CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG


Chương IX: Chế tài hình sự và Chế tài kỷ luật



tải về 2.09 Mb.
trang14/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

Chương IX: Chế tài hình sự và Chế tài kỷ luật

Điều 117. Những Điều khoản chung. Luật lệ áp dụng

Ngoại trừ các quy định của Chương này, pháp chế hiện hành trên lãnh thổ người bị quản thúc đang ở phải được áp dụng đối với họ nếu họ phạm pháp trong thời kỳ bị quản thúc.

Nếu những luật lệ, quy tắc và những mệnh lệnh chung tuyên bố trừng phạt những hành động nào đó của người bị quản thúc, trong khi người không bị quản thúc lại không bị trừng phạt khi có cùng vi phạm, thì chỉ có thể áp dụng chế tài kỷ luật đối với những hành động như vậy.

Mỗi người bị quản thúc chỉ có thể bị trừng phạt một lần vì vi phạm cùng một hành động hay vì cùng một lý do truy tố.



Điều 118. Hình phạt

Để định án phạt, tòa án hay nhà cầm quyền phải chú trọng tối đa đến thực tế là bị can không phải là công dân của Quốc gia giam giữ. Tòa án và nhà cầm quyền được quyền giảm nhẹ án phạt đã định cho hành động phạm pháp của người bị quản thúc và không bắt buộc phải áp dụng mức án tối thiểu.

Cầm tù trong điều kiện không ánh sáng mặt trời và bất cứ một hình thức ác độc nào đều bị nghiêm cấm.

Người bị quản thúc đã chấp hành án hay hình phạt kỷ luật sẽ không bị đối xử khác với những người bị quản thúc khác.

Thời gian bị tạm giam mà người bị quản thúc đã trải qua phải được khấu trừ vào thời gian giam giữ theo hình phạt kỷ luật hay tư pháp mà họ phải chấp hành.

Là đại diện cho người bị quản thúc, ủy ban Người bị quản thúc phải được thông báo về tất cả các vụ truy tố người bị quản thúc cũng như kết quả của những vụ đó.



Điều 119. Hình phạt kỷ luật

Những hình phạt kỷ luật đối với người bị quản thúc như sau:

1. Phạt tiền tối đa là 50% tiền lương mà người bị quản thúc được hưởng theo quy định ở Điều 95 trong thời hạn không quá 30 ngày;

2. Cắt những quyền lợi được hưởng ngoài phạm vi đối xử được quy định trong Công ước này;

3. Lao động nặng nhọc không quá hai giờ mỗi ngày để duy tu nơi quản thúc;

4. Bị giam.

Những hình phạt kỷ luật không được vô nhân đạo, tàn ác và nguy hiểm cho sức khỏe của người bị quản thúc. Cần phải chú ý đến tuổi tác, giới tính hoặc tình hình sức khỏe của họ.

Thời hạn của mỗi hình phạt không được phép vượt quá 30 ngày liên tiếp, ngay cả trong những trường hợp người bị quản thúc bị cáo buộc về nhiều vi phạm kỷ luật và dù cho những vi phạm ấy có liên quan với nhau hay không.



Điều 120. Trốn trại

Người bị quản thúc bị bắt sau khi trốn trại hoặc đang tìm cách trốn trại chỉ phải chịu hình phạt kỷ luật kể cả khi tái phạm.

Tuy nhiên, theo đoạn 3 của Điều 118, người bị quản thúc bị phạt vì trốn trại có thể phải chịu một chế độ giám sát riêng với điều kiện là chế độ này không được làm tổn hại đến sức khỏe của họ, phải được thi hành ngay tại nơi quản thúc và không được tước bỏ bất kỳ các đảm bảo nào mà họ được hưởng theo quy định của Công ước này.

Người bị quản thúc góp sức vào một vụ trốn trại hoặc mưu toan trốn trại cũng chỉ phải chịu hình phạt kỷ luật.



Điều 121. Các tội phạm có liên quan

Trong trường hợp người bị quản thúc bị truy tố vì phạm tội trong khi đang trốn trại thì việc trốn trại hoặc mưu toan trốn trại, dù là tái phạm, cũng không bị xem như một tình tiết tăng nặng trong quá trình xét xử.

Các Bên xung đột phải đảm bảo rằng cơ quan thẩm quyền sẽ có sự khoan hồng trong việc định tội của người bị quản thúc là hình phạt kỷ luật hay hình phạt tư pháp, đặc biệt là các tội có liên quan đến việc trốn trại dù là có thành công hay không.

Điều 122. Điều tra, giam giữ chờ xét hỏi

Phải điều tra ngay về những hành động cấu thành tội phạm về kỷ luật. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định này trong trường hợp người bị quản thúc trốn trại hoặc âm mưu trốn trại. Người bị quản thúc trốn trại bị bắt trở lại phải được giao cho nhà chức trách có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

Trong trường hợp phạm tội về kỷ luật, thời hạn tạm giam để chờ xét xử áp dụng cho mọi người bị quản thúc phải được hạn chế ở mức tối thiểu và không được vượt quá 14 ngày. Trong mọi trường hợp, thời hạn tạm giam phải được khấu trừ vào bất cứ án phạt mất tự do nào.

Những quy định ở Điều 124 và 125 phải được áp dụng cho người bị quản thúc bị tạm giam chờ xét xử vì phạm lỗi kỷ luật.



Điều 123. Các cấp chức năng. Thủ tục

Những hình phạt kỷ luật chỉ có thể được tuyên bố bởi người chỉ huy trại quản thúc, hoặc một sĩ quan có thẩm quyền hoặc một quan chức thay thế hoặc được người chỉ huy ủy thác thi hành kỷ luật.

Trước khi tuyên bố một hình phạt kỷ luật, người bị quản thúc bị kết tội phải dược thông báo một cách tỉ mỉ về những tội mà họ bị cáo buộc. Họ phải được phép giải trình về hành động của mình và tự bào chữa. Đặc biệt, họ được phép gọi nhân chứng, và khi cần nhờ sự giúp đỡ của một phiên dịch có năng lực. Quyết định phải được thông báo trước sự có mặt của bị cáo và một thành viên của ủy ban Người bị quản thúc.

Thời hạn kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đến ngày thi hành không được quá một tháng.

Khi người bị quản thúc bị phạt tiếp một hình phạt kỷ luật khác, và khi thời hạn của một trong hai hình phạt ấy là từ 10 ngày trở lên, thì việc thi hành hai hình phạt ấy sẽ phải cách nhau ít nhất là 3 ngày.

Người quản lý trại quản thúc sẽ phải lưu giữ hồ sơ về các hình phạt kỷ luật và phải cung cấp hồ sơ này cho đại diện của Quốc gia bảo hộ vì mục đích điều tra.



Điều 124. Địa điểm thi hành hình phạt kỷ luật

Trong bất kỳ trường hợp nào, không được phép đưa người bị quản thúc sang những cơ sở giam giữ (như nhà tù, trại giam...) để họ chịu hình phạt kỷ luật.

Địa điểm để người bị quản thúc thi hành hình phạt kỷ luật phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, nhất là phải có đủ chỗ nằm. Người bị quản thúc thi hành hình phạt phải có đủ điều kiện để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Phụ nữ bị quản thúc mà chịu hình phạt kỷ luật phải được ở khu riêng biệt với nam giới và phải đặt dưới sự giám sát trực tiếp của phụ nữ.



Điều 125. Các đảm bảo thiết yếu

Người bị quản thúc bị phạt kỷ luật phải được phép tập thể dục hàng ngày và ra ngoài trời ít nhất hai giờ mỗi ngày.

Họ phải được phép đến các buổi khám sức khỏe hàng ngày, nếu có nhu cầu; họ phải được chăm sóc về phương diện y tế tùy theo tình trạng sức khỏe, và khi cần thiết, phải được đưa đến bệnh xá của nơi quản thúc hoặc đến bệnh viện. Họ được phép đọc và viết, gửi và nhận thư từ. Tuy nhiên, tiền bạc và đồ vật gửi đến chỉ được giao khi họ đã chấp hành xong hình phạt. Trong khi chờ đợi, tiền bạc và đồ vật gửi cho người bị quản thúc sẽ được giao cho ủy ban Người bị quản thúc giữ; ủy ban này phải giao cho bệnh sá những vật dụng dễ hỏng có trong các gói hàng.

Người bị quản thúc bị phạt về kỷ luật sẽ không bị tước mất quyền lợi được quy định theo Điều 107 và 143 của Công ước này.



Điều 126. Điều khoản áp dụng với các thủ tục tòa án

Các Điều từ 7 1 đến 76 phải được áp dụng tương tự đối với những vụ truy tố người bị quản thúc trên lãnh thổ Quốc gia giam giữ.



CHƯƠNG X: VIỆC DI CHUYỂN NGƯỜI BỊ QUẢN THÚC

Điều 127. Điều kiện

Việc di chuyển người bị quản thúc bao giờ cũng phải được thực hiện một cách nhân đạo. Theo lệ chung, việc này phải được tiến hành bằng xe lửa hoặc những phương tiện giao thông khác và trong điều kiện ít. nhất cũng phải tương đương với điều kiện di chuyển của quân đội Quốc gia giam giữ khi chuyển nơi đóng quân. Nếu trong trường hợp hết sức đặc biệt mà phải đi bộ thì việc di chuyển chỉ thực hiện khi tình trạng sức khỏe của người bị quản thúc cho phép, và không bao giờ được làm cho họ mệt nhọc quá sức.

Trong khi di chuyển, Quốc gia giam giữ phải cung cấp cho người bị quản thúc nước uống và thức ăn đủ chất, đủ lượng và đủ loại khác nhau để đảm bảo sức khỏe của họ cũng như cung cấp quần áo, chỗ ở và thuốc men cần thiết. Quốc gia giam giữ phải tiến hành những biện pháp dự phòng cần thiết để đảm bảo an ninh cho họ trong khi di chuyển và lập một bản danh sách đầy đủ những người bị quản thúc phải di chuyển trước khi họ lên đường.

Người bị quản thúc ốm đau, bị thương hoặc khuyết tật và sản phụ sẽ không phải di chuyển nếu chuyến đi gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của họ trừ phi sự an toàn của họ đòi hỏi cấp thiết phải thực hiện sự di chuyển ấy.

Nếu mặt trận lan gấp đến một nơi quản thúc, thì người bị quản thúc ở nơi đó chỉ có thể bị di chuyển khi việc di chuyển có thể được tiến hành trong những điều kiện đủ để đảm bảo an ninh cho họ hoặc khi thấy rằng, nếu ở lại, họ sẽ bị nhiều nguy hiểm hơn là chuyển đi.

Khi quyết định di chuyển người bị quản thúc, Quốc gia giam giữ phải chú ý đến quyền lợi của họ, đặc biệt là tránh làm khó khăn hơn việc hồi hương hoặc trở về nơi trú quán của họ.



Điều 128. Biện pháp

Trong trường hợp di chuyển, người bị quản thúc phải được thông báo chính thức ngày lên đường và địa chỉ gửi thư mới. Thông báo này phải được gửi đến kịp thời để họ có thể chuẩn bị hành lý và báo cho gia đình biết.

Họ được phép mang theo đồ dùng cá nhân, thư từ và các vật dụng đã gửi đến cho họ. Trọng lượng của hành lý có thể bị hạn chế nếu điều kiện di chuyển đòi hỏi như vậy nhưng không được dưới 25 kg mỗi người.

Thư từ và bưu phẩm gửi đến cho họ theo địa chỉ nơi quản thúc cũ phải được chuyển đến ngay cho họ mà không được chậm trễ.

Người quản lý trại quản thúc phải thỏa thuận với ủy ban Người bị quản thúc để định ra những biện pháp cần thiết nhằm di chuyển số tài sản chung của những người bị quản thúc và số hành lý mà người bị quản thúc không thể mang theo vì lý do có sự hạn chế được quy định theo đoạn 2 thuộc Điều này.

CHƯƠNG XI: TỬ VONG

Điều 129. Chúc thư. Giấy chứng tử

Người bị quản thúc có thể giao những chúc thư của họ cho những nhà chức trách có trách nhiệm để giữ gìn an toàn. Trong trường hợp người bị quản thúc qua đời, chúc thư của họ phải được chuyển ngay cho những người mà họ đã chỉ định.

Mỗi trường hợp tử vong phải do bác sĩ xác nhận và lập biên bản, nêu rõ nguyên nhân và hoàn cảnh tử vong.

Cũng cần phải lập giấy chứng tử, đăng ký hợp lệ đúng với những quy định hiện hành trên lãnh thổ nơi quản thúc và phải gửi ngay một bản sao giấy chứng tử cho Quốc gia bảo hộ, cũng như Cơ quan Tù binh Trung ương nói ở Điều 140.



Điều 130. Chôn cất. Hỏa táng

Nhà chức trách của Quốc gia giam giữ phải đảm bảo rằng người bị quản thúc chết trong thời gian quản thúc phải được chôn cất tử tế, và nếu có thể, theo nghi lễ tôn giáo của họ, mồ mả của họ phải được tôn trọng, được trông nom tử tế và có đánh dấu để luôn luôn có thể tìm lại được.

Trừ trường hợp bất đắc dĩ phải chôn chung, người bị quản thúc chết đi phải được chôn riêng từng người. Thi hài chỉ có thể hoả táng vì lý do vệ sinh cấp thiết nhất, hoặc vì lý do tôn giáo của người chết hoặc theo nguyện vọng của họ. Trong trường hợp phải hoả táng, phải ghi rõ những lý do trên giấy khai tử của người bị quản thúc. Nhà chức trách Quốc gia giam giữ phải giữ gìn cẩn thận những tro thi hài người chết đó và phải giao cho thân nhân trong thời gian sớm nhất có thể theo yêu cầu của họ.

Ngay khi hoàn cảnh cho phép, trễ nhất là khi chiến tranh chấm dứt, Quốc gia giam giữ phải chuyển giao cho Quốc gia của người bị quản thúc đã quá cố, thông qua Phòng Thông tin nêu ở Điều 136, bản kê mồ mả những người bị quản thúc đã chết. Bản kê phải có tất cả những chi tiết cần thiết để xác định người chết và xác định vị trí chính xác mồ mả của họ.



Điều 131. Những người bị quản thúc bị giết hoặc bị thương trong trường hợp đặc biệt

Mọi trường hợp tử vong hoặc thương tích nặng của một người bị quản thúc mà do một người lính gác, một người bị quản thúc khác hoặc bất cứ một người nào khác, gây ra hoặc nghi là gây ra cũng như mọi trường hợp tử vong mà nguyên nhân chưa rõ đều phải được Quốc gia giam giữ mở ngay một cuộc điều tra chính thức.

Việc này phải được thông báo ngay cho Quốc gia bảo hộ biết. Lời khai của bất cứ người làm chứng nào cũng phải được ghi lại; một báo cáo bao gồm những lời khai ấy phải được lập ra và chuyển cho Quốc gia bảo hộ.

Nếu cuộc điều tra xác định được sự phạm pháp của một hay nhiều cá nhân, Quốc gia giam giữ phải tiến hành mọi biện pháp để truy tố cá nhân hoặc những cá nhân có trách nhiệm trong vụ này trước pháp luật.



CHƯƠNG XII: PHÓNG THÍCH, HỒI HƯƠNG
VÀ LƯU TRÚ TẠI QUỐC GIA TRUNG LẬP


Điều 132. Trong thời gian có chiến sự hoặc bị chiếm đóng

Người bị quản thúc phải được Quốc gia giam giữ phóng thích ngay khi những lý do làm căn cứ cho việc quản thúc không còn tồn tại nữa.

Ngoài ra, trong thời gian có chiến sự, các Bên xung đột phải cố gắng ký kết những thỏa thuận nhằm phóng thích, cho hồi hương, đưa về nơi trú quán hoặc đưa lưu trú tại Quốc gia trung lập một số thành phấn người bị quản thúc, nhất là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ có con còn bú hoặc còn nhỏ tuổi, những người bị thương, bị bệnh, hoặc những người bị quản thúc lâu ngày.

Điều 133. Sau khi kết thúc chiến sự

Sau khi chiến sự kết thúc, việc quản thúc phải chấm dứt càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, người bị quản thúc trên lãnh thổ của một Bên xung đột đang bị truy tố hình sự về những tội không thuộc khung hình phạt kỷ luật thông thường thì có thể bị giữ lại cho đến khi xét xử xong, và nếu cần, cho đến khi hoàn tất hình phạt. Quy định này cũng được áp dụng với những người trước đây bị kết án mất tự do.

Sau khi chiến sự kết thúc, hoặc sau khi lãnh thổ hết bị chiếm đóng, Quốc gia giam giữ và các Quốc gia hữu quan phải thỏa thuận với nhau để thành lập những ủy ban tìm kiếm người bị quản thúc đã bị phân tán.



Điều 134. Hồi hương hoặc đưa về nơi cư trú cuối cùng

Các Bên ký kết phải cố gắng đảm bảo cho tất cả mọi người bị quản thúc được trở về nơi cư trú cuối cùng của họ, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho họ hồi hương khi chiến sự hoặc việc chiếm đóng đã kết thúc.



Điều 135. Các chi phí

Quốc gia giam giữ phải đài thọ chi phí trả số người bị quản thúc được phóng thích về nơi họ ở lúc bị đưa đi quản thúc, hoặc chi phí cần thiết để họ hoàn tất cuộc hành trình hay trở về nơi khởi hành nếu họ bị giữ ở dọc đường hay trên tàu đi trên biển khơi.

Nếu Quốc gia giam giữ không cho phép người bị quản thúc sau khi được phóng thích được ở lại trên lãnh thổ của mình tại nơi mà trước đây họ thường trú,

Quốc gia giam giữ phải đài thọ chi phí hồi hương cho họ. Tuy nhiên nếu người bị quản thúc tự ý muốn hồi hương và tự đảm nhận trách nhiệm hồi hương đó, hoặc muốn hồi hương để tỏ lòng trung thành với Chính phủ của Quốc gia quản lý họ, Quốc gia giam giữ sẽ không phải đài thọ chi phí đi lại kể từ biên giới của Quốc gia ấy trở đi. Quốc gia giam giữ không phải đài thọ chi phí hồi hương của một người bị quản thúc theo yêu cầu của chính họ.

Nếu người bị quản thúc bị thuyên chuyển theo Điều 45, Quốc gia phụ trách thuyên chuyển và Quốc gia tiếp nhận phải thỏa thuận với nhau về phần chi phí mà mỗi Bên phải đài thọ.

Những quy định trên không được làm trở ngại đến những thỏa thuận đặc biệt mà các Bên xung đột có thể ký kết với nhau về vấn đề trao đổi và cho hồi hương công dân của mình đang nằm trong tay địch.

Tiết V: Phòng Thông tin và Cơ quan Thông tin Trung ương

Điều 136. Phòng Thông tin quốc gia

Ngay từ khi xung đột bắt đầu, và trong mọi trường hợp chiếm đóng, mỗi Bên xung đột phải thành lập một Phòng Thông tin chính thức, có nhiệm vụ thu nhận và chuyển tin về những người được bảo hộ thuộc quyền của họ.

Trong thời hạn ngắn nhất, mỗi Bên xung đột phải chuyển cho Phòng Thông tin đó tài liệu về những biện pháp được áp dụng đối với người được bảo hộ bị bắt giữ từ trên hai tuần trở lên, bị chỉ định cư trú hoặc bị quản thúc. Ngoài ra, Bên đó còn giao cho những cơ quan hữu quan của họ nhiệm vụ cung cấp nhanh chóng cho Phòng Thông tin chỉ dẫn về mọi thay đổi có liên quan đến tình trạng của người được bảo hộ như được thuyên chuyển, phóng thích, cho hồi hương, trốn trại, nằm bệnh viện, sinh đẻ và tử vong...

Điều 137. Truyền thông tin

Phòng Thông tin quốc gia phải gửi gấp thông tin về người được bảo hộ cho Quốc gia nơi họ tạm trú bằng những phương tiện nhanh nhất, một mặt qua trung gian của Quốc gia bảo hộ, một mặt qua trung gian của Cơ quan Thông tin Trung ương nêu ở Điều 140. Phòng Thông tin cũng phải trả lời tất cả những yêu cầu về thông tin liên quan đến người được bảo hộ.

Phòng Thông tin phải chuyển mọi thông tin về người được bảo hộ, trừ phi việc ấy có hại cho họ hoặc cho gia đình họ. Ngay cả trong trường hợp sau, Phòng Thông tin vẫn không được phép từ chối không cung cấp những thông tin cần thiết cho Cơ quan Thông tin Trung ương. Cơ quan này, sau khi được thông báo về tình huống trên, phải thực hiện những biện pháp đề phòng cần thiết quy định ở Điều 140. Tất cả các văn bản liên lạc do Phòng Thông tin gửi đi phải có chữ ký hoặc có dấu xác nhận chính thức.

Điều 138. Các chi tiết cần yêu cầu

Thông tin do Phòng Thông tin quốc gia nhận và chuyển đi phải giúp cho việc xác nhận đúng người được bảo hộ và báo tin cho gia đình họ biết một cách nhanh chóng. Thông tin về mỗi người phải bao gồm ít nhất là tên, họ, nơi sinh và ngày sinh đầy đủ, quốc tịch, nơi cư trú cuối cùng, đặc điểm nhận dạng, tên họ cha mẹ, ngày tháng, tính chất và nơi thi hành những biện pháp đã được áp dụng đối với người này, địa chỉ gửi thư, cũng như tên và địa chỉ của người liên hệ khi cần báo tin.

Đồng thời tin tức về tình trạng sức khỏe của những người bị quản thúc bị ốm hay bị thương nặng phải được chuyển đi đều đặn, và nếu có thể, mỗi tuần một lần. Điều 139. Chuyển các đồ dùng cá nhân có giá trị

Ngoài ra, Phòng Thông tin quốc gia còn chịu trách nhiệm thu thập tất cả những đồ dùng cá nhân có giá trị do những người được bảo hộ nêu ở Điều 136 để lại nhất là khi họ được hồi hương, phóng thích, trốn thoát hoặc chết đi, và phải chuyển những đồ dùng ấy cho những người có liên quan một cách trực tiếp hoặc nếu cần thì thông qua Cơ quan Thông tin Trung ương. Những đồ dùng ấy phải được gửi đi trong những gói có đóng dấu xi kèm theo tờ khai ghi thật chính xác lý lịch của chủ nhân và bản kê đồ vật đầy đủ. Việc nhận và gửi đi tất cả những đồ vật có giá trị như thế phải được ghi chi tiết vào sổ sách.



Điều 140. Cơ quan Thông tin Trung ương

Một Cơ quan Thông tin Trung ương về người được bảo hộ, nhất là người bị quản thúc, phải được thành lập ở quốc gia trung lập. Nếu thấy cần thiết, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế phải đề nghị với các Quốc gia hữu quan tổ chức một cơ quan như vậy. Cơ quan này và Cơ quan thông tin trung ương nêu ở Điều 123 của Công ước Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949 về việc đối xử với tù binh chiến tranh có thể cùng là một.

Cơ quan này có trách nhiệm thu thập các loại tin tức nêu ở Điều 136 nhận được qua các kênh chính thức hoặc kênh riêng, và phải chuyển tin tức ấy đi càng nhanh càng tốt cho Quốc gia nguyên quán hoặc Quốc gia cư trú của đương sự, trừ phi việc chuyển tin như vậy có hại cho những người có liên quan đến thông tin hoặc thân nhân của họ. Cơ quan này phải được các Bên xung đột tạo điều kiện thích hợp để chuyển tin.

Các Bên ký kết, đặc biệt là những Quốc gia mà công dân được hưởng sự giúp đỡ của Cơ quan Thông tin Trung ương, phải hỗ trợ tài chính cho Cơ quan này khi được yêu cầu.

Những quy định trên đây không được phép diễn giải theo cách có tính chất hạn chế các hoạt động nhân đạo của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và các hội cứu trợ nêu ở Điều 142.

Điều 141. Miễn giảm chi phí

Phòng Thông tin quốc gia và Cơ quan Thông tin Trung ương được miễn bưu cước và được hưởng các quy định miễn giảm nêu ở Điều 110, và trong chừng mực có thể, được miễn cước phí gửi điện tín hoặc ít nhất cũng được hưởng giảm phần lớn cước phí.



PHẦN 4: THI HÀNH CÔNG ƯỚC

Tiết I: Các quy định chung



Điều 142. Các hội và tổ chức cứu trợ

Trừ những biện pháp mà Quốc gia giam giữ xét thấy cần thiết để đảm bảo an ninh của họ hoặc ứng phó với những nhu cầu hợp lý khác, Quốc gia giam giữ phải tiếp đón niềm nở các tổ chức tôn giáo, các hội cứu trợ, hoặc mọi tổ chức khác đến giúp đỡ người được bảo hộ. Quốc gia giam giữ phải tạo điều kiện cần thiết cho các tổ chức này cũng như cho những đại diện được ủy quyền đến thăm người được bảo hộ, để phát đồ cứu trợ và vật dụng được gửi đến từ bất kỳ các nguồn, nhằm mục đích giáo dục, giải trí hoặc tôn giáo, hoặc để giúp họ tổ chức giải trí trong phạm vi các nơi quản thúc. Các hội hoặc các tổ chức nói trên có thể được thành lập hoặc trên lãnh thổ của Quốc gia giam giữ, hoặc ở một Quốc gia khác, hoặc có thể có tính chất quốc tế.

Quốc gia giam giữ có thể hạn chế số lượng hội và tổ chức có đại diện được phép hoạt động trên lãnh thổ và dưới sự kiểm soát của Quốc gia ấy, với điều kiện là sự hạn chế đó không ngăn trở việc giúp đỡ có hiệu quả và đầy đủ toàn bộ số người được bảo hộ.

Cương vị đặc biệt của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế trong phạm vi này, luôn luôn được công nhận và tôn trọng.



Điều 143. Giám sát

Đại diện hoặc đại biểu của Quốc gia bảo hộ phải được phép đến mọi nơi có người được bảo hộ, nhất là những nơi quản thúc, các nơi giam giữ và các nơi lao động.

Họ được đến những cơ sở do người được bảo hộ sử dụng và được phỏng vấn người được bảo hộ, trực tiếp hoặc thông qua phiên dịch, mà không có người chứng kiến.

Những chuyến viếng thăm như vậy chỉ có thể bị cấm vì lý do yêu cầu quân sự bức thiết, và chỉ trong trường hợp thật đặc biệt và tạm thời. Không được phép hạn chế số lần và thời hạn đến thăm.

Đại diện hoặc đại biểu của Quốc gia bảo hộ được tự do lựa chọn nơi họ muốn đi thăm. Quốc gia giam giữ hoặc Quốc gia chiếm đóng, Quốc gia bảo hộ, và khi cần thiết, Quốc gia nguyên quán của những người được thăm viếng có thể thỏa thuận để những người đồng hương của người bị quản thúc có thể tham gia các cuộc thăm viếng này.

Đại biểu của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cũng được hưởng những quyền nêu trên. Việc chỉ định những đại biểu ấy sẽ phải có sự chấp thuận của quốc gia đang kiểm soát lãnh thổ, nơi mà vị đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình.



Điều 144. Phổ biến Công ước

Các Bên ký kết cam kết phải phổ biến rộng rãi nhất có thể, trong thời bình cũng như thời chiến, nội dung Công ước này trong Quốc gia mình và nhất là đưa nó vào chương trình huấn luyện quân sự, và nếu được, vào chương trình giáo dục công dân để toàn dân các Quốc gia đó đều biết được các nguyên tắc của Công ước. Các nhà chức trách dân sự, quân sự, cảnh sát và các giới liên quan khác đảm nhận những trách nhiệm có liên quan đến người được bảo hộ trong thời chiến phải có trong tay một bản Công ước và phải được hướng dẫn thực hiện những quy định của Công ước này.



Điều 145.

Các Bên ký kết, qua sự trung gian của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ và trong khi có chiến sự qua trung gian của các Quốc gia bảo hộ, phải thông báo cho nhau các bản dịch chính thức của Công ước, cũng như toàn bộ luật pháp và quy tắc được xây dựng nhằm đảm bảo việc thi hành Công ước này.



Điều 146. Trừng phạt

I. Nhận xét chung

Các Bên ký kết phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để trừng phạt về hình sự những người đã thực hiện hoặc đã ra lệnh thực hiện những hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước này được xác định trong điều dưới đây.

Mỗi Bên ký kết phải có nhiệm vụ tìm ra những người bị cho là có những vi phạm hoặc đã ra lệnh tiến hành những vi phạm nghiêm trọng này và phải truy tố những người đó, bất kể là quốc tịch nào trước tòa án nước mình. Bên ký kết cũng có thể, tùy theo quy định của luật pháp nước mình, giao những người vi phạm cho Một Quốc gia ký kết khác có liên quan, với điều kiện bên này có đủ lý lẽ để truy tố người phạm tội.

Mỗi Bên ký kết phải tiến hành những biện pháp cần thiết để đình chỉ những hành động trái với quy định của Công ước này, ngoài những vi phạm nghiêm trọng nêu ở điều sau.

Trong mọi trường hợp, các bị can phải được hưởng những bảo đảm về thủ tục tư pháp và về bào chữa tự do với những điều kiện không thấp hơn điều kiện nêu trong Điều 105 và các điều tiếp theo của Công ước Geneva ngày 12/8/1949 về việc đối xử với tù binh.

Điều 147.

II. Các vi phạm nghiêm trọng

Những vi phạm nghiêm trọng nêu trong Điều trước gồm một trong những hành động xâm phạm đến người hoặc tài sản được Công ước bảo hộ như sau: cố ý giết người, nhục hình hoặc đối xử vô nhân đạo, kể cả việc thí nghiệm về sinh vật học, cố ý gây nhiều đau đớn, hoặc xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể hay sức khỏe; đưa đi đày hoặc di chuyển bất hợp pháp, giam giữ phi pháp, cưỡng bức một người được bảo hộ phải phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Quốc gia thù địch, hoặc tước quyền của họ được xét xử một cách hợp thức và công bằng theo đúng những quy định của Công ước này, bắt làm con tin, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản không có lý do chính đáng về nhu cầu quân sự, và tiến hành theo một quy mô lớn, một cách phi pháp và độc đoán.



Điều 148.

III. Trách nhiệm của các Bên ký kết

Không một Bên ký kết nào có thể tự miễn cho mình hoặc miễn cho Bên ký kết khác những trách nhiệm của mình hoặc của các Bên đối với những vi phạm nêu ở điều trước.



Điều 149. Thể thức điều tra

Theo yêu cầu của một Bên xung đột, cần phải mở một cuộc điều tra về mọi cáo buộc vi phạm Công ước theo thể thức mà các Bên hữu quan ấn định.

Nếu các Bên không thỏa thuận được các thủ tục điều tra, họ phải thỏa thuận chọn một trọng tài, và trọng tài này sẽ quyết định những thủ tục cần phải thi hành. Khi vi phạm đã được xác minh, các Bên xung đột không được chậm trễ trong việc ngăn chặn và trừng trị ngay những vi phạm ấy.

Tiết II: Những quy định cuối cùng



Điều 150. Ngôn ngữ

Công ước này làm bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Cả hai bản đều có giá trị chính thức như nhau.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ chịu trách nhiệm xây dựng bản dịch chính thức của Công ước bằng tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.

Điều 151. Ký Công ước

Từ ngày hôm nay, ngày của Công ước, cho đến hết ngày 12/02/1950, các Quốc gia có đại diện tại Hội nghị khai mạc tại Geneva ngày 21/4/1949, có thể ký tên vào Công ước này.



Điều 152. Phê chuẩn

Công ước này phải được phê chuẩn càng sớm càng tốt, và các văn kiện phê chuẩn phải được nộp lưu chiểu tại Bern.

Khi lưu chiểu mỗi văn kiện phê chuẩn, phải làm một biên bản mà một bản sao được chứng nhận sẽ được Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ gửi cho tất cả các Quốc gia đã ký kết hoặc thông báo gia nhập Công ước.

Điều 153. Có hiệu lực

Công ước này có hiệu lực sáu tháng sau khi có ít nhất hai văn kiện phê chuẩn được nộp lưu chiểu.

Kể từ sau khi có hiệu lực, Công ước sẽ có hiệu lực đối với mỗi Bên ký kết sáu tháng sau khi văn kiện phê chuẩn của họ được nộp lưu chiểu.

Điều 154. Quan hệ với Công ước La-hay

Trong quan hệ giữa các Quốc gia bị ràng buộc với nhau bởi Công ước


La-hay về luật lệ và tập quán chiến tranh trên bộ, dù là Công ước ngày 29/7/1899 hoặc ngày 18/10/1907, và có tham gia Công ước này, Công ước này bổ sung phần II và III của các Điều lệ đính kèm những Công ước La-hay vừa nêu ở trên.

Điều 155. Gia nhập

Kể từ ngày bắt đầu có hiệu lực, tất cả các Quốc gia chưa ký kết hoặc gia nhập Công ước đều có thể tham gia Công ước này.



Điều 156. Thông báo gia nhập

Việc gia nhập Công ước cần được thông báo bằng văn bản cho Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ và có hiệu lực sáu tháng sau khi Hội đồng nhận được văn bản xin gia nhập.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ sẽ thông báo việc gia nhập này cho tất cả các Quốc gia đã ký, hoặc đã gia nhập vào Công ước.

Điều 157. Có hiệu lực ngay lập tức

Các tình huống quy định ở Điều 2 và 3 gây hiệu lực ngay lập tức đối với việc phê chuẩn đã được lưu chiểu và việc gia nhập đã được thông báo bởi các Bên xung đột trước hoặc sau khi chiến sự hay cuộc chiếm đóng bắt đầu. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ sẽ thông báo một cách nhanh nhất việc phê chuẩn hoặc gia nhập nhận được từ các Bên xung đột.



Điều 158. Rút khỏi Công ước

Mỗi một Bên ký kết có quyền tự do rút ra khỏi Công ước này.

Việc rút ra khỏi Công ước phải được thông báo bằng văn bản cho Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ sẽ thông báo cho Chính phủ các Bên ký kết biết về việc này.

Việc rút khỏi Công ước bắt đầu có hiệu lực một năm sau khi thông báo cho Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nếu thông báo được thực hiện vào thời điểm Quốc gia rút khỏi Công ước đang dính lứu vào một cuộc xung đột thì việc đó vẫn không có hiệu lực chừng nào hòa bình chưa được vãn hồi và chừng nào mà việc phóng thích và hồi hương những người được Công ước này bảo hộ chưa kết thúc.

Việc rút ra khỏi Công ước chỉ có giá trị đối với Quốc gia rút ra. Việc này không ảnh hưởng gì đối với các nghĩa vụ mà các Bên xung đột phải thi hành trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, xuất phát từ các tập quán đã được thiết lập giữa các dân tộc văn minh, luật về nhân đạo và lương tâm con người.

Điều 159. Đăng ký với Liên Hợp Quốc

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ sẽ đăng ký Công ước này tại Ban Thư ký Liên Hợp Quốc, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cũng thông báo cho Ban Thư ký Liên Hợp Quốc việc phê chuẩn, xin gia nhập và xin rút ra khỏi Công ước mà Hội đồng nhận được sau này.

Để làm tin, những vị có tên dưới đây, sau khi xuất trình ủy nhiệm thư, đã ký tên vào Công ước này.

Làm tại Geneva, ngày 12/8/1949 bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Bản chính thức được lưu chiểu tại Cục Lưu trữ Liên bang Thụy Sĩ. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ sẽ chuyển cho mỗi Quốc gia đã ký kết Công ước, cũng như những Quốc gia sẽ gia nhập Công ước, một bản sao được chứng nhận của Công ước này.



tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương