BÁo cáo hiện trạng môi trưỜng tỉnh lạng sơn giai đOẠN 2011 2015 MỤc lụC



tải về 4.95 Mb.
trang13/52
Chuyển đổi dữ liệu10.07.2016
Kích4.95 Mb.
#1638
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   52

Tài nguyên nước mặt lục địa


Lạng Sơn nằm trong miền địa hình núi thấp đến trung bình nhưng do cấu tạo địa chất, diện tích đá vôi lớn nên mạng lưới sông suối trong vùng phát triển ở mức khá dày và tập trung trong hai lưu vực sông lớn là hệ thống sông Kỳ Cùng - Bằng Giang và hệ thống thượng nguồn sông Thái Bình. Đặc điểm nổi bật của mạng lưới sông suối ở đây là phát triển theo hai hướng chính Đông bắc - Tây nam và Tây nam - Đông bắc và các sông trong hệ thống thượng nguồn sông Thái Bình có hướng vuông góc với sông Kỳ Cùng. Nguyên nhân chính do địa hình ở đây là các đỉnh núi kéo thành một dải liên tục có nếp lượn sóng ngắn tạo nên đường phân thuỷ có hướng Đông Bắc - Tây Nam, kết hợp với các yếu tố kiến tạo. Có các hệ thống sông chảy qua là:

  • Hệ thống sông Kỳ Cùng - Bắc Giang

Sông Kỳ Cùng là con sông lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Nó bắt nguồn từ vùng núi Ba Xá cao 625 m, sông chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua Lộc Bình, TP. Lạng Sơn, thị trấn Na Sầm và đến Thất Khê sông uốn khúc và chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua biên giới đổ vào đất Trung Quốc. Diện tích lưu vực sông vào khoảng 6.660 km2, với chiều dài dòng chính (tính đến biên giới Việt - Trung) là 243km. Nằm trong vùng địa hình núi thấp đến trung bình nên độ cao bình quân lưu vực sông Kỳ Cùng đạt 386 m và độ dốc bình quân đạt 18,8%. Hình thái sông Kỳ Cùng trong từng khu vực phản ánh rõ nét điều kiện địa chất kiến tạo trong khu vực

+ Thượng nguồn sông chảy trong địa hình núi trung bình, có các đỉnh cao trên 1000 m. Thành phần đất đá tạo nên địa hình núi là bột kết, cát kết, đá vôi, sét vôi nên đỉnh núi thường nhọn, sườn dốc, độ chia cắt sâu mạnh. Vì vậy, lòng sông Kỳ Cùng rất dốc, nhiều thác ghềnh và lưu vực hẹp ngang. Mạng lưới sông suối ở đây ở mức trung bình với mật độ lưới sông 0,86 km/km2.

+ Phần trung lưu, lòng sông Kỳ Cùng nằm trùng với đứt gẫy Cao Bằng và chảy qua đá gốc chủ yếu là bột kết và phiến sét nên dòng sông uốn khúc, trắc diện dọc rất thoải, trắc diện ngang hình chữ U và mở rộng trung bình từ 100 - 200 m. Ven sông xuất hiện nhiều bãi bồi. Qua sườn núi phía Nam Mẫu Sơn chảy vào vùng hồ xưa Lạng Sơn. Vì vậy, mặc dù nằm trong khu vực khô của miền Bắc Việt Nam nhưng hiện tượng ngập lụt trên lưu vực sông Kỳ Cùng khá lớn và mang tính chất thường xuyên.

Từ Lạng Sơn đến thị trấn Na Sầm, sông Kỳ Cùng chảy qua vùng núi đá Riolit cứng nên dòng sông nhiều thác nghềnh.

Lưu vực sông Kỳ Cùng có dạng dài hẹp. Nó phù hợp với địa hình máng trũng, hệ số tập trung nước và hệ số uốn khúc lớn (2,11). Mạng lưới sông suối phát triển ở mức khá dày, mật độ lưới sông đạt 0,88 km/km2. Sông phát triển các phụ lưu tới cấp III, IV. Tổng các phụ lưu có chiều dài từ 10 km trở lên (đây là các sông suối có dòng chảy thường xuyên và ý nghĩa trong vấn đề cấp nước sử dụng) là 77 sông, suối, trong đó:

- Phụ lưu cấp I: 26 sông

- Phụ lưu cấp II: 37 sông

- Phụ lưu cấp III : 16 sông

Tuy nhiên, các phụ lưu này đều rất nhỏ, trong tổng số đó chỉ có 10 phụ lưu có diện tích trên 100 km2. Một số phụ lưu lớn như sông Ba Thín, Bắc Giang, Bắc Khê...

Lưu lượng nước đo tại TP. Lạng Sơn nhiều năm cho kết quả: Qmax = 4.520 m3/s (26/8/2006); lưu lượng trung bình: Q0 = 30,6 m3/s; lưu lượng kiệt: Qk = 1,4 - 1,5 m3/s.

+ Các phụ lưu chính: Sông Bản Thín ở hữu ngạn sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ Xeo Bò (Trung Quốc) chảy qua các xã Tam Gia, Tú Miệt, Khuất Xá, Tú Đoạn, đoạn qua Lộc Bình dài 35 km, lưu lượng trung bình 6m3/s, diện tích lưu vực 320km2.

Sông Bản Trang nằm ở tả ngạn sông Kỳ Cùng, chảy qua các xã Sàn Viên, Na Dương, Quan Bản, chiều dài qua Lộc Bình 22 km.

Sông Tà Bản ở tả ngạn, chảy theo hướng Nam Bắc, chiều dài trong huyện Lộc Bình 40 km, diện tích lưu vực 95 km2, lưu lượng trung bình 1,86 m3/s.

Sông Bắc Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Kỳ Cùng, bắt nguồn từ dãy núi Khao Poum Pon ở độ cao 1010 m, phía Đông Bắc của cánh cung Ngân Sơn. Sông có chiều dài 114 km và diện tích lưu vực 2670 km2. Trong đó, diện tích đá vôi là 358 km2 chiếm 13,4%. Lưu vực sông Bắc Giang cao hơn hẳn so với lưu vực dòng chính sông Kỳ Cùng (trung bình là 465 m) và sông dốc hơn (độ dốc bình quân lưu vực 23,5%). Mạng lưới sông suối trong lưu vực phát triển hơn lưu vực dòng chính (1,01 km/km2). Sông chảy theo hướng chủ đạo Tây Bắc - Đông Nam và do các nếp uốn địa hình nên hệ số uốn khúc của sông đạt 1,82. Chảy trong tỉnh Lạng Sơn thuộc phần trung và hạ lưu sông Bắc Giang có diện tích lưu vực là 1642 km2 và chủ yếu diện tích đá vôi tập trung tại khu vực này.



  • Hệ thống sông thượng nguồn Thái Bình

Mạng lưới sông suối của tỉnh Lạng Sơn thuộc thượng nguồn sông Thái Bình tập trung trong lưu vực sông Thương - Phụ lưu cấp I lớn nhất của hệ thống, bao gồm thượng nguồn và trung lưu dòng chính sông Thương và phần thượng nguồn sông Lục Nam (phụ lưu cấp I lớn nhất của sông Thương), thượng và hạ lưu vực sông Trung (phụ lưu cấp I lớn thứ hai của sông Thương).

- Dòng chính sông Thương

Bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước cao 600 m, thuộc Chi Lăng (Lạng Sơn) chảy qua Lạng Giang và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang và đổ vào sông Cầu ở Phả Lại.

Lưu vực sông Thương thuộc tỉnh Lạng Sơn có chiều dài sông 76 km và diện tích lưu vực 1926 km2. Trong đó, diện tích đá vôi chiếm tới 39,1% (910 km2), tập trung chủ yếu phần lưu vực bờ phải của sông.

Phần thượng nguồn, sông Thương chảy thẳng theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, trùng với đứt gẫy và lòng sông Lạng Sơn hẹp và dốc, độ dốc lòng sông đạt tới 30%, bờ phải là vách đá vôi dốc đứng. Chiều rộng bình quân lưu vực ở đây là 6 km và độ cao bình quân khu vực này là 276 m. Dòng sông chảy thẳng, hệ số uốn khúc 1,2. Trắc diện ngang lòng sông ở đây có hình chữ V, rất điển hình với chiều rộng lòng sông từ 5 - 10 m, độ sâu 3 - 5 m.

Lòng sông mở rộng ở khu vực trung lưu, độ dốc lòng sông giảm còn (8 - 25)0/0. Lưu vực mở rộng ở đoạn này, chiều rộng trung bình trên 30 km và có những phụ lưu lớn như: sông Hóa, sông Trung. Mùa cạn sông vẫn sâu tới 5 – 6 m (do tác dụng của đập dâng nước Cầu Sơn).

Nằm trong vùng đồi núi thấp nên độ cao trung bình toàn lưu vực sông Thương trong tỉnh Lạng Sơn là 242 m và độ dốc bình quân lưu vực là 13,7%. Cấu tạo địa chất trên lưu vực sông Thương tồn tại những dải đá vôi lớn nên mạng lưới sông suối trong lưu vực sông Thương, thuộc Lạng Sơn kém phát triển nhất so với toàn lưu vực thượng nguồn sông Thái Bình. Mật độ lưới sông trung bình chỉ đạt 0,76 km/km2, các phụ lưu phân bố không đều ở hai bên bờ sông (hệ số không đối xứng đạt tới -0,58). Tổng số phụ lưu có chiều dài sông chính trên 10km, đổ vào sông Thương ở tỉnh Lạng Sơn là 24 sông. Trong đó, có 9 phụ lưu cấp I, 13 phụ lưu cấp II và 2 phụ lưu cấp III nhưng trong đó3 sông có độ dài trên 25 km.



- Sông Lục Nam

Là phụ lưu cấp II lớn nhất của sông Cầu đổ vào sông Thương. Nó có diện tích lưu vực là 3070 km2 và chiều dài dòng chính là 175 km. Bắt nguồn từ độ cao 700 m ở vùng núi Kham Sâu Chòm, chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, qua địa phận Sơn Động, Chũ, Lục Nam rồi nhập vào sông Thương ở làng Cõi. Lưu vực sông có dạng nan quạt, mở rộng theo hướng Bắc và Đông Bắc.

Thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn, lưu vực sông Lục Nam có diện tích hứng nước 642 km2 là thượng nguồn của dòng chính và các phụ lưu của sông như Cẩm Đàn, … Vì vậy, lòng sông ở đây hẹp, độ uốn khúc lớn, độ dốc đáy sông 75%. Các sông đều có hướng chảy theo hướng Bắc Nam.

- Sông Trung

Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Sơn ở độ cao 500 m và đổ vào sông Thương ở bờ phải với chiều dài sông 66 km. Lưu vực sông Trung có diện tích là 1270 km2 nhưng diện tích đá vôi tới 651 km2 (chiếm 51,3%) nên độ cao bình quân lưu vực không lớn 258 m và độ dốc bình quân lưu vực 12,8%. Nằm trong phức nếp lồi Bắc Sơn và địa hình đá vôi ở khu vực đã và đang diễn ra các hoạt động karst mạnh mẽ, tạo nên các vách dựng đứng đỉnh nhọn, lởm chởm tai bèo nhiều hang hốc karst. Vì vậy, mặc dù độ cao bình quân lưu vực không lớn nhưng hai bờ sông vách đá dựng đứng, lòng sông lộ đá gốc nên sông chảy khá thẳng với hệ số uốn khúc chỉ đạt 1,4. Trên lưu vực xuất hiện nhiều phễu, hố sụt và sông suối ngầm lớn. Vì vậy, mạng lưới sông suối trong lưu vực thấp hơn hẳn so với toàn tỉnh Lạng Sơn (mật độ sông suối trung bình 0,71 km/km2). Tuy nhiên, với mạng lưới sông ngầm của địa hình đá vôi nên dòng chảy trên mặt thường có mối quan hệ với dòng chảy ngầm (nước sông cung cấp nước cho nước dưới đất vào mùa mưa).




tải về 4.95 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   52




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương