CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG



tải về 2.09 Mb.
trang16/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

PHẦN II: VẬN TẢI Y TẾ

Điều 21. Xe y tế

Các xe y tế phải được tôn trọng và bảo hộ theo thể thức mà các Công ước và Nghị định thư này nêu ra cho các đơn vị y tế lưu động.



Điều 22. Tàu bệnh viện và các thuyền bè cứu hộ ven bờ

1. Những quy định của các Công ước về:

a. Các tàu nêu ở các Điều 22, 24, 25 và 27 của Công ước II.

b. Các xuồng cứu sinh và các xuồng của các tàu đó;

c. Nhân viên và thủy thủ đoàn của các tàu, thuyền đó;

d. Những người bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu đang ở trên tàu, thuyền cũng sẽ được áp dụng khi mà các tàu, các xuồng hay các thuyền này vận chuyển những thường dân bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu không thuộc một trong các loại người nêu ở Điều 13 của Công ước II.

Tuy nhiên, những thường dân này không thể bị trao cho bất kỳ bên nào mà họ không thuộc quyền cũng như không thể bị bắt ở ngoài biển. Nếu những người này nằm dưới quyền lực của một Bên trong cuộc xung đột không phải là Bên của họ, thì Công ước IV và Nghị định thư này phải được áp dụng đối với họ.

2. Việc bảo hộ mà các Công ước dành cho các tàu nêu ở Điều 25 của Công. ước II cũng được áp dụng cho cả các tàu bệnh viện mà các Nước và tổ chức sau đây dành cho một Bên trong cuộc xung đột sử dụng vào các mục đích nhân đạo:

a. Nước trung lập hay Nước không tham gia xung đột;.

b. Một tổ chức quốc tế vô tư có tính chất nhân đạo, với điều kiện trong cả hai trường hợp là những điều kiện nêu trong điều này phải được thực hiện;

3. Những thuyền bè ở Điều 27 của Công ước II phải được bảo hộ, ngay cả khi việc thông báo nêu trong điều này không được thực hiện. Tuy nhiên, các Bên trong cuộc xung đột phải thông báo cho nhau tất cả các yếu tố về các thuyền bè này để phân biệt và nhận dạng ra chúng dễ dàng hơn.

Điều 23. Các tàu, thuyền y tế khác

1. Các tàu thuyền y tế, ngoài những tàu, thuyền nêu ở Điều 22 của Nghị định thư này và ở Điều 38 của Công ước II, dù ở trên biển hay các vùng lãnh hải khác, phải được tôn trọng và bảo hộ theo thể thức mà các Công ước và Nghị định thư này dành cho các đơn vị y tế lưu động. Việc bảo hộ những tàu thuyền này chỉ có thể có hiệu quả nếu các tàu ấy có thể được xác định và được nhìn nhận là các tàu thuyền y tế, vì vậy, các tàu, thuyền này phải mang dấu hiệu phân biệt và trong chừng mực có thể được phải tuân theo các quy định của Điều 43, khoản 2 của Công ước II.

2. Những tàu và thuyền nêu ở đoạn 1 chịu sự chi phối của pháp luật chiến tranh. Mọi tàu chiến trên mặt biển mà có đủ khả năng khiến cho lệnh của mình được thi hành ngay lập tức thì có thể ra lệnh cho các tàu thuyền đó dừng lại, lánh xa hay đi theo một đường nhất định, và số tàu thuyền này phải tuân theo các lệnh đó Các tàu thuyền này không được làm trái sứ mệnh y tế của chúng bằng sứ mệnh khác chừng nào chúng còn cần thiết cho những người bị thương, bị bệnh, bị đắm tàu còn đang ở trên tàu.

3. Việc bảo hộ nêu ở đoạn 1 chỉ được chấm dứt trong các điều kiện nêu ở các Điều 34 và 35 của Công ước II. Việc dứt khoát từ chối tuân theo mệnh lệnh đưa ra theo đoạn 2 là một hành động có hại cho địch theo ý nghĩa của Điều 34 của Công ước II.

4. Mỗi Bên trong cuộc xung đột có thể thông báo cho Bên đối phương càng sớm càng tốt trước khi khởi hành về tên, các đặc điểm, giờ dự kiến khởi hành, đường đi và tốc độ ước tính của các tàu hay thuyền y tế, đặc biệt nếu đó là tàu trọng tải trên 2.000 tấn và có thể thông báo tất cả các tin tức khác để tạo thuận lợi cho việc phát hiện và nhận dạng chúng. Phía đối phương phải xác nhận đã tiếp nhận các thông tin này.

5. Những quy định trong Điều 37 của Công ước II được áp dụng cho nhân viên y tế và tôn giáo trên các tàu và thuyền này.

6. Những quy định thích hợp của Công ước được áp dụng cho những người bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu thuộc các thành phần được nêu ở Điều 13 của Công ước II và Điều 44 của Nghị định thư này và đang ở trên các tàu, thuyền y tế này. Những cá nhân dân sự bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu không thuộc các thành phần nêu ở Điều 13 của Công ước II nếu họ đang ở trên biển thì không bị trao cho một Bên không thuộc Bên của họ, cũng không bị buộc phải rời tàu, tuy nhiên nếu họ đang thuộc quyền của một Bên trong cuộc xung đột không phải là Bên của họ thì Công ước IV và Nghị định thư này được áp dụng đối với họ.

Điều 24. Bảo hộ các máy bay y tế

Các máy bay y tế phải được tôn trọng và bảo hộ phù hợp với những quy định của mục này.



Điều 25. Máy bay y tế trong các vùng mà đối phương không có ưu thế

Trong các vùng đất do các lực lượng đồng minh thực tế có ưu thế hay trong các vùng biển mà một Bên đối phương thực tế không có ưu thế và cả trong vùng trời của các vùng này, việc tôn trọng và bảo hộ các máy bay y tế của một Bên trong cuộc xung đột không phụ thuộc vào thỏa thuận của Bên đối phương. Tuy nhiên, nhằm tăng cường an ninh cho máy bay y tế, một Bên trong cuộc xung đột sử dụng các máy bay y tế của mình trong các khu vực này có thể đưa ra các thông báo như dự kiến ở Điều 29 cho Bên đối phương, đặc biệt khi máy bay này tiến hành các chuyến bay nằm trong tầm hoạt động của các hệ thống vũ khi đất đối không của Bên đối phương.



Điều 26. Máy bay y tế trong các vùng tiếp cận hay tương tự

1. Trong các khu vực của vùng tiếp cận mà các lực lượng đồng minh thực tế có ưu thế cũng như trong các khu vực mà thực tế không có một lực lượng nào có ưu thế một cách rõ ràng và trong các vùng trời tương ứng các vùng này, việc bảo hộ các máy bay y tế chỉ có thể có hiệu quả đầy đủ nếu như có sự thỏa thuận trước giữa các nhà chức trách quân sự có thẩm quyền của các Bên trong cuộc xung đột như đã được dự kiến ở Điều 29. Nếu không có sự thỏa thuận như vậy thì các máy bay y tế hoạt động phải tự chịu trách nhiệm về sự rủi ro. Tuy nhiên, các máy bay y tế phải được tôn trọng khi nó được nhận ra là máy bay y tế.

2. Danh từ "vùng tiếp cận" chỉ tất cả các vùng đất mà các đơn vị tiền phương của các lực lượng đối địch tiếp cận nhau, đặc biệt là những nơi mà các đơn vị đó có nguy cơ bị vũ khí từ mặt đất trực tiếp bắn vào.

Điều 27. Máy bay y tế trong các khu vực mà Bên đối phương có ưu thế

1. Các máy bay y tế của một Bên trong cuộc xung đột phải được bảo hộ trong khi bay trên các vùng đất hay vùng biển mà Bên đối phương thực tế có ưu thế với điều kiện phải có thỏa thuận trước của nhà chức trách có thẩm quyền của Bên đối phương với các chuyến bay này.

2. Một máy bay y tế bay trên một vùng mà Bên đối phương thực tế có ưu thế mà không có thỏa thuận trước nêu ở đoạn 1 hoặc trái với thỏa thuận này, vì lầm lẫn đường bay hoặc do một tình huống khẩn cấp đe dọa sự an toàn của chuyến bay, phải làm hết sức để cho Bên đối phương nhận dạng và thông báo cho Bên đối phương biết. Ngay khi nhận dạng một máy bay y tế như vậy, Bên đối phương sẽ phải có mọi sự cố gắng hợp lý để ra lệnh hạ cánh trên mặt đất hay trên mặt biển theo đoạn 1 Điều 30, hay sử dụng những biện pháp khác nhằm bảo vệ lợi ích của mình, và trong cả hai trường hợp này phải cho máy bay thời gian để tuân lệnh, trước khi tấn công nó.

Điều 28. Những hạn chế về việc sử dụng máy bay y tế

1. Cấm các Bên trong cuộc xung đột sử dụng máy bay y tế của mình nhằm thu được thuận lợi quân sự đối với Bên đối phương. Không được sử dụng máy bay y tế nhằm bảo vệ các mục tiêu quân sự tránh khỏi các cuộc tấn công.

2. Các máy bay y tế không được sử dụng để thu thập hoặc truyền đi các tin tức có tính chất quân sự và không được vận chuyển thiết bị, các nhân viên hay hàng hóa không nằm trong định nghĩa đã nêu ở điểm i Điều 8. Việc chuyên chở những đồ dùng cá nhân cho những người trên máy bay hay thiết bị chỉ dành cho việc tạo thuận lợi cho chuyến bay, cho việc liên lạc hay nhận dạng, không bị coi là cấm.

3. Các máy bay y tế không được chở những vũ khí khác ngoài những vũ khí mang theo người và đạn dược thu được của những người bị thương, bị bệnh, hay bị đắm tàu đang ở trên máy bay mà chưa được trao cho một cơ quan có thẩm quyền, và những vũ khí cá nhân nhẹ cần thiết để cho phép các nhân viên y tế trên máy bay tự vệ hay bảo vệ những người bị thương, bị bệnh hay bị đắm tàu do họ chịu trách nhiệm.

4. Trong khi tiến hành các chuyến bay nêu ở Điều 26 và 27, các máy bay y tế không được sử dụng để tìm kiếm những người bị thương, bị bệnh hay bị đắm tàu trừ phi có thỏa thuận trước với phía đối phương.

Điều 29. Thông báo và thỏa thuận về các máy bay y tế

1. Các thông báo nêu ở Điều 25 hay những yêu cầu thỏa thuận trước nêu ở các Điều 26 và 27, đoạn 4 Điều 28 và Điều 31 phải chỉ rõ số lượng dự kiến các máy bay y tế, kế hoạch bay và các phương tiện nhận dạng của các máy bay này. Các thông báo này phải được hiểu là mỗi chuyến bay phải được thực hiện phù hợp theo các quy định của Điều 28.

2. Bên nhận được một thông báo theo Điều 25 phải thông báo lại ngay việc đã nhận được thông báo ấy.

3. Bên nhận được một yêu cầu về thỏa thuận trước phù hợp các Điều 26, 27 hoặc 31 hay đoạn 4 Điều 28 phải thông báo trong thời gian càng nhanh càng tốt cho Bên đưa ra yêu cầu:

a. Hoặc là chấp nhận yêu cầu;

b. Hoặc là bác bỏ yêu cầu;

c. Hoặc là có thể đề nghị hợp lý cho việc sửa đổi yêu cầu;

Nước nhận yêu cầu cũng có thể đề nghị cấm hay hạn chế những chuyến bay khác trong khu vực trong giai đoạn nhất định. Nếu Bên đưa ra yêu cầu chấp thuận các phản đề nghị thì phải thông báo cho phía Bên kia sự chấp thuận của mình.

4. Các Bên phải thi hành các biện pháp cần thiết để có thể tiến hành nhanh chóng các thông báo và ký kết các thỏa thuận này.

5. Các Bên cũng phải sử dụng các biện pháp cần thiết để làm sao cho nội dung thích hợp của các thông báo này và các thỏa thuận được phổ biến nhanh chóng cho các đơn vị quân sự có liên quan và phải hướng dãn các đơn vị đó về những phương tiện nhận dạng mà các máy bay y tế có liên quan sẽ sử dụng.



Điều 30. Việc hạ cánh và kiểm soát các máy bay y tế

1. Các máy bay y tế bay trên các vùng mà Bên đối phương thực tế có ưu thế hay trên các vùng thực tế không có một lực lượng nào có ưu thế rõ ràng có thể bị yêu cầu hạ cánh trên đất hoặc trên mặt biển tùy sự thích hợp, để thi hành việc kiểm soát như được nêu trong các đoạn sau đây. Các máy bay y tế phải tuân theo mọi mệnh lệnh thuộc loại này.

2. Nếu một máy bay y tế hạ cánh trên đất liền hay trên mặt biển theo mệnh lệnh hay vì lý do khác, máy bay này chỉ có thể bị kiểm soát để xác minh những điểm nêu ra ở đoạn 3 và 4. Việc kiểm soát phải được tiến hành không chậm trễ và thực hiện nhanh chóng. Bên tiến hành việc kiểm soát không được đòi hỏi những người thương binh và bệnh binh ra khỏi máy bay, trừ phi việc này là tối cần thiết cho việc kiểm soát. Trong mọi trường hợp, Bên kiểm soát phải giữ gìn để việc kiểm soát hay việc đòi hỏi ra khỏi máy bay không làm trầm trọng thêm tình trạng của những thương binh và bệnh binh.

3. Nếu việc kiểm soát cho thấy máy bay đó:

a. Là một máy bay y tế theo nghĩa của điểm i Điều 8;

b. Không vi phạm những điều kiện của Điều 28, và

c. Không tiến hành chuyến bay mà không có hay vi phạm thỏa thuận trước, khi bắt buộc phải có một thỏa thuận như vậy, thì máy bay với những người trên đó hoặc thuộc một Bên đối phương, hoặc thuộc một Nước trung lập hoặc thuộc một Nước không tham gia xung đột phải được phép tiếp tục chuyến bay không bị chậm trễ.

4. Nếu việc kiểm soát cho thấy máy bay đó:

a. Không phải là máy bay y tế theo định nghĩa của điểm i Điều 8;

b. Vi phạm những điều kiện của Điều 28, hay

c. Tiến hành chuyến bay mà không có hoặc vi phạm thỏa thuận trước, khi bắt buộc phải có một thỏa thuận như vậy, thì máy bay có thể bị tịch biên. Những người trên máy bay đó phải được đối xử theo những quy định thích hợp của các Công ước và Nghị định thư này. Trường hợp máy bay bị tịch biên mà trước đó đã được sử dụng như là máy bay y tế thường trực thì sau này nó chỉ có thể được sử dụng như một máy bay y tế.

Điều 31. Các Nước trung lập hoặc các Nước không tham gia xung đột

1. Các máy bay y tế không được bay qua hoặc hạ cánh trên đất liền hay mặt biển thuộc lãnh thổ một Nước trung lập hay một Nước không tham gia xung đột, trừ khi có sự thỏa thuận trước. Tuy nhiên, nếu có sự thỏa thuận trước thì các máy bay này phải được tôn trọng trong suốt quá trình bay hay trong thời gian hạ cánh ngừng lại ở trên lãnh thổ của các nước đó. Dù vậy, tùy trường hợp, các máy bay này phải tuân theo mọi mệnh lệnh hạ cánh trên đất liền hay trên mặt biển.

2. Trường hợp không có thỏa thuận hay trái với những quy định đã thỏa thuận mà một máy bay y tế bay trên lãnh thổ một Nước trung lập hay một Nước không tham gia xung đột thì bất kể do lầm lẫn đường bay hay do nguyên nhân của một tình huống khẩn cấp tác động đến an toàn của chuyến bay, máy bay đó phải cố gắng thông báo về chuyến bay và làm cho được nhận dạng. Ngay khi Nước có máy bay này bay vào nhận ra đó là một máy bay y tế, Nước đó phải có mọi cố gắng thích hợp để ra lệnh cho nó hạ cánh trên đất liền hay trên mặt biển như đã nêu ở đoạn 1 Điều 30, hay sử dụng những biện pháp khác nhằm bảo vệ những lợi ích của Nước mình, và trong hai trường hợp này, cho máy bay thời gian để tuân lệnh trước khi tấn công nó.

3. Nếu như một máy bay y tế, theo thỏa thuận hay những điều kiện nêu ra ở đoạn 2, hạ cánh trên đất liền hay trên mặt đất biển thuộc lãnh thổ của một Nước trung lập hay một Nước khác không tham gia xung đột theo mệnh lệnh hay vì lý do khác, máy bay có thể bị kiểm soát nhằm xác định nó có thực là máy bay y tế không. Việc kiểm soát phải được tiến hành không chậm trễ và nhanh chóng. Bên tiến hành kiểm soát không được yêu cầu những thương binh và bệnh binh thuộc Bên sử dụng máy bay phải ra khỏi máy bay, trừ phi việc ra khỏi máy bay là tối cần thiết cho việc kiểm soát. Trong mọi trường hợp, bên kiểm soát phải giữ gìn để việc kiểm soát hay ra khỏi máy bay không làm trầm trọng thêm tình trạng của thương binh và bệnh binh. Nếu việc kiểm soát cho thấy nó thực sự là máy bay y tế thì máy bay đó cùng những người trên máy bay phải được phép tiếp tục chuyến bay và phải được hưởng sự thuận lợi thích hợp, trừ những người phải giữ lại theo những quy tắc của luật quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang. Nếu việc kiểm soát cho thấy máy bay đó không phải là máy bay y tế thì máy bay sẽ bị tịch biên và những người trên máy bay sẽ được đối xử theo quy định của đoạn 4.

4. Trừ những người chỉ phải rời khỏi máy bay một cách tạm thời, còn những người bị thương, bị bệnh hay bị đắm tàu phải rời khỏi một máy bây y tế trên lãnh thổ của một Nước trung lập hay một Nước không tham gia xung đột với sự thỏa thuận của các đương cục địa phương, sẽ được Nước này cầm giữ khi các quy tắc của luật quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang đòi hỏi làm thế nào để những người này không trở lại tham gia chiến đấu, trừ phi có sự dàn xếp khác giữa Nước này với các Bên xung đột. Những chi phí về việc điều trị ở bệnh viện và việc quản thúc phải do Nước mà những người này trực thuộc đảm nhận.

5. Nước trung lập hoặc các Nước khác không tham gia xung đột phải áp dụng một cách công bằng các điều kiện hay những hạn chế có thể đối với các chuyến bay hay việc hạ cánh của các máy bay y tế của các Bên tham gia xung đột trên lãnh thổ của mình.



PHẦN III: NHỮNG NGƯỜI MẤT TÍCH VÀ NGƯỜI CHẾT

Điều 32. Nguyên tắc chung

Trong khi áp dụng phần này, hành động của các Bên tham gia Nghị định thư, các Bên trong cuộc xung đột và các tổ chức nhân đạo quốc tế nêu trong các Công ước và Nghị định thư này, trước tiên được thúc đẩy bởi quyền của các gia đình được biết số phận các thân nhân của họ.



Điều 33. Những người mất tích

1. Ngay khi hoàn cảnh cho phép và chậm nhất là ngay sau khi chấm dứt chiến sự, mỗi Bên trong cuộc xung đột phải tìm kiếm những người mà Bên đối phương báo cáo là mất tích. Bên đối phương nói trên phải thông báo tất cả những tin tức hữu ích về những người này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm họ.

2. Đối với những người không được hưởng chế độ ưu đãi hơn quy chế của các Công ước hay Nghị định thư này, nhằm tạo thuận lợi cho việc thu nhập các tin tức dự kiến ở đoạn trên, mỗi Bên trong cuộc xung đột phải:

a. Đăng ký những tin tức nêu ở Điều 138 Công ước IV về những người bị cầm giữ, bị tù đày hay bị bắt giữ bằng cách khác trên hai tuần lễ vì lý do chiến sự hay chiếm đóng, hay những người đã chết trong thời kỳ bị giam cầm.

b. Bằng mọi biện pháp có thể được, phải tạo thuận lợi và, nếu cần thiết, phải tiến hành việc tìm kiếm và phải đăng ký những tin tức về những người này nếu họ chết trong những hoàn cảnh khác vì lý do chiến sự hay chiếm đóng.

3. Những tin tức về những người được báo là mất tích theo đoạn 1 và những yêu cầu về những tin tức này được chuyển giao hoặc trực tiếp, hoặc thông qua Nước bảo hộ hay Trung tâm Tìm kiếm của ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế hay của các Hội Chữ thập đỏ quốc gia (Trăng lưỡi liềm đỏ, Sư tử và Mặt trời đỏ). Khi những tin tức này không được chuyển giao qua trung gian Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế hay Trung tâm Tìm kiếm của ủy ban, mỗi Bên trong cuộc xung đột phải làm sao để cho những tin tức này cũng được cung cấp cho Trung tâm Tìm kiếm.

4. Các Bên trong cuộc xung đột phải cố gắng thỏa thuận về những quy định cho phép các đội đi tìm kiếm, nhận dạng và thu nhặt những người chết trong vùng có chiến sự; nếu có trường hợp xảy ra thì những quy định này có thể dự kiến là các đội này sẽ có nhân viên của Bên đối phương đi kèm khi các đội này làm nhiệm vụ của họ trong các vùng dưới sự kiểm soát của Bên đối phương. Nhân viên của các đội này phải được tôn trọng và bảo hộ khi họ chỉ thực hiện các sứ mệnh trên đây.

Điều 34. Hài cốt của những người chết

1. Hài cốt của những người chết vì các lý do liên quan đến sự chiếm đóng hay bị cầm giữ là kết quả từ sự chiếm đóng hay xung đột, và hài cốt của những người không phải là công dân của nước nơi họ chết vì lý do xung đột phải được tôn trọng và mồ mả của những người này phải được tôn trọng, giữ gìn và đánh dấu như đã được nêu trong Điều 130 của Công ước IV, chừng nào mà những hài cốt và mồ mả này không được hưởng một chế độ ưu đãi hơn quy chế của các Công ước và Nghị định thư này.

2. Ngay khi hoàn cảnh và quan hệ giữa các Bên đối địch cho phép, các Bên tham gia Nghị định thư mà trên lãnh thổ của mình có mồ mả và có thể có hài cốt của những người chết vì lý do chiến sự, hoặc trong thời kỳ chiếm đóng hay bị cầm giữ, phải ký kết các thỏa thuận nhằm:

a. Tạo thuận lợi cho thân nhân gia đình có người chết và đại diện các cơ quan chính thức đăng ký mồ mả đến thăm các mồ mả và đề ra các quy định về thủ tục cụ thể cho việc đi thăm này;

b. Đảm bảo thường xuyên việc bảo vệ và giữ gìn các mồ mả này;

c. Tạo thuận lợi cho việc mang hài cốt và những đồ dùng cá nhân của những người chết về nước họ theo yêu cầu của nước đó hay của gia định, trừ khi nước này phản đối.

3. Trường hợp không có các thỏa thuận nêu ở khoản b hoặc c của đoạn 2, và nếu Nước có những người chết không sẵn sàng bảo đảm việc giữ gìn các mồ mả này bằng chi phí của họ thì Bên tham gia Nghị định thư này mà trên lãnh thổ của mình có những mồ mả như vậy có thể tạo thuận lợi cho việc hồi hương các hài cốt. Nếu việc tạo thuận lợi này không được chấp thuận sau năm năm, thì Bên đó sau khi đã thông báo cho Nước có người chết, có thể áp dụng những quy định được nêu trong luật pháp của mình đối với nghĩa trang và mồ mả.

4. Bên tham gia Nghị định thư mà trên lãnh thổ của mình có mồ mả nêu ở điều này chỉ được phép bốc các hài cốt trong các trường hợp sau đây:

a. Trong các điều kiện đã được nêu ở đoạn 2(c) và đoạn 3, hay

b. Khi mà việc bốc các hài cốt đặt ra vì lý do lợi ích công cộng, kể cả những trường hợp cần thiết vì lý do y tế và điều tra, trong những trường hợp như vậy, bên tham gia Nghị định thư này phải luôn luôn tôn trọng hài cốt của những người chết và thông báo cho Nước có người chết ý định của mình bốc hài cốt ấy đồng thời đưa ra những chỉ dẫn về địa điểm dự kiến cho việc an táng lại các hài cốt ấy.



MỤC III: NHỮNG PHƯƠNG PHÁP VÀ PHƯƠNG TIỆN
CHIẾN TRANH - QUY CHẾ CỦA CHIẾN SĨ VÀ TÙ BINH


PHẦN 1: NHỮNG PHƯƠNG PHÁP
VÀ PHƯƠNG TIỆN CHIẾN TRANH


Điều 35. Những quy tắc cơ bản

1. Trong mọi cuộc xung đột vũ trang, quyền lựa chọn những phương pháp và phương tiện chiến tranh của các Bên trong cuộc xung đột không phải là vô hạn.

2. Cấm sử dụng các vũ khí, đạn dược và các chất cũng như các phương pháp chiến tranh có tính chất gây đau đớn không cần thiết.

3. Cấm dùng những phương pháp hay phương tiện chiến tranh được trù tính để gây ra hoặc có thể gây ra những thiệt hại rộng lớn, lâu dài và nghiêm trọng đó với môi trường thiên nhiên.



Điều 36. Vũ khí mới

Trong việc nghiên cứu, phát triển, thu nhận hay áp dụng một loại vũ khí mới, những phương tiện mới hay một phương pháp chiến tranh mới, Bên tham gia Nghị định thư có nghĩa vụ phải xác định xem việc sử dụng ấy có bị các quy định của Nghị định thư này hay mọi quy tắc khác của luật quốc tế áp dụng cho mình cấm trong một số hoàn cảnh hay trong mọi hoàn cảnh hay không.



Điều 37. Việc cấm các thủ đoạn bội tín

1. Cấm giết, làm bị thương hay bắt kẻ địch bằng việc dùng các thủ đoạn bội tín. Được coi là thủ đoạn bội tín nếu các hành động được tiến hành với ý đồ đánh lừa nhằm lợi dụng lòng thành thật của kẻ địch để làm cho họ tưởng là họ có quyền được bảo hộ hay có nghĩa vụ phải bảo hộ theo các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang. Những hành động sau đây là thí dụ về thủ đoạn bộ tín:



  1. Giả vờ có ý định thương lượng bằng cách dùng cờ ngừng bắn hoặc giả vờ đầu hàng;

  2. Giả vờ bất lực do bị thương hay bị bệnh;

  3. Giả vờ có thân phận dân sự hoặc không phải là chiến binh;

  4. Giả vờ có một quy chế được bảo hộ bằng cách sử dụng các dấu hiệu, phù hiệu hay đồng phục của Liên Hợp Quốc, của các Nước trung lập hay các Nước khác không tham gia xung đột.

2. Những mưu mẹo chiến tranh không bị cấm. Được coi là những mưu mẹo chiến tranh nếu các hành động nhằm mục đích đánh lừa địch hay làm cho họ phạm phải những điều thiếu thận trọng nhưng những hành động đó không được vi phạm bất kỳ quy tắc nào của luật pháp quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang, và những hành động này, vì không nhằm lợi dụng lòng thành thật của kẻ địch đối với việc bảo hộ của luật này nên không phải là thủ đoạn bội tín. Những hành động sau đây là thí dụ về mưu mẹo chiến tranh: sử dụng ngụy trang, đánh lừa, nghi binh, tung tin giả.

Điều 38. Các biểu tượng được công nhận

1. Cấm sử dụng không hợp thức dấu hiệu phân biệt Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ hay Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ hay những biểu tượng khác, các dấu hiệu, tín hiệu do các Công ước hoặc Nghị định thư này quy định. Trong cuộc xung đột vũ trang cũng cấm cố ý lạm dụng các biểu tượng, dấu hiệu hay tín hiệu bảo hộ khác được quốc tế công nhận, kể cả cờ ngưng bắn và biểu tượng bảo hộ các tài sản văn hóa.

2. Cấm sử dụng biểu tượng phân biệt của Liên Hợp Quốc ngoài các trường hợp mà việc sử dụng đó được tổ chức này cho phép.

Điều 39. Các biểu tượng quốc tịch

1. Trong cuộc xung đột vũ trang, cấm sử dụng cờ, biểu tượng quân đội, huy hiệu hay quân phục của Nước trung lập hay của các nước khác không tham gia xung đột.

2. Cấm dùng cờ, cờ hiệu, các biểu tượng, huy hiệu hay quân phục của các Bên đối phương trong các cuộc tấn công hoặc để che giấu, tạo thuận lợi, bảo vệ hay ngăn cản các hoạt động quân sự.

3. Không một quy định nào của Điều này hay của đoạn 1(d) Điều 37 làm ảnh hưởng đến những luật lệ hiện hành được luật pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi áp dụng đối với việc do thám thay sử dụng cờ hiệu trong khi tiến hành các cuộc xung đột vũ trang trên biển.



Điều 40. Khoan hồng

Cấm đưa ra mệnh lệnh giết sạch không để một ai sống sót, cấm đe dọa kẻ địch như vậy hay tiến hành các hành động đối địch theo quyết định đó.



Điều 41. Bảo hộ kẻ địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu

1. Tùy từng hoàn cảnh, những người đã hoặc phải được thừa nhận là bị loại khỏi vòng chiến đấu phải không bị coi là đối tượng của một cuộc tấn công.

2. Những người bị loại khỏi vòng chiến đấu là:

a. Người đã nằm dưới quyền lực của một Bên đối phương,

b. Người bày tỏ rõ ràng ý định đầu hàng, hay

c. Người đã bất tỉnh hay bất lực vì lý do khác do các vết thương, bệnh tật và vì vậy không tự bảo vệ được với điều kiện là, trong mọi trường hợp họ không tham gia các hành động đối địch và không có ý định chạy trốn.

3. Khi những người có quyền hưởng sự bảo hộ dành cho tù binh bị rơi vào tay đối phương trong các điều kiện bất thường của cuộc chiến đấu mà việc di chuyển họ như đã nêu ở Mục III Phần I của Công ước III bị ngăn cản, họ phải được trả tự do và mọi sự dự phòng cần thiết phải được áp dụng để đảm bảo an toàn cho họ.

Điều 42. Những người trên máy bay

1. Không một ai khi nhảy dù khỏi một máy bay gặp tai nạn sẽ là đối tượng của sự tấn công trong lúc đang nhảy dù.

2. Khi chạm đất thuộc lãnh thổ do đối phương kiểm soát, người nhảy dù từ máy bay gặp tai nạn phải được có khả năng để đầu hàng trước khi trở thành đối tượng bị tấn công, trừ phi họ tỏ ra có hành động đối địch.

3. Điều khoản này không bảo hộ những đội lính dù.




tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương