của phòng vệ dân sự là một hình tam giác đều màu xanh lơ trên nền màu da cam khi nó được sử dụng để bảo hộ các tổ chức phòng vệ dân sự, nhân viên, nhà cửa, phương tiện của các tổ chức đó hay để bảo hộ các nơi trú ẩn dân sự.

5. Ngoài dấu hiệu phân biệt, các Bên trong cuộc xung đột có thể thỏa thuận về việc sử dụng các tín hiệu phân biệt nhằm mục đích nhận dạng các cơ sở phòng vệ dân sự.

6. Việc áp dụng những quy định từ đoạn 1 đến 4 do Chương V của Phụ lục I Nghị định thư này chi phối.

7. Trong thời bình, dấu hiệu nêu ở đoạn 4, với sự thỏa thuận của các nhà đương cục quốc gia có thẩm quyền, có thể được sử dụng với mục đích nhận dạng các cơ sở phòng vệ dân sự.

8. Các Bên tham gia Nghị định thư này và các Bên trong cuộc xung đột phải dùng những biện pháp cần thiết để kiểm soát việc sử dụng dấu hiệu phân biệt quốc tế của phòng vệ dân sự và để phòng ngừa và trừng trị việc làm dụng dấu hiệu đó.

9. Việc nhận dạng nhân viên y tế và tôn giáo, các đơn vị y tế và phương tiện vận tải y tế của phòng vệ dân sự cũng được chi phối bởi Điều 18.



Điều 67. Thành viên các lực lượng vũ trang và các đơn vị quân sự thuộc các tổ chức phòng vệ dân sự

1. Những thành viên các lực lượng vũ trang và các đơn vị quân sự thuộc các tổ chức phòng vệ dân sự phải được tôn trọng và bảo hộ với điều kiện:

a. Những nhân viên và các đơn vị này phải thường xuyên thực hiện mọi nhiệm vụ nêu ở Điều 61 và chỉ làm những nhiệm vụ ấy.

b. Nếu đã nhận nhiệm vụ này thì những nhân viên này không được làm những nhiệm vụ quân sự khác trong khi có xung đột.

c. Những nhân viên này phải được phân biệt rõ ràng với những thành viên khác của các lực lượng vũ trang bằng cách mang công khai dấu hiệu phân biệt quốc tế của phòng vệ dân sự, dấu hiệu này phải có độ lớn thích hợp, và những nhân viên này phải có một thẻ căn cước xác nhận quy chế của họ như đã nêu ở Chương V Phụ lục I của Nghị định thư này.

d. Những nhân viên và các đơn vị này chỉ được trang bị vũ khí cá nhân loại nhẹ nhằm duy trì trật tự hoặc tự vệ. Những quy định nêu ở đoạn 3 Điều 65 cũng phải được áp dụng trong trường hợp này.

e. Những nhân viên này không trực tiếp tham gia vào chiến sự và họ không được gây ra hay không bị sử dụng để gây ra các hành động có hại cho đối phương, ngoài nhiệm vụ phòng vệ dân sự của họ.

f. Những nhân viên và các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ phòng vệ dân sự của họ chỉ trên lãnh thổ quốc gia của Bên họ.

Việc không tuân thủ những quy định nêu ở khoản e bởi mọi thành viên của các lực lượng vũ trang bị những điều kiện nêu ở khoản a và b ràng buộc thì bị cấm.

2. Những thành viên thuộc nhân viên quân sự phục vụ trong các tổ chức phòng vệ dân sự, nếu họ bị rơi vào tay đối phương thì sẽ là tù binh. Trên lãnh thổ bị chiếm đóng, những nhân viên này có thể được sử dụng làm các nhiệm vụ phòng vệ dân sự trong chừng mực cần thiết nhưng chỉ vì lợi ích của thường dân trong lãnh thổ này, tuy nhiên với điều kiện họ phải tự nguyện nếu việc làm này là nguy hiểm.

3. Nhà cửa và những phương tiện quan trọng và những phương tiện vận tải của các đơn vị quân sự dành cho các tổ chức phòng vệ dân sự phải được đánh dấu rõ ràng bằng dấu hiệu phân biệt quốc tế của phòng vệ dân sự. Dấu hiệu này cũng phải có độ lớn thích hợp.

4. Nhà cửa và phương tiện của các đơn vị quân sự được các tổ chức phòng vệ dân sự sử dụng thường xuyên và chỉ được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ phòng vệ dân sự nếu rơi vào tay đối phương phải do luật chiến tranh chi phối. Tuy nhiên, nhà cửa, phương tiện đó không thể bị sử dụng trái với mục đích của chúng chừng nào mà chúng còn cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng vệ dân sự, ngoại trừ trường hợp có sự cần thiết cấp bách về quân sự, trừ phi đã có những biện pháp được thi hành trước để đáp ứng thích đáng những nhu cầu của thường dân.




tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương