Cơ sở cho sự hình thành văn minh phương Đông


ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ, TRUNG ĐẠI



tải về 72.05 Kb.
trang16/16
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2024
Kích72.05 Kb.
#57626
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16
Các vấn đề của văn minh phương Đông

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ, TRUNG ĐẠI
Sự phát triển của bất cứ nền triết học cũng đều dựa trên chính những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội - cái cơ sở vật chất để nó nảy sinh và phát triển. Triết học phương Đông cổ, trung đại cũng vậy. 
- Về mặt địa lý: “phương Đông cổ đại” bao gồm một vùng đất hết sức rộng lớn, từ Ai Cập, Babilon tới Ấn Độ, Trung Hoa...
- Về mặt văn hóa: “phương Đông cổ đại” là nơi sớm xuất hiện nhiều nền văn minh của nhân loại, với các trung tâm nằm bên những con sông lớn như: Hoàng Hà, Trường Giang (Trung Quốc); sông Ấn, sông Hằng (Ấn Độ); sông Nile (Ai Cập), Tigơrơ và Ơphơrát (Lưỡng Hà)…
Nhìn chung lưu vực các con sông nói trên là những vùng đồng bằng phì nhiêu rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. khí hậu ấm áp, nguồn nước phong phú, đất đai màu mỡ và dễ canh tác đã cho phép các quốc gia cổ đại phương Đông phát triển nông nghiệp thuận lợi.
Người phương Đông cổ đại sống trên lưu vực các con sông từ thời nguyên thủy đã sớm phát hiện và lợi dụng những thuận lợi đó để phát triển sản xuất. Cùng với nông nghiệp, thủ công nghiệp cũng phát triển mạnh, xã hội sớm xuất hiện giai cấp và nhà nước.
Chính dựa trên những điều kiện đó, lịch sử triết học của các nước phương Đông xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng thiên niên kỷ thứ III tr.CN. Sự phát triển của tư tưởng triết học phương Đông cổ, trung đại có những đặc điểm mang bản sắc độc đáo so với triết học phương Tây.
Về cơ bản có thể thấy triết học phương Đông cổ, trung đại có những đặc điểm chung cơ bản như:
1. Triết học phương Đông nhấn mạnh mặt thống nhất trong mối quan hệ giữa con người với vũ trụ
1.1. Ở phương Đông, thiên nhiên ưu đãi, giữa con người với vũ trụ hình như không có điều gì tách biệt. Cái cơ sở ban đầu ấy dần dần được người phương Đông khái quát thành tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, con người chỉ là một tiểu vũ trụ.
Ví dụ: Ở Trung Quốc, “thiên nhân hợp nhất” là tư tưởng xuyên suốt nhiều trường phái, học thuyết triết học khác nhau. Đây là cái đặc trưng rõ nét của triết học Trung Quốc (thuận thiên), ở phương Tây, vấn đề này mờ nhạt (chế thiên). Phương tây, con người là bộ phận của tự nhiên, tách khỏi tự nhiên, chinh phục tự nhiên…
- Trang Tử (~365–290 trước CN) cho rằng, trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta là một.
- Mạnh Tử (372 – 289 tr.CN) cho rằng, vạn vật đều đầy đủ trong ta, chỉ cần quay về với mình thì mọi sự vật đều yên ổn không còn gì vui thú hơn.
- Trong những kinh điển của Nho giáo (Kinh dịch, Luận ngữ, Trung dung, Đại học...) đều nhất quá tư tưởng “biết đến cùng cái tính của người thì cũng có thể biết đến cùng cái tính của vạn vật trời đất”.
Ở Ấn Độ, quan niệm “thiên nhân hợp nhất” lại có màu sắc khác. Upanishad cho rằng, Brahman là tinh thần vũ trụ còn Atman là linh hồn con người. Atman chẳng qua là Brahman cơ trú trong thể xác con người mà thôi. Như vậy, gắn con người với vũ trụ cũng là tư tưởng nhất quán trong triết học Ấn Độ cổ đại.
Trong khi đó, triết học phương Tây lại tách con người ra khỏi vũ trụ (thế giới khách quan), coi con người là chủ thể, còn thế giới là khách thể, con người cần nghiên cứu, chinh phục.
1.2. “Thiên nhân hợp nhất” là xuất phát điểm của triết học phương Đông. Nó là cơ sở quyết định những đặc điểm khác của nền triết học này.
Ví dụ: Ngay từ khi mới xuất hiện và trong suốt thời kỳ cổ, trung đại, triết học phương Đông đều lấy con người và các vấn đề liên quan đến con người làm đối tượng nghiên cứu, nhấn mạnh sự thống nhất giữa con người với vũ trụ. Nghiên cứu thế giới trong triết học phương Đông cũng chỉ để nhằm giải thích rõ vấn đề con người. Vì thế, vấn đề bản thể luận trong triết học phương Đông rất mờ nhạt.
Còn triết học phương Tây lại đặt trọng tâm nghiên cứu vào thế giới, vấn đề con người cũng chỉ được bàn tới nhằm giải thích thế giới. Do đó, trong triết học phương Tây vấn đề bản thể luận rất đậm nét.
Ngay vấn đề con người trong triết học phương Đông và triết học phương Tây cũng có những điểm khác biệt: triết học phương Đông đặt trọng tâm vào việc giải thích mối quan hệ giữa người với người và đời sống tâm linh của con người, ít quan tâm đến mặt sinh vật; còn triết học phương Tây lại ít quan tâm đến mặt xã hội của con người... Sau này, triết học Mác – Lênin đã khắc phục nhược điểm này của triết học phương Tây...
Sự phân tích trên cho thấy, khuynh hướng chung của triết học phương Đông là hướng nội, các nhà triết học thường xuất phát từ nhân sinh quan để giải thích thế giới quan, từ đời sống thực tiễn xã hội để giải thích các hiện tượng tự nhiên, từ con người để giải thích các hiện tượng tự nhiên, từ con người để giải thích trời, đạo trời, sự biến đổi của vũ trụ và thế giới bên ngoài.
2. Những tư tưởng triết học phương Đông ít khi tồn tại dưới dạng triết học thuần túy, mà thường được trình bày xen kẽ hoặc ẩn giấu đằng sau những vấn đề chính trị - xã hội, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật ... Điều này xuất phát từ chính đối tượng nghiên cứu của triết học phương Đông, chẳng hạn như: triết học Trung Quốc đi sâu nghiên cứu các vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức và luân lý; Triết học Ấn Độ đi sâu nghiên cứu các vấn đề xã hội, tôn giáo và tâm linh.
Chính vì điều đó mà chủ thể của các học thuyết triết học phương Đông thường là các nhà hiền nhân, nhà giáo dục, nghiên cứu chính trị - xã hội (Trung Quốc) và là nhà truyền giáo, đạo sĩ (Ấn Độ). Cũng vì vậy, ở phương Đông ít khi có những triết gia và tác phẩm triết học độc lập.
Còn ở phương Tây, triết học thường gắn liền với những thành tựu của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học tự nhiên; chủ thể của các học thuyết vừa là nhà triết học vừa là các nhà khoa học, nhà bác học. Đối tượng nghiên cứu của triết học phương Tây cũng rất rộng, bao gồm toàn bộ tự nhiên, xã hội và tư duy, trong đó, nhìn chung tự nhiên được lấy làm gốc, làm cơ sở.
Như vậy, nếu ở phương Đông, triết học ẩn giấu đằng sau các khoa học khác thì ở phương Tây, các khoa học khác lại ẩn giấu đằng sau triết học vào buổi bình minh của nó.
Tính đại chúng, tính nhân dân của triết học phương Đông là một nét nổi bật. Triết học phương Đông ra đời từ văn hóa dân gian, thường là của tập thể hơn là tính cá nhân, mọi khái quát lý luận khi đã thành mục tiêu hành động và là phương châm sống để đời thì ai là tác giả, người sáng tác đều không cần thiết, không quan trọng. Do đó, các triết lý nhân sinh và tư duy triết học đều rất cụ thể, không cầu kỳ, dài dòng, lý luận nhiều; song sức sống lại rất bền vững, thiết thực, giá trị chỉ đạo hành động tốt...
3. Triết học phương Đông phong phú, đa dạng, nhưng vận động chậm chạp, ít thấy những bước phát triển nhảy vọt về chất có tính chất vạch thời đại.
3.1. Nho giáo, Phật giáo, Bàlamôn giáo, Mặc gia, Âm Dương gia... được hình thành từ thời cổ đại (khoảng thế kỷ VI đến thế kỷ IV tr.CN) nhưng đến tận thế kỷ XIX vẫn giữ nguyên tên gọi và hình thức biểu hiện. Nội dung của chúng có phát triển, nhưng chỉ là sự phát triển cục bộ, đi sâu vào từng chi tiết, từng tư tưởng trên cơ sở cũ có cải biến về phương diện nào đó mà thôi. 
Điều đó còn thể hiện ở chỗ những nhà tư tưởng ở những giai đoạn lịch sử sau thường cho mình là học trò, là kế tục sự nghiệp của các nhà sáng lập ra học thuyết ở những giai đoạn trước, chứ không phải phủ định học thuyết trước. Những tư tưởng mới mà họ đưa ra chỉ là để giải thích sâu hơn hoặc là nhằm bảo vệ những ý tưởng của các vị tiền bối. Vì vậy, ở các giai đoạn sau ít thấy những trường phái, học thuyết mới xuất hiện. 
Tình hình đó phản ánh tính tiệm tiến, bảo thủ, trì trệ của triết học phương Đôn - nền triết học dựa trên cơ sở là sự tồn tại lâu dài của phương thức sản xuất châu Á.
3.2. Ở phương Tây lại khác. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, bên cạnh những trường phái cũ lại có những trường phái mới xuất hiện, có những trường phái còn phát huy tác dụng nhưng cũng có những trường phái đã đi vào lịch sử, đồng thời có những trường phái mới ra đời có ý nghĩa vạch thời đại như triết học Đêmôcrít, triết học Khai sáng Pháp, triết học mácxít... Triết học phương Tây, nghiêng về học tập, tích lũy kiến thức dần về lượng và đến một thời điểm nhất định có sự nhảy vọt, đột biến thay đổi về chất.
Tình hình đó phản ánh tính gián đoạn có ý nghĩa nhảy vọt trong sự phát triển của lịch sử triết học phương Tây do sự phát triển qua các hình thái kinh tế - xã hội quyết định. 
4. Trong các trào lưu, học thuyết của triết học phương Đông thường đan xen các yếu tố duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình; cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm không gay gắt, quyết liệt, không thành trận tuyến rạch ròi như trong triết học phương Tây. Điều này thể hiện:
4.1. Trong các học thuyết cơ bản của triết học phương Đông xuất phát chính từ đối tượng nghiên cứu của nó là con người và những vấn đề liên quan đến đời sống con người nên tính đan xen giữa các yếu tố là điểm nổi bật.
Nho giáo về cơ bản là duy tâm nhưng vẫn có một số những luận điểm duy vật, nhất là ở thời kỳ đầu. Lão giáo, Mặc gia, Âm Dương gia... bên cạnh những luận điểm duy vật, lại cũng có những điểm duy tâm.Ở Ấn Độ cổ đại, có đến 8 trong 9 trường phái triết học lớn ngả về duy tâm, còn 1 trường phái nghiêng về duy vật.Phật giáo tuy là một tôn giáo nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố duy vật và biện chứng. Như vậy, có thể thấy, thế giới quan bao trùm của triết học phương Đông là duy tâm, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm có diễn ra, song không cân sức, không rõ chiến tuyến. Trong cuộc đấu tranh đó, chủ nghĩa duy vật chỉ là yếu tố chống lại cả một hệ thống là chủ nghĩa duy tâm. Trong triết học phương Đông cổ, trung đại thường có sự đan xen giữa các yếu tố duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình. Tính đảng, tính giai cấp trong triết học không đậm nét, không sâu sắc như ở triết học Hy Lạp cổ đại. Những điều đó là cơ sở giải thích tại sao khoa học, kỹ thuật ra đời rất sớm ở phương Đông, song lại không phát triển và phát huy tác dụng.
4.2. Ở phương Tây, do đối tượng nghiên cứu bao gồm cả tự nhiên, xã hội và tư duy, trong đó, điểm cốt lõi là lấy tự nhiên làm gốc, làm cơ sở để nghiên cứu, từ đó triết học phương Tây đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng nên sự phân định duy vật và duy tâm là rất rạch ròi.
4.3. Cả triết học phương Đông và triết học phương Tây đều có phép biện chứng, nhưng giữa phương Đông và phương Tây cũng có những điểm khác nhau:
Ở phương Tây, nghiêng về động, đấu tranh, thì ở phương Đông nghiêng về tĩnh, thống nhất, cân bằng. Tư duy phương Đông mang tính “chủ toàn” còn tư duy của phương Tây lại mang tính “chủ biệt”. Ở phương Tây, nghiêng về vận động, phát triển đi lên theo hình xoáy ốc, còn ở phương Đông lại ngả về vận động vòng tròn, tuần hoàn khép kín.
5. Hệ thống thuật ngữ, khái niệm phạm trù trong triết học phương Đông vừa tương ứng cũng vừa có những điểm khác biệt với triết học phương Tây.
5.1. Để phản ánh tính chất của thế giới: Hệ thống triết học phương Tây sử dụng các thuật ngữ “giới tự nhiên”. “bản thể”, “vật chất”, thì phương Đông lại sử dụng các thuật ngữ như “thái cực”, “đạo”, “sắc”...
5.2. Triết học phương Tây sử dụng các thuật ngữ “biện chứng”, “siêu hình”, “thuộc tính”... triết học phương Đông sử dụng các thuật ngữ “động”, “tĩnh”, “biến dịch”, “vô thường”, “vô ngã”...
5.3. Triết học phương Tây sử dụng thuật ngữ “quy luật”, thì triết học phương Đông sử dụng các thuật ngữ “đạo”, “lý”...
5.4. Triết học phương Tây sử dụng thuật ngữ “liên hệ” thì triết học phương Đông sử dụng thuật ngữ “cương, thường”.
Tóm lại, triết học phương Đông cũng như triết học phương Tây đều nhằm giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, nhưng triết học phương Đông đặt trọng tâm vào việc giải quyết mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học. Mặt thứ nhất của vấn đề cơ bản, tuy cũng được đề cập đến nhưng chỉ coi nó như là vấn đề có liên quan, có tác dụng giải thích và bổ sung cho mặt thứ hai mà thôi.
tải về 72.05 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương