BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn dự Án quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ CÁ tra



tải về 3.08 Mb.
trang2/16
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích3.08 Mb.
#36655
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

2.1.1. Khí tượng thủy văn

a). Khí hậu


(1). Chế độ nhiệt: ĐBSCL nằm trong vùng nhiệt đới Bắc bán cầu, cận xích đạo, mang tính chất nhiệt đới gió mùa, mặt khác lại là vùng đồng bằng ven biển nên khí hậu trong vùng có sự pha trộn khí hậu hải dương với nền nhiệt độ cao và lượng mưa hàng năm dồi dào. Chênh lệch nhiệt độ các tháng trong năm, giữa ban ngày và ban đêm không lớn, nhiệt độ tăng khoảng 0,50C/30 năm. Tổng nhiệt độ trung bình năm của vùng 9.500-10.0000C.

(2). Chế độ bức xạ trung bình 110-170Kcal/cm2/năm. Số giờ chiếu sáng cao và phân bố tương đối đồng đều trong năm đây là điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế nói chung và NTTS nói riêng.

(3). Độ ẩm không khí trung bình dao động từ 83-88% có xu hướng tăng dần từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam, tuy nhiên sự chênh lệnh này không lớn.

(4). Lượng mưa tập trong mùa mưa chiếm khoảng 90% lượng mưa của cả năm, góp phần thau chua, rửa mặn rất tốt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

(5). Chế độ bốc hơi đạt 1.000-1.400mm/năm, thấp hơn lượng mưa có tác dụng tốt trong giữ ẩm đất; tuy nhiên còn phụ thuộc tính phân mùa mưa, khô rõ rệt trong vùng.

(6). Chế độ gió, giông, bão: Là vùng ít bão, gió Tây Nam thịnh hành vào mùa mưa và gió Đông Bắc thịnh hành vào mùa khô. Có nhiều giông, xuất hiện từ tháng 4 -11 trong năm. Trung bình một năm có 100 -140 ngày giông.

b). Chế độ thủy văn


(1). Hệ thống sông rạch

Chế độ thủy văn của Đồng bằng sông Cửu Long chịu sự chi phối hoàn toàn của sông Mê kông. Sông Mê Kông bắt nguồn từ Trung Quốc, đi qua 5 nước trước khi chảy vào Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông; Sông Mê Kông thuộc địa phận Việt Nam được gọi là sông Cửu Long. Từ Phnom Penh (Cam-Pu-Chia), nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai con sông này đều chảy vào khu vực Đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam với chiều dài khoảng 220-250 km.

Hệ thống sông Cửu Long gồm nhiều con sông lớn nhỏ như sau:


  • Sông Hậu chảy qua tỉnh An Giang (Châu Đốc, Long Xuyên), làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng và đổ ra biển trước đây theo ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Trần Đề. Khoảng thập niên 70 cửa Ba Thắc bị bồi lấp nên ngày nay sông Hậu chỉ còn hai cửa. Đoạn rộng nhất của sông Hậu nằm ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 km.

  • Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa dòng, chảy qua các huyện Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (Đồng Tháp), các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Đến huyện Cai Lậy (Tiền Giang) sông Tiền chia thành bốn sông đổ ra biển qua sáu cửa:

    • Sông Mỹ Tho: dài khoảng 45km, chảy qua thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và phía nam Tx. Gò Công, ra biển qua cửa Đại và cửa Tiểu.

    • Sông Hàm Luông: dài khoảng 70km, chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa Hàm Luông.

    • Sông Cổ Chiên: dài khoảng 82km, làm thành ranh giới tỉnh Bến Tre-Trà Vinh, đổ ra biển qua cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.

    • Sông Ba Lai: dài khoảng 55km, chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre, đổ ra biển theo cửa Ba Lai.

Bên cạnh hệ thống sông Cửu Long, ĐBSCL còn có một số hệ thống sông-kênh lớn khác như sau:

  • Sông Vàm Cỏ, sông Sở Thượng và Sở Hạ, sông Giang Thành, sông Châu Đốc, sông Cái Lớn và Cái Bé.

  • Hệ thống kênh đào: Vùng ĐBSCL có hệ thống kênh đào khá dày, mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy. Hệ thống kênh đào gồm kênh trục, kênh cấp I, kênh cấp II, và kênh nội đồng. Hệ thống kênh đào nối sông Vàm Cỏ với sông Tiền; sông Tiền với sông Hậu; sông Hậu với Vịnh Thái Lan, sông Cái Lớn và một số sông khác và nối thông các vùng nằm sâu trong nội địa ra sông chính.

(2) Dòng chảy và sự xói lở

Dòng chảy

Chế độ dòng chảy sông Mê Kông chia 2 mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa kiệt. Ở thượng lưu, mùa lũ bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc tháng 11, mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 5. Hàng năm, vào cuối tháng 7, nước lũ bắt đầu gây ngập ở ĐBSCL và mức lũ đạt cao nhất vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, sau đó hạ dần đến tháng 11-12. Thời kỳ nước lũ cũng là thời kỳ có mưa lớn ở ĐBSCL, điều này làm tăng thêm mức độ ngập, tùy nơi thời gian ngập lụt kéo dài 2-4 tháng. Trong thời gian lũ dòng chính hạ lưu sông Mê Kông thuộc ven sông Tiền và sông Hậu chảy trên nền đáy bằng phẳng vùng đồng lụt ven sông-diện tích khoảng 1,2 triệu héc ta được tạo bởi phù sa có lớp bùn cát lỏng nên dòng sông dễ bị xói lở.



Sự xói lở

Hiện tượng xói lở ở các triền sông (sông Hậu và sông Tiền) trong mùa lũ đã và đang đe dọa cuộc sống hàng ngàn hộ dân sống ven sông.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn An Giang năm 2005, toàn tỉnh có 40 điểm sạt lở nguy hiểm, tập trung ở các huyện Chợ Mới, Tân Châu, Tp. Long Xuyên. Đến năm 2007, Ban chỉ huy Phòng chống Lụt Bão tỉnh An Giang đã thống kê có khoảng trên 90 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 170km với tốc độ sông lấn bờ hàng chục mét/ngày. Còn ở Đồng Tháp, có 94 điểm sạt lở, dài 162 km, khoảng 3.000 hộ bị ảnh hưởng. Vĩnh Long có 53 điểm sạt lở, dài gần 38.000m, hàng trăm hộ nằm trong vùng nguy hiểm… Năm 2006, trên 33 người thiệt mạng, nhiều dãy phố và hàng ngàn căn nhà bị cuốn trôi; 6 làng bị xóa sổ. Trên 3.200 ha đất biến mất, nhiều cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà cửa, bến phà… sụp xuống sông; thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Mạng lưới sông-kênh-rạch thông nhau chằng chịt ở ĐBSCL khiến cho chế độ dòng chảy ở đây rất phức tạp. Hiện nay, hàng loạt hoạt động trên con sông Mê Kông, từ thượng nguồn đến hạ lưu đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và hoạt động sống của dân cư nằm dọc các con sông.



(3) Chế độ thủy triều và sự xâm nhập mặn

Chế độ triều ven biển

ĐBSCL có chế độ triều tương đối khác nhau giữa vùng biển phía Đông (từ Vũng Tàu đến Cà Mau) và vùng biển phía Tây (Vịnh Thái Lan).



  • Khu vực biển phía Đông

Bờ biển phía Đông kéo dài từ Vũng Tàu đến mũi Cà Mau, dài 400 km chịu ảnh hưởng rõ rệt của chế độ thủy triều bán nhật triều không đều, biên độ triều khá lớn trên 2 m, đạt tối đa 3,5 m. Đặc biệt trong chu kỳ triều Maton (chu kỳ 19 năm) có thể lên đến 4 - 4,2 m. Mỗi ngày có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống nhưng biên độ triều trong 2 lần khác nhau. Trong mỗi chu kỳ 1/2 tháng, có sự chênh lệnh đáng kể về biên độ kỳ nước cường. Nước lớn thường xảy ra vào những ngày mồng 2 - 3 âm lịch, hoặc ngày 18 - 19 âm lịch. Nước kém xảy ra vào thời gian giữa 2 kỳ nước cường (ngày 7 - 8 âm lịch hoặc 20 - 21 âm lịch).

Chế độ thủy triều nói trên diễn ra đều đặn suốt chiều dài 300 km dọc bờ biển, chỉ riêng đoạn gần đến mũi Cà Mau thì mới có sự biến động lớn về tính chất và biên độ của thủy triều.



  • Khu vực biển phía Tây

Bờ biển phía Tây từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên dài 250 km. Khu vực này chịu chi phối bởi thủy với chế độ triều nhật triều không đều của vùng biển vịnh Thái Lan, đoạn gần mũi Cà Mau bị ảnh hưởng của thủy triều biển Đông. Triều phía Tây tiến vào đất liền qua các sông tự nhiên như sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Cái Lớn, sông Cái Bé,... và một số kênh đào. Biên độ trung bình triều phía Tây nhỏ hơn 1 m, tối đa không quá 1,1 - 1,2 m, trung bình khoảng 0,7 - 0,8 m, đồng thời chênh lệch giữa các vùng về biên độ ít, song tính chất thủy triều lại có một số điểm khác nhau về cơ bản ở một số vùng. Ví dụ như khu vực Rạch Giá thuộc chế độ thủy triều hỗn hợp, nhưng nghiêng về bán nhật triều, với số ngày trong tháng có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống (tức chịu ảnh hưởng chế độ nhật triều không đều thiên về bán nhật triều). Từ Rạch Giá đi về phía Hà Tiên thì triều hỗn hợp lại thiên về nhật triều, với số ngày trong tháng có 1 lần dao động triều chiếm ưu thế.

Sự truyền triều vào sông Cửu Long và bán đảo Cà Mau

Thủy triều biển Đông gia tăng biên độ khi tiến sát đến cửa sông và bắt đầu giảm dần khi truyền sâu vào đất liền. Đặc biệt về mùa nước kiệt, ảnh hưởng của triều trong hệ thống sông rất lớn.

Đi sâu vào khoảng 140-150 km, độ lớn của triều giảm đi 50% và đến khoảng cách 200 - 220 km, độ lớn của triều giảm đi 25%. Tuy vậy, vào mùa kiệt, ở điểm cách cửa biển 200 km người ta vẫn ghi nhận được biên độ mực nước trên sông Cửu Long lên đến 1,4 m.

Trên các sông rạch nhỏ, biên độ triều giảm nhanh dần, như trên sông Gành Hào, biên độ triều giảm đi 3,5 lần so với cửa biển. Trong mùa lũ, ảnh hưởng của triều yếu đi, nhưng nó cũng là một yếu tố làm mực nước lũ tăng cao.

Tốc độ truyền sóng triều ở đây cũng giống như ở sông Hậu trung bình khoảng 25 km/giờ. Lưu lượng triều đạt giá trị cực đại vào tháng 4, thời gian này sóng triều có thể lan đến Cam-Pu-Chia, đi qua đoạn Mỹ Thuận-Tân Châu trên sông Tiền và Cần Thơ-Châu Đốc trên sông Hậu. Trong các tháng 2 và 6 thì sự truyền thủy triều có giảm đi, triều chỉ có thể lên đến Cam-Pu-Chia khi xuất hiện kỳ nước cường trong chu kỳ 1/2 tháng. Lưu lượng truyền triều trung bình đo được tại Cần Thơ là 1.500 m3/s và tại Mỹ Thuận khoảng 1.600 m3/s. Tổng lượng nước triều hằng năm qua Tân Châu và Châu Đốc lên đến gần 50 tỷ m3 nước. Trong chu kỳ năm, tác động triều ở biển Đông mạnh nhất vào tháng 12 tới tháng 1, rồi yếu đi trong các tháng 3, tháng 4 rồi mạnh lại vào tháng 5 đến tháng 7 và yếu đi trong tháng 8 tới tháng 9 dương lịch.

Sự truyền triều trong hệ thống ĐBSCL rất phức tạp, nhất là vùng Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Khu vực Cà Mau đóng một vai trò trung gian giữa 2 loại thủy triều biển Đông và vịnh Thái Lan. Ở đây, do sự pha trộn của 2 thể loại triều truyền ngược nhau đã sinh ra hiện tượng giao thoa sóng. Hiện tượng giao thoa xuất hiện trong các kênh rạch nhỏ trong vùng và gây phức tạp trong tính toán. Các kênh Rạch Sỏi, kênh Cà Mau - Phụng Hiệp,... cũng có hiện tượng này. Nhân dân gọi đây là "vùng giáp nước", các nơi này nước chảy chậm, bùn cát lắng đọng nhiều,... Nói chung, các "vùng giáp nước" là nơi không thuận lợi cho các hoạt động Nông nghiệp - Thủy sản và cải tạo đất nếu so sánh với các vùng có dòng chảy mạnh, biên độ triều lớn và chất lượng nước tốt.



Sự xâm nhập mặn

Do vị trí địa lý tự nhiên nên ĐBSCL bị ảnh hưởng mặn cả từ phía Đông và biển phía Tây. Do chế độ bán nhật triều không đều ở biển Đông, nên việc truyền mặn từ các vùng biển này vào các cửa sông cũng theo nhịp điệu của quá trình triều: tại một vị trí cố định, trong ngày thường có 2 đỉnh mặn và 2 chân mặn, thường thì quá trình mặn chậm hơn quá trình mực nước khoảng 1-2 giờ, độ mặn cũng giảm dần từ cửa sông vào sâu trong nội địa. Vào cuối mùa lũ, khi nguồn nước từ thượng lưu về trong sông giảm dần, mặn từ biển bắt đầu lấn dần vào vùng cửa sông và theo triều xâm nhập vào sâu lên thượng lưu.

Mức độ xâm nhập mặn lớn nhất là vào tháng 4-5 hàng năm trên các nhánh sông, sau đó giảm dần theo thứ tự: tháng 3, tháng 2, tháng 1, tháng 6, tháng 8, tháng 9 và yếu nhất là tháng 10. Từ tháng 6, do ảnh hưởng của sự gia tăng nước ngọt thượng nguồn vào những tháng đầu mùa lũ và mùa mưa tại đồng bằng, nước mặn bị đẩy ra xa vùng ven biển.

Xâm nhập mặn 10‰ ảnh hưởng mạnh nhất trên sông Vàm Cỏ Đông đến Bến Lức và Vàm Cỏ Tây đến Tân An.

Hiện các hệ thống cống trong hệ thống kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp từ Giá Rai trở xuống được đóng mở theo yêu cầu của hoạt động NTTS phía trong cống, đả bảo độ mặn lớn nhất ở Ninh Quới không được vượt quá 4‰. Đáng chú ý nhất là sự xâm nhập mặn ở vùng Bán đảo Cà Mau, vì ngay khi mùa mưa chấm dứt, vào tháng 12-1, ảnh hưởng của mặn đã rất đáng kể.

Vùng ĐBSCL có 3 khu vực nhiễm mặn đáng chú ý, đó là: vùng mặn sông Vàm Cỏ, vùng Bán đảo Cà Mau, vùng ven biển phía Tây của Tứ Giác Long Xuyên.



  1. Vùng mặn sông Vàm Cỏ:

Đây là vùng chuyển tiếp từ ĐBSCL sang Đông Nam Bộ, do lưu lượng nước ngọt sau khi được tiêu thụ trên khắp đồng bằng còn thừa để chảy ra cửa sông rất nhỏ, mà lòng sông Vàm Cỏ lại rộng và sâu, nên trong mùa khô, sau khi tháo hết nước lũ, thủy triều truyền vào sâu trên sông Vàm Cỏ Tây, và mặn xâm nhập rất sâu. Ngay từ đầu tháng 2 hàng năm, độ mặn 3‰ thường lên quá Tân An, cách cửa sông trên 80km; tháng 4, độ mặn 3‰ lên đến Tuyên Nhơn cách cửa sông 110km, sâu hơn so với sông Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu (khoảng 55km). Đến tháng 6, khi có mưa trên Đồng Tháp Mười, và lưu vực ở phía trên, nước chua chảy xuống nhiều thì Tân An trở xuống mới giảm độ mặn. Xét trên cả 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, thế cân bằng đẩy mặn và nhiễm mặn hiện đang rất bấp bênh, thiếu ổn định và dễ trở thành bất lợi nếu không đảm bảo cân đối lượng nước cần dùng với lượng nước ngọt chảy đến, xét trên một miền rộng lớn.

  1. Vùng bán đảo Cà Mau:

Đây là vùng được xem xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng. Là vùng đất mũi, 2 phía tiếp giáp với 2 chế độ triều khác nhau, nằm ở khu vực các hệ sông tiêu nội địa nối thông 2 biển, trên vùng đất bằng phẳng - thấp ở trung tâm bán đảo không được tiếp nước ngọt từ sông Cửu Long mà. Chế độ xâm nhập mặn vùng này chịu ảnh hưởng của sự nhiễm mặn từ sông Cái Lớn và hệ thống đẩy mặn của một loạt kênh trên miền Tây sông Hậu (từ Cái Sắn đến Xà No). Trước khi thực hiện chương trình ngọt hóa (1990-1992) thì vùng Bán đảo Cá Mau rất ít nhận được nước ngọt từ sông Hậu dẫn vào. Tuy nhiên, thời kỳ này, điều kiện dùng nước trong mùa khô chưa quá nhiều nên sự xâm nhập từ biển Tây vào cuối các con kênh còn chưa sâu và chưa nghiêm trọng: các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Tân Hiệp (Kiên Giang) bị ảnh hưởng không nghiêm trọng và thời gian ngắn hơn. Ví dụ nếu nước ở cửa sông Gành Hào, Ông Đốc, trong tháng 2-3-4 có độ mặn lớn nhất vào khoảng 24-30‰ thì ở trạm Xẻo Rô (cửa sông Cái Lớn), trạm Tắc Cậu (cửa sông Cái Bé), độ mặn tương ứng chỉ 12-14‰. Hiện nay, 11/12 cống ngăn mặn chủ yếu của dự án ngọt hóa đã hoàn thành, tạo điều kiện cho dẫn ngọt sâu hơn xuống phía Nam Quản Lộ - Phụng Hiệp, còn vùng phía Bắc Quản Lộ - Phụng Hiệp, do chưa ngăn mặn nên diễn biến mặn khu vực Chắc Băng, Thới Bình, Vĩnh Thuận, Ngã Ba Đình… khá phức tạp.

Đặc biệt với vùng Nam BĐCM thuộc 3 huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển (Cà Mau) với diện tích hơn 300.000ha, quá xa nguồn nước ngọt sông Hậu, mực nước ngầm ở tầng sâu, trữ lượng không lớn nên nguồn ngọt chủ yếu có từ nước mưa tại chỗ. Hầu như quanh năm vùng này đều bị ảnh hưởng của độ mặn 4‰, mùa kiệt thì vùng được bao phủ bởi nước có độ mặn 15-20‰, mùa mưa thì nước có độ mặn 5‰ cũng chiếm diện tích đáng kể.

Hiện nay, với yêu cầu phát triển NTTS, các cống ngăn mặn này được chuyển sang mục đích “kiểm soát mặn”, nghĩa là điều tiết mặn sao cho thích hợp với việc NTTS. Hệ thống ngăn mặn nội đồng vì thế cũng thay đổi cho thích hợp tương ứng


  1. Vùng phía Tây của Tứ Giác Long Xuyên:

Là vùng nằm dọc theo kênh Rạch Giá - Hà Tiên, bị ảnh hưởng trực tiếp của nước mặn phía biển Tây. Vùng này có các kênh tiếp nước đều xuất phát từ miền nước ngọt của sông Hậu, độ mặn ở đây được quyết định chủ yếu bởi khả năng tải nước của các kênh dẫn và lượng nước đã dùng trên dọc các tuyến kênh đó.

Hiện nay, một loạt cống tiêu lũ, ngăn mặn được xây dựng dọc theo bờ biển phía Tây của TGLX theo chương trình kiểm soát lũ TGLX, khi đỉnh triều cao các cống tự động đóng lại, hầu như hạn chế mặn xâm nhập từ phía Biển Tây vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên và TGLX.

Vùng ven biển ĐBSCL thường xuyên bị nhiễm mặn, hàng năm khoảng 6-9 tháng liên tục bị ảnh hưởng độ mặn trên 4‰. Những năm gần đây, khi có hệ thống công trình thủy lợi vùng mặn, diện tích được ngọt hóa tăng lên nhanh, đáng kể nhất là Gò Công, Bắc Bến Tre, Măng Thít, và dự án ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp.
(4) Chế độ ngập, lũ

Hàng năm sông Cửu Long chuyển trên 500 tỷ m3 nước ra đến biển với lưu lượng bình quân là 13.500 m3/s, trong đó 3/4 lưu lượng được đưa về trong mùa mưa lũ kéo dài 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm (mùa lũ), 1/4 lượng nước đưa ra biển trong 7 tháng còn lại (mùa kiệt). Lưu lượng cực đại trên sông hằng năm vào tháng 9, tháng 10 và lưu lượng đạt cực tiểu vào tháng 4. Mặc dầu sông Cửu Long có lưu lượng và tổng lượng nước khá lớn nhưng các đặc trưng dòng chảy khác không lớn lắm do lưu vực của sông khá rộng.



  • Lưu lượng nước mùa lũ:

Tổng lưu lượng lũ trung bình/ngày ở ĐBSCL (Qvđb) khoảng 38.000-40.000 m3/s, Qvđb lớn nhất có thể đạt 40.000-45.000 m3/s, trong đó:

+ Vào sông Tiền: 25.000-26.000 m3/s, chiếm 75-80% tổng lưu lượng lũ, sau đó theo sông Tiền qua cù lao Tứ Thường vào rạch Hồng Ngự (5-10%) sau đó quay lại sông Tiền.

+ Vào sông Hậu: 7.000-8.000 m3/s, chiếm 15-20% tổng lưu lượng lũ.

+ Lũ tràn qua biên giới: 8.000-12.000 m3/s, chiếm 20-25% tổng lưu lượng lũ, gây ngập lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.



  • Diễn biến ngập - lũ:

Đầu lũ: thông thường từ tháng 7, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc đã gia tăng nhanh chóng, cộng với mưa nội đồng lớn làm xuất hiện ngập lũ ở khu vực đầu nguồn ĐBSCL. Khoảng từ 15-31 tháng 8, mực nước ở Tân Châu thường ở mức trên 3,5m và ở Châu Đốc trên 3,0m (chiếm 56% tổng số năm quan trắc).

Đỉnh lũ: mực nước lũ cao nhất trong năm thường xuất hiện trong thời gian từ hạ tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10 (20/9 đến 10/10) với tần suất cao hơn vào thượng tuần tháng 10 (1-10/10). Trung bình 2 năm có một năm lũ vượt quá mức báo động III (trên 4.5m tại Tân Châu). Chênh lệnh mực nước lũ nhiều năm tại Châu Đốc là 2,24m và tại Tân Châu là 1,99m.

So với lũ ở thượng lưu sông Mê Kông, thì ở sông Tiền và sông Hậu diễn ra hiền hòa hơn: khi lũ ở Kratie (Cam-Pu-Chia) đạt trên dưới 10m thì biên độ lũ tại Tân Châu, Châu Đốc cũng chỉ khoảng 3,5-4,0m.

Thời gian duy trì mực nước trên 3,0m tại Châu Đốc và trên 3,5m tại Tân Châu khoảng 3 tháng đối với năm lũ lớn và 2 tháng đối với năm lũ trung bình. Thời kỳ lũ lớn, cường suất lũ chỉ ở mức 3-4 cm/ngày trên dòng chính và 2-3 cm/ngày trong nội đồng.

Lũ ở ĐBSCL thường là lũ một đỉnh, đạt lớn nhất vào khoảng nửa đầu tháng 10. Đôi khi xuất hiện đỉnh lũ trong tháng 8 hoặc đầu tháng 9, sau đó giảm đi chút ít rồi tăng trở lại và đạt lớn nhất trong năm vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Những năm lũ kép thường là lũ lớn, thời gian duy trì mức nước cao kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Đỉnh lũ Tân Châu thường sớm hơn Châu Đốc 3-5 ngày, đỉnh lũ Châu Đốc sớm hơn đỉnh lũ Long Xuyên 5-7 ngày, đỉnh lũ Long Xuyên sớm hơn đỉnh lũ Cần Thơ 15-20 ngày. Những năm lũ lớn, nếu đỉnh lũ xảy ra vào thời kỳ triều cường biển Đông thì tình hình ngập lũ càng nghiêm trọng ở ĐBSCL, vùng Tây sông Hậu cũng nằm trong tình hình đó.

Lũ rút: từ tháng 11 trở đi, lũ bắt đầu rút với cường suất cao là 2-4 cm/ngày.


Каталог: DataStore
DataStore -> Ubnd tỉnh hậu giang sở NÔng nghiệP & ptnt
DataStore -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở NÔng nghiệp và ptnt độc lập Tự do Hạnh phúc
DataStore -> Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
DataStore -> PHÁt triển nông thôN
DataStore -> Céng hoµ x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập Tự do Hạnh phúc
DataStore -> I. KẾt quả thực hiện tháng 9, 9 tháng tháng 9, Bộ tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương đối phó và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 tại các tỉnh phía Bắc
DataStore -> Diện tích tự nhiên: 532. 916,42 ha. Dân số năm 2005: 219. 505 người
DataStore -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở NÔng nghiệp và ptnt
DataStore -> Ubnd tỉnh đĂk lăk cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở NÔng nghiệp và ptnt

tải về 3.08 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương