BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn dự Án quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ CÁ tra



tải về 3.08 Mb.
trang9/16
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích3.08 Mb.
#36655
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   16

DỰ BÁO CÁC ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN

4.1. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG

4.1.1. Thị trường trong nước

Mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người của Việt Nam tăng bình quân 5%/năm trong giai đoạn 1990-2007. Như vậy, nếu xu hướng này vẫn được thiết lập trong thời gian tới thì dự báo mức tiêu thụ thủy sản vào các năm 2010, 2015 và 2020 lần lượt là: 28,3-32,9-37,4 kg/người. Lượng cầu thủy sản tương ứng cho dân số trong nước là: 2,52-3,11-3,75 triệu tấn (dân số dự báo ở các năm 2010, 2015, 2020 lần lượt là 88,85-94,50-100,15 triệu người).

Hình 4.1: Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Việt Nam giai đoạn 1990-2007



Với lượng cầu trong nước là rất lớn thì đòi hỏi lượng cung cấp cũng tương ứng. Trong khi nguồn lợi thủy sản khai thác tự nhiên có hạn thì con người phải sử dụng từ nhân tạo nhiều hơn. Cá tra có lợi thế là dễ nuôi, có thể cung cấp khối lượng lớn nên trong thời gian tới cá tra sẽ trở nên quan trọng ở thị trường nội địa. Thực tế hiện nay, có khoảng 60 loại mặt hàng từ cá tra được bán ở khắp các siêu thị hoặc chợ trong cả nước.

4.1.2. Thị trường thế giới

(1) Quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường

Hình 4.2: Diễn biến sản lượng thủy sản thế giới 1990-2005 (không tính thực vật thủy sinh)

Qua đồ thị trên cho thấy sản lượng khai thác tương đối ổn định ở mức 92-94 triệu tấn còn sản lượng nuôi liên tục tăng trưởng rất đều đặn trong giai đoạn 1990-2005. Nếu tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi vẫn duy trì như trong những năm qua thì đến năm 2010, 2015, 2020 sẽ đạt các sản lượng tương ứng là 60-72-84 triệu tấn. Khối lượng cung cấp cho tiêu dùng của con người vào các năm 2010, 2015, 2020 đạt tương ứng 117-127-137 triệu tấn.

Bảng 4.1: Dự báo sản lượng thủy sản thế giới đến năm 2020 (Đơn vị: triệu tấn)

Danh mục

Hiện trạng

Dự báo

1990

1995

2000

2005

2010

2015

2020

Tổng

99

116

131

141

152

165

178

Sản lượng nuôi

13

24

35

48

60

72

84

Sản lượng khai thác

86

92

96

93

92

93

94

Dùng làm thực phẩm

71

86

97

108

117

127

137

Không dùng làm thực phẩm

28

30

34

33

35

38

41

(Nguồn: FAO, 2007)

(2). Cơ cấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới

Hình 4.3: Cơ cấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới 1990-2005

Qua hình trên cho thấy NTTS thế giới phát triển mạnh nhất ở lĩnh vực nuôi nước ngọt. Bốn đối tượng nước ngọt được nuôi nhiều nhất là Hypophthalmichthys molitrix (cá mè trắng), Ctenopharyngodon idellus (cá trắm cỏ), Cyprinus carpio (cá chép) và cá Trôi. Tuy nhiên, những đối tượng này thường được tiêu dùng nội địa mà ít được thương mại hóa. Những đối tượng xuất khẩu nhiều là cá rô phi, cá da trơn, cá hồi. Đặc biệt là loài Pangasius spp (cá Tra ở Việt Nam) đã trở nên quan trọng đối với thị trường thế giới.

Cá da trơn có tốc độ tăng trưởng sản lượng rất cao, đạt 19%/năm trong giai đoạn 1999-2005, trong khi các loài nuôi nước ngọt chỉ đạt 6%. Nhờ sự tăng trưởng nhanh nên tỷ trọng được cải thiện từ 2% năm 1999 lên 5% năm 2005. Tuy vậy, tỷ trọng này vẫn còn rất nhỏ so với tổng sản lượng các loài nuôi nước ngọt. Một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của cá da trơn so với cá nuôi khác là giá thành của chúng tương đối thấp.

Bảng 4.2: Sản lượng cá nuôi nước ngọt thế giới giai đoạn 1999-2005 (Đơn vị: triệu tấn)

Danh mục

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Tăng bq ‘99-‘05

Nuôi nước ngọt

19,46

20,42

21,67

23,09

24,15

26,31

27,70

6%

Trong đó: Cá da trơn

0,48

0,50

0,53

0,59

1,00

1,22

1,40

19%

Tỷ trọng

2%

2%

2%

3%

4%

5%

5%

 

(Nguồn: FAO, 2007)

Hình 4.4: Tỷ trọng cá nước ngọt trong tổng nhu cầu thủy sản thế giới

(3). Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản thế giới

Theo dự báo của Trung tâm Thủy sản Thế giới, đến năm 2010 nhu cầu thủy sản toàn thế giới vào khoảng 156.723 nghìn tấn, trong đó nhu cầu thủy sản thực phẩm chiếm 81,8% và nhu cầu thủy sản phi thực phẩm chiếm 18,2%. Riêng các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Á năm 2010 sẽ chiếm 58% mức tiêu thụ thủy sản toàn thế giới, kế tiếp sẽ là khu vực châu Âu và Nga chiếm 13%, Caribê và Nam Mỹ sẽ chiếm 12%, các châu lục khác sẽ chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng nhu cầu thủy sản toàn thế giới. Và theo như dự báo của trung tâm thủy sản thế giới đến năm 2020, nhu cầu thủy sản toàn thế giới vào khoảng 183.357 nghìn tấn, trong đó các nước đang phát triển sẽ chiếm tới 77% tổng lượng tiêu thụ thủy sản toàn cầu và 79% tổng sản lượng thủy sản thế giới. Như vậy, từ năm 1997 đến năm 2020, tiêu thụ thủy sản ở các nước đang phát triển sẽ tăng từ 62,7 triệu tấn lên 98,6 triệu tấn (tăng 57%), trong khi các nước phát triển sẽ chỉ tăng 4%, từ 28,1 triệu tấn lên 29,2 triệu tấn.

Nhu cầu trung bình đầu người năm 2010 trên toàn thế giới đối với tất cả các sản phẩm thủy sản là 18,4kg/người/năm và 19,1kg/người/năm vào năm 2015. Như vậy mức tăng về nhu cầu sẽ là 18% trong vòng 15 năm so với mức tăng 40% trong 20 năm trước, nhu cầu thủy sản/đầu người năm 2010 đối với các loại cá sẽ là 13,7kg/năm, và 14,3 kg/năm vào năm 2015, đối với nhuyễn thể và các động vật thủy sản khác sẽ là 4,7kg vào năm 2010 và 4,8 kg vào năm 2015. Các nước đang phát triển sẽ đứng đầu về tốc độ tăng cầu theo đầu người, trong khi đó tốc độ tăng cầu/đầu người ở các nước phát triển nhìn chung sẽ có xu hướng giảm xuống. Trong tổng mức tăng về nhu cầu sản phẩm thủy sản thì khoảng 46% mức tăng là do sự gia tăng dân số, số còn lại 54% là do sự phát triển kinh tế.

Bảng 4.3: Dự báo tiêu thụ thủy sản trên thế giới đến 2010 (ĐVT: 1.000 tấn)



TT

Các nhu cầu

Châu Phi

Bắc

Mỹ

Caribê  Nam Mỹ

Châu Á

Châu Âu + Nga

C. Đại Dương

Toàn thế giới




Tổng nhu cầu

8.735

9.047

19.180

91.310

20.589

7.862

156.723




Tỷ trọng %

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

1

Phi thực phẩm

736

1.278

12.873

7.469

6.001

109

28.466




Tỷ trọng %

8,4

14,1

67,1

8,2

29,1

1,4

18,2

2

Thực phẩm

7.999

7.769

6.307

83.841

14.583

7.758

128.257




Tỷ trọng %

91,6

85,9

32,9

91,8

70,8

98,7

81,8

3

Dân số (triệu người)

997

332

595

4.145

713

34

6.816

4

Mức tiêu thụ đầu người (kg)

8,0

23,4

10,6

20,2

20,5

22,1

17,8

(Nguồn: Trung tâm Thủy sản Thế giới (World Fish Center))

Nhu cầu về thức ăn cho động vật và gia cầm làm từ thủy sản và dầu cá sẽ tăng 1,1%/năm giai đoạn 2000-2010 và 0,5% từ năm 2010 cho đến năm 2015, lượng thủy sản cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn cho động vật và cho các mục đích phi thực phẩm khác trên toàn thế giới khoảng 45,432 triệu tấn vào năm 2015.

Trong số các mặt hàng thủy sản, các mặt hàng cá da trơn, cá hồi, cá ngừ và cá biển vẫn đóng vai trò chính. Dự báo sẽ tăng ở mức 3,8%. Tôm cũng sẽ tăng nhưng chỉ ở mức 2,5% trong giai đoạn 2006-2010 và thấp hơn nữa ở giai đoạn sau. Cá rô phi sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường nhờ các lợi thế như giá thành nuôi thấp, sản lượng tăng nhờ nuôi bền vững về mặt sinh thái trong khi các loài cá hồi và tôm đòi hỏi thức ăn có chất lượng cao, môi trường nuôi tốt. Về mặt thị trường, nhu cầu tiêu thụ đang phát triển, giá bán ổn định. Cá rô phi có hương vị nhẹ, có thể chế biến theo nhiều khẩu vị khác nhau và được đại đa số người tiêu dùng chấp nhận.

Hình 4.5: Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủy sản thế giới thời kỳ 2000-2020

Xu hướng và nhu cầu tiêu thụ thủy sản thế giới từ nay đến năm 2020 tiếp tục tăng mạnh. Riêng sản phẩm cá tra đang được các nước nhập khẩu quan tâm xem như là sản phẩm thay thế cá thịt trắng có nguồn gốc từ các vùng biển, nhờ giá cá tương đối thấp, chất lượng thơm ngon, sản lượng dồi dào và ổn định. Các nhà máy chế biến thủy sản tại châu Âu rất cần nguyên liệu cá tra Việt Nam để chế biến và cung cấp cho các thị trường. Mặt khác, thị trường thủy sản trên thế giới đang ngày được mở rộng ra toàn thế giới như; Ba lan, Nga, các nước Nam Mỹ, khu vực châu Á… Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập WTO xuất khẩu cá tra sẽ dễ dàng hơn, sản lượng tiêu thụ sẽ còn tăng mạnh từ nay cho đến năm 2020.



(4). Các nước nuôi cá da trơn chính và khả năng phát triển

Cá da trơn được nuôi nhiều ở Đông Nam Á, Mỹ, Trung Quốc, một ít ở Nam Mỹ. Các loài chính có tên khoa học như Ictalurus punctatus (cá nheo Mỹ), pangasius spp (cá tra), pangasius hypophthalmus, Silurus asotus, Leiocassi longirostris, Pelteobagrus fulvidraco, ... trong đó các loài pangasius, Ictalurus punctatus, Silurus asotus được nuôi với khối lượng lớn nhất và tập trung ở Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc chiếm trên 99% tổng sản lượng.



- Mỹ: Năm 2005, tổng sản lượng đạt 376.850 tấn, đối tượng chính là loài có tên khoa học Ictalurus punctatus. Cá da trơn ở Mỹ được nuôi chủ yếu ở 4 Bang là Alabama, Ankansas, Louisiana và Misissipi. Tuy nhiên, gần đây giá thành sản phẩm tăng do giá xăng và giá thức ăn tăng đã gây khó khăn cho người nuôi. Hơn nữa, thị trường cá da trơn Mỹ đang bị cạnh tranh bởi cá da trơn từ nước ngoài (Trung Quốc, Việt Nam, Nam Mỹ) nên nghề nuôi cá da trơn ở Mỹ hiện gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất thu hẹp dần.

Bảng 4.4: Sản lượng và giá trị cá da trơn nuôi tại Mỹ giai đoạn 1999-2005

Danh mục

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Tăng bq ‘99-‘05

Sản lượng (tấn)

270.629

269.257

270.846

286.039

345.608

348.588

376.850

6%

Giá BQ (USD/kg)

1,62

1,66

1,43

1,25

1,28

1,54

1,56

-0,63%

Giá trị (triệu USD)

438

447

387

358

384

440

430

-0,32%

(Nguồn: FAO, 2007)

- Trung Quốc: Nổi lên trở thành nhà xuất khẩu cá da trơn lớn nhất vào Mỹ (vượt qua Việt Nam). Xuất phát từ thị trường mở rộng hơn và nhu cầu nội địa rất lớn nên sản lượng cá da trơn nuôi của Trung Quốc tăng rất nhanh, đạt 478.004 tấn vào năm 2005, tăng 100.000 tấn so với năm 2004 và tăng 160.000 tấn so năm 2003. Các đối tượng nuôi chính là Silurus asotus, Ictalurus punctatus, Pelteobagrus fulvidraco.

Bảng 4.5: Sản lượng nuôi cá da trơn của Trung Quốc 2003-2005 (Đơn vị: tấn)

Danh mục

2003

2004

2005

Tăng bq 2003-2005

Tổng sản lượng cá da trơn

317.985

377.492

478.004

23%

Trong đó: Ictalurus punctatus

45.552

62.618

101.096

49%

Các loài cá da trơn khác

272.433

314.874

376.908

18%

(Nguồn: FAO, 2007)

- Đông Nam Á: Cũng là khu vực sản xuất cá da trơn quan trọng của thế giới. Trong đó, nhiều nhất là Việt Nam, sau đó là Thái Lan, Inđônêxia, Malaysia. Các nước khác sản xuất cá do trơn không đáng kể. Inđônêxia và Campuchia có sự tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn 1999-2005 đạt 25%/năm đối với Inđônêxia và đạt 49% đối với Campuchia.

Bảng 4.6: Sản lượng nuôi cá da trơn ở Đông Nam Á giai đoạn 1999-2005 (Đơn vị: tấn)

Quốc gia

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Tăng bq ‘99-‘05

Tổng cộng

211.367

234.405

260.655

305.034

380.468

556.553

646.518

20%

Việt Nam

87.000

100.000

114.000

135.000

163.000

255.000

376.000

28%

Thái Lan

83.628

89.226

92.543

101.312

124.691

189.940

130.784

8%

Inđônêxia

27.350

31.629

36.979

49.457

70.826

80.234

102.090

25%

Malaysia

11.767

12.115

15.124

15.623

18.345

20.849

24.689

13%

Campuchia

510

500

484

508

643

3.600

5.600

49%

Myanma

0

0

0

500

800

5.000

5.000



Philíppin

1.112

935

1.525

2.634

2.163

1.930

2.355

13%

(Nguồn: FAO, 2007)

- Thái Lan: Tổng sản lượng các loài cá da trơn ở Thái Lan tính đến năm 2005 là 130.784 tấn, trong đó loài pangasius (giống cá tra Việt Nam) đạt 16.473 tấn. Vùng nuôi chủ yếu tập trung ở 2 tỉnh Mụcdahản và Ubôn Rắtchathani nằm ven sông Mê Kông, Đông Bắc Thái Lan. Vụ Nghề cá Thái Lan đã phối hợp với Viện Thực phẩm soạn thảo Kế hoạch phát triển cá da trơn năm 2005, mục tiêu của kế hoạch này là phát triển cá da trơn trên diện rộng, đem về giá trị xuất khẩu 10 tỷ bạt/năm (khoảng 312 triệu USD).

- Inđônêxia: Sản lượng cá da trơn ở Inđônêxia tăng khá nhanh trong giai đoạn 1999-2005, tốc độ tăng bình quân đạt 25%/năm để từ 27.350 tấn năm 1999 tăng lên 102.090 tấn vào năm 2005. Loài được nuôi nhiều nhất có tên khoa học Clarias spp (không phải cá tra). Sản lượng cá tra của Inđônêxia năm 2005 đạt 32.575 tấn, tăng 8.600 tấn so năm 2004 và chiếm 32% tổng sản lượng cá da trơn cả nước. Ngành Thủy sản Inđônêxia đặt mục tiêu 10,16 triệu tấn vào năm 2010, tăng hơn 2 triệu tấn so với năm 2007. Vốn đầu tư ban đầu 333,5 triệu USD tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ của ngành.

- Malaysia: Sau khi chính sách an ninh lương thực được ban hành gần đây, Chính phủ Malaixia đã đầu tư 342 triệu Ringgít để xây dựng 49 khu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, chính sách tập trung hơn vào các đối tượng tôm sú, rô phi và nhuyễn thể. Điều này đã thể hiện ở viện xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ trong những tháng đầu năm 2008 giảm so với trước đây. Theo kế hoạch phát triển NTTS đến năm 2010, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Malaixia sẽ đạt 662.000 tấn, trị giá 6,9 tỷ Ringgít, tăng gấp 4 lần so với mức sản lượng hiện nay (theo Growfish).

- Các nước Đông Nam Á khác: Do cùng có sông Mê Kông chảy qua Myanma, Lào và Campuchia cũng có nhiều lợi thế nuôi cá tra. Tuy nhiên, đến nay mỗi nước cũng chỉ sản xuất trên dưới 5.000 tấn cá tra, và như vậy, khi cá tra của ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới thì vấn đề cần làm là duy trì lợi thế và thị phần sau đó tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới.

- Việt Nam: So sánh giữa số liệu thống kê của FAO và số liệu thống kê từ các địa phương của Việt Nam, không có sự chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2005 đến nay, Việt Nam nổi lên trở thành nước sản xuất và xuất khẩu cá da trơn lớn nhất thế giới. Loài có khả năng cung cấp cho chế biến xuất khẩu có tên khoa học là Pangasius spp. Sản lượng cá tra nuôi tính đến năm 2007 đã đạt trên 1 triệu tấn (theo số liệu thống kể của Hải Quan), xuất khẩu đạt 386.870 tấn với KNXK gần 1 tỷ USD. Sự thành công của Việt Nam chắc chắn sẽ làm cho nhiều nước ở Đông Nam Á quan tâm hơn đến đối tượng này.

- Nam Mỹ: Cũng có nhiều nước nuôi cá da trơn như Braxin, Costa Rica, Êcuador, Chilê nhưng nhìn chung qui mô nuôi ở các nước này còn nhỏ so với nước ở khu vực khác, đặc biệt là so với cá tra của Việt Nam. Vì vậy, khả năng phát triển trong tương lai của họ sẽ khó cạnh tranh một khi Việt Nam vẫn giữ được lợi thế về giá và chất lượng sản phẩm. Tính đến năm 2005, tổng sản lượng cá da trơn của Braxin đạt 1.909 tấn, tăng 9% so với năm 2004, trong đó cũng chủ yếu là loài Ictalurus punctatus. Cũng sản xuất loài cá này ở Costa Rica nhưng sản lượng chỉ đạt 169 tấn.

4.2. TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ CỦA NUÔI CÁ TRA Ở VIỆT NAM

4.2.1. Tiềm năng diện tích và năng suất nuôi cá tra

Diện tích tiềm năng: Là phần diện tích đất các cồn, bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu, các nhánh sông.Tổng diện tích tiềm năng khoảng 53.500 ha.

Diện tích khả năng: Diện tích có khả năng nuôi cá tra được ước tính bằng 40% diện tích tiềm năng bởi nhu cầu về nước của đối tượng nuôi này lớn hơn rất nhiều so với các đối tượng nuôi khác. Tổng diện tích khả năng từ 19.000 ha -21.400 ha.

Năng suất nuôi cá tra: Bên cạnh lợi thế về diện tích thì năng suất nuôi cá tra của ta cũng là một lợi thế thứ hai. Do chất lượng con giống được đảm bảo và môi trường nuôi thuận lợi nên năng suất nuôi rất cao. Năng suất nuôi trung bình đạt 200- 300 tấn/ha/vụ nuôi.

4.2.2. Chi phí sản xuất thấp

So sánh với giá cá tra sản xuất tại Việt Nam thì giá cá thế giới cao hơn (thể hiện rõ ở bảng và hình vẽ dưới đây). Giá cá Tra trung bình của Việt Nam giai đoạn 2000-2005 chỉ từ 0,6-0,8 USD/kg, trong khi giá của cá da trơn và cá thịt trắng nuôi khác đều trên 1 USD/kg. Theo số liệu mới nhất cập nhật đến tháng 7 năm 2008, giá cá tra bình quân của Việt Nam tăng lên 14.200đ/kg (khoảng 0,9 USD) nhưng vẫn thấp hơn giá thế giới.

Như vậy, cá tra của Việt Nam có lợi thế về giá, cộng với sản lượng ngày càng sút giảm của nghề khai thác cá trắng nên cá tra sẽ tiếp tục có lợi thế trên thị trường thế giới. Để duy trì được lợi thế thì cần chủ động và đối phó tốt với những tình huống kiện phá giá. Chúng ta đã gia nhập WTO, Bộ Công Thương đã thành lập Cơ quan chuyên dự báo về khả năng xảy ra các vụ kiện tranh chấp thương mại, nên Việt Nam có thể ứng phó tốt hơn với các vụ kiện tương tự trong thời gian tới. Mặc dù có thể vượt qua hàng rào thuế quan nhưng chúng ta cần tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa vấn đề chất lượng sản phẩm để vượt qua hàng rào kỹ thuật.

Hình 4.6: Giá bình quân nguyên liệu của các loài cá thịt trắng và cá tra Việt Nam 2000-2005

4.2.3. Giá xuất khẩu cạnh tranh

Chi phí sản xuất thấp được thể hiện ở giá xuất khẩu có tính cạnh tranh rất cao ở các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cần nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại để đối phó hiệu quả với những vụ kiện phá giá.

4.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG

4.3.1. Thị hiếu của thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam

Mỗi thị trường có những yêu cầu về chất lượng và qui cách sản phẩm khác nhau. Nếu xét theo tiêu chí là màu thịt của cá phi lê thì thị trường được phân thành 2 nhóm là nhóm yêu cầu cá thịt trắng và nhóm không có yêu cầu phải loại bỏ thịt màu vàng. Những nước yêu cầu cá thịt trắng bao gồm: tất cả các nước EU, Nhật Bản, Mỹ. Những nước không cần loại bỏ thịt vàng gồm: Nga, Ucraina, Trung Quốc, Trung Đông, Mêhicô, Đông Nam Á và Đông Âu khác.

Nếu xét theo tiêu chí thu nhập của hộ gia đình thì cá tra được tiêu thụ chủ yếu cho người có mức sống trung bình và thấp. Do vậy, trong thời gian tới, ngoài thị trường EU, Đông Âu, cần tiếp tục mở rộng thị trường sang khối các nước còn nhiều tiềm năng khác như Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ.

4.3.2. Đánh giá khả năng tiêu thụ

Như đã đánh giá ở trên, nhu cầu thủy sản thế giới là rất lớn trong khi nguồn cung từ khai thác đang ngày càng giảm dần. Nuôi trồng thủy sản đang trở nên quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho con người. Các sản phẩm chế biến từ các loài cá da trơn, đặc biệt là cá tra của Việt Nam đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng như trong giai đoạn 1990-2005 thì tỷ trọng cá nuôi nước ngọt thế giới sẽ chiếm tương ứng là 29-33-35% tổng nhu cầu thủy sản vào các năm 2010, 2015 và 2020. Khối lượng thủy sản nước ngọt nuôi sẽ đạt tương ứng 34-41-48 triệu tấn. Riêng đối với nhu cầu cá tra trong thời gian qua cũng có sự tăng trưởng tốt. Cần khẳng định lại rằng, sự tăng lên của nhu cầu không hẳn là do sự giảm giá xuất khẩu mà sự giảm giá xuất khẩu trong giai đoạn vừa qua chính là sự thay đổi cơ cấu thị trường và cơ cấu mặt hàng. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khác như chi phí sản xuất cao, các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất.

Về khối lượng cá có khả năng tiêu thụ: hiện nay (năm 2007) khối lượng cá tra của nước ta đã chiếm tỷ trọng 3,8% thị trường thế giới. Nếu cố gắng duy trì nguyên con số thị phần này thì đến năm 2010, khối lượng cá tra tiêu thụ sẽ là 1,3 triệu tấn, năm 2015 là 1,6 triệu tấn và năm 2020 khoảng 1,85 triệu tấn. Khối lượng tiêu thụ có thể tăng thêm nếu cá tra vẫn giữ được lợi thế so sánh bởi vì thực tế hiện nay nhu cầu phụ thuộc rất lớn vào mức giá cạnh tranh và chất lượng chấp nhận được.

Căn cứ vào sức tải môi trường (như đánh giá trong báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch này) thì với sản lượng nuôi 2 triệu tấn cá tra/năm vẫn không bị ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ngoài ra, căn cứ vào năng lực chế biến hiện tại (công suất) và diện tích có khả năng nuôi. Nguồn vốn lớn nhất cần sử dụng trong sản xuất cá tra của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là vốn lưu động và vốn xây dựng các nhà máy sản xuất phế liệu từ cá tra.

4.4. DỰ BÁO CÁC TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Trong nuôi trồng thủy sản: NTTS sẽ được đẩy mạnh vì còn tiềm năng phát triển. Công nghệ sinh học phát triển sẽ được áp dụng trong NTTS để thực hiện sản xuất giống sạch chất lượng cao, nuôi sạch. Đa dạng hóa thủy sản nuôi, bảo đảm ATVSTP trong xuất khẩu và tiêu thụ nôi địa. Chú trọng cả nuôi sinh thái và nuôi thâm canh năng suất cao, nhưng phải theo hướng bền vững. Kiểm soát môi trường và phòng chống dịch bệnh sẽ được chú trọng, tăng cường, chủ động và hoàn thiện hơn.

Trong chế biến và thương mại thủy sản: Kỹ thuật mới trong công nghệ chế biến như đông gió, đông rời, hút chân không, luộc hấp, tái đông… sẽ tạo điều kiện sản xuất các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, thủy sản phối chế nhiều hơn. Tỷ trọng bán thành phẩm trong hàng XK sẽ giảm nhiều. Công nghệ sản xuất surimi phát triển để từ các loài thủy sản kém chất lượng và các loài có hiệu quả kinh tế thấp chế biến thành các sản phẩm mô phỏng, sản phẩm GTGT có giá trị xuất khẩu cao. Lượng phế liệu trong chế biến sẽ được tận thu để sản xuất dầu cá, bột cá và một số chế phẩm sinh học có ứng dụng trong ngành y, dược và một số ngành công nghiệp khác. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch phát triển tạo cho nguyên liệu tươi lâu hơn, giảm hao hụt nguyên liệu trong khi bốc dỡ vận chuyển và chờ chế biến. Các chất phụ gia độc hại sử dụng trong chế biến và bảo quản sẽ dần được thay thế bằng các chất không độc hại. Công nghệ sản xuất bao bì và đóng góp phát triển sẽ tạo điều kiện bảo quản và tiện cho tiêu dùng, nhờ thế sản phẩm sẽ hấp dẫn hơn.

Dịch vụ hậu cần: Trong vận chuyển lưu thông nguyên liệu thủy sản sẽ thuận tiện, nhanh chóng, chất lượng tốt hơn nhờ sử dụng xe lạnh, băng chuyền, kỹ thuật bảo quản sống… phổ biến trong các năm tới. Công nghệ thông tin phát triển sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ngành, làm tăng hiệu quả công tác quản lý, là phương tiện để tiếp thị sản phẩm, cập nhật các thông tin thị trường giá cả, có thể thiết kế hệ thống truy nguyên nguồn gốc sản phẩm,.... chú trọng xây dựng các thương hiệu thực phẩm thủy sản Việt Nam.

4.5. DỰ BÁO VỀ BIẾN ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

4.5.1. Môi trường toàn cầu

Gần đây nhất, tại Hội nghị phát triển bền vững được tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2002, đã tổng kết các vấn đề về môi trường và phát triển trên thế giới trong những năm qua và đưa ra các chương trình hành động cụ thể, một trong những vấn đề chính của Hội nghị này là sự biến đổi môi trường toàn cầu.

Theo số liệu đã được nghiên cứu và chứng minh (Viện Tầm nhìn Thế giới, 2001), cho đến năm 1997, nền kinh tế thế giới đã tăng gấp 6 lần so với năm 1950 và bắt đầu vượt qua giới hạn khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ của nguồn tài nguyên trái đất. Chỉ cần kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3%/năm thì tổng giá trị sản lượng sẽ tăng từ 29.000tỷ USD năm 1997 lên 57.000tỷ USD vào năm 2020 (xấp xỉ gấp đôi) và sẽ tăng gấp đôi một lần nữa (khoảng 138.000tỷ USD) vào năm 2050, vượt xa khả năng cung cấp của các nguồn tài nguyên trái đất. Từ đó, các nhà khoa học cho rằng sự phát triển kinh tế thế giới như hiện nay là phát triển không bền vững về mặt sinh thái và cần xây dựng một tương lai bền vững bằng một nền kinh tế mới-kinh tế sinh thái.

Các nước đang phát triển đều phải trải qua quá trình công nghiệp hóa. Quá trình sản xuất công nghiệp tại các nước đang phát triển nói chung đang tăng trưởng và ngày càng đa dạng. Đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển các ngành công nghiệp nặng, cần nhiều vốn như luyện kim, hóa chất, chế tạo máy là những ngành gây ô nhiễm nhiều hơn công nghiệp nhẹ.

Đô thị hóa và rác thải cũng đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Các vấn đề môi trường nổi cộm hiện nay là việc cung cấp nước thiếu về số lượng và kém về chất lượng; xử lý và đổ thải các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp; chất lượng không khí ở đô thị ngày càng xấu đi.

Các thành phố của các nước đang phát triển hiện nay chưa đủ năng lực giải quyết vấn đề rác thải, hiện chỉ giải quyết được 30-50% tổng lượng rác thải. Khi kinh tế phát triển thì tốc độ tăng rác thải còn lớn hơn tốc độ tăng dân số và chất thải ngày càng độc hại không thể phân giải bằng sinh vật được.

Con người đã can thiệp quá mức vào tự nhiên thông qua các hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, xả thải các loại khí đốt,…, hậu quả là khí hậu và thời tiết đang biến đổi theo xu thế chống lại con người. Các chất thải độc hại tăng lên (CFCs) phá vỡ tầng ô zôn, chất thải CO2 gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính (Greenhouse effect), trái đất đang nóng dần lên, hiện tượng băng tan, nước biển dâng. Trong nội địa tình trạng khai thác nguồn nước ngầm ngọt quá mức gây nên các hiện tượng sụt lún,….Tình trạng bão lụt, sóng thần, động đất, ngập lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn đã gây ra những thảm họa rất lớn cho loài người.

Có thế dự báo chắc chắn rằng khí hậu thời tiết sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu đi, điều kiện sản xuất sẽ ngày một khó khăn, chi phí sản xuất sẽ cao hơn và sẽ có rất nhiều ngành kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng trong tương lai không xa.



4.5.2. Vùng Đồng bằng sông Cửu long

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là môi trường nước trên các sông rạch trong khu vực. Các nguồn nước trong vùng bị chi phối bởi nước từ thượng nguồn đổ về, nước mưa và nước ngầm; chất lượng nước cũng bị chi phối bởi chất lượng nước thượng nguồn, xả thải của sinh hoạt và các hoạt động kinh tế khác trong vùng. Có thể nói, chất lượng môi trường nước đang bị ảnh hưởng và tác động của toàn bộ các hoạt động sản xuất trong và ngoài vùng (vùng lân cận).

Với xu hướng phát triển nhanh, mạnh của các ngành kinh tế như hiện nay thì trong một tương lai không xa, nếu công tác giám sát xả thải và quản lý các tác động đến môi trường không được quan tâm đúng mức thì tình trạng ô nhiễm sẽ khó tránh khỏi và lúc đó tác động ngược lại của nó đến sản xuất và đời sống của người dân sẽ gây ra những thiệt hại mà chúng ta có thể sẽ không lường trước được.

Như vậy có thể thấy, sẽ có 3 vấn đề rất lớn cần phải quan tâm để hướng sản xuất bền vững về mặt môi trường đó là: (1) Nâng cao nhận thức về vai trò, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân trong cộng đồng. (2) Công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp liên ngành cần phải được thắt chặt để quản lý nguồn tài nguyên được đánh giá là vô giá này. (3) Xây dựng được những thỏa thuận với các nước có dòng sông Mê Kông chảy quả để cùng khai thác nguồn tài nguyên có giới hạn này.

Nếu chúng ta giải quyết tốt các mối quan hệ liên ngành, trong nội bộ của mỗi ngành thì chất lượng môi trường nước khu vực ĐBSCL sẽ dần được cải thiện và khai thác sử dụng ổn định, lâu bền.

4.6. DỰ BÁO PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH TÁC ĐỘNG NGÀNH THỦY SẢN

(1) Tác động của các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X đến phát triển kinh tế-xã hội cả nước, vùng ĐBSCL TK 2006-2020 (Nguồn: Đảng công sản Việt Nam, 2006: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng).



Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được một bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế” (trang 185-186).

Каталог: DataStore
DataStore -> Ubnd tỉnh hậu giang sở NÔng nghiệP & ptnt
DataStore -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở NÔng nghiệp và ptnt độc lập Tự do Hạnh phúc
DataStore -> Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
DataStore -> PHÁt triển nông thôN
DataStore -> Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
DataStore -> I. KẾt quả thực hiện tháng 9, 9 tháng tháng 9, Bộ tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương đối phó và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 tại các tỉnh phía Bắc
DataStore -> Diện tích tự nhiên: 532. 916,42 ha. Dân số năm 2005: 219. 505 người
DataStore -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở NÔng nghiệp và ptnt
DataStore -> Ubnd tỉnh đĂk lăk cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở NÔng nghiệp và ptnt

tải về 3.08 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương