Bên Thắng Cuộc I. Giải Phóng


Phụ lục 2. Tướng Big Minh sau 1975



tải về 1.89 Mb.
Chế độ xem pdf
trang93/96
Chuyển đổi dữ liệu26.10.2023
Kích1.89 Mb.
#55447
1   ...   88   89   90   91   92   93   94   95   96
Huy Duc - Ben Thang Cuoc

Phụ lục 2. Tướng Big Minh sau 1975
Tướng Dương Văn Minh đã từng quyết định ở lại để “làm dân một quốc gia độc 
lập”, nhưng cho dù được ông Võ Văn Kiệt đối xử trân trọng, cuối thập niên 70 ông 
vẫn quyết định rời Việt Nam. Không chỉ do cuộc sống có những khó khăn mà có lẽ 
những gì xảy ra lúc ấy ở miền Nam cũng khiến lòng ông giằng xé. Tuy nhiên, ông tỏ 
ra hết sức cẩn trọng trong mọi ứng xử. Trước khi sang định cư ở Pháp, ông Minh hỏi 
bà Năm Mè (Bùi Thị Mè), “thứ trưởng” Bộ Y tế của “Cộng hòa Miền Nam” và là bạn 
từ thiếu thời của ông: “Tổng Lãnh sự Pháp mời cơm tôi, theo chị tôi có nên nhận lời 
không?”. Bà Mè đem chuyện hỏi ông Võ Văn Kiệt, ông Kiệt nói: “chị kêu ảnh cứ gặp 
và chị nhớ đừng nói gì để anh ấy nghĩ là tôi dặn dò. Con người như thế mình nói gì 
thêm với họ là không cần thiết”. Trong bữa cơm với Lãnh sự Pháp, ông Tổng Lãnh 
sự hoan nghênh vợ chồng ông Minh đã chọn Pháp làm nơi cư trú, ông nói: “Ngài Đại 
sứ gửi lời thăm và muốn tôi nói với ông là Chính phủ Pháp sẽ lo hết chuyến đi của 
ông”. Ông Dương Văn Minh đã đáp lại: “Tôi xin cám ơn, Chính phủ của tôi đã lo 
hết”. Trước khi ông Minh đi Pháp, ông Kiệt kêu Thư ký Phạm Văn Hùng bố trí ở nhà 
bà Năm Mè một “bữa cháo gà”, theo lời ông Hùng thì hai người đã nói chuyện với 
nhau suốt nhiều giờ tâm đắc.
Năm 1984 khi dự Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Đức, sau đó đi thăm chính thức 
Algeria, trên đường về, ông Võ Văn Kiệt có ghé qua Pháp thăm ông Dương văn 
Minh, hai người đã trò chuyện khá lâu và theo ông Kiệt là rất cởi mở. Trong những 
ngày ở Pháp, Tướng Dương Văn Minh vẫn liên lạc với bà Năm Mè. Trong một bức 
thư viết tay đề ngày 28-8-1988, ông tâm sự: “Ở Montheny được cái yên tĩnh như ở 
làng bên mình nên tôi và “nhà tôi” rất khỏe. Cũng nhờ không khí ở đồng nên sức 
khỏe tốt. Đau ốm thì có bác sĩ và thuốc men đầy đủ, mỗi hai tháng đi khám sức 
khỏe một lần, về cả thử máu (thử đủ chuyện). Tất cả đều được miễn phí nên được 


yên tâm phần nào. Nhưng dẫu sao cũng nhớ nhà lắm chị Năm ơi! Nhớ bạn bè, nhớ 
bà con thân thuộc. Nhớ người nầy, nhớ người kia, nhất là nhớ mẹ tôi năm nay đã 
già mà tôi ở xa quá. Ở nhà còn hai đứa em trai và một đứa em gái nhưng tôi thấy 
tụi nó không biết lo cho mẹ già đúng mức…” Trong thập niên 90, khi tình hình trong 
nước đã khá dần lên, bản thân ông Võ Văn Kiệt cũng muốn ông Dương Văn Minh trở 
về Việt Nam như một minh chứng cho “Đổi mới”. Năm 1994, khi ông Hồ Ngọc 
Nhuận đi Pháp, có đến thăm ông Minh và tất nhiên là có chuyển lời mời của ông Võ 
Văn Kiệt. 
Một bức thư của bà Năm Mè gửi cho ông Dương Văn Minh vào giữa thập niên 90 
cho thấy việc xúc tiến đón ông trở lại Sài Gòn đã được làm khá tích cực. Bức thư 
viết: “Anh Hai kính mến! Năm mới chúng tôi xin chúc Anh: sức khỏe, hạnh phúc. 
Tôi có nhận 2 fax của cháu Đức. Chưa trả lời được cho cháu vì tôi bị cấp cứu về tim. 
Được fax anh, tôi vội trả lời để anh yên tâm. Tôi đã chuyển lời chúc tết của anh đến 
các anh em. Về chuyện nhà của anh Hai đừng bận tâm, anh em đã lo. Lài đã xây 
xong nhà, qua tết gia đình Lài sẽ dọn đi. Anh Hai cứ lo việc về, anh em dặn tôi viết 
thư cho anh để anh yên tâm… Không có gì trở ngại, anh Hai đừng lo. Anh cứ xúc 
tiến việc về. Mọi người đều kiểm tra nhà Lài. Bà Bảy cũng đã hứa. Sáng nay anh em 
cho biết sau tết là gia đình Lài sẽ dọn về nhà mới. Trong việc Anh sẽ không có gì 
khó khăn, mọi người đều mong Anh. Kính chúc anh sức khỏe và được đón anh một 
ngày rất gần đây. Các cháu rất mong cậu Hai. Nhà cửa sữa xong rồi. Kính mến”. 
Kèm theo bức thư của bà Năm Mè, Luật sư Trần Ngọc Liễng viết: “Kính anh Minh 
thân mến! Tôi hoàn toàn đồng ý với chị Năm Mè về việc yên ổn cho Anh khi trở về 
đây. Riêng tôi thấy có sự lưu ý giúp đỡ của các bạn của chị Năm thì trăm việc 
không có sơ sẩy điểm nào. Điều cần thiết là vấn đề sức khỏe của anh và sự bình 
yên về tâm trí thì đâu cũng là hạnh phúc cho cá nhân và cho mọi người xung 
quanh. Kinh chào thân mến. Liễng”. 
Trong bức thư gửi bà Năm Mè đề ngày 10-4-1996, ông Dương Văn Minh đã rất 
nôn nóng. Ông viết: “Tôi có nhận được thơ của chị. Mỗi lần đọc thơ và tin tức ở quê 
hương là tôi muốn, phải chi có cánh bay về ngay thì vui biết mấy. Nếu bữa nay tôi 
viết chữ không được ngay ngắn, khó đọc xin chị thứ lỗi cho. Vì tôi vừa mổ xong mắt 
trái đến nay mỗi tuần phải đi bác sĩ khám. Có lẽ đến tháng septembre (tháng 9) họ 
mới mổ con mắt thứ nhì. Phải đợi lâu vì bên này họ quá kỹ và đông người mình phải 


đợi đến phiên mình. Tôi rất nóng lòng, lúc nào cũng mong đâu đó cho mổ để về 
sớm mà cứ bị kẹt chuyện này chuyện nọ hoài bực quá. Có điện nhờ chị thưa với anh 
Sáu để anh Sáu được rõ lòng tôi. Viết đến đây, cay mắt quá nghĩ chút sẽ viết tiếp 
nghe chị… Tội nghiệp Đức, lúc nào nó cũng cố gắng tìm đủ cách để giúp tôi về nước 
đến với quê hương. Lúc nào nó cũng đặt hết hy vọng nơi anh Sáu và chị. Nó tính là 
sẽ thành công. Theo những câu chuyện của nó, tôi thấy nó và Đạo (con trai bà Năm 
Mè- HĐ) rất hợp ý nhau. Thấy vậy tôi rất mừng. Tôi về được quê hương gặp lại mấy 
cháu chắc là vui lắm. Hy vọng sớm gặp nhau. Thương nhớ”.
Về sau, Bà Năm Mè có sang Pháp để gặp ông Dương Văn Minh, không rõ câu 
chuyện ra sao mà từ đó ông Minh bắt đầu suy nghĩ lại. Sau khi ông Minh mất tại Mỹ 
(6-8-2001), Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, người đã đọc Điếu văn trong Lễ tang 
Tổng thống Dương Văn Minh, có gửi email cho ông Hồ Ngọc Nhuận. Email, đề ngày 
29-1-2004, viết: “Có mấy chuyện tôi muốn nói để anh rõ. Chuyện ông Tướng 
Dương Văn Minh: Sau khi bà Minh mất, ông Minh rất buồn, nhất là vì hai con dâu 
đối đãi với ông Minh không được đàng hoàng lắm. Trước tình trạng đó, ông Minh 
muốn về Việt Nam sinh sống, ông có hỏi ý tôi và tôi đã OK, chỉ cho ý kiến là về Việt 
Nam không nên ở “Hồng Thập Tự” (Dinh Hoa Lan) mà nên lên Thủ Đức ở vì Thủ Đức 
là nhà của ông trong khi nhà đường Hồng Thập Tự là nhà của Nhà nước. Ông cũng 
không nên có một hoạt động gì cả (Tôi cảnh giác ông Minh điều này vì thấy ở Việt 
Nam có nhiều phe quá, chưa chi đã có phe chửi bới ông, họ nói Nhà nước cho ông 
về vì xưa kia ông đã được Cách mạng móc nối…Công việc của ông Minh càng phức 
tạp hơn khi Đức (con trai của ông) đi về Việt Nam vận động cái gì đó và có gặp ông 
Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt có gửi cho ông Minh một cái thư mời ông Minh về, lời lẽ rất 
dễ thương (mà ông Minh có gửi cho tôi bản sao). Trong thời gian đó lại có bà Mè, 
chị vợ của anh Lý Chánh Trung hay tới lui thăm viếng, tạo một bầu không khí cách 
mạng náo nhiệt chung quanh ông Minh khiến nhiều người thân với ông (trong đó có 
mấy người bạn ông và chị Mai con gái lớn của ông) không bằng lòng. Tới một lúc 
nào đó, ông Minh thấy mình không chịu nổi cái ồn ào ở Paris nên ông đi Mỹ ở với chị 
Mai. Sau vài lần đi về như thế, ông thấy có thể ở yên bên Mỹ nên ông quyết định ở 
luôn”. 
Cũng năm 2004, khi xem lá thư nói trên của Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, ông 
Võ Văn Kiệt cho biết là cá nhân ông Đỗ Mười cũng cho người tiếp xúc, với ý định 


mời ông Dương Văn Minh về tham gia Mặt trận Tổ quốc. Theo ông Hồ Ngọc Nhuận, 
vị sứ giả mà ông Đỗ Mười phái đi gặp ông Dương Văn Minh là cựu Chủ tịch Thượng 
viện, bà Lê Phước Đại. Ông Nguyễn Hữu Chung tâm sự tiếp với ông Hồ Ngọc Nhuận 
trong email đề ngày 29-1-2004: “Tôi có thể nói rằng nếu tôi khuyên ông Minh về 
Việt Nam thì ông đã về vì rất nhiều lần ông hỏi ý, và còn có ý rủ tôi cùng về. Nhưng 
tôi cảm thấy có một sự bất ổn nào đó nên đã không khuyên ông về. Tội nghiệp ông 
đã phải sống những năm chót trong sự cô đơn, về Việt Nam sống thì chắc vui hơn. 
Tôi hơi mệt nên xin phép anh tạm ngưng bút. Hẹn thư sau. Về bài Điếu văn hôm 
đám ma ông Minh, tôi có nhờ anh Trần Văn Sơn chuyển cho anh. Hy vọng anh đã 
nhận được. Chung”. Đây chính là bức thư cuối cùng của ông Nguyễn Hữu Chung gửi 
cho ông Hồ Ngọc Nhuận. Ông Chung sau đó đã mất ở Canada vì bệnh ung thư. 
Theo ông Nguyễn Hữu Chung, ông Hồ Ngọc Nhuận và những người thân khác, 
Tướng Dương Văn Minh đã lặng lẽ ra đi mà không hề để lại một dòng hồi ký. Ông 
Minh có lẽ đã khôn ngoan quyết định cứ để cho người đời bàn cãi về việc ai đã ra 
lệnh giết hai anh em nhà Ngô Đình Diệm; về việc vì sao lại chọn cách đi vào lịch sử 
như một kẻ đầu hàng. 
###
HẾT CUỐN I
(Tìm đọc Bên Thắng Cuộc, CUỐN II: QUYỀN BÍNH)


Tác giả
Huy Đức - Trương Huy San 
sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh 
nhập ngũ tháng 3-1979 
học viên trường Sỹ quan Hoá Học (1980-1983)
chuyên gia quân sự ở Campuchia (1984-1987)
phóng viên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, và Sài Gòn Tiếp 
Thị (1988-2009)
blogger của trang Osinblog (2006-2010) 
Humphrey Fellow về phân tích chính sách tại Đại học Maryland (2005-2006)
Nieman Fellow về phân tích chính trị tại Đại học Harvard (2012-2013)
Liên hệ tác giả qua thư điện tử osinbook@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/BenThangCuocBook



tải về 1.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   88   89   90   91   92   93   94   95   96




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương